Đứng nhô trên tháp pháo, 2 tay bám vào nắp che thì hoàn toàn có thể rơi ra ngoài được. Cẩn thận người ta có thể chỉ hé mắt lên khỏi nắp che, nhưng tầm quan sát bị giới hạn, còn nhô lên hẳn như vậy thì không còn chỉ mỗi nửa người.
Ảnh được coi là của cái xe 390, chắc cái ông lính ngồi tháp pháo là chỉ huy xe, chắc chắn là lính tăng vì đội mũ của lính tăng. Trong 5 ông thì chỉ còn thêm ông bắn 12ly7 được nhô lên như vậy, nhưng xe này không mang 12ly7, nên không phải ông ấy!
Do cầu Sông Buông trên Đường 15 (Quốc lộ 51 bây giờ) bị phá sập nên Quân đoàn 2 (hướng Đông Nam) phải dừng lại khắc phục mất mấy ngày. Trong thời gian đó lực lượng đặc công và biệt động bung ra kịch chiến với quân VNCH đến tận sáng 30/4 mặc dù thua thiệt về vũ khí hạng nặng (đặc công thì chỉ có AK, B40, lựu đạn) đánh nhau với thiết giáp, trực thăng của địch để giữ các cây cầu Tân Cảng, Rạch Chiếc nếu bị địch phá nữa thì lại mất thêm thời gian khắc phục. Vì vậy đặc công và biệt động hy sinh nhiều.
Sau khi khắc phục xong cầu Sông Buông, xe pháo của mũi thọc sâu Quân đoàn 2 tiến theo Đường 15, lữ tăng 203 đi đầu. Khi gần đến ngã ba Vũng Tàu, Trung đoàn đặc công 116 đang đóng ở chỗ Nhà thờ tin lành Bến Gỗ bây giờ tưởng là địch rút chạy, bắn ra quả B41 may không trúng xe tăng, sau đó phát hiện ra xe tăng treo cờ Giải phóng, liền bắt liên lạc. Lính bộ binh của Trung đoàn 66 lúc ấy chưa theo kịp nên Lữ đoàn 203 bốc luôn mấy ông đặc công lên xe để “tùng thiết” vì các bác đặc công biết đường Sài Gòn, do đó mới có câu chuyện người đại đội trưởng đặc công 116 cùng quê Thái Bình với bác Bùi Quang Thận, cùng ngồi trên chiếc 843 vào dinh Độc Lập… Xem các hình ảnh ở dinh Độc Lập sẽ thấy các bác đặc công này mặc áo Giải phóng nhưng quần xà lỏn, tay vác B41 lựu đạn đeo đầy người, chẳng mũ nón gì…
Bác Ngô Văn Nhỡ hy sinh trong trường hợp leo ra khỏi xe tăng để trao đổi với các bác đặc công thì bị địch bắn tỉa. Bác Nhỡ đi đầu trong đội hình Đại đội 5 tiểu đoàn 1 lữ 203. Đại đội này đến cầu Sài Gòn thì đánh nhau với thiết giáp VNCH rồi bị thiệt hại nặng, lính đặc công “tùng thiết” cũng hy sinh nhiều vì không quen phối hợp với xe tăng. Bởi vậy Đại đội 4 của bác Thận sau đó đi đầu sau khi họp Chi uỷ Đại đội - Nghĩa là các bác lính tăng vẫn chui ra chui vào xe tăng bình thường kể cả trong lúc đang đánh nhau vì tình huống buộc phải chui ra…
Có câu chuyện khác, trong chiến tranh biên giới Tây Nam, đơn vị bộ binh cũng “tùng thiết” xe tăng T54, gặp cái chốt địch trên tháp nước nó có khẩu 12ly7 bắn rát lính bộ binh không ngóc đầu được, bác chỉ huy bộ binh quay ngược khẩu K54 lấy báng súng gõ ầm ầm vào tháp pháo xe tăng, trưởng xe chui ra hỏi, bác ấy chỉ tay vào tháp nước, trưởng xe gật gật chui lại vào xe tăng và với 2 phát pháo 100mm cái tháp nước ấy tan tành.