Em copy một tay nhà báo khá nổi tiếng, nêu quan điểm về đường sắt:
—
Việt Nam – đường sắt hay đường sắt cao tốc?
Lợi thế tải trọng và chi phí nhiên liệu là lý do vận tải đường sắt song hành với quá trình công nghiệp hóa. Sau gần 6 thập niên bỏ quên đường sắt, chúng ta dường như vẫn muốn bỏ quên nó khi ưu tiên nguồn lực làm đường sắt cao tốc là phương tiện thiên về vận tải hành khách.
Trở ngại của làm đường sắt
Vận tải đường sắt có ưu thế vượt trội về tải trọng và chi phí, nhưng không phải quốc gia nào cũng dễ dàng làm đường sắt, do chi phí đầu tư ban đầu quá lớn so với làm đường bộ, mà tính linh hoạt trong kết nối thì không bằng.
Chẳng hạn tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Lào Cai (265 km) giai đoạn 1 ở địa hình khó khăn nhiều đồi núi và vượt hai con sông lớn của miền Bắc có suất đầu tư là 6 triệu USD/km, theo thời giá đã điều chỉnh năm 2014.
Trong khi dự án đường sắt đôi khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng mà VN đang lập báo cáo tiền khả thi có chi phí dự kiến là 11 tỷ USD, suất đầu tư dự kiến 29 triệu USD/km, cao gấp 5 lần. Với giả định rằng giá chốt sẽ chỉ bằng giá dự kiến, và ngay cả khi điều chỉnh lạm phát suất đầu tư đường bộ Hà Nội – Lào Cai năm 2014 theo giá hiện nay thì chi phí đầu tư ban đầu của đường sắt tiêu chuẩn khổ đôi cũng cao hơn đường bộ cao tốc khoảng 3 lần.
Có nhiều lý do khiến chi phí làm đường sắt cao hơn nhiều so với đường bộ. Do tải trọng lớn hơn nên chi phí xử lý nền cao hơn. Vật liệu làm đường ray cũng đắt tiền hơn nhiều so với đá và nhựa đường của đường bộ. Yêu cầu về độ thẳng của đường ray cũng cao hơn nhiều so với đường bộ, khiến cho việc giải phóng mặt bằng hay tránh chướng ngại vật tự nhiên khó hơn nhiều.
Chẳng hạn nếu gặp đồi núi, đường bộ có thể làm đường đèo lượn quanh, hay thậm chí vòng gấp khúc bằng những khúc cua tay áo, trong khi đường sắt không cho phép điều đó: nó buộc phải tìm đường thẳng hoặc độ cong rất ít, nếu không tìm ra thì phải làm cầu vượt địa hình hay hầm xuyên núi. Đó là khó khăn kỹ thuật lớn với việc làm đường sắt Bắc – Nam ở Việt Nam trước đây, vì phải vượt qua dãy Trường Sơn, đèo Hải Vân.
Đường sắt vượt sông là một trở ngại kỹ thuật khác. Trên lý thuyết thì đều phải làm cầu, nhưng tải trọng cho phép của cầu đường sắt lớn hơn nhiều so với cầu đường bộ.
Trở ngại khác là về tâm lý, vì bắt đầu một việc gì đó luôn là điều khó khăn nhất. Từ khi thống nhất đất nước, Việt Nam cơ bản chưa tự làm đường sắt. Một mặt do trở ngại về năng lực kỹ thuật như đã nói ở trên và hạn chế của ngành luyện kim trong nước, mặt khác quan trọng hơn là chúng ta thiếu quyết tâm chính trị trong một thời gian dài để nỗ lực học hỏi và đầu tư làm đường sắt.
Vì để vượt qua rào cản kỹ thuật, tuy đáng kể với chúng ta trước đây nhưng lại là chuyện bình thường với thế giới, và ngân sách đầu tư phát triển thì cần tầm nhìn và ý chí chính trị được chuyển hoá bằng hành động. Vì làm đường sắt đòi hỏi phải nghĩ lớn và dám làm.
Hạn chế về tính linh hoạt của đường sắt và cách khắc phục
Vận tải đường sắt cũng hạn chế về tính linh hoạt. Bạn không thể đi từ nhà ở Hà Nội đến địa điểm công tác ở TP.HCM chỉ bằng đường sắt. Vẫn phải qua taxi hay xe bus. Ở các địa điểm khác xa nhà ga đường sắt dài quá có khi còn phải đi thêm xe khách. Vì đường sắt không thể kết nối đến mọi địa điểm. Trong khi với đường bộ, xe con hay xe máy có thể đưa bạn đến hầu như mọi nơi.
Trên lý thuyết thì đường sắt có thể xây dựng ở mọi nơi, nhưng trên thực tế thì lại là bài toán kinh tế. Do chi phí xây dựng lớn, nó cần được xây dựng để đáp ứng cho một nhu cầu vận chuyển đủ lớn thì mới hiệu quả trên đồng vốn bỏ ra. Và do sức ỳ, quán tính của đoàn tàu lớn, khoảng cách giữa các nhà ga không thể quá gần vì như vậy không tối ưu về tốc độ vận hành. Vận tải đường sắt là một điển hình về lợi thế theo quy mô của sản xuất công nghiệp.
Vì vậy đường sắt thường chỉ được triển khai trên các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt là vận tải hàng hóa nặng. Những nơi cần kết nối với đường sắt nhất là các cảng biển, trung tâm công nghiệp – đặc biệt là công nghiệp nặng, những khu vực khai khoáng, nơi tập kết nguyên nhiên liệu, và đặc biệt là các thành phố lớn.
Để khắc phục nhược điểm về tính linh hoạt của đường sắt, cần hình thành mạng lưới đường sắt dựa trên xương sống là đường sắt Bắc – Nam. Và liền kề các nhà ga đường sắt cần xây dựng hệ thống bến xe, cho phép các xe tải dễ dàng bốc hàng tại các nhà ga hàng hoá, và xe khách rất gần các nhà ga hành khách để giảm thiểu khâu trung chuyển.
Nhưng lý tưởng nhất là đường sắt có các nhà ga hàng hoá ngay tại các cảng lớn như Cát Lái, Cái Mép hay Hải Phòng, trước khi có mặt tại tất cả các cảng biển và cảng sông lớn, cho phép bốc hàng tại cảng mà không qua trung chuyển, và giảm áp lực vận tải đường bộ ở cửa ngõ các cảng lớn. Với nhu cầu ngày càng tăng về vận tải thuỷ và nhất là đường biển – hình thức vận tải có chi phí thấp nhất – và sự phát triển của nền kinh tế, nếu không kết nối trực tiếp đường sắt tới các cảng lớn thì áp lực vận tải đường bộ ở các cửa ngõ cảng lớn ngày càng tăng, không có biện pháp nào giải quyết được.
Việc kết nối trực tiếp đường sắt tới các cảng lớn, và hơn nữa là các trung tâm công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng hay Bắc Ninh…, các trung tâm khai khoáng như Quảng Ninh, Lào Cai hay Đắk Nông…, không chỉ làm giảm áp lực với vận tải đường bộ mà còn rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hoá, và giảm chi phí logistics nhờ cắt bớt khâu trung chuyển hàng hoá, và thay thế một tỷ lệ lớn vận tải hàng hoá đường bộ bằng đường sắt là hình thức có chi phí thấp hơn, và năng lực vận chuyển cao hơn.
Nó đặc biệt ý nghĩa đối với các ngành sử dụng nhiên liệu nặng như than đá và dầu lửa, nguyên liệu nặng như khai khoáng và luyện kim, và hàng hoá nặng như xây dựng. Việc đưa vận tải đường sắt hiệu quả tới tận những nơi đó giúp giảm chi phí cho các ngành này, thúc đẩy hình thành các thành phố công nghiệp nặng tập trung, tạo tiền đề cho việc hình thành các chuỗi cung ứng gần nhau, thêm một lần nữa giúp giảm chi phí sản xuất của các doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Sự kết hợp của việc giảm chi phí vận chuyển qua vai trò của đường sắt, giảm khâu trung chuyển của vận tải qua mạng lưới đường sắt tối ưu, và đưa nhà ga đường sắt nối từ cảng biển đến cửa ngõ các trung tâm công nghiệp, sự hình thành chuỗi cung ứng tập trung cho sản xuất công nghiệp sẽ giúp giảm rất nhiều chi phí logistics, cho phép chúng ta từ gần 17% hiện nay xuống gần với mức 10,6% của thế giới, thậm chí hơn thế nhờ lợi thế địa lý trải dài theo đường biển của chúng ta.
Còn nếu chi phí logistics vẫn cao như hiện nay, việc xây dựng một nền sản xuất hàng hoá, nhất là công nghiệp nặng, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới có thể chỉ là giấc mơ.
Đường sắt hay đường sắt cao tốc?
Đường sắt sinh ra để tối ưu cho việc vận tải hàng hoá đường bộ nên trước tiên cần xây dựng mạng lưới đường sắt ưu tiên phục vụ vận tải hàng hoá khi VN đẩy mạnh công nghiệp hoá, và nuôi giấc mơ trở thành một công xưởng mới của thế giới. Với một đất nước trăm triệu dân, không có lựa chọn bỏ rơi sản xuất công nghiệp lẫn công nghiệp nặng. Trừ Singapore có quy mô quá nhỏ, tất cả các quốc gia cất cánh được đều phải trải qua phát triển công nghiệp nặng. Vì từ xây dựng cho đến xe cộ và máy móc, các tài sản hữu hình giá trị nhất của một quốc gia hay mõi cá nhân đều có vai trò trọng yếu của công nghiệp nặng.
Mạng lưới đường sắt tốt và hiệu quả đạt vận tốc vận hành thực tế từ 70 km/h trở lên cũng cho phép vận tải hành khách thuận lợi hơn so với vận tải hành khách đường bộ: nhanh hơn, thoải mái hơn, và rẻ hơn, nếu giảm thiểu được hạn chế trung chuyển. Tuyến càng dài thì hạn chế trung chuyển càng trở nên yếu thế trước điểm mạnh của vận tải đường sắt. Chẳng hạn nếu tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM chỉ kéo dài tối đa 20 tiếng, nó sẽ thay thế hầu hết những chuyến xe khách Bắc Nam hiện đang thống trị thị trường vận tải hành khách Bắc – Nam hiện nay. Tốc độ khai thác thực tế này không thể đạt được với tuyến đường sắt đơn khổ hẹp 1m hiện có.
Cho nên việc xây dựng lại đường sắt thành đường sắt đôi khổ tiêu chuẩn 1m435 sẽ giúp đất nước giải được cả bài toán về giảm áp lực đường bộ, giảm chi phí logistics, và giảm chi phí đi lại. Nếu kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt Trung Quốc và Đông Nam Á thì hiệu quả còn nhân lên, vì thương mại khổng lồ giữa Việt Nam và Trung Quốc được giảm chi phí logistics. Đây là chìa khoá sẽ mở nút thắt hạ tầng.
Đường sắt cao tốc hiện tại không giúp mở các nút thắt này.
Thứ nhất, nó không tối ưu cho vận tải hàng hoá. Với hầu hết các mặt hàng, vận chuyển giữa Hà Nội và TP.HCM 8 tiếng hay 20 tiếng không khác nhau bao nhiêu, mà chi phí quan trọng hơn.
Đường sắt cao tốc đòi hỏi chi phí đầu tư lẫn vận hành cao hơn đường sắt thường. Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam chúng ta đang nghiên cứu có suất đầu tư dự kiến 45 triệu USD/km, cao hơn gấp rưỡi đường sắt tiêu chuẩn khổ đôi. Chi phí bảo trì và vận hành cũng cao hơn, do yêu cầu vật liệu chất lượng cao hơn, và máy móc cũng công nghệ cao hơn, tất cả sẽ khiến chi phí vận chuyển cao hơn.
Thế nên đường sắt cao tốc không ưu tiên vận chuyển hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá nặng như nhiên liệu, nguyên liệu nặng và máy móc. Thế nên nó cũng được thiết kế với khả nặng trọng tải kém, nên ngay cả khi sau này muốn chuyển đổi sang vận tải hàng hoá cũng thiếu năng lực.
Dự án của chúng ta hiện thiết kế với 23 ga hành khách, nhưng chỉ có 5 ga hàng hoá, cũng cho thấy dự án không ưu tiên vận tải hàng hoá.
Thế nên bản thân dự án đường sắt cao tốc này không hỗ trợ đáng kể vận chuyển hàng hoá, nhu cầu còn lớn hơn vận chuyển hành khách. Lưu ý rằng số lượng xe tải hiện đăng ký lưu hành ở Việt Nam gần gấp đôi lượng xe khách, phần nào giúp chúng ta hình dung cán cân này, dù chúng ta mới chỉ đang trên đường công nghiệp hoá.
Chúng ta chỉ hy vọng sau khi hoàn thành đường sắt cao tốc Bắc Nam, chúng ta sẽ tập trung khai thác tuyến đường sắt hiện có vào vận tải hàng hoá. Nhưng như đã nói, nó là đường sắt đơn khổ hẹp, dù chỉ tập trung vận chuyển hàng hoá thì giới hạn năng lực của nó cũng rất hạn chế, mà nếu thay bằng đường sắt đôi khổ tiêu chuẩn có thể cho phép gia tăng năng lực vận tải hàng chục lần.
Nhưng ngay cả trong việc vận tải hành khách, đường sắt cao tốc Bắc – Nam trong điều kiện hiện tại cũng không dễ cạnh tranh với hai hình thức vận tải hành khách khác là đường bộ và đường không.
Giá vé chắc chắn sẽ đắt hơn vận tải hành khách đường bộ, thậm chí có thể ngang hay đắt hơn hàng không giá rẻ, cũng kém linh hoạt hơn đường bộ, nên không thể thay thế được vận tải hành khách đường bộ do bất lợi về giá vé.
Đường sắt cao tốc cũng không có ưu thế rõ rệt trong việc cạnh tranh về giá vé so với vận tải đường không, và thua thiệt về tốc độ nếu xét ở tuyến Hà Nội – TP.HCM. Trên tuyến này, thời gian bay khoảng 2 tiếng, cộng thời gian làm thủ tục và di chuyển từ thành phố đến và rời sân bay mất khoảng 6 tiếng. Trong khi thời gian trên tàu đường sắt cao tốc đã hơn 7 tiếng, xét trên tốc độ tối đa 300 km/h. Vì tàu không chỉ chạy liên tục (5 tiếng ở tốc độ 300 km/h) mà còn dừng ở ga (5 ga hàng hoá x 5 phút = 25 phút, 23 ga hành khách x 2 phút = 46 phút, thời gian hao hụt do giảm tốc về ga và tăng tốc từ ga 28 ga x tối thiểu 1 phút). Nếu cộng thêm 2 tiếng chuẩn bị và di chuyển từ thành phố đi và rời nhà ga (rút ngắn một nửa so với máy bay) thì mất tổng cộng khoảng 9 tiếng, nhiều hơn một ngày làm việc, và nhiều gấp rưỡi so với đi máy bay.
Nếu giá vé đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM ngang với hàng không giá rẻ thì nó có thể chia sẻ một phần nhu cầu của vận tải đường không ở tuyến này với những hành khách sợ máy bay hoặc muốn ngắm cảnh quan bên đường tàu, nhưng lép vế về thời gian di chuyển.
Đường sắt cao tốc chỉ không lép vế về thời gian di chuyển thực tế ở các chặng ngắn hơn, chừng 700 km, và ưu thế ở chặng khoảng 400 km như TP.HCM – Nha Trang. Nếu khai thác tuyến này, khách hàng TP.HCM và khách du lịch cũng chịu chi hơn, nên nhu cầu thực tế đủ lớn để chia sẻ với vận tải đường bộ.
Nên trong điều kiện hiện nay, mình thật sự mong đợi VN ưu tiên phát triển tuyến đường sắt đôi khổ tiêu chuẩn, rất cần thiết cho việc cất cánh của đất nước. Với đường sắt cao tốc, nên bắt đầu bằng những bước vững chắc và an toàn với tuyến TP.HCM – Nha Trang và có thể tuyến Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
- Hồng Ngọc -