Căng thẳng biên giới: công cụ đối nội của cả Thái Lan và Campuchia
Hiện tại, có thể nói cả Thái Lan và Campuchia đều đang tận dụng căng thẳng biên giới như một công cụ để xử lý các vấn đề nội tại. Tuy nhiên, theo phân tích của tôi, Campuchia có sự chuẩn bị bài bản và chủ động hơn trong việc sử dụng xung đột như một “vũ khí chính danh”, trong khi Thái Lan lại tỏ ra bị động và thiếu nhất quán trong phản ứng.
Ở phía Thái Lan, vấn đề biên giới thực chất không phải là ưu tiên cốt lõi. Chính trường Thái đang bị chia rẽ sâu sắc giữa các thế lực – đặc biệt là giữa phe quân đội và hoàng gia (thường được gọi là "cờ vàng") với phe dân chủ – đại diện bởi Đảng Pheu Thai và gia tộc Thaksin ("cờ đỏ"). Trong bối cảnh đó, vụ căng thẳng biên giới với Campuchia bị một số thế lực lợi dụng như một cái cớ để gây áp lực hoặc làm mất uy tín của chính phủ dân cử hiện tại. Điều đó khiến cho phản ứng của Thái Lan kém hiệu quả và thiếu sự phối hợp, do nội bộ chưa thống nhất về mặt lợi ích và mục tiêu.
Ngược lại, phía Campuchia lại chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Như đã phân tích ở phần trước, câu chuyện biên giới là một phần trong chiến lược củng cố tính chính danh cho quá trình chuyển giao quyền lực “cha truyền con nối”. Các động thái gần đây của Campuchia, bao gồm việc tuyên bố xây dựng "kênh đào Phù Nam", là một phần của chiến lược khơi dậy chủ nghĩa dân tộc một cách có hệ thống. Mặc dù ban đầu, mũi nhọn của chiến dịch tuyên truyền có phần hướng về phía Việt Nam, nhưng do phía Việt Nam không phản ứng – và vì dự án kênh này vẫn còn mơ hồ, chưa rõ tính khả thi – hiệu quả kích động tinh thần dân tộc từ hướng đó không đạt được như kỳ vọng. Vì thế, Campuchia chuyển hướng sang Thái Lan – một mục tiêu dễ tạo được sự đồng thuận nội bộ hơn trong tâm lý đại chúng.
Ngoài ra, việc khơi lại xung đột biên giới còn giúp Campuchia làm lệch trọng tâm dư luận khỏi những khó khăn kinh tế đang ngày càng rõ nét, đặc biệt là sau khi Mỹ áp dụng một số chính sách thuế quan với hàng hóa từ nước này. Mỹ từ lâu đã bày tỏ quan ngại về quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Campuchia và Trung Quốc, đặc biệt là việc cho Trung Quốc sử dụng quân cảng Ream. Bên cạnh đó, Mỹ nghi ngờ rằng hàng xuất khẩu "Made in Cambodia" thực chất là sản phẩm của các doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng, để né thuế – một cáo buộc không hoàn toàn vô căn cứ. Trong hoàn cảnh Campuchia khó có thể đàm phán hiệu quả với Mỹ, thì việc khơi lại xung đột biên giới là một cách để chuyển hướng bất mãn xã hội sang lĩnh vực "an ninh – chủ quyền", một chiêu bài điển hình trong lịch sử chính trị hiện đại.
Trở lại với Thái Lan, câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền hiện tại có thể tập hợp được sự đồng thuận quốc gia trong vấn đề biên giới hay không – cụ thể là có thể làm cho “vấn đề dân tộc” trở nên lớn hơn mâu thuẫn nội bộ giữa hai phe “cờ vàng” và “cờ đỏ” hay không. Nếu không, rất có thể Thái Lan sẽ tiếp tục gặp khó trong việc phản ứng hiệu quả với chiến thuật đã được tính toán từ phía Campuchia.