Đối với Hoa Kỳ, thì Việt Nam không phải là thị trường trọng tâm. GDP con vịt thì bé, thặng dư thì ít, người dân thu nhập thì thấp, sức mua thì yếu.
Tưởng tượng chuyển hàng hóa từ Hoa Kỳ sang VN mất 1/2 vòng trái đất, để tối ưu lợi nhuận thì phải chất đầy tàu hàng hóa có mật độ giá trị cao (như ô tô, xe phân khối lớn). Cơ mà sang đây liệu dân có tiêu thụ được hết 1 tàu hàng trong 1 tháng không? Mà kể có hết thì 1 năm cũng chỉ có 12 tàu hàng sang thôi chứ được bao nhiêu.
Nhìn lại thì thấy, cách đây mấy ngày, hạ viện Mỹ thông qua gói cải cách thuế lịch sử. Quyết tâm chính trị của tổng thống Trump là đã rõ ràng. Nếu giảm thuế nội địa, thì việc tăng thuế nhập khẩu sẽ là tất yếu để bù đắp lại ngân sách. Rõ ràng, không thể đòi hỏi gì hơn với kết quả này bởi đơn giản, chúng ta không có gì và không thể có gì mặc cả.
Xét một cách toàn diện, thuế quan này có lợi cho tầng lớp trung lưu, nơi những người có tiền, hoặc có đủ nguồn lực tiếp cận một cách chừng mực thị trường Mỹ, nhằm cải thiện đời sống của gia đình họ. Nhưng đồng thời lại có hại cho tầng lớp lao động giá rẻ, hoặc cận trung lưu ở vài điểm.
Thứ nhất là: Mỹ đã thiết lập một trật tự hàng hóa mới, không còn tạm nhập, tái xuất, tất cả phải minh bạch, dẫn tới trong thời gian tới sẽ là 1 cuộc sắp xếp lại hệ thống sản xuất của FDI. Các FDI hoặc minh bạch và chịu những khoản thuế đã quy định, hoặc phải đi tìm một con đường mới để hàng hóa chảy được vào Mỹ (dù rất khó vì quyết tâm của Mỹ lần này tôi đánh giá là rất lớn). Điều đó dẫn tới sẽ có xáo trộn trong phân bổ lao động, sẽ có nơi mất việc, sẽ có di dân, và có thể sẽ có khủng hoảng an sinh cục bộ.
Thứ hai là: Khi hàng hóa Mỹ vào thị trường và tầng lớp trung lưu tiếp cận được nó, sẽ dẫn tới 2 hệ quả, đó là hàng hóa trong nước hoặc phải giảm giá để cạnh tranh (nhất là với những hàng hóa trung-cao cấp), hoặc phải tìm thị trường thấp hơn để tồn tại. Cả 2 đều cho ra kết quả, người thu nhập thấp sẽ thiệt thòi hơn nữa. Họ không thể tiếp cận được hàng Mỹ (vì giá cao so với thu nhập), và nếu tiếp cận hàng hóa rẻ hơn, thì chất lượng cũng sẽ bị cắt giảm (để cạnh tranh). Chất lượng sống giữa các tầng lớp sẽ bị giãn rộng, nói cách khác, nó gián tiếp khiến quốc lực trở nên yếu.
Thứ 3 là: Sự sụt giảm hàng xuất khẩu tới Mỹ. Không chỉ hàng tạm nhập-tái xuất, mà kể cả những món hàng truyền thống cũng sẽ khó khăn hơn thâm nhập vào thị trường Mỹ. Như con tôm chẳng hạn. Người Mỹ thích ăn tôm và thích ăn hấp, luộc, thành ra họ thích tôm VN vì nó giòn, dai và không bị tanh khi luộc. Việc bị đánh thuế, không dễ tìm ra thị trường thay thế. Người Nhật chẳng hạn, họ cũng thích ăn tôm nhưng phải là tôm tươi, tôm sống (vì họ thích ăn sashimi). Nó là 1 tiêu chuẩn rất khác biệt, nó không phải bài toán giải quyết trong 1-2 tháng, mà phải là thay đổi mang tính dài hạn. Cho nên nó tạo ra thêm gánh nặng an sinh khi sẽ có nhiều người mất việc hơn, thị trường lao động đã rẻ nay trở nên thừa hơn, nó dẫn tới việc người chủ dễ dàng thuê nhân công với giá trị rẻ hơn. Khoảng cách giàu nghèo lại càng lớn hơn.
Nói thì bi quan, nhưng đó chỉ là bi quan với người thu nhập thấp hoặc cận thấp thôi. Còn với tầng lớp trung lưu thì đây là tin tốt, là cơ hội để họ nâng cấp trải nghiệm cho cuộc sống của mình.
Chỉ có điều, sợ rằng đó chỉ là những trải nghiệm ban đầu, bởi chính họ cũng dần bị bào mòn cho tới khi bị đào thải.