Con đường "đắt nhất hành tinh" chậm tiến độ, Hà Nội đưa cam kết cuối cùng
(Dân trí) - Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được xem là con đường "đắt nhất hành tinh" chậm tiến độ nhiều lần, sáng nay đại biểu HĐND TP Hà Nội lại chất vấn về tiến độ và cam kết của các cơ quan liên quan.
Sáng 9/7, HĐND TP Hà Nội dành thời gian một buổi sáng cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Nhóm vấn đề thứ nhất là tái chất vấn việc thực hiện Nghị quyết số 65 ngày 12/12/2024 về kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 20 của HĐND TP Hà Nội.
Nghị quyết chất vấn số 65 đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 20 kèm theo phụ lục thời gian thực hiện đối với 46 nội dung yêu cầu của HĐND thành phố và cam kết của UBND và các sở, ngành, đơn vị của thành phố.
Đại biểu Duy Hoàng Dương cho biết tuyến đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đã nhiều lần được chất vấn. Dự án này từng được kỳ vọng là trục giao thông huyết mạch kết nối khu vực trung tâm thủ đô.
Ông Duy Hoàng Dương, đại biểu HĐND TP Hà Nội, đặt câu hỏi chất vấn (Ảnh: Hữu Thắng).
Theo ông Dương, tuyến đường Vành đai 1 được phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 7.800 tỷ đồng và được kỳ vọng hoàn thành trong năm 2020, tuy nhiên quá trình thực hiện đến nay đã "trượt dài" nhiều lần.
Ông Dương nhấn mạnh Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội, lãnh đạo quận Đống Đa đã cam kết triển khai thực hiện để hoàn thành dự án trong năm nay. Tuy nhiên, việc triển khai dự án vẫn rất chậm, gây bức xúc trong cử tri.
Đại biểu đề nghị UBND TP Hà Nội làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và cam kết cuối cùng của UBND thành phố về dự án này để đảm bảo đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết tại kỳ họp 20, hai Chủ tịch quận Đống Đa và Ba Đình (cũ) đã cam kết hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quý II. Đây là dự án trọng điểm kéo dài nhiều năm và rất phức tạp liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trả lời chất vấn (Ảnh: Hữu Thắng).
Theo ông Thường, có 1.981 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng. Sau khi có cam kết và chỉ đạo quyết liệt của thành phố, kết quả đạt được khá tích cực, có chuyển biến rõ rệt, tuy nhiên kế hoạch hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý II chưa đạt được như mong muốn.
Ông Thường cho biết trong 1.981 hộ, đến nay đã chi trả được 1.297 hộ và thu hồi mặt bằng 633 hộ. "Công tác giải phóng mặt bằng dự án chậm so với cam kết", ông Thường thừa nhận.
Với biện pháp thực hiện rào chắn, cắt điện nước, cưỡng chế để thu hồi mặt bằng, ông Thường cho biết quận Đống Đa (cũ) đã giải phóng mặt bằng được 50 hộ, quận Ba Đình (cũ) giải phóng mặt bằng được 129 hộ.
"Tuy nhiên, tình hình rất phức tạp, dự án chạy qua hai quận cũ hiện nay thuộc ba phường mới đã nhận hơn 400 đơn thư của người dân", ông Thường nói.
Theo ông Thường, với các chỉ đạo của thành phố, trong tuần tới, ba phường mới sẽ cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng làm việc, thiết lập kế hoạch giải phóng mặt bằng để hoàn thành trong quý IV năm nay.
Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được xem là con đường "đắt nhất hành tinh" (Ảnh: Hữu Thắng).
Trước đó, tại kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 11/12/2024, các đại biểu HĐND đã chất vấn về tiến độ của dự án này. Trước đó, cơ quan chức năng của Hà Nội đã nhiều lần cam kết hoàn thành nhưng đến nay dự án vẫn "chưa hẹn ngày về đích".
Trả lời vấn đề này, ông Đồng Phước An, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội, thừa nhận tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 1 chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo ông An, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024, tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án gặp nhiều khó khăn.
Theo kế hoạch, việc giải phóng mặt bằng tại quận Ba Đình hoàn thành trong quý I, quận Đống Đa xong trong quý II năm nay.
Ông An cho hay, ban đã chỉ đạo các nhà thầu luôn luôn sẵn sàng, có mặt bằng là triển khai xây dựng ngay. Trường hợp công tác giải phóng mặt bằng đúng theo kế hoạch, sẽ hoàn thành dự án trong năm nay.
Dự án này được phê duyệt từ tháng 12/2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng chậm tiến độ nhiều năm.