[Funland] Cùng đọc và suy ngẫm - Những câu chuyện đầy ý nghĩa !!!

benQcar

Xe đạp
Biển số
OF-1295
Ngày cấp bằng
14/8/06
Số km
12
Động cơ
574,455 Mã lực
Tuổi
68
Em xin gửi vào đây một trong những cái em cho là đáng đọc nhất của năm 2006. Tất nhiên em nghĩ là nhiều bác đã đọc được nó trên một diễn đàn khác : SV.
Tuy vậy nếu chỉ để giới thiệu và đặt nó ở đó thì phí quá.Em mạo muội gửỉ ở đây để cùng chia sẻ với các bác.
Em cũng xin lưu ý rằng trước khi em gửi lên đây, em đã được sự đồng ý của chính tác giả. Nên các bác có đọc được ở đây và tham gia cả bên SV không nên thắc mắc về chuyện bản quyền để tránh hiểu lầm, xích mích. Ngoài ra chính tác giả cũng sử dụng nick của em được để sửa chữa hay xoá nếu thấy cần thiết.
Một số chi tiết về tên các nick trên diễn đàn SV cũng được thay đổi nhỏ theo sự đồng ý của tác giả.



Vu vơ

Tác giả: U-thoi-em-ve


Sáng đến văn phòng sớm, mới 8 giờ nên chả thấy ma nào cả. Mấy hôm “bận”, xin phép vợ sang phòng nhóc con ngủ vì sợ “làm muộn, vào lại làm 2 mẹ con thức giấc”. Những lúc “bận” thế này mới biết mấy ông bạn tài. Hình như các ông này có thời gian làm phân phối cho Ê-Ni-Chai-Dơ :) thì phải nên dắt túi được ít chiêu???

• 10 giờ có hẹn với khách hàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn ABC made in Trọc Phú chính hiệu. Ấy là diễn Nôm ra thế chứ trên Cạc-đờ-vi-dít thì ngài là President of the Board of Management & General Director. Chắc bố làm to, hoặc vợ tuy già nhưng khoản hồi môn cũng khá nên ngài được thơm lây chứ trình của ngài cao hơn gián vài xăng-ti-mét dù luôn miệng nổ “tái cơ cấu vốn, chiết khấu chứng từ hàng xuất, bảo lãnh thầu, dịch vụ nhờ thu” thì trừ phi trúng số độc đắc ngài mới có tiền (nhiều) mức ấy. Thôi bỏ qua, cái chính là em thư ký xách cặp cho ngài sao mà “hot” thế: mặt sáng long lanh, dong dỏng cao đủ tiêu chuẩn thi hoa hậu của anh Dương Kỳ Nam; tóc vấn cao kiểu Nam phương Hoàng hậu lộ gáy vương vất mấy sợi tóc mai, váy hai dây hở trọn bờ vai tròn, trắng trong ngọc bích; chân váy hơi hơi ngắn, điểm một nhát xẻ táo báo chừng 20cm đủ khiêu khích gã đàn ông có tiếng “người cha mẫu mực, ông chồng chu đáo”. Mẹ kiếp, không biết em đã làm bao thằng trong-trắng-sinh-viên (như anh gần hai chục năm về trước) ôm guitar-bập bùng-tự sự-Châm lửa điếu thuốc cuối cùng-Xập xòa-Kỷ niệm-Đêm Kinh Kỳ thuở ấy-xanh lơ ...

• Cũng chẳng hiểu tại sao gã-đàn-ông tự tin là mình từng trải lại dễ bị xiêu lòng trước những cô gái tóc đủ dài, bới trần lộ gáy, cao một chút, giọng thẽ thọt thêm một chút. Xiêu lòng thôi, có nghĩa là sẽ giúp-đỡ-ở-mức-cao-nhất trong khả năng có thể chứ tuyệt không có vụ à ơi hay bị lạm dụng ở đây. Tự bào chữa: con người chứ có phải gỗ đá gì đâu, thằng nào thấy cái đẹp mà không nghiêng ngả thì hoặc là dở hơi, hoặc là cái-chức-năng-đàn-ông có vấn đề, nói toẹt ra là YẾU.

• Lại nói về em-thư-ký-trẻ-trung cho ngài Chủ tịt kiêm gì gì đó (Lạy Chúa lòng lành vô cùng xin ngài đừng cho kẻ khô đạo kia chức vụ kiêm bồ già hay đại loại tương tự nó). Em đẹp-mọi người công nhận cả. Chẳng thế mà khi em đi ngang sảnh chờ vào phòng họp, văn phòng gã-đàn-ông này dù đã có tiếng là MỘT RỪNG HÔNG (nhưng với riêng gã thì cái rừng hồng ấy không nụ, không hoa, toàn gai, lác đác vài cái lá răng cưa – con thầy, vợ bạn, gái cơ quan; ba nhóm khách hàng này là phải cấm tuyệt đối không giao dịch!!!!) nếu tinh ý chắc đã kịp nhận chừng gần chục ánh mắt quét dọc ngang và chừng đó lời bình phẩm xuýt xoa pha không ít phần ghen tỵ. Đúng là cái giống đàn bà, thấy người khác trẻ hơn mình, hấp dẫn hơn mình là nhất nhất phải soi cho được lỗi để mà dè bỉu.

• A-rê-ka, cái lỗi ấy đây rồi: giọng nói. Lớn lên ở miền-gái-đẹp cách Hà nội chừng 100Km về hướng biển, lên Hà nội học Đại học ít năm rồi ở lại tổng chừng chưa quá 6 năm nên oanh vàng vẫn còn “chua và hơi thô, mà nhà văn Nguyễn Công Hoan bảo là tại nguồn nước”. Thì vẫn biết ngọc còn có vết nữa là, nhưng mà vẫn tiếc. Chẳng sao, nghe qua tiếng ăng-lê trong khi họp mà; gã chỉ nhận ra khi trong bữa trưa, bộ ba em-trọc phú Chủ tịt và gã ăn trưa, thực hành giáo huấn của cố Thủ tướng PVĐ “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, và khi về lại văn phòng nghe đám mặc quần một ống kia bàn tán.

• Buổi gặp đầu tiên với ngài Trọc-phú-chủ-tịt kết thúc sau chừng gần 1 tiếng. Dự án của ngài có nhiều, nhưng cần đánh giá lại trước khi cam kết thêm. Hình như ngài cũng bất-chợt-nhận-ra mình hơi thiêu thiếu điều gì so với người đối thoại chắc kém xa ngài chừng gần hai chục tuổi nên “họp xong mời anh ta đi ăn bữa cơm thân mật, tôi quý anh còn trẻ mà hiểu biết nhiều”. Hà nội trưa tháng Tư năm con Gâu gâu nắng như đổ lửa, ra ngoài ăn là cả một cực hình nhưng ngài-chủ-tịt không quen ăn buffet, cứ phải gà qué giò chả, vả lại cũng hơi “nghiêng sườn Đông” vụ em thư ký nên điềm tĩnh nhận lời. “Tôi mời nhưng anh chọn địa điểm, tôi có nhà trên này nhưng nói thật chỗ ăn uống biết ít NẮM, chỗ nào vắng vắng anh em mình bàn thêm ít nữa”, ngài chủ-tịch bộc bạch. Dạ, lĩnh ý ngài, “Emperor 18 Lê Thánh Tông, 12 giờ 15. See you then”

• Gã bị cố tật là đi bộ rất nhanh. Hồi chưa lấy vợ thi thoảng hai đứa thả bộ cuối tuần thì đã-từng-là người-yêu; giờ-không-chắc-còn-yêu-nữa-không nhưng đang-là-vợ chỉ dám đi giày cao ghót+xăng đan cao gót mỗi thứ không quá 1 lần vì đau chân bởi đã-từng-là-người-yêu hổn hển “anh đi chậm thôi nào, anh không thấy em vừa đi vừa chạy à”. Vụ tiễn khách trưa qua cũng thế, tối muộn thấy cái SMS “sao lại có người đi bộ nhanh như anh thế nhỉ?”, hey!!!!

• Một bữa trưa như nhiều bữa trưa vừa ăn vừa bàn công việc khác. Khác chăng hôm nay ngoài 2 em lễ tân áo dài đỏ xinh như mộng của Emperor đón khách dưới sảnh có thêm một bông hoa váy hơi hơi ngắn đến để so-bề-tài-sắc. “Ta NÀM chai rượu nhỉ, tôi nói rất thật NÒNG NÀ tôi khoái anh”. “Dạ xin hẹn anh dịp khác, chiều em có một cái hẹn khác ở văn phòng, vả lại chính sách chỗ em làm là trong giờ không được phép dùng thứ có cồn”. “Ối dào, anh phá cho tôi cái NỆ một hôm; ở đây có Dem-mi không, cho một chai sương mù”. Thôi xong rồi, chiều chắc xin nghỉ vì cảm nắng mất chứ cái HSSE vừa thọc bút ký, giờ chẳng lẽ bảo tôi quên!!!! “Bọn anh lạ nhỉ, ai cũng như anh thì cái ngành công nghiệp rượu bia phá sản mất thôi”, em-thư-ký thẽ thọt, dù volume đã hạ thấp nhưng chất giọng an-tô thì vẫn còn đậm đà như ly Remy Martel trong tay. Có ra ngoài mới biết là con-gái-thế-hệ 8x hội nhập WTO nhanh thật, miệng tán chuyện, tay rót, rồi bót-tầm-ắp có dễ còn hơn cả mấy em tiếp thị Hennessy. Hai ly, không thể hơn được vì phải một công đôi việc- vừa tiếp chuyện ngài chủ-tịt-trọc-phú, vừa nghiêng-nghiêng; bụng nghĩ “rồi sẽ có ngày xem em chăm-phần-chăm được bao lâu”. Hơn một tiếng bữa trưa, choáng vì gia sản của ngài-chủ-tịt-trọc-phú; thú vị vì những thông tin của em-thư-ký chả biết vô tình hay cố ý nói ra. Gợi ý vài chiêu cash managements, cái này là nghề của gã; tặng thêm ít thông tin về mấy chỗ ngài-chủ-tịt muốn tấp tểnh bước vào con đường chính trị. “Tôi nhất định phải mời anh tham gia tư vấn cho tôi. Nhà anh ở đâu nhỉ, tôi biết để anh em mình tiện NIÊN hệ”. Lại phải khoan khoan hò khoan, dục tốc thì bất đạt. “Chắc là anh chưa biết, không phải ai chú ấy cũng cới mở như với anh đâu”, một cái SMS nữa.


• Comvik bắt đầu dự án Mobifone ở mình từ 1994 thì phải, Vinaphone muộn hơn, khoảng giữa năm 1996 với chiêu từ điện thoại cố định gọi đến số 141 để nhắn tin vào máy di động. Gã, cuối năm 1994 bấm bụng mua cái Motorola đâu mất 2 tháng lương, máy không to lắm, nhưng có cái xạc to đùng và 2 cục pin 1 dày một mỏng; phần vì được “bên sử dụng lao động” hỗ trợ tiền cước, phần cũng lấy “le” với cô bạn gái làm tiếp viên bên Air-Vietnam. Tuổi trẻ, hình như ai cũng hơi ngông nghênh một chút. Cái điện thoại hơi to, được tặng thêm bao da đeo dọc thắt lưng nên cứ ra ngoài là cắm ngay vào phần ngang bụng cho oai, thi thoảng “reng reng reng” là vọt ngay ra ngoài cửa nghe – không hẳn là sĩ diện toàn tập đâu, mà là sóng khí kém. Ngông nghênh đâu chừng gần 2 tháng, Tết âm lịch năm con Hợi 1995 gặp ông anh lớn thấy hai bên túi trong áo veston mỗi bên nhét 1 cái, và trên danh thiếp chỉ nhũn nhặn 1 số cố định văn phòng. Thế là TẮT ĐIỆN, động tác đầu tiên sau buổi gặp là xé hết danh thiếp có số handphone, vứt bao da, nhét súng vào túi quần dài. “Trên đời này có 3 thứ em nên giấu: quyền lực, tiền bạc và quan hệ”, ngẫm thấy mình còn quá nhỏ so với các bậc đại gia; thực lòng tri ân anh, anh T.H ạ!!!

• Lại nói về bữa ăn trưa ở 18 Lê Thánh Tông, đang ăn thì vợ gọi nói gọi lại cho cô bạn của cả vợ chồng đang có kế hoạch về Hanoi dịp lễ Phục sinh. Việc riêng, nên phải dùng máy khác gọi. Mình thậm dốt về phần cứng, lại chứng kiến 1 ông bạn kêu trối chết vụ đi ghép 2 số vào 1 SIM thế nào bị chỗ dịch vụ ấy nó nhân ra 1+n số nữa nên cứ mỗi SIM mỗi máy cho nó chắc. Xin lỗi ra ngoài gọi mấy phút rồi quay lại, mất toi hộp sữa cho con rồi, IDD chó gì mà đắt thế. Đang định dịp Phục sinh đưa 2 mẹ con đi nghỉ mấy ngày, nghe điện xong chán luôn vì cô bạn nói đã đặt vé về Hanoi chơi khoảng 1 tuần. Khỉ thật, con bạn này ngày xưa làm trung gian cho mình với vợ, lúc ấy thầm nghĩ ơn giời có nó mới có cơ đựơc nâng khăn sửa túi. Mẹ khỉ, sự thật trần trụi như gà làm sẵn là khăn muốn có phải tự đi mà mua, còn túi thì vài tuần lại bị lục một lần. Cố nhịn, rồi cũng phải làm người đàn ông chân chính một vài lần thì mới lập lại trật tự “xuất giá tòng phu”. Chả có ông nhà văn nào đó đã nói “người đàn ông chân chính là người thi thoảng phải biết đặt tay lên má vợ một cái GỌN, NHANH VÀ CHÍNH XÁC” mà.

“Em xin lỗi, anh có thể cho em xem cái điện thoại của anh được không?”, giọng nói còn vương mùi biển cả thẽ thọt. Mẹ, cũng tinh mắt gớm nhỉ, cái Vodafone này được cái mã chứ sóng kém bỏ xừ, vợ nó chê không dùng nên gã mới có chứ sóng tốt thì còn khuya sư tử nhà anh nó mới nhả ra em nhá. Một nửa giây sơ ý, cái điện thoại tài trợ MU đã nằm gọn sang bên tay trái. Và hình như cũng chỉ mấy giây sau, chỉ kịp thấy mấy cái bấm bấm thì nó đã được trân trọng trả về chính chủ bằng cả hai tay.

• Tửu nhập thì ngôn xuất, các cụ dạy rồi. Chủ-tịch mặt càng uống càng tái dại (vớ phải sâu rượu rồi, không đùa được) hỏi một câu rất sỗ “lương anh tháng đến mấy nghìn”. “Anh/chú/cháu đi đâu đấy?”, “Làm cho nước ngoài như anh/chú/cháu lương chắc cao lắm nhỉ?”, mấy câu cửa miệng này khá là hay gặp hàng ngày. Có thể là quen miệng thôi, nhưng tế nhị và hơi đời tư quá trớn. “Dạ, cũng thường thường thôi anh ạ, culi ấy mà”. “Có đến bốn, năm nghìn không anh? Tôi NÀ cứ thẳng tính, anh em chiến hữu chỗ tôi NẤY vợ NÀ tôi cho một cái nền (nhà). “Dạ, anh thông cảm, lương bổng là chuyện tế nhị, bọn em có quy định chỉ giám đốc nhân sự và Tổng giám đốc là được biết lương của em thôi; vợ em cũng không biết được đâu anh ạ”. “Cái này bọn Tây hơi bị được. Về HP chú bàn với bố mày làm cái này luôn, mày nhớ nói trước với bố mày, cuối tuần chú về bàn thêm H nhớ”. À, té ra không phải thư ký kiểu rởm đời, cũng được đấy em H ạ.

• Cũng đến lúc phải dừng bữa, những cái xiết tay chặt chẽ và những lời hứa rất mạch lạc. Cũng một chút vấn vương khi dừng ngoài cổng, nhưng nhịp tim chỉ vọt lên khoảng gần 200 phát/phút khi V, trước khi mở cửa trước của xe quay đầu lại cười “chắc là anh chẳng nhớ em đã gặp anh rồi đâu nhỉ”.

• Chót cụng ly 2 lần, nên phải ghé sang đường làm cốc chanh leo, ba bốn viên kẹo cay con Tàu Fishermen khử mùi rồi mới dám quay lại văn phòng. May quá, cái hẹn chiều nay chuyển sang sáng hôm sau. Bọn mặc váy ở văn phòng quả lắm chuyện, về muộn tẹo là đứa nọ đùa, con kia trêu. Lột vèo cái áo vứt vào ghế, ra pha cốc G7 đậm đặc 2 lần ngày thường, rồi an toạ dùng cả Gu-gờ, cả Em-En-Ét sớt-ching hết não trái lại thuỳ phải mà chịu không nghĩ ra được “em đã có dịp gặp anh rồi” ở đâu. Bỏ mẹ, hay mình chớm thiểu năng tuần hoàn não rồi không biết; hay là rượu rởm. Mà thôi, người đâu gặp gỡ làm chi; chiều nay phải đưa sư-tử-nhà đi khám răng rồi đây này. Ở trường đã phồng mồm trợn má dạy sinh viên, về nhà thì chưa nói đã cãi nhem nhẻm, hàm nó còn sưng hết lên cho chừa đi ấy chứ.

• 6 giờ chiều, phòng khám răng Liên Thanh phố Cửa Đông hơi hơi vắng. Hẹn trước (mẹ khỉ, biết vắng thế này hẹn làm chó gì, cứ làm vẻ quan trọng-reservation is recommended) nên kệ con sư-tử-chưa-già leo lên tầng 2, mình tót ra quán Cafe bên cạnh ngồi chờ. Y tá xấu thế này, thảo nào các ông vào đây đã sưng răng lại chả thêm món nhăn mặt, rõ chán. Ông nào đi cấp cứu gặp y tá xấu cấp độ này thì có khi bất động luôn là cái chắc. “Tít”, quái sao hôm nay lấy cao răng nhanh thế nhỉ, vừa vào được độ 10 phút đã nhắn tin thế này. “Em ơi tính tiền”, đúng là ngày đen, đến uống cốc nước không xong. Sải dăm bước ra ngoài, chả thấy bóng dáng nàng đâu cả. Mà “súng” này chỉ để liên lạc với gia đình, ai nhắn nhỉ. “Cảm ơn anh về bữa trưa thú vị, hy vọng sẽ có dịp sớm gặp lại anh. H.”; thôi chết tôi rồi!!!!!!!

• Im lặng thì cũng dở, mà chẳng lẽ lại nhắn em ơi đúng số máy nhưng nhầm người thì lại kém, và cứ phải nói thật là hơi tiếc. “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”, gọi lại có vẻ khả dĩ hơn. “Em chào anh, anh đã về nhà chưa ạ? Em mới về đến HP, tranh thủ đi mua sắm ở trên ấy một lúc-con gái mà anh”. Hỏi đùa “shopping thì trên này cũng nhiều chỗ lắm, em đi được đâu?”. “Dạ, em tìm mua vải may áo dài thêu tay ở La Hằng mà không có. Mẫu khác thì em không thích lắm, dưới em cũng có mà. Lúc đậu xe ở 17 Ngô Quyền lại còn bị phạt nữa chứ, may mà mấy bạn bán mỹ phẩm ra xin hộ. Hồi làm ở đấy em hay đi ăn trưa với một bạn bán mỹ phẩm dưới trệt mà anh”.

• Ái chà, áo dài La Hằng, mỹ phẩm Clé de Peau Beauté ... cũng là đội “sành” đây, không biết có “điệu” không thôi. Trong toà nhà 17 Ngô Quyền thì gã biết nhiều, nhưng chịu không thể đoán H. làm ở đâu: Citibank, Vilaf HĐ, PwC, Fujibank, Caltex, Cliford... Thôi cứ thật thà, “anh xin lỗi nhé, anh nghĩ mãi mà không nhớ đã gặp em ở đâu”. Một tiếng cười rất nhẹ, “em cũng đoán thế, senior như anh làm sao lại nhớ đến junior level như bọn em”. “Ối giời, xin-xỏ gì đâu, làm công ăn lương ấy mà. Anh nói thật đấy”. “Vâng, ngay lúc nhìn thấy anh em đã nhận ra ngay, ở mình ít người mặc áo cổ phối như anh lắm”. Bỏ mẹ, kiểu này chiều tối về khéo phải thay hết cổ và măng-sét áo mất thôi. “Em vẫn giữ món quà mua cho anh ở Hong Kong mà không có dịp gửi, bốn năm rồi còn gì. Anh còn hay đi Tokyo nữa không? Chắc không gặp ai nào ngố như em hồi xưa đâu nhỉ?”. À, té ra là em, đúng là quả đất tròn!!!!

• Tháng 8 năm 2002, trên chuyến bay CX..... từ HN đi HK khoảng 11 giờ trưa giờ Hanoi có một anh chàng lên tàu bay muộn. Quái, số ghế của mình là xxA, cạnh cửa sổ mà sao lại có một con ranh nào đang an toạ quay ăng ten ra ngoài, mắt dán qua ô cửa nhỉ. Chả biết Tàu, Tây hay ta, cứ điềm đạm ‘excuse me’ cái đã ; điếc hay sao nhỉ, ‘xin lỗi ‘, lần này thì ăn ngay. Một cái nhìn ngơ ngác từ một gương mặt còn búng ra sữa ‘sao hả anh ?’. Sao với chăng gì, nhầm ghế rồi cô nhóc ạ. ‘Anh nhường cho em ngồi cạnh cửa sổ được không ạ, em chưa đi Hong Kong bao giờ, nghe nói đẹp lắm hả anh’. Đã thế thì còn nói gì, ‘làm anh khó đấy, phải đâu chuyện đùa’, trông cũng tầm tuổi con em gái ở nhà thôi, muốn thì đây nhường.

• Liếc vài cái là biết ngay còn non kinh nghiệm, đi tàu bay mà mặc như đi làm thế này thì khổ thôi em ạ. Váy ngắn thì cựa quậy thế đếch nào được, áo kia mà dựa vào ghế thì quay 3 cái là nhàu như váy ngủ thôi. Hong Kong có thời tiết giống Hanoi mình, tháng 8 nóng chảy mỡ. Nhưng, lại cái chữ nhưng quái ác : trên tàu bay tụi tiếp viên để nhiệt độ thấp lạnh thấy ông nội ; còn ở các văn phòng Hong Kong bốn mùa đều phải áo vest vì tụi nó cũng để điều hoà lạnh như trên tàu bay. Thấy cô nhóc suốt từ lúc lên tàu cứ loay hoay đánh vật với cuốn tạp chí Discovery của bọn Cathay, trang gần cuối hướng dẫn về cái sân bay Chek Lep Kok và ghi ghi chép chép nên buột miệng hỏi ‘em sang HK làm à ?’. ‘Vâng, em sang 1 tuần anh ạ, lần đầu tiên em được đi nước ngoài đấy ! Anh cũng đi H.K ạ, anh đi du lịch hay .... ‘. ‘Khổ, cả đời anh có biết du lịch là gì đâu, HK lại chưa bao giờ đi, anh đi sang Nhật nộp tô em ạ’, mình đùa. Mỗi lần đi Tokyo là một lần khổ, chả biết bao giờ mới có đường bay thẳng Hanoi-Naritsa.

• Khoảng gần tiếng, bà con ta ăn nhẹ xong là thi nhau xin chăn vì lạnh. Cô nhóc ngồi cạnh đen đủi cũng đòi chăn nhưng ‘xin lỗi chị bọn em hết chăn rồi ạ, chúng em sẽ tăng nhiệt độ trong khoang’, em tiếp viên lịch thiệp trả lời một cách vô hồn. Tăng đâu chả thấy, chỉ thấy cô nhóc co người lại, mặt tái nhợt. Thấy tội quá, mình lột cái áo bluson và ấn vào tay : mặc vào đi, đừng ngại, mày cũng bằng tuổi đứa em gái anh thôi, anh không sao đâu. ‘Em cảm ơn ạ’, đúng là trẻ con suốt ngày ạ, dạ.

• Kịch một cái, đã đến HK. Các bác có công nhận đường băng các sân bay Nội bài, Tân sơn nhất, Đà nẵng nhà mình như c... không nhỉ vì trên runway tàu bay chạy như đi trên đường núi ấy, xóc quá là xóc. Chả nói đâu xa, Don Muong của Thái, Changi của Sing hay Chek Lep Kok HK đi cứ êm như ru, giờ nghĩ lại hay ông Pờ-Mu 18 làm chả biết ??? Gate 23 đây rồi, hết tiền mời bà con biến. Chui qua ống lồng, mấy lần thang cuốn thì đến chỗ đón khách transit đi nối chuyến. Líu lo như chim cả đội nhân viên sân bay (mà trông còn xinh hơn tiếp viên Air-Vietnam mình). Thôi anh phải đi tiếp, chúc em ở lại HK vui nhé. ‘Anh ơi chỗ lấy đồ ở đâu ạ, ra lối nào hả anh ?’. Thôi bỏ mẹ rồi, hoá ra là em này chưa đi HK lần nào thật. Phải đợi 2 tiếng mới có tàu bay của Japan Airlines, mà phải đi theo bọn phục vụ mặt đất lên tầng trên theo lối nội bộ chứ ko tự đi được. Khó quá nhỉ, thôi đã chót thì phải chét, xì xồ chìa vé cho em ground service bảo tao đi tiếp, nhưng có con bạn tao nó chưa đi HK bao giờ đi cùng, mày đợi tao ở đây tao chỉ lối ra+chỗ lấy đồ cho nó rồi tao quay lại. Rẽ trái 2 lần, chỉ cho cô nhóc lần sau cứ theo mũi tên Arrival mà đi, đấy kia là mấy cái băng chuyền hành lý, nhìn xem số chuyến bay ở băng chuyền nào thì ra đấy mà lấy đồ ; đi thẳng ra sẽ thấy đám đông lố nhố xếp hàng, xếp hàng vào để nhập cảnh, rồi ra mua cái vé Express trail mà vào, nhớ là cái tàu ấy nó dừng ở 3 nơi, đến nó dừng lần thứ ba, thấy có chữ Central thì xuống... đại loại thế. Vội bỏ mẹ vì sợ con ground service nó ko đợi nữa thì đúng là chết vì gái. ‘Em cảm ơn anh, anh ơi anh làm ở đâu ạ, về HN anh em mình gặp lại nhau anh nhé’. Ghi nhoáy chỗ làm, ‘ơ, em làm ở ngay cạnh văn phòng anh’.

• ‘Ừ, dịp ấy anh sang Tokyo và Osaka 2 tháng, sau đấy văn phòng ở HCMC có một vài thay đổi nên từ Osaka anh về HCMC luôn, làm ở trong đó mấy tháng rồi mới ra lại văn phòng Hà nội. Rồi lại chuyển chỗ làm, em ạ’. ‘Vâng, từ Hong Kong về em mấy lần gọi điện cho anh nhưng các chị ấy nói anh đi chưa về, em cũng về HP cho gần nhà sau khi đi HK vào tháng 10 năm ấy anh ạ. Trước lúc về HP em sang chỗ anh làm nhưng bạn lễ tân nói anh không làm ở văn phòng Hanoi nữa, em xin số di động của anh thì bạn ấy không cho, dặn có nhắn gì lại không. Em có nhắn lại anh về thì gọi cho em, chắc họ quên, hay anh bận quá chẳng kịp nhớ nữa’. ‘Mà thôi, gặp lại anh là tốt rồi, có dịp nào cho em cảm ơn anh được không. À, em hỏi câu này anh không được nói dối đâu nhé : thỉnh thoảng em gọi điện cho anh có ngại gì không ?’.

• Hình như đến lúc này cà phê mới ngấm. Nhớ lại hồi đầu 2003 quay ra Hanoi mấy cô lễ tân đùa ‘mới đi mấy ngày mà có em nào tìm khiếp thế. Hay bỏ của chạy lấy người mà lặn một hơi giờ mới về ?’, đại loại thế. Hồi ấy chia tay cô bạn gái, lý do là vào đến vòng chung khảo thì bị phụ huynh đánh trượt vì lỗi ‘công’ kém quá, hạng E, còn ba cái ‘dung, ngôn, hạnh’ thì nằm hạng khá xuất sắc A- . Lấy vợ có phải cho riêng mình đâu, qua mấy vòng giám khảo. Thế mà ký án chung thân rồi sướng/khổ/buồn/vui mỗi cái thân-chưa-già này chịu, giám khảo tuyên bố xanh rờn : không chịu trách nhiệm liên đới. Buồn mấy phút !!!!!!!!!! Đọc nát mấy quyển coaching performance, rồi negotiation skills mà vẫn phải bó tay: phụ huynh nhất quyết không thay đổi bảng điểm, còn cô bạn thì quả thật không thể một sớm một chiều im-pờ-ru cái mục “công” kia. Nhà con một vế, bố mẹ lo hết cả khi còn đi học. Chưa xong đại học thì đi “làm dâu trên trời”, bay suốt thử hỏi lấy đâu ra thời gian/cơ hội mà “công”. Love-sick mất đến cả nửa năm, rồi cũng nguôi ngoai đi. Hồi ấy, nói trộm miệng, giận phụ huynh lắm; nhưng giờ nghĩ lại thấy người già ít khi chọn lầm người, cám ơn Mum!

• Thì cứ nghĩ là cô bạn cũ liên lạc, nên chẳng quan tâm - con gái có thì, mình là thằng đàn ông, không lo được cho họ thì đừng làm họ khổ thêm. Chẳng hiểu sao cô bạn ấy đến giờ vẫn ở vậy, vẫn thi thoảng qua nhà thăm phụ huynh, rảnh rỗi hai bác cháu đi chùa - thế mới làm mình khó xử, còn phụ huynh thì lại có vẻ quý, huấn luyện bếp núc nồi niêu đâu vào đấy chứ không như dạo trước mỗi lần nhà có khách là một lần cô bạn phải một tay nghe điện thoại, một tay ghi công thức/định lượng/thời gian nấu/rán/kho ninh món ăn ở bếp. Hãi nhất lần hai đứa đi chợ, thực đơn có món bò sốt tiêu đen; thế quái nào cô bạn mua phải thịt trâu già, các bậc cao niên chọc đũa rồi khiếp vì dai và hôi. Cụ bực, khách về rồi bắt mình phải ăn cho kỳ hết, đến mấy tháng sau cứ nhìn món thịt bò là lông chân lông tay dựng đứng!

• ‘Anh nói chuyện với ai mà khiếp thế???? RA ĐÓN’, ‘tít’ một cái tin nhắn. Hẫng như bước hụt cầu thang, đúng là cái của nợ, nói nhiều, già nhanh, sống dai, lâu chết, hết khấu hao lâu rồi mà không thanh lý được. Đời là cái vòng luẩn quẩn, nói bậy hơn thì hôn nhân giống như cái chuồng xí công cộng ngày xưa, sáng sáng thằng ở trong muốn ra, thằng ở ngoài thì xếp hàng dài tấp tểnh vào. ‘Anh gọi lại em sau nhé, giờ anh bận chút việc mất rồi’. ‘Vâng, em chào anh. Anh vẫn nợ em câu trả lời đấy nhé’. Lớn, và có ý hơn nhiều so với 4 năm trước rồi đấy nhỉ.

• ‘Anh biết em đợi bao lâu không, bẩy rưỡi rồi đây này. Sốt hết cả ruột không biết bà tắm cho Nấm chưa, sáng nó kêu con ngứa, có khi mai phải đưa đến chỗ bác Vân khám xem sao’. Vợ với chả con, ‘này cô không nói cho nó tử tế hơn được à? Không có khám xét gì cả, trẻ con phải để cho nó xông pha, cô đi mấy tuần nó ở nhà với tôi có sao đâu. Trời này mà bắt nó tắm nước nóng, sao cô không tắm như nó xem có chịu được không. Bà cho nó ăn rồi, tôi đưa cô sang bà ngoại, ăn xong tối cô nhờ chị Vân đưa về, tôi phải quay lại chỗ ABC có việc’. Mẹ kiếp, cũng may (hay khổ) là có share ở một vài nơi nên hàng tháng đều phải đảo qua, lúc nào chán ở nhà cũng đảo qua cho nó hạ hoả. Nhạc phụ tối nay đâu có mấy con cua biển, gọi lũ con gái, con rể đến ăn. Ông cụ hay ề à rượu bia, ở nhà một mình là bị nhạc mẫu cấm tiệt - mẹ nào con ấy cấm có sai; nhiều lúc ăn uống vui vui mình đá đểu ‘giờ con mới thương ông’. Ấy là còn nhân đạo đấy, thằng anh đồng hao hôm trước sau bốn phát ‘chăm phần chăm’ ở Legend bộc bạch ‘tao vừa đưa ông già (vợ) đi mát-xa, con vợ tao nó láo quá, dám kiểm tra chi tiết cuộc gọi của tao trên mạng. Nó không biết bọn Mobi ấy nhắn ngay vào máy, tao cho mấy phát “tai mũi họng xong” đến rủ ông già (vợ) đi nhảy đầm, chọn cho em long lanh. Cụ sướng âm ỉ.....’ - chả biết bao phần trăm là sự thật, bao phần trăm là bia đen công nghệ Đức cái vụ này.

• Thả đánh oạch một cái xuống Vạn Bảo, chẳng lẽ lại đạp cho một phát bắn ra khỏi cửa thì vô nhân đạo quá. Chả họ chả hàng gì, hàng xóm cũng không, bố mẹ ông nuôi ông mấy chục năm mới được thế này, nhoàng một cái đến tá túc nhà ông. Rõ cái giống ăn nhờ ở đậu, thế mà thi thoảng ông về muộn lại làu bàu ‘sao không đi hẳn đi’. Mẹ, nhà của ông chứ nhà không phải nhà nhà nước nhá, ‘ơ này, đây nói cho đấy biết nếu có người phải ra đi thì người ấy hẳn là đấy nhé’. Dạy luật ở đâu thì dạy, cậu đây cũng tìm hiểu luật hôn nhân chán chê trước khi ký án đấy, trước bạ tên tớ trước khi cậu về nhà tớ cậu nhé. Còn quả vi-la nhà cậu thì tớ xin lỗi, nhà tớ xưa nay không có cái ý niệm chui gầm tủ lạnh, hơ hơ hơ. Cua xe đánh vèo một cái, thấp thoáng thấy cái bóng đã-từng-làm-tim-ta-thấp-thỏm xiêu vẹo đi vào ngõ thấy cũng hơi tội tội nên để đèn xe cho đến lúc vào hẳn nhà gã mới đi. Nói gì thì nói, nhỡ “nhà” ngã ra đấy một cái thì khổ mình trước chứ khổ ai, phỏng các bác?

• Đường đông gớm, dọc Thanh niên cứ là san sát xe máy nối nhau. Chắc màn dạo đầu là ở đây đây, màn sau thế nào chả qua cầu Chương Dương, đi thẳng rẽ trái Quỳnh Anh/Cây Dừa/Thuỳ Dung/Vân Anh/Thanh Bình... hay quay chín mươi độ ra Hoàng Quốc Việt. Nói mấy cái chỗ này là khối ông, kể cả MODs giật mình thon thót, nhỉ? Thanh thiên bạch nhật (đèn cao áp sáng quá) mà ôm ấp hôn hít nhau như chốn không người thế này thảo nào thanh niên bây giờ nó hư sớm. Mà thanh niên đã hư thì lấy đâu ra người già tử tế ??? Mẹ, ngẫm lại mấy thằng Tây nó chửi khéo mình cũng đúng ‘tao chịu ko sao hiểu được ở VN bọn mày đái công khai, còn hôn nhau thì dấm dúi’. Có thằng ở Hanoi lâu hơn thì còn chửi lắt léo đến mức kinh điển ‘tỷ lệ tiểu đường ở VN cao nhất thế giới, ở thành thị lớn hơn nông thôn và có xu hướng ngày càng trẻ hoá’!!! Bó tay với tiếng Việt kiểu này.


• ‘Bọn mình về đến Hanoi chiều thứ Bảy 15/4, chuyến bay VNxxx. Đã chuẩn bị quà cho 2 mẹ con, còn quà của Q thì ông xã chọn. Dự định ở Hanoi mấy ngày, sau đó thì tách tốp. Q take care ông xã hộ, đám phụ nữ bọn này sẽ đi Huế mấy ngày. Cho mượn một cái phòng ngủ, mua nhiều rau rút vào và nếu ra sân bay đón thì rất hoan nghênh.....”. Email của con bạn ngắn ngủn, tuyệt ko có lấy nửa câu hỏi thăm nào cả. Hai vợ chồng nó đi học, rồi định cư luôn ở Pháp. Dạy ở Đại học Pari I, quyết không nhập tịch, chả biết hâm hay yêu nước. Lần nào có người sang cũng léo nhéo: gửi cho tao xin 1 kg giò lụa, ít tép rang, mấy gói ô mai, bò khô, cái bánh chưng, hộp bánh trung thu nhân có lá chanh ... nghĩa là rất Việt nam. Hồi mới sang còn dở hơi “mày mang sang cho tao mấy cây bèo tây, mấy củ gừng để tao trồng cho đỡ nhớ nhà”, ai bảo cứ ở bên kia là sướng??? Lập cập ri-pờ-lai lại, thằng chồng nó thì cạ cứng của mình rồi. Sao không tách tốp ngay từ sân bay cho nó tiện, gã lầm bầm.

• Tiếng là đến văn phòng thứ 1++ nhưng có làm gì đâu, cụt mất hứng là không làm gì được cả. Vừa mới replied vài phút đã thấy con bạn tống lại cái email to lù lù, lệch múi giờ mà, lúc bên mình đang ngủ thì nó thức, lúc mình đang làm thấy ông nội thì nó có khi đang... vật nhau trên đệm cũng nên. Lại lách cách gõ, rõ khổ cái thời anh-tẹc-nét này.

• Màn hình máy tính nhiễu trắng, lại tin nhắn gì đây, đã bảo là tự vác xác về cơ mà! ‘Anh ăn tối chưa ạ? HP nóng kinh khủng. HN thế nào anh? H’. Em ơi HN sau khi em về sắp có bão đến nơi rồi em ạ, ấy là nghĩ thế chứ nhắn lại thì vẫn điềm đạm như thường. ‘Có những việc em muốn được anh cho lời khuyên. Anh vẫn sẵn lòng giúp em như 4 năm về trước chứ?H’. ‘Nếu không quá khả năng cho phép’, tin nhắn bay từ HN xuống HP. ‘Cảm ơn anh. Em thấy anh hơi gầy, anh ăn tối đi, ăn nhiều vào nhé :) Em sẽ gọi lại sau.H’. Hình như có một cái gì đó, mơ hồ thôi, cựa quậy.

• 10 giờ tối, tắt điện, sập cửa, gật đầu chào mấy bác bảo vệ toà nhà ra về. Giờ mới thấy đói, bữa trưa ăn mấy đâu, mà tính ra tiền có khi mỗi phần ăn bằng tiền thức ăn nhà ăn cả tuần có dễ. Cái bà hoạ sỹ Giáng Hương chủ Emperor này chém khách bằng dao phay bốn lưỡi thì phải. Khổ cái ở Hà thành hoa lệ này cũng không có nhiều lựa chọn: San Hô, Nam Phương, Le Tonkin quanh đi quẩn lại dăm ba cái nên chủ tha hồ chém. Ghé quán gần nhà làm bát mì bò + thủ thêm cái bánh mỳ kẹp ruốc rồi đủng đỉnh về. Lại ‘tít’ một cái ‘Anh đang làm gì đấy? Em đang gói lại quà, mai em gửi PCN lên HN cho anh nhé?’. Kiểu này không ổn rồi, nửa đêm mà ‘tít’ thế này thì cái bản năng gốc sau-một-thời-gian-thuần-hoá của sư-tử-cái nổi lên, thêm mấy chiêu nghiệp vụ điều tra nó tìm hiểu ngoại khoá trong trường nữa thì bọn bán gối ôm tha hồ vớ bẫm. Chả gì bằng món thật thà ‘anh đang chơi với cháu nhỏ. À anh chưa kịp nói với em anh lập gia đình rồi nhỉ?’, lại một SMS bay đánh vèo đi. Đứng ngoài sân vờ nói chuyện với thân mẫu đang đi bách bộ một lúc, ý là đợi tin nhắn lại nhưng ko thấy. Thôi cứ tắt pin cho nó chắc, mai xem thế nào tính tiếp.

• Nằm mãi không ngủ được, ‘anh làm gì mà trằn trọc ghê thế? lúc chiều em sai rồi, em xin lỗi’. Nói toạc ra là ‘cựa ghê thế’ cho nó dễ hiểu để để gã điều chỉnh hành vi, lại còn mỹ miều ‘trằn trọc’. Đúng là ‘anh bỏ quá, dân Hà nội bọn anh khách sáo bỏ mẹ’, khá nhiều lần gã nhận được câu nhận xét này trong những chuyến đi xa. ‘Không, chiều uống mấy cốc cà-phê ấy mà, lâu không uống nên khó ngủ quá’. Mẹ-trẻ-ranh lật chăn lẹ làng mở cửa ra ngoài, ừ thì sang phòng nhóc con mà ngủ cho yên chuyện. Đêm nay thử làm cháu ngoan Bác Hồ xem ngày xưa ‘đêm nay Bác mất ngủ, sáng mai Bác ngủ bù....’ nó thế nào. Vớ quyển ‘Nào ta cùng lãng quên’ của Huệ, ‘Rược cúc’ hay quá, nghe đâu cô Huệ này cũng mới ‘về dinh’ dịp đầu năm. Một dạo truyện ngắn về chuyến tranh, hậu chiến ầm ĩ. Giờ thì chuyện gì cũng phải dính tí yêu đương cho nó dễ tiêu thì phải?

• Có tiếng kẹt nhẹ, ra vào chả chịu khép cửa gì cả, gió lùa thế này nhỡ cảm lăn ra thì sao, vợ với chả con. Định đọc nốt trang mới ra đóng lại thì cái từng-là-bóng-hồng đã đứng ngay bên cạnh ‘anh uống nước cam với mật ong đi cho dễ ngủ. Đưa sách cho em nào, không đọc nữa đâu’. Cáu gì thì cáu, cứ lạt mỏng thiết chặt thế này thì có (giả dụ thế đi) ai mời âu-vờ-nai ở phòng Pờ-de-xi-đờn của Đai-ù với mấy em cờ-lát 100 đô Mỹ thì gã cũng xin khất ‘để hôm khác nhé, tối nay phải về ăn cơm với vợ’. Người Việt mình mà, sống với nhau ngoài cái ‘tình’ ra nó còn cái ‘nghĩa’ nữa. Hàng họ thì chỉ có tiền, không tình (đôi khi hoạ hoằn có tí chút) còn nghĩa thì tuyệt nhiên không. RAU, theo mode bây giờ thì có tình, thường là cũng phải có tiền (in kinds quà cáp chẳng hạn) còn nghĩa thì hơi mơ hồ. Vợ thì khác, cái này mấy bác có gia đình rồi chắc sẽ giống “moi”. Uống một hơi hết độ gần phần ba, nam thực như hổ mà, vợ thì phải chục lần nhấp mới hết cốc nước dù khát cháy họng. ‘Vẫn chua hả anh, em thử xem nào’, thẽ thọt. Thế này thì phí rượu rồi, “thôi xí xoá vụ chiều tối nhé, anh cũng hơi nóng”. ‘Vâng, anh uống nốt đi để em cất cốc rồi đi ngủ, muộn rồi đấy anh’. Đúng là nhiều lúc hoa lá cành xong, về đến nhà, nghĩ lại mới thấy mình chẳng ra gì cả!!!!

• Lại một ngày mới, đời ngắn đi hai mươi bốn tiểng rồi đây. Lên gác vấn an thân mẫu, rồi xuống đánh thức nhóc dậy để bố làm tròn trách nhiệm “taxi không thu cước” cho hoặc con hoặc cả con lẫn mẹ. Nhạc phụ hôm qua không thấy gã đến ‘thời’, chắc ngậm ngùi với người-đồng-cảnh-ngộ nên gửi cho mấy cái càng cua, sáng dậy thấy mỗi người một bát miến. ‘Con không ăn con cua đâu, ăn bánh giò cơ’, nhóc con nước mắt lưng tròng sau khi xúc hết hộp sữa chua. Thôi con ơi, bố con đây trong ví cũng có đồng xanh đồng đỏ thẻ nọ thẻ kia mà có khi cả tuần mẹ con không cho bố cơ hội được ăn lấy một bữa theo ý mình thì hàm lượng NaCl trong từng giọt thánh thót rơi của con làm sao đủ khả năng ăn mòn để rồi lung lay ý mẹ. Lựa lúc “nàng” dọn lại phòng, gạt vội bát con sang bát bố, và đũa miến mà cứ như lùa rơm trong miệng. Ôi những ngày “nàng” đi vắng, bố con bà cháu tự do nay còn đâu!!!!!

• ‘Nấm đi học với bố hay đợi mẹ đưa đi?’, nàng hỏi. Tất nhiên là nó không chọn mẹ, đi với bố tha hồ ba hoa, cô giáo lớp nó lại quý bố hơn mẹ thì phải. Ngày trước đi học thì cô/con (mẫu giáo), lớn hơn thì cô/em; giờ chả hiểu lão Phó Giáo sư Phá thật sạch nào nghĩ ra cái đại từ nhân xưng mẹ/con gán cho khối mẫu giáo nghe đã lộ rõ bản chất là học “Giả”. Đẻ chả đẻ, nuôi chả nuôi sao là mẹ được, xưng thế mà không biết ngượng, hay là có tình ý gì với “bố” các cháu đây. “Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo, cô thương cháu vì bố hay đón về...” nghe hơi tiếu lâm nhưng chắc là cũng có dăm ba trường hợp thật????. Trẻ con nó như tờ giấy trắng, không kẻ vẽ cho nó tử tế thì cứ để trống , đừng bôi đen chúng nó mà có tội!

• Huơ huơ ví vào cái xen-xơ, tít một cái, cửa mở; thế là mọi sướng/khổ/buồn/vui đời thường tạm gác lại sau cái “tít” này. Xem nào, có 2 cái hẹn, mấy việc có deadline vào hôm nay, hình như bọn FED sắp sửa nâng 25 điểm nữa, sao lắm i-meo thế này, quá nửa là c/c – sư bố những thằng bảo thủ, việc cỏn con cũng nhét gã vào c/c lít, để rồi 6 tháng sau có chuyện gì là nó lại lôi ra ‘you có trong c/c, sao không feedback ngay lúc ấy’. À quên, cái Vodafone chưa bật. “you have 1 voice mesage. The last voice mesage on ....... at 23.45 from 031xxxxxx ‘. Biết là ai rồi, nhưng để trưa đi, giờ phải gặp khách hàng đã. Bọn này tanh lắm, không bao giờ chịu để tiền ở current account cả, 5 ngày nữa mới dùng cũng bắt “làm cái term deposit 4 ngày”. Viếng thăm xã giao thôi, may quá đỡ phải viết report. Mười giờ rồi à, có cái hẹn với một ri-pót-tơ báo V, xếp lớn đá đểu cho quả đắng này ‘tao nghĩ không có gì để nói với họ cả, chắc lại đề nghị quảng cáo, tuỳ mày xử lý’. Em phóng viên này chắc mới ra trường, hỏi những câu ngớ nga ngớ ngẩn, khen chỗ cậu làm thì khen cả ngày, vô duyên bỏ mẹ. Cuối cùng thì cũng tòi ra “bọn em đang tiến hành bầu chọn các doanh nghiệp cho giải G, đây là một giải thưởng rất có uy tín...... mong anh tham gia”. Lại phải mẹ kiếp lần nữa, cái tạp chí T.G ấy khác chó gì tờ Mua&bán, hơn chăng là in giấy tốt, ảnh màu loè loẹt và.... xin lỗi em nhé cái giả thưởng G ấy không những không tạo ra ấn tượng gì mà còn làm bẩn bộ sưu tập các giải thưởng khác của HO chỗ anh làm thuê. Thôi lại phải chối khéo “việc này liên quan đến PR, anh phải bẩm báo xếp communication bên HO em ạ”, “thế cơ ạ, em nghĩ phí tham dự chỉ khoảng hơn 2 nghìn thôi thì cần gì bên kia cho phức tạp. Hay là anh cứ ký tạm vào phiếu tham dự cho em, khi nào họ đồng ý thì em tiến hành luôn cho tiện anh ạ. À anh cho em xin số di động để tiện liên hệ, lúc nào anh rảnh anh em mình đi uống cà phê”. Ối, anh đầu 3 thứ tóc rồi, sĩ hão với em làm đếch già mà phải thọc cái Monblanc vào phiếu đăng ký của em rồi vào tròng à, còn di động thì anh nói rất là thật với em là anh không dùng vì sợ bị ung thư não lắm, có gì em cứ liên hệ qua tổng đài cho nó chính thống, cà phê thì anh vốn yếu tim, đi uống với em xong khéo phải đi cấp cứu (vì dung nhan mùa hạ của em không phải gu của anh), thế em nhé!!!!!

• “Gửi anh thư, à có một gói PCN nữa đấy anh ạ”, em lễ tân vắn tắt. PCN giờ lại có cả loại không qua bưu điện truyền thống EMS à, đúng là mở cửa thị trường có khác. Cơ mà vuông vuông, lại nhét trong phong bì giấy xám (chống đọc trộm ấy mà) trông kinh bỏ mẹ, nhỡ đứa nào nó ghét mình làm cho phát bom thư hay bệnh than thì toi. Đang định hỏi em lễ tân về vụ PCN này thì thấy trên góc có tên+số tel người gửi: em H, tel: 090341abcd, à không sao, ri-sở-cờ-phờ-di rồi! Xoẹt một cái, một hộp giấy chữ nhật có nơ cẩn thận lộ ra. Hai nhát dao rọc giấy nữa, à một cái ví đựng hộ chiếu của Satchi House. Bần thần mất mấy phút: Satchi & Satchi là nhãn hiệu cái cặp số, va-ly kéo, giày gã dùng mỗi khi đi sang bển (bọn Tây nó đỡ khinh, giáo lý nhà mình đã dạy ra khỏi nhà là phải tươm tất). Ai bảo “mắt con trai, tai con gái” là sai toàn tập, con gái trời phú cho gần hết cả “mắt như cú, mũi như gâu, tai như ra-đa” mới đúng! Quên, cái voi-xờ méc-xít chưa nghe, bấm 1 phát đến số 0908222222, bấm 6 phát mật khẩu nữa “chắc anh ngủ rồi phải không? Em nằm mãi mà không sao ngủ được. Chúc anh ngủ ngon!”.

• “Cảm ơn H nhé, anh vừa nhận được quà em gửi, thanks a lot em” – có nhiều lúc cứ cả ta cả tây lẫn lộn, tiếng Tây thì chẳng giỏi rồi, còn tiếng ta thì cũng tệ nốt, ai không hiểu lại cạnh khoé ‘ra vẻ’, khổ thế không biết! “em hy vọng là anh sẽ dùng đến nó thường xuyên, dù không chắc là anh thích”, cười rất nhẹ. “Em đi làm chưa? Công việc hôm nay thế nào, lâu lắm anh không xuống HP, không biết mấy quán hoa chỗ Nhà hát lớn còn không?’. “Em đang ở chỗ quán hoa đây, anh thiêng thế nhỉ? Hay là 30/4 này anh xuống HP chơi đi, em sẽ đưa anh đi Cát Bà, nhân tiện thăm chỗ em làm luôn. Có ít nhất là 2 người đang mong anh đấy”, lại cười. Cũng lắt léo gớm nhỉ, đang giờ làm, con cà con kê không tiện nên lại khất “anh gọi sau nhé”. Cái áo cho Mẹ, hộp sữa cho con, lọ kem dưỡng da cho vợ nó vít đầu vít cổ cái thân culi phải dốc sức mà làm, đời rõ là bể khổ.

• Lâu lắm quên tiệt cái món nhắn tin, bấm bấm bấm đau tay chết đi được, mổ cò máy tính cả ngày đã khổ rồi còn tin với tức nỗi gì. Ấy thế mà đánh đùng một cái lại ri-duym SMS - chẳng nhẽ nhận được tin mà lại alố à lồ lại? Có những chuyện thể hiện bằng voice kém hay hơn nhắn tin, đại loại như “hôm nay trời lạnh lắm đấy, anh/em mặc đủ ấm không?” chẳng hạn. Cũng vu vơ trên giời dưới biển (không có Đồ Sơn) ngày ba cữ sáng/trưa/chiều. Mấy buổi đầu tối còn phòng xa, cho mô-bai mất điện. Nhưng thừa, con gái bây giờ đủ tinh tế để biết khi nào nói không, khi nào đồng ý.

• Nhoàng một cái đến chiều 15/4, hình như đồng hồ chạy nhanh, hay một ngày một đêm dạo này rút còn 22 tiếng như mấy ông Pờ Mu rút bớt thép móng cầu Đuống nhỉ? Đợi vãi mồ hôi hột ở cái quốc tế phi trường Sóc Sơn mới thấy vợ chồng thằng bạn thò mặt ra bông-xoa. Gì thế này, thằng chồng è cổ đẩy xe va ly, con vợ thong dong tay xách túi. Mình tưởng mỗi mình ở nhà “nể vợ”, hoá ra thằng cạ cứng ăn cơm mòn đĩa Phú Lang Sa cũng chả khá hơn gì. Thôi xong, bình đẳng bác ái cái gì hở nền Cộng hoà đệ Pháp. Lụi hụi ra xe, lụi hịu xếp đồ, vẫn 2 thằng đàn ông với nhau còn 2 con-mụ-đàn-bà nó còn mải mê buôn chuyện. Cứ nói cho nó lắm vào, rồi tối về lại than ‘viêm họng mãn’.

• Hàng quán thức ăn nhiều quá tiện thì có tiện nhưng làm tha-hoá-chức-năng nội trợ của phụ nữ. Máy bay về chậm gần 2 tiếng, về đến nhà đã quá 8 giờ tối. Giờ này mà hì hụi nấu ăn thì cũng dở, thân mẫu sang nhà bà dì chơi sáng sau mới về nên “thôi ra ngoài ăn cho tiện”, nàng phán. Bây giờ thì còn ăn ở đâu ra hồn nữa, ghé Làng Ngói ở Ngọc Khánh vậy. Chọn cái bàn ngoài sân dưới gốc khế, thằng bạn suýt xoa khen 8 năm mới về thấy ở nhà khác quá. Hai nàng và nhóc vẫn buôn dưa, bọn Làng Ngói này chỉ bán hoặc Calsberg hoặc bia đen không rõ xuất xứ, nhất quyết không bán bia chai Hà nội mới láo. Ông mãnh kia lại nhất nhất bia chai Hanoi, canh thịt chua, đậu phụ rán tảm hành, canh rau rút nấu tương. Ông ơi dân Parisien bên ấy nó mới phục vụ theo yêu cầu, còn dân ở đây thì đợi đến sáng mai nó đi mua về rồi nấu theo yêu cầu cho ông ông ạ!!!! Thi thoảng xem phim trên TV cứ nói về giám đốc là quay cảnh ăn uống ê hề, các em phục vụ. Không bênh mấy lão tiêu tiền chùa đâu nhưng thử hỏi giá đó là việc thật thì họ có sướng nỗi gì khi liên tục cảnh cơm hàng cháo chợ???

• Quân mình mỏi vì đợi, quân nó mỏi vì bay mười mấy tiếng nên chỉ nhăm nhăm giục về “shower cái cho tỉnh táo, rồi đi ngủ, mai tính tiếp”. Thì về, phải ra lấy xe, ông bạn và đám phụ nữ trẻ con đứng đợi, thấy mặt ông bạn đần ra, đoán bậy ông bạn nhìn thấy biển Massage Ngọc Khánh nên nhớ lại thời hoành tráng Á châu, Yên phụ rồi đây. Rồi ông sẽ được thả sức tung hoành, ông ạ. Ai ngờ sự đời lắm cái éo le.......

• “Có việc này tôi muốn nhờ ông, nhưng ông giữ kín, đừng để cho VA biết, còn TA nhà tôi thì tuyệt đối không”, ông bạn thấp giọng. “Chuyện gì vậy T “, chơi với nhau từ bé, thời 2 thằng chia nhau đôi quần xịp Thailan xanh kẻ ngang xanh đỏ đỏ những năm 1980x đến lúc sang bên kia chưa bao giờ thấy nó nói kiểu nghiêm trọng thế. “Thôi để mai tôi nói, chuyện dài lắm, ông xin nghỉ làm một ngày được không, thứ Tư thì tốt nhất. Tôi về đợt này được 10 ngày thôi, ở HN đến thứ Năm, sau đấy vào Huế, đưa TA đi Đà lạt rồi từ HCMC bọn tôi bay thẳng Paris”. Quái, chuyện gì mà úp úp mở mở thế nhỉ??? Thằng này cẩn thận và điềm đạm có tiếng mà!

• Nàng đưa vợ thằng bạn đi “paint the town”, mua sắm, spa gì gì đó suốt mấy ngày. Vợ thằng bạn thì làm trung gian cho mình với nàng; mình thì lại làm trung gian giữa thằng bạn với hiện-tại-là vợ nó nên cũng chả có gì khách sáo. Thân mẫu cựu-nữ-sinh Trưng-Vương-áo-tím Hanoi ngày xưa có dịp dùng lại thứ tiếng Pháp Pa-ri-siêng với đứa suýt-nữa-là-con-dâu (chơi với con bạn thân quá thân nên không dám ngỏ lời, sau này nó vẫn đùa ông-là-thằng-nhát-gái), nhóc được take care gấp 2 lần thường lệ nên tung tăng suốt. Đợi lúc cả nhà đi vắng, thằng bạn nối khố mới dốc bầu tâm sự.

• ‘Hà nội mình giờ không còn mấy ai đi xe đạp nhỉ? Sinh viên cũng đi xe máy hết rồi. Nhiều lúc rảnh tôi bần thần nhớ lại những lúc bọn mình guồng xe dạo phố. Tôi với ông mỗi thằng một cái xe cuốc, bọn con gái đứa nào cũng hoặc Mifa, hoặc SK, lác đác vài cái xe đạp mini khung gập. Mong mãi mới có đứa tuột xích xe hay sang vành để có dịp ra tay. Kem Trà My trên Nguyễn Thái Học còn không, tao vẫn nhớ lần vào đấy bị thiếu tiền phải một thẳng ở, một thằng về lấy ví”, tay cầm cốc nước chè xanh, tay kia gõ gõ bậc thềm, nó nói. “Nói thật với mày là không quên, nhưng tao ở nhà lo chuyện cơm/áo/gạo/tiền ghê quá nên chẳng có lúc nào ngồi như mày. Tam thập nhi lập rồi, giờ mới thấy lúc còn đi học là thời đẹp nhất. Mày nhắc lại chuyện cũ, tao nhớ tao với mày bị một trận thót tim hè năm 1991, mày còn nhớ không? “Tao về đợt này cũng một phần vì chuyện ấy đây Q ạ”, giọng nó lạc hẳn đi. “Sao, có chuyện gì với V à?”, mình hỏi dồn.

• Hè năm 1991, khi ấy đường Hoàng Quốc Việt vẫn chỉ là một con đường cấp phối nhỏ chưa có tên, đường Cầu Giấy/Xuân Thuỷ/Hồ Tùng Mậu nhỏ bằng ¼ bây giờ - gọi là quốc lộ 32. Hai bên đường Hoàng Quốc Việt toàn ruộng rau muống, ruộng lúa và bãi tha ma còn đưòng 32 chưa điện, chưa vỉa hè, lác đác mấy nhà dân lụp xụp. Tiếng Anh bắt đầu thay tiếng Nga chiếm thế thượng phong, giáo trình Streamlines, Headways tràn lan quầy sach. Thằng bạn học song ngữ Pháp/Anh đại học nên tối tối tranh thủ đi “cua” trong khu giảng đường B ĐHSPNN, thằng còn lại – là gã này - tiếng Anh cũng tạm nên dịp nghỉ hè cứ hôm nào thằng kia bận là nó lại gí dạy thay. Lớp mấy chục học viên, đa phần sinh viên cố kiếm cái bằng A/B/C cho dễ xin việc. Có mấy cô sinh viên trường Thương nghiệp học, người Hải Phòng thì phải vì thấy đi xe mini Nhật màu đỏ (sau này mới biết người Hải Phòng gọi là màu đỏ đun “vỏ bao thuốc Dulhill đỏ ấy mà”). Con gái Hải phòng dạn dĩ có tiếng, thằng bạn trông cũng được, rồi chuyện gì đến cũng đến, tình-yêu-sinh-viên khi đó tuyệt không nhuốm bụi trần. Có cái này chưa giải thích được: con gái HP thường rất có ấn tượng tốt về con trai HN; con trai HP thì phần lớn gặp con gái HN là bồ kết. NHƯNG không hiểu sao con trai HP lại ghét con trai HN????

• Gần đây hay thấy mấy câu “đa dạng trong sự thống nhất”, “phát triển là trọng tâm, xây dựng là then chốt”, “xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “tái cơ cấu, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con”, “phát triển thương hiệu”, “đào tạo, bồi dưỡng tài năng”, “phát triển nguồn nhân lực”... Trúc trắc, đúng kiểu dân tập-toẹ-trí-thức học làm sang, hay đám mới-có-tí-tiền-bán-đất vội phủi đít quá-khứ-nhọc-nhằn ngồi chồm hỗm vào nhóm trưởng-giả-học-làm-sang. Chưa quá hai mươi năm, sáng có bát cơm nguội rang với mấy cọng tóp mỡ quắt queo đã là đỉnh, nhà ai có cân mì tôm nấu với nửa bó rau muống chan cơm đã đủ cho thằng nhóc đi khoe với đám bạn làm bọn kia thèm rỏ dãi. Kem que đựng trong thùng, đi bán có cái kèn bíp bo bíp bo ở cổng trường dụ dỗ trẻ con, hai ba đứa bạn cả trai cả gái chung nhau mút một que kem chuối ngon đến tận bây giờ. Nhà ấy có hai anh em, có cân đường Tết mẹ cất để dành, bị chảy nước nên gần hè mẹ đem ra nấu chè đậu đen(cũng hơi mọt) cho 2 anh em. Thêm tí tinh dầu chuối, mấy cọng dừa nạo nhỏ (đúng thói cảnh giả Hà thành). Con em đợi thằng anh đi đá bóng (giẻ rách quấn tròn) về ăn chung. Khát nước quá, lại thèm nên thằng anh lừa con em “mày ăn ít thôi, ăn nhiều răng nó đen sì ra đấy”. Nhà có cái đài cassette Sanyo xuất xứ từ chế độ Saigon cũ, thằng bạn con ông tổ trưởng dân phố kiếm đâu được cái băng nhạc vàng Chế Linh “nếu nếu ngày ấy chúng mình xa nhau, anh anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi” nhét vào. Thế là đóng kín cửa cả bọn mải mê nghe quên cả giờ nấu cơm trưa. Khổ, nhà tập thể cánh cửa vênh váo gấp mấy lần nhạc-phụ-xơi-đấm-bốc, ở trong không nhìn thấy ngoài nhưng tiếng động thì hiển-nhiên-là-vẫn-lọt. Cựu-đại-tá-lục-quân tìm thằng-cháu-đít-soong khắp khu tập thể để lấy chìa khoá vào nhà không thấy, chợt vẳng tiếng động lạ, nỉ non, run rẩy nhất quyết không phải là Diệt-phát-xít của cố nhạc sỹ/nhà văn/nhà thơ/nhà triết học Nguyễn Đình Thi nên đẩy cửa xô vào(mất lịch sự quá, mà chiếu theo luật dân/hình sự bây giờ là vi phạm quyền tự do công dân rồi đấy). Gì thế này, thằng-cháu-nội-độc-nhất, niềm hy vọng của cả đời quân ngũ quần đùi xanh chéo, phất phơ cá rô đớp gấu (vì rách, chứ không thời trang như lũ 8x, 9x quần jeans đang yên đang lành xé te tua) chân vắt chéo nằm quây quần với đám con-nhà-tuyền-trí-thức, miệng lẩm bẩm nhập lời (chắc là phê quá). Một tiếng thét, chắc ngày xưa xung phong vào trận cũng chỉ ở-tầm-âm-vực ấy là cùng. Cán chổi đót rõ vừa tay, còn bé tí ranh đã lung-lay-tư-tưởng thế này thì lớn lên có mà mất nước, mỗi ông-mãnh xơi 2 phát ngang mông, rồi thông báo cho phụ huynh từng nhà bắt viết bản kiểm điểm về trọng tội vi phạm quy định không-được-nghe-đài-địch. Cuối năm ngoái về thăm khu nhà cũ, gặp lại cựu-đại-tá ngày xưa “ừ, công nhận là cái thằng rượu Tây uống nó không đau đầu như cái anh Vodka Hà nội. Mà chúng mày là phải lăn lộn, cái hay cái dở cũng nên (kinh) qua cả rồi mới trưởng thành”. Cụ ơi, 2 phát cán chổi hè 1982 con chưa quên đâu cụ ạ!!!!!!

• Đưòng 5 nâng cấp xong dịp 13/5/2000 bằng vốn ODA Nhật lùn nối thẳng HN với HP không còn sợ mấy thằng tàu hoả hôm nào vô phúc gặp bọn nó đi ngược chiều ở 2 cái cầu gì đó chỗ Hải Dương thì cứ là đợi dài cổ, vớ vẩn đói quá mà mua bánh chưng hay trứng luộc là hoặc xơi bánh chưng đất, hoặc khẩn trương kiếm Béc-ba-din vì trứng luộc từ mấy hôm trước, ế nên sáng nay hâm lại cho nó nóng!!!!! Những năm cuối 80, đầu 90 đi HN-HP and verse bằng ôtô hành-khách-hàng nhanh cũng mất 5 tiếng, lấy đâu xe 4 chỗ như bây giờ. Thế nên có cái quán cơm đoạn Hải Dương của lão chủ quán gì “xồm” ấy mới có khách. Thực tình thì lão bán rất vừa phải, thức ăn đúng cảnh thanh bần đồng quê không màu mỡ riêu cua mà xét một cách toàn diện thì càng màu mè càng mất vị. Tàu hoả hú còi đón khách ở ga Hàng cỏ, ngày vài ba chuyến ghế gỗ cứng ngồi khoảng đến ga Long biên là đứng hết vì đau ấy quá. Cô bạn sinh viên trường Thương nghiệp về HP lấy viện trợ, đi chuyến tàu sáng lên đến Hanoi đã sắp hết chiều mang theo một thùng (nhỏ thôi) mực tươi ướp đá và hẹn thằng bạn gã (i.e người yêu của em) ra đón. Làm gì có di động, đến lắp điện thoại ở nhà còn phải đợi dài cổ mới có cáp nữa là. Tàu/xe chậm vài tiếng là thường, nhà thằng bạn cứ cuối tuần là hay tổ chức ăn tươi (luân phiên), bố/mẹ nó có-vẻ-ưng cô bạn V này nên hẹn đến ăn cơm luôn thể. Hôm đưa nàng ra ga anh ả cưỡi mini Nhật (điểm này mini Nhật ăn đứt Mifa, hay nói cách khác là tư duy của người HP thực tế hơn dân HN: anh yên trước, nàng bóc-ba-ga sau đạp nhoay nhoáy, nhẹ bẫng; chứ Mifa mà anh/ả cùng ngồi thì cái-gọi-là bóc-ba-ga không quá 2 phút chuyển từ trạng thái mặt phẳng nằm ngang thành hình chữ V ngay tắp lự). ăn tươi Hà nội minh dịp ấy thì con vịt, mớ cá hay ít tôm tươi là hết cỡ. Tuần này thêm món mực tươi hấp gừng, râu xào cần tây sang trọng hẳn lên. “bố mẹ cháu gửi biếu hai bác chai rượu (ngâm bào ngư); gửi Q mang về biếu bác giúp V gói tôm khô”, con gái HP lúc đầu có vẻ hơi thô (vì họ sống thật quá) thôi chứ cũng biết lóp-bi tình cảm vãi. Cơm nước xong cũng đã đến lúc hết thời sự, anh ả xin phép đưa nhau về kí túc xá, gã cơm rượu no nê còn nán lại dán hộ một lô phong bì hồ sơ tuyển sinh(làm thêm) rồi mới về nhà. Dựa đánh oạch cái xe cuốc vào bếp, vứt dép lê chân đất vào nhà thì thấy ông bạn đang ôm đầu ngồi đợi. Bỏ mẹ rồi, chắc là chuyện dữ đây.

• “V bị trấn mất xe rồi Q ạ”, thằng bạn thiểu não. ‘Sao lại bị trấn, ở đâu?”. “Bọn tao vào Bách thảo, thế là bị bọn quân khu dí dao doạ; xe của tao nó không lấy, no lấy xe của V”. Vắng quá, bọn tao sợ nên ko dám kêu. Giờ tính thế nào hả mày, mấy tuần nữa nghỉ hè V phải mang xe về HP chứ?”. Khốn nạn, lúc chúng mày sướng sao không thấy há miệng, giờ thì còn tính với toán cái nỗi gì (ấy là nghĩ thế chứ ai lại mắng nhau lúc ấy). Cũng tính đủ đường, mô hình SWOT bây giờ mấy ông học Em-Bi-Ây hay nhắc chứ có khi lúc ấy hai thằng cũng đã kẻ 2 nhát vuông góc rồi chứ lại. Ngẫm cái ông hoàng tử Lang Liêu nhà mình tài, cái bánh chưng vuông, 2 phát lạt buộc giữa nữa hoá chả là “tiên khởi” cho cái ý tương xuốt-siếc này còn gì????

• Phương án tối ưu nhất là phải mua cái “đỏ đun” khác, rồi đưa lại V để còn kịp nghỉ hè. Lúc đầu định 2 thằng chịu thôi, nó nói vay mình “ra trường tao trả” vì đâu gần 2 chỉ vàng (lúc ấy là to kinh khủng), nhưng V nhất nhất chia 3, nếu không là sẽ báo mất xe cho nhà biết. Hậu duệ Nữ tướng Lê Chân tổng trấn Hải tần Phòng thuỷ gì chứ đã quyết thì trời xanh kia cũng chỉ bằng nửa cái vung xoong kho cá, huống gì ông bạn mặt còn đầy lông tơ đang in-đíp-lớp. Trước hôm cô bạn về HP nghỉ hè một ngày, hai thằng lọ mọ ra ga Hàng cỏ “xuống Phòng”, tiền 5 nghìn giấu trong áo lót cứ như buôn bạc giả. Bé đến giờ đã mua bán món gì to tiền như thế này đâu, dám đi HP là có ông anh làm ở Tổng hợp I biệt phái xuống HP mấy năm thành ma xó HP dẫn dắt. Xô lấn chen đẩy tàu chợ đến phát hãi, rồi tầm quá trưa cũng đến ga HP. Ơ cái ga này ổn, Việt nam mình còn mỗi cái ga Hải phòng + Ga Đà lạt là đậm dấu ấn kiến trúc Phú-lang-sa.

• Cách đặt tên phố/cầu/đường dưới HP cũng lạ: cống Cái Tắc (đã cống cái, i.e to lắm đây, mà lại tắc thì nước chạy ngược về thủ đô à?); cầu Rào (ơ hay, làm cầu để thông thương, rào lại hoá xây làm cảnh???); ngõ Cấm (tên thế bố ai dám vào, nhà nào vô phúc có con gái ở ngõ này khéo ế sưng ế xỉa???); phố Cát Cụt (bắt nguồn từ tiếng Pháp casse-croute chăng vì thấy có bán đồ ăn). HP những năm này phố xá có phần “vượng” hơn Hà nội. Xe máy CD125, DD, DM xanh đỏ dựng đâu cũng thấy, xe máy bãi rác nhập về xuống “công” nhìn hoa cả mắt. Ông anh họ quen cửa hàng xe đạp gì đó đường Lê Lợi dẫn 2 thằng em dại-thật-sự vào lựa màu sơn Người quen, nên chị chủ lệnh cho bác thợ tháo cái khung xe này lắp vào bánh cái kia, bỏ hộp này ra (vừa phụt sơn mông đấy, trông đẹp mã chứ đi 6 tháng là mốc thếch), thay cho nó cái gác-đờ-bu, cho nó nan (hoa) mới đi đại loại vậy. “Mày em anh Đ, chị nấy vốn chừng này tiền, trông sáng sủa gớm nhỉ, có người yêu chưa hay để chị nàm mối cho đứa em gái, nó cũng học ở Hà lội”, bà chị xởi lởi. Đợi gần 2 tiếng lắp ráp cái xem, chị chủ chạy ra chạy vào thay 3 lần váy ngủ vẫn còn nhớ xịn đẫm mùi nước hoa toàn thân Fa. Sao có người tốt thế không biết (mấy năm sau ông anh mới lộ “phỏm” đấy là phòng nhì, ông này đúng là Uốc-cờ-men, luôn đi trước thời đại khi mà mãi gần đây thằng em mới hiểu Rau/dưa là thế nào). Đâu thừa ra gần hai trăm (nghìn), mà đến mai cô bạn mới về. Ăn/ uống/ở thì ông anh “bánh bao”, xe pháo xong xuôi rồi nên cơm tối xong xin phép ông anh cho hai thằng em đi dạo phố. HP là thiên đường của đồ xe-cờn-hen điện tử Nhật bổn, nhà nào cũng mấy cái tivi nội địa điện 110V to đùng nhìn thèm rỏ rãi. Vào cái quán Caphê-Video gì ấy gần Nhà hát TP, “cho em xin 2 nâu”. “Ở đây không có cà phê LÂU, chỉ có đen với màu, uống gì”, một em cỡ U30 xoe xoé. Quái, có đen mà lại không bán nâu, dở hơi à, mình nghĩ. ‘Thế thì chị cho em 1 ca cao, một đen”, dân học toán vốn linh hoạt, trộn cốc ca-cao vào cốc cà phê đen, ngoáy mấi cái rót đều làm 2 không thành nâu thì cũng gần thế. “Đổi phim khác đi”, thực khách thỉnh cầu. “Tí nữa, còn sớm”, chủ quán nhấm nhẳng. Hai thằng con-trai-Hà-nội; tuy đã biết yêu nhưng mới chỉ dám cầm tay bạn gái, mỗi lần kít-kiếc run bắn cả người, lấm la lấm lét như thằng ăn trộm; mặt đỏ bừng khi tự nhiên thấy màn (tiếng HP gọi màn hình TV) sáng loá rồi một em tóc vàng, một ông mũi lõ trong trang phục Adam+Eva thực hành cái món mà anh em ta bây giờ gọi là “ấy” đấy. Hơi ngượng, nói thật là thế, Kim Bình Mai cũng đã từng đọc qua nhưng giữa cả đám đông toàn giống đực, mỗi chị chủ là giống khác, mắt chữ A mồm chữ O mà cứ rên rỉ quằn quại bú mớm thì vẫn cứ hơi là xấu hổ. Nhưng mà 2 cốc nước nó vừa mang ra, không uống thì phí quá, với lại cũng tò mò xem cái thể loại này nó kết-thúc-có-hậu như phim rạp hay không nên mất gì của bọ, xem đến hết băng luôn. Cũng đếch dám đứng dậy ngay, giống chuyện ngày trước mấy chú bộ đội ở nhờ nhà dân có con gái đang tuổi cập kê ngủ dậy dậy là vớ ngay cái chổi, rồi cúi người quét đi quét lại mãi ấy :).

• Loanh quanh thế nào lại ra cái chỗ trụ sở của Ngân hàng Hồng kông Thượng hải thời Pháp thuộc, giờ thành Bảo tàng HP nếu không nhầm. Cái nhà ấy đẹp nhất thành phố, để mọi người dễ hình dung thì Nhà khách Chính phủ ở Ngô Quyền (Hà nội) thế nào cái nhà ở HP này cũng gần như thế, mỗi cái khuôn viên hơi nhỏ. Khu ấy toàn biệt thự cũ của Pháp để lại, đẹp mê hồn. Đi thêm một đoạn thì cái gì thế này, sao lắm các chị các em đứng ở hè, ngồi trên xe thế??? Tan lớp ngoại ngữ ca 2 buổi tối à, về nhà cơm nước tắm rửa cho nó mát. Thì suýt-nữa-là-2-ông-giáo Thứ cứ luận ra là vậy, hơi nhiễm tí bệnh nghề nghiệp mà. Không phải ông ạ, nhầm to rồi “này, đi bộ ơi”, “chơi không anh”, “em này”. Lại thêm cái lần đầu biết đến loại ma-két không có trong giáo trình quản trị của bất cứ trường kinh doanh nào nữa. Nhấp nhoáng mấy cái đèn xe, Cúp tôm thì phải, không 81 đời chót kim vàng giọt lệ chả hiểu nghịch hay tìm hoa thật đi qua. Có em, hay chị muốn gây ấn tượng mạnh còn tốc cả áo lên cho các anh xe cúp nhìn. Choáng thật sự, đến chỗ ngã tư là rẽ phải luôn rồi nhảy xích lô về chỗ ông anh tá túc- lúc ấy còn kịp nhìn biển tên phố là Hồ Xuân Hương “Hề hề, các chú thấy thế nào, nếu không thích cho anh mấy đồng anh đưa đến chỗ này đảm bảo quên sấu luôn”, ông xích lô nhăn nhở - chắc hồi ấy Đồ sơn chưa có dịch vụ 90K???? Dạ xin anh, bọn em đang méo mặt với quả “đỏ đun” rồi, còn phải kéo cày trả nợ độ năm nữa mới xong, anh cho em khất. Làm bát canh bánh đa cua gần vườn hoa cho ấm bụng, kể hơi bẩn đấy nhưng lạ miệng. À, dưới này gọi tương ớt là Chí Trương, bột gia vị là Súp; cũng hay. Thật thà kể chuyện đi lúc tối, ông anh cười ngất!

• HP có nhiều tên gọi trìu mến khác nhau “thành phố Hoa phượng đỏ”, “thành phố nơi đầu sóng”, “thành phố cảng’... Gã thì khác, sao không ai gọi là “thành phố mini Nhật” nhỉ vì thấy đâu đâu cũng dập dìu xe đạp mini Nhật. Hà nội sau đợt sóng Mifa, SK của đội xuất khẩu lao động Đông Đức, Tiệp Khắc gửi về những chuyến cuối cùng vì Đông/Tây Đức thống nhất, Tiệp khắc thì tách đôi thành Czech và Slovakia bắt đầu thấy Phượng hoàng Tàu/Thái tung cách bay trở lại làm bẩn cả phố. Xe đếch gì mà vừa to, vừa nặng lại thêm quả xấu. Pơ giô Pháp cũng chẳng hơn mấy, may ra là bền, không có cái cảnh đang đi khung đứt làm hai vì thép đểu như phưọng hoàng Tàu. Kem đánh răng bột của Ngọc lan chẳng có, có ông Sơn Hải miền Nam lần đầu tiên khuyến mại treo giải Tivi 14 inch làm náo động thị trường. Thôi dùng đỡ kem đánh răng tàu thơm mùi hoa Ngọc lan vậy. Bàn chải đánh răng cước to như que tăm, cứng quèo chọc phát nào men răng mòn đi nhát ấy. Bác sỹ thì vô trách nhiệm, hay dốt, hay là thiếu kháng sinh mà con gái nhà người ta hơ hơ thế kia cứ bệnh gì thì bệnh cũng phải là Tê-tờ-ra-xi-lin đầu vị. Cái răng cái tóc là góc con người, bàn chải đểu, kem đánh răng tàu làm lợi dân Nam ta thâm xì giờ thêm quả Tê-tờ-ra-xi-lin này vào thế là men răng ứ hự bai-bai, để lại quả răng-lợi tông suyệc tông một màu nâu nhạt. Chị em đang hô hố nói cười rổn rẳng bỗng sáng mai thức dậy chợt thuỳ mị hẳn đi, vui cỡ gì cũng chỉ mỉm cười ý nhị. Tuần trước đưa vợi đi cờ-lin-tít, liếc trộm thấy cái hoá đơn bọc-lại-men-răng của một cô nàng tầm trạc tuổi mình mà choáng, sơ sơ đâu mỗi ba triệu bọc một cái răng.

• Đang ở tình trạng sáng làm bánh mì tôm (túi một cân, chia mười mấy bánh) là đủ sức đọc sách đến trưa mới dậy châm bếp dầu kim khí Thăng long hay Quốc phòng; giờ được thả rông nên khoan khoái lắm. Gần biển, cây cối nhiều nên rất thoáng, hai thằng nằm li bì đến “mặt trời trưa đã quá đỉnh đầu, vách đá chắn ngang điều muốn nói” mới lồm cồm bò dậy. Chị chủ cửa hàng xe chắc được ông anh phím “đây là em con cậu ruột” nên nghỉ hẳn nửa buổi bán hàng đến chăm sóc thằng chắc-sẽ-là-em-chồng. Nhất trí thôi, nếu em đây mà được dự biểu quyết chọn ứng viên bà chị với những vài ai đó thì chắc chắn sẽ không phải là phiếu chống. “đi ăn quà sáng, phở hay bún gà” bà ứng-cử-viên-chị-dâu nhà bác hỏi. Phở thì chắc ở nhà mỗi lúc ốm hay đau đầu em cũng được một cặp lồng, nước phở thì 200 đồng là đủ chan cơm nguội bữa trưa rồi, “đi ăn bún gà chị ạ, phở ở Hanoi có nhiều mà” - lại mắc bệnh sĩ diện, sáng bụng réo bỏ mẹ mà ra đường vẫn ngậm cái tăm cho thiên hạ nó biết ông nhà ông ngày đủ ba bữa!!!! Cái này phải rất khách quan, quán phở/bún gà gì đó trong ngõ nhỏ thôi, không nhớ tên dưới HP rất được – nghe nói quán ấy ngon và đắt nhất HP?

• Đúng điệu ăn sáng xong là phải làm quả cà phê, chắc bà chị nghĩ thế nên lại dẫn 2 thằng em dại ra đầu phố tráng miệng. Mẹ, thế mới biết cái gọi là Power of love mà ca sĩ Cellin Dion dạo trước thể hiện kinh thật. Một thằng thì thề từ giờ sẽ dạy 2 sô ngoại ngữ/ngày để đập cho quả “đỏ-đun”; một nàng thì hì hục tay xách thùng cá mực ướp đá lạnh, tay kia lỉnh kỉnh rượu bào ngư, tôm khô, quần áo từ HP lên HN giữa trời hè nắng chang chang; một bà chị chưa kịp thân quen chỉ mới nghe nói đây-là-em-con-cậu-ruột đã nghỉ cả buổi hàng chăm sóc. Đang tắm xà phòng Hoa hồng của bọn chả hiểu Đức hay Nga, xuống đây thấy thằng-anh cứ Zest (không biết viết đúng không, mười lăm năm rồi còn gì, chỉ nhớ ruột nó màu vàng, vỏ hồng, hồi đấy là thơm rất rất ngoại) mà xát cả quần sịp nên bà chị hỏi muốn mua gì không thì thật thà chị biết ở đâu bán xà phòng Zest ấy đưa em đi mua mấy bánh về làm quà. “Tưởng gì, khỏi, chiều về chị cho một túi, nhà chị đầy”, bà có-triển-vọng-là-chị-dâu khoát tay khảng khái. Mình khoái nhất tính cách này của người HP, thẳng thắn và mạch lạc. Quán vỉa hè khấp khểnh nhưng cà phê Hói hay gì ấy ngon, chả mấy khi được bà chị tốt bụng đi cùng, đem thắc mắc “chị ơi sao ở HP chỉ bán cà phê đen mà không bán cà phê nâu hả chị?”. Bà chị nghe chưa thủng “em bảo cái gì cơ?”, ri-pít câu hỏi, bà chị ôm bụng cười “dưới LÀY gọi LÀ MÀU”. Quái, cách nhau có trăm cây số mà đã khác cả “nhời ăn tiếng lói”, thử phát nhỉ “bác ơi cho cháu xin một cà-phê màu”. Bà chị cười rung rinh ghế mây “màu thôi, ai LÓ gọi cà phê màu”.

• Cũng đến gần trưa, lọc cọc ra ga Hải phòng đón người-yêu-thằng-bạn. Phố xá dưới này nho nhỏ xinh xinh, đầu này đến đầu kia nội đô cũng chỉ tầm dăm cây đổ lại. Lại chờ, rồi thì cũng đến lúc nàng ra, lủng lẳng ba lô trên vai chứ nhất nhất không có cái trò túi cói như bọn con gái Hà-thành-e-lệ. Thoáng một ánh mắt cảm phục khi hai thằng dong cái “đỏ-đun-kế-vị” ra vì màu chuẩn, hình thức đúng gần y chang bản gốc. Ba cốc dừa tươi, ba cái đầu chụm lại lên phương án “về nghỉ hè, đây là bạn trai, đây là bạn của bạn xuống thăm ông anh”. Kể cũng không phí công bố mẹ cho ăn học, kế hoạch lớp lang bài bản đâu ra đấy – các cụ mà biết thì có mà ngất vì cái trò nuôi-ong-tay-áo, dùng vũ-khí-địch-đánh-địch này.

• Lúc này mới thấy hơi hố: xuống chơi mà không quà cáp gì sao? Chai rượu ngâm bào ngư tôi gửi đi mấy tuần trước thì cũng phải có cái vỏ chai quay lại nó mới phải đạo chứ? Con gái tôi hơ hớ thế kia, học hành tử tế khối thằng thuỷ thủ đi tàu Vosco xin chết, tôi gật nhưng nó nguây nguẩy, chứ có phải mớ từ điển Việt-nam Rút-xờ-ki-I-a-dưt bụi phủ mờ ngoài hiệu sách Hoàng Văn Thụ? Lại thêm lần nữa chứng kiến sức mạnh tình yêu, “V mang về ít bánh cốm, đoán là Q và T đi vội nên hôm qua V ra Hàng Than dặn trước. Về đến nhà T cấm không được nói là V mang về đấy nhớ!”. Chẹp miệng, sao mà cái phúc nhà mày nó to to thế T ơi, mày về hỏi ông mày xem ngày xưa lão thầy địa lý mù nào đặt mả tổ hướng gì mà mày ấm thế. Ba đứa, một ba lô, một “đỏ-đun” giữa trưa hè thong dong dạo phố, con đường dọc vườn hoa từ Ga HP về Nhà hát “vừa vừa” mướt mát xanh, tím ngắt bằng lăng nước, chói chang phượng vĩ và râm ran tiếng ve sầu. “Trường cấp 3 V học ở phía cuối đường này, hôm qua V gọi điện về nhà báo các bạn xuống chơi, cả nhà vui lắm. Ngày mai đi tắm biển nữa đấy, tối nay đi xem phim nhớ, ngay gần nhà V mà”, cô bạn tíu tít giới thiệu.

• Màn chào hỏi, giới thiệu độ mươi mười lăm phút.. Nhà thế nào lại ở ngay bên hông Nhà hát TP, tất nhiên là không phải mé “Cà phê-Video” tối hôm qua. Bố làm chắc cũng hơi hơi to, vận tải biển gì đấy còn mẹ là giáo viên dạy sử; em gái học trường Ngô Quyền sang năm thi Đại học, dự định là Ngoại thương. Nhà vừa đủ rộng, sạch và ngăn nắp. Khoái nhất là cái sân con con đằng trước trồng giàn hoa màu tím tím, quên tiệt mất tên rồi. Bạn trai của con gái rượu, lại bạn của bạn nó nữa từ Hà nội xuống chơi đâu phải đùa. Hai cái thằng này trông cũng cao ráo, trắng trẻo, kính trắng rõ con nhà có chữ, nói năng thì từ tốn. Nhanh nhảu gớm nhỉ, cũng biết ngồi vặt rau, rửa cá nữa kìa; trời có mắt thương mình sinh con một vế, có thằng con rể thế này thì có-bị-đấm cũng sướng, suýt-nữa-là-bố-vợ kín đáo quan sát. Còn tương-lai-là-nhạc-mẫu thì hình như đang kín-đáo-phỏng-vấn thằng bé đã-được-con-gái chọn. Gã thấy mình hơi thừa, nên xong phần chuẩn bị nguyên nhiên liệu là vào ngồi hầu trà có-thể-là-nhạc-phụ thằng bạn: “nhà bác có bức sơn dầu đẹp quá, cháu thích Liên hơn Sáng, chả hiểu sao họ lại xếp Sáng-Liên-Nghiêm-Phái, chắc quen miệng bác nhỉ?” . Bố V choáng, từ miệng một thằng ranh con khen tranh đẹp đã khá rồi, lại tọc vạch bộ tứ này cơ à. Người có tuổi thường lắm mẹo, khen thằng ranh mấy câu rồi dấn ít câu hỏi về tranh pháo. Nhà thì không nghèo, chẳng khá nhưng cũng được cái có cái gốc chữ nghĩa nên cũng có/biết ít nhiều về hội hoạ đại để “Trí, Lân, Vân, Cẩn”, “Phố Phái, Gái Lương”.... nên ông bố V có cảm tình rất nhanh. “Các cháu ở chơi mấy ngày, cứ ở đây luôn nhà bác không khách sáo gì đâu. Chiều bác cho Q lên cơ quan bác, có bức sơn mài của Sáng”, ông bố V xới lởi, nhà này có mấy bức chân dung, cái đĩa sơn mài của Danh hoạ Dương Bích Liên đẹp kinh khủng. Cô em gái V đang có mấy bài Grammar tiếng Anh, chạy xuống bếp hỏi chị, chắc là nhân tiện lườm xem ông bạn trai của chị thế nào luôn. Anh ả đang đong đưa bị con ranh phá đám, đến mẫu hậu đích thân nấu bếp mà còn bị con gái đuổi lên với bố nữa là, thế là a lê hấp đang làm cơm không tiếp khách đến hỏi bài. Thằng bạn tế nhị không muốn làm phật lòng mãnh-bà-dì tương lai nên nói với “em nhờ anh Q ấy, anh ấy siêu hơn anh”. Rõ là khổ cái phận bù nhìn, vai phụ, quân sư quạt giấy. Bài tập lớp 12 không quá khó, cô nhóc thấy bở vác luôn cả mấy Exercises xuống, đúng là cảnh “tiền hết, tình chưa tan, đời tàn, xe xịt lốp”.

• Mẹ V trông rất hiền, hình như phụ nữ làm nghề giáo là hợp nhất. Cũng học Sư phạm I Hà nội chán chê rồi mới về phố Cảng. Hỏi rất nhiều về thằng bạn, gia cảnh, học hành, quan hệ... Trẻ người non dạ, cứ nghĩ là cô ấy tin, với lại nhà nó thì cũng giống nhà mình một nòi trí-thức-viên-chức-gộc, hai cái bánh mì không người lái, chai nước lọc, mấy quyển sách là có khi cả ngày chẳng thèm bước chân ra khỏi cửa nên dông dốc tuôn ra hết. Phải thừa nhận là mẹ V kín đáo, lúc ấy vẫn bình thản như không, trong bữa thì hết gắp lại múc cho 2 thằng. Lần đầu tiên được ăn canh con móng tay, bề bề hấp, cá đối rán, cá bớp lá lốt.... nói vắn tắt là thịnh soạn. Gia chủ mời ở nghỉ lại nhà nhưng nam nữ thụ thụ bất thân, chúng cháu xin phép hai bác về chỗ anh cháu nghỉ. Quán kem góc phố ấy ngon chẳng kém kem Tràng tiền, tên là Ba Hoàng hay gì tương tự vậy, hôm trước đi qua thấy giờ là tiệm áo cưới. Rạp cũ giờ nâng cấp thành rạp 1/5 có máy lạnh, hiệu sách vẫn toạ chỗ cũ, văn minh hơn với phong cách tự chọn. Mấy quán hoa mái ngói thâm nâu theo gã nghĩ đẹp nhất nước mình vẫn còn nguyên, tiếc là cái nhà hát TP sửa lại sơn nhái màu vàng Nhà hát lớn HN chả hợp tí nào, sao không giữ màu hồng như cũ? Gần trưa hôm sau hai đứa lên tàu về lại HN, bà vẹ V bận họp từ sớm (sau mới biết bà tránh mặt), bố V phấn khởi lấy xe máy đèo gã ra ga, V cũng một Cúp-tôm xanh dương chở T theo sau. Cô em gái V nhất quyết một mình một mini xanh ngọc chớ gói mực khô “bác có ít quà biển các cháu nhận cho bác vui” ra ga để nghe hai thằng anh mới quen tán chuyện tiếp. Bịn rịn chia tay, tàu hoả hơi nước xình xịch hú còi qua cầu Quay bỏ lại phía sau hai ít nhất 4 người con gái và một bác trung niên với lộn xộn vui buồn.


• Địa phận Hải phòng, Km 77+abc, tấm biển xanh bên đường báo đã sắp vào khu vực cần đến. Thằng bạn linh hoạt hẳn “mới hết có tiếng rưỡi, còn bao lâu nữa thì đến nhỉ”. “À, khoảng 20 phút nữa đến chỗ mày cần đến; còn chú tài chắc phải 40 phút; phần tao thì không quan trọng lắm, xưa nay vẫn làm vai phụ, hát bè cho mày mà”. Cậu lái xe thấy vui, góp chuyện “dưới HP nhiều chỗ hay lắm anh ạ, giá cả hợp lý, phục vụ thì hơi bị nhiệt tình. Thỉnh thoảng em cũng chở các anh HN xuống, có khi tầm trưa đi chiều tối về luôn, tính ra cả ăn uống còn rẻ hơn trên mình”. Bỏ mẹ, nói một đằng hóng hớt một nẻo thế này thì toi, chỉnh huấn ngay “bọn tớ đi thăm người nhà ốm, vào đến phố bọn tớ xuống thôi”. Đến chỗ khu công nghiệp NHIZ gì đấy thì thấy có 2 lối rẽ, thôi cứ-theo-tư thế-truyền-thống classical mà phang-không được hiểu sai ý tôi đâu đấy!!!! Hai cái cầu dây văng hiện ra bên trái, ống khói nhà máy xi măng vẫn ngất nghểu nhưng không còn phả khói mù mịt cho bọn Tây nó biết nước ông vưỡn đang công nghiệp hoá như dạo nọ. “Mày cho anh ra ga Hải phòng, sau đấy thì đi đến phố P...”, gã yêu cầu. Rõ chán, lái xe gì mà ko có lấy cái bản đồ, phải ghé bên đường hỏi thăm ngay chỗ Ngân hàng Nhà nước Hải phòng. “Phố P ngay đây này, qua phố ấy thì mới ra ga được, chở kiều à”, bà bán chè chén tọc mạch. Nói chuyện khác tone là rất chán, “đi ra ga rồi quay lại, bọn anh muốn thế”, vắn tắt với cậu tài. Lâu lắm mới xuống, phố xá vẫn thâm thấp, xe máy nhiều hơn mà hình như mật độ Dylan, SH, @, Spacy đậm đặc hơn thủ đô, tuyệt không thấy Piaggo như ET8, LX125 hay Grantusimo. Con gái ăn mặchầm hồ, tóc tai vàng/đỏ trông rất chói mắt, đi lại có phần nghênh ngang tợn. “Vẫn còn mini Nhật mày ạ”, mẹ nhà ông 1/3 cái đỏ-đun chả thấy nhắc, toàn nhắc phần nổi của những ngày tháng đẹp. Phố xá giờ thành đường một chiều nhiều, nên ra ga rồi định theo “lối cũ ta về” mà chịu vì toàn ngược đường, đành làm một vòng tròn loanh quanh ra gần chỗ cũ Ngân hàng. “Tao thấy hơi hồi hộp, vào đâu ngồi tẹo đã Q ạ”, thằng bạn nói. Taxi quay đầu đánh vèo, ơ chếch bảo tàng HP có cái quán Cafe trông hay phết. “Anh uống gì ạ”, phục vụ đồng phục gilê đỏ, nơ đen khá chuyên nghiệp, ghế êm ái vương vất không khí Cafe Paloma ở Đồng khởi Saigon và Lý Thường Kiệt/Hàng Bài Hà nội. “Cho anh xin 2 màu”, đúng điệu Hải phòng chưa? “Mà ít sữa thôi em nhé” dặn với. Cái thời một hộp sữa Ông thọ đục 2 lỗ, hai anh em vừa học vừa chuyền tay nhau tu độ nửa tiếng là hết sạch chả thấy ai tiểu đường, huyết áp cao, gút; giờ ăn béo tí, ngọt tí, nhiều đạm tí là kiêng.

• Ước chừng từ quán Cafe đến nhà V cũng không xa lắm lên thôi ta thả bộ một đoạn. Một tiệm rượu vang khá phong phú, nghiêng bên kia là nhà thờ có lẽ chính toà của Đức cha Tổng địa phận, bóng áo chùng đen linh mục, thấp thoáng ánh mắt nữ tu sĩ buồn rười rượi quét lá rụng ngay lối cổng vào. Em có căn tu, hay vướng bụi trần để rồi quyết xa lánh đời thường phó thác hồn mình cho nước Chúa? Chả biết, chỉ biết mắt những cô gái ngoan đạo thường rất đẹp: ta còn em con đường vắng/rì rào cơn lốc nhỏ/gót chân ai qua mùa lá đổ/nhà thờ Cửa Bắc/chiều tan lễ/chuông nguyện còn mãi ngân nga....

• Nhà cũ đây thì phải, giàn hoa tím vẫn nguyên chỗ cũ nhưng cổng vào, tường rào, cả nhà nữa đã qua một vài lần tu bổ. Thay vì gọi cổng, giờ nhà ai cũng có chuông. “Anh hỏi ai ạ”, cánh cổng hé ra. “Chào em, cho anh hỏi đây là nhà bác L, có con gái là chị V và em N?”, hỏi thì hỏi thế thôi, nhìn cái đã biết em gái V vì hai chị em giống nhau đến thế. “Em là N đây, các anh vào nhà đi ạ, mà anh là, là.....”. “Thử đoán lần nữa xem nhận ra bọn anh không, đại loại như khác nhau giữa regconise và realise ấy”. “Ối anh Q, bố ơi anh Q anh T về này”, hơn-chục-năm-về-trước há miệng nghe hai ông anh tán chuyện hét ầm lên. Rồi một ông quá ngưỡng trung niên quần pi-ja-ma ống thấp ống cao, áo ba lỗ lập cập chạy ra. “Bác gái mong T mãi, cháu ngồi nghỉ lát rồi lên gác. Để bác lên trước một lúc, N pha nước mời hai anh, rồi gọi chị con về” đáng-lẽ-là-nhạc-phụ thằng bạn thể hiện vai trò trụ cột gia đình. “Anh uống nước dừa nhé, lúc mở cổng nhìn thấy 2 anh em đã ngờ ngợ nhưng không dám nhận” từng-là-cô-nhóc N chưa hết xúc động tay múc thìa đường thế nào vẩy một nhát trọn vào ngực thằng anh đang đưa tay đỡ khay. Không biết có con kiến nào lẫn vào đường không đây, nhở có vài con ngứa chân đi xuống hạ nguồn là khốn nạn!!!. “Em xin lỗi, em không nghĩ là còn gặp được các anh”, vừa ở toillete ra mắt vẫn đỏ hoe. “Ơ cái cô này, toàn nói gở miệng, anh em mình phải phấn đấu đứng dạng chân giữa hai thế kỉ lần nữa chứ”, tếu táo cho đỡ căng thẳng. “Em vừa gọi điện cho cho chị V, em chỉ nói về ăn cơm thôi, anh ra mở cổng nhé, để chị ấy bất ngờ”, cô em lí láu. “Hôm nay cho bọn anh ké bữa trưa, chắc là không còn cá đối và canh móng tay”, “anh nhớ dai thế, đợi tí nữa chị V về em chạy ù ra chợ ga. Trưa ăn tạm vậy, để tối em chiêu đãi”.

• “Reng, reng, reng”, giật bắn cả mình như chuông báo hết giờ thi. “anh ra mở cho em cái, chị V về đấy”. Thì mở, bụng run bỏ mẹ vì nghĩ chưa biết thực hư câu chuyện thế nào, vớ vẩn thằng bạn lại hiểu sai câu nói của cụ lãnh tụ Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học ngày xưa “không thành công thì cũng thành nhân” thì rõ khốn. Nhòm qua lỗ khoá cái, thôi hỏng rồi vì cạnh V là một nhóc con vai đeo cặp, cũng kính cong mà nhang nhác thì T ơi là T có vài ba nét giống mày. “Dạ chào chị”, bạn thằng bạn cười cười. “Chào anh, con chào chú đi”, âm lượng có vẻ hơi ngờ vực. Mười mấy năm, cũng khác nhiều nhưng kiểu ăn mặc với gu rất riêng thì vẫn thế, “cháu chào chú ạ”. “Chú chào cháu, con gái giống mẹ V quá”, buột miệng. “Anh Q, em ngờ ngợ lúc anh mở cửa mà không dám tin. Anh xuống lâu chưa, anh đi một mình hay....”, rồi tự nhiên oà ra khóc, chắc nhìn thấy 2 đôi giày lạ. Bé con ngơ ngác, bế nó đi ra cổng hỏi han linh tinh, trẻ con bây giờ cũng dạn, líu lo như chim chẳng ngại gì người lạ. Checked ngay phát đã, “cháu học lớp mấy rồi”, cộng thêm 6 là tính ra ngay cái mình cần tính. “Cháu học lớp 3 rồi ạ, trường cháu ở ngay gần nhà”. Mười tuổi, có nghĩa là khoảng 1994, 1995. Chưa có gì đảm bảo là thằng-bạn-không-có-trách-nhiệm-liên-đới, mà mắt nhoc này sao cũng nâu nâu như thằng bạn nhỉ. Thôi chịu, đã đến nứoc này thì biết đâu hay đó vậy!

• “Vào nhà đi V, mình đưa T về thăm bác đấy. Chiều mai T phải đi rồi, mình có nghe qua mọi chuyện, thôi đừng dằn vặt nữa, bỏ qua đi”, động viên V. Không biết có ông hoá học gia nào đã phân tích hàm lượng vi chất của nước mắt đàn bà con gái nó composes những gì chưa mà sao gã cứ thấy đám này sịt sùi là rất sợ. “Lau mặt đi, rồi vào nhà chuẩn bị cho bọn này bữa canh móng tay chứ, sáng giờ bọn này đã kịp ăn uống gì đâu, em N đang đợi V về để đi chợ mà”, khuấy động cho đỡ căng thẳng. Nặng nề đứng dậy, con gái những lúc như thế này mới biết “xin hãy yêu một lần, và sẽ yêu cả đời”. Thằng bạn đã lê gác vấn an đáng-lẽ-là-mẫu-hậu đang bị ung thư giai đoạn cuối, V lặng lẽ lê gác ngồi cạnh thằng bạn ở mép giường, im lặng khóc.

• Câu chuyện quay về gần 40 năm trước. Đại học Tổng hợp Hà nội đi sơ tán về vùng quê cách Hanoi độ trên dưới 20 cây số. Một chàng sinh viên khoa toán người Hà nội yêu một cô sinh viên khoa Sử quê ở Hải Kiến (tên cũ của Hải Phòng, Kiến An) cùng trường nhưng kém nhau một hay hai khoá. Miền Bắc dốc toàn lực cho công cuộc thống nhất đất nước mà lịch sử đã đặt lên vai họ chứ không phải là những người anh em cùng bọc ở bên kia sông Bến Hải. Hình như anh sinh viên ấy tham gia vào một chương trình đặc biệt của quân đội sau khi vào lính, nên mọi liên lạc tạm thời gián đoạn. Cô sinh viên kia nhà theo Đạo chúa, đâu có người nhà di cư sau đợt Hải phòng 300 ngày đêm. Chiến tranh mà, anh lính cựu sinh viên kia nghe đâu là đã hy sinh vì lâu lắm chẳng ai có tin gì, thư đi thì bị trả lại vì hòm thư HT xxx không tồn tại. Chắc là cô ấy có đợi thêm một vài năm sau khi ra trường, nhưng vẫn bặt tin. Rồi con gái có thì, cũng phải chồng con thôi, rồi cũng tạm gác kỷ niệm ngày nào để lo cho cuộc sống đời thường. Anh lính kia được cử sang một nước anh em học tiếp, có để ý tìm lại người yêu nhưng không thấy, rồi yêu một cô học khác trường nhưng ở cùng Dome. Gần 30 năm sau, thằng con trai của người lính năm xưa, trớ trêu thay, yêu con gái của cô sinh viên khoa Sử năm nào. Mà sao thằng ấy nó giống bố nó thế, từ khuôn mặt, dáng đi, cách nói, kiểu cười. Chừng ấy thời gian chưa đủ xoá nhoà hình bóng chàng sinh viên, cô cựu-sinh-viên-khoa-Sử hỏi han thêm vài ba câu là phải uống-một-liều-an-thần nhè nhẹ suốt cả tuần lễ sau ngày hai thằng thanh niên Hà nội xuống chơi. Mặc cảm, và thêm chút ân hận nên có lẽ không nên gặp nhau nữa là tốt nhất. Một chỉ thị “con có thể yêu ai khác, nhưng cậu đó thì không, đừng hỏi tại sao con gái của mẹ”. Khoảng cách HN, HP những năm đầu 1990 là khá xa, thêm lời nhắc của bà mẹ nên cô gái nọ không dám bất tuân thượng lệnh. Thuỷ thủ tàu viễn dương vốn là niềm mơ ước của nhiều cô gái đất Cảng thời đó thì trồng cây xi cả hàng dài trước ngõ nhà cô. Chọn lấy người hình như là ưu tú nhất, và một đám cưới rình rang nghe đâu tổ chức ở khách sạn Duyên Hải sang nhất HP năm đó tới cả trăm mâm. Nhưng trời xanh thưòng ít khi che mát bóng hồng, thuỷ thủ xa nhà nên các em ở đâu cũng có. Con nhà gia giáo, nên dù có một bé gái rồi cô ấy cũng ra đi, đúng hơn là về nhà mẹ. Bí mật về “con có thể yêu ai khác, nhưng cậu đó thì không, đừng hỏi tại sao con gái của mẹ” chỉ được nói ra vào cuối năm 2005 khi bà biết đang ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư vòm họng. Uớc nguyện cuối cùng “mẹ muốn gặp lại T, mẹ muốn xin lỗi hai đứa trước khi mẹ được called home with Lord”. Cô gái tìm nhiều cách liên lạc với người yêu cũ nhưng chỉ nhận được sự im lặng - con trai mà, nỗi đau, thêm cả sĩ diện khi bị chối từ thường dai dẳng. Một ngày đầu tháng hai, có một bì thư DHL gửi từ Hải Phòng xa xôi đến đích danh Tiến sĩ đệ tam T trường ĐH Pari I. Trong thư chỉ vẻn vẹn một một băng cassette mini, một vé khứ hồi AirFrance mà cả chiều đi và chiều về HN-SG-Paris đều ở trạng thái open. Hình như chàng trai gốc Hà nội đó bị sốc sau khi nghe cuộn băng, giọng người ốm thường thều thào, nhưng rất tỉnh táo.

• Gã nhớ lại câu nói của một vị tướng già “ông ước giá nước mình được bao quanh là biển cả, sẽ không có chiến tranh, không có chia ly và nước mắt”. Dù ở miền Nam, hay trên đất Bắc gia đình nào chẳng có mất mát người thân trong giai đoạn 1946-1975. Khoan phân tích đúng sai, không ai có thể quay lùi bánh xe lịch sử. Người còn sống hãy cùng nhau xây lại, đừng đao to búa lớn chủ thuyết này, tuyên ngôn nọ; giản dị thôi: để bao giờ những đứa con của dải đất cong cong hình chữ S này đi ra khỏi đường biên không cần phải tốn thêm mấy chục đô la xin thị thực, hay lúc chìa cuốn hộ chiếu để nhập cảnh sẽ nhận được những cái nhìn trân trọng thay vì câu hỏi khiếm nhã như hiện tại.

• Rủ cô-nhóc-ngày-xưa đi chợ, “trẻ con không nên tò mò chuyện người lớn”. “Í, em sắp bà già đến nơi rồi. Cuối năm làm đám cưới anh phải xuống đấy, à lần sau cho chị xuống em xem mặt cái”. Con gái HP nói đến lắm, giọng chua lói, nghe một đoạn đường ngắn mà ù hết tai bên phải. Mày lại xui dại anh; chưa “dịch” cho nó hiểu mà đưa nó xuống nó tưởng chị mày là tập 2 của anh thì có mà tạm ứng phép của cả vài năm đi thanh minh cũng không lại. Đi đứng kiểu gì thê này, xe đạp tuột xích nhắc lên vỉa hè mà sửa chứ cứ giữa đường gạt chân chống rồi chổng phao câu lên lắp lắp gạt gạt là sao? Quần cạp trễ, áo thì siêu ngắn, da thì ngăm ngăm hở trọn bộ lườn với rốn với cái mác của xích-líp trông rõ phản cảm. Ngã tư chỗ bán hoa: 3, 2,1 đèn đỏ; thả chân xuống thì huỵch một cái. Mẹ khỉ, bọn này biết mình không phải thổ cư ở đây hay sao mà láo thế, ngoái cổ “đi kiểu.....” định mắng đi kiểu gì đấy chưa kịp xả hết tràng thì “ em xin lỗi, tại em nhìn thoáng thấy giống anh quá nên cố đi nhanh cho kịp”. Chả hiểu lúc sáng xuất hành vào giờ gì mà cứ dính loằng ngoằng thế này. “Ai đấy anh” cô nhóc N tò mò, “khách hàng chỗ anh mà”. “Anh chị đi đâu ạ?”, cô kia hỏi nước đôi sau khi 2 mụ đàn bà lườm nhau mấy phát đánh giá đối thủ. Khéo Mỹ đánh Iran mất, “Voici cô N em gái con bạn học cùng thời đại học. C’est mademoiselle H khách hàng chỗ anh làm”, nhà trung gian giới thiệu. “Bọn anh xuống thăm bác nhà bị mệt, em đi làm về?”, vừa đi vừa tránh các loại chướng ngại vật trên đường vừa nói. Đoạn này phải mở ngoặc bình luận một cái cho nó hạ nhiệt: ý thức đi đường của người HP thuộc loại bét Việt nam, xi-nhan phải rẽ trái là chuyện vặt còn đèn đỏ phóng vèo qua là thường tình. Ngày xửa ngày xưa bảo có nữ cảnh sát giao thông, trông xinh quá nên anh vượt đèn trêu hoa lá cành tí còn có lý, giờ hoá ra là ý thức kém chứ không phải đong đưa! “Em đi chợ chị ạ, rẽ phải anh”, cô nhóc N làm cán bộ đường lối. “Chiều anh gọi cho em nhé, anh còn ở lại lâu không”, ngập ngừng dừng lại. Chợ cá có khác, ông nào lấy vợ bán cá/bán tôm chắc ăn thì sướng nhưng lúc “ấy” khéo phải 1 tay bịt mũi vì mùi tôm/cua nó ngấm vào ngọc thể. Nhoáng nhoàng mua, tranh nhau trả tiền rồi cũng đủ cả cá bớp cả tôm cả mực. Trưa này thế nào cũng có thằng nghẹn mực, hóc xương cá bớp cho mà xem, thằng anh nghĩ!!! “Tít” một cái, “Anh xuống HP mà không nhắn cho em! H”.

• Cơm nước xong là gia chủ phải ngả lưng mấy phút, chơi khó 2 thằng đã quên tiệt thói quen này cả chục năm rồi nên đành ngồi phòng khách chuyện phiếm. Công chức Việt nam mình nhiễm trầm kha cái bệnh ngủ trưa. Ừ thì ngày trước mỗi phòng chức năng toạ ở một/hai buồng làm việc, trưa đóng kín cửa lại, cẩn thận treo thêm cái biển “đang họp, không tiếp khách” rồi các anh các chị cứ lấy mặt bàn mà thượng cũng chẳng ảnh hưởng mấy đến hoà bình thế giới. Dăm ba năm gần đây ồ ạt tìm vào óp-phít-biu-dinh, cửa kính trong vắt bốn bề sáng choang mà các chị các em váy hơi hơi hoặc vừa vừa ngắn vẫn giữ vững bản sắc văn hoá ngủ trưa mặt bàn, chân tụt giày chĩa thẳng ra ngoài, cũng có em duỗi chân khí mỏi nên làm quả chữ ngũ cho nó sướng, “ngoại” quần không phủ kín nội thất làm mấy thằng Tây vô tình ngó phải mặt đỏ dừ còn anh em nhà ta thì cứ đột nhiên có thói quen tụ tập ở sảnh sau giờ ăn trưa, chờ tay cầm cốc nước chè, mắt đáo qua đáo lại xem phim XXX hoàn toàn miễn phí rồi bình luận thả dàn fan của Audobe hay Troai-ờm. “Chiều tối về luôn chứ mày”, bạn thằng bạn ướm ý. “Có khi tao ở lại đến mai Q ạ, tao sợ đây là lần cuối cùng gặp được đông đủ cả nhà. Mày ở lại đến trưa mai được không, về HN rồi lên sân bay luôn?”. Đã phòng xa xin nghỉ 2 ngày nên “Pas de probleme! để tao book cái khách sạn, không nên ở đây đâu mày!”. Cái Time out của tờ VIR là đồ vớ vẩn, chỉ dẫn toàn chỗ ba lăng nhăng. Thì nhờ H lo hộ, đang thích được giúp cơ mà. “Em đi làm chưa? Anh có việc này nhờ em giúp được không? Em đặt hộ anh một phòng đôi, chỗ nào sạch và yên tĩnh, phòng không hút thuốc nhé, gần gần phố P thì tốt, một đêm thôi em ạ. Đừng nhét bọn anh vào HabourView đấy nhé, culi không đủ tiền trả đâu!”. “Em sợ anh không dám ở lâu thôi chứ tiền phòng chắc cũng có khối người xin trả trả thay anh mà không đến lượt đấy!”, con gái bây giờ cũng gớm thật.

• Nghĩ cảnh ngồi lại phòng khách “trực ban” cả chiều cũng ớn, với lại ngoại phạm nên chẳng dại gì involve rồi về sau vớ vẩn lại bị lôi ra làm nhân chứng nên “mày ngồi lại mà tâm tư cho hết chỗ dở, tối thì về khách sạn tao nhắn số phòng sau, nhớ là đừng có hiểu sai lời cụ Học là okay”. Xin phép 2 bác cháu đi công chuyện, T ở lại chơi nhé, rồi té thẳng ra mấy cái cafe bên góc kia Nhà hát ngả ngốn. Chỗ nào chiếu Video-cafe hồi xưa nhỉ, giờ chẳng nhận ra. “Reng reng”, điện thoại kêu “em đặt phòng cho anh rồi đấy, ở 11 tầng anh nhé. Anh đang ở đâu ạ?”, Thổ dân có khác, uống chưa hết cốc bột sắn đã thấy nhoáy nhoáy leo lên gác.”Anh đến công ty em nhá, tất nhiên là không luxury như chỗ anh rồi nhưng chắc cũng không đến nỗi quá tệ”. “Xin lỗi, anh xuống HP cùng anh bạn thôi mà, cũng muốn đến chào xã giao xếp em nhưng không tiện vì thăm khách hàng phải báo trước với boss bên anh, em thừa biết còn gì”, chối khéo. “Thôi, chê bọn em không qualified chứ gì, em biết thừa”. “Khổ quá, anh dám chê ai bao giờ đâu; toàn người khác chê anh đấy chứ!”. “Anh nhớ anh vừa nói gì đấy nhé!”. “Thì cũng một đôi khi chót quên thôi”, phải phòng vệ từ xa. “Chiều anh đã plan làm gì chưa”. “Chưa, anh đi hộ tống thằng bạn thôi mà”, buột miệng. “Em xin nghỉ chiều nay nhé”. Ơ, nghỉ hay đi làm thì ảnh hưởng gì đến cậu nhỉ, nghĩ thầm. “Anh nghĩ là không cần đến mức ấy đâu, nghỉ nửa buổi tuần sau anh nhận được cái Debit Note với time sheet tính cho Partner thì chết”. “Sao lúc nào anh cũng đùa, em không thích cái gì cũng dính đến tiền”, nhấm nhẳng. “Thôi được rồi, uống nước đi rồi anh về check-in, lát nữa hai anh em sang ngó hiệu sách bên kia cái”, lùi nửa bước. “Ở dưới Lạch Tray có hiệu sách mới mở hay hơn anh ạ, em đưa anh xuống nhé”, hồ hởi hẳn. Thì đi, ngồi đây nghe “cái nhà cô này, chỉ được cái hay LÓI, NÍ NUẬN” chối tai quá, con gái con đứa gì mà mồm ngậm tăm gẩy tanh tách ghê cả người, chân thu cả 2 lên ghế giữa ban ngày ban mặt ở chỗ đông người mà cứ như đang “quận công”, hết chỗ LÓI!

• “Anh đèo em nhé”, dí ngay quả chìa khoá vào tay. May HP cách Huế tới 800 km chứ không thì cũng rách việc, điện thoại di động giờ kèm thêm chức năng quay phim chụp hình có cả zoom nhan nhản. Lấy phònh nhanh, vứt vèo cái túi vào giường, lau qua cái mặt rồi té xuống. Qua cái cung văn hoá Việt Tiệp, hình như đã ghé đây một đôi lần thăm học trò anh Sự, chị Oanh ở câu lạc bộ nhún nhẩy hồi chưa ký án chung thân, chẹp chẹp, sao cái thời ấy lại hoành tráng thế! “Anh cười gì?”, “à không nghĩ ở đây lại có cái hiệu sách to thế này”. “Anh lại mắc bệnh khinh người rồi, sao không bảo thị xã Hải Phòng luôn cho nó tiện”. Cái giống con gái đàn bà ngấm nguýt là rất dễ chịu. Thì vào, sách cũng tàm tạm, sản phẩm của ông chánh chủ khảo Hoa hậu Tiền phong kia mà. Trên gác có cái quán Cafe khá thoáng, đọc sách ở chỗ này thì nhất mà chẳng có ma nào vào đuổi hộ con ruồi trên mép em đứng quầy đang mơ màng sướng. “Anh chua ngoa nó vừa thôi, giống kiểu của cái ông Xuân Ba, Nguyễn Việt Hà thế!”, nhói một cái cấu vai.

• Sách thì không đọc được, chẳng nhẽ ngồi nhìn đường à mà trong phòng có-lắp-điều-hoà-nhưng-không-bật thì hơi bí. “30/4 anh xuống HP chơi nhé, ở Đồ sơn có lễ hội du lịch đấy, anh đi được không em đặt chỗ”. Ối giời đi đâu chứ đi Đồ Sơn thì anh kiếu, xuống đấy nghỉ chay cũng bị nghi là ăn mặn, mà có khi tiếc của trời cũng ngả mặn thật chứ lỵ. “Anh sợ là không được vì tuần sau anh có trip oversea 2 tuần rồi”. “Con trai Hà nội nhà anh chối khéo thật đấy”. Sao em không nói cho nó sơm sớm, khoảng 4 năm có phải ổn không, giờ thì hơi trễ, lại thêm cái chẹp miệng. “Nóng quá anh nhỉ, hay hai anh em mình xuống Đồ sơn đi, đường đi tốt lắm anh ạ, ăn tối ở đấy luôn, em mời anh hôm nay nhé! Mà hay là xếp quen đi ô tô rồi giờ đi xe máy ngại”, khích bác. Đi cũng được, mấy khi mới được xông xênh, lại có mỹ nhân bên cạnh. Đường tốt thật, nhưng mà khí bụi, với lại quyết không lợi dụng địa hình đường tốt để phi nhanh, phanh gấp nên cứ tà tà – gì thì gì khoản tư cách cứ phải là lương khô. Sáng đi thế nào quen tay nhét túi cái Leica M6, đoạn vào chỗ khu 2 hay 3 gì đó đường mở bằng cách xẻ núi, lấn biển đẹp mê hồn. “Anh chụp cho em mấy kiểu ảnh nhé”, nổi hứng lãng tử. “Đẹp không anh, em xem ảnh nào?”. “Anh thậm dốt mấy cái món hi-tech, vẫn phải dùng loại cổ lỗ sỹ chụp phim em ạ, anh gửi ảnh xuống sau nhé”. Nắng cuối chiều không quá chói, cảnh đẹp, người xinh, tiếc là phim còn đâu 10 shots.

• Cũng đã không dưới dăm sáu lần đi nghỉ ở Đồ sơn, từ thời đi theo dạng con cán bộ được vào riêng khu 3 (cấm tiệt dân đen, ra vào phải có giấy phép). Ngẫm lại ông triết gia nào nói quần chúng chỉ là một dãy số 0000000000000000000000000 dài vô tận cũng chẳng sai mấy, cứ chêm thêm số bất kỳ khác lên đầu là biến tướng. Lần này mới biết ngoài cái Casino (mà muốn vào thì giúp 100K cho thằng sờ-cu-dí-tí là nó dẫn tồng tộc vào ngay subject mặt đừng hình sự quá, nó nghi) còn có cái gọi là Biệt điện Bảo Đại trên đồi rất rất đẹp. “Anh đi chậm thôi nào, em mà ngã là em bắt đền anh đấy”, sandal cao khoảng 5 cm vừa bám tay leo lên đồi vừa trách. “Mười nghìn/vé, có máy ảnh à, thêm 5 nghìn nữa”, nhân viên đầu nón chóp, chân xà cạp tỉnh bơ. Bố khỉ, em gái hướng dẫn viên người đâu trông mà xinh thế, thảo nào mấy năm nay hoa hậu cứ ùn ùn original Hải Phòng. “Máy ảnh của anh đẹp quá nhỉ”, em hướng dẫn viên phán câu xanh rờn. Cũng lại vớ phải quả “có nghề” đây, nhưng hôm nay không đong được vì chân hơi vương vướng, để lần sau nếu quả thật “hữu duyên”. Mấy cái ghế gỗ nhái kiểu Luis 18 rất hợp với biệt điện, “em ngồi đây anh chụp nào”, rồi đá nhanh “bạn muốn chụp hình không mình chụp cho”, em hướng dẫn viên vén tà ngồi cười như mẫu. Hậu quả của vụ đong đưa này là thêm một cái nhéo ngang hông, chưa là ớt mà đã thế này, thảo nào sư tử ở nhà một đôi khi gầm gừ kinh động phòng ngủ!
• Trong cái ồ ạt xây nhà “kiến trúc Pháp” với giá thiết kế “trọn gói” sáu triệu Việt nam đồng một biệt thự ở ven đô, hay tiếp thu di sản cha ông tiếp tục xây nhà ống ở những con đường mơi mới mở như Chùa Bộc mà mấy bạn nước ngoài lần đầu sang lắc đầu “chịu ko hiểu nổi” thì cách đây có dễ gần bảy mươi năm cựu hoàng Bảo Đại đ㠓tôi đi chậm, nhưng tôi không đi giật lùi”. Ai đó có dịp ghé thăm các biệt điện của hoàng gia ở Đà Lạt, Hải Phòng, nhà 51 Trần Hưng Đạo, (cố vấn Vĩnh Thuỵ chọn để ở khi ra Hà nội năm 1946) thì sẽ hiểu lý do cựu hoàng không thiết tha gì với điện Thái Hoà ba vòng cấm cung ở cố đô. Phòng khách và phòng ăn thường rất rộng, phòng ngủ là cứ chia đôi ta, bà hoàng riêng biệt. Ăn, và chơi theo cách của vị hoàng đế An Nam cuối cùng này cũng là điều đáng nể. Vị vua đầu tiên, chắc cũng là duy nhất vứt toẹt chế độ cung phi (hãm hại biết bao nụ hồng e ấp, làm khổ không đếm xuể đám trai làng, và chép miệng phí một đời (đã từng là) trai của các ngài thái giám) vào sọt rác. Như dân đen-một vợ thôi, ta chỉ có nàng, Nam Phương hoàng hậu ạ. Nhưng, chót sinh làm phận nam nhi nên trẫm (cũng bình dân như đám thảo dân đã, đang và chắc sẽ nhiều đời sau vẫn thế) cũng dăm bảy cô bồ (tự nguyện xin die), thi thoảng ghẹo bướm trêu hoa dọc đưòng thiên lý. Dẫu vậy, tròn trách nhiệm phu quân, vẹn chữ hiếu với đức Từ, và hình như đến tận cuối đời vẫn không có hoa/lá/cành nào có nửa lời trách móc thì quả là đáng nể! Trước, sau ngài kéo dài đến tận thì hiện tại đâu có thiếu nhan nhản những thằng có tí tiền, quyền, danh là ép uổng gái nhà lành, quẩn quanh sàm xỡ nữ nhân viên, điên loạn với những trò bỉ ổi. Tiện dân trọc phú đã đành, đến bậc quân vương như Lê Thái Tông mà còn bắt vợ của Ức Trai Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ vào mây mưa để rồi kiệt sức chết con mẹ nó trong khi hành sự ở Gia Lương, Bắc Ninh gây nỗi nhục đến muôn đời. Mỗi mùa vải chín, liệu oan hồn của ba họ Đại văn hào Nguyễn Trãi bị lũ quân như ^^^^^^^^^^, vương như phân, quan như mù kết án chu di tam tộc năm 1442 có được ngậm cười??? Tấm tắc khen cô Tấm thảo hiền, thật một đám a dua, sủa theo bầy đàn, sao không có “sir” giáo sư nào chịu khó lục lọi xem trên trần gian này có nơi nào man rợ đến mức lấy xác người (con Cám) ướp mắm rồi đem dâng cho mẹ nó ăn??? Ừ thì truyền thuyết, thế sao còn ngoạc mồm truyền đạo “dân tộc nhân văn”, luôn “lấy đạo nghĩa để thắng hung tàn”??? Thấy cái gì không vừa mắt (chẳng cần biết mắt mình có khi toét nặng, hơi hơi lác còn cận thị thì chắc chắn) là ngoạc mồm “đồ nhà quê” ý nói ta đây “dân thành phố”. Ô hô hô, lật lại gia phả hộ, không cần lâu lắm đâu, chắc không quá bốn đời thì cụ, kỵ “dân thành phố” chắc vưỡn còn prenom “con hĩm”, “thằng tí” đấy. Cái cảnh sáng sáng dắt chó đi dạo (đúng Tây học về nhé?), nhưng dạo cái khỉ gì, cho chó đi ị, mà gọi trần tục ra là đi ỉa đấy rồi kệ mẹ “mìn” chềnh ềnh cho những thằng/con đi bộ vô ý dính vào mìn nổ đánh “ối” một tiếng la - miễn là nhà ông sạch thì còn nhiễm nặng cái hàm lượng văn hoá tiểu nông, làng xã lắm. Nói thật nhé, những người Hà nội “thật” chẳng còn bao, tinh tuý của Hà thành hoa lệ đã chuyển gần hết vào Nam trong đợt di cư 1954 mất rồi!!!!

.... Ta còn em những ánh sao sa
Tia hồi quang
Chớp chớp trên đường
Toa xe điện cuối ngày
Áo bành tô cũ nát
Lanh canh, lanh canh
Tiếng hàng ngày hay hồi âm
Thủa chiềng khu ?

Ta còn em ngọn đèn khuy
Vùng sáng nhỏ
Bà quán mải mê câu chuyện nàng Kiều
Rượu làng Vân lung linh men ngọt
Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa
Những chàng trai say suốt bốn mùa ...

• “Le plus beau tango du monde c’est celui que jái danse’ dans vos bras“, những bản tăng-gô dịu dàng. Hà nội, năm 1986 đài Sharp 777 hay 999 chạy băng cassette là giấc mơ ngọt ngào với thuần ban BONEY M chát chúa. Lần đầu tiên cưỡi TU-134 từ Hà nội vượt mây vào Saigon hoa lệ, cái gì cũng lạ. Tiệm ăn (ơ, ngoài mình gọi là cửa hàng ăn uống, như Bò-Dê-Gà ấy trên Tràng Tiền hay Hàng Bông ấy) Maxims cuối đường Tự do (quen tên gọi cũ của Đồng Khởi) ăn kiểu gì mà mỗi người ăn lại dọn riêng một đĩa thế này? Những mấy loại rượu, thức ăn hết lượt mới đưa món mới chứ không như ăn cỗ ngoài mình ; đét-xe không hoa quả mà lại phô-mai (hồi ấy còn nghĩ là đang xơi bơ ướp lạnh, hê hê). Thì còn nhỏ, đi ké phụ huynh nên cũng chỉ dám lẩm bẩm một mình. Xong màn ăn uống, đám bạn hữu của phụ huynh, cả thế hệ F1 được cho đi ăn ké ‘để chúng nó biết nhau’ kéo nhau lên gác đăng-xinh. Bỏ mẹ, ở Hà nội đám ‘dân thành phố’ hậu sinh chỉ quen mỗi món gọi là “nhảy xếch“ du nhập bởi quý anh chị đi lao động bên Đức, Tiệp mang về chứ sàn pite, với ban nhạc live này thì ‘em chưa biết’. Con gái của bạn phụ huynh, đầm trắng thướt tha chìa tay mời. Xong phim, ‘tớ không biết nhảy đâu’, mặt đỏ dừ, miệng lúng búng. ‘Hổng sao mà’, giọng con gái Saigon thứ thiệt, cũng như giọng con gái Hà nội chuẩn và giọng con gái Huế gốc nghe xong gần hết câu là (cam đoan) các anh chết đứ đừ. Quả cũng không quá khó, mà cái kiểu ‘nhảy xếch’ này hình như là hơi bị văn minh. Một tuần kế tiếp được con gái của bạn phụ huynh phụ đạo, biết Rum-ba, Tango, Valse và Slow thì phải. Phăng-tê-di tàm tạm, ‘you đi rất nịnh đầm’, các nàng taxi-girls An, Diễm QueenBee thì thầm.Tiếc là giờ thì QueenBee trên Nguyễn Huệ đóng cửa mất rồi, sàn Liberty thì ban Khắc Triệu chơi ồn ào quá, Maxims đổi chủ, vũ nữ nhảy như cào cào. ‘Anh nghĩ phòng khách này không phải kê đồ như thế, có lẽ đây là dạng sảnh chờ, ăn uống xong có thể biến thành sàn nhảy, ban nhạc chơi ở góc này’, nhận xét về biệt điện Bảo Đại mới tu tạo ở Đồ Sơn. ‘Anh cũng biết dancing? Em thích classical thôi, nhưng ở HP không có nhiều nơi chơi nhạc cũ. Lần sau anh xuống em với anh đi dancing nhé, nhưng toàn người già thôi’. Bật cười, “anh cười gì thế, em nói thật mà”. Không, nhớ lịa khoảng mấy năm trước có cái sàn ở chỗ Cửa Nam chơi nhạc cũ, cô bạn rủ đi nhảy cổ điểm, thế là hai đứa lọ mọ vào. Nhác thấy toàn các bậc U50, hai đứa đi một bản, rồi cô bạn chui vào restroom “thoa chút phấn”, một mợ U50 trông cũng phốp phát lả lướt đến chìa tay, ừ thì một bản Rum-ba, trong sàn chuyện mời nhau “đi một bài” là rất bình thường. Hình như mợ này hơi cố ý va chạm, toàn vào khu vực 16m50 thì phải. “Mình đi với em một bản nữa nhé, mình nhảy dễ thương thật đấy”, U50 áp sát ngực thều thào. Ối giời ơi, em xin mợ, em không phải là trai-nhảy. Lợm giọng, xì-tóp ngay vọt ra ghế ngồi đợi cô bạn ra rồi kéo cô bạn chạy một mạnh. Vừa ngồi ăn ở Vườn ẩm thực vừa kể lại chuyện nường U50, cô bạn cười chảy nước mắt!!!! Đúng là có lắm loại trẻ không kịp chơi bời, về già sinh đổ đốn.

• Có đi xa mới thấm đất nước mình còn nhiều chỗ thật nghèo, tờ bạc 200 đồng vẫn được người ta vuốt thẳng gấp làm đôi nhét trong túi áo cánh rồi kẹp kim băng lại. Rừng xơ xác, đâu có mấy cây lấy gỗ lâu năm nữa còn biển thì rõ là cạn kiệt bởi lối tiêu diệt cá bằng mìn. Nhìn bề nổi, đúng đời sống của đại bộ phận dân cư cải thiện nhưng ai sẽ phải è lưng ra trả nợ cho các khoản vay ODA mà hiện phần lớn đang ở trong thời gian ân hạn? Cái lớp váng bề nổi ấy, như nước béo trong thùng nấu phở chẳng phần lớn đi từ chuyện nhập nhèm địa ốc, cắt xén back lại từ các contracts tài trợ bởi vốn vay và equitisition - mỹ miều thôi, thực tế một số không nhỏ là bán rẻ, chuyển thành sở hữu tư? Thực lực còn gì nữa nhỉ, ngoài dầu mỏ thềm lục địa phía Nam hầu như chẳng còn gì ngoài chuyện gia công, thực chất ra là bán sức lao động với giá bùn trong dệt may, giày da, lắp ráp linh kiện. Tại sao thế, IQ của dân mình chắc không quá tệ dù không nên lộng ngôn, thiển cận, chăm chăm nhìn vào mấy đám gà nòi chăm bẵm từ lúc hết cấp 2 để đi thi quốc tế rinh về một mớ vàng, bạc rồi hùng hồn “trí tuệ Việt nam nằm top cao nhất thế giới”. Tính đố kỵ quá cao, cái tôi to quá nên không ngồi cùng mâm mà làm, ăn sau nhé (xin lỗi), được. Ta phải hơn họ chứ, nhưng ta đếch có passion, mà chỉ chăm chăm nhìn thằng nào có tiềm năng là “đạp cho nó chết” để ta yên vị cao hơn nó. Ngồi bàn thảo, có thêm một anh mũi lõ chair là đâu vào đấy dù nhiều thằng mắt xanh cũng chẳng hơn đếch gì mình chứ cứ cả đám đầu đen là thành chợ. Có nỗi nhục nào bằng khi cuối năm tính thuế PIT thì thằng mình lại phải è cổ nộp thuế thân ở mức cao hơn nhiều lần so với mấy thằng “người nước ngoài” dù đấy là Indô, hay Phi, hay Cam-bốt. Dự thảo thuế thân đang ì xèo định cắm mốc lộ giới 1 triệu đồng một tháng thay vì năm triệu như hiện tại, khốn nạn thay cho cái “trí tuệ Việt nam” ở thượng tầng kiến trúc, phú quý tụi dốc lùi số 4. Thằng có tóc, thu nhập “ngầm” cao ngất thì không (hay đếch dám) tóm, tóm đám tóc lơ thơ. “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hoá ban cho họ những quyền bất khả xâm phạm – man was born to be equal...’, i-quờ ở cái xó nào? Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, hảy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc, ôi đám youth mộng mị kia, you có biết ai nói câu ấy đầu tiên không mà sống sượng truyền khẩu nhau hò hét, của J.F.Kennedy, tổng thống Hoa Kỳ năm 1963 đấy ạ!!!!!!!!!!!!

• Tháng Năm mà âm u như cuối thu, đầu đông rõ chẳng thuận mùa. Hơn chục hôm trước nhà giời động cỡn còn bấm nhầm quả remote control thời tiết, chuyển từ “warm” sang “cool” mode làm chị em hí hửng lục tủ mặc nốt chỗ dở bộ vest mới may dịp Tết năm con chó. Ngọc Hoàng mà cứ nhầm nhọt kiểu này là dân Nam chúng con khổ lắm, cóc-nhái bị bọn thuốc trừ sâu Tàu xịt chết ngóm hết cả rồi (riêng đám sâu mọt, cả bóng và đen nghĩa, thì vẫn nhe răng cười cợt) biết lấy ai lên kiện ngài đây? Nếu ngài có kiêm nhiệm giám quản cả xứ Kim Chi(ie chắc là biết văn hoá chịu trách nhiệm và từ chức của người Hàn) thì xin đánh cho ba hồi sấm “ta nhận trách nhiệm bấm nhầm” để đám “đầy tớ” hạ giới dưới này ngõ hầu tỉnh cái u mê, vớt vát lấy tí ti tự trọng còn rớt lại sau những trận mây mưa gái cả tơ cả nạ dòng, rượu (XO) thịt (thú rừng) tràn mâm, phong bao khi mỏng khi dày nhưng nhất nhất đơn vị tính chỉ hoặc “oi”( EUR) hoặc “u-ét” (USD) hay nhẹ hơn là tờ chứng nhận cổ phiếu cỡ bàn tay nhưng quy ra thóc có lẽ phủ kín mấy chục phân trên toàn đất Việt. Vô cảm, tham quyền, thậm dốt về QUAN trị mà vẫn nhất quyết chổng mông vào dư luận thì đến bao giờ mới “sánh vai với các cường quốc năm châu”? Bữa ăn tối, cả nhà quây quần thì đúng lúc VTV phát cảnh nạn nhân bão Chan-chu, nuốt miếng cơm mà đắng nghẹn với những lời giải thích của cả lũ “nắng mưa là việc của trời, chúng ông dự báo tạm thời thế thôi”. Cà phê sáng, thấy lao xao toàn “mới ký mấy cái hợp đồng, hơn tỷ”, “nhà hàng xóm đang rao bán 40 triệu/m2, nhà mình độ hơn trăm mét, mới xây năm 2000 đang định đập đi xây lại”, “bồ vừa mua tặng bộ underwear Audobe, có mỗi triệu sáu”, “hôm qua đi Spa ở Qui, sáu chục (đô)”, “chị làm tóc ở hiệu Thìn, hơn triệu đấy”... mà đánh giày 3 nghìn, thằng nhóc sáng ra chưa có 1 nghìn trả lại cho 2 tờ 2 nghìn “chú cho con nợ mai con đánh nữa” là gầm gừ “sáng ra mà mất dông”; tờ báo giá gốc 1.900 đồng, “anh cho em xin 2 nghìn rưởi” thì “mẹ, ăn lãi đ. gì mà ghê thế”. Đi làm sớm, ghé số VTV gửi ít tiền lá lành sẻ chia lá rách, thấy hình như những bài học về đạo lý ngàn lần không phải từ miệng những kẻ mũ cao áo dài đạo mạo mà trong bụng đầy uế khí; bài học ấy âm thầm, nhưng đủ sức tạo thành hệ miễn dịch từ những người dân bình thường, góp vài chục ngàn - bằng tiền công lao động cả ngày- chia xẻ với những người cùng bọc 50 đứa lên rừng theo cha, 50 đứa xuống biển cùng với mẹ. Hình như ta nợ cuộc đời này nhiều quá? Nhạc Trịnh nghe lâu lâu một chút cũng nặng nề, nhưng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi...”, của cho là còn mãi!

• Đi cắt tóc, một tiếng nghỉ trưa là đủ. Hơn chục năm rồi mất tiệt cái thú cắt tóc vỉa hè, Quang Trung hoặc Thái Phiên đều rất ổn, vừa lách cách kéo vừa tán phét. Khoản cạo bằng dao lam bây giờ có vẻ vệ sinh nhưng mất hẳn cái sướng như cạo bằng quả dao cạo chuyên dùng ngày trước, liếc liếc mấy phát trên miếng da trâu. “Anh nghiêng sang phải hộ em cái”, cậu thở trẻ vặn cái đầu. Thì sang phải , rồi “Em ơi là em, sao em lại rửa bát ăn vào cái la-va-bô gội đầu?”, thấy mấy con ranh thợ-phụ-gội-đầu vừa ăn rượu nếp, chè xong thượng mấy cái bát vào chỗ quân ta kê đầu nhoay nhoáy rửa. Khốn nạn, có khách mà nó dám đem bát vào rửa thì khi vắng khách nó dùng chỗ ấy giặt tất, hay cả quần con cũng bố ai mà biết. Như dạo lâu lâu rồi đi uống bia “tay vịn”, vừa ở toillette nam ra nghe được mấy con ca-ve phòng kế bên rúch rích, mỉa mại, “cái thằng tao ngồi già mà còn ham, chết vì l., hí hí” trong khi ngồi bàn thì nức nở khen mấy bác già “anh đẹp lão quá, anh vẫn phong độ quá”. “Có NÀM sao đâu, bát sạch í mà”, tiên sư nhà chúng nó chứ, lại còn dám cãi. “Ở nhà chắc em dùng chậu rửa bát để gội đầu nhỉ? Mày gọi quản lý ra đây cho anh”, với bọn vô luân này phải trị đến nơi. Chắc thế nào cũng có con sẽ bị trừ tiền lương tháng này, rồi sẽ có vài con lầm bầm chửi sau lưng, đây không chấp! Đời sống khá giả đi lên thì luân thường đạo lý lại tụt lùi theo chiều ngược lại, thật giả nhan nhản chẳng biết đâu mà lần duy có mỗi tiền mình bỏ ra thì chắc là tiền thật. Ông cà phê Trung Nguyên ra rả rao giảng thương hiệu Việt, ấy thế mà dám hiên ngang cung cấp cà-phê-chồn để các Trung-Nguyên-coffee bán cho thực khách giá 15 nghìn VND một tách. Mẹ khỉ, nếu mà ông Đ.L.N.V và cả lũ đệ tử từng kéo nhau lên Tây Nguyên mở hội thề có cả voi vài năm trước đây đi lùng khắp Việt nam nhặt phân-chồn (bạn đọc đúng đấy, từ phân-chồn người ta đãi ra lấy hạt cà phê, rồi đem rang/xay vì chồn chỉ chọn những trái cà phê chín, ngon nhất để ăn) thì khéo cũng chẳng đủ lấy vài chục ký lô cà-phê-chồn “thứ thiệt” một năm để cho chính các vị nhấp môi. Hennessy XO, Remmy Martel XO loại 1 lít mua ở Duty Free Phú-lang-xa chưa lần nào dưới trăm EUR, miễn không tính công chuyên chở thì rẻ lắm cũng phải gần hai triệu; thế mà vào mùa peak-time Tết âm ra Hàng Da, lên Hàng Buồm vưỡn đứng im triệu rưỡi. Có thằng đếch nào uống mấy đâu, rượu là cái cớ để nhét phong bì chúc Tết. Rượu nó đi vào cửa trước, nhưng độ mươi ngày sau nó lại ra bằng cửa sau, di-tơn lại quầy hoặc Hàng Da, hoặc ra Hàng Buồm để rồi lại tiếp tục chu trình recycle cho đến khi nào bung nhãn, hay rách vỏ hộp. Vĩnh biệt Johny Walker, chuyện hài chảy ra nước mắt của Hào Hải, nghe đâu đã chuyển thành phim, cũng bắt đầu từ một chai Giôn-đen như thế.

• “Em chưa được đi Huế bao giờ cả, xem phim Những ngọn nến Hoàng cung thấy người Huế hơi lễ giáo”. Buột miệng, “cuối tuần sau bọn anh tổ chức một buổi MICE ở Huế, nếu thích thì anh nói bộ phận Admin mời dự, workshop một ngày thôi, còn 2 ngày thả rông”. “Thế ạ, thích quá, anh hứa rồi đấy nhé”. Ơ hay, hứa hẹn gì đâu. Anh là chúa kiệm lời thề thốt, hứa hẹn vì thấy thiên hạ thề cũng nhiều (tầm thề này là cao hơn hứa rồi còn gì), đại để: “anh thề với em là ngoài em ra anh không có ai khác, không tin anh làm con chó”; “em thề với anh em không làm gì sai, nếu không em không bằng con chó”.... mà nếu có hiệu lực ngay tắp lự thì có khi dân số Việt nam đã giảm đi tương đối còn tỷ lệ “gâu gâu” đi bằng hai chân sau, chân trước kẹp mô-bai alố alồ ‘anh ở phòng ABC, nhà nghỉ XYZ” - có dễ làm ông Đác-uyn phải đốt thuyết tiến hoá rồi xin cáo lỗi với bàn dân thiên hạ Việt nam ta - tăng đột biến, rồi liên hiệp xí nghiệp thịt cầy Nhật Tân khỏi lo nguồn cung mỗi dịp cuối tháng, hết năm.

• Thực lòng mà nói Huế không hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên, nó như một cô gái đẹp con nhà lễ giáo so với mấy em người mẫu thời trang, càng quen lâu càng mê mẩn như uống phải bùa yêu thuốc lú. “Áo trắng hỡi thủa tìm em chẳng thấy, nắng mênh mang mấy nhịp Trường Tiền...”, thơ Xuân Diệu thì phải. Cầu mới tu tạo, tối tối sáng đèn mấy màu khá đẹp nhưng đau nhất là cái tên bị sửa rất thiếu hiểu biết “cầu Tràng Tiền”. Khốn nạn, đất thần kinh mà còn dốt nát đến mức không phân biệt nổi “Trường Tiền” và “Tràng Tiền” thì cái văn hoá đọc cũng đến hồi tha hoá. Tha hoá như ca Huế “xưa” với đám thuyền rồng ca thập cẩm bốn chục ngàn đồng một vé tối tối trên sông Hương như nấm sau mưa mấy năm nay. Hà Nội có phố Tràng Thi, ối la la nghĩa nó là gì, hay các vị nghị viên (VIÊN nhé, đừng nhầm thành VIỆN lại hoá sang chính em chính trị rất mệt) khi mất trí giơ tay biểu quyết (biểu quyết sai, tôi bạo miệng gọi là mất trí, thay vì nhất trí) chuẩn y tên phố không hiểu rằng xưa xửa xừa xưa chỗ Thư viện Quốc gia là một trường thi, giờ thì “...đường Trường Thi không chõng không lều, không ông nghè bái tổ, vinh quy...”. Khách sạn Saigon Morin đắt quá, dù rõ là sang và đẹp đấy. Thôi ta chọn Hương Giang, chiều tối lên tầng thượng ngắm sông Hương cũng ổn. Cafe có nhạc live ở 15 Bến Nghé nho nhỏ, ấm cúng rất Huế, ban nhạc có cả piano, cả violon và ghita rất được. Nhạc Trịnh là chủ yếu, Huế mà, có 1 em ca sỹ gốc Hà nội gặp đồng hương hát “Hà nội mùa thu”, hình như vừa hát vừa dụi mắt!

• “Anh cho em đi xem ca Huế hôm nay nhé?”, sau bữa chiều ở cơm ông Táo cay chảy nước mắt dù đã dặn nhà bếp cho vừa tay nước màu và ớt. “Con gái không được đi, biết ca Huế “thật” là thế nào chưa mà đòi đi?”, rõ giọng bề trên. Thì cũng đã từng hơn một lần ngủ đò, suýt một lần chỉ còn xà lỏn lên bờ nên ra oai thế thôi, nó mà biết nó cười vào mũi cho là cũng-đã-từng-rất-ngốc. “Lênh đênh một chiếc thuyền nan, một cô con gái một quan đại thần” là hình ảnh xưa về ca Huế. Đã lên đến bậc “đại thần” thì của ngon vật lạ cũng đã nếm đủ, vả tầm tuổi ấy “làm ăn” gì được nữa nên chắc tuyệt không có chuyện mây mưa mà chỉ là sáo-đàn-ca lãng tử. Thất truyền mấy chục năm kể từ nền Cộng hoà đệ nhất cho đến tận sau đổi mới nên như giống dưa lê ông Của thơm ngọt ngày nào giờ thoái hoá tiệt, ca Huế hoặc thành dân ca thập cẩm, hoặc thành chốn “đèn đỏ” mà ông nào chót dại nghe ngon nghe ngọt chui lên thì lúc xuống thuyền may ra còn được cái quần dài, không gửi ví da, đồng hồ, kính, bút lại cho “nhà đò” thì chắc dễ về thăm Hà Bá-giữa dòng Hương Giang, em buông mái chèo, mời anh bơi vào bờ, thì có đến ông nội anh cũng chịu!!!!! "Anh không đùa em đấy chứ", ngây ngô hỏi. Khổ, ai nên không chẳng chót dại vài ba lần???

• Cạnh phòng vé VietnamAirlines trên đường Nguyễn Huệ (Sài gòn) có một phòng trà nhỏ có tên cũng khiêm tốn Coffee 112. Khoảng 1995 nó là một dạng Cafeteria, hình như tên cũ là Planet. Chắc là hàng xóm của tiền bối Thiên Thai lừng danh với những Thái Thanh, Thanh Thuý, Lệ Thu trước 1975 nên nó vẫn vương vất hơi hướng phòng trà trước ngày giải phóng. Bìa trí nhã nhặn, đèn vàng vừa đủ sáng hắt ngược lên tường, bàn ghế nhỏ xinh đủ để khách ngồi không ngả ngốn, nhạc trữ tình hàng đêm nghe rất vừa tai. Chỉ tiếc người nghe, thính khách chăng, không còn mấy hào hoa như những gì của phòng trà ngày xưa được-nghe-kể-lại: đi phòng trà là ăn mặc rất sang, nước hoa thơm vương vất, mọi người rì rầm trao đổi đủ nghe và gentlemen khi phả khói thuốc là kín đáo cúi người tránh làm cay mắt người đối diện. Giờ thì cả quần cụt, cả bộ đồ ở nhà loạt quẹt dép lê xô cửa đi vào, volume nói chuyện thì như ở quán bia hơi còn khói thuốc thì ông mặc kệ mẹ chúng mày thằng nào sợ ung thư phổi thì biến ra chỗ khác. Paradise Cafe tầng trệt Rex Hotel có vẻ thoáng hơn, nhưng chỗ ấy trước là sàn nhảy- lừng danh với những nàng vũ nữ mặc áo dài Việt nam, quá độc đáo- nên nghe nhạc hơi bị loãng. Hơn chục năm trước hòn ngọc Viễn đông cũng chỉ có vài ba nơi: Thanh Niên và Blue Ginger chứ đâu sẵn như vài ba năm trở lại đây. Thanh Hoa hát nhạc Pháp vẫn tuyệt hay, “Je t’aime....”, tiếng thầm thì rất nhẹ ngày nào!


Hát nhạc nhẹ là phải dùng tiếng Bắc thì mới ổn, không tin bạn thử để ý một vài lần xem? Có một cô bạn ca sỹ, ngồi nghe nàng hát thì khối ông xin chết nhưng nghe nường nói thấy cứ ngang ngang thế nào ấy, mãi sau thân hơn mới biết là họ học luyện thanh rất kỹ nên có thể luyến láy ở rất nhiều âm vực. Một nam ca sỹ lên bục diễn với “Yêu và mơ” của Văn Phụng, nhạc rất xưa: “ anh yêu nhất đôi môi hồng/Yêu đôi mắt xanh mơ/Anh yêu tóc em buông dài/Yêu em tình ngất ngây. Anh yêu mãi đôi tay mềm/Yêu em lúc em đan/Anh yêu tiếng ca êm đềm/Khẽ hát câu dịu dàng...” Người tình trong mộng rồi ông ạ, em vừa đẹp vừa ngoan vừa đảm như thế chắc dễ chỉ có trong tiểu thuyết của mấy ông lãng tử. À mà không, dịp đông năm cũ Hà thành mình chẳng rộn ràng các nàng, các em ra Đinh Liệt mua len đan áo còn gì? Khoản này khối anh Hai Saigon ấm ức vì không có cơ như quân ta miền xứ lạnh. Cảnh các em nhìn khá stylish ngồi trên yên ET8 nhoay nhoáy đan khăn đan áo giả tỷ không cho chàng thì cũng luyện chữ công, mà gì thì gì thế nào quân ta chả được thơm lây không cái áo len dài tay made-to-measure thì cũng tấm khăn quàng vừa ý. Có thể ngày mai dưới 10 độ đấy, nhưng mặc cái áo, quấn cái khăn của nàng đan thì trời xám xịt kia cũng chả là cái đinh gì, hình như cạnh cái âm ấm của len còn có cả cái tình của người đan áo gửi vào trong đó. Một đôi lần vào Huế dịp đông, dấm dúi nhét vào vali kéo cái áo len cao cổ không còn mới, gần chục năm rồi còn gì, vào đến Phú Bài mới dám lôi ra mặc, thế nào hôm ấy ở cố đô cũng có người miệng cười mà mắt thì ngân ngấn.

Phàm ở đời dốt trong lĩnh vực gì mà lại vô tình vướng phải là rất khổ. Nhạc giao hưởng, đại loại là nghe mà đếch thể đoán được lời chứ mấy cái ông wordsless music - nhạc hoà tấu thì không phải là quá khó - chẳng hạn, ngồi nghe chừng 20 phút là díp mắt lại vì ... buồn ngủ quá. Bản công-xét-tô cung đô trưởng.... (chắc là viết sai đấy, mù chữ trong mảng âm nhạc bác học này mà) nghe em MC giới thiệu mà lùng bùng cả hai lỗ tai vì rõ là bản tin Việt ngữ mà không hiểu. Thi thoảng bị gửi đích danh cặp vé mời, thêm cái note “anh đón em ở nhà/dưới sảnh...” là sốt rét, mấy lần rụt rè đề nghị thôi cho anh miễn thể loại này mà nhất nhất là không được. Không hiểu thằng chết vợ nào nghĩ ra cái áo vest làm khổ bọn ông bốn mùa nắng mưa đều phải khoác, đi nghe hoà nhạc thì đúng điệu lại phải “bow tie” mà trong cái dress required ở thiệp mời đôi khi chơi chữ “black tie dinner” làm khối ông lật nát từ điển Ănglê-An-nam tra nghĩa. Cũng vì cái sự học hành nó khuyết nhiều nên xã hội mới sinh khập khiễng. Chuyện mặc thôi, nó thiết thực và dễ thấy.

Ấn tượng đầu tiên gặp một ai đó là gì nhỉ, có lẽ là đôi giày và tất. Hình như không ở đâu mà MEN lại đi tất trắng với giày đen bi-dơ-nít-xu như xứ mình. Ừ thì giày trắng, hay thể thao tất trắng đã đành, giày đen bóng lộn mà tất trắng vớ vẩn gặp ông xăng-pha-nhớt xứ sương mù là toi đấy vì thời trang này là dành riêng cho nhóm HiFi. Lại có chuyện hình như sang hè nên thôi làm đôi tất ngắn quá mắt cá chân cho nó mát, chả sao đâu trừ phi lúc ngồi vắt chân thì hơi phản cảm đoạn cẳng chân trần. Com-lê bảnh phết, thế mà lại đeo đôi giày mốc thếch, có khi còn hơi há ^^^, buồn! Các nường nhà mình cũng đâu ngoại lệ. Vi-ô-lông chân gần bằng quân tử (cổ nhân có câu quân tử lông chân), đi tất da thì khí nóng nên ta cứ chân trần xỏ cao gót, anh em nhìn mà con-lợn-lòng cứ réo ầm đòi xơi “ấy”. Hè này mốt sandal cao gót thì phải, mấy thằng bán hàng tư vấn đểu quả lót thêm miếng kim loại chống mòn đế sáng sáng trưa trưa chiều chiều hành lang không trải thảm rền vang tiếng rít kim loại cọ vào sàn granít nghe buốt óc. Có em chơi nổi, chắc vừa mua được mấy đôi tất lưới nên mùa hè đem diện cho thiên hạ nó biết vừa mua bên Thái. Mẹ, đàn ông đứng đắn đến mấy mà nhìn quả chân trần, tất lưới kiểu này thì cũng nảy sinh tư tưỏng “ngõ chạm”, hay đánh vần chữ “xem”. Mà rồi có gì xảy ra thì lại lu loa “bị lạm dụng tình dục”, đúng là vừa ăn cướp vừa la.

( còn tiếp )
 
Chỉnh sửa cuối:

benQcar

Xe đạp
Biển số
OF-1295
Ngày cấp bằng
14/8/06
Số km
12
Động cơ
574,455 Mã lực
Tuổi
68
Super_FOX nói:
lại copy bên SV rồi :P
Kính các bác một ly(b) . Em đã có lời mở đầu rồi bác ơi.

Có thể sẽ dễ đọc hơn nếu chia truyện ra thành nhiều phần nhưng em lại không làm thế. Cái hay phải nằm trong sự kiên trì. Đúng là sẽ có nhiều quan điểm và đánh giá khác nhau. Em chỉ nói với em đây là Truyện đáng đọc nhất trong năm nay thôi bác Tungrau ơi. Cảm ơn bác đa vote em.




• Cái áo không làm nên thầy tu, ai cũng biết. Nhưng linh mục mà không áo chùng đen chắc một điều không dám đứng ra chủ lễ, hay ban phước. Ngoài đường nhộm nhạo nên tự khép mình, một cách tự vệ ngẫu nhiên. Nhà nào bây giờ cũng lo làm cái cổng rõ to, hàng rào chằng dây thép gai chưa đủ, thêm tua tủa mũi giáo chĩa ra ngoài cho nó chắc. Cảnh “nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn” lâu lắm rồi đã là hoài niệm. Hàng xóm sát nách nhau, hôm nào cũng gặp, cũng chào mà hỏi tên là gì thì lắc đầu ngượng nghịu “không rõ lắm”. Giả tạo gần hết, rồi tự bao biện. Ý thức tự giác chưa cao, học hành thừa lý thuyết gia thiếu thợ pro quên hẳn khoản lễ giáo; hình như có điều gì đang vỡ vụn!

Đám báo cũ vứt lỏng chỏng dưới nhà, cuối tuần dọn tống ra thùng rác. Bác chè chai đi qua, “cô bán cho tôi chỗ báo cũ”, “cô nhặt được gì thì nhặt, cháu định tối đi đổ rác mà”. “Phí của, thế thì cô chú cho tôi xin, để tôi mang cả đi cô chú không phải dọn đâu”, rồi nhanh nhảu quét quét lau lau cả góc sân. Mây hôm sau về nhà thấy nhóc con đang hí hửng gặm khoai lem nhem cả miệng, “bác chè chai đem cho ít khoai lang đấy, em ngại quá, ko nhận nhưng bác ấy cứ dúi vào nhà”. “Mấy đứa cháu nhà tôi thích quá, chúng nó bảo báo tiếng nước ngoài này đắt lắm, cô chú tỉnh thoảng cho tôi xin đem về cho các cháu nó học”, mẹ nào nước mắt chẳng chảy xuôi nhưng vắt kiệt sức làm tất cả mọi nghề lương thiện để nuôi lũ F1, F2 học hành (hy vọng là những đứa ấy sẽ học thành người) thì chắc chỉ người Việt mình mới có. Lâu lắm rồi, hồi còn ce’libataire hè về Huế, taxi đợi mãi không có nên hai mẹ con phải đi xích lô từ ga Huế về nhà ông bác cho kịp “thời” cơm chiều, nhìn bác đạp xích lô già gấp vội cuốn “Thiền Luận” của Suzuki rồi “mời bà, mời chú” mà choáng váng. Cựu giáo sư trường Khải Định-giờ là Quốc học Huế-vì chuyện gì đó nhất quyết không thèm cong lưng, đốt gần hết sách rồi ra ngoài đạp xe kiếm cơm cho cả nhà. Giọng Huế nên nói tiếng Francais là số một (nhưng Anh ngữ là rất tệ vì hụt hơi cuối từ), cựu nữ sinh Trưng Vương áo tím Hà nội đàm đạo với hiện-tại-thì là bác xích lô bằng chất giọng nghe-nói-lại của dân Pa-ghi-xiêng mà như gặp cố nhân, lúc trả tiền còn lựa đồng bạc mới nhất rồi đưa bằng cả hai tay. Giờ thì người-Tràng-An đâu hiếm cảnh các nàng váy ngắn chân dài thơm nức nước hoa ăn xong miệng ngậm tăm hiên ngang đi ngoài đường, chưa kể có lúc còn xỉa tanh tách trước mặt người khác trông rõ con nhà thiếu dạy. Ừ thôi đấy chắc là người “Hà LỘI gốc hàng” chứ không phải “người hà thành gốc nội”. Một thống kê không chính thức nhưng đáng tin cậy là trong dăm năm trở lại đây, các vụ giao dịch nhà đất khu vực phường Hàng Buồm đều diễn ra với các tân chủ nhân từ xứ Lạng về.

• Lâu lâu không có dịp cho nhóc con đi chơi, cuối tuần nịnh đầm cho sư tử mẹ + Nấm con cà phê cà pháo cuối chiều. Highland đang định frenchise hay sao mà bung ra khá nhiều, Cột Cờ cũng có, thêm cái bập bềnh trên đường Thanh niên nữa. Một khá đông ai đó lao xao ca tụng Hà nội mùa thu, nào hoa sữa, nào heo may ăn theo bóng ông đàn sỹ Hồng Đăng. Vớ vẩn, hắc thấy cha thấy mẹ chứ ngọt ngào cái khỉ gì, toàn tưởng tượng chứ đã mấy thằng đếch nào experienced thử khoảng một vài ngày liên tục ăn/ngủ/nghỉ/làm việc cạnh cái cây của nợ này chưa mà đua nhau nức nở. Mấy thành phố trẻ ranh mới lên hạng cũng đua nhau trồng, độ ba bốn năm không ngờ cái giống tưởng-là-dân-thành-phố này lớn nhanh như gà công nghiệp, tiết thu hoa trắng xoá phun mùi vừa nồng vừa hắc chẳng ngọt ngào như nghe-người-ta-nói-thế tức quá vì bị tuyên truyền lừa ông vác dao chặt tiệt. Gã thích mùa hè, chẳng việc gì phải e ấp đỏng đảnh sáng lạnh chiều chói chang khô da nứt mặt. Cứ nồng nàn như mùa hạ với tím ngắt bằng lăng nước, đỏ lửa phượng và râm ran ve, cuộc sống cần những lúc cháy hết mình.

Hồ Tây chiều nắng linh linh như dát bạc trên mặt nước. Thiếu thiếu cái gì đó, vương vướng cái gì bận mắt, à bơi thuyền ngày xưa của một thời trai trẻ. Mấy con vịt đạp nước kia, mấy cái thúng không ra thúng, bồn chẳng ra bồn thêm người bơi phải đeo cái áo phao vàng choé kia liệu có phải là đề tài khoa học cấp nọ cấp kia không. Làn dân đen không có mắt thẩm mĩ đã đành, đến cái tầm quản lý của cả một vùng đẹp như khu này mà còn vừa cận thị, vừa mù màu thì còn khốn gấp vạn lần cái bọn sơn lại tháp Rùa, phá dinh đào Nhật tân bán rẻ như bùn cho lũ Inđô.

• Ngày ấy chưa xa, Hà nội của bọn mình thanh bình và êm ả lắm. Ngoài đường lác đác xe máy thôi, đa phần đi lại là xe đạp, và tàu điện. Chiều hè ngớt nắng nam thanh nữ tú rủ nhau lên dốc Cổ Ngư bơi thuyền, sau đấy bánh tôm mà hình như bánh ít còn nước thì nhiều. Thuyền lá mỏng manh, nếu không nhầm thì làm bằng nhựa với chỗ ngồi vừa vặn đủ 2 người nếu duỗi chân ra một chút là bọn trẻ bây giờ đặt tên “ngõ chạm”. Mái chèo cùng nhẹ, dài thon vút đủ khi cần riêng tư thì tách tốp, khi gần về có thể dồn toa. Con gái Hà nội cuối những năm 1980 ăn mặc giản dị nhưng đẹp tinh tế và hầu như là không hở. Phần lớn tóc dài, xoã ngang vai mà nước gội đầu còn tự chế từ bố kết, lá thơm và hình như cả hoa đại trắng. Rủ đi bơi thuyền mà “nay nàng nói vâng”, “tuần sau em đồng ý” thì tình trong như đã cả rồi. Bến thuyền hình như ở chỗ toà nhà gì đó mới xây, con trai thường xuống trước, các bạn gái xuống sau, e ấp. Có lẽ chẳng thể nào quên hình ảnh giữa lung linh gió, nắng Tây Hồ chàng trai giữ mái chèo, cô bạn gái kín đáo co chân, cằm chạm đầu gối, tay khoanh tròn thả hồn theo nhịp sóng dập dềnh. M.T, giờ em ở đâu, còn có dịp nào về thăm lại nhà cũ nữa không? Chỗ bọn mình hay dừng thuyền lại cạnh chùa ấy giờ vẫn có nhiều “lớp trẻ lớn lên rồi cũng như ta”, em biết không? Bánh tôm Hồ Tây vẫn thế, nhưng họ bán thêm nhiều thứ khác nữa rồi, và hình như khách vào đấy ăn là chính chứ không phải lấy cớ kéo dài những phút riêng tư như chúng ta ngày ấy. Bọn mình đã có bao lần ước sau này đi làm có thật nhiều tiền để cả nhóm bạn thân có thể ăn thoả thích bánh tôm mà không phải xin thêm nước. Rồi cuộc sống thực, với những khắt khe như muôn đời vẫn thế đưa mỗi đứa về một nơi, để rồi những lúc như chiều nay mới thấy nuối tiếc, pha cả chút xót xa. Bao giờ nhỉ, bao giờ mới dứt hẳn những vướng bận đời thường, những lạnh lùng, vồ vập, mối vướng bận vinh/danh như ngọn đèn quyến rũ lũ thiêu thân???

... Ta còn em khúc tự tình ca
đôi chim khuyên gọi nhau
trong bụi cỏ
đôi guốc bỏ quên bên ghế đá,
riếng ve ra rả mùa hè...

Còn em đường cũ Cổ Ngư
la đà,
cành phượng vĩ.
hoàng hôn xa đến tự bao giờ,
nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ.
những bước chân tìm nhau
rất vội,
tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối,
cuộc tình hờ
bỗng chốc
nghiêm trang...


• Nghỉ phép hơn tuần lễ, mấy ngày đầu chưa đi chơi xa cả ngày quanh quẩn ra ra vào vào thấy hẫng thật sự. Thảo nào các bậc cao niên, nhất là các vị có tí cước sắc trong các Cty nhà nước cứ thi nhau khai lại lý lịch cho nó “trẻ” nhẹ thì vài, nhiều thì dăm ba mùa thu héo. Đâu như năm 1999 Việt nam bắt đầu áp dụng chế độ 40 giờ vàng ngọc/tuần lễ nửa làm nửa chơi, anh bạn tóc vàng mắt xanh đồng nghiệp không biết đùa hay thật hỏi “đố mày nghỉ 2 ngày họ sẽ làm gì” lúc đang có soft-drink. “Ừ thì đi chơi đâu đó, take care vợ con...” hồn nhiên đoán. “Đếch phải my dear friend ạ, họ sẽ làm thơ”, ông mãnh cười khoái trá làm mấy em chạy bàn ở Diva trố mắt. “Mày nói thật hay đùa đấy đấy”, đang hớp dở vại bia mà tẹo sặc. “Tao nói mày đừng chửi nhé, mày có thấy cái tỷ lệ nghịch giữa số lượng nhà thơ với sự phát triển kinh tế?”, thằng mắt lơ mơ xanh nói rất nghiêm túc. Bỏ mẹ, hình như thằng này có lý!

• “Mời các bạn đón đọc số báo mới nhất......”, giọng rao rõ đàn ông mà nghe ra quá nửa đàn bà, hay là băng cũ nên tiếng méo? Ngồi hè uống cốc nước mà toàn thấy hiếp, giết, lừa, cướp, bắt... ông nào yếu tim hay tính cẩn thận chắc phải về nhà sắm thêm mấy vòng khoá sắt vì xã hội như-báo-miêu-tả-thế-này có dễ đang giãy chết. Cơn hồng thuỷ sắp đến rồi, amen lạy Chúa tôi; bà cụ chủ quán kín đáo làm dấu thánh. Không biết ông nào gọi báo chí là “con điếm chính trị” cũng chẳng sai, cái thứ “quyền lực thứ tư” này mà không rắn tay quản trong cái mớ nhập nhèm xã hội ta thời hiện tại này cũng dễ sinh ngoa ngôn. Chuyện bằng nửa cái móng tay, qua vài ba ông cộng tác viên - chắc sinh viên báo chí ra trường đếch có nơi nào nhận, mà lúc viết tắt là CTV lại làm khối ông giật mình vì mấy cái nai-tờ clắp lúc tính tiền các em ngồi bàn cũng dùng chữ CTV – là có khi lớn bằng nắm đấm với đủ trò hỷ-nộ-ố-ái mặc sức các anh chị CTV tưởng tượng. Tên báo thì rõ oách, toàn thời-báo ABC, rồi cơ quan trung ương, cơ quan ngôn luận của DEF cả mà đọc nửa trang xong chỉ muốn vứt vào sọt rác. Hình như trong khoa báo chí chỉ dạy văn TƯỜNG THUẬT, MIÊU TẢ mà khuyết món phân tích, thế nên tờ nào cũng giống tờ nào, nhạt hơn nước lã. Ồn ào chuyện phát hành thẻ ngân hàng, thế mà một lô một lốc viết-sĩ đếch phân biệt nổi cái thẻ tín dụng nó khác cái mấy cái thẻ Debit cards mà ta quen mồm gọi là ATM nó thế nào? Mẹ kiếp, cái máy ATM nó đẻ ra để làm nhiều chuyện thanh toán, nộp tiền... để có thể giao dịch 24/7 chứ về xứ An-nam ta chỉ làm có mono mỗi chuyện dí thẻ vào, nhè tiền ra, gọi béng là cash dispenser chứ có chó gì mà ầm ĩ.Thằng viết-sĩ đã dốt, thằng ê-đít-to hình như cũng ẩu chẳng soi, đọc một đoạn mà thấy buồn nôn. Rồi ầm ào vụ Pờ-Mu dạo nọ, cũng có thể có chuyện nọ chuyện kia nhưng bịa đủ thứ hầm bà làng câu khách giật gân để rồi lại tờ nọ xóc lọ tờ kia thì thật là không hiểu nổi cái ngòi bút hình như không phải bằng kim loại mà bằng LÔNG gì mất rồi. Không được xuyên tạc đâu đấy quý vị, văn hào Victo-Hugo khi khai thủ tục xuất cảnh bị hỏi “ông sống bằng nghề gì”, văn hào trả lời “bằng cây bút lông” thế là mục nghề nghiệp bị tíc ngay cho 1 phát “nghề buôn lông”.

• Dịp tháng trước nghe Lệ Quyên hát lại “Tôi về đây nghe sóng” live hẳn hoi, thấy vẫn ấn tượng dù cũng U50 rồi còn gì. Em Bống nhí nhoáy hát đệm bè, đúng mực với đàn chị, hình như đàn cô thì phải hơn, không tệ nhưng thấy vô cảm - chắc tại nghe em này nhiều quá, hay vì em này hở ra là “anh Sơn nói...” nên bị ác cảm lây? Những năm cuối 1980 nghe em Hồng Nhung song ca với Quang Vinh bài “Lời của gió” trong các gala nhạc nhẹ thì thôi rồi, trong vắt, tròn vành rõ chữ. Hình như đàn ông đa phần hơi cực đoan, chỉ thích những gì trong trắng, ngây ngoan của phụ nữ, em nào dính tí experiences rồi là dễ chán. Mà dạo này cái đám nổi (tai) tiếng nữ văn/nghệ sĩ ăn quà sáng món bún sườn nhầm khoai ngứa hay sao mà thi nhau đặt tiêu chuẩn chọn bạn trai, chồng(tương lai) phải có đức tính này, thoả mãn tiêu chuẩn nọ. Của nợ, các cậu đây lấy vợ không phải là do nhu cầu mà vì trách nhiệm với gia đình nhớ. Thế hệ F1 của các cậu dứt khoát không phải là loại kế thừa sắc của cậu (khoản này thì yên tâm) còn đầu(đa phần trong là đất, có trộn cả một ít tiếng ăng-lê gọi là dung của lũ các em, nhớ nhé!!!! Báo đài ra rả bình đẳng giới, vớ vẩn, bình đẳng nên hiểu theo nghĩa hai bên tôn trọng, không chủ động gây chiến với nhau chứ đến hội thiện nguyện còn có ông/bà hội trưởng thì trong một cái tiểu-xã-hội thu nhỏ là gia đình thiếu sao được vai trò của anh (dứt khoát không có đại từ giống cái ở đây, khác đi là mạt) cầm chịch.

• Nói thế thôi, chứ trong cái cuộc sống muôn màu hàng ngày thì cũng chẳng nên hẹp hòi gì chuyện cho đám mặc váy thuộc sở hữu toàn phần của ta lên lưng chừng trời tuần vài ba bận. Đi làm chứ gì, chuyện ấy hợp lý, duyệt; nhưng chập tối cậu về nhà mà cơm nước nhà cửa con cái lanh tanh bành ra là không ổn. Giời xanh đã phân định chuyện kiếm cơm cả nhà, lọ nước hoa của em, tấm áo của mẹ là thằng đàn ông lo, việc của “nhà” là lo cái hậu phương cho nó ổn. Tất nhiên cũng phải take-care cái bản thân mình, chứ đưa bạn về nhà mà nó lại nhầm “ôsin nhà mày” là không ổn. Tháng trước trà dư tửu hậu với ông khách hàng tóc muối tiêu, nghe ông ấy kể chuyện “con vợ tao thấy tao bồ bịch, tức quá về nhà dí súng vào đầu tí trái bóp cò, chắc định làm phát kiểu “đạn kẻ thù xuyên qua tim, trái tim nồng nàn tình yêu đã chết”. Mẹ, đúng là loại thậm ngu, chắc đọc sách giáo khoa của bọn Bộ Giáo dục và Đào tạo cải tiến hàng năm đấy mà. Gí súng vào chỗ ấy chỉ hợp lý với bọn gái tơ thôi, vì đúng vào tim, chứ còn loại mẹ mướp đầu 4 đít chơi vơi thì định vị kiểu ấy đạn nó chọc thủng mẹ nó ruột già chứ tim tít trên nhằm nhò gì”. Chuyện chắc bịa 98%, nhưng sau đận ấy mấy ông bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực sẽ có thêm một khách hàng!


• Dăm ba năm lại đây cứ vào hè là Hà nội mình lại oằn mình qua bốn năm đợt nắng. Trước kia đâu có thế, nắng đến đâu đi nữa thì cũng chỉ vài cái quạt tai voi mang về từ đất nước Còn Cho Cứ Phá (CCCP, ie Nga ngố ấy mà), nhà nào sang lắm là có thêm cái quạt Sanyo điện 110V từ miền Nam gửi ra, hay cái Điện cơ nặng trịch vì cả vỏ cũng toàn-là-kim-loại, rồi thì cứ nền lát gạch men 20X20 mà lăn là có thể yên tâm một giấc cho tới sáng. Nhà ngày trước đa phần nho nhỏ xinh xinh, 24 mét vuông chia 2, 3 phòng cho bốn người mà cuối tuần có khi thêm cả khách vẫn thấy ổn. Ừ cũng phải thôi, làm gì còn đất trống nữa đâu, cứ bê tông, nhựa đường thế này ban ngày hấp thụ nhiệt, tối đến nó mới phả ra “sưởi nóng” dân thành phố thì làm gì mà chẳng chuội. Nói đâu xa, hơn chục năm trước khu Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Nghi Tàm còn ngút ngàn ruộng rau, ruộng lúa, luống hoa; rẽ xuống làng Ngọc Hà còn một tay giữ ghi-đông, tay kia bịt mũi bởi bà con dùng phân bắc bón lay-ơn, bón hồng, bón cúc. Giờ tìm đỏ mắt mới thấy lác đác mét vuông đất trống chưa bị bê-tông hoá. Quy hoạch như phế-thải-của-con-người ấy, cái sự kém hiểu biết nó làm hại chính ta, sao lại cứ kêu trời? Nghe kể lại dịp mùa đông 1972 Hà nội đi sơ tán, có anh chàng đạp xe hơn hai mươi cây số sang mé ngoại thành chỉ để trao cho cô bạn bó cúc đại đoá. “Hoa Ngọc Hà”, cô bạn cảm động thốt lên. Mới ba chục năm, nghe kể lại cứ tưởng là chuyện “khảo”! Hoa hồng ngày xưa cũng mong manh, không to đùng lá cành, mập ú cánh hoa nhưng chán nhất là KHÔNG HƯƠNG như thì hiện tại. Hai bông hồng một bạch một nhung, mấy cái lá măng, một cốc thuỷ tinh vì pha-lê là đồ xa-xỉ, bàn nước ngày chủ nhật cuối tuần dạo ấy đẹp đến tận giờ.

• Nóng hầm hập, cả ngày “ướp lạnh” trong điều hoà rồi, tối mà “ướp” tiếp cũng thấy oải nên thôi dung dăng dung dẻ cho nó vã mồ hôi thay sáng mai tập chạy. Mà lại vớ được đêm trăng sáng, như người xưa dùng dầu đốt đèn là thay vì mơ mộng “trăng nằm sõng soãi trên cành liễu” sẽ quy chiếu ngay ‘trăng sáng thế này, tiết kiệm được mấy xu dầu lạc”. Thanh niên ầm ầm rú ga, nói cười rổn rang nghe qua đã thấy đúng cái đất này là nơi “lắng hồn núi sông”, chỉ tiếc là cái “lắng” hình như có cả phần mà ngày xưa mỗi khi đong gạo nấu cơm là phải đem đi đãi. Những đêm trăng thế này Hà nội ngày-chưa-xa rất hay được nghe bập bùng tiếng ghi-ta của bọn thanh niên phố, cậu chàng nào có tí tài lẻ kiểu đàn sáo văn nghệ là rất được các em mê. Hình như đàn óc-gan là một trong những phát minh rồ dại nhất của loài người, ban nhạc kiểu quái gì mà chỉ mỗi cái đàn, thêm cái minidisk nữa là ca sỹ tha hồ nhép miệng. Trước, con nhà cảnh giả thì học dương cầm, mơ mộng chút là vĩ cầm nghiêng đầu kéo còn bình dân hơn là ghi-ta thùng bập bùng tự sự. Liên hoan văn nghệ tan, anh chàng một tay ghi-ta hờ vai, tay kia nắm ghi đông; cô bạn tóc xoã dài thong thả Mifa đi bên cạnh chuyện đủ đề tài. Mong mãi mà cái Mifa kia sao hôm nay nó không tuột xích, hay xẹt lốp để đường về nhà được dài hơn. Mùi-xoa giấy giờ lan tràn, xe máy thay xe đạp, các bạn trẻ cũng vĩnh viễn mất đi cơ hội lúng túng lau bàn tay đen nhẻm dầu vào khăn mùi xoa cô bạn gái đưa mỗi khi (cả hai đều mong) xe nàng tuột xích. Có những bàn tay chạm khẽ qua chiếc khăn tay, có những ánh mắt long lanh pha chút thẹn thùng “ấy bẩn hết tay rồi, đưa tay đây tớ lau cho, ấy ăn gian nhé”. 9 giờ tối curfow, mà hơn bẩy giờ mới cơm nước xong nên gần hai tiếng đồng hồ đa phần là lang thang xe đạp, xông xênh hơn thì kem que, hay Lý Quốc Sư bánh gối, hay nước chanh đá, thạch chè trên Trần Hưng Đạo. Vì chín giờ tối “giới nghiêm” nên phụ huynh bạn gái cứ tầm ấy là đợi cửa, chả mấy khi hai đứa dám phạm quy. Hãi nhất là những hôm nắng nóng, săm xe vá sẵn vài ba miếng bằng nhựa vá tự chế từ cao su non với xăng dở chứng xì ra, thế là lếch thếch dắt bộ về đến tận nhà.

• Đã nóng thì lại hay mất nước, đâu mấy bạn Finland thương quá nên mới viện trợ cho nhà máy nước và hệ thống dẫn từ Từ Liêm mà dân mình giờ quen gọi nước Phần Lan. Thị phần của điện thoại Nokia lúc nào cũng nằm ở năm-bơ oăn có dễ cũng bắt nguồn từ tình cảm nửa-lít-nước-lúc-mất-mùa-hè ấy???? Chả mấy nhà có nước vào đến bếp, nói gì đến nhà tắm hay công trình phụ mà hơn chục năm về trước đấy chỉ là những giấc mơ lãng mạn của hoặc đám hậu huệ con nhà tư sản còn sót lại sau 1954 ngậm ngùi “ngày trước nhà ông bà có bể tắm trong nhà ...”, hay cái chẹp miệng của số ít những ai có dịp đến học hoặc đi làm thuê mà gọi văn hoa là xuất khẩu lao động sang mấy nước anh em(cũ) “ở bên kia ấy à....”. Máy nước công cộng, mùa đông thì chảy như ào ào (vòi bị hỏng, rẻ rách nút vào bị tuột vì nước khoẻ), mùa hè thì tí tách khổ hơn đứa trẻ lên ba đái. Xếp hàng dài, lắm hôm từ 3 giờ sáng, hứng được hai xô vừa ra thì mắt nọ xọ mắt kia vấp chân, xách nước còn có cơ cứu lại chứ gánh thì đứt hẳn. Tắm là khái niệm xa xỉ, lau người có dễ phổ cập hơn dù không phải ai cũng vừa ốm dậy. Bây giờ mấy cậu Tây mới đẻ ra trò “tái sinh”, như vỏ lon Coke, hay vỏ lon bia là có cái ký hiệu tam giác và dòng chữ Recycle, chứ còn dân-sống-ở-Hà-nội mình đã tái-sinh-nước từ hai chục năm về trước. Không tin hả: nước trước nhất là rửa rau, sau công đoạn này chúng tôi tái-sinh bằng cách dùng lại để tắm sơ cho mát trước khi tráng gáo nước sạch tổng kết; hoặc là dùng nó để đãi gạo nấu cơm, rồi di-sai-cờn lần nữa nước gạo dùng cho rửa bát. Cơ quan phụ huynh thuộc dạng điện nước ưu tiên, thế là bọn trẻ cứ hè về là được phép đến trước là đọc sách, sau là tắm cộng thêm khoản giặt giũ thêm cả rửa rau. Bốn giờ ba mươi phút chiều, chuông điện reng reng là ai nấy từ bắc bậc kiêu kỳ vụ trưởng đến cần lao như bác lao công quét dọn và đun nước bóc-ba-ga đều hoặc rau, hoặc quần áo vừa giặt, hoặc can 20 lít nước như là quân tiếp vận. Sao thời ấy nghèo mà không (mấy) ai hèn nhỉ; giờ thì khá hơn bội phần, mà phần con (bản năng) sao cứ nhăm nhe lấn át phần người

• Cũng dịp hè là năm học hết, trẻ con chơi thả phanh chứ đâu khốn khổ cắm đầu học thêm học kỳ 3 lên bờ xuống ruộng như chục năm lại đây mà nói-thẳng-toẹt như tính-cách-người-Hải-Phòng thì hè là dịp để những-người-có-danh thầy/cô kiếm-thêm-thu-nhập-không-chịu-thuế. Một đất nước mà hai nghề danh-giá-nhất-trong-tâm-thức là nghề thầy thuốc và nghề thầy học bị chính-số-đông-trong-nghề làm hoen ố hỏi trách sao luân-thường-đạo-lý xã hội nó chẳng lộn-tùng-phèo??? Dạy tri thức là quan trọng, nhưng dạy đạo-làm-người còn cần hơn gấp nhiều lần. Thi cử, điểm chác đều quy ra tiền cả; đời thủa nào phụ huynh đến nhà thầy 20-11 như là cái-tội-phải-đi-cho-xong-nghĩa-vụ, mà đã là tội thì cứ tiền cho nó tiện, tình cảm cái khỉ gì. Bệnh nhân cấp cứu chứ gì, chưa phong bì lót tay là đau dạ dày thế nào ông cũng cắt cho mày ½ quả thận. Học sinh giỏi đếch gì sao giờ lắm thế, thằng cháu con bà chị gái kể “cháu 8,6 bình quân mà chỉ xếp thứ 15, lớp cháu gần nửa lớp học sinh giỏi, độ hơn 1/3 tiên tiến và mấy đứa xuất sắc”. Kinh, thế này mấy mà Việt Nam mình chả phóng được Thần-Châu-made-in Hà nội, “hồi cậu học chỉ tiên tiến là cùng, chả mấy khi được học sinh giỏi”, an ủi nó. Ai ngờ, “cháu thèm vào học sinh giỏi, bố mẹ bọn nó toàn phong bì nhà cô, thi toàn bài học thêm, mẹ cháu thì không cho đến học ở nhà cô”. Ừ, háo danh làm gì cháu, thực lực mới cần, có cái ô nào che mát được cả đời đâu. Mỗi người vào đời bằng một cách khác nhau, có con đường bằng phẳng với hoa, có con đường mấp mô đầy gai và bụi rậm. Nhưng có khi những con đường đầy gai với bụi ấy lại khiến con người ta nhảy xa hơn, bật cao hơn!!!

Ta còn em cánh cửa sắt
lâu ngày không mở.
nhà ai?
qua đó
bâng khuâng nhớ tuổi học trò


• Độ tuần lễ nay báo chí ì xèo chuyện Hàng không Việt nam, sau vụ Pờ-mu 18 thi nhau tưởng tượng giờ lại bắt đầu cái trò a dua đánh hội đồng. Đúng là “viết” đi liền với “lách”, “thi” là một chuyện nhưng còn “cử” nữa, tiếng Việt thảo nào làm thưa tóc mấy anh bạn học đến bằng C Việt mà vẫn “tôi là còn dê cụ”. Nghe chuyện cậu phi công mang 500,000 USD từ Sydney về Việt nam bị Hải quan Úc tóm cổ thật vừa thương vừa giận. Thương vì thế là mất trắng, cả người cả gia sản, làm cơ phó thì một năm tích cóp bottom line độ 50K là max, 10 năm tằn tiện thế là hoá-vàng-đi-em. Giận vì đã lên đến chức phi công mà sao ngu thế, vừa ngu vừa liều, ngu toàn tập. Thiếu đếch gì cách chuyển ngân, đủ sạch mà vẫn safe. Không hiểu “vận chuyển cross-border” như đội bay này được mấy phí, cứ cho tối đa 2% bằng phí rút tiền mặt từ Debit card đi chẳng lẽ giá-trị-con-người-ta có 10 ngàn Mỹ thôi ư. Lần nào đi Frankfurk cũng khi thì bị em gái xinh xinh, lúc chị trung niên mỡ màng “em có mang thuốc lá không, không à, em làm ơn mang nhận giúp chị 2 cây nhé”, mắt lúng la lúng liếng. Dạ thưa quý chị là em chưa-chê-gái-đẹp-bao-giờ nhưng cấm-có-ngu trong cái trò mang vác hộ, chỉ có Chúa mới biết trong cái gói nho nhỏ xinh xinh ấy là thuốc lá điếu hay ngoại tệ mạnh hay gói-bột-trắng-có-hình-con-sư-tử-ôm-quả-địa-cầu. Mà phỉ phui cái miệng thì Chúa trời ở xa em lắm còn các vị sờ-cu-dí-tí thì rõ là đang hiện diện cả nổi lập lờ, cả chìm ngỉm cả nghênh ngang soát xét. Bao nhiêu hộ chiếu đỏ dân ngoại giao đã sạt nghiệp vì tưởng bở bố-thằng-nào-dám- đụng! Chưa thôi, chứ làm gì có không-bao-giờ, lợn chưa xuất chuồng vì là đang vỗ béo!

• “Ghi cho anh cái hoá đơn, à thêm cho anh xxx nghìn(triệu) được không?”, câu nói gần như cửa miệng của những ai được coi là đệ-tử-của-xếp mỗi khi đi ăn với khách, hay là với sếp dù sếp to tướng hay nhơ nhỡ. Nghe nói ở các org thuần Việt nam việc thanh toán chi phí là rất vất vả vì ông nọ nhìn bà kia bằng cách “đ. hiểu nó gửi bao nhiêu nhỉ, mình có được lại quả tí nào”. Thi thoảng được nhờ vả “đảo qua xem hộ chị/anh/chú số má tí, sắp có thanh tra/quyết toán thuế hay bị mấy ông mười lăm thăm, em/cháu/ông quen phản-biện yên tâm hơn”. Tiền rõ nhiều, nhưng chưa quen quản, với lại còn biết bao nhiêu lệ, tệ nhất là phong bì nên xục vào mấy góc: tiền mặt, tạm ứng, trả người bán là có khối chuyện chỉ biết vừa lắc đầu vừa cười làm khối vị nhột nhột bụng “bỏ mẹ, không xong rồi”. Ăn tối, ăn trưa, tiếp khách với đoàn A, vụ B, sở K.... hoá đơn rõ ràng, phần chữ và số rõ khớp nhé, hợp “nệ” quá còn gì đố ông thuế nào dám bắt bẻ. Nhưng, ăn cái gì mà đến gần chục triệu hả chị/chú/anh? “Tao ăn nem công, chả phượng uống Cognac được chưa?”, rách việc. Dạ, thực bất tri vị kỉ, nhưng thưa chị/anh/chú trên hoá đơn ấy thì nó có ghi rõ tên và địa chỉ người bán mà chỉ cẩn gọi một nhát đến 8012116 hay vào hn.vnn.vn thì sẽ biết ngay đấy là quán ăn, hay chỗ hát-có-tay-vịn, hay là nơi bán vật liệu xây dựng kiêm thêm nghề bán-hoá-đơn. Chỉ cần 1 copy hoá đơn+phiếu chi thôi, thế là đủ tóm vài ba anh làm con-tin khi cần thiết, ví như lúc sắp bầu bán hay đề bạt, hơ hơ! Chưa hết, sao cứ đến gần Tết là chỗ mình lại mua nhiều văn phòng phẩm thế ạ, rồi nước ngọt, nước đóng chai có dễ vừa uống vừa tắm thì mới hết trong 1 tháng cho chừng này người. “Thôi chú/chị/em xin anh, toàn hỏi câu xóc óc; thật ra thì đấy là có cả tiền đối ngoại”. Tạm ứng cho nhân viên à, cho xin cái xác nhận của anh A, chị H là đúng có tạm ứng chừng này được không? “Cái này thì em nói thật, không phải đâu, nhưng tiền chi bôi trơn rồi, đang lo chứng từ anh ạ”. Kiểu này thì làm gì mà chả lên cơn sốt rét mỗi khi bị gõ “chào anh, tôi ABC đây, nghe anh em báo cáo lại là chỗ anh.......”. Mà phàm tay đã hơi lem nhem thì Lifeboy hình như chỉ sạch vi khuẩn chứ không hết vết.

• “Gái ham tài” thì chưa thật thông nhưng “trai ham sắc” thì chắc đúng cho số lớn. Tất nhiên đẹp nghiêng nước nghiêng thành kiểu Tây Thi bên Tàu hay các nàng Hoa hậu hai năm mới có một lần thì hình như quá sức cho (gần như) tất cả giới quan chức có $$$$. Trẻ chưa có dịp chơi bời, nên gần già là ta sống gấp kiểu “em đi bằng nhịp điệu một-hai-ba-bốn-năm, anh đi bằng nhịp điệu sáu-bảy-tám-chín-mười”. Không với đám tứ đại mỹ nhân thì ông cũng quyết không thèm dùng loại không danh, cho dù có long lanh đến mấy. Mác nghệ sỹ là vừa sẵn, vừa oai, sinh viên thì ngại vì hơi lệch quá nhỡ thằng mả mẹ nào nó xỏ “ông cho cháu ngoại đi ăn kem à” thì tăng-xông mà ngất mất. Xét cho cùng thì chuyện ăn/chơi nó cũng chẳng có gì phải lên án vì một bên có cầu, nửa gánh bên kia lúc nào cũng có vô-vàn-số-nhiều các chị, các em thích dùng đồ hiệu, đi xe đẹp, vài tháng du lịch bên trời Âu một lần nhưng đi làm thì “eo ôi em ngại ghê cơ, người đẹp thế này ai lại phải vùi cái tuổi xuân trong cái gọi là công sở”. Khổ nỗi ngài lâu nay quên mất quan niệm “trả tiền” vì toàn-là-đệ-tử, hay bên B nó cung phụng, thế nên chiểu theo cái lệ thì “à A à, anh định mua cho đứa cháu con ông anh cái xe ga mà ra đến đây mới biết họ không nhận thanh toán bằng thẻ Amex”. Muốn có contract ngon, hay job thơm hả, dịch cho nó thoáng nghĩa câu vừa rồi nhé. “Tuần sau anh đi Pháp ký hợp đồng, không biết từ sân bay Charles de Gaulle về Pari bao xa nhỉ, đi taxi hết khoảng bao nhiêu Đô”. Thằng nào mà dịch là anh ơi ít ai đi taxi lắm vì xa, đắt là “biệt ly, nhớ thương từ đây” ngay. Phải thoát nghĩa ra, “anh ơi Pháp nó dùng OI rồi, để chiều em tạt ra ngoài đổi sẵn mấy nghìn Euro lẻ anh tiêu vặt chứ anh bận trăm công nghìn việc cỡ Bin-ghết sao lại lãng phí vào mấy cái chuyện vặt ấy”. Ba bốn ly Cognac khai vị pha soda cho nó nhẹ bữa trưa, tiên sư mấy thằng Pháp ông uống gì mặc mẹ ông sao chúng mày nhìn. Khổ, nó nhìn vì nó lạ, lạ là bởi vì Cognac là loại rượu digest có lợi cho tiêu hoá, xong bữa thì cái bọn ở chốn-nhà-quê bên Pháp ấy nó uống một chút thôi, và là nguyên chất 100% chứ ko có pha cho-nó-phí-rượu. Thi thoảng đi chung thang máy với mấy bác bụng phệ tóc muối tiêu, hôm nào gặp mấy em sinh viên tập sự của bọn văn phòng khác là bác thì thầm đủ to chắc cho các em kia chứ chẳng phải cho mình “chỗ anh đang cần tuyển nhân viên, không cần kinh nghiệm, vào là cho đi đào tạo luôn”. Mẹ ông, sao ông không nói nốt chỗ dở: đào tạo để biến thiếu nữ thành thiếu phụ! Vào nhà hàng thấy gái đẹp là mắt hau háu như cú vọ chực vồ gà con, không ôm eo vuốt má bẹo đùi mấy em tiếp thị rượu là không chịu nổi. Đi nhảy đầm thì dẫn nát chân vũ nữ, chỉ thích ngỗi chỗ tôi tối ‘tay làm, hàm không nhai” chốc chốc lại đổi đào với động tác khốn nạn nhất là nhét tiền tip vào ngực gái.


• Trong các cuộc thi người đẹp thì màn áo tắm, hay gần đây có yếm đào vẫn là hot nhất. Các chương áo dài, dạ hội hay tự chọn còn ì xèo bình phẩm hoặc quay ngang liếc dọc chứ đến mục liền mảnh này là trật-tự-im. Ông nào dại dẫn sư tử hoặc bồ đi cùng thế nào cũng nếm vài ba đòn nhẹ thì nhéo ngang hông, nặng thì vít đầu xoắn dăm ba món tóc. Tội gì ư: mắt chữ A miệng chữ O lưng nghiêng 45o để zoom cận cảnh, đúng một lũ “rượu vang nhà, đàn bà hàng xóm”. Có ai để ý đến hạ-nguồn giày/guốc/sandal của các nàng - số không nhỏ - thường rất phản cảm với khoản trung-nguyên một/hai mảnh hay là yếm? Up-to-now duy nhất có Thu Huyền (HP) thi Hoa hậu Tiền phong năm 1998 mặc áo tắm đi chân trần - đẹp quá, và độc quá, đẹp đến mức cô Trà Giang còn phải tấm tắc khen. Số còn lại hình như ai cũng cố cao thêm độ 10 phân bằng hoặc giày cao gót, hoặc sandal ừ thì cũng được nhưng phản cảm nhất là những đôi guốc thô to đùng nặng trịch trông như giày khủng bố. Áo tắm mong manh, yếm đào hờ hững sao em nỡ bó gót hồng trong cái thứ nặng nề thô đến vậy??? Trời mùa hạ, hay sang thu nhiều lúc ngồi cafe vỉa hè đâu phải ngắm dung nhan mademoiselle, ngắm chân các nàng là chính đấy. Nhìn bàn chân, ngắm dáng đi là biết ngay em gốc “thành”, hay vừa mới “nội”; chị công chức, hay đám mới lớn đang đú đởn cập kè. Bàn chân con-gái-xứ-kinh-kỳ-gia-giáo thường rất thanh và nhỏ nhắn, cách chọn giày dép cũng giống như tính cách các nường, nhã nhặn và tinh tế: cỡ ba sáu ba bảy là phổ biến, hoạ hoằn lắm ba-mươi-tám là kinh khủng vì hồi bé chắc nhảy dây nhiều. Ba chín đổ lên chắc chín mươi mốt phần trăm người nơi khác đến và thường là “Hà-lội”. Những bước chân rất nhẹ, khép nép nhưng không kém phần lả lướt đủ làm thẩn thơ khối gã sắp bạc đầu bỗng nghêu ngao “tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi” những lúc cuối chiều dọc Phan Đình Phùng hay đầu dốc Cổ Ngư. Dạo nọ còn célibatere bị ốm, mấy cô bạn gái đến thăm thấy một cô mặt đỏ bừng, ngượng nghịu. Chả hiểu chuyện gì vì em-không- phải-là đích ngắm, vài tuần sau hai anh em đi chợ cuối tuần, con em gái loanh quanh tìm thêm mấy đôi dép cói cỡ to to một chút “để khách đi vì dép nhà mình nhỏ quá, chị M ấy xinh thế nhỉ”. Chuyện, hoa hậu ảnh một vài lần cơ mà, nhưng đúng thật là elle có bàn chân thuật ngữ miệt thị “bàn quốc” nhìn hơi chướng, vào nhà ai phải bỏ giày dép ở ngoài là cứ co chân tìm chỗ giấu. Cái đẹp thường phải mong manh mới gọi là!

• Người Hà nội đi đâu xa rất dễ bị nhận ra, ngoài giọng nói nhẹ đặc trưng thì là cách ăn, kiểu thưa gửi hay lối chào. Cốm xanh (chắc chẳng phải làng Vòng đâu vì làng ấy đã lên phố thị từ khi toà nhà HITC ngất nghểu như cái bao diêm chồm hỗm đầu làng giữa những năm chín nhăm chín sáu) mà em cứ bốc cả vốc ngửa cổ thả vào mồm thì rõ là đang hốc chứ đâu phải là nhẩn nha vị bùi hương nếp thơm nồng. Cốm mùa thu thường đi kèm với chuối tiêu trứng cuốc, cái kiểu chuối nguyên quả bóc vỏ chấm cốm xanh rồi nhẩn nha cắn tưởng đã học hết bài thanh cảnh Hà-thành “con gái Hàng Bạc cọng giá cắn làm đôi” thực hoá ra vô-cùng-tục-tĩu. Cũng giống như cuối bữa cỗ tráng miệng món đào thấy bên cạnh là bát cơm nếp nát, chắc là gạo nếp hương đây nên nhón tay nếm mấy hạt cho thơm miệng rồi mới nếm đào; ối la la bọn-hậu-duệ-bè-lũ-bóc-lột-còn rơi-rớt lại nhà chúng em được dạy phải lăn đào vào bát cơm nếp nát ấy để cho nó hết lông trước khi ăn chứ chưa khi nào chúng em thử xơi món đào get-together với cơm nếp cả. Sau một đêm ngủ dậy từ trắng tay có thể thành tỷ phú tiền Việt nhưng biến ngây ngô thành người-thanh-cảnh đâu có dễ trong một vài năm. Xe Mờ-xi-đi E class trông biết ngay cự phú, nhưng ai lại bò/chui lổm ngổm vào băng sau thế kia khéo thiên hạ họ nhầm là người giúp việc thì mất hách. Danh thiếp giờ in dễ quá, chắc “Corporation” phải to hơn “Company” còn “Tổng giám đốc” sẽ oai hơn “Giám đốc” mà thời buổi hội nhập đến nơi cứ tiếng Anh, tiếng Pháp là nhất hạng chứ giao dịch mấy khi bằng tiếng Việt. Thế là cứ MY DUNG (Mỹ Dung), LE CHIEN (Lê Chiến) mà in cho Tây dễ đọc, còn trong giờ làm thì “em(thư ký) phắc ngay cho thằng ABC cho anh một cái”, mũi-lõ tóc-lơ-mơ xanh đứng ngoài cửa đợi gặp nghe mà tha hồ tưởng tượng thằng ABC chết dẫm kia là thằng nào mà sướng thế!!!!!

• Trường múa Việt nam nằm trong khu văn công Mai Dịch những tám mươi là rất “nhà quê” như cách nói của phần-đông-dân-phố-thị bây giờ. Ừ thì quanh đấy toàn là ruộng lúa, đường từ Cầu Giấy xuống bé tẹo hơi mưa là lầy lội thi thoảng có cái xe buýt Ka-rô-sa chạy từ Kim Mã xuống Diễn xẹt qua là tung toé. Mấy ai biết trong ngọc trắng ngà giữa vùng chiêm trũng ấy như Hà Nam lụt. Con gái trường múa sáng học văn hoá, chiều chuyên môn hay ngược lại từ khi còn bé tẹo, chín hay mười tuổi đầu đã nhập trường rồi quần quật sáu bảy năm trời mới được bằng trung cấp đâu nhàn hạ như đám hàng xóm Sân khấu Điện ảnh, nhà hát chèo, nhà hát tuồng hay trường xiếc. Học múa nên tất nhiên là ngưòi rất đẹp, còn không xinh ít ai dám đăng ký thi vào nên thiên-nga bỗng chốc trở thành nỗi chẹp miệng của đám trọc-phú mới có xu, hay đích ngắm của đám đại-gia-mới-nổi thích chơi trội hơn đồng-loại. Múa chuyên nghiệp, cũng như nhạc giao hưởng rõ không phải là nghệ thuật dành cho số đông bình dân vốn chỉ quen những món nhè nhẹ, nhàn nhạt, nhàm nhàm hiểu ngay lúc xem rồi ra khỏi rạp là quên tiệt. “Ăn như múa, ngủ như ca”, dân ngoại đạo nghe chưa hiểu ý gì nói chi là thưởng ngoạn. Con nhà không khá giả chắc không dám mơ, mà có mơ cũng không đủ sức theo suốt sáu bảy năm trường nên phàm-phu-cẩu-tử thường vừa mới mon men làm quen khoe xe khoe ví là thường tự liệt-danh, thân-bại không quá nửa mùa vì bị các em thả-chơi-vơi: “mọi” quá. Tháng chạp trời rét cắt da cắt thịt, bốn giờ chiều trên sàn tập tường bốn phía toàn gương, sàn ván gỗ thiên-nga vẫn mồ hôi ròng ròng thấm ướt ruy-băng trán “Anh đợi em tập thêm chút nữa”. Cởi giày tập, bốn năm đầu ngón chân ứa máu, mà giày tập khi ấy phải nhờ mua mãi tận bên kia chứ đồ nhà hai hôm dùng là bật mũi. Chai nước lọc, mấy gói ô mai sấu dầm hay mơ chua cay mặn ngọt, khi là cái khăn bông để trong ngăn đá giữa trưa hè đủ sức đánh bay đám Dream II vè vè xếp hàng trước cửa.

.... Ta còn em bảy nốt cù cưa,
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ.
Cô gái mặc áo đỏ Venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Những mảnh vỡ trên thềm
Beethoven và Sonate Ánh Trăng
Nốt nhạc thiên tài bay lả tả,
Một kiếp người,
Một phím đàn long…



• “Cháu ra Hà nội, cho chú gửi món quà đến cô M.A, đưa tận tay cô cháu nhé”, bác người quen dạo hay ngồi lan man ở phòng chép tranh hoạ sĩ Ngô Đồng góc Pasteur/Nguyễn Thị Minh Khai nhờ. Quan tham tán dinh Thống sứ Bắc kỳ một thủa đến giờ vẫn giữ lối xưa: ra ngoài là phải giày tây deux-coloris, mũ phớt, quần là thẳng tắp chấm đúng mũi giày, vui lên là phì phèo ngậm tẩu chứ nhất nhất lắc đầu không dùng thuốc điếu. Cái kiểu mũ phớt đội hơi lệch, vành sau gáy phải bẻ lên một góc, nheo mắt cười nghiêng nghiêng gõ tẫu của ông cụ thì đến mình còn phải mê, một đôi lúc vui chuyện nghe lỏm được thiên-tình-sử thời trai trẻ, trung niên của ông thì đám hậu thế chỉ còn biết nghiêng mình cảm phục. Rất ý nhị, quà đụng trong một túi nhỏ không dán và chìa ra lần lượt từng món một trước khi gói lại “một băng Video “Một thủa yêu đàn”, một lọ nước hoa”. Chắc thấy mình tủm tỉm cười, ông bác nhẩn nha “một thủa yêu nàng ấy mà, tôi muốn ôm gió lại, cho hương đừng bay xa, hà hà”. “Chắc cô ngày xưa học Trưng vương hả bác?”. “Ờ, mà sao cháu biết?”, ông bác mắt lấp láy. “Thì cháu thấy bìa hộp băng Video cô gái mặc áo dài tím mà”. “Giỏi, tiếc là bác không còn đứa cháu gái nào, giá mà còn thế nào cũng phải làm mối cho anh”, ông cụ đùa. Mãi sau mới biết ông bác này thời đi học cũng từng vô cùng vất vả, nhà ở tận Hà Nam, lên Hà Nội trọ học, chiều chiều đi gia sư thêm tiền sách bút rồi gặp elle. “Ối bác ơi, ngày xưa nó mới trong sáng thế chứ cháu bây giờ học thêm Francais thuê gia sư đến văn phòng các elle ấy chỉ nhăm nhăm hết giờ rồi chạy thêm sô khác, đúng nghĩa mua bán ấy mà. Mà bác cũng tài thật đấy, bác gái không Hoạn Thư bao giờ ạ? Bọn cháu mà như bác thì về nhà khéo quần áo bát đĩa bay vèo vèo như trạng thái không trọng lượng trên tàu vũ trụ ấy chứ”.

• Lại nước hoa, cái món quái quỷ này làm mỏng ví bao gã thanh/trung niên rồi không biết. Mà cũng lạ sao đám con gái, đàn bà lại nghiện cái của nợ này như nghiện ma tuý ấy? Cái lọ be bé xinh xinh, khoảng năm (5) xê-xê dạng Perfume nhẹ cũng tầm sáu bảy chục Mỹ còn “Eau de toillette” mà ối cô đỏ mặt, thậm chí còn lầm bầm chửi rủa “thằng chết tiệt dám mang cái loại dùng cho nhà vệ sinh tặng mình” rẻ hơn cũng phải nửa triệu VND. Đi ăn bánh cuốn trên Chả Cá của cái lão râu xồm giọng the thé như đàn bà chấm hai ba cái tăm vào lọ tinh dầu cà cuống vẩy vẩy như làm phép trên bát mắm rồi úp úp mở mở “cái này là bổ thận lắm đấy, đấy anh thấy không nó thơm rất dịu chứ đâu có hắc như bọn cà cuống Thái” nửa giờ sau chém không tanh tanh “thêm hai chục tiền cà cuống” mà đầu cứ vẩn vơ lần sau ông mang mẹ nó cái lọ nước hoa đi để thử xem có dễ cà cuống nhà mày còn đắt hơn cả nước hoa loại 35% tinh dầu thơm đến hết cả ngày có dễ. Thì cũng nói thế cho nó sướng cái miệng thôi, chứ ăn uống đậm đà gia vị như món Á mình mà em nào thơm-phức-nước-hoa lại hoá ra hỏng vị vì cái hỗn-hợp mùi ấy tái cấu trúc lại thành một thứ vô-cùng-khó-ngửi. Em/chị/mợ nào “tanh tưởi” là lựa cho được một vài loại hợp với mình rồi chung thân dài dài với nó, thế là sẽ được gán ngay “em Bvlgari”, “chị Channel”, “mợ Tresor”, “nàng Kenzo” chẳng hạn. Dân văn phòng thường có vẻ sành, nhất là đám nào đi tàu đi tây nhiều vì mùa hè này ngồi điều hoà +nước hoa mới hợp, thêm tí mồ hôi dầu vào thì phí lắm. Nếu cô không thương, bắt phải làm/đi lại ngoài trời nhiều thì phải đợi đông sang, cuối thu cũng được, lúc ấy tha hồ mà chấm, rồi phun rồi xịt – nhưng lạy hồn em/nàng/chị/mợ đừng có bị dính mùi “cánh gián”. Cái đẹp nhiều lúc cũng vô hình, và tuỳ người để cảm!

• Thật ra thì con-gái-tự-thân đã có một mùi thơm của da rất dịu. Những lúc ở nhà (ta-nếu như đã ký án chung thân, nàng-nếu còn đang ngún nguẩy) , hay chỗ nào đó-như các bạn trẻ sống thoang thoáng gần như Tây bây giờ; nàng/em/bạn gái vừa tắm xong tóc còn ướt dính xoã vai nhờ ai đấy “lau tóc hộ em, ướt hết áo mất giờ”, sẽ cảm được vương vấn mùi thơm ngọt, mỏng manh rất khó tả. Sữa tắm của bọn “đẳng cấp cao” hầu như rất ít trộn thêm tinh dầu nhân tạo, kiểu như xà-bông tắm tinh chất sâm của ông Hoà Daso mà giá “những” 7 ngàn đồng/bánh. Body lotion giờ nhiều quá, chả biết có tác dụng gì không nhưng làm ơn đừng pha thêm mùi, chả gì bằng thịt-da-nguyên-chất. Một thời trai trẻ hết giờ làm là hùng hục phi cái xe 82-87 “bãi rác, mua ở Hải Phòng về, lựa mãi mới có được con xe máy còn chưa bung đầu” gần 10 cây số xuống Km9 quốc lộ 32 rẽ phải (bây giờ thì có tên rồi, đường Hồ Tùng Mậu, còn cái chỗ rẽ phải ấy giờ cung nâng cấp thành trường Cao đẳng múa Việt nam) để đón ma petie amie. Cũng chả có gì phải úp mở đâu, con gái trường múa tập xong mồ hôi mồ kê ròng ròng là hiển nhiên phải í ới rủ nhau đi tắm. Hồi ấy sinh viên các trường khác túi cói thong dong chứ học múa ai cũng ba-lô để giỏ xe đạp hay có xe-ôm thì hoặc giỏ xe hoặc kẹp yếm vì phải đem theo cả đồ tập và đồ thay. Lại khoảng bảy cây số ngược đường về phố, thích nhất những lúc em vờ-không-đồng-tình lúc lắc đầu giụi lưng, xe đi chậm độ 20 cây số trên giờ, mùi tóc và da L’amour thơm rất ngọt..

• Hồi ấy làm cùng project có một ông anh rất đào hoa, dáng không phong nhã như số đông cu-li cho Tây mà có vẻ hơi phong trần, nói chuyện rất hài nhưng chưa bao giờ pha tục, kiểu “tối qua nhà em mất điện, nóng quá không ngủ được” thì “thế à, thế đã thấy chưa?’. Vợ cũng xinh xắn, phải cái tội hay ghen (hình như con gái ai mà chẳng thủ sẵn dăm ba lọ ớt) mà nhóm anh ấy phụ trách thì toàn con gái học ngoại ngữ mới ra trường. Nghĩ hồi ấy tuyển người cũng lạ: không care profession, chỉ cần nghe/nói/viết tiếng Anh tốt là qua vòng short list ngay, vào làm rồi đào tại lại độ 6 tháng hay 1 năm là đâu vào đấy. Bọn con gái ranh ma biết tính vợ ông anh kia có họ hàng hơi hơi xa với chị tên Thư họ Hoạn nên cứ thi thoảng gần cuối giờ lại hoặc quệt tẹo son vào vai, hay chấm tí nước hoa vào áo vest ông anh team-leader làm sáng hôm sau thể nào cũng một chầu cafe than “tối qua cả đêm bị căn vặn, giải thích thế nào cũng không nghe”. Rồi vỏ quít dày mãi thì móng tay cũng nhọn, được mách nước “mày bảo ông ấy kiếm lọ dầu gió, bôi tí dầu gió vào người là nước hoa có mà France made cũng tịt ngóm”. Thử trước đã, vốn cũng biết vo ve dăm ba chương món nước hoa thấy ổn thật. Thế là cuối tuần ông anh đào hoa nhóm trưởng phấn khởi tuyên bố giữa phòng “từ giờ trở đi anh chấp....” rồi kéo thằng em quân sư quạt mo một mạch lên Piano Hàng Vải Restaurant bù khú. Lâu lắm không gặp lại, chả biết giờ anh ấy có còn thói quen trong ngăn bàn bao giờ cũng có lọ dầu Eagle-Con ó nữa không?

• Những năm 80 ở Hà nội nghe nhạc Phạm Duy qua băng cối với cái đài A-KAI (quên mất viết thế nào rồi, đành phiên âm sang Việt ngữ) to như cái máy giặt bây giờ dấm dấm dúi dúi quá tội mấy ông công chức thời nay dùng máy tính cơ quan xem phim XXX hay viếng thăm ACHN. Nghe “trả lại em yêu” đến nát cả cuộn băng, thằng em tiếc ngẩn ngơ mấy ngày còn bà chị mừng thầm vì có ngay material làm rèm cửa. Gần giữa chín mươi cậu Operation Controller có offer ngon hơn ở HCMC, thế là gạ gẫm kèm cả kích bác rủ mình cùng resign “mày nên relocation một cái, travelling broaden the mind, bọn tao cứ ba bốn năm là phải đổi job chứ ổn định như kiểu nghĩ của bọn mày chán chết đi được”. Thấy cũng hay hay, tặc lưỡi Nam tiến mấy năm xem Hòn ngọc Viễn đông nó thế nào. Vào đúng dịp cuối mùa khô, mất 3 tuần nóng thấy ông nội, ngột ngạt chả khác gì những hôm gió Lào ở miền Trung. Văn phòng thuê tạm ở cái khách sạn nổi Floating-Hotel bé tẹo, ngửa mặt lên bờ là thấy ngay cụ Hưng Đạo Vương chỉ tay chả hiểu cụ bảo “phải ở chỗ này” hay “chúng bay biến đi cho khuất mắt”. Ông bà nội vượt cả vài ngàn cây số từ Hà nội vào Saigon cuối 1954 tưởng sẽ là được gửi nắm xương tàn trên đất Mẹ ai ngờ hơn hai chục năm sau lại phải xuyên lục địa mười mấy ngàn cây số nữa. Không người thân, lục lại đám Bưu-thiếp liên lạc giữa Bắc-Nam những năm đất nước phân đôi để lọ mọ 1,5 ngày nghỉ cuối tuần đi dò tìm “à, đây là cái nhà Ông bà nội mình ở trước 1963”, “khu này là nhà Ông bà ở với các chú trước khi di tản”... Mệt nhất là tên đường thay đổi, những Phan Thanh Giản, Hồng Thập Tự, Yên Đổ... chỉ còn nằm trong ký ức mà thay vào đó phải là Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khái hay Lý Chính Thắng. Thì ai mà ngờ được cái công viên Lê Văn Tám bây giờ trước kia là nghĩa-trang Mạc Đĩnh Chi???

• Thì cũng suốt ngày số số má má khô khốc nên phải be-lờn-xờ lại bằng thú vui văn hoá văn nghệ tí cho đời nó tươi. Nhớ lại “trả lại em yêu, khung trời đại học, con đường Duy Tân, cây dài bóng mát...” tua đi tua lại ngày nào nên quyết xem cái gọi là Viện Đại Học của Saigon xưa nó có khác gì khu Mễ Trì hay Bách khoa ngoài Hà nội không? Mất hai cái cuối tuần tra cứu (làm gì có uôn-oai-uết như giờ để mà gu-gờ), bản đồ Saigon-Gia Định cũ mua được ở cái hiệu sách cũ trong cư xá Eden lại nát đúng chỗ quận I giao quận III mới đau, chịu không đoán được. Thôi phải dân vận vậy, cách mạng còn là sự nghiệp của quần chúng thì cái vụ tìm đường này phi thổ-địa bất thành chính-quả. Phải mở ngoặc đơn một đoạn, mấy em gái người Saigon này nói khó nghe quá, mà mình nói gì các em ấy cũng đếch hiểu mới cay, cái sự gì quan trọng là phải viết ra, nghĩ lắm lúc thân mình khách đếch gì thằng câm, rồi cái khó nó ló cái khôn: cứ vác English ra là hiểu gần như tuốt. Cậu xếp cao hơn mét-chín lại cứ vào rừng mơ bắt con tưởng bở, nghĩ bọn nhân viên bản địa nó tôn trọng mình nên trong giờ làm việc chúng nó mới dùng Anh ngữ chứ, biết đếch đâu cái lý do bất-đồng-nội-ngữ hê hê. Có em T lễ tân đang chờ xuất cảnh đoàn tụ với Daddy, sau mấy bữa trưa cơm dĩa (dĩa nhé, dê-đê chứ không phải cơm đĩa, đờ đâu) em bộc bạc hoá ra bố mẹ em cũng là người miền Bắc di cư 1954, “gọi là dân Bắc 54, còn ai vào đây sau giải phóng thì gọi là Bắc kỳ 75”, em dài giọng. “À thế à, thế thì anh không biết gọi là Bắc kỳ gì nhỉ?”, gã đùa. “Phải nói là dzậy à mới đúng, thì cứ gọi you là Bắc kỳ 94 đi”, nguýt dài. Cùng người Việt cả mà còn phải dịch nghĩa thế này thì mấy anh/em/chị/mợ người Việt lấy Tây những lúc rảnh rang tâm sự kiểu cà-kê-dê-ngỗng có lẽ sẽ mỏi hết tay, mà nói hơi tiếu-lâm-tục ra lúc lên “đỉnh” thì bọn Tây oh-yeah còn Việt ta chả biết sẽ thế nào ???

• Cũng phải độ tròn trèm 2 tháng thì mới thân thân, “này ông Việt cộng con kia, nghe đây” là câu elle hay nói mỗi sáng Chúa-nhựt đến nhà nàng chơi (nghe bà ngoại nàng (con gái gốc Hàng Bồ) tỉ tê chuyện ngày xưa) rồi được nghe nàng thánh-thót-gõ Piano “cho anh nghe cái gì ngăn ngắn, dễ dễ thôi” vì đã từng có hôm elle cáu, cho nghe “Đoàn quân Việt nam đi” rồi bĩu môi “cái này chắc hiểu”. Tự biết là mình dốt, nên có bị chê hay mắng cũng lẽ-hiển-nhiên, bực cũng cố nuốt để biết mà tránh cho thê-hệ-sau không dẫm lại bước sai. “Ôi trời, ở Saigon không kêu phố, chỉ có đường thôi, đường Duy Tân bắt đầu từ chỗ hồ Con Rùa ấy”, nàng phì cười sau câu hỏi chắc-là-vô-cùng-ngớ-ngẩn. Được rồi, chập tối đã hẹn cùng đến quán Thanh Niên nghe nhạc nên lấy xe chạy ra xem cái con đường Duy Tân nó mồm ngang mũi dọc thế nào mà ông Phạm Duy tấm tắc. Căn trên bản đồ thì rõ là sau Vương Cung Thánh Đường phải có cái hồ. Mà đã là hồ thì be bé như Hà Nội mình cũng là hồ Ba Mẫu, còn Hồ Tây thì rõ nguyên gốc là một đoạn sông Hồng nên miễn bàn. Quái là, lượn đi lượnh lại mấy vòng chóng cả mặt chả có cái hồ nào, lỏng chỏng mấy cái cọc bê tông giữa cái đài phun nước như ở góc Hàm Cá Mập. Vẫn mắc cái bệnh sĩ diện, đếch dám hỏi ngay. Lại để đến tuần sau căn căn đo đo, tấp lề đường mua bịch nước sương sâm lấy cớ hỏi thì mới biết mình đang đậu xe ngay trên Duy Tân, ie Phạm Ngọc Thạch thời hiện tại.

• Cũng vương vất tí ngông nghênh tuổi trẻ, bụng nghĩ cũng đi nọ đi kia rồi nên sợ đếch cha con thằng nào. Cứ tưởng mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao là đi đâu cũng được, hoá ra là sai-toàn-tập. Sáng thứ bảy đi làm nửa ngày mà lại cứ bảnh choẹ cravat thắt sơ-mi trắng thì thậm ngố, phải casual wearing kiểu áo pull, quần lùng thùng hay soóc cũng okie. Đi ăn với nàng mà ăn xong lại “em ơi tính tiền” thì không ổn, giơ một tay, tay kia nhoay ngoáy như đang ký bill ấy hợp hơn còn trả tiền thì kín đáo đem bông ra quầy hay luồn tay thấp hơn mặt bàn mà đếm. Chiều thứ Năm hàng tuần bọn báo Vietnam Investment Review hay tổ chức cái trò Review, mỗi người đến dự được phát một coupon đâu 2 món uống free còn “Food available” mà lớ ngớ nghĩ “available” ở đây giống như kiểu “are you available” là buốt ruột vì đồ ăn ở những chỗ này rất đắt. Đi review thì chủ yếu là tán gẫu, đa phần các em đi review là thư ký hoặc nhân sự săn người nên đi review để ngắm các nàng là chính. Chịu khó để ý quan sát thì cũng bớt ngố nhanh thôi, tất nhiên là costly nhiều khi đau bụng phết.

• Bây giờ Saigon có quá nhiều chỗ vui chơi, nhưng mười năm trước quanh đi quẩn lại chỉ có Thanh Niên ở Nguyễn Văn Chiêm, rồi Blue Ginger trong khu toà báo SaigonTime hay Monaco (chắc viết nhầm) Ngô Đức Kế. Sau nữa có Broadard góc Nguyễn Thiêp/Đồng Khởi hay Space Lý Tự Trong/Đồng Khởi là hết. Quán bar theo kiểu Hongkong có gái(quê) ngồi cùng thì cả dãy Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng cứ vào cửa là cả lũ nó ùa vào lòng rồi “can you buy me a drink” mà cái cốc rót Baily tí tẹo, toàn đá là đá cứ mười phút lũ gái-bar này nốc hết một ly rồi “one more ok?” ngồi độ tiếng đồng hồ móc ví mà thấy tiếc vì cốc Baily của nó đắt gấp 2 lần chai bia của mình, lại thêm quả tiền boa đâu hồi đấy đã một tờ 50 ngàn thì phải. Ôm một tí, nó bóp vai một tẹo là đi đứt hai ba trăm thời giá 1995. Đúng là ngu thật!!!! Giờ có quán U2 ở Mạc Thị Bưởi, gần Hai Bà Trưng có cái trò gái-bar không mặc đồ lót cũng quậy thật. Mỗi tội toàn cá-sấu, hút thuốc như điên, ngồi ghế quầy bar co hai chân lên hở hết cả khe, cả suối cả rêu :) Không tin à, vào thử đi kẻo mấy anh mười bốn, hai lăm HCMC sờ vào lại kêu là xạo!!!!!!!!!

• Chả hiểu sao gã không-thể-nào vô-sản-hoá cái trò hoa-lá-cành được. Thì tự bào chữa mình đôi-khi- hư nhưng hư-một-cách-có-chọn-lựa. Thế nên mấy trò bia ôm Phan Đăng Lưu, bar Hai Bà Trưng hay hớt tóc nam đường 3/2, Điện Biên Phủ.... là không có tên gã trong danh sách những người xoá đói giảm nghèo, phân phối lại thu nhập cho các em. Hôm nào có bạn bè vui lên là nhảy đầm, hồi đấy có cái Shangri-la ở đường 3/2 - mà sau này không biết sao bị cháy, đào đẹp nhức mắt. Ở Rex vũ nữ mặc áo dài, QueenBee và Liberty vũ nữ mặc đầm còn Shangri-la chỉ có sườn xám xuất sứ Trung hoa mà đẩy cửa vào nhìn thấy các em đứng cả dãy dài là đầu óc lung tung hết cả. Khối ông vào đấy đang thẳng lưng oai vệ bỗng lịch-lãm-nghiêng-người-chào. Hơ, ai biết đồng-hồ-sinh-dục của ngài đang sáu giờ ba mươi bỗng chuyển hơn 5 múi giờ lên giữa-ngọ :). Thi thoảng xé rào, thế nào mà elle cũng biết. “Ông Việt cộng, nghe đây”, giọng em hôm nay nghe rõ buồn và lạnh. Đúng là chết vì cái tội nhanh nhảu đoảng “anh biết bài này, Trưng vương khung cửa mùa thu, mẹ anh cũng học Trưng vương mà. Chắc là sau bà phải cả chục khoá, bà nhỉ”. Bà cưòi móm mém, mấy khi có được thằng-hoàn-toàn-có-thể-là-cháu-rể hợp tính bà đến thế, mang từ chai tương chính gốc nhà chùa cuối Bà Triệu, cúc đại đoá dịp tháng mười hay cái bánh chưng, miếng chả quế Quốc Hương vào cho bà, rồi bà cất/để dành - đấy là một góc Hà nội của bà mất rồi, đã quá già không còn dịp nào quay lại nữa . “Biết à, hát nghe thử coi, mà thôi đánh vần từng câu cũng được”, câu trước nghe hơi hơi mát, nghe đến câu này thì buốt sống lưng. Lẩm bẩm” tim em chưa nghe rung qua một lần, làn môi em chưa hôn ai cho thật gần, tình trần mong manh, như lá me xanh, ngơ ngác rơi nhanh.....”. “Biết rồi sao còn làm em buồn”, nói rõ nhẹ mà như cứa dao cạo vào tim. Gã hãi nhất là cảnh ngồi im chịu trận nhìn elle(s) lã chã rơi nước mắt không nói không rằng. Lúc ấy thì thế nào cũng “thôi, không bao giờ abc nữa”, nhưng khổ cái là cái lưỡi nó hay tặc quá. Hồi elle rủ đi học giáo lý “cho bớt cái tội vô thần”, cha chánh xứ lắc đầu sau độ vài tháng “con không có đức tin, ta thật tiếc”. Dạ, trình cha con nói thật là con rất sợ cảnh sau này (phỉ-phui-cái-miệng) Chúa gọi con (giả như con-được-rửa-tội-đi) về thi ông Thánh Phê-rô gác cửa Thiên đàng ấy có dễ phải đưa (chúng) con lên giàn thiêu có dễ vài ba lần vì tội dám bất tuân “phàm những gì Đức Chúa đã kết giao thì không được chia cắt”.

... Ta còn em một con tàu
Giã biệt bến sông.
Mảnh trăng vỡ
Tiễn người bỏ xứ.
Dãy phố buồn
Nghìn năm mắt nhớ...

Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn
Gió Nhật Tân
Gợi
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai....




• Saigon nghe nhiều người kể lại là đất-đãi-khách-phương-xa. Không kế đợt di cư lớn nhất trong lịch sử năm 1954, người Bắc mình sau 1975 vào đó cũng nhiều. Quanh sân bay Tân sơn nhất, quận Tân Bình có lẽ tìm người nói giọng Nam khó gần như tìm ở ngoài Hà nội. Muốn bún chả hay phở không ngòn-ngọt-nước-dùng, không giá-trụng chắc chỉ mò về đường Trường Sơn là nhanh nhất. Dạo những năm 1994 có quán cơm nhỏ ở đầu đường Hồng Hà, sát đoàn bay 919 trưa/tối tấp nập người ở Hà nội vào Saigon đến ăn. Cơm bình dân, thức ăn cũng dân dã tương cà gia bản nhưng các em tiếp viên VietnamAirlines người miền Bắc hay thuê nhà ở gần Đoàn tiếp viên cho tiện là khách nhẵn mặt, quen tên nên các anh cũng tự nhiên thích lây quán ấy. Mở đường, đoàn tiếp viên cũng chuyển sang mé bên kia, thi thoảng đi ngang qua gặp tà áo dài màu đỏ sậm tay kéo va ly ngang vai đeo sắc cũng thấy nao nao. Cứ dính tí tình cảm vào là rất khổ, màu hồng của áo dài ngày trước trông thuận mắt hơn đỏ đậm bây giờ, hay tại mình và elle Tết đến chỉ thích đào phai?

• Chiều muộn, đợi cơm nên lang thang mạng ảo. Lâu lắm mới gặp ông bạn vàng, cũng cắm đầu cắm cổ hùng hục như trâu kiếm tiền nuôi con, chiều vợ; thì cũng khác gì cái thân mình đâu; bác bác tôi tôi giống nhau từ tính gia trưởng, đến quan niệm gia đình. ‘Đang ở Vũng tàu, sư tử nghỉ hè nên cho sư tử đi cùng; tôi nhiều lúc cũng hơi bê trễ chuyện nhà cửa, thôi cho mẹ con nó đi coi như là nhận lỗi. Vừa xuống tàu cao tốc thì gặp lão khách hàng, nó độp ngay ‘trốn vợ cho RAU đi cáp hả; chú giống anh’; tôi tái mét mặt ông ạ, không biết vợ nghe thấy không’ than thở với ông bạn. ‘Bác giống tôi, hôm trước vào Fortuna, gọi mãi xe ko đến đón nên bảo vợ ghé qua chở về nhà. Mẹ chúng nó chứ, cả lũ khách hàng, cả mấy thằng bảo vệ cứ nhìn vợ mình cứ như là gái-gọi ấy’, ông bạn tuồn tuột. Chả biết cười hay là khóc, bro H nhỉ ???

• Lại nhớ đến bro B, trong một ngày đẹp trời nào đó đưa ra khái niệm rau/dưa. Cũng chẳng dám nhận định đúng hay sai, vì tự thấy mình cũng không dưới dăm ba lần phạm luật. Ấy là có một mình, trước mặt cha-linh-mục tên Virtual này mới dám xưng tội tương đối thành thật, chứ ngoài đời hình như chẳng có mấy ai dám công khai dặn ‘sau này anh khuất, trong điếu văn đừng có dòng ‘gia đình mất đi một người chồng chung thuỷ, người cha mẫu mực’ như khuôn mẫu làm-điếu cho các cụ bây giờ. Có một nhà thơ nào cũng đã viết ‘ai chẳng có những phút giây ngoài chồng vợ’ từ những năm đầu 1990 cơ mà. Đang yêu-điên-cuồng period thì sao thấy cái gì của partner cũng dễ thương đến thế, ký án chung thân độ nửa năm bỗng ngộ ra hình như ta đang đọc Dương Thu Hương với ‘bên kia bờ ảo vọng’. Thôi đã biêt đời là bể khổ, thì tặc lưỡi đi nốt chưong hai ‘tình là dây oan’ cho đỡ lẻ loi.

• Đặt một vài technique đếm, thì thấy dân cư có khoảng chừng ngót nghét ngàn người. Công chức gần một nửa, nhìn số người accessed vào trong giờ nghỉ trưa, hay sau 5pm là đoán ra ngay. Cứ trộm vía nghĩ chỉ có giới-tính NAM đi dạo trong này, nhưng chột dạ chốn này tai-tiếng-quá-lẫy-lừng thì vớ vẩn mấy mụ kia nó ngại gì mà không ghé. Đến giáo viên trường đại học L mà nghỉ trưa là cả cô cả thầy còn hí húi xem phim XXXX ngay tại văn phòng khoa để chiều tối lại từng đôi ‘đi dạy thêm tại chức’ đều như vắt chanh đúng 10pm có mặt ở nhà còn trước đó lớp học đa phần ở trong các căn phòng-tiện-nghi nằm trong hẻm nhỏ, mé ngoại ô. Sáng vợ rủ đi ăn bún sườn, chiều về lại thấy đĩa nem, cẩn thận hơn thì ‘em vừa nhờ mua cặp nhung nai ngâm rượu’ là chột dạ không biết mụ ta nói nghĩa đen hay ý bóng.

• Cafe ở Hà nội mình giờ cũng nhiều, ngồi đó vừa bàn chuyện, cũng có thể làm việc kiểu remote office nếu có Wife, vừa tán quậy tán quạ cũng có cái hay. Saigon trước 1975 thì quầy bar trên tầng thượng Caravelle hay cafe Givral đã chẳng có biệt danh ‘chánh khách Caravelle’ hay ‘Radio Saigon’ còn gì. Thi thoảng phải đá-trong-giờ việc riêng, nên lượn coffee-break ra ngoài là tốt nhất. Quán yên tĩnh, nhạc không lời đủ nghe, chỗ ngồi êm, đồ uống ngon và thi thoảng kẹt cửa lại thấy một vài bóng hồng vương vất nước hoa, thư giãn cũng đến thế là cùng. Tít một cái, gì thế này, kết nối hồng ngoại báo nhận được 1 file. Có Norton protects rồi, ngại gì mà ko thử : ối la la ảnh demi-nude của một nàng nào đó gửi nhầm. Hình như bàn bên cạnh có tiếng thì thầm, giọng nữ không còn trẻ còn nhìn kiểu ăn mặc chắc là dân công chức. Cái gì vu-vơ, cái gì rau cỏ thế này:

. lại vu vơ rồi hả ?
. vào đọc cả buổi chiều, xong em hụt hẫng......
. nói thật là em mất hết niềm tin, thất vọng và căm giận chị ạ. Họ tưởng là mạng ảo, nhưng đọc qua là có phải không biết ai là ai đâu. Mình là rau của họ ư, thật nhục nhã....
. em đã thấy là lạ khi có những nick rất lạ nhắn tin. Nhấm nhẳng một lúc thì họ khai ra là anh A anh B giới thiệu. Em chưa tin, lẽ nào người như thế lại làm trò đấy.....
. đọc hết đoạn rau cỏ, thì em biết mình đã nhầm người.....
. đến giờ em vẫn không dám tin đấy là sự thật. Tự nhiên nhìn ai cũng sợ, em bị trầm cảm thì phải, độ tháng nay từ hôm chị cho biết cái trang web đấy....
. đúng đàn ông không hư nếu ko có đàn bà đổ đốn, nhưng em ghê tởm và căm cái trò lôi chị em mình ra nói chuyện như những đồ vật.....
. khi mình dám phá bỏ định kiến, và đến với người mình yêu hay có tình cảm thật sự đâu phải dễ đâu........
. cũng dằn vặt, trăn trở. Rồi để bị coi như trò tiêu khiển, một đồ trang sức họ chuyền tay nhau...
. em thấy căm hận sau khi đọc xong, con người ấy không phân biệt thật/giả được nữa, một quái vật không tim......
. cuộc sống mà, còn sống là còn cần tình cảm, tình cảm đó cần được trân trọng vì để có nó còn khó hơn nhiều so với tình yêu.
. Nhưng cái Vu-Vơ đọc cũng thấy thấp thoáng thời sinh viên đấy chứ ?
. thế mà cái thằng viết ra những câu dễ đi vào lòng người ấy lại ở level cao mới tởm chứ. Hay là đàn ông vào chỗ này mới lột hết cái mặt nạ ra rồi sống thật.....

.......Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai đó ngồi bên gốc đại già,
Chợt quên
Ai kia bên đường
Đứng đợi.
Cuộc đời, có lẽ nào,
Là một thoáng
Bâng quơ...
Ta còn em những cuộc tình
Như một bài thơ.
Những nỗi đau gặm mòn phận số....



• ‘thâm như Tàu’ là câu cửa miệng của người Bắc mình khi bình luận, nhưng ngẫm ra tụi Nhật còn thâm hơn cả Tàu khi đưa ra cái slogan ‘Tôi yêu Việt nam’. Đã hằn sâu trong suy nghĩ rất nhiều người khi nói đến xe máy là gán với Honda, ô tô là mơ màng Toyota hay tivi là Sony mà tiếng Anh nó gọi là ‘top of mind’. Bảng kê thành tích xuất khẩu hàng năm của bác Tuyển sao không thấy thêm một dòng : xuất khẩu ngoại tệ của Honda Vietnam bác nhỉ ? Mỗi năm bọn họ ‘yêu Việt nam’ bao nhiêu Mỹ kim bác có biết không ? Từ 2,100 USD/xe năm 1998 đến bây giờ chỉ còn 15 triệu VND cũng cái giấc-mơ 100cm3 ấy, dân ta phải merci mấy bác Tàu vì nhờ các bác ấy ‘muốn mua bình bịch giá nào cũng có’ mà anh Nhật-lùn kia mới bớt làm mình làm mẩy. Mấy trăm ngàn xe đã bán ra, man-ti-pồ giữa 2,100$ với Fifteen triệu (bác Tuyển cũng chịu khó học Ing-lít lắm mà), bao nhiêu trăm triệu Mỹ kim chảy máu về xứ Phù tang? Bài học nhỡn tiền từ xe 2 bánh, giờ lại lặp lại với xế-hộp mà sao quan chức toàn Dr. cả không ‘ngộ’ được ra, hay là... chót... nên...?

• Yêu quá chứ sao lại không yêu khi mối tình Honda-Vietnam (chắc) bắt đầu từ những năm cuối 1960 với serial Honda 67, 68 mãi hơn 20 năm sau chuyển từ miền Nam ra Hà nội vẫn chạy ngon ơ, ông nào cẩn thận doa lại cái xi-lanh, hay thay đầu bò đi mà thuật ngữ chuyên môn của ông Chính-đầu-bạc Đại Cồ Việt gọi là ‘thay máy cúp’, kỹ tính hơn nữa tháo ra sơn lại đen-huyền là cứ gọi là ăn đứt mấy ông Mô-kích SIMSON shipped từ Đông Đức. Cuối những năm 80 anh nào có cái xe 67, vận áo bay Nga mùa hè hay Natô nếu tiết đông hàn, đồng hồ SK to tọ, đeo cái kính Cơn (bác nào biết tên thật của hãng kính này không nhỉ) thì cứ gọi là long lanh thêm mấy chân kính. Lâu không thấy bóng những con chiến mã 67, 68 ở Hà nội nữa, Saigon hình như cũng không, có lẽ duy nhất còn sót lại ở xứ Tây Đô. Khách sạn Golf Cần Thơ chiều nọ có 1 cái xe lôi đỗ xịch ngay ngoài sân, anh chàng bảo vệ đồng phục bảnh choẹ hăm hở chạy ra chỉ thẳng tay ý ‘biến đi chỗ khác, khách sạn 3 sao không có chỗ cho bọn xe lôi’ bỗng ngơ ngác sao thằng cha lơ xe này mặt quen quen, cứ như là khách thì phải, mà cũng chỉ có khách mới dám thong dong bước vào sảnh chờ thôi chớ. Áng chừng dăm mười phút thằng acting-lơ-xe- ấy cười cười nói nói với em lễ tân rồi cả hai thẳng tiến ra.... limusine xe lôi có-đầu-kéo-là-nguyên-Honda 67 lượn một vòng thủ phủ miền Tây. Có gì đâu, 50 ngàn một tiếng xe lôi còn thuê xe không thì cả ngày hết độ hai trăm. Hai trăm nghìn, để tìm lại một thời kỷ niệm và ‘con trai Hà nội cũng kỳ ghê anh hᒠthì là quá rẻ chán. Đế Gò-công nấu bằng nếp than, xoài xanh trộn khô sặc, cá lóc nướng trui, một ly nhỏ uống xoay vần, con gái Cần thơ trắng nõn nà, đẹp hiền hậu kiểu khuôn trăng đầy đặn. Bao giờ cầu Cần Thơ mới xong để hết cảnh một tiếng đợi phà ???

• Thực lòng thằng cha khách ấy vẫn thích cái dáng ong-bò-vẽ của Vespa, chiều Chủ nhật lượn phố Saigon trên cái PX 150 có nàng ngồi sau những năm cuối 90 thì thôi rồi lãng mạn nhưng mang ra Hanoi mùa đông è cổ đạp mãi không mà không nổ do xăng-pha-nhớt không đề. Con trai Hà nội có tiếng là chu đáo, xe của elle hư, ‘để cuối buổi tranh thủ nghỉ trưa anh mang ra HEAD sửa ’ thì ‘thôi để chiều em đưa nó ra Lý Tự Trọng sửa luôn’. Sáng hôm sau cứ nghĩ xe sửa rồi, cũng dậy muộn nên khỏi cần qua đón thì nhấm nháy ‘sao không đến đón em’. Ủa xe đâu thì ‘ngố ơi là ngố, ra Lý Tự Trọng sửa luôn là mang xe đi bán thưa ông Việt cộng con’. Mùa mưa Saigon, đi đâu cũng thủ sẵn cái áo mưa đôi (tôi viết áo-mưa-đôi, vì được thiết kế cho 2 người mặc khi ngồi xe gắn máy, Hà nội hình như chưa thấy có?). ‘Em nhớ những chiều mưa, anh đi bộ mang dù đến đến đón’, thư của elle viết sau đấy mấy năm. Giờ thì bốn bánh nhiều rồi, dân sành điệu nếu đi 2 bánh mèng lắm cũng phải tay ga ấy là Hà nội còn Hải Phòng thì xe máy cứ phải là cực đắt @ hay Dylan mới tự tin. Saigon hơi khác, khối em xinh ơi là xinh sáng sáng vẫn áo dài đi làm bằng Dream lùn hay Kawasaki Max. Thế là còn nhẹ, hồi tháng rồi rồi ngồi Cafe Brodard với 1 bác có majority interest ở 1 khách sạn *** trên Quận I vẫn kỳ cạch đạp Honda Dame khói mù trời ‘mai đợi anh đến rước đi ăn sáng’. ‘Sao anh không đổi cái xe đi cho nó đỡ vất ?’, cũng chỉ dám dè dặt hỏi vì ông anh tiền chắc nếu quy sang GBP mà lỡ tay làm đổ thì có dễ không gẫy lưng cũng ngạt thở vì.... nhiều quá. ‘Sao anh phải đổi, nó vẫn còn tốt mà em, má anh mua tặng anh từ khi học xong Văn khoa Saigon đó. Em đi nhiều, chắc cũng biết chuyện ông chủ Honda trước khi chế ra động cơ đã từng sang Ý, tháo tung cả 1 cái Vespa ra mày mò, không đủ tiền ở lại Rome, ông phải về lại Nhật. Lúc gửi hành lý, thiếu tiền trả cước, ông ấy đã phải nhét rất nhiều chi tiết máy vào người’, ông anh vừa nhẹ nhàng gạt tô cháo trắng lá dứa nghi ngút khói vừa đủng đỉnh trả lời.

• Đã cố công tra cứu, nhưng vẫn chịu không dịch được tại sao trong bữa cơm Việt, dù là đám cưới, hay ăn ngoài quán dăm bảy năm gần đây lại có ‘khai vị bằng món súp’. Cũng đã ăn mòn dao, vẹt dĩa thì ừ-thôi-thì bọn Tây trong bữa nó chẳng có canh, nên bát súp thì hợp lý vì thêm ít dung dịch cho dạ dày dễ bóp. Cơm ta, bát canh to tổ bố, ngọt lừ mà chêm thêm bát súp lên đầu thì Ai-em bó tay không hiểu. Bia cũng thế, tụi bạn đồng nghiệp mắt xanh lè đến hanoi được rủ đi uống bia hơi vài lần là lần sau có dịp sang nhất nhất ‘cho tao đi Hanoi fresh beer, sau đấy là beef noodle và spring rolls chứ làm ơn đừng formally đưa tao vào re-xờ-tơ-rong’. ‘Ừ, tao chả mời mày xơi món xúp-nước-trà-rửa-tay nữa đâu’, thế là cười ngất. Chả là sau món cua, hay tôm gì đó thì nhà hàng thường đưa ra bát nước nho nhỏ xinh xinh bã chè, dăm lát chanh để thực khách rửa tay. Xếp nhất phụ trách mảng operation Châu Á sang Vietnam công du, mời toàn bộ đám có tí chức sắc đi ăn tối kèm với cả partners ‘tao muốn cảm ơn người thân, gia đình nhân viên của tao’. Xếp to, ăn cũng nhanh còn đi bộ thì khỏi nói, xong món tôm nướng bách hoa ‘the best I’ve tried’ ngài tấm tắc. Bồi bàn đưa ra bát nước bã trà để sir rửa tay, ‘please’, em phục vụ bàn áo dài thướt tha thánh thót. ‘Is it soup ?’, ngài hỏi- dân British nói thì thào cứ như lá rơi cực ăng-lê. Chưa kịp trả lời đỡ thì em áo-dài-phục-vụ đ㠑yes, sir’ nhanh nhảu, trông rõ sáng sủa, kiểu này chắc cũng cử nhân ngoại ngữ rồi đây. Khổ cái cử nhân ngoại ngữ mà thống kê thấy 40% câm (có nói được đâu), 50% điếc (nghe chả hiểu gì) thì chắc suy diễn súp~~soap=rửa tay xà phòng cho nó sạch và Sir thế là vớ ngay cái muỗng bên phải xụp hai ba xụp non-stoping. ‘Dịp trước tao qua Tokyo, ăn trưa nhanh, người Nhật có món cơm mixing với nước trà cũng gần giống thế này’ ngài nói sau khi đã nhiệt-tình-xúc hết bán nước bã chè rửa tay và xã-giao-khen ‘very nice’. Theo gương ngài, đám lần đầu đến Vietnam cũng nhiệt tình xụp xoạp, khoái trá ra mặt còn dân Việt nam nguyên chất lẫn đám exparts ‘mắm tôm’ mắt trợn ngược hết cả lên rồi thằng nọ liếc đứa kia ý là làm thế nào bây giờ xơi-món-nước-rửa-tay hay là xếp-ơi-để-em mua béc-ba-rin và đặt chỗ phòng khám SOS kẻo không kịp nữa. Thôi thì, GM Vietnam nghiến răng xụp, anh em cũng nhắm mắt đưa chân, mồm ngậm chỉ chực nôn, đầu lẩm bẩm sau bữa này bố mày có làm sao thì cái nhà hàng này bán hết cả váy vợ đi cũng ko đủ tiền bồi-thường-nhân-phẩm cho mấy chục mạng. Cảnh giả đúng kiểu con gái Hà-thành, mỗi người chỉ dám xụp không quá 2 muỗng rồi khẩn trương vẫy tay đổi món ; đám phục vụ mắt chữ A, mồm chữ O kinh hãi không hiểu sự thể làm sao. Nàng đi một lần, sợ đến mức mấy lần sau rủ đi cùng mà còn xin khất :( . Sau món nước-rửa-tay tự nhiên nhu cầu Cognac tăng vòn vọt, ‘em xin một tẹo’, một cái nhéo đùi. Hai cái một tẹo là lơ mơ ngay, ‘thật ra đi ăn cũng chả sung sướng gì’, elle tóm một cái nhận xét sau bữa tối dài chừng 2 tiếng. Cho nghe Diễm xưa suốt dọc đường về, mãi sau này nhắc lại mới biết mình đá đểu ‘làm sao em biết bia đá không SAY’.

• Sân-bay-Quốc-tế-Đà-nẵng những ngày đầu tháng Chín vẫn đìu hiu như vốn dĩ xưa nay vốn thế, khác chăng là Toillete nồng-nàn-hơn mùi a-mô-ni-ắc mà theo sách Hoá học lớp 12 hồi trước thì loại khí này tốt cho cây trồng chứ không nên luẩn quất trong phòng kín. Hành khách nào tiện-nhỏ vài ba phút xong rồi ra thì chỉ thấy có mùi hơi hăng hăng dính vào quần áo chứ bác nào chưa biết, hay bụng-xấu-đột-ngột vào đấy mà tiện-lớn đảm bảo lúc ra thế nào cũng đỏ hoe con mắt mà khối em cứ tưởng anh xúc động vì phải see-you-again chứ đâu biết rằng trong-nớ-khai-quá, cay-xè-cả-mắt. Quan khách SOM3 đến Đà nẵng ngụ trong Furama tấm tắc khen ‘không ngờ cái rest room của Đà-nẵng-Quốc-tế-Phi-trường mọi rợ đến không tưởng mà cái chỗ này lại perfect thế’. Sân bay Quốc tế quái gì mà không ống lồng, chẳng Duty Free còn dịch vụ thì lèo tèo vài ba quầy giống cửa hàng mậu dịch quốc doanh thời hai mươi năm trước, nắng như cắn như beo vưỡn ‘Hàng không Việt nam mời quý khách đi chuyến bay VN@@@ làm thủ tục ..... ‘ để rồi leo bộ ra xe há mồm tới tàu bay. Thôi đi các senior officials ơi, quý vị mà được mời ra Huế, vào Đại nội thăm Unesco listed heritage thì có tìm đỏ con mắt cũng không thấy chỗ nào để giải quyết nỗi buồn đâu, cay-xè-mắt mà có là vẫn còn hơn chán đấy. Cứ đi cho nó kỹ vào, tay cầm chai nước, ba lô thêm vài chai nữa bảo đảm đi hết một tua có khi phải vào ra cửa soát vé vài lần để buồn-ơi-chào-mi-nhé. Đã một vài lần đưa hoặc bạn, hoặc đồng nghiệp hoặc bạn-thân-thân vào xem ngai vàng trong điện Thái hoà, thấy đối tác mắt liếc ngang liếc dọc hoặc nghệt ra là biết ngay ‘tình-hình-Cu-ba-căng-thẳng’ nhưng đang ở khúc ruột miền Trung chứ có phải ngồi trong xe từ thủ đô Băng cốc ra Don Muong đâu mà có cái của nợ kia để mà ngồi trong xe nếu bí quá vẫn có thể giải quyết chuyện buồn. Tổng cục Du lịch Việt nam cứ ngồi ở Quán Sứ vặn vẹo lẫn nhau tại sao khách Tây chỉ đến một lần? Thưa các vị Tây-không-tính-đám-ba-lô back packers sang ta không phải vì mấy cái phòng không đáng sao nào lobby mạnh bỗng hoá 4**** mà thảm trải sàn lem nha lem nhem, miếng bít-tết bò dai tới mức khối ông long cả hàm răng giả. An ninh cửa khẩu mặt lanh tanh, mày hello kệ mẹ mày tao đây không thèm nghe nhé, lật lên lật xuống hộ chiếu, qua thêm ông Hải quan cách đấy cả đoạn đường dài lại soi, lại xem tờ khai xuất nhập cảnh vẫn y như trước đó ít phút ông Anh ninh cửa khẩu săm xoi. Khách Tây thì phát cho tờ khai xuất nhập cảnh tiếng Việt, ông xuất khẩu lao động hay mấy cụ già đi cho biết Tây nó thế nào thì được phát cho tờ khai tiếng Anh làm náo loạn cả góc sân bay. Những phát minh rồ-dại-nhất-thế-gian-này !!!!!!!!!!

• Thôi thì cứ tạm gọi là bệnh rồ, căn bệnh trầm kha thường xảy ra khi người ta chuyển từ trạng thái này sang một cực khác xa xa lúc trước. Hơn chục năm về trước giám-đốc là một danh từ vô cùng sang trọng, danh thiếp hay phổ-thông-người-ta gọi các-vi-dít là có thể thay được cả giấy chứng minh nhân dân ở khá nhiều nơi quan trọng. Thế nên luật Cty TNHH mà sau này thiên hạ đùa ‘trách nhiệm hết hơi’ đưa ra là đua nhau mượn ít tiền, hay cầm tạm cái sổ tiết kiệm mấy tháng để lập cái Công ty, rồi chồng Giám đốc, vợ Phó giám đốc, con trai Kế toán trưởng, con gái Trưởng phòng nghiệp vụ... in danh thiếp hẳn bảy màu sọc ngang cho nó sướng mắt. Nhưng mấy tháng sau thấy thằng hàng xóng danh thiếp của nó là TỔNG Giám đốc, oai hơn hẳn chứ Giám đốc đã là cái đinh gì. Mẹ, tao mà lại kém nó à, xem để-in-được-Tổng thì phải có cái gì, à bố khỉ Cty Cổ phần thì được khắc-danh Tổng-giám-đốc, ông vẽ thêm ra mấy thằng nữa làm cổ đông cho đủ 7 rồi đăng ký mới hẳn một Cty nữa đi, làm thêm mấy hộp các-vi-dít nữa tối tối đi bia ôm chìa cho các em tiếp viên xem, oách hơn hẳn. Còn đoạn dịch sang tiếng ăng-lê thì Tổng công ty là phải Corporation, chứ còn Company thì chỉ dùng cho mấy cái công ty thôi, Co., là vớ vẩn !!! Vâng, bọn UK nó vớ vẩn lắm ạ, chủ tịch hãng của bọn nó, giá trị thị trường cỡ độ dăm bảy trăm tỷ GBP niêm yết trên FTSE cũng chỉ nhũn nhặn dùng từ ABC p.l.c thôi xếp ạ!

• $$$$ rủng rỉnh rồi, thấy vẫn hơi thiêu thiếu cái gì thì phải. Trên cái các-vi-sít của bọn Tây sao thi thoảng lại thấy mấy thằng Bác-sĩ Dr. EFG thế nhỉ ? Tiến sỹ à, bên ta thấy thi thoảng thông báo tuyển Nghiên cứu sinh, những bằng chỉ là Phó.Tiến.Sỹ thôi, bọn Tây biết cái chó gì, convert hết sang Dr. cho nó gọn, ai lại lằng nhằng Associate Doctor vừa dài vừa sai chuẩn bằng cấp. Mà làm cái Dr. ở ta cũng dễ nhưng lâu quá, ba năm là tiêu chuẩn tối thiểu, chi bằng sang béng ông-anh-Liên-xô, các thầy cũng xuê xoa sau vụ bác En-xin bảo xe tăng nã thẳng đạn vào nhà quốc hội năm 91. Vài ba lần sang Nga-làm-nghiên-cứu-sinh, mỗi lần độ vài ba tuần lễ, khoảng hơn năm là có văn bằng Tiến sỹ như ai, oai hơn hẳn vì ta đây Russian made chứ đâu lèm nhèm như đồ-nội-địa. Thế nên có chuyện chẳng biết khóc hay cười là đương kim Tổng-giám-đốc Tập đoàn y dược LB sang Nga bảo-vệ-luận-án-Tiến-Sỹ về............. Y HỌC CỔ TRUYỀN. Rồi thì Đốc-tờ cũng chưa oai, phải cố chạy thêm cái hàm Phó-Giáo-Sư cho nó thêm hàm lượng trí tuệ dù năm thì mười hoạ Đốc-tơ đi thụ-giảng cho mấy lớp tại chức hoặc chuyên tu. Cứ tưởng chuyện đến thế là lợn-dừng, hoá ra sức tưởng tượng của con người là vô hạn: Học hàm Viện sỹ kia mới là danh giá. Lại một dịp bỏ ra độ một vài ngàn Mỹ kim, đăng ký cho một cái Academy trời ơi đất hỡi nào đó hoặc ở Mỹ, hoặc lại Nga-xô làm thành viên rồi lại thêm một cái danh Viện-sỹ. Ừ, nó cũng khác gì đâu cái thằng nhãi ranh Minh Đức chuyên bới tóc làm đầu cho mấy chị mấy em (quả đáng tội chú nhóc này tay nghề khá giỏi) không cận, chẳng lão suốt ngày cả khi nắng cũng như râm lù lù cái kính đen lập ra Học-viện-thẩm-mỹ-David Minh Đức. Chả biết có ông Dr. nào đăng ký membership với cái Học viện này để lấy hàm VIỆN-SỸ chưa?

• ‘Xứ Quảng nam chưa mưa đã thấm’, hình như có một câu ca như thế về dải đất này. Có những điều tưởng là quá đỗi bình thường nhưng khi phải tạm xa môi trường hoặc mô phạm, hoặc quen đến nhắm mắt vẫn có thể hình dung ra mới thấm cái bình thường ấy lại là là ước mơ của một số đông không nhỏ. Một tỉnh, hai di sản thế giới với Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn mà thủ phủ chỉ là thị xã Tam Kỳ lèo tèo vài con phố. Cát nhiều thế, nhìn đâu cũng cát, lác đác chỉ có phi lao là trụ được với khí hậu khắc nghiệt này, ừ cát nhiều thế mưa xuống thấm hết ngay, ruộng lấy đâu ra nước. Ai đó dạy ‘khôn ngoan hiện ra mặt’ nhưng có lẽ modify thêm là ‘mức sống cũng hiển hiện rõ trên khuôn mặt của một mẫu nếu lấy số kha khá đông dân ở đó’. Sân bay Chu lai B52 đã từng đậu nhưng chỉ có chuyến từ SGN đến, tối ở thị xã Tam kỳ buồn đến nao lòng. Tạm xong việc, thổ địa ‘mời anh ta đi dùng bữa tối’, chủ thì ăn ít, uống nhiều, em út quậy tưng bừng ‘nhưng ở đây tụi em chỉ được đứng thôi anh à’. Cũng đi hết độ vài chai 40% alcohol, chuyện gần chuyện xa về biển xanh, mây trắng... rõ là mơ mộng nhưng với người dân ở đây thì cái mơ mộng của đám văn-nghệ-sỹ lại là nỗi đau vì khô hạn và khát nước. Chủ tiệc xuề xoà vỗ vai ‘chú mày ở Hanoi dzô, coi bộ dzậy nhậu cũng ngon ha. D.mẹ, chú mày có biết ở ngoải thằng cha Hồng Đăng là đứa nào không?’. ‘À, nhạc sỹ mà anh, nổi tiếng với bài Hoa sữa trong phim Hà nội mùa chim làm tổ’, trả lời pha chút tự hào vì thoáng thấy dọc đường có dăm ba cây ấy. ‘D.má, thằng chả mà vô đây tụi anh chém trước nhất luôn, chú mày không biết mấy năm trước ở cái Tam Kỳ này phải đốn đi cơ man nào là cây ấy, đ.má mùa ra hoa nó hắc hết chịu nổi, mà ở đây thì đường nào cũng ken đầy’...

.... Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cũ.
Một thời thịnh,
Một thời suy,
Hưng vong lẽ thường.
Người qua đó,
Hững hờ bài học sử.....

• Nhà đối diện ngay cái loa phường, chả hiểu thời buổi thông tin nhanh, nhiều, rẻ... như giờ mà sao vẫn mên-tên cái hệ thống truyền thanh ông ổng nói suốt ngày chả ai nghe này nhỉ ? Trước không TV, đài Sông Hồng điện lúc có lúc không thì phải mắc cái đài phường ngay cửa cho-nó-có-vẻ-nắm-bắt-thông-tin-định-hướng-của-Đảng (chứ thực ra tối tối toàn vặn đài Sanyo chạy pin nghe trộm BBC hay RFR rồi âm ỉ sướng). Ngày-yếu, đúng 6h30 sáng ‘đây là đài truyền thanh phường.... ‘ thay cho đồng hồ báo thức đã đành, ngày không-yếu weekend cũng đúng giờ đó bổn cũ soạn lại, hết lở mồm long móng đến cúm gà rồi bắt lính hay người Hà nội văn minh mà hình như khoán phải dài tối thỉểu 30 phút nên nhạc chèn vào hết ... đây Hồ gươm Hồng hà Hồ tây rồi ...tôi hát bài ca ngợi ca Hà nội đúng dạng câu giờ. Thi thoảng lại phải dúi cho thằng cha leo cột điện bao thuốc ‘mày vặn chếch sang hướng khác cho anh nhờ’, chả hiểu lý do gì năm vài bốn bận nó lại tự quay về hướng cũ ? Hình như chưa thấy ai đề cập đến vấn nạn ‘ô nhiễm tiếng ồn Hà nội’, hay chót bị-nghe-còi-hơi-trong-phố thính giác kém nhạy hết rồi? Sáng sớm đ㠑đây là đài phát thanh...’, tối muộn lại ‘ai bánh cúc nóng đê, bánh cúc gia truyền....’- miếng cơm manh áo cả mà, cũng mấy lần định xô cổng ra nói cái này, mắng điều kia mà rồi tặc lưỡi lại thôi.

• Hôm trước có việc bị gọi về xóm cũ, đám trẻ cùng lứa cũng đã đi gần hết, còn lại toàn người già đã quen, đúng hơn là bảo thủ nên nhất nhất ‘chúng tôi ở đây quen rồi, các anh các chị đi đâu thì đi, cuối tuần về thăm chúng tôi là được’. Tưởng có gì nghiêm trọng, té ra là họp xóm, ký biên bản xử lý khu...... nhà tắm và WC công cộng bỏ không có dễ cả chục năm không ai dùng đến. Bố khỉ, cái WC mấy buồng này ngày trước cứ luân phiên nhau sáng sáng phải ra bung cửa, bịt mũi rồi nhắm mắt nhắm mũi đứng từ xa dội mỗi mỗi buồng vài ba xô nước với thuật ngữ chuyên môn gọi là canh-miếu. Điên nhất là hôm nào có việc phải đi sớm, canh-miếu xong thì bị mấy ông Cổ Nhuế đến nên bẩn lại đâu vào đấy, tổ trưởng dân phố chiều tối thế nào cũng ghé thăm phê bình hôm nay nhà anh/chị quên phiên trực nhật. Trẻ con trong xóm đang nhảy dây, hay chơi bi trong sân bị đám Cổ Nhuế này đi qua thì tức lắm, một-hai-ba đồng thanh ‘thanh niên Cổ nhuế xin thề, chưa đầy 2 sọt chưa về quê hương’. Hôm nào có người lớn ở nhà thì mấy ông 2 sọt ấy tức lắm nhưng cũng phải cắn răng chịu trận, còn không thì thế nào nó cũng nhảy xổ ra dậm doạ, tụi trẻ con chạy toán loạn như gà mất mẹ, đứa nào không nhanh chân xỏ dép là bị mấy lão 2 sọt ấy nó nhặt rồi cho vào sọt khoắng rồi vứt ngay ra rãnh nước ... cho hả giận. Ai mà dám nhặt, thôi cuối ngày lại mếu máo con bị mất dép, ăn mấy cái phất trần lằn đít hay cán chổi đót đỏ sưng tay. Thời thế đổi thay, mấy anh 2 sọt ấy sau cơn sốt đất những năm cuối 1990 bỗng hoá thành tỷ phú tiền VND cả. Không hiểu lúc chễm chệ co 2 chân lên ghế ngồi ăn phở có nhớ thủa... chưa xa ???

• Nhà tắm tập thể, liền kề bể nước nổi bốn mùa đông vui, cũng là nơi nhiều trò nghịch nhất. Đàn ông, con trai phải tắm lộ thiên, lúc nào thay đồ lót mới được chui vào trong buồng tắm. Gọi là buồng tắm cho oai, cũng trống trên hở dưới vì cánh cửa làm bằng gỗ tạp. Đâu có ba buồng, mỗi buồng độ hơn mét vuông chỉ để vừa xô nước chứ 2 xô là co chân mà tắm đứng. Thế nên các chị, các mẹ, rồi cả các em có khi đang tắm dở chưa xong lại hé cửa ý ới ‘Q ơi, T ơi, H ơi múc cho cô/chị xô nước’, giờ nghĩ lại có khi khối người đỏ mặt. Có thằng thấp quá, hôm nào không mang theo gàu hay xô nhỏ là phải nhảy lên thành bể, rồi nhao người xuống vục nước. Thích nhất là hôm nào được mấy chị nhờ, vì sau đấy thế nào cũng không phải giặt đồ ‘để đấy chị giặt cho, em múc cho chị nước thôi’, hay thi thoảng được chia cho mấy cái kẹo, ít bánh quy chị đi ăn liên hoan, đem phần về cho bọn nhóc; cay nhất là lũ con gái xêm-xêm tuổi, múc nước cho chúng nó mỏi tay mà thi thoảng vẫn còn bị nguýt dài. Mùa hè thường thiếu nước, đi đá bóng hay câu cá về mà nối thêm cả dây vẫn chị thấy gầu chạm đáy đánh kịch một cái. Nhất quỷ nhì ma, múc cho bọn con gái mấy chậu rồi vờ đánh rơi gầu. Thế là lần lượt mấy thằng nhảy thẳng vào trong bể..... tắm thoả thích. Nước ấy sau chắc lại ... pha loãng, cho cả xóm dùng.

• Xóm ấy có một cây hoàng lan, một cây đại trắng nghe nói có từ trước ngày Thủ đô giải phóng. Mùa hoa hoàng lan chín, bọn con gái năn nỉ lũ con trai trèo, chọc để lấy hoa tết thành vòng đeo cổ, hay chơi đồ hàng nấu nấu, băm băm gì đó. Còn hè là mùa hoa đại, các mẹ, các chị nướng bồ kết rồi ngâm nước gội đầu, sai bọn trẻ hái hoa đại thả vào chậu nước bồ kết ấy, thơm rất vương vất. Có con bạn bằng tuổi, nhưng con gái thì già dặn sớm hơn con trai hồi lớp 12 suốt ngày nhờ hái hộ hoa về ngâm nước gội đầu mà chả biết là nàng... có ý thương thầm, sau này gặp lại thì bị trêu ‘sao hồi đấy ông ngố thế ?’. Bà ngoại thằng H ra trông em nó, ngày rằm mồng một hay nói lũ trẻ hái hoàng lan để bà lên chùa, lúc về thế nào cũng được chia cái oản hay quả chuối. Có dễ gần hai chục đứa lau nhau cả trai cả gái vây quanh bà, thế mà đứa nào cũng có phần ‘miếng lộc Thánh bằng gánh lộc trần’, bà nói. Ở quê ra, thế nào bà nó cũng mang hẳn một bị quà ra cho tụi nhóc: lạc tươi, khoai lang, lúa nếp rang mà bọn con gái còn được bà ưu ái tết cho mỗi đứa một túm còn cả rơm vàng óng hình con bọ ngựa, hay quấn tròn rất ngộ. Bọn con gái là chúa tham lam, cái gì cũng đòi phần hơn (nhưng thường sau đấy lại nhường cho mấy ông quỷ sứ). Dịp gần Tết năm ấy bà nó mang ra ngô nếp rang, bọn con trai đến chậm nên còn ít, bà thương cho thêm ít lạc rang. Lũ con gái mè nheo này nọ, thằng ấy tức lắm nghĩ ra cách trị phe kẹp tóc kia cho bõ tức. Quần áo mặc ở nhà, đa phần tận dụng lại từ quần áo người lớn thải ra (đang tuổi nghịch, lớn như thổi, may quần áo mới vừa nhanh chật, vừa nhanh rách tiền đâu cho lại) nên rất lùng thùng. Thế là ghé tai thì thào, thằng bạn cười khoái trá. Đợi lúc lũ tóc dài tụ tập, nó trút hết cả ngô, cả lạc vào túi quần 2 thằng rồi ... bỏ chạy. Đám con gái đâu phải là vừa, đuổi theo đòi chia phần. Lúc trút vào túi, lũ kia tưởng cho vào cả 2, đâu có biết quần xén từ quần dài chỉ còn 1 túi lành, túi kia để làm vì vì thủng đáy. Hai thẵng ông mãnh chạy quanh sân, lũ kia hí hửng tưởng mỏi phải dừng xô ra giữ chặt hai thằng rồi thò tay vào túi. Túi có lạc có ngô ông giữ hờ hờ, rồi tỏ ra thua đứng im cho lũ kia lục. Một bên túi ngon ơ, toàn đồ ăn thượng hàng, hết túi này ...ông lục tiếp túi kia, tranh nhau thò tay vào khoắng ... rồi hét toáng lên: đồ đểu !!!

.... Ta còn em những hố sâu
Trước cửa,
Cơn mưa đầy,
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ...
Ta còn em quả bóng lăn
Một mình trên sân cỏ.
Thằng bé thẫn thờ.
Tuổi thơ qua cuộc chơi
Vội vã...

Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai ?
Qua đó
Bâng khuâng nhớ tuổi học trò...

• Có dễ chục năm nay từ điển tiếng Việt mới chèn thêm từ ‘trái tuyến’ trong sub-account Giáo dục. Trước thì cứ khoanh theo nơi cư ngụ mà học, Chết Vì Ăn là chỉ có học trò loanh quanh khu Ba Đình mà có cái trường cấp 2 Ba Đình bị lũ đứng sau mỗi quỷ và ma gọi chệch đi là Bụi Đời nghe thất kinh cả xóm. Đi học toàn cuốc bộ, mà sau này mỉa mai ‘đi xe của bộ’ oai như thứ trưởng cưỡi Lada, bộ trưởng ngự Volga. Trộm vía, xe thì ko dây an toàn, ko túi khí, kính thuỷ tinh 100% silicát đâm vào đâu một nhát là vỡ-thành-mảnh-nhọn-sắc-như-dao-găm ; nghĩ lại nhiều lúc lông chân lông tay dựng đứng như chông. Vài cây số, đi bộ chuyện thường ; nghịch như quỷ sứ nên dép nhựa tiền phong mua đầu năm học ba tháng bung hết cả, có cố hơ que sắt, cắt miếng nhựa ở đôi dép rách cũ dán vào cũng vài tuần lại đâu vào đấy. Nghe kể có mấy bác làm ở Im, ex gì đấy sang Nhật bổn thấy bãi rác chứa lốp xe của họ cao như núi, mà gỡ xuống xem thử còn tốt hơn chán vạn mấy cái lốp tự đắp của ‘vua lốp’ Chuẩn nên đổi lạc, đổi thịt lợn, đổi dưa chuột đóng hộp lấy lốp cũ về ngay tấp lự. Mà bọn Nhật (hay Mỹ nó xui) thâm lắm, nó biết quân ta mua về để .... chạy tiếp nên sau vài shipments .... nó thuê máy rạch ngang mấy phát cho... hết đường tái-chế. Thì chót ký, mua rồi, giờ ko chở về đi tù bỏ vợ nên mày có cắt thì ông cũng tha về. Đốt mãi cho chảy nhựa đường, rồi đổ ra vá víu những ổ gà ổ chuột cũng không vãn, cùng tắc biến, đường hầm nào chẳng có lối ra. Một phát minh mà giá kể ông Vưu Khải Thành ngẫm kỹ chắc ko dám đầu tư vào Bitis’ : cắt lốp xe cũ ra làm dép. First lady đúng trong cái bi-dơ-nít này : dép lốp cao su toàn dành cho trẻ con(trai), thanh niên, đàn ông ... diện. Bền, bền thật, có dễ ba mươi năm vưỡn đi tốt, chả có cái vụ mòn gót hay đứt quai. Khen thì khen vậy thôi, ngõ rêu, hay sân bể nước, trong buồng tắm công cộng mà thượng dép lốp này thì thế nào cũng có ngày ngã không sái tay cũng vỡ mặt vì ma sát gần như bị triệt tiêu. Trời mưa dầm tháng Hai, em Hồng Nhung lả lơi ‘nghe câu hát buồn, một cơn mưa tháng Giêng’ chắc chưa bao giờ biết cảnh loẹt quẹt dép cao su gánh nứoc, trượt chân đổ kềnh xô đi một đằng, đòn gánh đi một nẻo, dép một nơi, người một góc xuýt xoa.

• Vì trường học phân theo địa giới, lại túc tắc walking (chả biết bao giờ mới vận được câu tôi đi chậm, nhưng tôi ko đi giật lùi của ông Giô-Ny-Uốc-Cơ) nên học cùng khoá là biết nhau gần hết. Sang lớp 11 bắt đầu tách tốp, từng nhóm nhỏ hơn chơi với nhau ở mức cũng thân thiết hơn. Anh ả nào ‘phát triển sớm’ đã có thể đầu mày cuối mắt, mà ko khéo là lớp trưởng, hay lớp phó phụ trách học tập zì-pót cho cô chủ nhiệm một tiếng đảm bảo thế nào cũng được gặp riêng phụ huynh thì thầm này nọ. Giả tỉ như việc ấy có thực thì đi một nhẽ, thằng ấy chỉ chơi thân thân với cô bạn nhỏ, vì phụ huynh của cả 2 bên ngày trước đâu như cùng học trường Áo Tím ; thế mà có một hôm đi học sớm, thằng ấy dúi cho cô bạn nó mấy cái mè xửng quà từ Huế gửi ra. Bạn thằng ấy chắc biết gã-khờ kia nhịn miệng tiếp khách nên chỉ nhận tượng trưng, còn thì dúi lại. Thế nào mà cảnh đẩy qua, xô lại rơi vào tầm ngắm của con ranh lớp trưởng. Y rằng hết tiết học thứ 5 được cô chủ nhiệm mời ở lại, cô bạn nó đỏ bừng mặt (chắc vừa xấu hổ, vừa hơi-hơi-oan) ; còn thằng kia thì lần đầu tiêng văng tục... trước mặt cô rồi vo viên ngay tờ giấy cô bắt viết kiểm điểm. In the years of 200x thì hành động vo viên giấy kia chỉ xảy ra trong các văn phòng thôi, chứ hồi ấy là... vô cùng láo lếu, chỉ dành cho những lúc.... quận công, hay dễ hiểu hơn chút nữa là tiện-lớn. Đang tuổi ăn không biêt no (thực ra làm gì có mà để ăn đủ no, theo đúng nghĩa bây giờ), lo chưa tới nên... kế hoạch tấn công phủ đầu em lớp trưởng được tiến hành ngay sau đó vài hôm. Đảm bảo cứ đúng ngày thứ Hai, Tư, Sáu tuần này ; thứ Ba, Năm Bảy tuần kế tiếp xe mini khung gập của nường không thủng săm (dễ ợt, 1 cái kim tiêm là xong, đánh thẳng vào tiềm lực tài chính); hay tuột xích (cho bẩn tay hết đường õng ẹo) ; dã man hơn là cho sang vành, hay tháo béng một bên má phanh (may ngày ấy toàn xe đạp, 15Km/h chứ at present mà trả thù kiểu này khéo b.viện Việt Đức đuổi ko hết bệnh nhân). Cũng lasting phải vài tháng, đến hôm gần nghỉ hè, nắng chảy nhựa đường đen kịt về đến nhà rồi, thay đồ rồi xách cặp lồng đi mua nước phở về chan cơm nguội gặp cô ả vừa đi vừa khóc, dắt xe lếch thếch vì .... hết tiền vá săm. Lúc ấy thì ân hận, hy sinh đâu 200 hay 300 đồng mua nước phở để vá xe cho ẻm. Chả biết nàng-lớp-trưởng có lúc nào chợt nhận ra ????

• Gần xong lớp 12 là đã đâu vào đấy cả rồi, thằng B chọn Y, nhất Y nhì Dược mà. Mảnh khảnh, giờ Sinh vật nó mổ cá nhoay nhoáy, phanh ễnh bụng cá ra mà vẫn thấy cá thở, tim đập thình thịch trong tiết thực hành. Thế quái nào lại bị phân vào chuyên khoa Sản, ngày trước chắc có muốn cũng không chạy được khoa-theo-ý-muốn như giờ đâu nhỉ ? 6 năm trong trường, mấy năm theo Nội trú nữa rồi về viện C. Một đôi khi mấy thằng gặp nhau bia bọt, tán láo xả xì-trét, nó vui miệng kể ‘mẹ, các ông không biết chứ lúc lên bàn đẻ bọn đàn bà mới thể hiện đúng bản chất : mấy con ca sỹ, diễn viên là tổ-sư-của-trò-chửi-bậy’. Họp lớp, cả bọn tụ tập lại tự nấu, tay dao tay thớt cho vui là chính chứ bây giờ đâu đến mức ko đủ tiền outsoursing đâu. Thằng ấy chỉ to mồm thôi, nấu nướng cũng quite okay nhưng ngại nhất là khoản chuẩn bị nguyên-nhiên-vật-liệu. ‘B, mày mang rau sống ra rửa đi, hay bọn bác sỹ chúng mày nhìn đâu cũng thấy vi trùng nhưng chúa hay ra Long trên hai bà Trưng ăn tiết canh lòng lợn ?’, con TA léo nhéo. ‘Không, riêng thằng B cấm không cho nó động chân động tay. Mày mó tay vào.... hãm lắm’, mấy con ranh con nửa đùa nửa thật, to mồm nhất là con H. ‘Mày sướng nhỉ, ngày trước mày lúc nào cũng long lanh trong mắt bọn con gái, gien trội gien lặn cái khỉ gì ấy khó thế, mỗi mày biết’, mấy thằng ganh tị. Thằng B đưa tay vê râu, mỗi khi nó cáu là hay thế. Quái, chả hiểu chuyện gì cả, ngồi chơi tán láo không sướng hơn bọn tao lem nhem lếch nhếch cả à. Chắc đến lúc bực quá, thằng B phản đòn: ‘H này, hôm trước gặp ông xã, sao chủ quan thế để đường máu lên đến gần 10 mới biết’. ‘Ừ, trông ngoài thế ai mà biết, ông ấy khám xong về mới nói, buồn hết cả người’, con H lau tau. ‘ Xem đơn thuốc thấy phải dùng A-mi-gờ-rông, tôi bảo ông ấy ông cẩn thận chứ uống cái này vào thì có mà..... muỗi đốt inox, vợ nó chửi đấy’, thằng B tỉnh bơ. ‘Ông này, vớ vẩn’, con H bị tấn công bất ngờ nguýt dài. ‘Này, mà hình như răng lợi bà làm sao đấy, hồi đi học tôi mê mẩn ngắm mỗi lúc bà cười’, thằng B lại tỉnh bơ. ‘Đúng dân bác sỹ có khác, chịu ông đấy, tôi bị sâu răng, hàn rồi lại bung, chỉ được dăm tháng’, con H lại ngây ngô trả lời. Thằng B ra cú knock-out ‘dễ thôi mà, chồng tiểu đường thì vợ hay bị sâu răng .............’
 
Chỉnh sửa cuối:

Chuoiday

Xe tăng
Biển số
OF-289
Ngày cấp bằng
13/6/06
Số km
1,237
Động cơ
592,970 Mã lực
Nơi ở
Bờ hồ
Website
stdthn.com
Dài quá bác ợ, bác upload lên cái gì đó rồi cho anh em load về vừa nhanh vaừ đỡ tốn diện tích ,...
 

jolie2003

Xe tăng
Biển số
OF-560
Ngày cấp bằng
30/6/06
Số km
1,204
Động cơ
590,770 Mã lực
Nơi ở
Earth
Website
www.vicvietnam.com
Màn hình của em bé quá , đọc 1 chút thấy ung hết cả đầu , để tối nghiên cứu tiếp. CHú này cũng kinh qua nhiều thứ phết nhỉ
 

cam3333

Xe tăng
Biển số
OF-224
Ngày cấp bằng
10/6/06
Số km
1,328
Động cơ
594,110 Mã lực
Tuổi
46
Nơi ở
miền Đông gian lao mà anh dũng ...
kinh quá, dài quá, e tính đọc tiếp nhưng nhức mắt quá, đành 8 tiếp vậy...

bác cho xin cái sườn đại cương vậy...
 

nightpinky

Xe buýt
Biển số
OF-1543
Ngày cấp bằng
27/8/06
Số km
928
Động cơ
582,536 Mã lực
Hay quá bác ạ, nhưng mà hết rồi bác nhỉ....:)
 

benQcar

Xe đạp
Biển số
OF-1295
Ngày cấp bằng
14/8/06
Số km
12
Động cơ
574,455 Mã lực
Tuổi
68
• Sài thành hoa lệ những ngày nửa cuối tháng Chín mưa rả rích như tiết Ngâu ngoài Bắc. Hay Mr. and Mrs. Ngâu khóc mãi ở Hà nội chán, năm nay năm cưỡi Boeing 777 ghé Hòn ngọc Viễn đông sống-gấp kẻo sang năm hạ giới nó giao-kết vào Đúp-lờ-vê-tê-ô anh Rô-mê-ô chị Giu-li-ét khỏi cần xin thị thực Monsieur Ngọc Hoàng vào đè bẹp cái mảnh-tình-con tháng Bảy trên dải đất cong cong hình chữ S. Hình như đợt di cư thứ 3 từ Bắc vào Nam sau hai đợt đầu những năm 1954 và 1975 mang luôn theo cả cái nết thời tiết thất thường, đỏng đảnh gói trong hành trang những người biệt xứ? Đâu còn cảnh ‘mưa rồi chợt nắng’ như trong nhạc Trịnh, vỉa hè dãy số lẻ Điện biên phủ khô rong còn mé kia sát công viên Lê Văn Tám nháo nhào người chạy cho khỏi ướt. Chục năm lại đây cứ dịp lễ trọng Giáng sinh là Sài gòn lại se se lạnh, người Hà nội đi xa, nếu nhớ nhà có thể mặc áo-len-cài-vội chứ ko như dịp Tất niên năm nào mấy đứa không ra được, nhớ nhà quá, để máy lạnh 16oC, nấu nấu nướng nướng, đụng đũa qua loa rồi chả ai bảo ai con trai mắt đỏ hoe, lũ con gái ôm nhau khóc hu hu như nhà có đám. Giờ thì cái gọi là nỗi-nhớ-nhà ấy nhạt nhiều rồi, thậm chí là chẳng có trong ý thức. Thế mà năm đôi bận giữa Nhà hát lớn Hà Nội, hay cung văn hoá Việt Xô nghe ông Phú Quang (năm ra Hà nội có dễ có chục lần), thêm em Hồng Nhung (tháng nào cũng thấy ngự trong Hilton Hanoi Opera) ‘diễn’ hết ‘Về lại phố xưa’ rồi ‘nỗi nhớ dâng đầy trong em...’ chán chê mê mỏi tráng miệng khán phòng bằng món ngửa bầu tâm sự ’ đi xa lúc nào cũng đau đáu trong lòng nỗi nhớ Hà thành’ thì.... nói thật là A-mô-ni-ắc đậm đặc quá. $$$$ making bỏ mẹ ra mà cứ lập lờ đội lốt nghệ sỹ cho nó... tHanh. Thừa chữ H rồi ông/chị ạ, sống thật đi.

• Lâu lắm mới lại nghe ‘đêm nay ai đưa em về’, Paradise cafe ca sỹ xinh nhưng hát mỏng dính nghe rất vô cảm. Ừ thì mỗi tối chạy ba bốn nơi, mỗi nơi liên khúc 3 bài nhanh còn vù đi nơi khác thì tha cho nghe playback là còn may chán. Phòng trà Tiếng Tơ Đồng chắc khách trung niên đến chỉ gọi nước cam, hay một chai bia rồi ngồi nghe cả tối, phụ thu thêm thì khách phải so lại ví tiền mà đã chót cho thượng đế món ngon mãi rồi giờ xơi cơm rang sáng nên thì là mà đóng cửa, vũ trường QueenBee trên lầu cũng tạm dừng phục vụ không có lý do. Eden bỗng hoá thành vườn cỏ dại, Sài gòn khuyết đi một góc vui mỗi tối. Givral nguyên bản góc Lê Lợi/Đồng Khởi lừng danh với món bánh ngọt kiểu Pháp tối hôm rồi vào gọi nước ép dâu tây lúc nhâm nhi bỗng thấy mình được chủ quán ưu ái miễn phí thêm món .... hạt dưa. Chủ quán chắc quên, hay tiện tay vừa ép dưa hấu giờ thực hành luôn ISO 14000 ‘nước là nguồn tài nguyên quý giá, quý khách cùng chúng tôi tiết kiệm nước tráng cối xay’. Saigon Saigon bar danh tiếng là thế giờ thành nơi ... chào hàng của các em cho quý ông bất kể quốc tịch nào miễn là không thấy ảnh (có khi tuổi gần bằng ông nội ở nhà, chủ yếu mé miền Tây) không nói bằng tiếng Việt. Ba phảy năm đô la mỹ cho một 333, tính ra còn rẻ chán so với Singapore Tiger vỉa hè cũng em-xin sáu Sing một chai còn vào bar thì cứ nhân 3 lần giá ấy lên mà trả nên con cháu Lý Quang Diệu sang ta tha hồ cụng ly canh cách. Cũng chỉ ở đây chúng nó mới dám say sưa, chứ ở cố quốc lũ mày muốn say một bữa thì có mà nhịn ăn mấy ngày mới đủ. Ngà ngà say, hay lỡ mồm thằng ranh người Sing gốc đảo Hải Nam thì thầm ‘này sao ở đây girl đắt thế mày, con kia nó đòi 100 USD, thế là trăm sáu Sing rồi, mà ở Joo Chat có mỗi tám mươi’. Đang nuốt ngụm bia mà tẹo sặc vì vừa ức, vừa xấu hổ. Một đôi lần phải làm cán bộ đường lối cho đám mười sáu trăng tròn, hay mười bảy bẻ gãy sừng trâu ghé Geylang nếm ‘Tôm-Giăm’, ie Thái, Chân-Giò-Chiên, ie Philippine hay Khâu Nhục ie Tàu chứ mòn Cari ie Ấn thì đen đen bẩn bẩn quá không dám giới thiệu ; tám chục Sing/món rẻ quá hay sao ấy mà có lão đồng chí đã ra rồi lại bần thần hình-như-tiếc-rẻ rồi thì thầm ‘chú mày đợi anh tí nữa’ nhoáng cái sau đã thấy tay cầm chai nước hổn hển tu. Những khung mặt thoả mãn, phởn phơ hẳn lên nhưng phần lời bình có lẽ kém sôi hơn lúc từ Middle road xuống. Tiếc gì 2 cây số, chạy lên độ 2 km rồi rẽ phải, mời các bác xuống xe ta làm vại bia Tiger made in Singapore (đảm bảo ngon hơn hẳn đồ đóng chai tại Hà Tây), đồ nhắm ư: tiếng Việt nam từ miệng của khoảng dăm trăm em Việt nam 100% nguyên chất miền Tây, đùi, vú ngỗn nghện đi lại suốt một đoạn đường tên Zu-Chát. ‘Chữ e-lờ, có bốn chữ lờ..’ mấy ông ta vai nhau cười nói rổn rảng sau màn rửa mắt kèm bia chai ‘mẹ, đ. gì bia ở đây đắt gấp 8 lần bia ôm ở nhà thế’....

• Ko biết đám mặc váy thế nào, chứ cánh đàn ông ta lúc cồn-đàm dù khởi động hướng nào thì nửa sau cuộc vui cũng xoay chủ đề vào phụ nữ. ‘Tối hôm trước thấy anh dung dăng dung dẻ em nào hay thế, định chào mà thôi nhỡ ông anh... ngại’, cạnh một cái cạch. ‘Hôm nào, à mày nhầm mẹ nó rồi, con vợ tao đấy chứ ? phải phạt ’, lại cạch một cái tiếp. Có vẻ mấy cái cạch vẫn trưa làm tràn bộ nhớ ‘em nhầm thế nào được bác cứ giấu em, em gặp bà chị mấy lần rồi, còn em hôm nọ long lanh lắm, chỗ nào ra chỗ đấy, em phục bác’ cạnh cái cạnh N+1. ‘Mẹ, nói chuyện với mày chán bỏ mẹ, đã bảo là vợ lại cứ đ. tin, trông thế thôi, mới TUN lại đấy’ giọng có chiều lơ mơ say nhuốm màu than thở. ‘Hôm nọ đi weekend với mấy thằng đồng nghiệp, nó bảo ở VN con gái xài sang nhất, Luis Vuitton với Gucci trên xe buýt nhan nhản. Còn đàn ông con trai thì toàn thấy Ralph Lauren, Versera hàng lux’. ‘Mẹ, toàn hàng nhái, lấy đ. đâu ra xèng mà mua đồi xịn, dù là sang bên kia dịp sale. Toàn sĩ diện, tao đ. bao giờ, có thì mua ko thì cứ Việt tiến chưa đến hai trăm mặc vẫn ngon, cứ xiền trong túi nhiều là ổn’. ‘Bác nói thế nào chứ, em nhớ các cụ mình có câu thịt gà, cơm nếp, đàn bà, trong ba món ấy phải là .... không tools ‘, ‘mà em hỏi bác khí không phải, tooled rồi trông thì nhức cả mắt dưng mà... ngõ Trạm nó thấy thế nào. Mà đã tooled rồi thì nhái quá đi chứ bác em lại cứ nhầm nhọt sang trồng trọt là... không xài hàng giả’.


p.s : đoạn này em đã gửi cách đây 2 tuần, kô rõ lý do sao lại bị xoá. Các bác thấy nội dung không phù hợp với OF thì nhắn em để em không gửi nữa nhá. Cảm ơn các bác.

Thảm nào mà em mất thêm mấy ngàn km.

Bác Zippo: xin lỗi bác vì em chưa alo bác được vì tuần rồi em busy quá.
 

benQcar

Xe đạp
Biển số
OF-1295
Ngày cấp bằng
14/8/06
Số km
12
Động cơ
574,455 Mã lực
Tuổi
68
• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, lịch sử cổ đại Việt nam hẳn không có một chương buồn về triều đại An Dương Vương với Loa thành hai nghìn năm tuổi đứt quãng như một dấu hỏi dài. Tảng đá hình người cụt đầu kia sẽ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt ở đâu đó hay đen đủi hơn đã hoá đá thành vôi như nàng-Tô-Thị dạo nào chứ đâu được phủ áo nhiễu vàng, khói thương thờ phụng quanh năm trong am bà Chúa. Mới hay ở đời này con-hại-cha nhiều chứ bố mẹ không dưng ai nỡ dứt ruột bỏ con đi.

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, sông Hồng kia chắc không có tháng Bảy lũ cuồn cuộn trôi về, công sức đắp đê đã được dùng vào làm cái gì đó biết đâu còn hoành tráng hơn Vạn lý trường thành? Ghen Hoạn Thư chỉ hại một phần đời Thuý Kiều thôi chứ cái sự ghen của Thuỷ Tinh kia mới dai dẳng, dữ dằn. Bao nhiêu nghìn năm đã qua, bao nhiêu vạn năm vẫn còn lồng lộn đòi giành lại Mỵ Nương? Trong mọi cuộc binh đao, ai là người thiệt nhất nếu không phải dân đen và sỹ-tốt.

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, triều Lê lẫy lừng với tuyên ngôn ‘Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn’ đã không có một vết nhơ Lệ-Chi-Viên sáu trăm rồi chưa gột sạch. Giận lão đê-tiện-vua Lê Thái Tông mười cũng nên trách Đại thần Nguyễn Trãi kia gần một, vợ mình sao không giữ mà lại để thiếp vào chầu rồi mang hoạ chu-di-tam-tộc? Kinh Thánh dạy ‘và Thượng đế đã tạo ra đàn bà’, có lẽ hậu thế nên nối thêm đoạn ‘để trừng phạt đàn ông’ cho trọn nghĩa.

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, danh xưng ‘Bà chúa thơ Nôm’ đến giờ hẳn vẫn còn khuyết, hay chí ít cũng chưa biết chung cuộc ngã ngũ về ai giữa một nhóm nữ-sỹ-quần-hồng. Đa đoan đến thế là cùng, một đời người mấy lần xuống đò mà đâu nào đã qua được bờ kia, âu cũng là cái số giời đày. Dung tục như Bà là hết đất ‘quân tử muốn chơi thì đóng cọc, xin chớ mân mê nhựa ra tay’ nhưng đã ông PGS, TS nào dám chê Bà là ‘tục-tĩu’. Phận nữ nhi, khẩu khí được như bà có dễ vô số thằng ngộ nhận ta đàn ông không đáng mặt đi sau nâng váy.

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, ‘Đoạn trường Tân Thanh’ giờ này hẳn vẫn nằm chết gí ở một góc khuất nào đó trong thư viện xứ Tàu; văn đàn Việt nam trống một góc đáng sợ mang tên ‘Kim Vân Kiều Truyện’ với Đại Thi Hào họ Nguyễn tên Du. Thú sưu tập các bản Kiều cổ, in trên giấy dó nhẹ bẫng có thêm hình minh hoạ vẽ tay của các Mastre Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương hẳn không còn lý do tồn tại. Chục năm lại đây các Luxury brands của Tây mới nghĩ ra trò Limited editions chứ các cụ nhà mình từ đầu thế kỷ 20 đã biết applied trong việc in các ấn bản Kiều special: giấy đặc biệt, minh hoạ đặc biệt, chữ ký tươi của dịch giả trên một số hình như không quá hai mươi ấn bản. Kẻ hậu sinh này trộm nghĩ, chắc cụ Du xưa cũng có tí-ti dở dang lovesick chứ cụ cũng thong dong tối rượu sâm-banh sáng sữa bò tráng miệng chầu tom-chát chắc chả đào đâu ra cảm hứng để mà ngồi Việt-hoá ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ thành ‘Kiều-thuần-chất-Việt’ !

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, tân nhạc Việt nam nửa đầu thế kỷ 20 thiếu hẳn một chương ‘nhạc tiền chiến’ đa phần buồn mang mác, ca từ đẹp dịu dàng sáu bảy chục năm sau vẫn hớp hồn không biết bao người. VTV3 chắc phải vắt óc nghĩ ra mục mới thay cho ‘Những bài hát còn xanh’ hay ‘Ký ức thời gian’, Bông Mai chắc sẽ vẫn chung thân là ca sỹ chứ không hẳn rẽ ngang sang làm biên tập. Danh sách các nhạc sỹ tài danh vắng một nhạc-sỹ-đa-tình Đoàn Chuẩn hào hoa với giai thoại từ Hải Phòng, con trai hãng nước mắm Vạn Vân, một mình một xe mui trần (cả Việt nam chỉ có 2 chiếc, ông, và... vua Bảo Đại) gửi tiền cho một tiệm bán hoa ở Sài gòn đặt mua hoa trước cả năm, hàng ngày mang hoa đến tặng nàng ca sỹ M.L. Văn Cao chắc ko thể xuất thần ‘em cạn lời cho anh dứt nhạc; biệt ly đôi phách ngó đàn tranh; một đêm đàn lạnh trên sông Huế ; ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh’. Thái Thanh cũng chẳng có cơ duyên ca ‘em tan trường về, đường mưa nho nhỏ’ của Ngày-xưa-Hoàng-thị. Hình như chính sự dở dang ấy lại là cơ duyên của nhiều cái bắt đầu. Còn ai đấy nói người Hải phòng ăn sóng nói gió, sống thô lắm là mới hiểu không quá 1/3 về người Hải-tần-Phòng-thuỷ; bao tên tuổi lớn trong giới văn-sỹ originated từ thành phố Cảng này!
• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, suy nghĩ theo tư duy logical sẽ chết khô vì chẳng bao giờ hiểu được ý thơ ‘em bảo anh đi đi, sao anh không đứng lại. Em bảo anh đừng đợi, sao anh vội về ngay’. Bao dân chuyên toán tin đã bó tay trước mật mã tình yêu để mãi sau, khi sự-đã-rồi mới ‘à, vậy ra’ nghiêng phần tiếc nuối. ‘Thế là muộn em không còn đợi nữa, chim sẻ buồn vỗ cánh bay về núi bên kia’.

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chắc sẽ không cần có Chương X. Toà án nhân dân cấp Quận, Huyện giảm biên chế ít nhất mỗi nơi một thẩm phán toà Dân sự chuyên xử ly hôn. Ban hoà giải của Hội phụ nữ cấp Phường quanh năm thất nghiệp. Báo Phụ nữ Việt nam, Thanh niên cuối tuần, Tiền phong Chủ nhật mỗi số sẽ trống ¼ trang báo ; chị Thanh Tâm, anh Bồ Câu sẽ hoặc lãng-đãng-làm-thơ-tình, hoặc mi nhau qua Y !M hay Skype vì hết đất quân-sư-tình-cảm.

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, lượng rượu mạnh tiêu thụ vào tối muộn những ngày cuối tuần giảm đi đáng kể- sau mỗi cuộc chia tay là đàn ông con trai thường hay tìm đến nàng-say độc ẩm kiểu Tửu-phá-thành-sầu. Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, phụ nữ con gái tóc sẽ đa phần dài ít nhất ngang lưng – không hiểu sao mẫu số chung sau mỗi cuộc tình tan là con gái/thiếu phụ/đàn bà lại cứ mang món tóc của mình ra mấy cửa hàng/hiệu/viện tóc cả thành danh lẫn vô danh mà hành hạ : nhẹ là bấm đuôi ngắn bớt đi, nặng là xuống hẳn mái tóc từ dài thành con-trai-siêu-ngắn. Ngắn thôi nhé, đừng xuống hẳn rồi tục huyền, sống đời thực mới khó chứ nương mình chốn tu hành có lúc nào em thở dài, mắt bối rối nhìn sang hướng khác khi gặp lại cố nhân ?

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, bác sỹ trực khoa cấp cứu bệnh viện tuyến tỉnh, hay A9 Bạch Mai sẽ giảm đi ít nhất 10% công việc; Sendusen không cần phải có đơn thuốc chỉ định của bác sỹ Nhà thuốc mới được bán theo toa. Cầu Thăng Long, hay Chương Dương nửa đêm về khuya ko có những kẻ thất tình lấy hết cam đảm nhắm mắt định nhảy xuống xuôi dòng sông Cái mà rồi thì ... tong tong tỏng (please refer to film Tết Này Ai Đến Xông Nhà scene mít-xờ-tơ Quốc Khánh thất vọng với người tình trong mộng).

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, ngành kinh doanh đầu tiên của Việt nam nộp đơn phá sản trước khi hội nhập Đúp lờ vê tê ô là doanh nhà nghỉ với mini-khách sạn. Khẩu trang và kính râm to sụ che kín ½ khuôn mặt sẽ được trả lại theo đúng công năng sử dụng là năng bụi và che nắng ở ngoài trời chứ không có cảnh nàng vẫn nguyên bộ vét-júp vuông vắn văn phòng mang cả kính râm cả mạng mặt dù có khi nhầm Coran với Covắc từ ngoài lên thẳng phòng xxxx, rồi lại vẫn kín-như-bưng từ phòng xxxx ra ngoài. Biển số xe gắn máy không phải chịu cảnh phạt ‘úp mặt vào phía sát tường’ còn 4 bánh không cần ờ mấy vỏ hộp cát-tông che đi phần biển số. Tip of a day: che biển số, mà quên che cái tem đăng kiểm góc phải trên kính trước thì khác đếch gì lạy ông con ở bụi này, số xe lù lù ra đấy!!!!!

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, cảnh nhưng đại-gia ‘không chết sa trường, làm trai lại chết trên giường mỹ nhân’ ở Việt ta những khoảng chục năm trở lại đây khó có cơ chuyển từ câu châm ngôn ‘ cơm no ấm cật...’ sang cảnh thực. Tiền bạc ‘tập trung’ thì nhanh, văn hoá sống/dùng tiền phải ‘tích tụ’ khá lâu mới ‘ngộ’. Quanh tách Ca-pu-chi-nô sáng ở Brodard, các đại gia Saigon hoa lệ thẳng tưng : đừng thằng nào ngu cặp với con Việt Trinh, con Hà Kiều Anh; thằng nào dính vô 2 con đó đều xộ khám cả, nhẹ thì chung thân, nặng thì dựa cột. Điểm mặt qua các nạn nhân thì thấy hình như statistics có sai số ở mức không nhiều.

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, mấy cuốn nhật ký và những lá thư đã sắp ngả màu, thêm mấy tấm ảnh đen trắng hay nâu chắc không phải chịu cảnh an phận nằm trong góc khuất một xó tủ hay góc ngăn kéo bàn nào đó. Vài cái áo sơ mi đã bạc màu, đôi găng tay len giờ chắc chẳng ai đeo sẽ không còn treo ngay ngắn, hay gấp gọn trong ngăn tủ áo mà vô phúc sư tử nhà lỡ tay dọn, nghĩ là đồ cũ đem đi lau nhà hay thanh lý cho bà con vùng lũ thế nào cũng ăn mấy cái bạt tai lệch ít nhất 45o với warning messege ‘ở cái nhà này muốn làm gì phải nói trước với tôi một tiếng’.

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, sẽ không có nhiều những đêm không uống cà phê mà trằn trọc không sao ngủ được. Có gì đâu, ngày hôm trước vô tình biết người-cũ hoặc đang khó khăn, hoặc có chuyện buồn. Tiếng thở dài sẽ ít đi một phần ba mỗi khi tư lự. Có duyên nhưng không có phận, chắc là kiếp trước chưa trọn-đường-tu, hay ăn-vụng-oản-chùa !!!!

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu, chắc ai kia sẽ không phải kiêm thêm job part-time psychology doctor, danh sách bạn bè sẽ ít đi khoảng vài bàn tay cộng cộng. Mùa thu theo tiếng Anh sẽ mỹ miều hơn nếu thêm được hai từ IN + LOVE và lá vàng rơi không làm người ta liên tưởng đến sự chia ly.

• Nếu tất cả mọi cuộc tình kết thúc đều có hậu.... mà thôi ngày xưa chừng mười lăm mười sáu năm trước ấy đi canh-cua tiếng Anh trình độ B, C buổi tối lấy tiền bù Đun ‘đỏ’ hay giản dị hơn kem Trà My phố Nguyễn Thái Học một cốc chia hai, bánh gối Lý Quốc Sư gọi 2 suất xin 3 lần nước chấm, cũng chừng ấy lần xin thêm dưa góp giải thích về thức giả định ‘IF+SUBJECT+PAST TENSE, SUBJECT+WOULD+VERB infinitive’ cho các bạn học viên đã chả nhắc đi nhắc lại ‘cấu trúc câu này nói vể giả thiết không có thực ở thời hiện tại’ còn gì.

Tạm biệt Hà Nội
 

MZP

Xe tải
Biển số
OF-280
Ngày cấp bằng
12/6/06
Số km
202
Động cơ
582,620 Mã lực
Tuổi
45
Nơi ở
Hà Nội
Cái nút áo

Cái nút áo


Giật mình thức giấc. Cảm thấy khát khô ở cổ, tôi lồm cồm ngồi dậy mở tủ lạnh nốc một hơi.

Nước lạnh làm tôi tỉnh người. Nhìn đồng hồ đã hơn 4g sáng. Tôi đến bên máy vi tính bật máy lên. Mở chương trình Nhật Ký định nhập vào những việc mình đã làm hoặc những suy nghĩ về một ngày đã qua. Nhưng chương trình lại bật lên thông báo nhấp nháy màu đỏ chói: "Tuần sau là đến ngày đầu tiên quen M". Tôi chỉnh chương trình để xem lại cái ngày đầu tiên đó và mĩm cười khi thấy lúc đó mình trẻ con hết sức.

Tôi quyết định sẽ lục tung hết Internet để tìm ra một cái thiệp độc chiêu gửi nàng. Cuối cùng tôi cũng mãn nguyện với một cái thiệp nhiều ý nghĩa. Tôi kéo ngăn tủ ra để lấy cái đĩa CD hình mình để ghép vào thiệp, nhưng chợt nhìn thấy trong đó có một gói quà xinh xắn. Biết là của M tôi hồi hộp mở gói quà. Bên trên là một tấm thiệp to, còn bên dưới là một chiếc đồng hồ để bàn rất dễ thương và một cái nút áo. Hơi ngạc nhiên khi nhìn cái nút áo, tôi vội mở thiệp ra xem.

"Anh thân mến !

Thế là chúng mình quen nhau đã 3 năm rồi. Trong 3 năm qua em rất vui vì đã quen được anh. Em đã học được rất nhiều điều từ anh.

Anh là người rất giỏi, làm được rất nhiều việc lại sống rất tốt với mọi người. Anh sống hết sức chan hoà không câu nệ giàu nghèo, chức vị. Anh hết lòng với mọi người và được rất nhiều anh em bè bạn mến yêu, kính nể.

Tối nay, cũng như bao ngày em đến nhà anh, đã 9g tối anh vẫn chưa về nhà. Khi đến nhà anh, em nhìn thấy mẹ đang khâu lại chiếc áo bị bỏng thuốc lá của anh. Nhìn mẹ chợt em nhớ đến anh, rồi nhớ đến những gì em đã thấy ở nhà anh.

Em xin phép được tặng cho anh cái đồng hồ với lời nhắn : "Thời gian luôn trôi đi lạnh lùng. Có những thứ ngày mai làm được, nhưng có những thứ ngày mai không thể nào làm được".

Và một cái nút áo với lời nhắn chân tình : "Đôi khi người ta biết được rất nhiều điều nhưng lại không biết một điều đơn giản là áo mình đang mặc có bao nhiêu cái nút !". Anh đã sống vì mọi người nhưng trong mọi người lại thiếu một người quan trọng nhất. Anh hãy xem tờ giấy bên dưới. Chúc Anh luôn vui vẻ và thành đạt".

Tôi cầm đồng hồ và cái nút lên, bên dưới có một tờ giấy xếp làm tư nằm ngay ngắn, tôi mở ra xem và thấy ngẩn ngơ với những dòng chữ dưới đây :

Em thấy anh rủ bạn về nhà cùng vui vẻ, làm xả láng mấy thùng Ken, anh em bàn tán chuyện đời, chuyện cơ quan, chuyện nhà sếp, chuyện quan trường, đủ thứ chuyện nhậu hoài bàn hổng hết.

Em thấy mẹ cặm cụi dọn dẹp thức ăn dư, lom khom nhặt từng vỏ lon xếp lại, sáng mai ra chợ đổi lấy chục chanh pha nước, cho thằng con tỉnh rượu mỗi khi say.

Em thấy anh sáng ra sạp gom gần hết báo, đọc ngấu nghiến từng bài từng mục. Ngẫm chuyện đời, chuyện quan liêu, chuyện cửa quyền, chuyện Mỹ, chuyện I rắc, chuyện SEA Games...

Em thấy mẹ cẩn thận sắp từng tờ báo, lựa riêng ra những phần quảng cáo rồi ngập ngừng hỏi cái này cân ký bán được hông con?

Em thấy anh chơi hết lòng với bạn, chẳng bỏ về dù tăng 4 hay tăng 3...

Em thấy mẹ cứ trằn trọc ra vô mãi, 2g rồi mà phòng nó vắng tanh

Em thấy anh sau một ngày làm mệt mỏi, về nhà bật máy lạnh, bật quạt, ngã lưng nằm thẳng chân, chẳng muộn phiền.

Em thấy mẹ ra hiên nằm những ngày trời nóng, rồi lẩm bẩm xem điện tháng này có quá định mức chưa.

Em thấy anh ghiền chơi vi tính, cứ băn khoăn hoài chuyện nâng cấp CPU lên 2 hay 3 Gb

Em thấy mẹ rất ghiền xem cải lương, cứ chặm nước mắt, cứ cười vui thoải mái khi xem hoài cái tivi cà giật, cái Tivi từ lúc anh tắm mưa.

Em thấy anh chuyên viên vi tính, viết phần mềm để quản lý công ty, xem công nợ, lãi lỗ, bấm một phát là có ngay. Thế mà chẳng thể nào tính đúng được tình thương của người mẹ.

Em thấy mẹ chẳng cần vi tính, vẫn âm thầm lập trình cá, cơm, rau. Biết chị Hai cái áo ủi không ngay, còn anh nữa đôi giày cả tuần chưa chịu đánh!

Em thấy anh chuyện làm chuyện lớn mà quên đi những chuyện nhỏ xung quanh.

Em thấy mẹ suốt đời vụn vặt mà dạy con mình những bài học lớn lao...

(sưu tầm)
 

cam3333

Xe tăng
Biển số
OF-224
Ngày cấp bằng
10/6/06
Số km
1,328
Động cơ
594,110 Mã lực
Tuổi
46
Nơi ở
miền Đông gian lao mà anh dũng ...
ôi, nhỏ thì mẹ dạy dỗ ta... lớn thì vợ tiếp tục giáo huấn ta ,,, hic hic... vậy mà ta mãi chẳng nên người ,,,
 
Biển số
OF-544
Ngày cấp bằng
29/6/06
Số km
4,226
Động cơ
626,593 Mã lực
Nơi ở
APAC
Hà Nội ngũ hành mưu sinh ký!

Dân số tăng lên đến chóng mặt. Hạ tầng cơ sở liên tục bị quá tải. Nhiều tệ nạn xã hội phát sinh. Nét văn hóa bản địa bị xâm thực… Đó là thực trạng tất yếu của các đô thị ở những nước đang trên đường phát triển. Hà Nội cũng không ngoại lệ.

Tiến về thủ đô

Theo một tài liệu, dân số thường trú Hà Nội hiện khoảng trên 3 triệu người. Thế nhưng dân số cơ học thì cao hơn rất nhiều, khoảng trên dưới 5 triệu. Vậy, gần 2 triệu người từ các tỉnh đã đổ về Hà Nội theo những ngả đường nào? Trả lời câu hỏi quả không phải dễ. Và không hiểu sao khi nghĩ về điều này, tôi cứ nhớ đến quan niệm của người xưa: “Hà Nội năm cửa ô, ba mươi sáu phố phường”. Năm cửa ô ngày nay vẫn còn được giữ nguyên tên gọi: Ô Cầu Dền, Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Giấy; còn 36 phố phường thì đã bị thất lạc mất một vài tên gọi (do sự biến động của thời cuộc).

Riêng tôi vẩn vơ nghĩ, ngày nay, người ta vẫn tiến về Hà Nội bằng năm cửa ô nhưng không đơn thuần là các cửa ô - địa danh hành chính - mà là những cửa ô của những mục đích khác nhau. Tôi tạm gọi đó là năm nẻo đường Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

Cửa Kim là cửa của người lắm tiền, nhiều bạc. Họ là các doanh nhân nhờ nhiều năm buôn bán, cần kiệm tích lũy và cả một số công chức do làm ăn (và cả do... không phải làm ăn nhưng vẫn có tiền của) đổ về Hà Nội. Với tiềm lực tài chính, họ mua nhà cửa, xe cộ và nuôi con cái ăn học ở những cơ sở tốt nhất. Không ít những doanh nhân ra Hà Nội còn mang trong mình khát vọng chinh phục mảnh đất khốc liệt nhưng đầy tiềm năng với một thị trường rất lớn này.

Cửa Mộc là cửa dành cho những sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Họ như cái cây muốn bám rễ ở mảnh đất phồn hoa nhưng cũng không ít giông gió này. Trong số họ, không ít người thành công nhưng cũng không ít hơn kẻ thất bại. Thế nhưng họ “thà chết quyết không rời... Hà Nội” nên dù ba năm, năm năm hay lâu hơn nữa không có việc làm, họ vẫn ở lại Thủ đô với rất nhiều hy vọng đổi đời.

Cửa Thủy là cửa dành cho những người lên Thủ đô như dòng nước. Họ là những người già, người về hưu lên ở cùng con cái hay ngược lại, con cái đi theo bố mẹ. Con cái theo bố mẹ thì không nói làm gì nhưng những người già cả thì không ít tâm sự. Tuy ở chốn phồn hoa đô hội nhưng do đã quen với cách sống nhà quê nên tâm trạng đầy gượng gạo kiểu “Lên thang không dám bước dài - Vào khu tập thể gặp ai cũng chào” (thơ Lê Đình Cánh). Nhìn chung, họ đầy đủ về vật chất nhưng khá cô đơn.

Cửa Hỏa là cửa dành cho những người trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết. Họ không có tiền, không có nơi thân thích, không có cả nghề nghiệp nhưng vẫn muốn thể nghiệm khát vọng của mình. Những người này thành công thì ít, thất bại thì nhiều nhưng ai thành công thì đều ra tấm, ra miếng cả.

Cuối cùng là cửa Thổ dành cho những người nông dân bị mất đất (hoặc có rất ít đất) do việc tăng dân số và cả việc mở mang các khu công nghiệp. Sau khi nhận khoản tiền đền bù, họ xây nhà, mua sắm xe cộ rồi... ngồi chơi vì không còn đất đai để canh tác. Không còn đường nào khác, họ đành ra Hà Nội chỉ đơn giản để kiếm cớ sinh nhai. Những người này thích thì ở, không thích thì về. Thời vụ thì về quê cấy hái, hết thời vụ lại “thẳng tiến Thủ đô”.

Nhân sinh bách nghệ

Cổ nhân dạy, sinh ra mỗi người một nghề. Có một điều rất khó lý giải là trong làn sóng di dân, mỗi địa phương đều góp lên Hà Nội một nghề nghiệp mà vốn không liên quan gì đến truyền thống của họ.

Những người làm nghề xe ôm chủ yếu quê Nam Định. Đội quân mang biển số 18 này tràn ngập khắp các bến bãi, phố phường. Người Nam Định lên Hà Nội không bán phở thì chạy xe ôm. Những người làm "trái nghề" rất ít. “Có lẽ do người này rủ người kia, chú ạ”. Cậu chở xe ôm ở trước cửa cơ quan tôi lý giải. Còn những người làm nghề bán phở thì đại thành công. Phở Nam Định đang “đại náo” Thủ đô, đẩy phở gia truyền Hà Nội trên bờ “diệt vong”.

Người Thái Bình lên Hà Nội lại chủ yếu làm thợ nề mặc dù đây không phải là nghề truyền thống của họ. Trong khi đó, nghề tẩm quất (không phải mát xa) và nghề cắt tóc đa phần là người Bắc Giang. Cứ 10 anh “tẩm quất gia truyền” thì có tới 5 - 6 anh quê ở Bắc Giang. Đức, một thanh niên ở Lạng Giang là một nhà tẩm quất chuyên nghiệp dầu chẳng có tí tẹo nào cái gọi là gia truyền. Bố mẹ Đức là nông dân, Đức cũng làm nông nghiệp. Những ngày nông nhàn, Đức lên Hà Nội làm thêm. Nhà văn Hoàng Hữu Các kể rằng có dạo 3 năm liền ông không đến chỗ Đức tẩm quất. Lần gặp lại, "khách" thì nhớ "nhà hàng" nhưng "nhà hàng" đã quên "khách". Nhưng khi cởi áo, nhìn lưng ông nhà văn... chưa già, Đức đọc vanh vách tên tuổi, nghề nghiệp đến cường độ nặng nhẹ của các cú đấm bóp. Câu chuyện của ông làm tôi nhớ một chuyện vui, đại để rằng một vị huấn luyện viên bơi lội gặp một cô học trò ở siêu thị cứ ngớ người ra vì lý do “không nhận ra bởi hôm nay em... mặc váy”. Sành nghề đến thế là cùng.

Người Hưng Yên chủ yếu bán cây, cá cảnh và hoa quả. Cây đẹp, cá tốt cũng có mà cá bỏ túi ni lông, lợi dụng thấu kính của nước để “tô màu, phớng đại” và cây ghép bằng... keo con voi cũng không hiếm. Không ít người mua cá vàng về, nhìn qua túi ni lông to như con mè, con chép nhưng về thả vào bể thì hỡi ôi, chỉ là giống thòng đong, sọi cờ bé tẹo. Vận dụng quang học cho kinh doanh, dân bán cá cảnh Hưng Yên là số một.

Người Hà Tây thì chủ yếu là cung cấp thực phẩm như trâu, bò, lợn, gà, ngan, vịt và cả thịt chó cho các cửa hàng ở Nhật Tân. Thịt chó thui rơm vàng óng ả cũng có mà thịt chó bôi bột sắt (còn gọi là véc ni dùng để đánh bàn ghế, giường tủ) pha với mỡ hoặc dầu ăn rồi nhúng nước sôi xoa cho đều, cho bóng nhẫy lên cũng có. “Người Hà Nội cứ nhìn thấy mượt mà, óng ả là thích chứ thực ra, thuộc loại Thực bất tri khả vị bác ạ. Họ ăn bằng mắt chứ có ăn bằng mồm, bằng lưỡi đâu”. Một chủ quán nói với tôi.

Người Hà Nam thì phần đông làm nghề đồng nát. Cứ mười bà gánh gánh, gồng gồng với xoong thủng, ấm sứt và giấy báo thì có tới 6 - 7 người quê ở Hà Nam.

Các nghề mát xa tắm hơi, gội đầu thanh lịch hay phục vụ trong các quán bar thì người địa phương nào cũng có nhưng theo cảm nhận (khó có thể nói là chính xác), phần đông thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang. Điểm mát xa chân ở khu vực Cửa Nam có một cô bé quê ở miền gái đẹp Tuyên Quang. Hiền, ngoan và rất nghiêm túc, nhất là trong chuyện tiền nong. Thế nhưng, khó có ai sau khi mát xa xong lại không dúi vào tay em ít nhất là 50 ngàn đồng. Đơn giản vì em đẹp, rất đẹp. Được một cô gái đẹp như hoa rừng, bàn tay mềm như nhung lụa uyển chuyển xoa bóp chân ta như nghệ sỹ dạo trên phím dương cầm, không "bo" cho em thì quả là thằng đàn ông bảy vía rưỡi. Vì vậy, thu nhập của em khá cao.

Các nghề lao động phổ thông còn lại thường là người từ các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An ra. Một điều đáng lưu tâm là những tỉnh có nền công nghiệp phát triển như Hải Phòng, Quảng Ninh hay Vĩnh Phúc rất ít người ra Hà Nội lao động kiểu này. Có lẽ, do nhu cầu lao động của các khu công nghiệp đã thu hút họ ở lại với quê hương. Điều này cho thấy, bài toán di cư chỉ có thể giải quyết tốt khi có sự phát triển công nghiệp đều khắp ở các địa phương.

Hà Nội không của riêng ai

Nếu chỉ nhìn ở góc độ tiêu cực, họ - những “công dân Hà Nội hạng hai” là một trong số nguyên nhân gây nên nạn tắc đường, chủ nhân của các ngôi nhà ổ chuột và nhiều tệ nạn xã hội khác. Còn ở góc độ tích cực, họ cũng chính là động lực để phát triển Thủ đô. Thế nhưng, nhiều năm liền, họ bị phân biệt đối xử nặng nề: Khi sinh đẻ không được cấp giấy khai sinh, khi lớn không được vào học các trường công, khi lấy vợ lấy chồng không được đăng ký kết hôn... ở Hà Nội.

Về hưởng thụ thì vậy nhưng về đóng góp, có thể khẳng định những “công dân hạng II” đã góp phần không nhỏ xây dựng Thủ đô. Xin khoan hãy nhắc đến những doanh nghiệp lớn mỗi năm đóng góp hàng tỉ đồng tiền thuế cho TP Hà Nội, chỉ xin đơn cử vài ví dụ nho nhỏ. Cạnh cơ quan tôi có một quầy bán rượu, thuốc lá và bánh kẹo. Chị chủ quán tên là Trần Thị Mai, quê ở Nghi Lộc - Nghệ An. Cách đây 8 năm, Mai ra Hà Nội mở quán hàng này. Tuy quán tầm tầm nhưng mỗi tháng, Mai phải trả 2 triệu 500 ngàn đồng thuê nhà và hơn 500 ngàn đồng tiền thuế. Như vậy cả môn bài và những khoản đóng khác, một năm Mai đóng góp khoảng 35 triệu đồng. Thế nhưng, Mai hầu như không được một quyền lợi gì trừ... các khoản thu. Thôi thì đủ thứ. Từ ngày lễ, ngày tết đến quỹ nọ, quỹ kia. Một người bạn khác của tôi lên Hà Nội làm cho tờ Nhà báo & Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 1997, hiện đang làm cho báo Khuyến học & Dân trí. Gần 10 năm trời gắn bó với Thủ đô trên nhiều lĩnh vực (anh là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam), nhưng cho đến nay vẫn hộ khẩu quê nhà. Nhiều khi cám cảnh cho thân phận mình, anh thường đọc 2 câu lục bát được lưu truyền rộng rãi trong “giai cấp công dân Hà Nội hạng II”: “Người quê thì bảo thị thành - Người đô thị lại bảo mình nhà quê”.

Có thể nói, để có một Hà Nội hôm nay là công sức của người dân Thủ đô nói riêng và công lao của nhân dân cả nước nói chung. Tinh hoa của mọi miền trên đất nước đều dồn về cho Hà Nội. Hà Nội sẽ không còn là Hà Nội nếu thiếu đi những chè Huế, lẩu Sài Gòn, phở Nam Định, cốm Bắc Ninh, bánh đa Kế... Hà Nội cũng sẽ chẳng thể là Hà Nội nếu ngày nào đó, vắng đi tất cả những con dân của mọi miền đất nước. Hà Nội không của riêng ai.

[sưu tầm]
 

pvc

Xe buýt
Biển số
OF-37
Ngày cấp bằng
22/5/06
Số km
751
Động cơ
590,242 Mã lực
Cùng đọc và suy ngẫm

Đây là một câu chuyện có thật

Bạn tôi mở ngăn tủ của vợ mình và lấy ra một gói nhỏ…Gõi kỹ càng trong lớp giấy lụa

Anh bảo: Đây không phải là gói đồ bình thường, đây là một chiếc áo lót thật đẹp, anh vứt lớp giấy bọc và lấy ra chiếc áo lót mịn màng. Tôi mua chiếc áo này tặng cô ấy, lần đầu tiên khi chúng tôi sang New York cách đây 8-9 năm rồi, nhưng cô ấy chưa bao giờ mặc!
Cô ấy muốn dành cho một dịp nào đặc biệt. Vậy thì hôm nay tôi nghị là dịp đặc biệt nhất rồi. Anh đến gần chiếc giường và đặt gói áo ấy vào bên cạnh những món đồ mà tí nữa được bỏ vào áo quan mà niệm.

Vợ anh vừa mới qua đời

Quay sang tôi anh bảo: Đừng bao giờ giữ bất cứ thứ gì mà chờ cơ hội đặc biệt cả bởi vì mỗi ngày sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi!

Tôi suy đi nghĩ lại câu nói nay và nó đã làm thay đổi cuộc đời của tôi.

Giờ đây, tôi đọc sách nhiều hơn là trước kia và tôi bớt dọn dẹp nhà cửa. Khi tôi ngồi ở sau nhà thì tôi chiêm ngưỡng quang cảnh thay vì chỉ để ý đến những đám cỏ dại mọc trong vườn. Tôi dành thời gian của mình cho gia đình và bạn hữu hơn là cho công việc. Tôi hiểu rằng cuộc đời là chuỗi cảm nghiệm mà mình phải nếm.

Từ ngày ấy, tôi không còn để dành bất cứ thứ gì nữa cả. Tôi sử dụng bộ ly bằng pha lê cho mỗi ngày. Tôi mặc bộ đồ vest mới của tôi để đi siêu thị nếu tôi cảm thấy thích. Tôi không còn để dành loại nước hoa mà tôi ưa thích nhất chỉ cho những ngày lễ hội, mà hễ tôi thích là tôi dùng ngay. Những câu đại loại như "một ngày gần đây" hay là "hôm nào" đã dần dà biến mất đi trong từ ngữ thông thường của tôi. Nếu tôi muốn thấy, muốn nghe, hay muốn làm bất cứ điều gì mà cần thiết thì tôi sẽ làm ngay tức thì. Tôi không biết chắc vợ của anh bạn tôi sẽ làm gì nếu chị ấy biết ngày mai chị ấy sẽ không còn sống nữa, (một cái ngày mai mà chúng ta xem thường!). Tôi nghĩ rằng chị ấy sẽ gọi điện hỏi thăm hết tất cả những người trong gia đình và tất cả những bạn bè thân thích. Cũng có thể chị ấy sẽ gọi tới những người bạn cũ đến để làm hòa hoặc để xin lỗi nhau cho những chuyện họ đã phật lòng nhau trong quá khứ. Tôi thích hơn khi tưởng tượng đến hình ảnh chị ấy có thể sẽ đi ăn các món đặc sản Tàu, (chị ấy rất thích thức ăn Tàu.)

Đó là tất cả những điều nhỏ nhặt chưa thực hiện được mà sẽ làm cho tôi rất bực mình nếu tôi biết rằng ngày giờ tôi còn được sống trên thế gian này đang được đếm trên đầu ngón tay. Tôi sẽ giận mình lắm khi tôi không còn dịp gặp lại những người bạn mà đáng lẽ ra tôi đã phải liên lạc lại với họ từ một ngày nào đó rồi. Tôi sẽ giận mình lắm khi tôi đã không viết thư thăm những người thân mà tôi đã có ý định sẽ viết một ngày nào đó. Tôi sẽ giận tôi lắm khi tôi đã không thường xuyên nói cho những người thân thương của tôi biết rằng tôi thật yêu thương họ biết bao ... Bây giờ tôi không hoãn lại bất cứ điều gì, tôi không dời lại hoặc để dành lại bất cứ những gì mà có thể mang lại niềm vui, tiếng cười cho những người hiện diện xung quanh tôi. Tôi luôn nói với tôi rằng mỗi một ngày là một ngày đặc biệt.

Mỗi một ngày, một giờ, một phút ... là quý báu!!
 
Chỉnh sửa cuối:

GiangtrocTài khoản đã xác minh

Thành viên sợ vợ
Biển số
OF-33
Ngày cấp bằng
22/5/06
Số km
3,087
Động cơ
613,379 Mã lực
Tuổi
50
Đừng bao giờ giữ bất cứ thứ gì mà chờ cơ hội đặc biệt cả bởi vì mỗi ngày sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi!
Câu chuyện hay, ơ mà ông vào SG mà giờ này còn tỉnh, khá đấy, chắc cũng trốn như ngoài này, hehe
 

Giặc lái

Xe tải
Biển số
OF-383
Ngày cấp bằng
18/6/06
Số km
200
Động cơ
582,000 Mã lực
Tuổi
54
If tomorrow never comes

Cái này đúng là quan niệm của em lâu nay rồi hehehe, vote bác PVC đồng quan, nhiều người vẫn chưa nghĩ hết ra đến điều này đâu, tội nghiệp họ lắm, nhưng nói thế nào cũng hiểu, thôi thì..kệ họ vậy, miễn sao thấy thích và hài lòng - bài hát này của Robby Bill các bá đã từng nghe chưa :D
 

hanoisaigon

Xe máy
Biển số
OF-373
Ngày cấp bằng
17/6/06
Số km
94
Động cơ
581,040 Mã lực
Anh bạn này khi chuyện đã xảy ra rồi thì mới nhận ra. Cũng như nhiều người phải chịu mất mát rồi mới nhận ra một điều gì đó. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Nếu Lê Vân mất bố từ năm 5 tuổi thì có lẽ trong tự truyện của mình , người bố của cô là một người cha hoàn hảo.
 

318 29Y

Xe tải
Biển số
OF-166
Ngày cấp bằng
8/6/06
Số km
459
Động cơ
585,630 Mã lực
Tuổi
39
Nơi ở
otofun.com
Bạn tôi mở ngăn tủ của vợ mình và lấy ra một gói nhỏ…Gõi kỹ càng trong lớp giấy lụa

Anh bảo: Đây không phải là gói đồ bình thường, đây là một chiếc áo lót thật đẹp, anh vứt lớp giấy bọc và lấy ra chiếc áo lót mịn màng. Tôi mua chiếc áo này tặng cô ấy, lần đầu tiên khi chúng tôi sang New York cách đây 8-9 năm rồi, nhưng cô ấy chưa bao giờ mặc!
Cô ấy muốn dành cho một dịp nào đặc biệt. Vậy thì hôm nay tôi nghị là dịp đặc biệt nhất rồi. Anh đến gần chiếc giường và đặt gói áo ấy vào bên cạnh những món đồ mà tí nữa được bỏ vào áo quan mà niệm.

Đoạn này cảm động quá..
 

318 29Y

Xe tải
Biển số
OF-166
Ngày cấp bằng
8/6/06
Số km
459
Động cơ
585,630 Mã lực
Tuổi
39
Nơi ở
otofun.com
Em mới mua cái quần,định để dành đến tết mới đem ra diện nhưng sau khi xem lại bài này em quyết định tí đi chơi mặc luôn,biết đâu ngày mai....:)) :)) :))
Chuyện của bác pvc hơi buồn,em fun tí cho zui các bác đừng mắng nhá.
kekeke
bùm chát bùm bùm chát
 

Quạt

Xe điện
Biển số
OF-1427
Ngày cấp bằng
21/8/06
Số km
2,052
Động cơ
594,080 Mã lực
Tuổi
51
Em thì chẳng để dành cái gì bao giờ vi quan điểm là : Đời là mấy tý nếu thấy thích cái gì cứ phải chiến bằng được mắc dù có thể chỉ được vài ngày là chán nhưng nó làm mình cảm thấy thoải mái thế là ok không bao giờ phải áy náy, chấm hết.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top