Cuộc chiến Israel – Iran đang trong giai đoạn “nghỉ giữa hiệp”. Tạm gác lại mọi câu hỏi “tại sao” hay “thế nào” vì có quá nhiều điều rắc rối liên quan, trong bài này tôi chỉ muốn nói đến tương quan cuộc đối đầu giữa vũ khí tấn công (tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, bom hàng không…) và vũ khí phòng thủ (hệ thống phòng không) của hai bên. Cuộc đối đầu này có ý nghĩa quyết định, bởi lãnh thổ của Israel và Iran bị ngăn cách bởi các quốc gia khác, cách xa nhau hơn 1.000km nên việc đưa lực lượng tấn công trên bộ vào tham chiến là không khả thi.
Về Israel. Từ lâu người ta đã biết rằng Israel sở hữu hệ thống phòng không – phòng thủ tên lửa tiên tiến và dày đặc nhất thế giới. Hệ thống này là sự kết hợp (được cho là cực kỳ hoàn hảo) của các tổ hợp phòng không tầm thấp (các tổ hợp pháo phòng không, tên lửa Iron Dome), tầm trung - xa (Patriot, David's Sling, Hetz, Arow-2…) và các tổ hợp phòng thủ tên lửa (Arow-3, THAAD). Tuy nhiên, về vũ khí tấn công thì Israel chủ yếu dựa vào không quân. Phương tiện mang-phóng bom, tên lửa hành trình của họ là những máy bay F-16 và F-35, với vũ khí chính là tên lửa hành trình AGM-158B (Israel chỉ có khoảng 200 tên lửa loại này). Nghĩa là khả năng tấn công của Israel vào lãnh thổ Iran là khá hạn chế, khó có thể tấn công qui mô lớn và kéo dài.
Iron Dome của Israel thực sự có hiệu quả rất cao đối với những loại thô sơ dựa trên mẫu tên lửa phóng loạt Grad của Liên Xô (xác suất tiêu diệt trung bình đến 90%), nhưng đối với những thứ hiện đại hơn, nó tỏ ra không hiệu quả (xác suất tiêu diệt trung bình chỉ đạt 25%). David's Sling là thứ nghiêm túc hơn, nhưng giá 1 tên lửa là 2 triệu đô-la, rất tốn kém so với tên lửa của Iron Dome, có giá khoảng 40.000 đô-la. Hetz là tổ hợp có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo, và 1 tên lửa của nó có giá 4 triệu đô-la. Tên lửa của Arow-3, THAAD có giá còn ghê gớm hơn nhiều: 15 triệu đến 25 triệu đô-la cho 1 tên lửa.
Về Iran. Nước này có kho dự trữ khổng lồ cả về máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo. Họ có một lượng lớn “tên lửa rác” (theo cách gọi của Trump) tích trữ từ thế kỷ trước. Những “tên lửa rác” này bay hoàn toàn theo quỹ đạo đạn đạo và rất có tác dụng trong việc làm quá tải cho hệ thống phòng không của Israel. Đây là những tên lửa thuộc dòng “Shahab”, dựa trên mẫu R-17 (Scud-B) của Liên Xô. Điều thú vị là trên màn hình radar, tín hiệu của “Shahab” chả khác gì những loại hiện đại hơn như “Sedjil”, “Fateh-110”, “Khorramshahr”… Ước tính, Iran có khoảng 4.500 tên lửa đạn đạo các loại như thế này.
Iran cũng có những tên lửa hành trình tầm xa có tốc độ cận âm, bay ở độ cao thấp theo địa hình, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn. Và tất nhiên, Iran có đủ các phương tiện bay không người lái tấn công tầm xa. Vũ khí thú vị nhất của Iran là tên lửa siêu vượt âm “Fattah-1” và “Fattah-2”, có tầm bắn khoảng 1.400km – 2.000km, mang đầu đạn nặng 600kg. Những tên lửa này đã chứng minh là chúng thực sự có khả năng phát triển tốc độ lên đến 13M, khiến việc đánh chặn chúng trở nên bất khả thi. Theo thông tin tình báo của người Mỹ (và chắc chắn đây không phải là thông tin tình báo tệ nhất trên thế giới), kể từ mùa thu năm 2023, Iran đã sản xuất tới 30 Fattah mỗi tháng. Nghĩa là, tối thiểu thì Iran có 500 tên lửa loại này.
Tuy nhiên, khả năng phòng không của Iran lại cực kỳ hạn chế. Họ có số lượng rất ít các tổ hợp phòng không S-200, S-300 PMU-2, Tor-M1, Pantsir-S1… của Nga. Phòng không Iran chủ yếu là Fajr-8 (bản sao của S-200) và Bavar-373 (bản sao của S-300). Nhưng tất cả các tổ hợp phòng không này hoạt động riêng lẻ, Iran không có một hệ thống phòng không được tổ chức thống nhất như Israel. Không quân của Iran thì gần như là con số 0, những chiếc F-14, F-5 đã quá cũ để có thể bay lên và chiến đấu.
Từ những điều kiện trên, tình huống xảy ra như sau: Iran không thể ngăn chặn không quân Israel tấn công; Israel không thể ngăn chặn các loạt tên lửa tấn công qui mô lớn của Iran, bởi đơn giản là không thể đánh chặn toàn bộ tên lửa của Iran (theo thống kê, hiệu quả đánh chặn tên lửa chỉ đạt khoảng 60%). Một vấn đề quan trọng nữa là Israel có bao nhiêu tên lửa phòng không? Từ các đợt tấn công thứ 3 trở đi của Iran, có thể thấy rằng Israel không còn nhiều tên lửa. Ngoài ra, qua cuộc tấn công vào Haifa có thể thấy rằng tất cả các tổ hợp phòng không – phòng thủ tên lửa của Israel không có khả năng đánh chặn tên lửa siêu vượt âm Fattah-1/2.
Và trong tình huống như vậy, rõ ràng bên có nhiều tên lửa tấn công hơn (Iran) sẽ chiếm ưu thế. Bất chấp việc nhiều người vẫn lớn tiếng rằng Israel sẽ chiến thắng hôm nay hoặc ngày mai, sự thật lại chỉ ra kết quả ngược lại:
- Dân số Israel là 10 triệu người. Dân số Iran là 92 triệu người;
- Diện tích của Israel là 22.770 km2 (bao gồm cả những phần không có sổ đỏ), mật độ dân số trung bình là 412 người/km2;
- Diện tích của Iran là 1.648.195 km2, mật độ dân số là 42 người/km2.
Nghĩa là, dân số Israel ít hơn 10 lần và sống chen chúc hơn 10 lần so với Iran. Điều này có nghĩa là gì? Bất kỳ tên lửa nào của Iran tấn công vào lãnh thổ Israel sẽ gây ra thiệt hại lớn, không quan trọng là nó có phát nổ ở đúng nơi cần phát nổ hay hay không. Nó không thể trượt ở Israel, nghĩa là, người Israel sẽ bị đâm bằng kiếm, và người Iran sẽ bị đánh bằng dùi cui. Vậy thì Iran còn lâu mới đầu hàng, và Israel thì chắc chắn sẽ thua trong cuộc chiến tiêu hao. Israel có đủ tên lửa phòng không cho 3 tuần. Iran có thể phóng tên lửa vào Israel với tốc độ tương đương trong ít nhất 3 tháng.
Và, như chúng ta đã thấy, để ngăn chặn người Israel phải một lần nữa đi lang thang trên sa mạc, Trump – người gìn giữ hòa bình tóc đỏ - đã trực tiếp phải nhảy vào để tuyên bố hết hiệp 1. Nghỉ giải lao.
(Hà Huy Thành)