[Funland] Dịch sách cổ: Ký Sự phục vụ An Nam ( An Nam Cung Dịch Kỷ Sự)

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Vài lời ngỏ:
Nhu cầu tìm hiểu Lịch sử của các cụ OF rất nhiều, những tài liệu, sử liệu trong nước thì ít, và, ở chừng mực nào đó, không đáng tin cậy, nhất là Sử liệu nhà Nguyễn, nên hầu như em không dịch.
Nhân tìm được cuốn sách tuy nhỏ, nhưng hay, đó là cuốn : An Nam Cung Dịch Kỷ Sự, của Chu Thuấn Thủy, người Trung Quốc đời nhà Minh, sau khi nhà Minh bị nhà Thanh tiêu diệt (1644), ông đã bỏ TQ sang Đàng Trong Đại Việt ( 1657) lúc ấy để mong đem tài-năng của mình ra giúp chúa Nguyễn, nhưng đáng tiếc, tài năng của ông đã không được trọng dụng.
Lại bàn về vấn đề muôn thủa, người ta dùng người tài theo bằng cấp hay năng lực? Rõ ràng là Vn chúng ta vẫn thua Nhật Bản, vì khi chúa Nguyễn không dùng, Chu Thuấn Thủy đã sang Nhật Bản, tại đây, tài năng của ông được đánh giá cao, góp phần khá lớn vào công cuộc cải cách Nho Giáo kiểu Nhật Bản, tức là coi trọng thực hành, học tập cái mới, và, vua Minh Trị Nhật Bản đã theo những phương pháp của Chu Thuấn Thủy để làm nên cuộc Duy Tân Minh Trị, biến nước Nhật trở nên hùng mạnh.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Chu Thuấn Thủy đặc biệt chú trọng lối học thực hành (thực học) theo truyền thống Nho học của miền Giang - Chiết ( Giang Tô - Chiết Giang). Ông xem những lối học không mang lại lợi ích cho đời dù có hào nhoáng đến đâu cũng vô dụng. Trong thư viết từ biệt chúa Hiền ngày 21.4 ông nói: “Theo ý Du, Ngũ kinh, Tam sử, Thất quốc, Lục triều nay không cần gấp… Những sách này hoặc là từ và ý quá sâu sắc, hoặc là học vấn quá thâm nguyên, hoặc là luận bàn ngang dọc, riêng rẽ, hay tổng hợp để nói lên bản sắc riêng, hoặc là lời lẽ nguyệt lộ phong tuyết quá văn hoa”. Và ông nhấn mạnh: “Từ dưới lên trên phải học, tốt nhất là học cái gần nhất”.

Người Nhật đã sớm nhận chân tài năng của Chu Thuấn Thủy nên trọng đãi ông ngay lúc mới sang khiến cho ông cảm kích mà tự nguyện hiến dâng sở học của mình. Mitsukuni đã viết về tinh thần thực học của ông như sau: “Cái học của tiên sinh nhấn mạnh về kinh bang tế thế. Giả thử nếu cần biến một vùng đất hoang thành phố thị, phải tập hợp sĩ nông công thương, thì một tay tiên sinh có thể cáng đáng để xây dựng nên phố thị. Thay vì thi thư lễ nhạc, tiên sinh thích nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc về cách canh tác ruộng nương và cách xây dựng nhà cửa, cách làm rượu, làm tương… Tiên sinh có thể dạy người ta bất cứ loại gì”.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Nguyên tác bằng chữ Hán, có rất nhiều điển tích, điển cố, sách cổ, nên việc dịch rất khó, dù đã cố gắng, nhưng do trình-độ cực kỳ dốt nát, kiến thức nông cạn, cũng cố dịch hầu các cụ tham-khảo cho vui, chỗ nào muốn làm rõ ý, em để nguyên phần chữ Hán nguyên bản.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
安南供役紀事至後序
AN NAM CUNG DỊCH KỶ SỰ CHÍ HẬU TỰ
Tác giả: Chu Thuấn Thủy 朱舜水

Chu Thuấn Thủy (chữ Hán: 朱舜水,1600-1682): tên thật là Chu Chi Du (朱之瑜), hay Chi Dư (之璵), tự là Lỗ Tự (魯嶼), hiệu Thuấn Thủy (舜水); quê ở Dư Diêu (餘姚), tỉnh Triết Giang (浙江). sinh năm 1600 vào đời Vạn Lịch nhà Minh, tổ tiên ông có lẽ là có họ hàng với Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Vì chán cảnh quan trường thối- nát, Chu hồi trẻ đã nuôi chí giúp đời và nhất quyết không chịu đi thi, chỉ theo thầy đọc sách ở Tùng Giang Phủ (Nam Kinh). Tuy không đi thi, nhưng sở học và tài-năng của Chu được xa gần đánh-giá rất cao. Năm 1638, Chu được Học chính giám sát ngự-sử ở Tô Tùng (Tô Châu và Tùng Giang) chọn là nhân vật “văn võ toàn tài đệ nhất” và tiến cử lên Bộ Lễ làm “ân cống sinh”. Thượng thư Bộ Lễ lúc bấy giờ sau khi đọc bài viết của Chu, khen là “khai quốc lai đệ nhất” (hay nhất từ khi nhà Minh được thành-lập).
Khi quân phản loạn của Lý Tự Thành công phá Bắc Kinh (1644), Minh Tư Tông phải thắt cổ tự tử, di thần nhà Minh là Sử Khả Pháp lập Phúc Vương Do Tùng (tức Hoằng Quang đế) ở Nam Kinh. Có điều lạ là lúc này Chu được Phúc Vương vời ra giúp hơn mười lần nhưng lần nào Chu cũng nhất mực khước-từ, đến nỗi phải bị buộc tội là không giữ lễ quân-thần. Phải chăng Chu muốn giữ một tư thế độc-lập trong nỗ lực phục-hồi nhà Minh hay không tin vào nhóm vua quan nhà Nam Minh? Thực tế đã chứng minh, sau khi Phúc Vương bị quân Thanh bắt sống (1645), nhóm Trương Quốc Duy lập Lỗ Vương Dĩ Hải làm Giám quốc ở Chiêu Hưng. Chính Giám quốc Lỗ Vương là người đã ban chiếu ân- xá cho Chu vào năm 1657. Tuy Chu không bao giờ giải- thích vì sao trong khoảng 12 năm từ 1646 cho đến 1658, Chu đã từ Chu Sơn (Chiết Giang) bôn ba sang An Nam (chủ yếu chỉ miền Thuận Quảng lúc bấy giờ) ít nhất 5 lần và Nhật Bản (Nagasaki) 7 lần, ta có thể phỏng-đoán rằng mục đích các chuyến đi của Chu là để tìm cách yểm trợ phong trào Phản Thanh Phục Minh.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Căn cứ trên những tài liệu Trung Quốc và Nhật Bản, Chu đã đến An Nam 5 lần sau đây:
- Lần 1 năm 1646, từ Nagasaki – An Nam, về Chu Sơn;
- Lần 2 năm 1651, từ Chu Sơn – An Nam;
- Lần 3 năm 1652, từ Nagasaki – An Nam, bị bệnh;
- Lần 4 năm 1653, từ An Nam – Nagasaki (tháng 7), từ Nagasaki – An Nam (tháng 12);
- Lần 5 năm1654, từ An Nam – Nagasaki (tháng giêng), từ Nagasaki – An Nam, bị thổ huyết rồi lư trú tại Việt Nam ; 1656 : từ An Nam định đi Áo Môn, nhưng không đi được, tiếp tục ở lại An Nam ; 1657 : bị giam giữ, sau khi được thả về bị thổ huyết nặng ; 1658 : từ An Nam đi Nagasaki (vào mùa hè).
Trong 5 lần đến An Nam, thời gian Chu lưu- trú lâu nhất là khoảng 4 năm từ 1654 cho đến 1658, từ khi đến An Nam lần đầu vào năm 1646, Chu không ở luôn tại Thuận- Quảng trong suốt 12 năm mà vẫn về Chu Sơn và sang Nhật nhiều lần, nên lời khai của Chu là “ chạy sang quý quốc từ 12 năm nay ” phải hiểu theo nghĩa là không lưu- trú liên tục.
Khi tiếp xúc với phủ chúa Nguyễn vào năm 1657, Chu bị giam giữ một thời gian và có lúc suýt mất mạng. An Nam Cung Dịch Kỷ sự (viết năm 1657) là “hồi ký” của Chu viết về những sự -việc xảy ra lúc này. Ta hãy xem Chu đã ghi lại những gì trong tập sách đó.
 

Trâu Dạy Lái Xe

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-729445
Ngày cấp bằng
17/5/20
Số km
909
Động cơ
81,412 Mã lực
xưa em chưa đẻ nên ko biết
dưng nếu nói thời dực dỡ thì trọng dụng người tài theo quy trình 4 bước:
Nhất hậu duệ Nhì đồ đệ Tam tiền tệ Tứ quan hệ
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Chu cho biết là Chu nhận được hịch chiêu mộ người biết chữ (識字thức tự) của “Quốc vương” vào ngày 29 tháng giêng năm Đinh Dậu, năm thứ 11 đời Vĩnh Lịch nhà Nam Minh, tức là năm 1657. Vì văn thư ở nước ta vào lúc này viết bằng chữ Hán, đối tượng chính của những đợt “tìm người biết chữ Hán” này thường là người TQ, lúc này, Chu đang cư ngụ ở Hội An, vậy “Quốc vương” ở đây là chúa Nguyễn, tức Nguyễn Phúc Tần (gọi là chúa Hiền; làm chúa từ 1648 đến 1687). Đây có lẽ là lần đầu tiên Chu tiếp xúc với phủ chúa, trước đó tuy Chu đã đến đất Thuận-Quảng nhiều lần nhưng hình như không có liên-hệ trực-tiếp với chính quyền chúa Nguyễn. Khi nhận được hịch chiêu-mộ và ra trình-diện ngày 3 tháng 2, Chu bị tống giam và bị đối-đãi giống như “tù giặc nước ngoài bị bắt sống” (宼虜 khấu lỗ).
Sau đó, khi được dẫn đến nha môn, quan ra lệnh cho Chu làm một bài thơ ứng khẩu rồi viết lên giấy. Chu khăng khăng không chịu làm thơ, dùng bút viết giải thích như sau:
“Tôi, Chu Chi Du người Dư Diêu, Chiết Giang; chính quán Tùng Giang, Nam Trực Lệ (tỉnh Giang Tô). Khi người Trung Quốc phải chịu cảnh nước mất nhà tan, trời nghiêng đất ngả, tôi không cam róc tóc theo giặc (Mãn Thanh), nên mới chạy trốn sang quý quốc từ 12 năm nay, lìa bỏ mồ mả cha ông, để lại vợ con. Khí giặc vẫn không suy, người Minh chúng tôi khó lòng về lại. Lòng tôi tan-nát, ruột gan nóng như lửa đốt, làm thơ sao đặng. Xin coi điều tôi khai là đúng với sự thật”.
Viên quan không tin, “dùng mọi cách để áp đảo Chu”, nhưng vì đã “sẵn sàng chết” nên Chu “vẫn giữ thái- độ vẫn ung-dung bình-thản”
Khi biết Chu là “cống sĩ” (giống như “trưng sĩ”, nhưng trưng sĩ là cách gọi tổng quát), quan ta có ý xem thường, cho học lực của Chu không thể nào đọ được các vị khoa bảng nhà mình, nên mới hỏi:
“Cống sĩ so với cử nhân tiến sĩ, bên nào lớn hơn?”
Vì trước đó Chu đã từng bị một vị tiến sĩ ở nước ta làm nhục, nên Chu đoán ý của viên quan là xem trọng tiến sĩ, bèn đáp:
- Quý quốc không hiểu ý nghĩa của việc thi cử nên mới hỏi như vậy. Cống sĩ là biệt danh của cử nhân, bởi vậy người ta thường nói “Cống sĩ của khoa... gì đó”. Giữa cống sinh và cử nhân tiến sĩ cũng có khác-biệt, nhưng vấn đề không phải ở chỗ lớn nhỏ. Ở triều đình nước chúng tôi lúc đầu trọng “cống”, kể từ đời Thành Hóa (1465) và Hoằng Trị (1488) (nhà Minh) lại trọng giáp khoa (cử nhân và tiến sĩ), tức là lưỡng bảng. Ngay như cống sinh cũng đã bất đồng: có tuyển cống, có ân cống, có bạt cống, có tuế cống, có chuẩn cống, lệ cống, cao thấp khác nhau...
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày 8 tháng 2, Chu được đưa đến “Ngoại Doanh Sa” để “mệnh kiến Quốc vương”. Chu có chú thêm chỗ đóng binh (đồn binh) của Quốc vương là “một cái gò lớn, đọc theo âm An Nam”. “Dinh Cát” cũng là âm Việt của “Doanh Sa”, phù hợp với lời thuật lại của Chu. Ngoài ra, Chu còn ghi là Chu rời Hội An “ngày hôm trước” (mồng 7 tháng 2), như vậy có lẽ Chu đã được dẫn từ Hội An ra Dinh Cát bằng thuyền.
Chu kể lại rằng hôm yết kiến Quốc vương, “tất cả bá quan văn võ tụ tập có đến mấy ngàn người ở mái phải của cửa chính, tay cầm giáo mác xếp thành hình tròn”. Khi “muôn người đang trố mắt nhìn”, có lệnh bảo Chu “đi nhanh lên”, nhưng Chu “vẫn khoan thai từ từ đi vào cửa”. Đến trước chúa, Chu viết trên tấm lụa đã trải ra sẵn hai chữ “đốn-thủ” (xin kính cẩn cúi đầu). Quan hầu đứng cạnh chúa thấy Chu chỉ viết “đốn-thủ” nhưng không chịu lạy, bèn dùng gậy viết lên cát chữ “bái” (lạy đi!). Chu mượn gậy, viết thêm trên chữ “bái” một chữ “bất”, tức là “bất bái” (không lạy). Quan hầu “trợn mắt xăn tay áo, đến bắt Chu lạy, Chu gạt tay khiến quốc vương nổi giận”. Các quan văn võ nổi trận lôi đình, bảo Chu “cậy thế Trung Quốc là nước lớn, khinh nhờn nước nhỏ”, xin chúa cho giết Chu. Lại có y quan (giống như bác sĩ ngày nay) Lê Sĩ Khôi đến khuyên Chu:
- Suy đi tính lại mà lạy quốc vương đi! Không lạy tất bị chém đầu đấy!
Chu trả lời:
- Tôi là trưng sĩ của nhà Minh, sang đây tránh giặc. Vì chữ nghĩa (đối với nhà Minh) tôi không thể lạy quốc vương được... Mấy hôm trước, khi rời Hội An tôi đã chào vĩnh biệt các bạn bè thân thiết rồi, không phải đến đây mà bỏ ý chết. Hôm nay nếu tôi chết mà giữ lễ (với chúa cũ là Giám quốc Lỗ Vương) được thì tôi cũng ngậm cười nơi chín suối. Lọ là phải nói nhiều lời.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Trong “ Thượng Giám quốc Lỗ Vương tạ-ân tấu-sớ ” (Sớ tạ ơn tâu lên Giám quốc Lỗ Vương) thảo sau khi được thả về Hội An và nhận được chiếu ân-xá của Giám quốc, Chu giải thích rõ hơn lý do vì sao không chịu lạy chúa Nguyễn : “ Thần nhiều lần nhận được chiếu sắc vời làm trưng sĩ của quốc gia, khác với những quan viên tầm thường khác, nếu quỳ gối lạy trước triều đình của một nước nhỏ thì sẽ làm nhục quốc điển. Quốc vương không biết nghi lễ đó, nổi giận muốn giết thần”.
Cũng cần nói thêm là ở Hội An, Chu không ở phố Tàu mà cư-ngụ ở phố Nhật, thuê nhà chung với ba người Nhật. Chủ nhà là Gombê cũng là người Nhật. Sáng sớm trước khi bị dẫn ra Dinh Cát, Chu tắm gội sạch sẽ, rồi căn dặn cặn kẽ người nhà phải làm gì trong trường hợp bị giết mà không về lại Hội An. Khi bị hăm dọa chém đầu vì không chịu lạy, Chu yêu cầu Lê Sĩ Khôi là sau khi giết Chu nếu được thì xây một tấm bia bên mộ khắc mấy chữ “ Minh trưng quân tử Chu mỗ chi mộ ” (Mộ của người họ Chu, người quân tử được nhà Minh vời ra giúp).
Vẫn theo lời thuật lại của Chu, sau đó Quốc vương mật sai người vào Hội An nhiều lần để điều-tra xem lời khai của Chu có đúng sự thực hay không. Khi biết rõ là Chu không có tội tình gì, các quan phủ chúa mới bỏ ý định giết Chu. Sau đó đến ngày 19 tháng 2, Chu được thư của chúa mời Chu ra giúp, trong thư có câu:
“Thái Công (Khương Tử Nha) xưa phò nhà Chu dựng nên nghiệp vương, Trần Bình giúp nhà Hán (Lưu Bang Hán Cao Tổ) hưng khởi”.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Nhưng đối với Chu, lúc này thì đã cạn tàu ráo máng. Bởi vậy, trong thư trả lời viết cùng ngày hôm đó, Chu từ chối lời mời của chúa Nguyễn.
Tuy vậy, sang ngày 20 tháng 2 Chu nhận viết thay chúa Nguyễn một bài hịch kêu gọi người tài cán ra giúp để chống lại quân giặc (lỗ). Bài hịch này mang tên là “Đại An Nam Quốc vương thư” (代安南國王書, Thư viết thay cho An Nam quốc vương). Ta biết rằng vào lúc này chúa Nguyễn Phúc Tần một mặt vừa đánh nhau với Chiêm Thành ở vùng Phú Yên, một mặt đang giao chiến kịch liệt với quân Trịnh ở vùng Hà Tĩnh, Nghệ An. Chữ “lỗ” dùng ở đây chắc hẳn để chỉ quân chúa Trịnh. Bài hịch có những câu như:
“Nay quân giặc đã đến trước mắt, công trạng ở trong tầm tay. Hãy phất cờ phò-tá lập nên huân nghiệp, làm sáng-tỏ khí tiết trung-nghĩa trong trời đất. Các ngươi sẽ được chia đất phân nhà, ban ngọc thưởng rượu. Vinh-quang rạng-rỡ tổ tiên, phúc trạch lưu truyền con cháu. Đấy không phải là vĩ nghiệp của đại trượng phu, và điều vui sướng của người trai có tài lạ (Kỳ Nam Tử) hay sao?”
Chu kể lại là khi từ Dinh Cát về lại Hội An thì đồ đạc trong phòng Chu bị kẻ trộm vào lấy sạch, không còn gì cả. Trong khi hàng xóm láng giềng ai cũng đinh ninh chủ nhà là thủ phạm, Chu vẫn một mực không chút tỏ ý nghi kỵ Gombê. Sau khi điều tra biết Gombê là người vô tội, lúc bấy giờ hàng xóm mới khen Chu không phải là người tầm thường.
Căn cứ theo thư Chu gửi Giám quốc Lỗ Vương từ Hội An, sau đó Chu bị thổ huyết không ngừng, đến mùa hè năm sau (1658), Chu mới hồi phục để theo tàu buôn trở sang Nagasaki. Tại đây, Chu gặp được tri kỷ là Andô Shuyaku (Seian), gia nhân của Yanagawa-han (han giống như là một lãnh địa). Andô mến tài Chu, muốn mời Chu làm thầy. Nhưng lúc đó, nghe tin Trịnh Thành Công đã cử quân Bắc phạt và đang uy hiếp Nam Kinh, Chu trở về Hạ Môn (tháng 10, 1658), cùng con thứ là Chu Đại Hàm gia nhập hàng ngũ kháng Thanh. Rủi ro cho Chu, Đại Hàm bị bệnh chết bất thình lình, và sau đó chẳng bao lâu lực lượng kháng Thanh đại bại ở Nam Kinh (tháng 7, 1659), bản thân Trịnh Thành Công phải rút lui về đảo Kim Môn.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Tháng 10 năm 1659, Chu quyết định trở lại Nagasaki. Andô Shuyaku không những giúp Chu xin giấy phép cư trú đặc biệt mà còn tự trích ra một nửa bổng lộc của mình để giúp Chu. Qua sự khuyến khích của Andô, Chu viết tập Dương cửu thuật lược (1661), kể lại nguyên nhân vì sao nhà Minh gặp hoạ mất nước.
Ở Nagasaki được 5 năm, Chu được tiến-cử làm tân khách của Mito-han, một trong ba lãnh địa lớn nhất ở Nhật dưới thời tướng quân Tokugawa (德川Đức-Xuyên). Daimyô (giống như lãnh chúa) của Mito-han lúc bấy giờ là Tokugawa Mitsukuni (德川光圀, Đức Xuyên Quang Quốc, 1628-1700), người chủ trì việc biên soạn bộ Dai Nihon shi (大日本史Đại Nhật Bản sử) đồ sộ, bộ sử này trên thực tế phải đến năm 1906 mới hoàn tất (gồm có 397 cuốn).
Mitsukuni cũng là người chủ xướng học phái Mito (Mito-gaku), một học phái có ảnh hưởng sâu đậm đến những shishi (志士 chí sĩ) trong phong trào yêu nước dẫn đến Minh Trị Duy Tân. Ở Mito, Chu có may mắn là được Mitsukuni đối đãi hết lòng. Để đền ơn tri-ngộ, Chu quyết định ở lại Mito và đem sở học của mình ra đóng góp cho đến khi tạ thế (1682). Mộ của Chu nay vẫn còn ở huyện Ibaragi (Mito-han ngày trước), bia mộ có đề “明徵君子朱子之墓Minh trưng quân tử Chu Tử chi mộ” (Mộ của Chu Tử, người quân-tử mưu-đồ khôi-phục nhà Minh) đúng theo nguyện-vọng của Chu từ khi còn lưu-lạc ở Việt Nam.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Lúc sinh thời, Chu giao-du rộng-rãi với các học giả trong học phái Mito, và đã góp phần không nhỏ vào việc trao-đổi học thuật giữa Nhật Bản và Trung Quốc lúc bấy giờ. Về học-vấn và tư-tưởng, Chu đặc biệt chú-trọng lối học thực-hành (thực-học), tổng-hợp ưu-điểm của học thuyết Tống Nho có tính cách quy-nạp và coi-trọng kinh-nghiệm, với ưu-điểm của học thuyết Vương Dương Minh có tính cách diễn dịch và nhấn mạnh về trực giác. Chu xem những cách học không mang lại lợi ích cho cuộc sống, cho dù hào nhoáng đến đâu chăng nữa, cũng không khác gì đồ bỏ. Trong bức thư trả lời câu hỏi của Andô Shuyaku về “phương-pháp đọc sách và viết văn”, Chu đáp:
- Điều đáng quý trong học vấn là thực-hành. Nhan Hồi tuy học một biết mười, nhưng điều quan trọng là Nhan Tử đứng đầu về đức hạnh.
Ngoài ra, Chu cũng đã từng căn dặn môn đệ:
- Trên đường học vấn, những người chỉ muốn lập danh thì chẳng có ích gì. Phải áp dụng ngay cho chính bản thân mình.
Tại sao một học giả có tầm cỡ như Chu khi tìm đến đất Thuận Quảng nhưng vẫn không có ai nhận ra được giá-trị, phải chờ đến khi sang Nhật, Chu mới phát huy được sở học và tài năng của mình?
Vấn đề không có chính-sách dài hạn tuyển dụng và nung đúc nhân tài phải chăng chỉ là vấn đề ở đất Thuận-Quảng vào giữa thế kỷ hay cũng chính là căn bệnh coi trọng bằng cấp bề ngoài từ mấy trăm năm nay?
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Dưới thời Chúa Hiền, ta không khỏi thất-vọng, tự hỏi vì sao các quan phủ chúa vẫn còn câu nệ bằng biếu và cái học rỗng tuếch đến thế? Mà xem ra tình trạng này cứ tiếp diễn từ đời này sang đời nọ mãi cho đến ngày nay. Phủ chúa Nguyễn có treo bảng tuyển mộ người biết chữ, có “ cố gắng giảng tập võ bị, sửa sang binh khí, chiêu tập quân dũng cảm, tập trận voi, luyện thuỷ quân ” (Lê Quý Đôn), nhưng ngoài các chính-sách nhằm đáp-ứng những nhu cầu có tính cách ngắn hạn, ý thức tuyển dụng và nung đúc nhân tài nhằm xây dựng một nền thịnh trị lâu dài cho đất nước xem ra vẫn còn thấp kém. Để hoá ra chính quyền địa phương ở Nhật, ngay dưới thời “bế quan toả cảng”, vẫn có người nhìn xa thấy rộng để nâng đỡ nhà học giả lưu vong Chu Thuấn-Thuỷ.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
PHẦN BẢN DỊCH

Lời Tựa của Chu Thuấn Thủy
Tôi lấy làm hổ- thẹn là nước Trung Hoa ta đang bị suy- vong, rợ (quân Mãn Thanh, đây là nỗi nhục nhã của dân Hán, bị một nhúm người ngoại bang đánh tan và đô- hộ đến mấy trăm năm) ngoài vào chiếm quyền. Trời vốn đã không cho Du này tài thao- lược để trị loạn, vậy Du làm sao dám đảm- đương trách- nhiệm đó. Bởi vậy Du trốn sang nước ngoài, lưu -ly đã có 13 năm nay, vượt biển từ nước này sang nước nọ, chịu đựng muôn vàn khổ cực, những mong đất trời tươi sáng lại, đất chìm rồi lại nổi lên.

Đột nhiên có hịch của An Nam Quốc vương (Tức là Nguyễn Phúc Tần, tức Chúa Hiền (1648-1687). Trong bài này, khi Chu gọi Chúa Hiền là "An Nam Quốc vương", khi gọi là "Quốc vương", khi gọi là "Vương" hay "Đại vương") chiêu vời kẻ hèn này. Khi thấy hịch đó, Du mới nghĩ đến lễ quân thần ( ý nói lễ quân- thần cùa Chu đối với nhà Minh: Chu đã là tôi của nhà Minh thì không thể ra thờ vua An Nam -chỉ là một nước nhỏ có quan hệ triều cống đối với Trung Quốc, gọi là phiên quốc và vua của phiên quốc trên nguyên tắc phải được hoàng đế của Trung Quốc phong tước) vốn có từ ngàn năm nay, nếu không chết thì không thể nào bày tỏ được lễ đó. Nhưng nếu chết im lặng thì không làm sáng- tỏ được tấm lòng của thần, bởi vậy thần không thể không đến triều đình An Nam để biện bạch. Huống nữa, nếu mối thù lớn (Nguyên văn: đại cừu, ý nói mối thù của Chu đối với nhà Thanh) chưa báo thì làm sao Du có thể chết ở nơi cống rãnh. Bởi vậy thái độ của Du là không kiêu mà cũng không hèn, lấy lễ để làm sáng- tỏ. Quốc vương là người có kiến- thức và kinh -nghiệm tuy nhiên đôi khi còn phiến -diện và nông -cạn; nhưng tài chí lại gần như cao- minh. Đám sàm phu lộng hành, cực lực thổi phồng lên, các nguyên thần thì lại câm miệng không nói một lời. Du một mình chống trả lại công kích từ bốn phía. Những áp lực Du chịu đựng còn lớn hơn Vệ Luật (người đời Hán, cha vốn người Hung Nô ở Trường Thùy. Lớn lên ở đất Hán, kết bạn với Lý Diên Niên. Qua lời giới thiệu của Diên Niên, được triều đình cử đi sứ ở Hung Nô, khi trở về thì Diên Niên đã bị nhà Hán giết, Vệ Luật phải chạy trốn sang Hung Nô. Được Hung Nô trọng- dụng và truy phong làm Đinh Dương Vương), lời than thở của Du chẳng có ai nghe tựa như Lý Lăng (chữ Hán: 李陵, (? -74) trước Công nguyên, đời Hán, tự là Thiếu Khanh 少卿. Từ trẻ đã được cử làm Thị-trung Kiến-chương-giám. Giỏi bắn cung và có lòng nhân-hậu. Đời Hán Vũ Đế được phong làm Kỵ đô úy, dẫn 5.000 kỵ binh dũng cảm đi đánh Hung Nô. Dù chiến đấu cực kỳ dũng cảm, song quân Hung Nô quá đông, phải hàng. Vua bắt tội, chỉ có Tư Mã Thiên cho đó là hành động của kẻ biết thức- thời, ông bênh Lý Lăng nên đã bị Vũ Đế xử tội thiến). Mặc dầu chịu đựng thử -thách trong mười một ngày, Du không hề dám xem nhẹ, nhưng cái khí nuôi dưỡng sĩ phu từ 300 năm (nhà Minh kéo dài từ 1368 đến 1644, tác giả tự xem mình là quan nhà Minh. Câu này muốn nói là tuy trên nguyên- tắc Chu không chịu theo những nghi- lễ của chúa Nguyễn, nhưng ông cũng phải mềm mỏng trong cách ứng- xử) nay cùng không được phát triển toàn- vẹn như ý muốn.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Mỗi ngày Du đã cẩn- thận ghi lại những lời vấn đáp, những hoạt động, những thư từ rồi gom lại thành một tập. Du đã cắt bớt một số câu hỏi của các quan mà Chu thấy rườm -rà và không quan- trọng. Du cũng đã dấu đi một số chuyện cơ- mật nhằm bảo vệ bí mật cho họ (ngoài việc giúp Chúa Nguyễn viết thư, không rõ Chu đã giúp những việc gì khác. Trong bức thư thay mặt chúa Hiền viết cho một nhân vật có lẽ có địa vị quan- trọng trong chính quyền chúa Trịnh , Chu chỉ để là Mỗ Quan 某官- nghĩa là quan có tên nhưng không tiện nói ra-. Theo Trần Kinh Hòa, người này có tên là Phạm Hữu Lễ ở Cao Bằng, đây là 1 tướng của Trịnh, sau này phản lại và dấy quân ở Sơn Tây, được tướng Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật đem thư ra móc-nối để đánh Trịnh, âm- mưu bị Trịnh Tạc phát hiện và Hữu Lễ bị lừa giết). Tử Khanh (tức là Tô Vũ 蘇武, người đất Đỗ Lăng, là một bầy tôi trung của vua Hán Vũ Đế. Thời đó, nhà Hán thường bị Hung Nô ở phương Bắc hay quấy nhiễu, dòm ngó. Tuy là nước lớn nhưng muốn cầu hòa, nên Hán Vũ Đế sai Tô Vũ đi sứ sang Hung Nô.
Sang bên Hung Nô, vì làm phật- ý vua Hung Nô, Tô Vũ bị bỏ vào hang, ba ngày không cho ăn để cho chết. Tô Vũ nhờ hớp những giọt sương đêm trên cỏ mà sống sót. Thấy lạ, vua Hung Nô kinh sợ, cho Tô Vũ là thần, không dám hại nữa mà đày đến đất Bắc – nay thuộc Nga- chăn dê, giao hạn cho tới khi nào dê đực đẻ ra dê con mới được trở về Hán
Đất Bắc giá lạnh hoang- vu, không có người. Tô Vũ ở nơi đi đày, ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, thiếu thốn, cực- khổ và tuyệt -vọng. Gặp mùa chim nhạn nay về phương Nam, Tô Vũ viết một lá thư nhờ chim nhạn mang về nhà cho đỡ nỗi nhớ nhung. Hán Vũ Đế tình cờ nhặt được thư mới biết Tô Vũ đang phải chăn dê khổ -cực ở phương Bắc. Sau 19 năm, nhờ sự can- thiệp của Hán Vũ Đế, Tô Vũ mới được về TQ .Về sau, ông Được Hán Tuyên Đế phong làm Quan Nội Hầu và cho người vẽ hình Tô Vũ ở Kỳ Lân, chuyện này ở Vn cũng có tích hoặc tranh vẽ Tô Vũ chăn dê) phụng đi sứ mà phải chịu đói rét, Hồng Hạo (người Thẩm Dương đời Tống, tự là Quang Bật, đỗ Tiến sỹ, được cử đi sứ ở nước Kim, bị giữ lại 15 năm) cũng vì thế rồi bị đày lên núi đá lạnh lẽo. Tiết liệt của hai người cao- quý biết bao! Vì Du không phải là quan chức của triều đình nên không cần thiết phải ghi lại các công chuyện. Nhưng vì chuyện có dính líu đến đất nước nên Du không dám không ghi. Du ghi lại tập An Nam cung dịch kỷ sự ( nguyên văn:安南供役紀事) chính là vì vậy.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
I
Viên Cai Phủ (theo Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục, chúa Nguyễn thời ấy đã đặt các chức quan như: cai tàu, tri tào mỗi chức một viên, cai bạ tàu, tri bạ tàu, cai phủ tàu, ký lục tàu, thủ tàu nội, mòi chức hai viên, cai phòng 6 người, lệnh sử 30 người, toàn súng binh 50 người, lính tàu 4 đội 70 người, thống sự 7 người) vào ngày 29 tháng giêng năm Đinh Dậu (1657) nhận được lệnh của Quốc vương ra hịch chiêu mộ người biết chữ, nhưng lại dập đi không công bố. Đến mồng 3 tháng 2, đột nhiên họ bắt giam tạm thời những người biết chữ và đối đãi với những người này như giặc nước ngoài. Trong tiếng Phúc Kiến chữ "Chu" đọc rất gần với chữ "Châu", nên họ quản thúc nhầm Châu Tướng công. Châu Thuật Nam ( chữ Hán 朱 Chu trong tiếng Phúc Kiến đọc gần chữ Châu , vậy có nghĩa Cai Phủ là người Phúc Kiến và tác giả không phải là người Phúc Kiến.
Ngoài ra Châu bị bắt rồi được thả về liền, vậy Châu không ở trong diện những người “biết chữ”) không biết làm thế nào. Trước khi đi Châu dặn dò vợ con là sau khi mình chết thì phải làm gì. Khi được thả về nhà, Châu như người cõi chết được sống lại trở về. Khí thế như lửa của quan quân Cai Phủ làm mọi người phải kinh- sợ.

Đến lúc Du bị bắt, không có lấy một lời giải thích vì sao. Sau đó một thời gian, quan sai bắt làm một bài thơ ngay trước mặt rồi viết ra [trên giấy].
Du không chịu làm thơ, chỉ viết: "Tôi, Chu Chi Du 朱之瑜 người Dư Diêu, Chiết Giang, ký tịch ( tức là dùng một nơi nào đó khai làm nguyên quán của mình chứ không phải là nguyên quán thật sự) Tùng Giang, Nam Trực Lệ. Khi người Trung Quốc chịu cảnh nước mất nhà tan, trời nghiêng đất ngả, tôi không cam chịu róc tóc theo giặc [Mãn Thanh], nên mới chạy trốn sang quý quốc từ 12 năm nay, lìa bỏ mồ mả cha ông, để lại vợ con. Khí thế giặc vẫn không suy, người Minh chúng tôi khó lòng về lại. Lòng tôi tan- nát, ruột gan nóng như lửa đốt, làm thơ sao được. Xin coi điều tôi khai là đúng với sự thật". Những người khác cũng không làm thơ, họ nhờ Du viết giúp lời khai, nhưng cũng chỉ khác lời khai của Du đôi chút, không hiểu vì sao.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
II
Cai Phủ mặt giận dữ, kêu the thé:
- Ngoài những người này ra còn có bao nhiêu người biết chữ nữa? Kêu lại đây nhanh lên đi. Không được phép đến trình với bề trên trực- tiếp đó!
Du cãi lại, nói:
- Chuyện này là chuyện của phủ, có bao nhiêu người biết chữ, bao người không biết chữ, người cai quản còn không hay biết thì làm sao chúng tôi biết được. Nếu cấp trên biết nguyên do: câu chuyện, tự nhiên sẽ cử người có trách nhiệm đến lo, đây đâu phải là việc của chúng tôi.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
III
Cai Phủ ra lệnh sai người quản- thúc chúng tôi gần như giam lỏng. Du mới nói như sau:

- Chuyện này chẳng phải là chuyện nhất thời, tại sao lại không cho chúng tôi ăn uống? Nhà cửa chúng tôi, ai trông nom bây giờ đây? Hành lý cần thiết cho chúng tôi, ai sẽ mang lại?

Viên quan cứng miệng không đáp lại được. Sau đó thả cho chúng tôi về, nhưng hạ lệnh người ở cùng nhà xem chừng tôi từ bên ngoài và sai người thám thính suốt đêm. Du đoán không có cách gì tự trốn thoát được, nên hoàn toàn không nghĩ đến chuyện mua chuộc họ. Lúc bấy giờ Du muốn tự tử, để khỏi phải chịu nhục hơn nữa. Nhưng nghĩ người ngu -xuẩn vô-tri sẽ cho là Du vì hoảng sợ nên mới chọn cái chết, vậy phải đến chết ngay trước mặt Quốc vương thì sự tình mới được minh-bạch. Bạn bè thân thiết đến tiễn đưa Du. Trong đó có Sogoro ( nguyên văn viết là Lữ Tô Ngũ 呂蘇五 tên 1 người Nhật, đúng ra là Tô Ngũ Lữ 蘇五呂. Trên bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật Bi dựng năm 1640 ở Động Hoa Nghiêm ở Ngũ Hành Sơn có khắc rằng Tống Ngũ Lang 宋五俍, đọc theo âm Nhật là Sôgoro, ở phố Nhật Bản (Nhật Bản doanh) đã cung tiến100 quan tiền, đây đều là cách phiên âm Hán Việt khác nhau tên 1 người Nhật, bạn tác giả) vì không hiểu sự tình, gạn hỏi căn nguyên, nhưng Du sợ nếu nói rồi anh hoảng sợ thì lại sinh ra những chuyện phức tạp, bèn đặt bày ra chuyện khác để giải thích cho xong.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
IV

Trong hai ngày liền tôi đi đến Chiêm Thượng ( lúc này chúa Nguyễn vâng lệnh thay mặt vua Lê đi cai quản xứ Thuận- Quảng, người châu Âu gọi Quảng Nam là Province de Thiam (Chiêm), và dinh của chúa Nguyễn ở Quảng Nam cũng được gọi là Dinh Chiêm. Chiêm Thượng chính là Chiêm Trấn Thượng, tức Dinh Chiêm) nhiều bận để gặp Ông Nghi Bộ ( 翁 儀部, đúng ra phải là Ông Nghè Bạ, chỉ những người đỗ đạt khoa cử gọi là ông Nghè, ông Nghè Bạ là gọi tắt cùa Ông Nghè và Cai Bạ. Một số sách tiếng Latin hay Pháp viết vào khoảng thời này cũng có nhắc đến cụm từ Ong Nghe Ba) và các nha môn. Nghè Bạ là người thay trấn thủ vương ( từ năm 1602, Nguyễn Hoàng đặt dinh Quảng Nam, đặt trấn thủ, cai bạc và ký lục ở 3 phủ là: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhân).

Thay vì danh thiếp, Du trình lá thư của triều đình (nhà Minh) đặc biệt vời Du làm Ân Cống sinh (người có tài được tiến- cử ra giúp triều đình chứ không qua đường thi cử).

Du không đi tìm gặp những nha môn ở cấp dưới. Các viên quan nhỏ không biết điều, bắt Du ngồi ở ghế thấp hơn họ, nhưng Du cũng không cãi cọ.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,799
Động cơ
689,182 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
V
Mồng 4 tháng 2, Hôm mồng 3 [tháng hai], nửa đêm Du được thả về; hôm mồng 4, Du rời nhà khi trời còn tảng sáng, về đến nhà lúc xế chiều. Đến lúc canh hai, bị giục đi, không kịp sửa- soạn mang theo hành lý, và cũng không có thời giờ viết thư gửi gia đình. Chỗ cư- ngụ của Du không có người canh giữ, bạn bè thân thiết không dám nhận lời ủy -thác, về sau Du bị mất trộm cũng vì vậy.
Mồng 5 tháng 2, Hôm mồng 5, Du trước hết đi Hán Nê ( là một trạm nằm trên đường bộ và đường biển giữa Hội An và Dinh Cát ở Quàng Trị ngày nay, có lẽ là Cửa Hàn), quan từ các nơi tề tựu, đến nửa đêm, có lệnh truyền dẫn Du đi, cấm những người khác không được đi cùng. Đến nơi, các quan cứ ngồi yên, không giữ lễ. Sau khi Du đã đi vào chỗ ngồi hàng trên (thượng tọa), quan sai hỏi:
- Tệ Chúa (敝主chữ này theo tiếng Hán có nghĩa là Đại Vương) cho gọi (nguyên văn là 徴 trưng, hàm ý xấc xược, coi mình là Thiên Tử) các học giả, ông nghĩ thế nào?
Du mới đáp:
- Thiên tử mới được dùng chữ "trưng", cho dầu Đại vương có lấy được hết đất Đông Kinh (tức là Thăng Long, chỉ miền Bắc của chúa Trịnh) đi nữa thì cũng phải xin lại ngôi vị đó từ Trung Quốc, bất quá chỉ là vua một nước chư hầu ( nguyên văn: 矦王 hầu vương) của một vùng đất hoang mới chiếm, làm sao có thể dùng được chữ "trưng”?
Quan sai gật đầu nói:
- Phải! Phải! Phải! (chữ này bình thanh, tiếng Hán là: 是 "thị! thị! thị!”) tám chín lần liên tiếp.
Quan sai hỏi:
- Cống sĩ so với cử nhân và tiến sĩ, bên nào lớn hơn?
Du đoán ý của viên quan là xem trọng tiến sĩ, vì trước đó Du đã từng bị một vị tiến sĩ đến đó làm nhục. Du mới nhân cơ hội phản công, trả lời:
- Quý quốc không hiểu ý nghĩa cùa việc thi cử nên mới hỏi như vậy. Cống sĩ là biệt danh của cử nhân, bởi vậy người ta thường nói: “Cống sĩ của khoa... gì đó”. Giữa cống sinh và cử nhân tiến sĩ cũng có khác biệt, nhưng vấn đề không phải chỗ lớn nhỏ. Ở triều đình nước chúng tôi lúc đầu trọng “cống”, kể từ đời Thành Hóa (1465) và Hoằng Trị (1488) [nhà Minh] lại trọng thi cử, như vậy là có hai cách. Ngay như cống sinh cũng đã bất- đồng: có tuyển cống, có ân cống, có bạt cống, có tuế cống, có chuẩn cống, lệ cống cao thấp khác nhau. Theo chế độ trong nước vào lúc ban đầu, ngoại xá thăng lên nội xá, nội xá thăng lên thượng xá, khi sức học được tích trữ lần lượt sẽ được nhận vào Suất Tính đường ( theo Kinh Lễ, thiên Trung Dung, Suất Tính đường có chức năng gần giống như Quốc Tử Giám). Một khi đủ điểm, những người giỏi sẽ được cử vào làm trong cung (nguyên văn: 宮占Cung chiếm), thầy dạy học (nguyên văn:坊誘Phường dụ) những người thành tích kém hơn (nguyên văn:劣 liệt) ra làm Khoa đạo ( nhà Minh có 15 Đạo trong các viện, có nghĩa là các chức quan như: Chỉ Lục khoa cấp sự trung của Đô Sát viện hoặc Giám sát sứ Thập ngũ đạo), Gián quan (viên quan có bổn phận can ngăn vua khi thấy vua có lỗi lầm). Hoặc cũng có những nhân tài vốn làm về thuế hộ, những người hiền lương phương chính, hay những bậc học giả lão thành, được phong làm những chức lớn hơn. Trịnh Thực ( quê Mân Huyện đời Tống, đỗ Tiến sĩ dưới triều Quang Tông, sau làm đến Hình bộ Thị lang) lúc mới ra đã làm Bố chánh, Nghiêm Chấn ( quê Lam Đình đời Đường, tự là Hà Văn. Có công dẹp nội- loạn, được phong làm Hộ bộ Thượng thư. về sau được phong Bằng Dực Quận vương) khi mới mặc áo quan lần đầu tiên đã làm đến Thượng thư. Khi mới đỗ tiến sĩ, hoặc dược bổ làm Tả úy, so với cống sinh thì thấp hơn nhiều. Duy vào đời Thành Hóa, vì ngân sách bảo vệ biên thùy thiếu hụt, nên mới cho các bác sĩ (chỉ chung những người học rộng), học trò trẻ cùng những thường dân tuấn tú đóng thóc để được nhận vào Thành quân ( nghĩa là chỉnh thành những chỗ thiếu sót và làm quân binh những chỗ chưa đạt). Sau đó chế độ đóng thóc được bãi bỏ, bắt đầu từ đó chỉ coi trọng thi cử, nhưng vẫn có người muôn giữ cân bằng, chủ trương đồng thời “dùng ba lối một lần”( nguyên văn:三 徒並用 tam đồ tịnh dụng, câu này hơi khó dịch); nhưng rốt cuộc, chỉ có thi cử được trọng".
Lại có người hỏi:
- Làm thế nào để thu chọn sĩ phu?
Du đáp:
- Quan lại đời nhà Chu do Khanh đại phu tiến cử hoặc do các nước chư hầu triều công Thiên tử. [Những người này] được phong là Tư mã tức Tiến sĩ; từ Tư mã thăng lên Tư đồ, tức Tuấn sĩ. Sau đó, xét theo đức-độ để ban tước, theo năng-lực bổ-nhiệm làm quan-quả là một chế độ ưu-việt.
Đời Hán dùng cách tuyển chọn. Những thí sinh được tiến cử trả lời 10 câu hỏi về Kinh Thi, nếu làm được 5 câu thì được cho đỗ - cách tuyển chọn này gần với đời nhà Chu nhất. Nhờ vậy tuyển chọn được nhiều người, và những học giả thông hiểu kinh sách này được kính trọng ở triều đình.
Đời Đường bắt sĩ tử thi làm Phú và làm thơ theo niêm luật ( nguyên văn: 律詩 luật thi, đây là kiểu làm bài thơ phải theo cách thức có sẵn, tức thơ Đường luật, kiểu như Thất ngôn bát cú, hay Thất ngôn tứ tuyệt, tuân theo các câu như: Đề, Thực, Luận, Kết…, theo cách gieo vần Bằng, Trắc….), bắt đầu hỏi về những điều có tính cách chạm trổ vẽ vời, những người sĩ tử có chí khinh thị lối thi cử này.
Đời Tống bắt sĩ tử thi làm luận sách, ngoài ra còn cho thi Minh Kinh, Binh Pháp (Thao Kiềm, tên gọi tắt 2 cuốn là Lục Thao và Ngọc Kiềm, là sách dạy Binh pháp ) Hoằng Từ (tên một môn thi chọn quan lại đời Đường, giống như Bác học Hoằng từ, gồm có các loại: Văn hiến Thông khảo, Tuyển cử khảo, Hiền lương phương chính) , Mậu Tài ( người tài, còn là tên 1 môn thi chọn cử sĩ, phải giải thích được Kinh Thư của thánh nhân. Hán Vũ Đế cho thi 4 loại, vừa học vừa hành, ai giỏi được tuyển dụng. Đời Đường có 6 loại: Tú Tài, Minh Kinh, Tiến sĩ, Minh Pháp, Thư, Toán. Đến dời Tống Thần Tông bỏ Minh kinh, dùng Kinh Nghĩa, Luận sách làm tiêu chuẩn chọn cử sĩ).
Trường một, làm 3 bài giải- thích về Tứ Thư và 4 bài về (Ngũ)Kinh, cộng lại 7 bài. Trường hai, một bài Luận, 1 bài về Chiếu biểu, 5 bài về Phán. Người đỗ thi Hương, thủ khoa, gọi là Giải Nguyên, sau đó là Kinh Khôi, những người khác là Cử Nhân. Người đỗ thi Hội, thủ khoa là Hội Nguyên, sau đó là Hội Khôi, những người khác là Tiến sĩ. Thi Đình có một đề về sách, quan Ma-khám tiến trình, quan Đài tư đọc quyển, Thiên Tử ra đề. Đỗ đầu đệ nhất giáp gọi là Trạng Nguyên, đỗ thứ hai gọi là Bảng Nhãn, đỗ thứ ba gọi là Thám Hoa. Đệ Nhị giáp và Đệ Tam giáp gọi là Tiến sĩ và Đồng Tiến sĩ xuất thân. Đỗ nhiều thì có 400 người, đỗ ít thì 300 người. Lúc đầu mới có thi cử, chỉ lấy có 100. Bốn khoa thi Hương mở vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Bốn khoa thi Hội mở vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Hỏi:
- Nếu vậy thì tại sao lại có Trạng nguyên Khoa Quý Tị?
Du trả lời rằng:
- Vì Hoàng đế Vĩnh Lạc phải thân- chinh đi đánh giặc, Hoàng Thái tử làm Giám quốc ở Nam Đô [Nam Kinh], Thái Tôn làm Giám quốc ở Bắc Kinh, vì sợ hiềm tỵ nên hai người không muốn trực-tiếp đứng ra chọn người, bởi vậy mới đình lại, khoa thi Nhâm Thìn vì thế mới trở thành khoa Quý Tị.
Có người nói:
- Phải! Phải! Phải!
Một người bên cạnh nói:
- Thái sư đúng là văn-võ toàn tài.
Du trả lời:
- Ở đây nhân quý vị hỏi tôi mới trả lời, bất quá chỉ là những chuyện cổ- kim trong lòng bàn tay. Người mà không có sách nào mà chẳng đọc, ngoài ra còn biết dùng binh giỏi mới gọi là văn- võ toàn tài. Còn tôi không dám nhận danh- hiệu đó.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top