Chuyện “cô giáo vùng cao” run sợ khi đến Nha Trang.
Một phụ nữ nhận là “cô giáo vùng cao” đi du lịch bằng ô tô sau đó vi phạm giao thông (đỗ xe ở Quảng trường 2 tháng 4, nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ). Thời điểm Cảnh sát giao thông phát hiện vi phạm vào lúc 22h15p ngày 24/6/2025 thì “cô giáo vùng cao” không có mặt ở đó. Cảnh sát giao thông tạm thời cùm bánh chiếc xe đậu, đỗ không đúng quy định. Khi “cô giáo vùng cao” xuất hiện, CSGT đã mời cô về trụ sở ở số 21 Thái Nguyên để làm việc. Biết cô là khách du lịch lần đầu đến Nha Trang, Cảnh sát giao thông Công an Khánh Hoà đã không xử phạt hành vi vi phạm của “cô giáo vùng cao” mà nhắc nhở, tuyên truyền giúp cô nhận thức rõ hơn vi phạm của mình. Đó là cách giải quyết thiện chí, đúng với tinh thần thân thiện, mến khách mà lãnh đạo Công an tỉnh Khánh Hoà luôn quán triệt đến cán bộ chiến sĩ góp phần giữ gìn hình ảnh cho du lịch Nha Trang Khánh Hoà.
Câu chuyện chỉ có vậy nhưng vào sáng hôm sau, trên tài khoản Facebook Nguyễn Huyền xuất hiện video Clip dài 10 phút của “Cô giáo vùng cao” với tiêu đề “Cô giáo vùng cao run sợ khi đến Nha Trang”. Qua câu chuyện lê thê mà “cô giáo vùng cao” kể lể, thì cái đã làm cô ta “run sợ” là cung cách xử lý của Cảnh sát giao thông. Và từ chỗ là một người vi phạm luật giao thông cô lại cho rằng do không có ai hướng dẫn cho mình. Và đó là lý do cô này nêu quan điểm “sẽ không dám trở lại Nha Trang bằng xe ô tô một lần nào nữa”.
Ngày 4/7/2025, cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hoà đã ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với bà N.H (42 tuổi, trú tỉnh Tuyên Quang) là chủ tài khoản facebook Nguyễn Huyền người đăng tải Clip “Cô giáo vùng cao run sợ khi đến Nha Trang”.
Điều chúng tôi muốn nói qua vụ việc này chính là cách ứng xử của cá nhân đối với pháp luật, nếu đúng “cô giáo vùng cao” là một người làm giáo dục thì điều này càng quan trọng và cần thiết hơn. Từ một người vi phạm và nhận được cách xử lý thiện chí của cơ quan chức năng cô này đã biến mình trở thành “nạn nhân”, đổ lỗi cho hoàn cảnh “do không được ai hướng dẫn”. Không ai bắt buộc phải biết hết mọi quy định của luật pháp, nhưng khi khi đã không may vi phạm, điều nên làm là thừa nhận lỗi sai để rút kinh nghiệm chứ không phải đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho hệ thống, nhất là với một người làm trong ngành giao dục như “cô giáo vùng cao”.
Thái độ mới là cái để người khác đồng cảm và tôn trọng chứ không phải hoàn cảnh./.
Nguồn: AN Khánh Hoà