Nói ô nhiễm CHỦ YẾU do khí thải ô tô xe máy thì phải có nghiên cứu khoa học chứng minh. Ít nhất đến giờ trên OF này chưa thấy ai trích dẫn ra được một nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này. Chỉ có một báo cáo của WB thì lại chỉ ra rằng giao thông tại HN chiếm phần nhỏ trong tổng nguồn thải PM2.5. Trung bình lượng PM2.5 của HN là khoảng 50µg/m³ thì nguồn từ giao thông tại HN chỉ "đóng góp" khoảng 10µg/m³. Điều đó có nghĩa là nếu bằng phép màu nào đó HN không còn bất cứ phương tiện giao thông nào hoạt động thì lượng PM2.5 chỉ giảm xấp xỉ 20%. Phần còn lại đến từ nhiều nguồn khác, trong đó tổng nguồn tại HN chỉ chiếm khoảng 1/3, 2/3 là đến từ ngoài HN.
Vậy thì nguồn lực xã hội khổng lồ (cụ nào ở trên tính ra hơn 300 ngàn tỷ chỉ để chuyển đổi khoảng 1/2 số xe của HN từ xăng/dầu sang điện) chỉ để giảm được chút xíu PM2.5 thì có hiệu quả hay không? Mà đấy là mới chuyển đổi 1/2 số lượng xe, và xe điện vẫn chạy trên đường, có nghĩa là ô nhiễm do khí thải tại chỗ thì giảm, nhưng ô nhiễm do mạt cao su lốp mài mòn trên đường thì vẫn nguyên xi. Đó là còn chưa tính đến ô nhiễm do pin/ăc quy thải ra, ô nhiễm gia tăng do tăng sản lượng điện phục vụ xe điện. Nếu phải xây thêm nhà máy nhiệt điện than để thêm nguồn điện thì xe điện chỉ chuyển ô nhiễm từ nơi này ra nơi khác.
Trong khi đó báo cáo WB cũng ghi rất rõ 1 nguồn phát thải rất lớn là từ các nhà máy xi măng, thép, nhiệt điện, từ các làng nghề, và từ việc đốt phụ phẩm nông nghiệp và chất thải rắn đô thị. Chi phí để giảm phát thải từ những nguồn này chắc thấp hơn con số khổng lồ ở trên, trong khi hiệu quả đem lại không kém, thậm chí còn hơn nhiều.
Tất nhiên số liệu WB hơi cũ, từ 2015, nhưng HN/trung ương đủ nguồn lực để lắp đặt các trạm quan trắc và thực hiện lại tất cả những đo đạc nghiên cứu cần thiết để cập nhật lại chính xác hơn tỷ lệ các nguồn phát thải. Các cụ ngày xưa nói rồi, 7 lần đo 1 lần cắt, làm chậm lại mà chính xác còn hơn là làm nhanh mà kém hiệu quả.
Đó là chưa nói đến câu chuyện cần giảm lượng phương tiện cá nhân, thúc đẩy giao thông nội đô HN bằng phương tiện công cộng. Chỉ cần vận hành đủ 8 tuyến metro (đã được phê duyệt từ 2011) là phương tiện cá nhân tự động giảm.