[Funland] Dịch sách cổ: Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Nhu cầu tìm hiểu Lịch sử nói chung và thời Lý của các cụ OF có rất nhiều. Trên thực tế, sử liệu về thời Lý -Trần của Việt Nam xét về bản gốc, còn rất ít do cuộc xâm lược của quân Minh thời Hồ Quý Ly đã thiêu hủy, phá đốt hết.

Với ý tưởng để các cụ/mợ nhà ta thấy được được góc nhìn của sử gia Trung Quốc, cách nhìn nhận, đánh giá của họ đối với triều nhà Lý, nay em hân hạnh giới thiệu bản dịch cuốn: Lĩnh Ngoại Đại Đáp viết về nhà Lý của chúng ra.
Lĩnh Ngoại Đại Đáp là cuốn sách biên khảo về địa lý, phong tục, kinh tế, xã hội chứ không bàn sâu về chính trị do viên quan vùng biên giới kiêm phiên dịch bộ Lễ nhà Tống là Chu Khứ Phi viết vào khoảng năm 1178.
Vì đã nhiều lần sang nước ta, lại làm phiên dịch, nên chắc chắn Chu Khứ Phi phải nói tiếng Việt tốt và am hiểu nhiều về đất nước ta thời ấy.
Sách nói về vùng Lĩnh Ngoại, hay Lĩnh Nam, là bao gồm các vùng của Trung Quốc ngoại Trung Nguyên như Lưỡng Quảng, Quế Lâm, Tứ Xuyên....và tất nhiên cả nước ta.
Em chỉ dịch những phần nào nói về nước ta, trong nguyên tác, tên nước ta đôi khi là: An Nam, Giao Chỉ [ lại có 2 cách viết Giao Chỉ: 交趾 và 交址] rồi Giao Châu, đôi khi tác giả gọi tắt là Nam 南 .
Do trình-độ chữ Hán cổ cực kỳ dốt nát, văn phong quê mùa, kiến thức hạn-hẹp, em gắng mạo muội cố gắng dịch hầu các cụ.

Sách rất dài, viết theo lối cổ văn thời Tống, nên đôi khi gây khó cho người đọc nếu dịch sát nghĩa, em xin phép chuyển những đoạn quá khó sang ngôn ngữ hiện đại cho dễ hiểu với đa số. Nếu đọc thấy không thuận mắt kính mong các cụ các mợ, đặc biệt là các Dịch giả, các cao thủ Hán - Nôm,... cho em xin hai chữ Đại Xá.
 
Chỉnh sửa cuối:

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
嶺外代答

LĨNH NGOẠI ĐẠI ĐÁP

Tác giả: Chu Khứ Phi 周去非
Dịch, chú thích và hiệu đính: Doctor76

Đôi nét về tác giả:

Chu Khứ Phi 周去非 [ 1135-1189], tự là Trực Phu 直夫, quê ở Ôn Châu 温州, tỉnh Triết Giang 浙江, năm Long Hưng nguyên niên [ 1163] thời Nam Tống ông đậu Tiến sĩ. Ông từng giữ chức Khâm Châu giáo thụ 钦州教授, huyện úy 县尉 phủ Tĩnh Giang [ Quảng Tây], Thông phán 通判 phủ Thiệu Hưng [ Triết Giang]. Thời kỳ làm huyện úy phủ Tĩnh Giang, ông có viết “tùy sự bút ký, được hơn 400 điều” sau khi tham khảo cách thức viết cuốn: Quế Hải Ngu hoành chí 桂海虞衡志 của Phạm Thạch Hồ 范石湖, cộng với việc đi nhiều nơi quan-sát khi còn làm quan ở Quảng Tây, ông viết cuốn Lĩnh Ngoại đại đáp có nghĩa là “thay lời giải đáp về vùng đất Lĩnh ngoại”

Lĩnh Ngoại 嶺外 là một danh từ riêng thời phong kiến Trung Hoa, ám chỉ các vùng đất ở ngoài Trung Nguyên, bao gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây, Giao Châu [ hoặc Giao Chỉ, An Nam tùy theo cách gọi], đảo Hải Nam, Đại Lý, Chăm Pa, Chân Lạp v.v …nói chung tất cả các nước ngoài Trung Hoa.
 
Chỉnh sửa cuối:

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Về cuốn sách Lĩnh Ngoại đại đáp

Sách gồm 20 cuốn và 1 phần lời tựa của tác giả, miêu tả vùng đất Ngũ Lĩnh phía Nam nước Trung Quốc thời Tống, trong đó, phần mô tả về An Nam là dài và đầy đủ nhất, còn các nước khác, tác giả chỉ nói vắn tắt.

20 cuốn sách còn lại chia ra như sau:

  • Địa lý 地理門 [ địa lý vùng Ngũ Lĩnh]
  • Biên suất [ canh giữ vùng biên giới]
  • Ngoại quốc thượng 外國門上
  • Ngoại quốc hạ 外國門下
  • Phong thổ 風土門
  • Pháp chế 法制門
  • Tài kế [Tài chính]
  • Khí dụng-thuyền bè 器用門-舟楫附
  • Trang phục 服用門
  • Đồ ăn thức uống 食用門
  • Cây cỏ có mùi thơm 香門
  • Âm nhạc-nhạc cụ 樂器門
  • Tiền tệ-đồ quý 寶貨門
  • Vàng bạc-đá quý 金石門
  • Thực vật-hoa-cây cối-cây trái 花木門果實附草附
  • Gia súc-gia cầm 禽獸門
  • Côn trùng-cá 蟲魚門
  • Cổ tích truyện 古跡門
  • Phong tục của dân Man 蠻俗
  • Những chuyện kỳ lạ 志異門
 
Chỉnh sửa cuối:

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Phần trích dịch

  • Lĩnh ngoại đại đáp tự 嶺外代答序
Nhập quốc phải hỏi phong-tục, đó là Lễ vậy, huống chi đã từng làm quan [ở Ngũ Lĩnh] mà không hiểu những nơi trọng yếu. Lưỡng Quảng có 25 quận, người Di [ ở đây] đa phong tục, ở biên cương dùng sách lược [đối với] người thiểu số. Hải Bắc có 21 quận, chia ra phương Tây và phương Nam, đường xá quanh co, uốn khúc như con rắn dài, thực đã có tới 6 chiếu chỉ cho người Di, [ở] những nơi biên cương giáp An Nam. Ngoài biển có Nam Quận [tức đảo Hải Nam], trong quận cũng có nhiều dân tộc người Lê 黎 [Tên một dân tộc thiểu số, nay phân bố ở các tỉnh Quảng Đông 廣東, Quảng Tây 廣西, đảo Hải Nam 海南], phía xa bên ngoài tiếp giáp với [ quần đảo] Hoàng Chi [ tức là Hoàng Sa]. Bộc Thí 僕試 từng làm huyện úy Quế Lâm, phân chia ra Giáo, Ninh 寧 [ tức là Nam Ninh], Việt 越 [ tức là Bách Việt], toàn bộ những vùng này rất rộng, từ đầu đến cuối hợp thành vùng đất [Ngũ Lĩnh], nơi biên cương nhiều sự [việc], cần người tài để cai quản, vì đất rộng hoang vu, phong tục man dại, nhiều chuyện ma quỷ quái lạ, chính tôi đã tai nghe mắt thấy khi còn làm quan ở đây, cũng đọc nhiều sách của các bậc học sĩ đại phu rồi đàm đạo, chẳng qua cũng chỉ nói đến [những việc] trong phạm vi đất Quảng. Tôi bèn gom nhặt những việc đã từng trải qua mà viết lên tập bút ký, được hơn 400 việc, theo thứ tự rồi chỉnh lý lại cho chặt chẽ, không hẹn mà gặp, lại được [đọc] sách [ ở đây nói đến cuốn Quế Hải Ngu hoành chí 桂海虞衡志 của Phạm Thạch Hồ 范石湖] còn lại, thật không lấy gì báo đáp. Đôi khi người thân 2 bên tranh cãi đến khổ, vặn hỏi đến hết cả chuyện mọi nơi, thật chẳng biết chỗ nào mà đáp trả ngay cho kịp, những câu hỏi như thế có vô số. Khi nói đến các sự việc, chỉ có thể trích dẫn 1 hoặc 2, việc có nhiều và có thể nghĩ đâu chỉ có trong đất Quảng. Tôi may mắn gặp được Phạm Thạch Hồ 范石湖 [tác giả cuốn] Quế Hải Ngu hoành chí, thấy được trong sách có 294 việc. Vì mệt mỏi với những câu hỏi dành cho kẻ nô bộc này, tôi bèn viết sách, gọi là Đại đáp 代答. Tuy nhiên, khác với những lời huấn thị cho bạn bè, đây chỉ sách tham khảo cho kỹ mà thôi!

Mùa đông, ngày mùng 5 tháng 10 năm Mậu Tuất [1178], niên hiệu Thuần Hy 淳熙 [ niên hiệu của Tống Hiếu Tông]
.
 
Chỉnh sửa cuối:

timeout

Xe điện
Biển số
OF-35577
Ngày cấp bằng
19/5/09
Số km
2,681
Động cơ
495,797 Mã lực
Em đặt gạch sách của cụ Đốc ạ. Lâu lắm cụ mới quay lại.:)
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
2. Địa Lý

Vùng đất cổ Bách Việt

Từ khi Tần Thủy Hoàng bình định thiên hạ, phá núi thông đường, lược định các đất Dương, Việt thành Nam Hải 南海, Quế Lâm 桂林, Tượng Quận 象郡. Nay ở phía Tây Quảng [Tây] là đất Quế Lâm, ở phía Đông Quảng [ Tây] là Nam Hải, Giao Chỉ và Tượng Quận. Hán Vũ Đế 漢武帝 bình định Nam Hải, chia quận Quế Lâm thời Tần thành 2 quận, gọi là Uất Lâm 鬱林, Thương Ngô 蒼梧; chia Tượng Quận thành 3 là: Giao Chỉ 交址, Cửu Chân 九真, Nhật Nam日南. Lại cắt phần nhỏ Nam Hải, phần đất dư ra của Tượng Quận lập nên quận Hợp Phố合浦. Lại từ 2 phía biển, để dễ quản lý Hải Nam, chia tiếp thành 2 quận là Chu Nhai朱崖 và Đam Nhĩ 儋耳. Cử Thứ sử đến Giao Châu 交州. Nhà Hán phân ra 9 quận, muốn sửa đổi lối cai trị gây bao nhiêu đau khổ cho dân chúng thời Tần, bèn thống nhất cử duy nhất 1 thứ sử đến cai trị Giao Châu. Đến thời Đông Ngô lại phân ra làm 2, gộp Giao Châu, Lưỡng Quảng lấy tên là Lập Yên 立焉. Giao Châu, Lưỡng Quảng làm 1, đặt trị sở ở Phiên Ngung 番禺. Đến đời Đường Thái Tông 唐太宗 [ 28 tháng 1 năm 598 – 10 tháng 7 năm 649, tên thật Lý Thế Dân 李世民, là Hoàng đế thứ hai của Nhà Đường, trị vì từ năm 626 đến năm 649 với niên hiệu duy nhất là Trinh Quán 貞觀] phân chia thiên hạ thành 10 Đạo, gộp Giao Châu, Lưỡng Quảng làm thành 1 [Đạo], đặt chức Thái phóng sử ở Phiên Ngung, quy mô cũng như thời nhà Hán. Riêng có soái phủ thì thay đổi địa điểm. Đường Cao Tông 唐高宗 [tên thật là Lý Trị 李治, 21 tháng 7 năm 628 - 27 tháng 12 năm 683, là Hoàng đế thứ ba của nhà Đường, trị vì từ năm 649 đến năm 683, tổng cộng 34 năm] bắt đầu đặt ra An Nam Đô hộ phủ 安南都護府 để quản lý Giao Châu.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Bản triều [tức là nhà Tống] giữa năm Hoàng Hựu 皇祐 [niên hiệu của Tống Nhân Tông, niên hiệu Hoàng Hựu kéo dài từ 1049-1054], đặt An phủ Kinh lược sứ 安撫經略使 quản lý Quế Châu. Cũng đặt chức Tây Đạo súy phủ như [nhà Đường]. Đến nay ở Bát Quế 八桂 [nay là Nam Đan, Hà Trì, Quảng Tây], Phiên Ngung, Long Biên 龍編 [ triều đình] đều cho lập những cái đỉnh đồng sừng sững, bắt chước theo kiểu cổ thời nhà Tần.

Quảng Tây ở phía Tây Nam một phương, đều giáp các nước bên ngoài, gồm các châu: Ung, Nghi, Khâm, Liêm, Dung, Quỳnh Châu [ Hải Nam], Cát Dương, Vạn An, Xương Hóa quân, Tĩnh Giang phủ, các vùng biên ải ngoài bờ biển; Liễu Châu, Tân Châu, Hoàng Châu, Hoành Châu, Uất Lâm, Hóa Châu, Lôi Châu đều là vùng biên ngoài biển. Tổng cộng Quảng Tây có 25 châu, 17 châu biên giới. Tĩnh Giang thuộc huyện, một nửa là các động người Dao. Những động người Dao này không giống với người Man ở Ngũ Lăng 五陵. Từ Tĩnh Giang đi 1 chút về phía Tây Nam là đến Dung Châu…

Sông Tả Giang về phía chính Nam, bên ngoài là An Nam [ tức là 2 phụ lưu sông Bằng và sông Kỳ Cùng], từ Ung Châu đi về phía Đông Nam là Khâm Châu, ở phía Tây Nam Khâm Châu tiếp với biên giới Giao Chỉ, đường bộ qua khu Thất Động [7 động] khá hạn chế, nếu đi đường thủy dùng thuyền thì còn thông thương dễ hơn. Từ Khâm Châu qua phía Đông 1 ngày là đến Liêm Châu, vùng biển trực thông với Giao Chỉ [ nay là cảng Phòng Thành, Đông Hưng]
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ba dòng nước hợp lưu

Bốn quận phía tây nam đảo Hải Nam có biển lớn gọi là Giao Chỉ dương交阯洋 [ biển Giao Chỉ]. Tại biển có 3 dòng hợp lưu, nước phun lên rất mạnh phân chia thành 3 dòng: dòng thứ nhất chảy về phía Nam dẫn đến biển thuộc các nước Phiên; dòng thứ 2 chảy lên phía Bắc qua vùng biển Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang; dòng thứ 3 chảy vào phía Đông nơi mù mịt không bờ gọi là Đông Đại Dương 東大洋. Tàu thuyền đi lại qua hướng Nam phải qua ba dòng nước hợp lưu, nếu gặp gió nhẹ thì vượt qua được, nếu bất cẩn đi vào chỗ hiểm đó mà không có gió thuyền không ra được, ắt phải vỡ chìm trong ba dòng nước xoáy này. Tôi nghe truyền rằng biển lớn phía Đông có Trường Sa Thạch Đường 長砂石塘 [ đúng ra là quần đảo Hoàng Sa] rộng vạn dặm, sóng rồi nước thủy triều đánh vào như chốn cửu u. Trước kia đã có thuyền lớn bị bão phía Tây thổi, trôi dạt đến biển lớn phía đông này, nghe tiếng từng cột sóng cao ngất đánh ầm ầm như sét, nhìn chả thấy đất liền ở đâu, trong khoảng khắc gặp gió lớn thuận chiều nên may chạy thoát được.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
3. Biên suất

Quảng Tây kinh lược An phủ sứ 廣西經略安撫使


Nhà Hán đặt súy phủ tại Giao Châu, nhà Đường đại Quảng Châu. Giữa năm Thiên Bảo 天寶 [ niên hiệu của Đường Huyền Tông, 742-756], Lĩnh Nam, Quế Lâm, Dung, Ung [Châu], Giao [Châu], Lưỡng Quảng đều thuộc quản lý của Quế Châu thái phóng. Đến đời Đường Chiêu Tông 唐昭宗 [ 31 tháng 3 năm 867 – 22 tháng 9 năm 904, tên là Lý Kiệt 李傑, sau cải thành Lý Mẫn 李敏, rồi Lý Diệp 李曄, là hoàng đế áp chót của nhà Đường, trị vì từ năm 888 đến 904, bị gián đoạn khi hoạn quan Lưu Quý Thuật buộc ông thoái vị trong vài tháng vào năm 900-901. Đường Chiêu Tông là hoàng tử thứ 7 của Đường Ý Tông và là em của Đường Hy Tông] bắt đầu thăng Quế [ Châu thái phóng] lên hàng Tiết độ sứ. Bản triều giữa năm Hoàng Hựu, sau khi bình được Nùng Trí Cao, xuống chiếu cho Địch Thanh 詔狄 phân chia Quảng Tây ra các châu là: Ung, Nghi, Dung thành 3 Lộ, sử dụng các quan võ làm tri châu kiêm bản lộ an phủ đô giám 本路安撫都監, bố trí Kinh lược An phủ sứ ở Quế Châu, tuyển chọn thượng quan là tri châu kiêm chức lãnh sử sự 領使事. Sau này lại chuyển Ung, Nghi, Dung từ Châu thành Quận, riêng Tuyên châu 宣州, Dung Châu 融州 các quan phòng vệ kiêm luôn chức Bản lộ binh mã đô giám本路兵馬都監, ở Ung quận thì viên quan phòng vệ kiêm chức Bản lộ an phủ đô giám 本路安撫都監. Các viên quan canh phòng miền duyên hải sẽ cùng kiêm chức Khê động đô tuần kiểm sứ 溪峒都巡檢使, hầu hết đều là Kinh lược An phủ sứ. Soái phủ vừa ở nội địa kiêm quản Tây-Nam 10 châu quan trọng, bên ngoài trấn giữ Man di hơn 100 dân tộc, quản dân Man này không phải là cứ dùng sức mạnh hay quyền là được vậy. Các quận ở Quảng Tây, phàm mỗi khi có việc biên sự, không cần trình lên [ triều đình] mà chỉ cần trình lên ty Kinh lược vì trước nay vẫn được hưởng quy chế vùng Quảng Tây.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Quỳnh Châu [ Đảo Hải Nam] kiêm Quảng Tây lộ An phủ đô giám 瓊州兼廣西路安撫都監:

Hán Vũ Đế chiếm nước Nam Việt, sai sứ chia lại vùng biển và đất, đặt 2 quận Châu Nhai, Đam Nhĩ. Ngày nay các huyện Lôi Châu雷州, Từ văn lần lượt nhìn như chiếc sừng dài, do chính quyền Hải Nam cai quản trực tiếp, nếu đi thuyền buồm vượt biển thì nửa ngày là tới, cũng có khi còn nhanh hơn đường bộ vậy. Thời Hán Nguyên Đế 漢元帝 [ 76 TCN - 8 tháng 7, 33 TCN, tên là Lưu Thích 劉奭, là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Tây Hán] cho là đường biển khó khăn nguy hiểm, nên bỏ [ đảo Hải Nam]. Đến thời nhà Lương mới khôi phục [lại] và đặt [là] Nhai Châu 崖州. Nhà Tùy quản lĩnh 10 huyện. Lúc ấy đảo Hải Nam chỉ có 1 châu duy nhất là Châu Nhĩ 州耳. Thời nhà Đường, năm Trinh Quán貞觀 thứ 5 [ 631] đặt Quỳnh Châu 瓊州, nay quản Quỳnh [Châu] là Tĩnh Hải quân tiết độ thị 靖海軍節度是. Năm Vũ Đức thứ 5 đặt Đam Châu 儋州, nay là Xương Hóa quân 昌化軍. Năm Long Sóc 龍朔 thứ 2 [ 662, niên hiệu của Đường Cao Tông] đặt châu Vạn An 萬安州, nay thuộc quân Vạn An.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ung Châu kiêm Quảng Tây lộ An phủ đô giám 邕州兼廣西路安撫都監

Từ thời Đường chia thiên hạ làm 10 đạo, 2 Quảng vẫn chưa phân thành Đông và Tây. Giữa năm Thiên Bảo 天寶 [ 742-756, niên hiệu của Đường Huyền Tông] bắt đầu phân Ung Châu kinh lược sứ. Đường Ý Tông 唐懿宗 bắt đầu thăng Ung Quản 邕管 làm Tây Đạo tiết độ sứ 西道節度使. Bản triều giữa năm Hoàng Hựu sau khi dẹp Nùng Trí Cao, chiếu cho Địch Thanh phân Quảng [Tây] ra Ung, Nghi, Dung làm 3 Lộ, quan canh phòng kiêm bản lộ binh mã đô giám 本路兵馬都監, đặt Kinh lược An phủ sứ giữ Quế Châu để thống nhất.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Khâm Liêm khê động đô tuần kiểm sứ 欽廉溪峒都巡檢使

Khâm Châu, Liêm Châu đều là vùng cực biên, giáp An Nam nhưng phong cảnh không quá khác nhau. Thời trước thì thuyền bè An Nam phần đa đều tới Liêm Châu buôn bán, sau vì thuyền chìm nhiều, lại chuyển đến Khâm Châu. Triều đình có lệnh cho Khâm Châu không quản các khê động, chuyển cho người dân tộc làm chức quan để quản, do là bọn An Nam cứ có âm mưu chiếm. Phía Tây Liêm Châu, tây Khâm Châu đều là đất An Nam. Người Giao Chỉ đi lại buôn bán dùng thuyền nhỏ. Rồi khi xuất cảng, theo ven biển mà đi, không quá nửa dặm là nhập cảng Khâm châu, [ buôn bán] chính thức thì không nhiều, nhưng tất nhiên buôn bán [ tiểu ngạch] thì cảng Khâm châu cứ như cảng của người Việt vậy, buôn bán ở đây có lúc hỗn loạn, rồi thì mất vệ sinh bẩn thỉu. Nếu thuyền chạy đến Liêm Châu, phải vượt qua cảng Khâm, biển chia nhiều dòng, sóng gió hiểm ác. Người Giao Chỉ đến Khâm Châu, từ đó qua biên giới đến châu Vĩnh An [Quảng Ninh], sáng đi chiều về. Ở cảng Khâm Châu có trại Để Trạo quản lý và [cho thuê thuyền chở hàng], gần biên giới có bến cảng Mộc Long 木龍 điều hành tàu bè, ti Tuần kiểm duyên hải, ti này chuyên đón [ người An nam] sang buôn bán rồi [ đóng dấu hàng hóa] cho phép tàu buôn về bên kia, đôi khi còn chuẩn bị sẵn hàng [để bán] hay hướng dẫn luồng tàu, đường biển cho tàu bè. Trên đất liền giáp biên, có vùng Thất Động, có động Như Tích làm nhiệm vụ đồn trú phòng thủ, làm thành nơi biên giới vững chắc của ta [TQ] và hạn chế buôn bán hơn.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
3. Phong th

Người An Nam hàng ngày có câu:

- Mưa xuống tiện cho cái lạnh, tạnh mưa thì tiện cho cái nóng, bất luận Xuân Hạ Thu Đông.

Câu này ý nói phương Nam khí hậu khắc nghiệt. Khí hậu ở Quế Lâm và Giang-Chiết cơ bản là tương đồng. Qua Quế Lâm đến Thành Nam chừng 10 dặm, khắc thấy khí hậu khác biệt. Đỗ Tử Mỹ 杜子美 [ tức là nhà thơ Đỗ Phủ] nói:

- Nghi nhân độc Quế Lâm [ người ở Nghi Châu thấy mình đơn độc ở Quế Lâm]

Ở Khâm Châu có khi mặt trời đang nắng lại mưa, rồi khí lạnh ào ào làm người ta phải mặc thêm áo, tạnh mưa thì khí ấm lại bốc lên thiêu đốt người ta. [vùng Giao Chỉ giáp Khâm Châu] thì khí hậu ẩm thấp, một ngày mấy lần thay đổi, có lúc trời trong, có lúc mây kéo đến ẩm ướt.

Mùa Đông Giao Chỉ kéo dài mấy tháng, người lúc nào cũng mặc áo bông chứ không mặc áo lụa mỏng được, mùa Hè trời nóng bức, hay có mưa rào, nên lúc nào cũng phải có áo che mưa. Đại khái là buổi sáng trời thường ấm, ban ngày nóng, buổi chiều mát mẻ, đêm lạnh. Một ngày 4 mùa nhưng không khí không dễ chịu. Tháng 9 hoa mai đã nở rộ, đến tháng Chạp là đã ra quả xanh. Đầu Xuân, trăm loài cỏ mọc lên xanh rợn ken kín rậm rạp, các loại cây như Phong, Hòe, Du, Liễu thì 4 mùa đều có sắc xanh. Các loại cây thân gỗ tuy to, nhưng hay bị sâu ăn ruỗng cả lõi. Ngũ cốc còn chát chưa ngọt, lục súc [ thịt] vẫn nhạt chưa có vị, nước suối có vị tanh cùng màu thâm đen.

Phương ngôn, cổ nhân đã có, lại nói ở Quảng Tây nói ngôn ngữ gọi là Lâu Ngữ 蔞語, nói đến Quan 官 thì gọi là câu chủ 溝主, Mẫu 母 gọi là Mễ Nang 米囊, ngoại tổ mẫu 外祖母 [ bà ngoại] là Đê 低, Bộc sử 僕使 gọi là Trai Tốt 齋捽…

Ta thường làm phiên dịch cho bộ Lễ, mỗi khi đi sứ hay tiếp sứ Giao Chỉ, xét Giao Chỉ có ngôn ngữ riêng gần giống vùng Quảng [ Đông?], tuy dùng chữ Hán, nhưng chữ chữ có khác, tất nhiên có những chữ không cần dịch như chữ Hoa 花 thì cũng nói và viết là Hoa 花; chữ Bắc 北 lại thành Sóc 朔. Khi phiên dịch cũng phải dựa vào âm sắc và khuôn mặt nữa.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
4. Ngoại quốc thượng 外國門上

An Nam quốc 安南國

Thời Tần vốn là đất Giao Chỉ thuộc Tượng Quận, thời Hán, Đường phân chia lại, tất nhiên nhìn nhận là “Vùng đất cổ của người Bách Việt” [ nguyên văn: Bách Việt cổ địa 百粵故地]. Bên trong nội địa thì ngụy đặt [ nguyên văn 偽置 ngụy trí, cái nhìn theo quan điểm của tác giả, cho rằng nhà Tống mới mà chính thống, còn lại các quốc gia khác nếu có phân chia đất đai hay đặt chức quan đều là giả dối] 4 phủ, 13 châu và 3 trại.

Phủ gọi là: Đô hộ? 都護, Đại Thông 大通, Thanh Hóa 清化, Phú Lương 富良.

Châu thì gọi là: Vĩnh An châu 永安州, Vĩnh Thái 永泰, Vạn Xuân 萬春, Phong Đạo 豐道, Thái Bình 太平, Thanh Hóa 清化 [ không rõ tác giả có gì nhầm, phía trên đã có phủ Thanh Hóa, dưới này lại có châu Thanh Hóa?], Nghệ An 乂安, Già Phong 遮風, Trà Lỗ 茶盧, An Phong 安豐, Tô Châu 蘇州, Mậu Châu 茂州 [tác giả viết nhầm, đúng ra chỉ có châu Tô Mậu 蘇茂州], Lượng Châu 諒州.

Trại thì có Hòa Ninh 和寧, Đại Bàn 大盤, Tân An新安.

Đại để Thanh Hóa, Già Phong, Nghệ An, Vĩnh An đều giáp biển, giao thông đi lại đều dùng đường biển, Vĩnh An [Quảng Ninh] giáp biên giới với Khâm Châu [ Trung Quốc], Trà Lỗ giáp với biên giới Chiêm Thành, Tô Mậu giáp với Ung Châu. Nước này phía Đông và phía Tây đều giáp với biển lớn, phía Đông có sông nhỏ, qua biển là đến Khâm Châu, Liêm Châu [TQ], phía Tây có đường bộ, thông với Man Bạch Y 白衣蠻 [ tức là sắc tộc Thái, vùng Tây Bắc nước ta và Vân Nam, Lào], [ đường bộ] phía Nam giáp đến Chiêm Thành, phía Bắc đến các châu Ung, Quản.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Từ phía Tây Nam Khâm Châu, đi thuyền 1 ngày là đến châu Vĩnh An, vòng theo trại lớn Ngọc Sơn 玉山 qua Vĩnh Thái, Vạn Xuân không quá 5 ngày là đến kinh đô [Thăng Long].

Từ Ung Châu 邕州 theo sông Tả Giang 左江 đến trại Vĩnh Bình 永平寨 [ Bằng Tường], đi về phía Nam nhập cảnh vào huyện Cơ Lang 機榔縣, qua Ô Bì 烏皮, qua 2 con sông nhỏ là sông Đào Hoa 桃花 [ sông Thương, ngày xưa nổi tiếng vì 2 bên bờ sông có rất nhiều hoa đào, đến tận thời Hậu Lê vẫn còn], đến sông Nam Định 湳定江 hay còn gọi là sông Phú Lương 富良江 [ sông Cầu], đi khoảng 4 ngày là tới kinh đô, chính Quách Quỳ đã xuất quân theo đường này.

Lại cũng từ trại Thái Bình đi về hướng Đông-Nam, qua sông Đan Đặc La 丹特羅江, nhập cảnh ở Lượng Châu [ thuộc Lạng Sơn, Cao Bằng ngày nay], đi 6 ngày là tới kinh đô.

Nếu không cũng có thể từ sông Hữu Giang đến trại Ôn Nhuận [thuộc Tĩnh Tây, Quảng Tây, đây là vùng đất mà nhà Lý đã mất về tay nhà Tống] nhập cảnh vào [ An Nam], nhưng đường xá rất hoang vu.

Người Giao cho biết từ mọi nơi khi đến kinh đô thì gọi là “nhập động” 入峒, còn dân ta [Trung Quốc] khi đến kinh đô nói là “thượng kinh” 上京. Địa lý như thế, nên ở kinh đô trước mới gọi thế chăng? [ tức là Hoa Lư, tác giả nói ở Hoa Lư có nhiều hang động, nên đến kinh đô thì dân ta gọi là “nhập động”], người ta cho là quá xa, đường xá xa xôi bất tiện, nên [ mới] dời [ kinh đô] đi.
 

One-77

Xe cút kít
Biển số
OF-64321
Ngày cấp bằng
17/5/10
Số km
15,429
Động cơ
1,188,489 Mã lực
Em vào đọc sử.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Trước đây, trong nước đánh loạn giữa các bộ [ ý nói loạn 12 sứ quân], có Đinh Bộ Lĩnh [ nguyên tác viết nhầm là Đinh Đô Lĩnh] nổi dậy, cùng với con trai là Đinh Liễn thống lĩnh dân chúng đánh dẹp [các sứ quân khác] bình định thiên hạ. Dân chúng lập [Bộ Lĩnh] làm chủ tướng, 3 năm sau [ triều đình] có lệnh phong cho Đinh Liễn chức Tiết độ sứ 節度使. Năm Khai Bảo 開寶 thứ 6 [973, niên hiệu của Tống Thái Tổ 宋太祖 Triệu Khuông Dận 趙匡胤], Đinh Liễn sai sứ cống phương vật, [ vua Tống] phong Đinh Liễn: Đặc tiến kiểm hiệu Thái sư 特進檢校太師, sung Tĩnh Hải quân tiết độ quan sát sứ 靜海軍節度觀察處, Trí đẳng sứ An Nam đô hộ kiêm Ngự sử đại phu 置等使安南都護兼御史大夫, Thượng trụ quốc 上柱國, Tể âm quận khai quốc công 濟陰郡開國公, lại ban cho Thôi thành thuận hóa công thần 推誠順化功臣。8 năm sau [981] lại gia phong Giao Chỉ quận vương 交址郡王.

Đinh Liễn chết, Lê Hoàn nguyên là bộ tướng bèn nổi dậy [cướp ngôi], tự lập làm vua [Lời tác giả: vì kiêng tên húy Tống Khâm Tông 宋欽宗, tên thật là Triệu Hoàn 赵桓 nên nhiều sách về sau phải đổi nét. Nay [ tôi] theo Tống Sử và viết cho đúng].
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Giữa năm Thái Bình Hưng Quốc 太平興國 [ niên hiệu của Tống Thái Tông, 976-984], Hoàn cùng Giao Châu làm phản, triều đình nhân đó phải phủ dụ yên ủi. Hoàn chết, con là Chí Trung 至忠 nối ngôi [tức vua Lê Long Đĩnh]. Năm Đại Trung Tường Phù 大中祥符 thứ 3 [1010], Chí Trung chết, con trai vừa mới 10 tuổi, Lý Công Uẩn 李公蘊 giả mạo làm họ Lê, giết [ con cháu nhà Tiền Lê], tự xưng lưu hậu, giả vờ cho xin thỉnh mệnh [ vua Tống], trao cho chức Lê thị quan 黎氏官. Công Uẩn chết, con là Đức Chính 德政 nối ngôi [ vua Lý Thái Tông], sai sứ đến báo tang, tự xưng lưu hậu. Năm Thiên Thánh 天聖 thứ 6 [ 1028, niên hiệu của Tống Nhân Tông], phong [ Đức Chính] chức An Nam đô hộ 安南都護, Giao Chỉ quận vương 交址郡王. Đầu năm Bảo Nguyên 寶元 [ 1038], tiến phong Nam Bình vương 南平王. Đức Chính chết, con là Nhật Tôn 日尊 nối nghiệp [vua Lý Thánh Tông], tự xưng là Đại Việt quốc 大越國, Hoàng đế họ Lý đời thứ 3 氏第三帝 [ coi mình ngang với vua TQ]. Nhật Tôn chết, con là Càn Đức 乾德 lên thay [ vua Lý Nhân Tông], tự xưng hiệu là Minh Vương 明王. Lúc Càn Đức mới lên ngôi, quyền lực vẫn nằm trong tay quan dưới quyền [ ý nói Lý Thường Kiệt], viên đại thần là Lý Thượng Cát 李上吉 vẫn chủ trì các buổi ban nghị [ các buổi thiết triều có các quan dâng tấu sớ], có 1 viên tiến sĩ người Bạch Châu 白州, Quảng Tây tên là Từ Bá Tường 徐伯祥, có công canh giữ châu nhưng lại không được làm quan, bèn dẫn đường cho [quân Đại Việt] xâm phạm biên giới, vây hãm Ung châu, Khâm châu, Liêm châu. Triều đình sai Quách Quỳ đến thảo phạt, gần tiêu diệt được nước [ Đại Việt], bèn dâng biểu xin hàng. Gặp lúc quân triều đình [nguyên văn là Vương Sư 王師] mắc đại dịch, Quỳ nhận biểu và ra lệnh rút quân], thời Hy Ninh 熙寧 năm thứ 8 [ 1075, niên hiệu của Tống Thần Tông]. Càn Đức chết, có con rơi tại Chiêm Thành, phụng chiếu lập mà lên ngôi, gọi là Thiên Tộ 天祚 [ đoạn này tác giả nhầm lẫn, Lý Thiên Tộ là vua Lý Anh Tông, còn người kế nghiệp sau vua Lý Nhân Tông là vua Lý Thần Tông tên thật là Lý Dương Hoán]. [ Lời tác giả: xét Tống Sử thì Càn Đức chết năm Thiệu Hưng 紹興 thứ 2 tức là năm 1132 thời Tống Cao Tông, con là Dương Hoán 陽煥 lên ngôi, 8 năm sau Dương Hoán chết, con là Thiên Tộ mới lên ngôi, tôi nghĩ có sự nhầm lẫn nào đó]. Năm Thiệu Hưng thứ 26 sai sứ triều cống [ 1157]. Quý Tị năm Càn Đạo 乾道 [ 1173, niên hiệu của Tống Hiếu Tông], triều đình ban chỉ dụ sai Quảng Tây suất ti xuống Giao Chỉ mua voi đã thuần, Thiên Tộ nhân đó xin cống bằng voi, triều đình đồng ý. Chưa kịp vào cống [ voi] thì Thiên Tộ đã chết, người con trai nối ngôi là Long Cán 龍𣉙 không biết [ vua Lý Cao Tông], bèn mạo danh Thiên Tộ để xưng cống, vua phong cho An Nam Quốc Vương, rồi thụ phong, lấy tên là Thiên Tộ, xin ban cho Quốc ấn, đồng thời dâng di biểu của Thiên Tộ. [ Đoạn này tác giả viết hơi rắc rối, có thể hiểu là đoàn sứ ta đang trên đường đi cống thì vua Anh Tông mất, vua mới Cao Tông vẫn sử dụng tên của vua Anh Tông để giao thiệp, xin phong tước, ban quốc ấn rồi mới báo tin vua Anh Tông đã mất]. Triều đình bèn lệnh cho Quảng Tây đề hình 廣西提刑 là Liệu Cừ 廖蘧 làm sứ giả đến Khâm Châu điếu tế, đồng thời tuyên chiếu lập Long Cán làm An Nam quốc vương.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Nước An Nam tiếm ngụy bắt đầu từ Lý Nhật Tôn, đặt tên ngụy thụy là Thái Tổ thần võ 太祖神武, tự đặt quốc hiệu là Đại Việt Quốc, ngụy niên hiệu là Thiên Huống 天貺 [ đúng ra là 天貺寶象 Thiên Huống Bảo Tượng, niên hiệu của vua Lý Thánh Tông, 1068-1069], tiếp sau còn 18 tên hiệu nữa. Càn Đức mới lên ngôi đã xâm phạm biên giới, triều đình sai Quách Quỳ 郭逵 làm chiêu phủ sứ, Triệu Tiết 趙卨 làm phó. Đến sông Nam Định, Càn Đức phụng chiếu xin hàng, Quách Quỳ nhận chiếu.

An Nam trước tiên cũng lập ra pháp chế, tuy rất kém cỏi [ so với TQ], nhưng phải nói là [ nhờ có pháp luật mà] trên dưới đều yên bình. Mẹ và vợ [ vua] đều xưng là Hậu 后, con trai đều gọi là Thái tử 太子. Người trong bản họ tộc [ nhà vua] thì xưng là Đại vương, tộc trưởng xưng là Thừa tự 承嗣, các tộc ở vai vế sau xưng là Chi tự支嗣. Các quan thì có chức Nội và Ngoại 內外職: nội chức thì trị quốc, viên quan đứng đầu gọi là Phụ quốc Thái úy 輔國太尉, giống như Tể tướng 宰相 vậy; Ngoại chức thì nắm việc binh, viên quan đứng đầu gọi là Xu mật sứ 樞密使, Kim ngô Thái úy 金吾太尉, Đô lãnh binh 都領兵. Khi đưa văn thư đến biên giới lại xưng “An Nam đô hộ phủ” 安南都護府, do các viên ngoại chức soạn. Những người đi học để làm quan hoặc để nhậm chức, hoặc chọn làm học trò, hoặc để mà hiểu biết. Có chức vụ chuyên cầm cương ngựa đánh xe đi hầu vua, quân cấm vệ thì có 8 [loại] quân, phân ra làm Tả và Hữu quân, mỗi quân 200 người, khắc chữ ngang lên trán: Thiên Tử binh 天子兵. Lại có quân Hùng Lược 雄略, tuyển toàn người dũng cảm tráng kiện đều có 9 quân, sung vào việc bảo vệ các đoàn sứ giả, trật tự kinh thành.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Cung thất thì có Thủy Tinh cung 水精宮, điện Thiên Nguyên 天元殿, đều tiếm phỏng theo mô hình [ Trung Hoa] mà bắt chước. Đặc biệt có 1 cái lầu, treo bảng viết: An Nam đô hộ phủ 安南都護府. Nước này đặc biệt quan trọng khoa cử, phàm là khi bắt đầu làm quan, đầu tiên là chức Lại 吏 [ quan bậc thấp, sai vặt, giúp việc] sau đó sẽ được thăng lên chức quan [cao hơn] nếu như đọc thông sách vở, thi đậu và có dung mạo, văn chương đẹp? Về ban Võ, khi mới làm quan, sẽ được trao chức Bảo nghĩa lang 保義郎 [chức quan làm nhiệm vụ bảo vệ], Lang cũng được phong cho các quan ở miền núi như Tri châu. Phàm là các quan ở sở lị, không được triều đình chi bổng lộc, chỉ có thể dựa vào dân ở 1 địa phương mình cai quản, viên quan này phải dốc sức cùng thuộc hạ làm tròn trức trách là đôn đốc quán xuyến việc làm ruộng canh tác, đánh cá, thủy lợi, khai thác, nếu làm được ngoài số [thuế] dư nộp [ về triều] thì quan được hưởng số lợi [dôi ra ấy]. Binh sĩ luân phiên theo tháng 1 lần, khi nhàn rỗi phải tự cày cấy canh tác cung cấp lương thực. Mỗi năm vào ngày mùng 7 tháng Giêng, mỗi người lính được chi 300 đồng tiền, 1 xấp vải thô khoảng 4 trượng [ 1 trượng = 3,33m]. Binh lính mỗi tháng được cấp 10 bó lúa, mỗi ngày lễ lạt được ăn bữa rất lớn chủ yếu là cơm và cá muối, thực phẩm ướp [muối] gọi là khao quân. Những vùng đất biên giới thì quân được cấp nhiều loại lúa gạo hơn, cũng theo lệ khao quân và được ăn tiệc lớn vào ngày lễ. Vào ngày mùng 4 tháng Giêng, quốc vương sẽ ban yến tiệc cho các quan và liêu thuộc. Vào ngày mùng 5 tháng Bảy gọi là Đại Tiết大節, người dân chúc mừng lẫn nhau, các quan và liêu thuộc lấy ngày này tặng quà vua, vua nhận quà ngày này và mời yến tiệc cảm ơn lại. Trước cửa lầu cung vua treo một cái chuông cực lớn, khi dân muốn tố cáo oan ức thì gõ vào. Nếu mà phạm tội trộm cắp, sẽ bị chặt ngón tay ngón chân. Phạm tội phản bội đất nước đào tẩu không hồi âm, [bắt được] cũng chặt ngón tay ngón chân. Có âm mưu làm phản, sẽ bị chôn sống toàn thân chỉ lộ cái đầu lên, bên cạnh có cái cột tre cứng buộc cái đầu vào đấy, dùng con dao sắc, cắt đầu, cột tre bị giải phóng nâng vút cái đầu lên cao, thật đáng sợ!
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top