em chưa bao giờ gặp trường hợp như thế này, nhưng theo các cụ, mợ thì như bạn MC dưới đây nói là đúng hay sai?
MC Phan Anh
ẢNH ĐẸP về sự hi sinh, nhưng KHÔNG ĐÚNG về y học. Bài của tác giả
Trần Thu Hà, mọi người hết sức lưu tâm!
Phải ghi nhận là anh đại uý CSCĐ rất nhiệt tình, quên mình chịu đau, nhưng tiếc là anh đang sơ cứu cơn co giật theo phương pháp lạc hậu. Và nếu hình ảnh sơ cứu người co giật này càng được lan truyền thì có thể nhiều người sẽ tiếp tục làm sai.
2 anh ko có lỗi, lỗi là chúng ta chưa có kiến thức Sơ cấp cứu. Không bỏ mặc nạn nhân, nhưng chúng ta phải tự trang bị kiến thức đúng.
CÁCH XỬ LÝ khi bị co giật toàn thân, trẻ em bị sốt co giật.
1,Nguyên nhân gây co giật:
- Do bệnh lý: bệnh động kinh
- Do bị chấn thương, đầu bị va chạm mạnh trong lúc chơi thể thao, bị tai nạn giao thông, khiến các tín hiệu ở não về hoạt động bị truyền đi một cách sai lệch, gây co giật.
- Trẻ em (dưới 6 tuổi) có thể bị sốt co giật do nhiệt độ tăng quá nhanh và đột ngột (chứ không phải do nhiệt độ quá cao) nhưng cơ thể trẻ chưa điều chỉnh thân nhiệt kịp thì sẽ có phản ứng co giật.
2, Không làm những cách nguy hiểm:
- Không cố gắng đè người co giật xuống, Không cố giữ tay chân, vì có thể gây gãy xương, tổn thương cơ của người co giật.
- Không tìm cách mở miệng người co giật ra, có thể bạn bị cắn đấy. Nhìn khuôn mặt anh lính cơ động đỏ lên là biết ảnh đang bị cắn rất đau.
- Không vắt chanh, cho khăn… vào miệng.
- Không chườm với khăn lạnh hay để trẻ ở nơi lạnh, vì nhiệt độ bên trong cơ thể mới đáng lo chứ không phải nhiệt độ ngoài da.
- Không lo người co giật cắn lưỡi hoặc nuốt lưỡi nha. Khi co giật cơ sẽ co cứng lại và tăng trương lực. Như vậy lưỡi sẽ tụt vào chứ ko thè ra đâu. Một khảo sát trên 106 trẻ bị co giật thì chỉ có 8 trẻ cắn lưỡi, nhưng chỉ là vùng viền hai bên lưỡi, không nguy hiểm gì, như khi mình ăn vội và cắn nhẹ vào viền lưỡi vậy.
Thậm chí điều nguy hiểm nhất lại ngược lại với cái dân gian đang lo lắng, đó là nguy cơ tụt lưỡi gây ngạt và sặc đờm dãi vào phổi gây viêm phổi do nuốt.
3, Cách làm chính xác:
Hãy để người co giật được co giật trong an toàn
- An toàn cho người co giật: đỡ lấy đầu nạn nhân, hoặc đặt dưới đầu một chiếc gối để tránh đầu bị va chạm mạnh trong lúc co giật. Dọn dep không gian xung quanh: tránh điện, nước, vật sắc nhọn, đồ dùng có thể ngã đổ. Nới lỏng quần áo, dây chuyền, carvat…
- An toàn cho người xung quanh: Người đang co giật mất tri giác, đừng xáp vô rồi lỡ có bị đạp té lại trách người ta.
- Sau đó, bạn chỉ cần đợi
Đợi.
Và đợi cho co giật tự hết
Nhìn đồng hồ để xem cơn co giật diễn ra trong bao lâu (để thuật lại với bác sỹ sau này)
- Tuyệt đối không tác động lực đến nạn nhân.
Thông thường, co giật có thể diễn ra trong vòng 20 giây – 5 phút.
Bạn phải thật bình tĩnh mặc dù cảnh tượng diễn ra hết sức đáng sợ. Trẻ em có thể bị co quắp người, toàn thân tím tái, mắt trợn trắng, có thể gây ra những tiếng rít do răng va vào nhau. Tuy nhiên, quá trình co giật này không nguy hiểm, nguyên nhân gây ra co giật mới là vấn đề. Vì vậy, sau cơn co giật, cần nhanh chóng xác định nguyên ngân co giật để có những biện pháp thích hợp.
(Các phương pháp y khoa hoặc dùng thuốc chỉ do các chuyên gia sơ cấp cứu, chuyên gia y tế thực hiện khi cơn co giật diễn ra quá lâu (trên 10 – 15 phút, hiếm khi xảy ra).
Sau khi co giật, nạn nhân sẽ dần lấy lại ý thức. Thời gian tỉnh táo nhanh hay chậm phụ thuộc vào thời gian co giật vì trong quá trình co giật, não bị thiếu oxy, các chức năng cần thời gian để “khởi động lại”. Nạn nhân có thể chảy nước bọt pha lẫn máu do răng va phải lợi hoặc phần thịt bên trong má nhưng điều này cũng không đáng lo vì đây chỉ là các va chạm nhẹ.
- Sau co giật, hãy đẩy nạn nhân nằm nghiêng sang một bên (tư thế mở đường thở) vì khi nằm ngửa, nếu nạn nhân bất tỉnh, lưỡi có thể chắn ngang đường thở, nạn nhân không thể nôn ói. Ở tư thế này, kẹo, bánh hoặc dị vật mắc kẹt trong miệng có thể được đẩy ra ngoài.
- Gọi cấp cứu hoặc người hỗ trợ nếu tình trạng nạn nhân bị chấn thương đầu, gặp phải tai nạn nghiêm trọng. Bố mẹ nên đưa con đi bác sĩ để tìm nguyên nhân.
Có những hình ảnh Đẹp nhưng chưa đúng. Tương tự, những hình ảnh nhiệt tình bế xốc nạn nhân bị tai nạn giao thông lên, rồi ngồi trên xe máy phóng tới bệnh viện, là rất nguy hiểm. Nếu nhiệt tình mà thiếu kỹ năng, có thể làm nạn nhân bị nặng hơn, có thể làm họ tổn thương cột sống và liệt luôn đấy ạ.
Thực sự mình rất xúc động với hình ảnh đầy tình người của anh, nhưng lẽ ra BTC cần phải cho các CS và nhân viên học về kỹ năng sơ cấp cứu khi bảo vệ đám đông người thế này.
P/s: xin nhắc lại, một lần nữa mong rằng qua hình ảnh đẹp này mọi người lưu tâm để sơ cứu người cho đúng!