Bài hơi dài nhưng cũng khá vui, cccm có thể đọc giải trí fb Bs Phúc. Thích nhất câu: Đạo đức để đâu? Chúng tôi cũng ko biết!
……

𝐓𝐮̛̀ 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐜𝐥𝐢𝐩 𝐝𝐚̀𝐢 𝟐 𝐩𝐡𝐮́𝐭 𝐭𝐨̂́ 𝐲 𝐛𝐚́𝐜 𝐬𝐢̃ 𝐛𝐚̆́𝐭 “đ𝐨́𝐧𝐠 đ𝐮̉ 𝐭𝐢𝐞̂̀𝐧 𝐦𝐨̛́𝐢 𝐜𝐚̂́𝐩 𝐜𝐮̛́𝐮”, 𝐜𝐨́ 𝐧𝐡𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐲́ 𝐤𝐢𝐞̂́𝐧 𝐜𝐦𝐭𝐬 𝐜𝐡𝐨 𝐫𝐚̆̀𝐧𝐠, 𝐜𝐚́𝐜 𝐛𝐞̣̂𝐧𝐡 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐧 𝐨̛̉ 𝐧𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝐭𝐚 𝐩𝐡𝐚̉𝐢 𝐤𝐡𝐚́𝐦 𝐜𝐡𝐮̛̃𝐚 𝐛𝐞̣̂𝐧𝐡 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝐫𝐨̂̀𝐢 𝐭𝐡𝐚𝐧𝐡 𝐭𝐨𝐚́𝐧 𝐬𝐚𝐮, đ𝐞̂̉ 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐥𝐚̃𝐧𝐠 𝐩𝐡𝐢́ 𝐭𝐡𝐨̛̀𝐢 𝐠𝐢𝐚𝐧 𝐪𝐮𝐲́ 𝐛𝐚́𝐮 𝐜𝐮̉𝐚 𝐛𝐞̣̂𝐧𝐡 𝐧𝐡𝐚̂𝐧.
5 thiên thần áo trắng đã bị gãy cánh.
Sự việc đang được cơ quan chức năng, trong đó có Phòng An ninh chính trị nội bộ PA03 Công an tỉnh Nam Định tiếp tục điều tra, sự thật sẽ được sáng tỏ. Nhưng đã có 5 thiên thần áo trắng bị gãy cánh. Đêm qua Bệnh viện ĐK tỉnh Nam Định thông báo đã đình chỉ 3 bác sĩ và 2 điều dưỡng trong kíp trực. Đây là tin vui cho những người cho rằng các bệnh viện đang bắt người bệnh “phải đóng đủ tiền mới được cấp cứu” nên các y bác sĩ liên quan sẽ phải bị “trừng trị”, nhưng cũng là tin rất buồn với hầu hết các y bác sĩ ở Việt Nam, trong đó có tôi.
Hãy kiên nhẫn đợi cơ quan chức năng điều tra.
Là một bác sĩ thực hành khám chữa bệnh, va chạm với rất nhiều tình huống tương tự, nhưng trong vụ việc tố y bác sĩ bắt “đóng đủ tiền mới cấp cứu” thì tôi vẫn chưa có đầy đủ thông tin, vì thế mà tôi chưa có ý kiến bình luận. Đọc những bài viết trên báo chí và mạng xã hội, đặc biệt là những bình luận của hai phía đối lập gồm một bên là người dân và bên kia là các y bác sĩ, thì tôi nhận thấy mối quan hệ giữa y bác sĩ và bệnh nhân đang ngày càng căng thẳng, cái hố ngăn cách đang ngày càng rộng và sâu.
Khi truyền thuyết về những thiên thần áo trắng đã trở thành dĩ vãng, thì hơn bao giờ hết, xã hội cần một mối quan hệ mới giữa y bác sĩ và bệnh nhân, mối quan hệ này phải đáng tin cậy hơn. Khoa cấp cứu ở các bệnh viện là nơi thử nghiệm trực tiếp nhất mối quan hệ này. Khi xuất hiện một clip dài 2 phút tố y bác sĩ bắt “đóng đủ tiền mới cấp cứu”, có nhiều ý kiến cmts cho rằng, các bệnh viện ở nước ta phải khám chữa bệnh trước rồi thanh toán sau, để không lãng phí thời gian quý báu của bệnh nhân. Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng bên ngoài của những sự việc đã xảy ra, thì đúng là bệnh viện trước tiên phải chịu trách nhiệm về sự sống, sau đó mới là một tổ chức kiếm lợi nhuận. Nguyên tắc cơ bản ấy, chỉ có “điều trị trước – trả tiền sau”, mới đáp ứng được.
Nhưng tại sao các bệnh viện lại không làm điều này?
Về quy trình khám bệnh chữa bệnh liên quan đến tạm ứng, đóng tiền viện phí đã và đang thực hiện tại các bệnh viện, tôi sẽ trình bày ở bài viết khác. Bài viết này, tôi chỉ xin kể những trải nghiệm của tôi bằng những câu chuyện thực tế, để những ai đọc bài viết của tôi sẽ tự rút ra góc nhìn và câu trả lời.
Tôi xin kể câu chuyện đầu tiên.
Khi tôi còn là sinh viên trường y, cao 168cm, nặng 41kg, đến từ một làng quê nghèo nhất ngoại thành Hà Nội, gia đình tôi nghèo nhất trong cái làng đó. Tính cách của tôi cũng giống những người nông dân cày ruộng. Thời điểm ấy tôi đúng là một người nông dân bình thường, thậm chí không có khái niệm gì về tiền bạc, tôi cũng chẳng có tiền để mà biết cách quản lí tài chính. Tôi ngờ ngệch đến nỗi, dù quá nghèo nhưng bạn bè ngoài xã hội vẫn hay lợi dụng tôi, lợi dụng để họ có được những bữa ăn miễn phí.
Một lần, tôi trực ở phòng khám cấp cứu ngoại, khoảng 9 giờ tối y tá trưởng kíp trực cử tôi đi cấp cứu ngoại viện, cùng đi có thêm 2 học sinh trung cấp y một nam một nữ. Sinh viên chúng tôi ngày đó được thực hành làm chuyên môn rất nhiều nên cũng chẳng thua kém gì bác sĩ mới ra trường hiện nay. Tôi nhớ hôm đó trời vừa tối vừa mưa, đường đến chợ cóc bán rau vừa xấu vừa hẹp, xe cứu thương không vào được. Chúng tôi phải khiêng cáng chạy bộ. Nạn nhân là một bà già nằm ngất xỉu, vết thương da đầu chảy máu, tôi nghĩ bà bị chấn thương sọ não. Sau khi chạy, đưa bệnh nhân về tới phòng cấp cứu, tôi thấy chiếc áo blouse trắng của mình đã biến thành bộ vest khoác màu đen.
Kết quả là, bệnh nhân bị hạ đường huyết, vết thương rách da đầu được tôi rửa sạch và cắt lọc, khâu cẩn thận. Thuốc kháng sinh, tiêm phòng uốn ván, chúng tôi thực hiện đầy đủ. Bệnh nhân tỉnh sau khi truyền một chai Glucose. Nhưng cái chân bà cụ thì không nhấc lên nổi, khám xét tôi phát hiện không phải do chấn thương, nguyên nhân là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Sáng hôm sau bàn giao tua trực, bác sĩ trưởng tua nói rằng bà cụ đợi liên hệ được người nhà tới đóng tiền, sau đó sẽ được chuyển sang khám chuyên khoa thần kinh cột sống. Số tiền thời điểm đó, tôi không nhớ được chính xác, nhưng khoảng vài bữa ăn của tôi. Đêm trực tôi tìm hiểu, bà cụ có hoàn cảnh rất khó khăn, điều kiện tài chính rất nghèo nàn.
Lúc 7:55 sáng chúng tôi vẫn đang ngồi ở bàn hành chính, lợi dụng không ai để ý, bà cụ ngồi dậy rồi bất ngờ bỏ chạy với tốc độ thần kì. Bà cụ thực sự đã chạy với tốc độ rất nhanh. Tôi vốn nông dân ngờ ngệch, không rõ đang có điều gì, nên chạy ra xem. Mọi người hãy tưởng tượng, một bà già đau chân gần như không thể đi lại nổi, nhưng vẫn có thể chạy trốn nhanh như một con sóc, tôi chỉ biết đứng há hốc mồm.
Ra trường về làm ở khoa phẫu thuật tiêu hoá.
Thời điểm ấy, tôi hăng say làm việc từ sáng sớm đến chín mười giờ đêm, luôn nhiệt tình với tất cả bệnh nhân. Vào một đêm trực, tôi tiếp nhận một ca xuất huyết tiêu hoá nặng, anh ấy hơn tôi vài tuổi và cũng là người quen của tôi. Ngày ấy quen bác sĩ chẳng khác gì có trong tay thỏi vàng. Anh và gia đình nói với tôi rằng, hãy điều trị bằng những thuốc tốt nhất, phương pháp điều trị tốt nhất, tiền nong không thành vấn đề. Sau khi cấp cứu xong, y tá trực làm hành chính có hướng dẫn gia đình tới quầy nộp tiền viện phí. Gia đình nói với tôi rằng, vì đi vội quá nên không kịp chuẩn bị tiền, chỉ có một ít trong túi. Tôi biết gia đình anh không nghèo. Vì thế mà tôi yên tâm đứng ra kí bảo lãnh. Đêm đó, người nhà còn tặng riêng tôi cái phong bì, nhưng tôi không nhận vì tôi xác định cần phải giữ danh tiếng. Quả thực tôi ngây thơ đến nỗi, chẳng bao giờ nghĩ rằng gia đình bệnh nhân có tiền biếu bác sĩ, nhưng lại không trả tiền viện phí.
Ngày bệnh nhân được ra viện, tôi không thấy anh ấy đâu, tìm người nhà cũng không thấy. Y tá không liên lạc được nên đã báo bệnh nhân trốn viện. Số tiền viện phí đáng ra tôi phải chịu hoàn toàn, khi bệnh nhân trốn viện thì bác sĩ điều trị phải bù tiền, vì bệnh viện cũng chẳng biết lấy đâu để bù vào. Nhưng năm đó mới đến tháng Tư đã có 6 bệnh nhân trốn viện, cả khoa tôi chỉ có 5 bác sĩ, nếu bắt bác sĩ trực tiếp điều trị phải trả tiền thì họ chết đói. Vì thế mà tôi may mắn được hưởng quy định mới, nếu bệnh nhân trốn viện, thì bệnh viện chịu một nữa số tiền, số còn lại bác sĩ trực tiếp điều trị phải trả cùng với chia đều một phần cho tất cả nhân viên trong khoa bằng cách trừ vào phúc lợi như tiền thưởng, tiền trực. Để bệnh nhân không trốn viện, thì các y bác sĩ ngầm định với nhau rằng, bệnh nhân vào cấp cứu thì ê kíp cứ thực hiện chuyên môn cấp cứu và khám chữa bệnh, nhưng người làm hành chính cũng phải cố gắng hướng dẫn gia đình đi nộp tiền viện phí.
Kể từ đó, tôi nghe thấy tiếng bệnh nhân chửi rủa, rằng các y bác sĩ chỉ quan tâm đến tiền.
Tôi luôn quan tâm đến túi tiền của bệnh nhân đặc biệt.
Trong bộ phim tài liệu “Nỗi đau của người thầy thuốc”, nhân vật bệnh nhân trong phim được tôi về tận nhà xem kinh tế giàu hay nghèo, ban đầu chồng bệnh nhân còn hiểu nhầm tưởng là tôi moi tiền. Thực tế là, cô bệnh nhân ấy bị một khối dị dạng mạch não AVM khổng lồ, nó hành hạ cô bằng những cơn đau đầu và co giật sống đi chết lại. Bạn đọc quan tâm có thể tra thuật ngữ chuyên môn “Dị dạng động tĩnh mạch não - Arteriovenous Malformations of the Brain” trên google. Điều đáng nói là, khối AVM của bệnh nhân đang có nguy cơ nổ tung, khi đó cô sẽ phải trả giá bằng mạng sống không thể cứu vãn. Để điều trị, chi phí quá lớn, chữ số đầu tiên sẽ là số 1, số 2 hay số nào đó, nhưng phía sau sẽ là 7 đến 8 số không. Nếu bệnh nhân không thanh toán viện phí, thì sẽ quá sức chịu đựng khi bác sĩ như tôi phải bỏ tiền đền, lãnh đạo các khoa phòng liên quan có khi phải tìm cách nghỉ hưu sớm.
Vì thế mà tôi phải về tận nhà bệnh nhân.
Chuyện tìm về nhà bệnh nhân để tôi kể sau, còn bây giờ tôi xin kể một câu chuyện khác, độc giả hãy kiên nhẫn vì bài viết này chỉ là những câu chuyện.
Nhiều năm trước, một ông lão đến khám ở một bệnh viện lớn với biểu hiện tai biến mạch não, các đồng nghiệp ở đó cho chụp CTA phát hiện cả động mạch cảnh trong và động mạch sống nền bị hẹp nghiêm trọng, cần phải can thiệp gấp để gỡ quả bom hẹn giờ. Tuy nhiên, dù các bác sĩ đã can thiệp bằng những phương án tối ưu nhất, quả bom mẹ được tháo gỡ, nhưng trước đó mấy quả mìn đã kịp phát nổ sớm hơn, khiến bệnh nhân bị nhồi máu thân não. Gia đình ngay lập tức gây chuyện. Tìm hiểu tôi được biết, trước đó vợ bệnh nhân đi khám và điều trị ở một bệnh viện khác, do bệnh quá nặng không qua khỏi, người chồng đã dẫn dắt những đứa con của mình đến cám ơn bác sĩ bằng thứ văn hoá đặc quánh đường phố, kết quả là họ thành công trong việc đòi bồi thường. Lần này, người chồng đã quỵ xuống, nhưng con của họ đủ kinh nghiệm xông lên. Những đứa con của bệnh nhân nói rằng, đầu tiên bệnh viện phải đuổi việc mấy thằng bác sĩ, sau đó là bồi thường tiền.
Để giải quyết mâu thuẫn, bệnh viện đã tập trung những chuyên gia giỏi nhất và thuốc thang tốt nhất, đương nhiên không đề cập đến chi phí nữa. Những y tá giỏi, xinh đẹp và nhẹ nhàng được điều tới chăm sóc, hi vọng có thể tác động tới cảm xúc của những người con. Sau những nỗ lực gần như tuyệt vọng của bệnh viện, thì bệnh nhân cũng tỉnh lại, nhưng chân tay bị liệt gần như không cử động nổi, ăn uống cũng khó khăn, nhưng cứ vào giữa đêm là bệnh nhân hú lên. Tất cả các bệnh nhân khác đều phản đối, vì thế, bệnh nhân được nằm một phòng riêng. Kết quả, sau một thời gian điều trị, bệnh nhân trở nên trắng và béo, rồi mới ra viện.
Một số độc giả thắc mắc: tại sao không để pháp luật giải quyết?
Bác sĩ được coi là những người có trình độ học vấn nhưng quả thực họ không biết gì nhiều về luật pháp. Các bệnh viện cũng không có cố vấn pháp lí. Về mặt chủ quan, tôi cảm thấy luật pháp còn yếu kém và bất lực, ngoài ra còn có nhược điểm là tốn kém. Tôi lấy ví dụ, bệnh nhân trốn tiền viện phí 10 triệu, bệnh viện theo đuổi pháp lí để thu hồi được số tiền đó, có khi phải đầu tư gấp 4 lần chi phí.
Mọi người cũng hỏi tại sao không lần theo địa chỉ bệnh nhân để thu tiền?
Nhiều năm trước, tua trực của tôi gặp bệnh nhân quá nặng, tôi đồng ý cho bệnh nhân chụp chiếu siêu âm mà không cần cược tiền, sau điều trị bệnh nhân không qua khỏi. Khi tôi gọi điện nhắc đến số tiền viện phí, gia đình đã mắng tôi, nói rằng bác sĩ không thể chữa khỏi mà vẫn đòi tiền. Hồi ấy tôi thực sự tò mò, nên tìm đến nhà với ý định nắm bắt hoàn cảnh, nếu vận động người thân trả được tiền viện phí thì tốt. Đây không phải công việc của tôi, mà chỉ đơn giản là tôi muốn có tư liệu cuộc sống, nên thử tìm về nhà bệnh nhân xem sao. Gia đình bệnh nhân ấy ở một vùng ngoại ô. Khi tôi đến, một con chó vàng to lớn do gia đình nuôi nhốt đã thả ra, con chó đuổi tôi đến tận cổng làng. Đến giờ tôi vẫn nghĩ mình rất may mắn, hôm đó kịp chui đầu vào xe, gia đình chỉ thả con chó để răn đe chứ không đánh tôi, vì thế mà tôi không bị tổn thương về thể chất.
Nhưng tổn thương tinh thần chúng tôi chịu nhiều vô kể.
Cũng lại một câu chuyện xảy ra nhiều năm trước, trong ca trực đêm giao thừa, bước sang mùng 1 Tết Nguyên đán, một người đàn ông đầu bẹt cằm bạnh xăm trổ khắp mình, anh ta nói bằng giọng ở chợ địa phương đặc sệt. Anh nói rằng vợ đau bụng nên phải cho vào viện. Thời điểm ấy tôi là bác sĩ trẻ, vừa chuyển sang làm ở chuyên khoa tiết niệu, nên rất ngại va chạm. Thấy bệnh nhân bị nhẹ, nhưng người chồng yêu cầu, nên dù phòng khám cấp cứu rất đông nên tôi vẫn cố giữ lại cho nằm phòng lưu. Người đàn ông còn cho tôi số điện thoại, nói rằng tiền nong không thành vấn đề, có gì cứ gọi lại, hiện anh ta không mang tiền mặt, tết nhất ngân hàng đóng cửa mà anh ấy không quen sử dụng ATM. Thời điểm ấy điện thoại di động rất oai. Sáng hôm sau, tôi không thấy bệnh nhân đâu nữa, rồi tôi cũng quên mất chuyện đó. Vài tuần sau, y tá thông báo bệnh nhân trốn viện, chưa nộp tiền mặc dù số tiền cũng không nhiều, những vẫn phải khấu trừ vào tiền thu nhập của y bác sĩ. Thấy vậy, tôi liền gọi cho người đàn ông, ban đầu anh ấy rất vui vẻ, nói rằng không có vấn đề gì đâu, anh sẽ bảo vợ sớm đến nộp tiền. Nhưng tôi chờ vẫn không thấy. Hai tuần sau tôi gọi lại, người đàn ông nói chỉ vài đồng bạc mà tôi kì kèo thế sao, giữa người với người không tin nhau sao. Thêm hai tuần nữa tôi gọi, thì người đàn ông mắng tôi rằng, bác sĩ mà không quan tâm đến chữa bệnh chỉ quan tâm đến tiền. Anh ta hỏi tôi y đức để ở đâu? Thực sự tôi cũng không biết đạo đức nghề nghiệp của mình đang ở đâu đê trả lời người đàn ông, vì thế, tôi chỉ biết giục anh ta hãy đóng tiền. Người đàn ông cúp máy. Nhưng sau đó, anh ta gửi cho tôi một tin nhắn, tuy chỉ có ba chữ, nhưng lời văn rất xúc tích, rất sinh động và rất ấn tượng.
Đ!T MẸ MÀY
Vì mục đích không để Facebook xoá bài, cũng không để chị em xinh đẹp đọc bài này phải che mặt cười tôi, nên tôi phải lộn ngược chữ i thành dấu chấm than, bỏ đi dấu nặng. Cú điện thoại ấy, tôi không những không lấy lại được tiền, mà còn thấy miệng mình đầy phân chó, biết thế tôi chẳng gọi điện cho xong. Mới đây, tôi có giúp hai bệnh nhân khám bệnh rồi họ bùng tiền viện phí. Số tiền không nhiều lắm. Thư kí có gọi điện hỏi giúp nhưng không được. Bạn ấy hỏi tôi phải làm gì tiếp, thì tôi nói chấp nhận mất tiền túi thôi, chứ tôi nghĩ đến chuyện con chó vàng đuổi tôi đến cổng làng, nghĩ đến 3 chữ trong tin nhắn kia, thì chẳng còn nhuệ khí đòi lại.
Nhiều người nghĩ rằng y bác sĩ chỉ nghĩ đến tiền.
Về câu chuyện phong bì, tôi biết có bệnh viện chấp nhận, có bệnh viện không chấp nhận; một số bác sĩ chấp nhận, một số thì không. Nói chung, phong bì chỉ với những ca phẫu thuật và gây mê, còn hệ điều trị nội và khám bệnh thì không có phong bì. Là người nhà của bệnh nhân là bố mẹ tôi, thì tôi cũng đã từng tặng phong bì cho y bác sĩ, nhưng tôi không hề cảm thấy có vấn đề gì khi làm như vậy. Bản thân tôi thì không nhận phong bì của ai. Suy cho cùng, tôi đã học y và hành nghề y, nên tôi hiểu công việc của bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê mệt mỏi và vất vả như thế nào, tiền lương và trợ cấp không thể giúp họ sống nổi, chứ đừng nói chuyện đầu tư học hành. Ở những bệnh viện lớn, nhất là những nơi như thủ đô, thì họ cần phải có tài năng, muốn vậy họ phải đổ mồ hôi và giành lấy cơ hội, thì mới trở thành bác sĩ nổi tiếng ở thủ đô. Khi họ tài năng và nổi tiếng thì họ cũng giúp được nhiều người. Vì hệ thống y tế vẫn còn những điều chưa hợp lí, nên tôi là bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân, thì tôi sẽ đền bù khoản tiền mà đất nước còn đang nợ y bác sĩ. Suy cho cùng, mạng sống của tôi và gia đình tôi đã được cứu, thì tôi thấy y bác sĩ xứng đáng nhận phong bì khi tôi tự nguyện. Bản thân tôi không nhận phong bì, vì thứ nhất là tôi đang làm ở bộ phận Xquang hầu như chẳng ai đưa phong bì, thứ hai là tôi coi trọng danh tiếng của mình, thứ ba là tôi sợ gặp rắc rối nên tôi từ chối nhận bất kì lời đề nghị nào. Tôi hiểu rằng mọi người đều ghét phong bì. Tôi cũng thừa nhận rằng việc một số bác sĩ chủ động xin phong bì là thiếu đạo đức. Tôi cũng ghét những người lợi dụng người khác, kiếm tiền trên thân xác người khác, đặc biệt là những bệnh nhân đã cùng quẫn mà vẫn kiếm tiền của họ thì thật là bất nhân.
Riêng cái việc y bác sĩ yêu cầu bệnh nhân và người nhà nộp viện phí, tôi muốn nói rằng, số tiền ấy không vào túi của họ, nhưng nếu bệnh nhân không nộp thì bát cơm của con cái nhân viên y tế đang bị vơi đi, bởi họ phải gánh chịu một phần mất mát ấy.
Nhiều người cmts trên báo chí và mạng xã hội rằng, bệnh viện cứ chữa bệnh đi rồi thu tiền sau, nếu bệnh nhân không có tiền trả thì sử dụng quỹ bù vào. Vậy tôi xin hỏi dùng quỹ nào? Có những người cmts rằng, kêu gọi từ thiện để bù vào, vậy mọi người thử hình dung, có nếu mỗi khoa một tháng có khoảng 10 bệnh nhân không nộp viện phí, cả nước khoảng 1200 bệnh viện, chúng ta có kêu gọi quyên góp từ thiện nổi hết năm này qua năm khác, hay vỡ trận.
Thông qua luật pháp cũng vậy, như tôi đã nói, chi phí khởi kiện quá tốn kém, tốn kém nhất là thời gian và nhân lực, sau đó là tiền bạc, mà chưa chắc đã thu được tiền. Tôi lấy ví dụ, bệnh viện kiện con cái không nộp tiền là bỏ bê bố mẹ, thì họ đưa ra những hình ảnh như con cái bón cơm cho mẹ, đổ sữa cho cha, vậy có cơ sở pháp lí để thắng kiện nữa hay không. Có người nói rằng, ở các nước phát triển cứ việc chữa bệnh cho khỏi, vài tháng sau hoá đơn mới về nhà, chẳng ai phải nộp tiền trước như ở Việt Nam. Xin thưa, các quốc gia đó hệ thống ngân hàng quá hoàn chỉnh và hiệu quả, Việt Nam chưa có được hệ thống ngân hàng nào như thế, nói cách khác Việt Nam chưa có cách nào hiệu quả để giải quyết tình trạng nợ xấu.
Trốn viện phí chính là nợ xấu.
Ở nước ta, hệ thống tín dụng chưa hoàn thiện, khi nợ xấu bệnh viện xảy ra, thì con nợ chẳng mất cái gì mà thậm chí được thương yêu ca tụng, chủ nợ sẽ chịu mọi hậu quả, y bác sĩ vô tội là người phải gánh chịu cùng với chủ nợ là bệnh viện. Chúng ta có thể dựa vào đạo đức không? Xã hội đòi hỏi y bác sĩ chúng tôi phải có đạo đức, suốt ngày hỏi đạo đức chúng tôi để ở đâu mà kì thực chúng tôi cũng không biết, một xã hội muốn thầy thuốc phải như mẹ hiền nhưng con thì lại không bắt buộc phải ngoan, theo tôi sẽ không thể dựa vào đạo đức để giải quyết tình trạng nợ xấu.
Người Việt rất kì lại, vào viện không tin bác sĩ, nhiều người không chịu mất tiền khám chữa bệnh, nhưng họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền cho thầy cúng. Có đồng nghiệp tôi chán quá nói rằng, với những bệnh nhân như thế, hãy khuyên họ đi cúng. Tôi bảo với bác sĩ ấy là, nếu giải thích bệnh nhân như thế, hôm sau truyền thông sẽ đăng tải bệnh viện không đủ năng lực, phải khuyên bệnh nhân gặp thầy bói. Và một cái vòng luẩn quẩn, lại là câu hỏi đạo đức người thầy thuốc để ở đâu, cho nên bây giờ ngay cả một gã đầu bẹt cằm bạnh cũng có thể chống nạnh phát ra âm giọng chợ địa phương, hất hảm hỏi y bác sĩ chúng tôi xem đạo đức để ở đâu.
Vậy y bác sĩ làm gì khi gặp bệnh nhân thực sự 1 xu dính túi không có?
Tôi nghĩ tất cả các bệnh viện công trên cả nước đều gặp phải vấn đề này. Ngay từ năm 1995, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 661-TTg, chúng tôi đã và đang làm theo công văn pháp lí này, nên thực sự không có chuyện bệnh nhân chết mà không cứu. Cuộc đời bác sĩ của tôi, đã gặp vô vàn bệnh nhân như thế, chúng tôi gọi là “Bệnh nhân 661”.
Tôi rất biết ơn những độc giả nhiệt tình và tỉ mỉ, máy tính tôi kém quá nên gõ chữ hay bị lỗi, tôi cũng bận quá nên viết xong không kịp ra soát lại, độc giả đã giúp tôi. Tôi không thích sự tranh cãi. Nhưng bài viết này chắc chắn sẽ nhiều người chửi tôi. Thực tình, tôi chỉ thích mọi người vào đọc tôi với sự ấm áp, sẽ chia và hiểu nhau. Tôi rất buồn với những độc giả thích cằn nhằn bữa bãi vô lối. Y bác sĩ chúng tôi cũng chỉ là người bình thường. Có y bác sĩ tốt và xấu, có người tận tâm, có người tham lam tiền bạc. Nhưng tôi muốn bạn đọc đừng quá đạo đức giả, cũng đừng quá nhạy cảm, mà hãy bình luận có trách nhiệm, hãy nhiệt tình chỉ ra vấn đề một cách khách quan và đóng góp. Trong bài viết này, đối với những độc giả chỉ trích tôi, tôi xin nói với họ rằng tôi không có ý định thay đổi giá trị của người khác, cũng như không có ý định thay đổi giá trị của chính mình, vì thế mà ai muốn chỉ trích thoải mái, nếu dùng lời lẽ quá cực đoan và thiếu văn hoá sẽ bị tôi chặn lại.
Hãy cùng thảo luận để hướng tới một xã hội văn minh.