Cam Ranh: Món quà hay cái giá của vũ khí sát thương?
Defense - Update mới đây đăng tải một bài viết của tác gải Richard Dudley đánh giá về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.
Nội dung bài viết tập trung chủ yếu vào hy vọng của Mỹ về việc Việt Nam mở cửa cảng Cam Ranh cho các tàu quân sự cũng như những "e ngại" của Việt Nam về vấn đề này. Bài viết có tiêu đề: "Vịnh Cam Ranh là món quà hay cái giá của vũ khí sát thương?".
Dưới đây là nội dung bài viết.
Chỉ một ngày sau khi bài phát biểu tại Hội nghị an ninh quốc tế Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có mặt và đứng trên boong tàu USNS Richard E, Byrd (T-KAE-4), một tàu vận tải của Hải quân Mỹ và nhìn ra Vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Ông Panetta là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Mỹ thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam kể từ sau năm 1975.
Trong chuyến công du Thái Bình Dương trong 8 ngày, ông Panetta đã đến Việt Nam thảo luận với các lãnh đạo ở đây và giải thích kế hoạch củng cố sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực và mở rộng mối quan hệ hợp tác quân sự, ngoại giao với Việt Nam.
Bộ trưởng Panetta thể hiện cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải thông qua các tuyến đường biển trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.
Kế hoạch của chính quyền Obama là tổ chức lại các lực lượng vũ trang ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, gồm những nỗ lực hỗ trợ các quốc gia trong cả hai khu vực này tăng cường khả năng quân sự để đảm bảo khả năng tự bảo vệ mình. Từ trên boog tàu USNS Byrd, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta tuyên bố: "Điều này là rất quan trọng mà chúng tôi có thể làm để bảo vệ tự do hàng hải cho tất cả các quốc gia ở Biển Đông và những nơi khác".
Dù ông Panetta không hề đề cập đến Trung Quốc khi ở Cam Ranh, nhưng chuyến thăm Việt Nam của ông hẳn sẽ là một tín hiệu gửi tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc về lợi ích của Mỹ ở Biển Đông.
Việc gia tăng sức manh quân sự và điệu bộ hung hăng của Trung Quốc đã làm dấy lên những mối lo ngại cho cả Mỹ và Việt Nam. Trong đó, Trung quốc đại diện cho mối đe dọa nghiêm trọng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Quan hệ giữa Việt - Mỹ đã trải qua một ngã rẽ bất ngờ trong 2 năm qua, trong đó, vẫn còn một số vấn đề nhạy cảm có khả năng chậm tiến triển hợp tác giữa 2 cựu thù.
Theo một số nguồn tin giấu tên, các nhà lãnh đạo Việt Nam dù chào đón sự gia tăng hiện diện của Hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương, nhưng cũng luôn "in dấu" bên trong e ngại dai dẳng rằng, Mỹ có thể cố gắng can thiệp vào các vấn đề trong nước hoặc có thể cố gắng định hình các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam theo cách thức không phù hợp với chính sách của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng bắt buộc phải xem xét khả năng cải thiện mối quan hệ Việt - Mỹ quá nhanh có thể dẫn đến một phản ứng không mong muốn từ Trung Quốc.
Mỹ và Việt Nam đã đồng ý bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây 17 năm, và cuối năm 2010, hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) cam kết hợp tác trong các vấn đề quốc phòng, gồm các hoạt động tìm kiếm nhân đạo, hoạt động cứu hộ và an ninh hàng hải.
Giờ đây, Mỹ tiếp tục mong muốn mở rộng việc hợp tác cần thiết cho các phương tiện thích hợp để tổ chức một sự gia tăng hiện diện quân sự Mỹ chở nên quan trọng hơn.
Mỹ sẽ không thiết lập căn cứ thường trực để hỗ trợ bổ sung các lực lượng, do đó không chỉ làm giảm nguy cơ các căn cứ cố định bị tấn công mà còn giảm được sự phản đối của các chính trị gia trong khu vực.
Hiện nay, các tàu chiến Mỹ chưa có quyền vào Quân cảng Cam Ranh, trong khi các tàu khác của họ đã tận dụng được lợi thế của những điều kiện thuận lợi trong vịnh.
USNS Byrd là một trong những tàu của Hải quân Mỹ với đội ngũ phục vụ chủ yếu là dân sự, đã được Việt Nam cho phép vào Vịnh Cam Ranh và cảng Đà Nẵng. Từ năm 2003, đã có hơn 20 tàu của Hải quân Mỹ thăm các cảng Việt Nam, trong đó phần nhiều là các tàu dân sự.
Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Vịnh Cam Ranh được Hải quân Mỹ sử dụng như một cảng nước sâu. Dù ông Panetta không thẳng thắn đề cập tới việc mong muốn được sử dụng cảng, nhưng rõ ràng, chuyến thăm của ông nhằm mục đích chính là thuyết phục giới lãnh đạo Việt Nam mở của vịnh để cho các tàu chiến Mỹ được vào bên trong.
Bộ trưởng Panetta nói rằng, Mỹ hy vọng "làm việc với các đối tác của chúng tôi như Việt Nam để có thể sử dụng bến cảng như thế này khi chúng tôi di chuyển tàu chiến từ các cảng bên bờ biển phía Tây tới các cơ sở trên Thái Bình Dương". Ông cũng đã đi thẳng vào vấn đề, việc cho phép các tàu chiến Mỹ vào Vịnh Cam Ranh "là chìa khóa quan trọng của mối quan hệ này (với Việt Nam) và chúng ta thấy một tiềm năng to lớn cho tương lai".
Với việc Việc Nam phát triển Vịnh Cam Ranh thành một cảng thương mại quốc tế, Mỹ hy vọng thuyết phục được các nhà lãnh đạo Việt Nam cho phép quân đội của họ được tiếp cận cảng, và sẽ thúc đẩy lợi nhuận về mặt kinh tế. Trong thời điểm, cảng Cam Ranh của Việt Nam sẽ đóng góp vào thành công trong kế hoạch tăng cường hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Trong một cuộc họp báo với Bộ trưởng Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh kêu gọi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Bộ trưởng Thanh nói rằng, việc gỡ bỏ lệnh cấm "sẽ giúp huy động đầy đủ các mối quan hệ giữa hai nước". Trong khi đó, ông Panetta nói trong chuyến thăm Việt Nam rằng "sẽ làm bất cứ điều gì để có thể tăng cường mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước".
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói rằng, một khi lệnh cấm bán vũ khí sát thương được gỡ bỏ, Việt Nam muốn mua một số thiết bị quân sự của Mỹ để sửa chữa và tân trang vũ khí mà Việt Nam đã thu được sau cuộc chiến năm 1975.
Bộ trưởng Thanh nói thêm, Việt Nam quan tâm đến việc mua "một số loại vũ khí nhất định phục vụ cho quá trình hiện đại hóa quân đội". Tuy nhiên, bất kỳ quyết định nào để mua thêm vũ khí sẽ còn tùy thuộc vào nhu cầu riêng và những ràng buộc tài chính.
Theo Phạm Thái (Defense - Update/Đất Việt Online)