Em có con 2005 mà em thấy các vấn đề của con cũng vẫn đang tồn tại, em mới đọc được bài này mấy ngày trc chia sẻ với các cụ nào chưa đọc
----
GỬI 2K7: chọn trường, chọn ngành… hay chọn thành?
Chúc mừng bạn vừa hoàn tất kỳ thi quan trọng thứ ba trong cuộc đời, một dấu mốc được xã hội xem là mang tính bản lề. Trong thời gian tới, các trường sẽ lần lượt công bố điểm chuẩn, và nhiều người trong số các bạn sẽ biết được kết quả của mình. Nhiều gia đình sẽ rất vui và rất nhiều gia đình sẽ chìm trong tiếc nuối.
Nhưng xin lỗi, đời còn dài, và thử thách này chỉ là... màn khởi động. Các bạn không phải đã hoàn tất một hành trình, mà mới chỉ bắt đầu một nỗ lực. Có vui thì cũng đừng vui quá. Và có buồn thì cũng chớ buồn lâu!
Giờ là lúc bạn phải đối diện với ba câu hỏi không ai kiểm tra, không có đáp án mẫu, không ai có quyền can thiệp:
1. Mình thật sự muốn sống cuộc đời như thế nào?
2. Học gì, và học như thế nào để không hoang phí tuổi trẻ?
3. Trong 4 năm đại học, nên làm gì để không chỉ... qua môn?
Với một người từng có chút thành công, cũng không thiếu tiếc nuối trong thời đại học và cả quãng đường sự nghiệp sau đó, tôi xin chia sẻ cùng bạn, như thể đang viết cho chính mình 30 năm trước.
1. Không phải chọn Nghề, mà là chọn Cách sống
Học quản trị kinh doanh không đồng nghĩa bạn sẽ làm sếp, giống như học công nghệ thông tin chưa chắc đã thành hacker.
Học kế toán mà không thích con số, giống như đi tu mà còn dính bụi trần. Dư cực khổ, mà chẳng đủ nên người.
Học gì không quan trọng bằng việc bạn muốn sống cuộc đời như thế nào: Làm việc văn phòng đều đặn 40 tiếng mỗi tuần? Lang bạt làm phim tài liệu? Lập trình trong một quán cà phê Đà Lạt? Hay bay giữa các thành phố với nghề tư vấn?
Nếu bạn chưa rõ mình muốn sống cuộc sống như thế nào, thì ít nhất đừng chọn ngành chỉ vì “thấy người ta học nhiều” hay “ba mẹ nói ngành đó dễ xin việc”.
Hành trang đề xuất:
(i) Thái độ tự khám phá: luôn tự hỏi “Tôi muốn sống sao?”, “Tôi thấy mình hạnh phúc khi làm điều gì?”
(ii) Tư duy phản tỉnh: nhìn lại bản thân từ trải nghiệm thật chứ không từ định kiến xã hội.
2. Trường top không đủ để top đời
Đại học A, Đại học B có thể đưa bạn vào một “chiếu trên” của xã hội. Nhưng không ai nói cho bạn biết: chiếu trên rất đông, cạnh tranh khốc liệt và không phải ai cũng có võ.
Trong khi đó, nhiều bạn ở trường tỉnh, cao đẳng, thậm chí học online lại bén duyên với nghề sớm, đi làm sớm, kiếm tiền sớm, và hạnh phúc sớm. Năm mười năm sau, rất có thể sếp của bạn là những người như thế.
Trường học chỉ là nơi cho bạn thêm thời gian trước khi vào đời. Đừng lãng phí 4 năm học chỉ để tìm cách... qua môn.
Hành trang đề xuất:
(iii) Thái độ học thật, học có mục đích
(iv) Khả năng tự học, bởi trường không dạy bạn cách ứng phó với đời, chỉ bạn mới làm điều đó được.
3. Nhất định phải học gì đó có chuyên môn sâu, những thứ mà bạn không thể tự học trên mạng
Việt Nam muốn phát triển vươn tầm thì phải cần kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học… giỏi chuyên môn thực sự. Thời của những “giỏi tiếng Anh là leo nhanh phó tổng”, “bằng lòng hơn bằng cấp” hay “thông quan lô hàng, thông đồng quan chức” đã qua rồi.
Nền kinh tế thế giới bây giờ chuyển biến rất mạnh. Những nghề nghiệp cổ cồn trắng lại là những nhóm dễ bị thay thế bởi chuyển đổi số, công nghệ và AI nhất. Những người thành công (theo McKinsey và Diễn đàn kinh tế thế giới) buộc phải có tư duy phân tích mạnh và năng lực chuyên môn đủ sâu.
Các kiến thức phổ quát, kỹ năng mềm và nguyên tắc quản lý bây giờ ta có thể học qua mạng hay các app trên điện thoại, vừa hiệu quả, linh hoạt, vừa rẻ và đỡ tốn thời gian.
Do vậy, hãy chọn một chuyên môn sâu nào đó mà bạn không thể hay rất khó học được trên mạng. Cũng đừng bị dọa bởi "toán nhiều", "áp lực cao". Đời không áp lực thì vô vọng kim cương.
Các kỹ năng mềm, kiến thức phổ thông, thuyết trình, quản trị… bạn hoàn toàn có thể học từ YouTube, Coursera, Udemy. Nhưng giải phẫu, xây cầu, thiết kế mạch điện, xử lý dữ liệu lớn – những thứ liên quan đến sinh mạng, tài sản, và vận hành xã hội – không thể tự học suông được.
Hành trang đề xuất:
(v) Tư duy phân tích – hệ thống
(vi) Kiến thức nền chuyên sâu, có thể kiểm chứng được qua bài tập thực hành, đồ án hoặc làm dự án thật.
4. Ngoại ngữ, kỹ năng số và tư duy phản biện: ba cánh cửa dẫn đến mọi chân trời
Biết tiếng Anh để hiểu thế giới. Thêm một ngoại ngữ khác để thế giới hiểu. Tiếng Hoa là một gợi ý tốt cho các bạn.
Học kỹ năng số (văn phòng, thiết kế phần mềm, lập trình cơ bản, phân tích dữ liệu...) để sống sót trong thời đại AI.
Học phản biện để không bị dắt đi bởi những điều nghe có vẻ hợp lý nhưng thực ra vô nghĩa.
Nếu bạn biết học cách học, thì ngành nào cũng là... ngành của bạn.
Hành trang đề xuất:
(vii) Giao tiếp số (digital literacy)
(viii) Tư duy logic, phản biện và kiểm chứng thông tin
(ix) Tiếng Anh cơ bản, và một ngoại ngữ khác nếu có điều kiện
5. Đừng chỉ học chuyên môn, hãy phát triển chính mình
Tham gia các CLB không phải để ghi vào hồ sơ xin việc hay làm màu trên mạng xã hội, mà để giỏi tổ chức công việc, rèn luyện kỹ năng mềm, thấm đẫm tư duy lãnh đạo, và cả biết cách làm việc với những người mình không ưa nữa.
Làm thêm không phải để giàu, mà để hiểu giá trị của đồng tiền, sự nhọc nhằn của người lao động và tâm lý của họ. Đến lúc bạn làm quản lý hay làm chủ, bạn sẽ hiểu giá trị của những điều này như thế nào.
Tình yêu thời sinh viên không đảm bảo đi tới hôn nhân, nhưng dạy bạn cách lắng nghe, quan tâm, tha thứ, và đôi khi là... buông bỏ.
Như một câu đùa mà thật:
“Đại học không để thành danh, Đại học là để ra anh, ra thằng”: nơi tập sống, tập vấp ngã, và tập lớn lên.
Hành trang đề xuất: tham gia ít nhất 2 CLB, một sâu về chuyên môn, một rộng về quan hệ. Qua đó học:
(x) Kỹ năng giao tiếp – hợp tác – quản lý cảm xúc
(xi) Kỹ năng xây dựng và gìn giữ mối quan hệ
(xii) Thái độ tử tế với chính mình và người khác
6. Nếu có cơ hội, hãy đi xa
Du học, trao đổi sinh viên, thực tập ở nước ngoài, đi tình nguyện…: bất kỳ trải nghiệm nào vượt ra khỏi vùng an toàn đều xứng đáng. Bất kỳ thất bại nào đều là thành công.
Không phải để “check-in sống ảo”, mà là để thấy mình nhỏ bé, khiêm tốn, và học được điều lớn lao: thế giới rất rộng, và người giỏi không hề thiếu.
Ra khỏi vùng an toàn là điều kiện để lớn nhanh. Rời khỏi vòng tay cha mẹ là điều kiện để không mãi nhỏ bé.
Hành trang đề xuất:
(xiii) Khả năng thích nghi – vượt khó
(xiv) Giao tiếp liên văn hóa
(xv) Tư duy cầu thị và học từ sai lầm
7. Đừng chờ ra trường mới sống như một người trưởng thành
Hãy học cách tự chăm sóc bản thân, tự nấu ăn, tự lên kế hoạch, tự chịu trách nhiệm.
Tập sống tự lập: thuê trọ, tính chi tiêu, đối mặt với nỗi cô đơn, cũng là một phần của trưởng thành.
Và hãy đứng lên khi cần bảo vệ điều đúng, dù chưa chắc bạn đã đúng hoàn toàn.
Trưởng thành không đến từ tuổi tác.
Nó đến từ việc bạn dám sống có trách nhiệm với lựa chọn của mình – dù đôi khi phải trả giá.
Hãy trưởng thành, đừng mãi mãi ở tuổi 20 chỉ vì lười lớn.
Hành trang đề xuất:
(xvi) Quản trị bản thân và thời gian
(xvii) Tư duy phản biện và ra quyết định
(xviii) Tính chủ động – không viện lý do
Bạn sắp bước vào hành trình 4 năm. Đừng xem đó là “giai đoạn chuẩn bị”, mà hãy sống sao cho đáng nhớ, đáng học, đáng tự hào.
Dù bạn chọn Harvard, Hồng Bàng, chùa Láng, Phú Thọ hay trường dạy nghề địa phương: hãy gieo một hạt giống đúng. Bốn năm sau, trái ngọt hay đắng là kết quả từ chính cách bạn đã sống những ngày ấy ra sao.
Chúc các bạn 2K7 một hành trình đáng sống.