[Funland] Bốn người đàn ông sống nhiều năm trên một cái bè giữa biển

Biển số
OF-495333
Ngày cấp bằng
7/3/17
Số km
3,414
Động cơ
243,323 Mã lực
Tuổi
43
Trên cái bè dựng ngôi nhà gỗ rộng chừng 30m2, bốn kiểm lâm viên làm bạn với một con chó. Dù có cơ hội chuyển đi nhưng họ tình nguyện ở lại, người 7 năm, người 6 năm để gác rừng, gác voọc, gác biển đảo quê hương…

I: NỔI NÊNH GIỎ CÙNG

9 cây số đầy ải ở rừng già:

Từ vườn quốc gia Cát Bà muốn vào đến Giỏ Cùng-Trạm kiểm lâm độc nhất vô nhị ở Việt Nam là một hành trình đầy khổ ải với khúc dạo đầu là chín cây số đi bộ xuyên rừng già. Vũ Quang Mạnh-tổ kiểm lâm cơ động tình nguyện làm người dẫn đường cho chúng tôi. Anh hiểu rõ những khúc cua, con dốc của cung đường này vì từng nếm trải cảnh đi tuần đêm căng lều bạt ngủ giữa rừng, từng phải hái ngọn rau dướn, chặt lõi báng lót lòng cho khỏi đói.



Ao Ếch

Bên vách đá nhọn hoắt, bên vực sâu cận kề, chúng tôi như những con thằn lằn, nhoài, trườn, bò, chui rúc mà tiến lên phía trước. Lắm chỗ mặt người sau chạm vào gót chân người trước. Qua dốc Áng Dạng, mặt người đồng nghiệp của tôi ở báo địa phương nhợt nhạt như đuối nước, mũi mồm tranh nhau phì phò. Thấy cảnh ấy, một người dân bản địa đi phía trước kêu ầm lên: “Anh này quay lại ngay, đi tiếp để chết ở giữa rừng à?”. Ngần ngừ. Lo sợ. Nhưng rồi tính tự ái đã chiến thắng tất cả. Anh bạn tôi thập thõm đi tiếp.

Rừng mỗi lúc một thâm u mở ra những cảnh vật độc đáo. Nào là Ao Ếch-một khu vực đất ngập nước độc đáo rộng đến 3,2 ha treo giữa lưng chừng trời. Nào là giống cọ Hạ Long quen đứng chon von trên các đỉnh núi như những cái ô khổng lồ cách xa hàng vài cây số đã có thể nhìn thấy. Nào là các kỳ hoa, dị thảo, dị thú chưa từng gặp, chưa từng nghe thấy một lần trong đời…Nắng tràn trên đầu, bùn nhòa dưới chân. Đám vắt rừng trực sẵn dưới lớp lá mục nhảy tanh tách tranh nhau cắm vòi vào da thịt. Chúng tôi đi như trong một cơn mê hoang vì sức lực đã cạn kiệt hết, đi mà không lý giải được tại sao mình nhấc chân lên nổi. Cơ bắp căng cứng.
Rừng lùi dần, đất bằng mở ra, biển cả bao la phía trước. Cheo leo bám bên hom đá là trạm kiểm lâm Việt Hải-một ngôi nhà cũ kỹ dột nát. Từ Việt Hải chúng tôi đi nhờ xuồng ra Giỏ Cùng. Gió phần phật bên tai. Sóng ràn rạt trước mặt. Chiếc xuồng mong manh như một chiếc lá cứ trồi lên rồi lại hụp xuống. Nửa giờ sau, trên nền xanh thẫm của biển hiện ra một ngôi nhà gỗ dựng trên chiếc bè bé tẹo được kết bằng các thùng phuy nhựa. Bên hông nhà, lá cờ đỏ sao vàng căng phồng trong gió biển.



Cơ ngơi của các anh

Chuyện sóng và chuyện gió:

Giỏ Cùng đấy! Nơi mỗi bước chân người đều phải khẽ khàng vì sợ ngôi nhà nhỏ lung lay. Chật chội quá! Mất vài bước là tôi đi hết trạm. Nào có nhiều nhặn gì? Một ngôi nhà gỗ chừng 30m2. Một cái bếp nhỏ chừng 1m2. Một lối đi vòng quanh kết bằng gỗ rộng chừng 30cm. Cái lối đi mà PGĐ vườn quốc gia Phạm Văn Thương ám ảnh mãi vì chứng kiến người nhân viên bước hụt, ngã nhào lăn xuống biển. Bì bõm lội từ dưới nước lên, ướt nhèm mà anh này vẫn còn cười: “Giá có thể cạp thêm cho nó rộng ra chừng một gang nữa thì tốt thủ trưởng nhỉ?”.

Một con chó có cái tên rất độc, con Giềng. Nó luôn miệng ư ư, ngoăn ngoắn đuôi mừng rỡ. Chốn hoang vắng, bản năng giữ nhà của con chó dường như đã biến mất. Hễ thấy bóng người lạ từ xa, những người mà một vài tháng mới xuất hiện một lần là nó xoắn tới. Con vật khôn đến nỗi không bao giờ đi vệ sinh trên bè mà biết bơi vào bờ cách đó chừng 50 mét, xong xuôi đâu đấy lại bơi ra. Ngoài Giềng, bạn bè với các anh thi thoảng còn có lũ quạ láu lỉnh mỗi bữa ăn cứ sà xuống chực trộm cơm, trộm cá.



Tuần biển
Trên không gian sống con con ấy tôi lặng ngắm mấy cây xanh trồng trong hai cái chậu. Một trồng me, chanh, ớt. Một trồng bí đao. Cây bí đã già, thân mốc thếch nhưng mới chỉ bò cao chừng 1m, chìa ra những cái lá bé như vành tai con trẻ. Ai đó đã khéo bắc chiếc giàn cho nó bằng những sợi dây cước tháo ra từ tấm lưới cũ. Cái cây nhỏ bé đến mức chẳng ai nghĩ là có thể bò lên nổi giàn và đậu quả được nhưng nó là một mảng xanh, là nơi để anh em nhìn vào đó đỡ thấy nhớ chênh chao làng xóm.

Tài sản quý nhất của các anh là mấy thùng phuy nước ngọt. Nước ở đây có giá 150.000đ/m3 mà không phải lúc nào cũng mua được vì trạm quá biệt lập. Tiêu chuẩn mỗi người được cấp 1,5m3 một tháng, đông cũng như hè, muốn dùng thêm là phải móc túi ra mà bù vào. Từng giọt nước cũng được tính toán chi li! Khăn tắm là thứ xa xỉ vì nó…ngấm nước rất kinh còn khăn mặt chỉ dám dùng loại be bé. Rửa mặt xong để dành nước tưới cây, vo gạo rồi dành để rửa rau, rửa bát. Quần áo ngâm xà phòng bằng nước ngọt, giặt bằng nước mặn, giũ lại bằng nước ngọt. Bởi thế áo trắng là một thứ của hiếm ở đây. Đến ngay cả việc tắm cũng toàn bằng nước mặn rồi tráng qua quýt vài ca nước ngọt là xong. Kỷ luật thép ấy được thực hiện cả năm chỉ trừ những lần bão gió, nước mặn táp vào mấy chậu cây, sợ chúng chết, các anh phải dội cho vài ca nước ngọt.



Tuần biển

Hầm hập! Giữa biển, mặt trời như một cái hỏa lò khổng lồ sà xuống thấp và chói chang. Nóng từ trên trời dội xuống. Nóng từ mái tôn bốc lên. Nóng trong những luồng gió mặn mòi nhơm nhớp thịt da. Mồ hôi vã ra như tắm. Nguyễn Quang Khải-Trạm trưởng mau mắn bảo nhân viên: “Cậu không bật điều hòa hay bấm nhầm chế độ sưởi mà nóng thế?”. Thấy khách ngơ ngác: “Ở đây sang thế, các anh có cả điều hòa?” các anh bật cười ha hả. Điện chẳng có, sóng đài cũng không, điện thoại phải treo ở một vị trí cố định thỉnh thoảng mới hiển thị một vạch thì làm sao có điều hòa nóng với chả lạnh.

Thoắt cái trời đất bỗng đen sầm. Gió thổi từng cơn. Mưa rào rào trút xuống mái tôn như ngàn viên đá nhỏ. Đối với các anh đó là cơn mưa tiền, mưa bạc. Tất cả xô chậu đều được huy động ra để hứng, kể cả nước nhỏ ra từ những lỗ rỉ trên mái nhà. Bữa ăn dọn ra dưới mái hiên, bát cơm cũng chan hòa cùng nước trời. Lũ gián thuyền trốn mưa chạy loăng quăng từng đám khắp bè. Một bóng thuyền xuất hiện ngoài xa. Trạm trưởng Khải buông bát đũa, bật dậy, tháo dây buộc xuồng rồi giật máy. Chiếc xuồng rẽ sóng, lao đi như một mũi tên bạc. Bóng anh liêu xiêu chìm dần vào màn mưa.

Biển xa, những cơn bão cũng khủng khiếp hơn trong đất liền. Trạm như một cái giỏ hứng chịu sóng gió. Nghe tin dự báo trước mỗi trận bão, anh em phải kéo bè vào sát ghềnh đá để tránh bị đập vỡ. Sóng ào ào đuổi nhau dưới gầm giường. Sóng dịch chuyển cả những phuy nước nặng vài tạ. Sóng hất xuồng chồm lên cả bè. Gió thốc những tấm tôn lợp nhà tung lên trời như một đám vụn bào. Những con voọc lúc ấy cũng bỏ thói quen ngủ bám tay vào vách đá mà trốn biệt vào hang. Mạng người lắm lúc như ngàn cân treo sợi chỉ mành nhưng các anh vẫn không chịu rời bè một bước. Hỏi tại sao thì ai nấy đều bảo: “Chúng tôi ở đây như những người lính. Mà đã là lính thì không bao giờ bỏ công sự, bỏ chiến hào!”.CSTĐ

II. NHỮNG ĐIỀU KHÔNG DÁM NÓI

Anh em thủ túc:

Một lần đi chợ, mua đồ cho cả chục ngày. Mớ rau ngót sáng còn tươi roi rói đến chiều đã bị gió biển thổi úa trơ cọng. Tính ra mớ rau trị giá đến mấy trăm ngàn vì mất 13 lít xăng đi vào bờ rồi lại đi ra. Ngày đầu tiên sau khi đi chợ anh em được ăn rau xanh, thực đơn những ngày tiếp theo là bí, là khoai. Tiếng là ở rừng mà lại thiếu chất xanh trầm trọng vì toàn núi đá, cây cỏ còn hiếm nói gì đến rau.

Thèm nghe một tiếng gà gáy, một tiếng trẻ con cười, một tiếng líu ríu của đàn bà, con gái. Thế nhưng vợ con dù có thiết tha đòi ra trạm chơi ai nấy đều xua tay. Họ sợ trông thấy cảnh sống nổi nênh trên bè người thân sẽ không kìm được nước mắt. Phụ nữ vốn yếu lòng! Nguyễn Quang Khải-Trạm trưởng sống trên bè đã được 7 năm. Nhà anh ở Quảng Ninh cách xa vời vợi nên chuyện nuôi dạy hai đứa con đều do người vợ đảm trách. Gần đây chị bị mắc bệnh viêm đa rễ dây thần kinh, tái phát đến mấy lần, chạy chữa cả trăm triệu đồng rồi mà vẫn có nguy cơ bị liệt.


Bàn chuyện đi tuần
Trần Bình Tấn sống trên bè đã 6 năm. Nhà anh tít mãi Nam Định, mỗi lần nghỉ phép mất đứt một ngày đi, một ngày về trên đủ thứ phương tiện thuyền, phà, ô tô, tốn đến triệu đồng tiền phí. Đứa con thứ hai của anh trong một lần đi khám bệnh phổi bác sĩ tình cờ phát hiện ra cháu mắc tim bẩm sinh-căn bệnh của nhà giàu, chi phí mổ mất đến vài trăm triệu. Ngoài biển, sóng gió thì thừa thãi mà bạc tiền lại eo hẹp.

Một tháng hai con nước, muỗi mắt từ đâu tràn ra như duyệt binh. Chúng nhỏ đến mức chui lọt qua được lỗ màn, khói đống rấm chỉ đủ xua đi một chốc, người chưa ngủ say đã bị muỗi xông vào tấn công. Một tháng lịch đi tuần của mỗi kiểm lâm ở trạm là 15 ngày. Tất cả đều có thiết bị định vị theo dõi không thể bớt xén dù chỉ là một bước chân. Mà nếu không có thiết bị định vị, lương tâm các anh cũng không cho phép vì đã tình nguyện ở lại bè là hết lòng với rừng với biển. Tết ở trên bè vẫn thủ tục bánh trái, cúng lễ như trên đất liền nhưng không nói ra ai cũng ngoảnh đầu về phía cố hương mà như có khói ở trong mắt.


Gỏi cá mòi biển-món gỏi ngon nhất đối với em
Sáng 5 giờ dậy nấu cơm ăn dằn bụng rồi bọc theo vài gói mì tôm lót dạ thay cho bữa trưa giữa rừng. Tuyến dài nhất khoảng 20.000 bước chân, tuyến ngắn nhất chừng 15.000 bước. Những bước chân bám trên đá nhọn. Những bước chân đạp trên gai rừng. Có tuyến như áng Lưỡi Liềm vách đá cheo leo phải đu cả người vào dây leo rừng rồi tụt xuống. Tuột tay cái là tan xương, nát thịt. Áng Lờm Bưng, áng Bống Con, áng Bống To, áng Cá Vược, Khoan Châu, Vạ Tà Cạn những địa danh xa vắng đến hoang dại…Trong một lần tuần rừng như thế anh Tấn bị ngã gãy cả tay phải vào bờ điều trị. Lịch nghỉ chưa hết người ta đã lại thấy anh xuất hiện trên bè, cái tay đắp bột vẫn còn cứng đờ bên hông nhưng mặt thì tươi roi rói. Anh bảo da diết nhớ cái “xã hội” trên bè vỏn vẹn mấy chục mét vuông nhưng lúc nào cũng tràn tiếng chim kêu, khỉ hú.

Nhìn lên bức vách thấy treo chi chít giấy khen, bằng khen trong đó có cái đã ố vàng vì nước dột từ mái nhà nhỏ xuống. Hỏi xin một bản báo cáo công anh Khải xua tay: “Chúng tớ có gì đâu mà viết!”. Hỏi về mơ ước, anh bảo chỉ khát khao có một căn nhà trên đảo, có hệ thống truyền hình chảo chạy được bằng ắc quy.

Cạnh bè buộc một cái thuyền gỗ với vài treo lưới. Đó chính là “nhà” của Lê Văn Thủy-người gác cổng cho Giỏ Cùng, một kiểm lâm viên không sắc phục. Lênh đênh 37 năm trời theo nghiệp chài lưới khắp nơi cuối cùng chiếc thuyền của vợ chồng anh chọn bến đỗ nơi đây. Giữa mênh mông sóng nước, phận người mong manh tựa cánh bèo nên họ nương vào nhau hết sức tự nhiên. Khi ấm chè, lúc con cá mới đánh họ san sẻ cho nhau chuyện quê, chuyện đời. Chẳng hiểu tự bao giờ anh Thủy trở thành người gác rừng, gác voọc tự nguyện, không công. Ngày ngày đi thả lưới, giăng câu nơi cửa ngõ vào khu bảo tồn, không có cái gì bất thường lọt qua mắt ông. Một tiếng voọc kêu, một bóng cây đổ sắc lạ, một chiếc thuyền ngoài xa, tất cả đều được cảnh báo kịp thời.

Những lúc nước trong phuy cạn không còn một giọt, những bận môi anh em nứt nẻ vì thiếu rau xanh, anh Thủy tình nguyện bơi thuyền sang Quảng Ninh ứng cứu. Chục năm nay họ đã trở thành thân thiết như thủ túc, thân đến mức nhiều chuyến biển động bắt được một con cá bằng hai cái ngón tay cũng chia ra làm năm suất. Ai ăn đầu, ai ăn lòng, ai ăn thịt là anh đều biết, gắp cho nhau y như là gắp cho mình.

Loài vật duy nhất có ở Cát Bà:

Voọc đầu vàng là loài duy nhất trên thế giới chỉ có ở Cát Bà, trước dân vẫn quen gọi là khỉ đen. Huyết lình tức “máu tháng” của con khỉ cái rớt xuống nền đá khô đọng lại thành cục được người ta thu gom để chữa bệnh hậu sản rất hiệu nghiệm. Khỉ đen có tập tính hễ thấy động là đứng lên mỏm đá, ngọn cây quan sát. Bởi thế mà chúng bị thợ săn hạ sát hàng loạt. Từ cả trăm con trước đây đến khi đưa vào bảo tồn nghiêm ngặt số lượng voọc toàn Cát Bà còn có 50 cá thể.


Voọc Cát Bà (ảnh tư liệu)
Mười mấy năm trôi qua, số lượng cá thể tăng dần, mỗi năm một đến hai con khiến cho những người yêu voọc không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới hoan hỉ. Voọc Cát Bà tập trung chủ yếu ở Giỏ Cùng với hai đàn, đàn 16 con, đàn 7 con ngủ tại 18 điểm trải dài trên diện tích 3.180 ha nước và rừng. Năm 2009 bão đến, trong một lần kiểm tra dây neo bè, anh em phát hiện một xác voọc. Con vật già đã rụng hết cả răng, có lẽ mưa bão khiến nó bị rơi xuống nước rồi bị nước triều dìm chết. Chứng kiến cảnh đó, ai cũng nao lòng dẫu biết rằng “sinh lão bệnh tử” là số kiếp của muôn loài.

Sinh nhật vợ con có thể quên nhưng mỗi con voọc ra đời đều được đánh dấu. Tôi lần giở cuốn sổ tay thấy ghi chi chít ngày, tháng, năm của những cá thể voọc mà mới nhất là ngày 7/7/2014 đàn trong đẻ được một con. Ngày voọc đẻ cũng là ngày vui chung của toàn trạm, ngày lặn ngụp mò cua, bắt ốc làm một bữa thật tươi liên hoan.

Voọc rất nhút nhát. Một tiếng động, một làn khói cũng khiến chúng lẩn sâu vào rừng. Ngàn người đến Cát Bà có lẽ không đến một người thấy voọc dù ăn trực, nằm chờ, dù cất công bay nửa vòng trái đất. Buổi đầu đi ngắm voọc chúng tôi về trắng tay. Sáng sau, từ xa chiếc xuồng đã tắt máy, chèo khẽ bằng tay vào khu vực hang 16. Dòm mỏi mắt một hồi lâu mà chẳng thấy voọc, toan định về thì anh Khải khều tay ra hiệu. Thoạt tiên, chỉ nhìn thấy những cây rừng động đậy rồi một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy con voọc xuất hiện. Con đầu đàn vắt vẻo nơi chạc ba cây quan sát, đám con cái chạy nhảy tung tăng với mớ lá non trên tay. Một con voọc non vừa sinh lông vàng như nắng sớm run rẩy trèo qua mấy vách đá.

Với người lạ đó đã là một cơ hội trải nghiệm nhớ đời nhưng với các anh chuyện giơ tay với được…đuôi voọc cũng là hết sức bình thường. Các anh đã là người nhà của voọc, quen mặt, quen người nên dù có dùng cành cây giơ lên giả làm súng miệng kêu “pằng pằng” cũng không thể làm chúng sợ.

Trời về sáng. Tiếng một con cá vược nào búng nước rèn rẹt dưới bè. Bình minh ló lên. Ngó ra ngoài hiên một giỏ lan rừng đang e ấp bên cửa sổ giữa nắng. CSTĐ
 
Chỉnh sửa cuối:

hanoipho79

Xe lăn
Biển số
OF-590253
Ngày cấp bằng
14/9/18
Số km
10,176
Động cơ
235,849 Mã lực
Nơi ở
Ba cái Đình
Bài viết hay quá cụ ạ.
Nhưng em nghĩ họ cũng phải có một chế độ đặc biệt chứ cụ nhỉ...?
 

Trâu cày đường nhựa

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-458300
Ngày cấp bằng
3/10/16
Số km
6,407
Động cơ
268,350 Mã lực
Tuổi
39
Em có thằng cháu hắn học trg sĩ quan biên phòng
Hổm lễ tốt ngiệp khi đc ph viên hỏi có suy ngĩ ước nguyện gì hem?
Hắn bình tĩnh: vinh dự khi đc là người sĩ quan biên phòng và sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu tổ quốc cần, dưng nếu ước nguyện thì chỉ mong đc làm con chim nhỏ hót véo von quanh lăng Bác thoi ợ
 

Trâu cày đường nhựa

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-458300
Ngày cấp bằng
3/10/16
Số km
6,407
Động cơ
268,350 Mã lực
Tuổi
39

Traubotube

Xe điện
Biển số
OF-546995
Ngày cấp bằng
22/12/17
Số km
4,071
Động cơ
201,771 Mã lực
Bài viết hay quá cụ ạ.
Nhưng em nghĩ họ cũng phải có một chế độ đặc biệt chứ cụ nhỉ...?
Tuỳ biểu lương họ được hưởng cụ Phố nhé. 100% lương nhưng nếu lương vài ba triệu thì có là bao.
 

dongphuong031

Xe tăng
Biển số
OF-498260
Ngày cấp bằng
16/3/17
Số km
1,850
Động cơ
204,020 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Em lớn lên ở Cát Bà, học cấp 3 cách đây 20 năm bọn em đã đi xuyên từ Vườn Quốc Gia qua Ao Ếch, xuống Việt Hải. Cũng vất vả nhưng ko quá như cụ viết, giờ khách nước ngoài đi trecking đường này nhiều chứ ko quá nguy hiểm.
Trạm thì ở Vịnh, có xuồng thì chạy vào Gia Luận có chút xíu chứ ko đến nỗi biệt lập 10 ngày mới đi chợ 1 lần.
Vất vả nhưng ko như bức tranh cụ tả.
 
Biển số
OF-495333
Ngày cấp bằng
7/3/17
Số km
3,414
Động cơ
243,323 Mã lực
Tuổi
43
Bài viết hay quá cụ ạ.
Nhưng em nghĩ họ cũng phải có một chế độ đặc biệt chứ cụ nhỉ...?
Chế độ cho kiểm lâm nhưng cũng chỉ lương khoảng 7-8 triệu thôi cụ ạ!
 

dongphuong031

Xe tăng
Biển số
OF-498260
Ngày cấp bằng
16/3/17
Số km
1,850
Động cơ
204,020 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
So với các trạm ở trên rừng, hoặc phải thường xuyên đi rừng thì trạm dưới Vịnh này sướng hơn cả,
Chạy xuồng về Gia Luận và Cái Bèo là 2 bến du lịch thì xuồng máy (ảnh cụ chủ chụp) chỉ mất 15-30 phút chứ ko quá xa đâu.
 
Biển số
OF-495333
Ngày cấp bằng
7/3/17
Số km
3,414
Động cơ
243,323 Mã lực
Tuổi
43
Em lớn lên ở Cát Bà, học cấp 3 cách đây 20 năm bọn em đã đi xuyên từ Vườn Quốc Gia qua Ao Ếch, xuống Việt Hải. Cũng vất vả nhưng ko quá như cụ viết, giờ khách nước ngoài đi trecking đường này nhiều chứ ko quá nguy hiểm.
Trạm thì ở Vịnh, có xuồng thì chạy vào Gia Luận có chút xíu chứ ko đến nỗi biệt lập 10 ngày mới đi chợ 1 lần.
Vất vả nhưng ko như bức tranh cụ tả.
Em lớn lên ở Cát Bà, học cấp 3 cách đây 20 năm bọn em đã đi xuyên từ Vườn Quốc Gia qua Ao Ếch, xuống Việt Hải. Cũng vất vả nhưng ko quá như cụ viết, giờ khách nước ngoài đi trecking đường này nhiều chứ ko quá nguy hiểm.
Trạm thì ở Vịnh, có xuồng thì chạy vào Gia Luận có chút xíu chứ ko đến nỗi biệt lập 10 ngày mới đi chợ 1 lần.
Vất vả nhưng ko như bức tranh cụ tả.
Em lớn lên ở Cát Bà, học cấp 3 cách đây 20 năm bọn em đã đi xuyên từ Vườn Quốc Gia qua Ao Ếch, xuống Việt Hải. Cũng vất vả nhưng ko quá như cụ viết, giờ khách nước ngoài đi trecking đường này nhiều chứ ko quá nguy hiểm.
Trạm thì ở Vịnh, có xuồng thì chạy vào Gia Luận có chút xíu chứ ko đến nỗi biệt lập 10 ngày mới đi chợ 1 lần.
Vất vả nhưng ko như bức tranh cụ tả.
Có xuồng nhưng bởi khoán xăng dầu nên 10 ngày mới dám đi chợ 1 lần cụ ạ!
 

dongphuong031

Xe tăng
Biển số
OF-498260
Ngày cấp bằng
16/3/17
Số km
1,850
Động cơ
204,020 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Về bè nổi và các điều kiện sinh hoạt như trên thì rất nhiều hộ dân đang sống ở Vịnh Lan Hạ nuôi trồng thuỷ sản, cả vài chục năm nay vẫn như thế, chứ ko phải mỗi các anh như thế.
Dù sao các anh cũng vất vả, cảm ơn các anh.
 
Biển số
OF-495333
Ngày cấp bằng
7/3/17
Số km
3,414
Động cơ
243,323 Mã lực
Tuổi
43
So với các trạm ở trên rừng, hoặc phải thường xuyên đi rừng thì trạm dưới Vịnh này sướng hơn cả,
Chạy xuồng về Gia Luận và Cái Bèo là 2 bến du lịch thì xuồng máy (ảnh cụ chủ chụp) chỉ mất 15-30 phút chứ ko quá xa đâu.
Ở vịnh thỉnh thoảng tuần biển còn cái chính vẫn là tuần núi cụ ạ, lúc bình thường thì không sao, lúc giông gió mới thấy ở trên bè nguy hiểm như thế nào!
 

dongphuong031

Xe tăng
Biển số
OF-498260
Ngày cấp bằng
16/3/17
Số km
1,850
Động cơ
204,020 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Chạy về bến Việt Hải này rất gần.







 

Matizcoi

Xe cút kít
Biển số
OF-30934
Ngày cấp bằng
10/3/09
Số km
19,509
Động cơ
-174,242 Mã lực
Qua bút của mấy anh nhà báo câu chuyện trở nên kinh dị thậc :D
 

muadem

Xe cút kít
Biển số
OF-30520
Ngày cấp bằng
4/3/09
Số km
16,236
Động cơ
647,394 Mã lực
Nơi ở
xanh cỏ đến, đỏ ngói đi
Cụ chuyển vào CCCĐ sẽ hay hơn, và em thích những bài như này thích những con người có cuộc sống như này.
 

hauyenhd

Xe container
Biển số
OF-495122
Ngày cấp bằng
6/3/17
Số km
5,446
Động cơ
1,282,054 Mã lực
Đọc bài của cụ này e thấy thoang thoảng mùi a Nguyễn Như Phong:))
 

Voi coi HN

Xe tăng
Biển số
OF-513498
Ngày cấp bằng
1/6/17
Số km
1,680
Động cơ
201,311 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội Phố
Tưởng nơi tận cùng sơn cốc chứ ngay biển trên vịnh có xuồng chạy thì đâu vất lắm. Qua ngòi bút nhà văn sống thành phố, leo núi Nùng còn thở hồng hộc thì nghe nó kinh thật
 

Hoanghai806

Xe tải
Biển số
OF-156503
Ngày cấp bằng
12/9/12
Số km
433
Động cơ
355,767 Mã lực
Hành văn rất chi là nhét chữ nhé. Các a ý đi mua mớ rau ngót mất hơn chục lít xăng, tính ra mớ rau mấy trăm ngàn. Ô...
 

ca_voi

Xe lăn
Biển số
OF-106114
Ngày cấp bằng
18/7/11
Số km
14,042
Động cơ
534,465 Mã lực
Cụ hp40 ......
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top