Visa UK và Schengen khác gì nhau ? Nên nộp loại nào trước ?
Độ khó của visa UK, Schengen là xấp xỉ nhau, và cũng xấp xỉ bằng visa Mỹ, Canada, nên không phải tự dưng mà người có 4 (hoặc đôi khi là 3, không gồm Canada) visa này thường được miễn visa hoặc có thể xin e-visa vào một số nước (Ireland, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Saudi Arabia, Mexico…). Tuy nhiên yêu cầu với mỗi loại visa có khác nhau đôi chút, và có người sẽ phù hợp hơn với UK hơn là Schengen hoặc ngược lại. Đương nhiên có những hồ sơ quá mạnh, thuộc dạng nộp visa nào cũng được cấp, thì không nói làm gì, nhưng ở đây em muốn nói đến những trường hợp thuộc dạng khá, có thể được chấm điểm cao với visa Schengen nhưng lại thấp với visa UK hoặc ngược lại, khi đó cụ mợ nên tính toán một chút xem nên xin visa nào trước, vì nếu có visa Schengen sẽ là điểm cộng lớn để được cấp visa UK hoặc ngược lại.
Đi vào chi tiết nhé, visa Schengen có mấy điểm khác biệt so với UK như sau:
Đòi hỏi nhiều hồ sơ hơn, vì tuy cùng là visa Schengen nhưng lại do rất nhiều nước cấp, mà mỗi nước lại có thể có cách tiếp cận khác nhau chút, để thỏa mãn tiêu chí của tất cả các nước thì cách dễ nhất là yêu cầu một bộ hồ sơ gần như full chân dung người nộp. Nhìn chung hồ sơ visa Schengen với người “mới” (chưa có visa Schengen trong vòng 5 năm gần nhất) luôn có xác nhận công việc + bảo hiểm du lịch + đơn xin nghỉ phép + xác nhận địa chỉ cư trú + sao kê tài khoản ngân hàng + lịch trình + vé máy bay (chỉ cần booking), thậm chí một số nước còn đòi luôn sổ bảo hiểm xã hội, là những thứ mà UK có thể không yêu cầu.
Kênh online gần như không có tác dụng gì lắm, như Pháp, Đức thì cũng chỉ là nơi để khai báo thông tin và điền đơn online, như Ý theo em biết là còn chẳng điền được đơn online mà phải điền đơn giấy. Dù thế nào thì visa Schengen cũng được xét duyệt dựa trên hồ sơ giấy, công ty dịch vụ (TLS/VFS) sẽ chuyển đống hồ sơ giấy đó đến cơ quan lãnh sự của ĐSQ và lãnh sự sẽ nhìn vào hồ sơ giấy để xét. Còn UK thì hồ sơ sẽ được tải lên kênh online và người phê duyệt không ngồi ở Việt Nam, người nộp đơn không cần mang hồ sơ giấy đến VFS (chỉ làm biometrics thôi).
Visa Schengen ít quan tâm đến lịch sử du lịch hơn UK, chỉ có một câu hỏi về lịch sử du lịch là “bạn đã từng có visa Schengen trong vòng 5 năm gần nhất chưa”. Để so sánh, UK hỏi “bạn đã từng đến UK, US, Canada, Australia, New Zealand và Schengen trong vòng 10 năm gần nhất chưa ? nếu có thì là bao nhiêu lần ? ngoài ra bạn còn đi những nước nào nữa ?”.
Visa Schengen không có lựa chọn cho xin multiple hoặc dài hạn (1 năm, 3 năm) ngay từ lần đầu, UK thì có (2 năm, 5 năm, 10 năm).
Với những khác biệt như vậy thì mức độ khó/dễ trong xét duyệt visa UK và Schengen cũng có những chênh lệch nhất định. Nhìn chung, theo em đánh giá, Schengen xét có phần “công thức” hơn, tức cứ đủ đầu hồ sơ theo yêu cầu là đã được một điểm cộng đáng kể, trong khi mức độ quan tâm đến chất lượng/độ tin cậy của hồ sơ có vẻ không bằng UK, ví dụ Schengen sẽ ít xét nét đến các dòng trong sao kê tài khoản ngân hàng hơn, trong đơn xin visa Schengen cũng không cần đề cập đến chi tiêu hàng tháng ở Việt Nam và chi tiêu dự kiến trong cả chuyến đi ở châu Âu (UK thì có). Nếu giữa các thông tin trong hồ sơ có độ lệch nhất định (ví dụ ở Việt Nam chi tiêu rất ít nhưng sang châu Âu lại tiêu rất nhiều) thì sẽ dễ bị UK đặt câu hỏi hơn. UK thường yêu cầu ít hồ sơ hơn Schengen, nhưng lại xét kỹ từng tài liệu hơn và cho phép người nộp hồ sơ tải lên bất kỳ cái gì họ muốn (ngoài những gì được yêu cầu), kể cả những tài liệu như ảnh chụp đi du lịch các nơi, ảnh nhận giải thưởng, bằng cấp…. Đương nhiên Schengen cũng cho phép trình bày những điểm này, nhưng UK sẽ chủ động hỏi ít nhất 2 lần là “bạn có muốn trình bày thêm điều gì mà chưa được thể hiện trong form câu hỏi hoặc có thể giúp ích cho hồ sơ của bạn không?”, còn Schengen không hỏi, nếu người nộp muốn trình bày thì tự đưa vào thôi.
Nói cách khác, Schengen có phần nghiêng về câu hỏi “xã hội đánh giá bạn như thế nào” (thông qua công việc, bảo hiểm xã hội…) còn UK có phần nghiêng về câu hỏi “bạn là ai” (thông qua chi tiêu cá nhân, lịch sử du lịch).
Chính vì nghiêng về câu hỏi “bạn là ai” nên những cụ mợ năng động về mặt cá nhân như làm freelancer, tự đầu tư, có tài sản lớn, đi du lịch nhiều…. sẽ có lợi thế hơn khi xin visa UK, ngược lại những trường hợp được đánh giá cao về mặt xã hội như có công việc tốt, ổn định, thu nhập cao… sẽ có lợi thế hơn khi xin visa Schengen. Nếu có điểm mạnh trong mắt UK thì nên xin UK trước, khi đã có visa UK rồi thì xin tiếp Schengen sau (visa UK sẽ giúp bù đắp cho những điểm chưa mạnh trong mắt Schengen) và ngược lại. Tuy nhiên cũng cần lưu ý về thời hạn có thể xin visa và thời hạn visa/thời hạn cư trú như sau:
Schengen được nộp 6 tháng trước khi đi, nhưng thời hạn visa thường ngắn hơn (30-40 ngày với lần đầu) và thời hạn cư trú còn ngắn hơn nữa (thường 20-30 ngày).
UK chỉ được nộp 3 tháng trước khi đi, nhưng thời hạn visa lại dài hơn (ít nhất 6 tháng) và thời hạn cư trú cũng thường là 6 tháng.
Phần tiếp theo: Visa shopping là gì ?