Luật sư Lê Ngọc Luân phân tích pháp lý
PHÂN TÍCH PHÁP LÝ: Vụ cháu bé 14 tuổi ở Vĩnh Long! Tôi sử dụng nguồn thông tin từ Báo Tuổi trẻ và tối qua LS Nguyễn Duy (người hỗ trợ pháp lý cho gia đình từ giai đoạn không khởi tố) có gọi điện tâm...
www.facebook.com
PHÂN TÍCH PHÁP LÝ: Vụ cháu bé 14 tuổi ở Vĩnh Long!
Tôi sử dụng nguồn thông tin từ Báo Tuổi trẻ và tối qua LS Nguyễn Duy (người hỗ trợ pháp lý cho gia đình từ giai đoạn không khởi tố) có gọi điện tâm sự về vụ án. Và, 23h đêm qua tôi cũng trực tiếp gọi điện cho Phóng viên báo Tuổi trẻ để xác minh nội dung trên báo đăng có gì nhầm lẫn không? Vì nếu đúng như vậy thì việc không khởi tố rõ ràng có dấu hiệu “bỏ lọt tội với tài xế” và có dấu hiệu rõ ràng hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp: “Tội không truy cứu TNHS người có tội” và mở rộng ra “nếu thông tin gia đình đưa lên trên Facebook là đúng” thì còn có dấu hiệu của hành vi “làm sai lệch hồ sơ”. Tuy nhiên, dấu hiệu của hành vi không truy cứu TNHS người có tội và sai lệch hồ sơ hãy để CQĐTVKS Tối cao xem xét, xử lý vậy.
Phạm vi bài viết này, tôi chỉ chứng minh việc không khởi tố tài xế với căn cứ như báo Tuổi trẻ đăng là “bỏ lọt tội phạm”, trong đó có lý do không khởi tố “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã c.hết” là một sai lầm kiến thức trầm trọng về pháp luật hình sự” không thể tưởng tượng được. Cụ thể:

Trích tóm tắt nội dung Báo Tuổi trẻ:
[“Xe tải đang đi, phía trước có xe bán tải đang đậu sát lề đường nên Trung (tài xế) bật đèn xin đường để vượt qua. Lúc này bên phía phần đường ngược lại với xe tải của có hai nữ sinh (cùng 14 tuổi) đang di chuyển bằng xe đạp điện. Do phát hiện xe tải, cháu N đã dừng lại, nhưng xe đạp điện của cháu Trân (nạn nhân) chạy phía sau đã tông trúng xe của cháu N rồi sau đó ngã ra đường và bị bánh trước xe tải lái cán qua làm cháu Trân c./hết. Sau đó, CQĐT huyện Trà Ôn, VKS, toà án cùng họp và đưa ra quan điểm vụ việc. Công an huyện Trà Ôn xác định cháu Trân có lỗi đi xe đạp điện không chú ý quan sát, còn Trung lái xe tải đi không đúng phần đường quy định. VKS và TAND cùng quan điểm lỗi hoàn toàn do tài xế Trung vượt xe không đảm bảo an toàn. Còn cháu Trân lỗi vi phạm hành chính do không chú ý quan sát.
Do ngành tư pháp huyện Trà Ôn không thống nhất quan điểm nên PC01 đã phối hợp Phòng CSGT và VKS tỉnh Vĩnh Long kiểm tra hồ sơ. Cuối cùng CQĐT tỉnh Vĩnh Long kết luận: cháu Trân điều khiển xe đạp điện không giữ khoảng cách an toàn, không chú ý quan sát với xe cùng chiều phía trước là LỖI CHÍNH gây ra vụ tai nạn. Tài xế Trung chạy tới không xử lý kịp nên đã cán qua làm cháu Trân thiệt mạng.”]
Sau đó hồ sơ được chuyển ngược về lại cho Công an huyện Trà Ôn và có lẽ Công an huyện Trà Ôn dựa vào kết luận cuối cùng của Công an tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “lỗi chính” là của cháu Trân và “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã c.hết” nên không khởi tố.

Phân tích pháp lý:
1) Điều 260: Tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ: “Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt… tù từ 1 đến 5 năm:
- Làm chết người;”
2) Đối chiếu điều luật trên đây có thể hiểu: nếu một người tham gia thông đường bộ chỉ cần vi phạm quy định an toàn gây c./hết người là phạm vào tội này. Báo Tuổi trẻ đưa tin: “Trung tài xế xe tải vi phạm lái xe không đúng phần đường quy định; VKS và Toà án huyện Trà Ôn xác định lỗi hoàn toàn do tài xế vượt không an toàn”. Từ hai căn cứ này việc không khởi tố tài xế là bỏ lọt tội phạm rõ ràng.
Còn CQĐT tỉnh Vĩnh Long kết luận: “do cháu bé điều khiển xe đạp không an toàn, không chú ý quan sát với xe cùng chiều phía trước (tức là xe đạp của bạn N) dẫn đến ngã ra trước bánh xe tải và Trung tài xế không tránh kịp nên cán qua” và khi chuyển hồ sơ lại về Công an không khởi tố vì lý do “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã c./hết”.
Đây là sai lầm hết sức tai hại vì hành vi của tài xế Trung đã đáp ứng điều kiện cần và điều kiện đủ theo Điều 260 BLHS để khởi tố. Điều kiện cần: “điều khiển phương tiện vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ” và, điều kiện đủ: “gây c.hết người”.
3) Nếu đặt ra giả thiết cho rằng cháu Trân vi phạm là đúng đi chăng nữa thì “đây không phải là căn cứ để không khởi tố” mà chỉ dùng làm căn cứ xem xét giảm nhẹ một hình phạt cho tài xế Trung khi vụ án được xét xử vì lỗi một phần do bị hại mà thôi. Trong án tai nạn giao thông trường hợp này gọi là lỗi hỗn hợp. Ngoài ra, cần phải xác định rõ ở đây cháu Trân dù có vi phạm như CQĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đề cập thì cháu Trân sẽ không bị cán c./hết (không có hậu quả xảy ra) nếu tài xế xe tải tuân thủ an toàn giao thông đường bộ. Việc gây ra hậu quả (ch/.ết người) là do bánh xe tải cán qua bởi lý do vượt không đúng, đi không đúng phần đường như VKS, Toà án Trà Ôn nhận định. Tài xế xe tải chỉ không chịu trách nhiệm khi lỗi hoàn toàn thuộc về cháu Trân, ví dụ: Trung đang lái xe tuân thủ an toàn giao thông đường bộ nhưng cháu Trân tự ngã vào, tự lao vào…vv hoặc có một bên thứ ba tác động khiến chiếc xe tải đâm vào cháu Trân mà tài xế không còn/không thể có phương án xử lý nào khác. Trường hợp này gọi là sự kiện bất ngờ hay tình thế cấp thiết.
Đây là điều hết sức cơ bản về khoa học pháp lý hình sự. Tôi viết đến đây người như nổi cả da gà!
4) Thêm một chi tiết, hiện trường vụ án cho thấy đây là con đường hẹp nên bắt buộc tài xế vượt phải quan sát kỹ khi nào thấy an toàn không có chướng ngại vật mới được phép vượt. Tuy nhiên, tài xế xe tải vượt nhưng không quan sát (điều này chính VKS và Toà án Trà Ôn nhận định là vi phạm) vì phía trước có hai cháu bé đi ngược chiều nên chưa đủ an toàn để vượt mà tài xế Trung vẫn vượt dẫn đến hậu quả cán c./hết cháu Trân!
5) Công an huyện Trà Ôn lấy lý do “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã ch.ết” để không khởi tố là sai kiến thức cơ bản trầm trọng không thể tưởng tượng được vì trường hợp này cháu Trân 14 tuổi không thuộc trường hợp và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “đi xe đạp vi phạm” nên ngay cả khi cháu Trân c./hết thì tài xế Trung vẫn phải bị khởi tố nếu đủ căn cứ (cháu Trân dù đã c./hết nhưng có cha, mẹ đại diện). Pháp luật chỉ quy định “nghi can, bị can, bị cáo” thực hiện hành vi nguy hiểm hay phạm tội c.hết mới đình chỉ khởi tố còn trường hợp này cháu Trân không phải là nghi can, bị can nhưng lại bị biến ngược thành thế này. Lần đầu tiên trong quãng đường hành nghề tôi mới gặp. Không thể tưởng tượng được!
Tôi ám ảnh về nỗi đau của người cha mất con trong cơn bỉ cực tận cùng của sự uất nghẹn phải “cầm súng đi tìm công lý”. Càng ám ảnh hơn nữa khi nghĩ đến cảnh tượng tài xế bị người cha của bị hại cầm sún.g b./ắn. Tất cả tấn bi kịch này do đâu và vì đâu? Ai sẽ chịu trách nhiệm?
P/S: Nếu có thời gian sẽ phân tích dấu hiệu hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp: “Tội không truy cứu TNHS người có tội” và “làm sai lệch hồ sơ vụ án” sau. Do tối qua tôi biết gia đình cháu Trân trước đó đã có hai luật sư đồng hành rồi nên đây là bài viết cuối cùng vì nguyên tắc nghề nghiệp và sự tôn trọng dành cho đồng nghiệp!
Cầu chúc bình an đến gia đình cháu Trân; cầu mong vong linh cháu và cha của cháu sớm siêu thoát!

Thương hai cha con nhiều lắm!

——————
Sài Gòn, 29/4/2025
LS Lê Ngọc Luân
