Cách Nga tập kích phá hủy hệ thống Patriot của Ukraine
Thứ ba, 08/07/2025 - 08:58
Cuộc tấn công vào hệ thống Patriot ngày 5/7 cho thấy sự tinh vi trong chiến thuật của Nga, từ trinh sát chính xác, sử dụng tên lửa chống bức xạ đến phối hợp hỏa lực áp đảo.
Ngày 5/7, Bộ Quốc phòng Nga công bố bản tóm tắt chiến sự, tuyên bố lực lượng của họ đã phá hủy hai bệ phóng và hai trạm radar AN/MPQ-65 thuộc hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, cùng với một loạt mục tiêu quân sự khác của Ukraine, bao gồm cơ sở hạ tầng sân bay, kho nhiên liệu, các điểm sản xuất UAV Kamikaze.
Thông báo này, kết hợp với các nguồn tin từ báo chí phương Tây và phân tích của các chuyên gia quốc tế, cho thấy một chiến thuật tinh vi mà Nga sử dụng để đối phó với các hệ thống phòng không hiện đại của Ukraine.
Hệ thống Patriot và vai trò trong phòng thủ Ukraine
Hệ thống phòng không Patriot, do Tập đoàn Raytheon Mỹ phát triển, là một trong những khí tài phòng không tiên tiến nhất thế giới, được thiết kế để đối phó nhiều loại mối đe dọa trên không, từ máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình đến tên lửa đạn đạo.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ hợp Patriot PAC-3 có giá 1 tỷ USD, gồm radar mảng pha AN/MPQ-65, trạm điều khiển, máy phát điện và tối đa 8 bệ phóng, mỗi bệ chứa 4 tên lửa đánh chặn PAC-3 với chi phí 4 triệu USD/quả. Radar AN/MPQ-65 có khả năng theo dõi đồng thời hơn 100 mục tiêu trong phạm vi 160 km, khiến nó trở thành trung tâm điều phối quan trọng của hệ thống.
Ukraine, với sự hỗ trợ từ các cường quốc đầu tàu trong EU như Mỹ, Đức và Hà Lan, đã nhận được ít nhất khoảng 3-6 tổ hợp Patriot kể từ năm 2022, theo thông tin từ truyền thông Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, số lượng chính xác vẫn là “ẩn số”, ông Zelensky từng ám chỉ con số thực tế có thể cao hơn.
Trong bối cảnh xung đột quân sự, Patriot đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các thành phố lớn Kiev và các cơ sở hạ tầng chiến lược trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga. Tuy nhiên, chính sức mạnh của Patriot cũng đi kèm với những điểm yếu cố hữu, đặc biệt là sự phụ thuộc vào radar phát tín hiệu liên tục, khiến nó dễ bị phát hiện và trở thành mục tiêu giá trị cao.
Chiến thuật Nga: Phối hợp đa tầng, chế áp phòng không
Theo thông cáo ngày 5/7 của Bộ Quốc phòng Nga, các lực lượng quân sự nước này đã sử dụng kết hợp không quân chiến thuật, UAV tấn công, pháo binh và vũ khí tên lửa để phá hủy radar AN/MPQ-65 và bệ phóng Patriot trong khu vực hoạt động đặc biệt. Sputnik cho biết, cuộc tấn công này nằm trong một chiến dịch rộng lớn hơn, nhắm vào 152 mục tiêu, bao gồm các điểm triển khai quân sự của Lực lượng Vũ trang Ukraine, các nhóm dân quân và lính đánh thuê nước ngoài. Tổng thiệt hại nhân sự của Ukraine được phía Nga tuyên bố vượt quá 1.200 quân nhân tử trận và bị thương.
Chiến thuật Nga sử dụng để triệt hạ Patriot được các chuyên gia quân sự quốc tế, bao gồm những người từ RAND Corporation và Jane’s Defence Weekly, mô tả là một hình mẫu của chiến thuật SEAD (Suppression of Enemy Air Defenses - chế áp phòng không đối phương).
Theo Topwar, Nga phối hợp giữa tên lửa đạn đạo Iskander-M và tên lửa chống bức xạ Kh-31P, một chiến lược được thiết kế để khai thác điểm yếu của radar AN/MPQ-65.
Khi Patriot kích hoạt radar để dẫn đường cho tên lửa đánh chặn, tín hiệu radar phát ra trở thành “ngọn hải đăng” cho Kh-31P, một loại tên lửa có tốc độ Mach 3, được phóng từ các máy bay như Su-35 hoặc MiG-31. Tên lửa này tự dẫn đến nguồn phát xạ và tấn công chính xác vị trí radar, làm tê liệt khả năng điều phối của Patriot.
Đồng thời, Iskander-M, một tên lửa đạn đạo có khả năng cơ động giữa hành trình và mang mồi nhử radar, được sử dụng để đánh lạc hướng hệ thống phòng không của Ukraine. Theo TASS, Nga đã phóng ít nhất 8 tên lửa Iskander-M trong một đợt tấn công, kết hợp với Kh-31P để tạo ra một “cơn bão” hỏa lực khiến Patriot không thể đối phó kịp. Video được Bộ Quốc phòng Nga công bố trên Telegram cho thấy một vụ nổ lớn kèm các vụ nổ thứ cấp, được cho là do tên lửa Patriot bị kích nổ, minh họa mức độ chính xác của cuộc tấn công.
chuyên gia phòng thủ tên lửa tại CSIS Ian Williams nhận định: “Hệ thống Patriot rất mạnh, nhưng không phải là bất khả chiến bại. Trong môi trường tác chiến điện tử hiện đại, radar mảng pha của nó phát ra tín hiệu mạnh, dễ bị phát hiện bởi các hệ thống giám sát của Nga, như vệ tinh hoặc UAV Orlan-10. Khi kết hợp với tên lửa chống bức xạ, Nga có thể vô hiệu hóa Patriot một cách hiệu quả”. Điều này giải thích tại sao Nga liên tục nhắm vào radar AN/MPQ-65, vốn là “trái tim” của hệ thống, để làm mù khả năng phòng thủ của Ukraine.
Các vụ tấn công Patriot trước đây: Kinh nghiệm và bài học
Cuộc tấn công ngày 5/7 không phải là lần đầu tiên Nga nhắm vào Patriot. Theo TASS ngày 24/5, Nga tuyên bố đã phá hủy một tổ hợp Patriot gần Ordzhonikidze, Dnipropetrovsk, bằng tên lửa Iskander-M, bao gồm radar AN/MPQ-65, cabin chỉ huy và hai bệ phóng.
Trước đó, vào ngày 16/5, Bộ Quốc phòng Nga công bố một cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh Kinzhal đã phá hủy 05 bệ phóng và 1 trạm radar hỗ trợ triển khai Hệ thống Patriot tại Kiev. Dù Ukraine phủ nhận mức độ thiệt hại, một quan chức Lầu Năm Góc xác nhận với CNN rằng hệ thống bị hư hại nhưng vẫn hoạt động.
Chuyên gia quân sự quốc tế Vijainder K Thakur, cựu phi công Không quân Ấn Độ, đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả thực sự của Patriot trong môi trường chiến tranh cường độ cao. Ông viết trên trang EA Times rằng: “
Tuyên bố của Ukraine về việc bắn hạ Kinzhal bằng tên lửa trong Hệ thống Patriot có thể là chiến dịch tuyên truyền hơn là thực tế. Patriot không được thiết kế để đối phó với tên lửa siêu thanh có khả năng cơ động như Kinzhal”.
Báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) cũng chỉ ra rằng, trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, tỷ lệ đánh chặn thực sự của Patriot chỉ dưới 50%, thấp hơn nhiều so với những gì được quảng bá.
Những cuộc tấn công trước đây cho thấy Nga đã phát triển một quy trình trinh sát và tấn công tinh vi. Theo Izvestia, Nga sử dụng vệ tinh, tình báo tín hiệu và UAV Orlan-10 để xác định vị trí Patriot. Sau khi định vị mục tiêu, tên lửa Iskander-M hoặc Kinzhal được phóng từ các bệ di động hoặc máy bay, cho phép tấn công nhanh và chính xác. Chiến thuật này không chỉ nhắm vào Patriot mà còn vào các hệ thống khác như HIMARS, thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng Nga.
Ý nghĩa chiến lược và phản ứng từ phương Tây
Việc phá hủy Patriot là cú đánh mạnh vào lưới phòng không của Ukraine, đặc biệt khi nguồn viện trợ phương Tây gặp khó khăn. Ngày 4/7, Mỹ tuyên bố tạm dừng cung cấp đạn dược quan trọng, bao gồm tên lửa PAC-3 MSE cho Patriot, khiến Ukraine dễ bị tổn thương hơn. Oleksii, một chỉ huy phòng không Ukraine tại Kiev, cảnh báo rằng việc cạn kiệt tên lửa Patriot có thể dẫn đến thiệt hại lớn về hạ tầng và dân thường.
Chuyên gia Tom Karako từ CSIS nhấn mạnh: “Phòng không không thể thắng chiến tranh, nhưng không có nó, bạn sẽ thua nhanh chóng”. Với khoảng 3-5 tổ hợp Patriot còn lại, khả năng bảo vệ không phận của Ukraine đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Nga tuyên bố phá hủy 40 bệ phóng, 10 radar Patriot trong suốt xung đột, dù con số này bị một số nhà phân tích phương Tây nghi ngờ do số lượng Patriot Ukraine nhận được có thể thấp hơn. Dù vậy, việc liên tục nhắm vào Patriot cho thấy Nga quyết tâm làm suy yếu các hệ thống phòng thủ do phương Tây cung cấp, tạo lợi thế trên không.
Phản ứng từ phương Tây khá phức tạp. Đức thảo luận về việc mua thêm Patriot cho Ukraine nhưng hạn chế về sản xuất và tranh cãi chính trị tại Mỹ về chi phí viện trợ đang gây khó khăn. Theo Topwar, một tổ hợp Patriot có giá 1,2 tỷ USD, cộng thêm chi phí bảo trì và yêu cầu nhân sự kỹ thuật cao, khiến việc duy trì hỗ trợ trở thành thách thức. Việc mất Patriot không chỉ làm suy yếu Ukraine mà còn đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của công nghệ quân sự phương Tây trước vũ khí tiên tiến của Nga.
Nhận định chuyên gia và bối cảnh lớn hơn
Các chuyên gia quân sự nhận định thành công của Nga đến từ sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và chiến thuật sáng tạo. Tên lửa Kh-31P đã khai thác điểm yếu của radar Patriot, trong khi Iskander-M tạo áp lực khiến hệ thống không thể phản ứng kịp. RAND Corporation cảnh báo rằng không hệ thống phòng không nào, dù tiên tiến đến đâu, khó có thể chống lại chiến thuật tấn công đa tầng kết hợp với tác chiến điện tử.
Bối cảnh lớn hơn cho thấy Nga đang theo đuổi mục tiêu thiết lập vùng đệm an ninh dọc biên giới như thể hiện qua các chiến dịch ở Sumy, nơi họ cải thiện vị trí chiến thuật vào ngày 5/7. Việc phá hủy Patriot, cùng với các mục tiêu như HIMARS và Neptune, là một phần trong nỗ lực làm suy yếu hạ tầng quân sự Ukraine, hạn chế khả năng kháng cự của họ trước các cuộc tấn công từ trên không.
Cuộc tấn công vào hệ thống Patriot ngày 5/7 cho thấy sự tinh vi trong chiến thuật của Nga, từ trinh sát chính xác, sử dụng tên lửa chống bức xạ đến phối hợp hỏa lực áp đảo. Bằng cách khai thác điểm yếu của radar AN/MPQ-65, Nga không chỉ làm suy yếu lưới phòng không Ukraine mà còn gửi thông điệp mạnh mẽ đến phương Tây về khả năng đối phó với công nghệ tiên tiến.
Trong bối cảnh viện trợ phương Tây chững lại, những tổn thất này đặt Ukraine vào thế khó, đồng thời làm dấy lên tranh luận về hiệu quả và chi phí của hỗ trợ quân sự. Cuộc chiến giành ưu thế trên không vẫn là yếu tố quyết định và chiến thuật áp chế phòng không đa tầng của Nga đang đặt ra thách thức lớn cho tương lai xung đột.
(Dân trí) - Cuộc tấn công vào hệ thống Patriot ngày 5/7 cho thấy sự tinh vi trong chiến thuật của Nga, từ trinh sát chính xác, sử dụng tên lửa chống bức xạ đến phối hợp hỏa lực áp đảo.
dantri.com.vn