[Funland] Giải mã trận chung kết đơn nam Ronand Garros 2020

Dzung nike

Xe buýt
Biển số
OF-17103
Ngày cấp bằng
6/6/08
Số km
778
Động cơ
515,840 Mã lực
Nơi ở
OF Tennis Club
E cóp bài của ông anh cùng clb về cho các bác đọc chơi
Ổng thực hành thì kém chứ lý thuyết số zách :)
GIẢI MÃ TRẬN CK ĐƠN NAM ROLAND GARROS 2020
NOLE – KẺ THÙ KHÔNG ĐỘI TRỜI CHUNG CỦA DJOKOVIC

“Kẻ thù của Novak chính là bản thân anh” 1 huyền thoại đã từng nhận định như vậy.

“Những thất bại nặng nề thế này cho tôi những bài học xương máu không chỉ với tư cách là 1 tay vợt mà còn là kinh nghiệm sống cho cá nhân tôi” Tay vợt số 1 chia sẻ.

Đúng vậy, trận thua “nhục nhã”, vết nhơ không thể tẩy được trên bảng vàng thành tích chói lọi của Djokovic là hoàn toàn do anh. Tuy Nadal đã có những phương án chuẩn bị tốt và chơi rất hay nhưng chính anh, anh chứ không phải ai khác là người dâng chiếc cúp Coupe des Mousquetaires khi tự đào hầm chôn mình với tỷ số 0-6 2-6 & 5-7.

Không ai dám phủ nhận thành tích hoàn hảo từ đầu 2020 đến trước thềm RG của Nole. Anh đánh đâu thắng đó, vô địch toàn bộ các giải đấu mình tham dự, từ Australian Open, Dubai Open, Cincinnati Masters, cho đến Roma Masters. Trong khoảng thời gian đó, anh khuất phục các kình địch như Roger Federer, Rafael Nadal, cho đến các ngôi sao của thế hệ kế cận như Dominic Thiem, Daniil Medvedev, và Stefanos Tsitsipas. Với chức vô địch mới nhất tại Roma, anh đã vượt qua Rafael Nadal để lập kỷ lục 36 danh hiệu Masters 1000. Nhưng cũng chính anh tự đánh rơi chức VĐ Mỹ mở rộng gần như nằm chắc trong tay vì bị truất quyền thi đấu khi vô tình đánh bóng trúng yết hầu của trọng tài biên. Những lùm xùm về việc chỉ trích ATP & từ bỏ vị trí trong hội đồng, kêu gọi thành lập PTTA, hứng chí tổ chức giải đấu Adria tour gây nhiễm covid cho một số tay vợt và chính bản thân…. Tất cả đều do anh tự nghĩ và tự làm ra.

Grand Glam dễ kiếm, bản tính khó dời!

Trở lại với trận CK trên sân Philippe Chatrier, NHM nhìn thấy ngay ý đồ chiến thuật của tay vợt Serbia từ game đầu tiên anh giao bóng của trận đấu. Sau pha trả giao bóng lỗi của Nadal, Djokovic thực hiện 3 lần bỏ nhỏ liên tiếp trong đó 2 lần đầu ghi điểm và lần sau thì mất điểm vì không còn yếu tố bất ngờ. Kỹ thuật này không phải trong trận CK này Nole mới dùng mà anh đã áp dụng nó suốt cả mùa giải đất nện và thậm trí cả ở Cincinnati & Mỹ mở rộng. Nó đã từng là thương hiệu làm mê muội bao fan của tay vợt Serbia từ mấy năm trước đây và đến 2020 này anh mới khai quật ra dùng lại.

Chiêu thứ 1: drop – lob – net (smash/volley) – xin viết tắt là DLN được Novak áp dụng xuyên suốt cả trận đấu. Với cảm giác bóng gần đây cực tốt & thêm phong độ chưa đạt đỉnh của Nadal sau khi trở lại thi đấu từ mùa covid thì chiến thuật bỏ nhỏ - lốp là cực kỳ hợp lý nhằm tiêu hao thể lực, phá nhịp đánh & kéo đối thủ ra khỏi lãnh thổ quen thuộc quanh vạch cuối sân.

Chỉ qua vài phút mở đầu trận đấu đã thấy chiêu DLN có tác dụng, Nole chậm rãi chủ động thực hiện thế đánh trong khi Rafa luôn bị động chạy cứu bóng và vươn người chống lốp theo thế “xe đạp chổng ngược”. Vấn đề ở đây là nên áp dụng DLN ntn, khi nào & kết quả cần thu được ra sao? Những yếu tố như tiêu hao thể lực chỉ áp dụng khi đối phương đã mất sức một lượng tương đối, tối thiểu phải từ set 3 trở đi hay yếu tố phá nhịp chỉ có giá trị khi đối phương đang đánh tấn công quá rát hay quá vào tay mà thôi.

Yếu tố cần thiết của DLN trong set 1 phải là ăn điểm, nhưng Nole quá COI THƯỜNG đối thủ, sau cú bỏ nhỏ nếu không ăn điểm ngay thì luôn luôn là cú lob vừa phải dọc sân vào trái tay để Nadal phải chới với hoặc bán sống bán chết chạy về phông cứu. Đây là cái cách đánh độ mà chúng ta thường thấy ở cấp clb nghiệp dư khi 1 tay vợt trình trên đùa cợt hành hạ tay vợt trình dưới. Nhưng bên kia là ai chứ? Nadal, ông vua phòng thủ & phản công, còn Djokovic chưa bao giờ được coi là tay vợt mạnh trên lưới. Trong khi Nadal cực kỳ tập trung thì Djokovic khá vật vờ như đánh tập.

Chiêu thứ 2 là tấn công bóng bạt sâu nhất có thể, bất kể là forehand hay backhand. Tôi đánh giá đây là chiến thuật không hợp lý vì khi đua thể lực rally từ 20-30 thậm trí trên 40 lần chạm vợt thì Rafa chỉ sợ bị đánh mở góc, bóc mang, kiểu bạt sâu làm hạn chế góc đánh giúp Nadal đỡ phải đi chuyển nhiều lại mượn được lực phản công. Chiêu thứ 2 sẽ càng tệ hơn khi bị tâm lý vì chiêu thứ 1 bị phá sản. Bỏ nhỏ là 1 cú quả rất khác về nhịp so với tất cả cú quả còn lại, nó đòi hỏi động tác giả, thay đổi nhịp bất ngờ, ít dùng lực, động tác gọn, chính vì thế khi mà tâm trí lúc nào cũng chăm chăm tìm cách bỏ nhỏ kết hợp đoa ve nặng sâu tấn công nhịp nhanh là cực khó thực hiện thành công, ngay kể cả đó là tay vợt hoàn hảo như Djokovic, vì bên kia lưới không phải là tay vợt thuộc top 100.

Điều trớ trêu là Nadal & BHL của mình lại thành công khi cũng có điều chỉnh khá tương tự như chiêu 2 của Nole, đó là đánh cả forehand & backhand rất sâu nhưng bóng cồng (thông thường sẽ là forehand cồng còn backhand bạt). Hãy cùng xem xét lại về lý thuyết cơ bản bóng cồng là gì và tại sao lại đánh bóng cồng? Bóng cồng là bóng topspin có độ xoáy lớn, sau khi tiếp xúc mặt đất sẽ nảy cao hơn, đánh bóng cồng nhằm ép đối thủ phải đánh bóng ở tư thế không thuận lợi (từ vai trở lên) và gặp nhiều xoáy. Để áp dụng chiến thuật này Nadal thường phải đánh bóng có điểm rơi cách vạch cuối sân từ 2-3m, khoảng cách này mới đủ dài để bóng có thể nảy lên đủ cao làm khó đối thủ. Những cú có điểm rơi trong khoảng 1m thường chỉ được Nadal dùng khi đánh bạt ghi điểm vào chỗ trống hoặc tấn công mở sân. Như vậy thì cú đánh cồng sát vạch sẽ chẳng còn cồng nữa, chỉ nảy ngang đầu gối hay hông Djokovic mà thôi, cồng mà không cồng, đánh cồng mà rơi như bạt.

Đó là về mặt chiến thuật, còn để thực hiện chiêu này về mặt kỹ thuật cũng phải rất khâm phục khả năng điều chỉnh của Nadal. Độ xoáy luôn tỷ lệ nghịch với quãng đường, để đánh sâu hơn 1-2m mà vẫn xoáy thậm trí xoáy hơn thì Nadal đã phải tinh chỉnh kỹ thuật trong cú reverse forehand sở trường bằng cách đưa thêm phần xô-lườn vào trong chuỗi phát lực để tạo độ ổn định & kéo được vợt lên với góc tạo xoáy cao hơn.

Nole bị bất ngờ & lúng túng đến nỗi những cú có điểm rơi tốt sát vạch không đỡ nổi lại đổ tại mặt sân có vấn đề. Chiêu này chỉ tạm thời có tác dụng do tính khác thường & bất ngờ cho Djokovic chứ nếu đánh với các tay vợt đánh nửa nảy tốt kiểu Federer hay Tsitsipas thì không có hiệu quả gì. Vài năm trước Federer cũng sáng tạo ra chiêu SABR (sudden attack by Roger) dùng để đối phó Djokovic & hỗ trợ tấn công tràn lưới nhanh. Federer đã thành công với SABR nhưng anh thông minh, biết áp dụng có chừng mực, đúng lúc, đúng chỗ và hầu như không còn dùng các giải sau đó vì rõ ràng nó chỉ mang tính nhất thời vì bất ngờ mà thôi.

Lúc này có lẽ chúng ta sẽ đặt dấu hỏi, cả BHL của Djokovic, toàn những chuyên gia kiệt xuất trong từng lĩnh vực, làm gì mà họ không biết, không đưa ra được các kịch bản chi tiết cho Nole tập. Đúng họ là những chuyên gia chiến thuật, tâm lý, thể lực nhưng họ chỉ giống như những Hạ Hầu Đôn, Hứa chử, Điển Vi, Từ Hoảng hay Quách Gia, Tuân Úc, Giả Hủ, Trình Dục dưới trướng của Tào Tháo được mời về làm việc, minh chủ chính là Novak Djokovic. Khi lên ngôi bá chủ TG, đánh chiếm mọi GS. công phá mọi cột mốc, đứng trên cả vạn người thì bản tỉnh kiêu ngạo của 1 nhân tài sinh ngày 22 tháng 5 thuộc cung song tử càng được phát huy. Tào Tháo chết vì đa nghi còn Nole thua vì KIÊU NGẠO & CỐ CHẤP. Chỉ thắng điểm 11/18 cú bỏ nhỏ trong set 1 & 2, sang set 3 bản lề Nole vẫn tiếp tục thực hiện thêm 10 cú khác và bị thua tới 8 trong số đó.

Mất ngay break ở game giao bóng đầu tiên, thua tiếp ở game giao bóng thứ 2 vì bỏ nhỏ nhưng Nole vẫn phải thắng bằng DLN bằng được cho đến tận lúc thua 0-4 trong set 1. Djokovic chỉ quên được cú bỏ nhỏ trong 3 game tiếp theo đó để tập trung đánh tấn công toàn diện, nhìn vào con số thống kê thì số điểm winner còn cao hơn Nadal (20/15), các fan lại hồi hộp hy vọng về sự trở lại của tay vợt số 1. Nhưng tính cố chấp lại 1 lần nữa kéo Nole xuống vũng bùn, những cú tấn công dưới vạch cuối sân chưa kịp ổn định thì anh lại đem DLN ra dùng và để mất break, thua 1-2 trong set 2. Và cũng giống như set đầu tiên, 2 cú bỏ nhỏ lỗi liên tiếp đã biếu không Nadal break thứ 2, Rafa dẫn 4-1. Novak như đang lạc lối trong bóng tối của chính mình, lỗi chồng lỗi, chỉ ăn được 1 điểm cũng phải giơ tay lên trời cảm ơn Chúa, hình ảnh đại thần tượng trong con mắt các fan ruột cứ mờ dần đi trong lớp bụi đỏ của sân Philippe Chatrier. Thua 2-6 trong set 2, Novak rơi vào tình cảnh giống nạn nhân của chính mình 2 ngày trước trong trận BK – Tsitsipas.

Trong set 3 bản lề Nole vẫn không có nhu cầu điều chỉnh chiến thuật, có chăng chỉ là một chút thay đổi tâm thế, đánh tập trung & tấn công hơn thôi. Khởi đầu game đấu vẫn là 1 cú bỏ nhỏ rúc lưới 0-15, thật không thể hiểu nổi. Hai tay vợt thay nhau ăn miếng trả miếng, Rafa lại có cơ hội bẻ game nhưng Nole mau chóng gỡ hòa rồi vượt lên dẫn trước 2-1. Lần đầu tiên tay vợt số 1 dẫn điểm, thế trận cởi mở hơn và sự cân bằng vốn dĩ phải có giữa 2 đại kình địch đã trở lại. Thua 0-15, lần đầu tiên Nadal cũng thực hiện 2 cú bỏ nhỏ liên tiếp ăn điểm đúng kiểu Bò tót, rất bất ngờ & xoáy ngang đứng im sau hai ba lần nảy, 2-2 cho cả 2 tay vợt.

Trên đà hưng phấn Nadal sử dụng tuyệt chiêu cú thuận reverse forehand tấn công vũ bão toàn sân, đôi chân di chuyển mềm mại như sư tử săn mồi trên sa mạc, inside-out chéo sân rồi inside-in dọc dây để bẻ 1 game trắng dẫn 3-2. Nole điên tiết giao bóng 1 rất tốt, tiến sâu vào sân dứt điểm bẻ ngay lại game gỡ 3-3, hơn 1000 khán giả ồ lên cổ vũ cho Nole, họ không muốn xem 1 trận CK GS 5 set như vứt tiền ra cửa sổ kiểu knock-out của Mike Tyson. Vừa gỡ được break, Nole cứng đầu lại bỏ nhỏ, cái chiêu thức DLN bây giờ được hiểu là bỏ nhỏ tức là chết nhưng Nole vẫn lao vào, BHL ngồi co ro trên khán đài rét run dù ai cũng mặc áo lông vũ, 4-3 cho kẻ cố chấp.

Chiêu thứ 3 cũng hoàn toàn phá sản. Nadal hôm nay thậm trí gần như không thèm cắt, có những cú 2hbh mạnh đến nỗi loại bỏ hoàn toàn cú phản công running forehand Nole vẫn thường ăn điểm winner, 4-4. Giao bóng 1 được cải thiện giúp Novak tạo áp lực tấn công tốt ngay từ cú chạm vợt đầu tiên, các phương án ăn điểm bắt đầu trở nên mạch lạc. Nole bóc mang, điều bóng liên tục 2 góc, lần đầu tiên hình ảnh Nadal bị hành hạ mỗi khi sang trái phải dùng slice cắt và sang phải chỉ đủ tay để móc lốp giống như trong trận CK Úc mở rộng 2012 được tái hiện, 5-4. Đây chính là Chiêu thứ 3: ép trái toàn tập rồi bất ngờ đổi hướng penalty bên phải, với thống kê hơn 70 cú winner trái tay so với 26 cú của Nadal & khả năng xoay trở kém cỏi của Nadal trong các trận trước ở góc sân bên trái thì Chiêu thứ 3 có thể là đòn ghi điểm nhiều nhất cho Nole theo kế hoạch ban đầu.

Tất cả tuyệt học đều được 2 tay vợt đem ra phô diễn, gió bắt đầu khẽ đổi chiều nhưng cách biệt 2-0 là quá lớn Nole lúc này chắc phải có ngọn gió Đông của Khổng Minh trong trận Xích Bích mới đủ, tuy vậy trong thế trận này anh đang tự đem dây buộc mình không khác gì Tào Tháo xích các thuyền chiến lại với nhau rồi dính đòn hỏa công của liên minh Tôn-Lưu để đi tong hơn 80 vạn quân, 5-5. Ở game bản lề nhất, đang thua 30-40, giao bóng 1 lỗi, Nole lại ngạo mạn nghĩ rằng mình có thể lần thứ 2 giao bóng 2 như bóng 1 để ăn điểm ace như game thứ 9, và kết quả là lỗi kép, 6-5 cho ông vua sân đất nện. Game cuối kết thúc chóng vánh bằng 1 cú ace sau hàng loạt pha bóng mắc lỗi của Djokovic, trận CK khép lại sau 2h41" tẻ nhạt với thế trận một chiều.

King vẫn là King, quá Kinh tởm!!! Hổ chỉ là chúa trong rừng, trước mặt sư tử trên sa mạc chỉ còn là xấu hổ! Nadal cập bến 20 GS là một kết cục quá xứng đáng, thành tích này sẽ là hợp lý hơn để tạo động lực cho cả 3 tay vợt thuộc nhóm Big 3 tiếp tục chiến đấu, hoàn thiện & tạo nên những kỷ lục mới dành tặng cho NHM.

ServeDoctor.ace
 

thienluc76

Xe tải
Biển số
OF-151483
Ngày cấp bằng
3/8/12
Số km
359
Động cơ
359,666 Mã lực
Bài viết trên 24h.com.vn lột tả hết chiến thắng của Nadal
Nadal phá chiến thuật của Djokovic: Trận đấu hoàn hảo thống trị Roland Garros
Thứ Ba, ngày 13/10/2020 13:13 PM (GMT+7)


(Tin thể thao, tin tennis) Trả lại Djokovic những tổn thương, sánh ngang Federer với kỷ lục 20 Grand Slam vĩ đại, Nadal làm tất cả trong một trận đấu.
Sự kiện: Nóng cùng Phạm Tấn, Rafael Nadal, Roland Garros 2020

Djokovic đặt tên chung kết Roland Garros 2020 là “trận đấu hoàn hảo của Nadal”. Trận chung kết xuất sắc nhất của Nadal trong khuôn khổ các giải Grand Slam mà họ đối đầu với nhau.
Nó bắt đầu với game đấu đầu tiên của trận đấu mà Djokovic giao bóng đã có 40-15 nhưng bẻ game, và kết thúc với một cú ace xé ra mang khi Nadal đứng ở ô điểm lẻ để kết thúc trận đấu.

Giữa hai khoảnh khắc đó là một Nadal toàn diện, chơi trên sân đất nện với sự đa dạng kinh ngạc. Lúc bằng thứ chiến thuật của sân cỏ tràn lưới, rồi lại sân cứng toàn sân, và dĩ nhiên, là cả sân đất nện khi tay vợt người Tây Ban Nha vốn được tôi luyện để thống trị.

* Phá huỷ cú bỏ nhỏ của Djokovic

Trước trận đấu, truyền thông và chuyên gia dự đoán rằng bỏ nhỏ là cú đánh có thể định đoạt số phận của trận đấu. Vì Nadal sẽ lùi sâu sau vạch baseline. Còn Djokovic bỏ nhỏ quá hay.

Trận thắng Tsitsipas sau 5 set ở bán kết, Djokovic đã giành 1/10 tổng số điểm từ kỹ năng này (17/172). Trước đó, Djokovic từng tung ra 30 cú bỏ nhỏ khác nhau khi đánh bại Khachanov. Và Hugo Gaston suýt chút nữa đã đánh bại Dominic Thiem trong một trận đấu mà tay vợt ít tên tuổi người Pháp đã thực hiện hơn 50 cú bỏ nhỏ và ghi được 40 điểm từ đó.

Những phán đoán này, những phương án chiến thuật này được xây dựng dựa trên thực tế: Bóng Wilson lần đầu tiên được sử dụng ở giải đấu (thay cho bóng Babolat) nặng và lỳ hơn, nảy rất ít như trên mặt cỏ ở Wimbledon sau các cú bỏ nhỏ; còn khi đôi công các tay vợt vẫn phải lùi sâu hơn.

Lịch sử của các trận đối đầu giữa họ trong khoảng 5 năm gần đây cũng từng chứng kiến một Djokovic đôi khi hành hạ Nadal bằng một chiêu cửa trên rõ rệt: Bỏ nhỏ, nếu Nadal cứu được thì Djokovic lại lốp bóng qua đầu để đối thủ phải tăng tốc ngược trở lại cứu bóng, rồi sau đó Djokovic ghi điểm dễ dàng.

Trận chung kết Rome Masters 2019, Djokovic thậm chí còn sử dụng cú bỏ nhỏ ấy để ghi điểm đầu tiên của trận đấu.

Nhưng đó cũng là lần đầu tiên khi gặp Nadal, Djokovic nhận set đấu 6-0 “sập hầm”. Nadal thắng 6-0, 4-6, 6-1.

Lần này, và lần đầu tiên họ chạm trán trên sân đất nện kể từ Rome 2019, Djokovic thêm một lần thua set 0-6 dù anh chơi không tệ. Thậm chí có thể coi nó như là một trong những set đấu hay nhất, hồi hộp nhất trong số tất cả những set đấu sập hầm trong lịch sử của môn thể thao này.

Game đầu tiên Djokovic cầm giao bóng, anh đã dẫn 40-15. Game thứ năm, cũng là Djokovic cầm giao bóng, anh đã dẫn 40-0, rồi sau đó có ba lần điểm “deuce” 40-40.

Khi bóng trong tay Nadal, game đấu kéo dài tới gần chục phút, đó là game thứ ba, cũng ba lần điểm “deuce”, rồi sau đó anh mới dứt điểm được bằng một cú ace.

Rõ ràng Djokovic nhập cuộc không tồi trận chung kết trong cuộc kiếm tìm danh hiệu Grand Slam thứ 18, bước lên một tầm cao hơn bất cứ ai của Kỷ nguyên Mở bằng việc vô địch mỗi giải Grand Slam ít nhất hai lần.

Chỉ vì Nadal xuất sắc hơn, như trở về với những năm tháng đẹp nhất của tuổi hai mươi nhưng được xây dựng trên một chiến thuật bất ngờ mà mẫu mực bởi một ê kíp dẫn đầu bởi HLV Carlos Moya.


Djokovic hoàn toàn bất lực trước Nadal

Djokovic đã nhập cuộc không tồi. Thậm chí anh chơi theo cái cách cửa trên. Anh đáng theo chiến thuật cả thế giới đã chỉ ra là phát huy những cú bỏ nhỏ.

Chỉ riêng trong game đấu đầu tiên, Djokovic bỏ nhỏ bốn lần. Hai lần đầu tiên, Djokovic ghi điểm và một hình ảnh quen thuộc ùa về: Nadal tăng tốc lên lưới cứu bóng, trả ra ngoài. Rồi Nadal ở điểm sau lại tăng tốc lên, Djokovic lốp bóng, Nadal tăng tốc trở lại cuối sân, còn Djokovic đứng đợi ở một vị trí có thể di chuyển cho cú smash, hoặc bao lưới dễ dàng.

Hai cú bỏ nhỏ mang lại cho Djokovic điểm 40-15. Hai cú bỏ nhỏ làm Djokovic sớm chủ quan. Hai cú bỏ nhỏ dẫn Djokovic lạc lối, làm dụng chiến thuật ấy.

Hai cú bỏ nhỏ có điểm được nối tiếp bằng hai cú bỏ nhỏ mất điểm, 40-30 và 40-A. Và Djokovic bị bẻ game.

Công nghệ 3D đã giúp chúng ta biết được rằng Nadal đã đứng lùi sâu hơn so với sáu trận đấu trước đó tới gần 1m khi trả giao bóng của Djokovic. Mắt thường giúp chúng ta quan sát Nadal sau khi trả giao đã ôm sân chặt hơn cả Djokovic, đứng sát hoặc trên baseline trong những pha đôi công.

Vi trí đó giúp Nadal chuyển trạng thái từ phòng thủ sang tấn công tốt và nhanh hơn, tạo ra những đường bóng chất lượng đủ cả sức nặng và chiều sâu. Vị trí đó giúp Nadal chống bỏ nhỏ hiệu quả khi Djokovic không từ bỏ lối đánh này cho tới bước qua giữa set 3, khi cái lưỡi thứ hai của con dao đã cứa đứt tay tay vợt người Serbia.

Tỉ lệ ăn điểm bỏ nhỏ (trực tiếp hoặc gián tiếp) của Djokovic qua các cột mốc 5, 10, 15 và 20 lần thực hiện lần lượt là 3, 7, 8 và 8. Nói cách khác, sau khi thành công 7/10 lần đầu tiên, Djokovic chỉ ăn được một điểm trong 10 lần bỏ nhỏ sau đó. Và tổng cộng sau 26 lần bỏ nhỏ, Djokovic chỉ có 12 điểm bao gồm bốn lần Nadal không thể chạm vợt.

* Tốc hành trên sân đất đỏ

Cũng không bất ngờ nếu ai đó trước trận chờ đợi Djokovic bỏ nhỏ thì tới set ba chỉ mong Djokovic tua bóng đều hơn từ phía cuối sân, xây dựng đường bóng tới khi thuận lợi dứt điểm bằng một cú thuận tay, hay trái tay mẫu mực.

Djokovic như đã nói ở trên, tới set 3 đã có điều chỉnh, và là set đấu anh làm được nhiều thứ nhất: Giao bóng 1 tốt nhất, giành nhiều game nhất (năm), bẻ được game của Nadal. Nhưng Nadal đã khắc chế cú trái tay của Djokovic bằng khả năng pha chế giữa các loại bóng một cách hoàn hảo.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với các phóng viên Tây Ban Nha một ngày sau trận chung kết, Nadal nói rằng, cả team của anh đã ngồi lại ngay sau khi biết rằng đối thủ là Djokovic. Họ phân tích lại trận chung kết ở Rome hơn một năm trước.

Cách phá huỷ quả bỏ nhỏ chỉ là một phần trong số đó. Cách vô hiệu hoá những cú trái tay của Djokovic là nhiệm vụ thứ hai.

Nadal vẫn giật bóng xoáy cồng lên về phía trái tay của Djokovic. Trời lạnh, sân ẩm hơn do thiếu nắng và bóng dù lỳ nhưng vẫn là đất nện. Và xen giữa các pha cài bóng chiến thuật ấy Nadal thường xuyên tấn công bóng chìm.

Sau nhiều năm và nhiều lần đối đầu, Djokovic chưa bao giờ chịu tổn thất từ cú trái tay nhiều như thế. 19 lần tự đánh hỏng và năm lần bị ép đánh hỏng, trong khi chỉ ghi được chín điểm trực tiếp và ép Nadal đánh hỏng ba lần từ cú trái tay.

Chú của Nadal, ông Toni từ Mallorca đồng ý với sự lựa chọn chiến thuật này của HLV Carlos Moya: “Djokovic cực thích những cú đánh nảy tầm cao trên hông một chút. Nên phải tạo ra những cú đánh ở trên hoặc ở dưới tầm đó”.

Còn thuận tay, nhất là trên sân đất nện, Nadal không thua bất cứ ai cả, nếu không muốn nói là vượt trội.

Nhưng, điều bất ngờ lớn nhất là Nadal không ỷ lại ở sự bền bỉ, khả năng phòng thủ trứ danh như lúc trẻ. Nadal dù nghỉ nhiều hơn, đánh nhàn hơn, nhưng nhiều hơn Djokovic một tuổi, đạt tới đỉnh sự nghiệp sớm hơn, mấy năm gần đây đều thua đối thủ ở sự dẻo dai đã lựa chọn lối đánh nhanh thắng nhanh vốn thường chỉ thấy trên sân cỏ.

Nadal thực hiện hoàn hảo các cú đánh đầu tiên khi đối thủ đưa bóng sang sân sau khi giao hoặc trả giao bóng. Anh giành điểm nhiều gấp đôi Djokovic ở các loạt bóng chỉ có tối đa bốn lần chạm vợt.

Khi Djokovic giao bóng, điểm số tốc hành này của Nadal là 24 (Nole là 19). Khi Nadal giao bóng, con số là 29 (Nole 6), một sự áp đảo rõ rệt đến từ khả năng giao bóng ổn biến hoá và hiệu quả bất ngờ.
Nadal trên con đường thành vĩ đại nhất​

Djokovic đặt tên trận đấu là sự hoàn hảo của Nadal. Nadal tự đặt tên cho nó là “tương đối hoàn hảo”, thấp hơn một bậc. Có lẽ là vì anh đã thực hiện không thành công những pha bóng tuyệt đỉnh sở trường là xoáy vòng quả chuối từ cả hai mang, hay những cú smash trái tay khi bay lượn trên lưới.

Djokovic đổi từ cách chơi khai thác cú bỏ nhỏ sang đôi công thuần tuý là sự điều chỉnh về chiến thuật duy nhất sau gần ba giờ đồng hồ thi đấu. Phương án A rồi B của Djokovic vậy là quá ít, là đơn điệu.

Còn Nadal, với con đường thuận lợi khi Thiem ngã ngựa ở tứ kết, phải tới bán kết trước Schwartzman và khi gặp đối thủ lớn nhất của anh (đối đầu trước chung kết là 29-26), Djokovic, anh mới thực sự bung ra hết những tuyệt kỹ: Nếu chưa phải là sống còn thì không cần né trái đánh phải, không cần phải biến hoá các góc giao bóng.

Mà đó thực sự là trận đấu sống còn. Nadal đã thua Djokovic trong ba trận gần nhất ở các giải Grand Slam, là tứ kết Roland Garros 2015, bán kết Wimbledon 2018, chung kết Australian Open 2019. Riêng trận đấu cuối cùng là một sự huỷ diệt. Nadal gọi nó là trận đấu mà Djokovic đã “giết chết” anh khi thắng liền ba set và chỉ cho anh tám game.

Thậm chí trận đấu mai sau sẽ góp một tiếng nói cho lịch sử. Vì Djokovic nếu vô địch, trật tự của Grand Slam giữa Federer, Nadal, Djokovic là 20-19-18, và lợi thế tuổi tác đã và đang rõ ràng không chia đều.

Giờ đây Nadal đã sánh ngang cùng với Federer. Lần đầu tiên trong sự nghiệp vĩ đại của mình, Nadal không còn phải bám đuổi ai ở thành tích tổng số Grand Slam được thừa nhận có tính định danh nhất.

Và với tất cả sự khiêm nhường, không những thế, Nadal còn có thể ước mơ lớn hơn…
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top