Kính các cụ, dù ai nói ngả nói nghiêng, thì với bí kíp này, sẽ giúp các cụ giữ vững tư tưởng, lập trường, trao dồi lý tưởng cách mệnh, tiến lên C.N.X.H là con đường duy nhất tất yếu đúng, nhá, nhá
Về C.N.X.H và con người X.H.C.N
13/04/2019
Lý luận về CNXH) luôn cần được bổ sung để hoàn thiện, và luôn phải tiếp tục bổ sung, bởi lý luận soi sáng thực tiễn nhưng mọi lý luận đều phải xuất phát từ thực tiễn, nếu không sẽ trở thành giáo điều, lạc hậu.
Sau sự kiện phá dỡ Bức tường Berlin với tính chất của một biểu tượng, rồi sự sụp đổ của Liên Xô – nhiều người đã cho rằng đó là sự sụp đổ của lý tưởng XHCN – thế giới dường như lại hướng tới những giá trị của chủ nghĩa tư bản (CNTB) mà có vẻ không có sự thay thế khả dĩ nào khác. Chúng ta chưa đi đến cuối lịch sử loài người, nhưng CNTB dường như đã trở thành điều cuối cùng ở lại. CNXH và những người cánh tả dường như vẫn đang bị sốc, ám ảnh nên chưa sẵn sàng giương cao trở lại ngọn cờ của mình. Kinh tế thị trường với các thành phần kinh tế TBCN hiện diện ở nhiều nước XHCN khiến nhiều người cảm thấy CNTB đã giành chiến thắng.
Tuy nhiên, cái gọi là toàn cầu hóa của CNTB đã không mang lại sự hoàn thiện cho một mô hình xã hội mơ ước. Nếu coi hiện thực trên thế giới ngày nay là thành công thì chúng ta đã rất sai, với kết quả thật thảm hại: với tất cả sự giàu có tích lũy, thì nạn đói vẫn tiếp tục là yếu tố tử vong chính trong dân số hành tinh này. Để 15% nhân loại được sống một cách thoải mái theo ý thích của họ, 85% còn lại phải chịu đựng những khó khăn cùng cực: nghèo đói, bệnh tật, thiếu hiểu biết, thiếu các dịch vụ tối thiểu, chiến tranh và bạo lực với các biểu hiện khác nhau ở mọi nơi (phân biệt chủng tộc, gia trưởng, định kiến). Vậy đâu là thành công của hệ thống TBCN?
Ngược dòng lịch sử, thì những bê bối của Vatican với Tòa án dị giáo và “7 núi tội của Kito với nhân loại” đã không khiến các Kitô hữu từ bỏ các giáo lý trong tôn giáo của họ. So sánh dù khập khiễng, nhưng như vậy thì sự thất bại của CNXH ở Đông Âu và Liên Xô cũng không thể gây ra sự từ bỏ lý tưởng XHCN khỏi chân trời lịch sử của loài người. Cho rằng CNXH thất bại là một quan niệm rất sai lầm, trong mọi trường hợp, bởi đó là thất bại của một mô hình chứ không phải của bản thân CNXH, nó đã không tiến triển được như kỳ vọng, nhưng rõ ràng ở tất cả những nơi CNXH từng tồn tại, nó đã giải quyết được nhiều vấn đề hơn là những kết quả mà hệ thống TBCN đạt được. Trong XHCN không có ai chết vì đói, không có người mù chữ, không ai không có nhà ở và không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Hơn nữa, các nước XHCN không bao giờ là người phát động các cuộc chiến tranh, đảo chính hay can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Tuy hiện tại CNXH chưa có nhiều thành tựu ở mức độ lý tưởng, nhưng giá trị tư tưởng mà CNXH mang lại vẫn là nền tảng cho hòa bình của nhân loại, trong khi đó mọi diễn văn hùng biện về chiến thắng của CNTB vẫn tự mâu thuẫn với chính nó, bởi ngoài chủ nghĩa tiêu dùng tham lam, các nhóm người quay cuồng trong cuộc sống văn hóa nghèo nàn và rẻ mạt với những giá trị cá nhân chủ nghĩa được đề cao thì nó chẳng có gì khác cả!
Bởi vậy, ngay trong thời điểm cam go của cuộc chiến ai thắng ai này, hãy tiếp tục là một người XHCN, tiếp tục nắm lấy hệ tư tưởng XHCN, để hy vọng và đấu tranh cho một thế giới có nhiều công lý hơn, không phải là những đức tin mơ hồ, niềm tin giáo điều, mù quáng, không có kết quả. Tôn giáo có thể tập hợp được một số người bởi những ảo ảnh thuần túy trong niềm tin chủ quan, mê hoặc, phi logic chỉ vì những cảm nhận cá nhân, như các nhà thần học từ thời trung cổ đã nói, rằng “đức tin không cần phải được chứng minh”!!! Là một người XHCN, thì cùng với phân tích khoa học, bạn cũng sẽ tự hình thành một niềm tin cho bản thân.
Tuy nhiên, để có được một niềm tin vững chắc vào lý tưởng XHCN thì chúng ta cần những điều lớn hơn như vậy rất nhiều, trở thành một người XHCN là một quyết định quan trọng, một quyết định mà ngay cả cuộc sống của bản thân cũng có thể phải hy sinh, nhưng chính điều đó sẽ nuôi dưỡng cho chúng ta một nhân cách cao cả, một nền tảng đạo đức vững chắc, và tư duy khoa học sâu sắc.
Ai tạo ra của cải cho xã hội? Đó chính là giai cấp công nhân và những người vô sản, không thể nghi ngờ điều đó. Nhưng đại đa số của cải lại bị chiếm đoạt bởi tầng lớp sở hữu tư liệu sản xuất (các chủ ngân hàng tư nhân, các nhà tài phiệt công nghiệp, các địa chủ), đó cũng là một sự thật không thể bác bỏ, điều đó không phải là lý thuyết hay chỉ là vấn đề thuộc về niềm tin. Bởi vậy, lựa chọn con đường CNXH là để giải quyết các vấn đề với một chiều sâu khoa học (chủ nghĩa duy vật lịch sử) trong khi vẫn tự bổ sung thêm khả năng nhạy cảm xã hội, quan tâm và tôn trọng phẩm giá con người, niềm tin vững chắc vào công lý, trong đó điều quan trọng nhất đối với một con người đúng nghĩa là “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, ước mơ của cách mạng Pháp mà ngay từ tác phẩm “Ba người lính ngự lâm” đã đề cập đến một cách rất đẹp đẽ.
Tiếp tục lựa chọn con đường CNXH không chỉ là trách nhiệm hay chỉ vì tình cảm tốt đẹp đơn thuần, mà phải trở thành một tình yêu vô điều kiện, trong khi tình yêu đơn thuần dành cho tình yêu không thể tồn tại một cách vô điều kiện. Bởi tình yêu đối với CNXH là cả một nền văn hóa, chúng ta phải tạo ra một nền văn hóa dựa trên các giá trị của nó, đó mới chính là CNXH, để có được CNXH!
Ngay cả khi chúng ta không thể yêu tất cả những người khác một cách vô điều kiện, thì chúng ta vẫn có thể dành cho CNXH tình yêu vô điều kiện và tôn trọng điều đó. Bởi bất công, dưới bất kỳ hình thức nào của nó (bóc lột kinh tế, phụ thuộc giới tính, phân biệt sắc tộc) đều là những biểu hiện thiếu tôn trọng mà CNXH luôn đấu tranh để loại bỏ.
Những người lựa chọn CNTB để chống lại CNXH là những người mong muốn một xã hội bất công dựa trên sự bóc lột mà họ là những người có quyền bóc lột, áp bức các tầng lớp khác. Lịch sử đã cho thấy mong muốn đó chỉ có thể đưa nhân loại đến những cuộc tàn sát đồng loại. Ham muốn quyền lực, tìm kiếm quyền lực tối cao – cám dỗ , đó là yếu tố tự phát của bản năng tự nhiên, là phần con trong mỗi con người chúng ta, bản năng đó chưa bao giờ cung cấp cho con người một lối thoát hay sự giải phóng thật sự. Ham muốn đó chỉ có thể dẫn chúng ta đến chỗ quay cuồng với giá trị của những chiếc siêu xe, những smartphone thời thượng, những chai rượu đắt tiền hoặc trở thành những “ngôi sao, thần tượng” nhạt nhẽo, tầm thường.
Chỉ có những hành động mang tính cách mạng của CNXH nhằm cải tạo phần bản năng đó, thay đổi thế giới đó, thực trạng đó, ý thức đó mới có thể thực sự giải phóng con người. Nghĩa là, nếu bạn muốn trở thành một con người XHCN, nhiều khi bạn sẽ phải đi ngược lại dòng chảy thông thường theo bản năng vốn có của xã hội loài người chúng ta.
Chủ nghĩa tư bản, hình thái xã hội chỉ dựa trên lợi ích cá nhân, quên đi mọi sự tôn trọng của con người dành cho con người và thế giới tự nhiên. Với động cơ cuối cùng của cuộc sống chỉ là “lợi nhuận”, đem đến một cuộc sống nghèo nàn về giá trị đích thực của con người, nên CNTB chính là một quả bom hẹn giờ có thể dẫn tới sự tự hủy diệt của loài người. Nhân danh những giá trị của nó, CNTB sẵn sàng hy sinh tất cả chỉ để tìm kiếm lợi nhuận, từ việc gây ra các thảm họa môi trường đến việc diệt chủng, thậm chí tự hủy diệt chính nó. Mâu thuẫn tự thân được tạo ra trong CNTB quá sâu đến mức nó không thể quay trở lại và không thể tự điều chỉnh, tự quản lý được. Tất cả góp phần tạo ra một quả bom hẹn giờ sẽ phát nổ ở đâu đó. Thậm chí tệ hơn, nhân danh việc bảo vệ lợi ích của một số ít người, những cuộc chiến tranh chết chóc tạo ra nguy cơ rất cao đối với cả hành tinh chúng ta. Nếu tất cả năng lượng hạt nhân chứa trong các vũ khí nguyên tử có sẵn hiện nay được kích hoạt, sẽ có một vụ nổ hoành tráng mà sóng xung kích của nó sẽ phá hủy cả Hệ mặt trời…
Những vũ khí hoành tráng đó không hề giúp ngăn chặn được việc sau mỗi 7 giây lại có 1 người chết vì đói trên thế giới này, nghèo đói và chiến tranh là nguyên nhân chính gây ra cái chết của loài người chúng ta. Buồn vì điều đó chăng? Đừng, vì chúng ta không xứng đáng được buồn khi chưa hiểu rằng nghèo khó và chiến tranh đều không do ai khác ngoài CNTB gây ra. CNXH đã không bao giờ bắt đầu một cuộc chiến diệt chủng vì lợi nhuận cho một nhóm người, còn CNTB đã gây ra cái chết của bao nhiêu con người?
Chúng ta có thể nhìn thấy trong nhiều trường hợp, các mô hình thí điểm XHCN vẫn còn rất nhiều lỗi lầm: tả khuynh và hữu khuynh, sự lạm dụng quyền lực, thiếu cởi mở, gia đình trị, điều hành kém hiệu quả, quan liêu, sùng bái cá nhân, cùng vô số những lúng túng trong sự tìm tòi một con đường phù hợp. Cánh tả thế giới hiện nay bàn luận khá nhiều về điều này trong tự phê bình với những bài học kinh nghiệm này. Cánh hữu thì dựa vào đó để thổi phồng, cho rằng CNXH đã hoàn toàn thất bại. Nhưng sự thật về bóc lột, bất công, cướp đoạt, chủ nghĩa tiêu dùng tham lam vô độ của CNTB vẫn hiển hiện thì sao?
Mặt khác, sự lạm dụng quyền lực không phải là một “phát minh” của CNXH, mà nó là bản năng thú tính còn sót lại của con người, ở bất kỳ chế độ xã hội nào. Trong chế độ XHCN thì đó là biểu hiện suy thoái, tiến hóa ngược của những ai thiếu rèn luyện, bị cám dỗ bởi quyền lực, bị tư sản hóa mà xa rời giai cấp mình đại diện, chứ nó không phải là bản chất của CNXH mà nhân loại hướng đến. Bởi vậy, CNXH và CNCS vẫn là lối thoát duy nhất, là hy vọng cuối cùng cho loài người ở cuối con đường, khi nó tự khắc phục được những điểm yếu và lỗi lầm của nó. Trong khi đó, “lối thoát” của CNTB có gì khác hơn là những cuộc chiến tranh? Cho đến nay, ngành công nghiệp có lợi nhuận cao nhất của CNTB vẫn là sản xuất vũ khí, ngành công nghiệp chết chóc. Đó có phải là thành công?
Ngô Mạnh Hùng
http://tuanbaovannghetphcm.vn/ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-nguoi-xa-hoi-chu-nghia-so-541/
p/s: tối chủ nhật, mùa thu, gom góp lý tưởng,... cho con người X.H.C.N mà các cụ đang thao thức,...