Thấy bài viết trên fb của Đại sứ TS Hoàng Anh Tuấn, cụ ý liên hệ với chính quyền Mỹ, em thì mong chúng ta có một người như giáo sư Javier Milei, Nhà nước can thiệp ít thôi, tạo môi trường kinh doanh công bằng thì DN nó tự chạy.
Tại sao mô hình "vượt cạn" cải cách kinh tế thành công tại Argentina lại không thể áp dụng tại Mỹ, dù Elon Musk hết lời ca ngợi TT Argentina Javier Milei?
[MÔ HÌNH MILEI VÀ GIỚI HẠN KHÔNG THỂ VƯỢT QUA CỦA CHÍNH TRỊ MỸ]
Argentina đang trở thành hiện tượng toàn cầu, một điểm sáng nổi bật trên bản đồ kinh tế thế giới nhờ bàn tay “phù thủy” của Javier Milei – Giáo sư kinh tế theo trường phái tự do tuyệt đối (libertarian), người tin rằng vai trò và sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế cần được giảm thiểu đến mức tối đa. Với chính sách “cưa máy” tài khóa táo bạo, Milei đã đảo chiều suy thoái, đưa Argentina tăng trưởng 7,7% trong tháng 4/2025 – một kết quả khiến cả thế giới sửng sốt. Elon Musk và giới kinh tế thị trường tự do ca ngợi ông như một nhà cách mạng. Nhưng chính sách mà Musk gọi là “cú sốc tự do cần thiết” ấy, nếu áp dụng tại Mỹ, không những không hiệu quả mà còn là hành động tự sát về mặt chính trị ở Washington DC. Vì sao vậy? Bài viết dưới đây sẽ lý giải điều đó.
ARGENTINA KHÔNG CÒN LỰA CHỌN NÀO KHÁC
Tính đến năm 2023, Argentina rơi vào vòng xoáy siêu lạm phát 211%, đồng peso mất 90% giá trị trong vòng 5 năm, dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, nợ công chiếm hơn 85% GDP và không còn tiếp cận được thị trường vốn quốc tế. IMF, WB, và các thể chế tài chính toàn cầu từ lâu đã áp đặt cho Argentina mô hình “austerity” – thắt lưng buộc bụng – vốn là điều kiện bắt buộc để nhận các gói cứu trợ.
Khi GS Milei lên nắm quyền, Argentina không còn đường lùi. Ông thẳng tay cắt 50% ngân sách nhà nước, sa thải hàng chục ngàn viên chức ăn lương ngân sách, xóa bỏ hàng trăm cơ quan công vụ, từ chối đàm phán tập thể với nghiệp đoàn, thậm chí tuyên bố: “Nhà nước là tổ chức tội phạm” và “Thuế là trộm cắp”. Trong 6 tháng đầu năm 2025, GDP tăng 5,8%, đầu tư tăng 31,8%, tín dụng thế chấp tăng 822%. TT Milei có thể làm được vì xã hội Argentina đã chạm đáy – không còn niềm tin vào nhà nước lẫn chính trị truyền thống.
MỸ VẪN ĐANG “THOẢI MÁI TRONG NỢ”
Trái ngược với Argentina, nước Mỹ vẫn đang vận hành trong trạng thái “nợ bền vững”. Nợ công Mỹ hiện tại khoảng 34.500 tỷ USD, tương đương 122% GDP, tức cao hơn nhiều so với 85% GDP của Argentina – nhưng được thị trường tín dụng toàn cầu chấp nhận nhờ đồng USD là tiền tệ dự trữ quốc tế. Ngay cả khi chính quyền Tổng thống Trump 2.0 thúc đẩy dự luật One Big Beautiful Bill (OBB) – với mức tăng thâm hụt 3.300 tỷ USD trong 10 năm – trái phiếu Mỹ vẫn được mua đều đặn.
Mỹ chưa bị thị trường tài chính trừng phạt. Ngân sách quốc phòng vẫn tăng, chính sách trợ cấp vẫn dồi dào, các bang vẫn tiếp tục phân phối Medicaid, SNAP… Chính quyền vẫn có dư địa để “đánh cược” vào tăng trưởng, như cách OBB cam kết đưa GDP từ 28.000 tỷ USD lên gần 36.000 tỷ USD vào năm 2035. TT Milei không có lựa chọn đó – Mỹ thì có.
CHÍNH TRỊ MỸ KHÔNG CHỊU ĐƯỢC “LIỆU PHÁP SỐC”
Điều khiến mô hình Milei không thể xuất hiện ở Mỹ là cấu trúc chính trị và cử tri. Khi Tổng thống Trump thúc đẩy OBB với nhiều điều khoản hạn chế an sinh (điều kiện làm việc bắt buộc khi nhận Medicaid/SNAP, cắt chi các bang có sai sót cao), phản ứng từ xã hội dân sự và truyền thông Mỹ lập tức bùng lên. Ngay cả ba Thượng nghị sĩ Cộng hòa – Rand Paul, Susan Collins, Thom Tillis – cũng phản đối.
Nếu một tổng thống Mỹ tuyên bố: “Thuế là trộm cắp” và xóa bỏ hàng trăm cơ quan công quyền như Milei, không những không thể tái đắc cử, mà còn có thể bị Quốc hội luận tội ngay lập tức. Mạng lưới lợi ích tại Mỹ đan xen chẳng chịt và rất dày đặc – từ các hội đoàn giáo viên, nghiệp đoàn y tế, ngành công nghiệp dược, công đoàn xây dựng, các bang xanh – đều có sức cản lớn với bất kỳ nỗ lực giảm vai trò "Nhà nước phúc lợi”, tức "cỗ máy vắt sữa miễn phí". Milei làm được vì Argentina trên bờ vực sụp đổ. Mỹ chưa sụp đổ, nên hệ thống chính trị, tài chính và người dân chưa sẵn sàng.
TT MILEI ĐƯỢC NGOẠI LỰC CHO PHÉP, MỸ THÌ NGƯỢC LẠI
IMF, WB, và các định chế tài chính phương Tây nhiều lần chỉ trích chi tiêu công của các nước đang phát triển, thúc đẩy “cải cách cấu trúc” như điều kiện giải ngân. Argentina buộc phải nghe theo nếu không muốn vỡ nợ và nhận được tiền"giải cứu". TT Milei được chính các thể chế này ủng hộ vì ông áp dụng đúng mô hình mà họ cổ xúy.
Tuy nhiên, các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp hay Đức không bao giờ áp dụng chính sách tương tự với chính mình. Sau đại dịch COVID-19, Mỹ chi đến 5.700 tỷ USD để kích thích kinh tế, Anh mở rộng ngân sách y tế quốc gia thêm 180 tỷ bảng, Pháp tăng lương hưu và trợ cấp năng lượng. Chính các nước giàu đang làm điều ngược lại với những gì họ ép Argentina và các nước đang phát triển gặp khủng hoảng thực hiện.
ELON MUSK CA NGỢI NHƯNG KHÔNG ÁP DỤNG
Elon Musk tuyên bố TT Milei “đang làm những điều tuyệt vời cho tự do kinh tế”, nhưng đồng thời lại phản đối mạnh mẽ OBB – một dự luật mới tại Mỹ mang hơi hướng “giảm chi – giảm thu”. Musk cảnh báo nếu OBB làm nợ công Mỹ vượt 40.000 tỷ USD thì chính hệ thống tài chính Mỹ sẽ tự hủy. Nhưng ông cũng không cổ súy cho mô hình cắt sâu phúc lợi xã hội kiểu Milei vì hiểu rằng: tại Mỹ, điều đó đồng nghĩa với sự sụp đổ về mặt chính trị.
OBB là một canh bạc dựa vào tăng trưởng, không phải một liệu pháp sốc. TT Milei chiến thắng nhờ làm thật nhanh và thật đau – trong khi TT Trump buộc phải tính toán từng lá phiếu tại Hạ viện và Thượng viện, từng dòng ngân sách cho các bang dao động. Sự khác biệt về cấu trúc chính trị và niềm tin vào nhà nước khiến cùng một chính sách sẽ có kết quả trái ngược nhau ở hai nơi.
KẾT LUẬN
TT Milei thành công vì Argentina đứng bên bờ vực sụp đổ. Mỹ thất bại nếu đi theo con đường tương tự khi chưa đến ngưỡng khủng hoảng. Dẫu được Elon Musk khen ngợi, chính sách "cưa máy" tài khóa ở Argentina là bất khả thi về mặt chính trị tại Mỹ – nơi mà cắt trợ cấp 1 đô cũng có thể khiến mất phiếu bầu. Cái được của TT Milei là hy vọng mới cho Argentina. Nhưng nếu Mỹ học theo, cái mất có thể là sự ổn định chính trị – nền tảng cho siêu cường số một thế giới./.