[Funland] Dịch sách cổ: Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên: chuyện nhà Lý, Lý Thường Kiệt, Nùng Trí Cao.

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Tiếp tục bản dịch Tống Sử về vua Lê Hoàn, em dịch hầu các cụ cuốn Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên 續資治通鑑長編 của tác giả Lý Đào. Lâu nay, nếu đọc các bộ Sử trong nước, thì thật sơ sài và thiếu nhiều chi tiết thú-vị.
Nay, em cùng các cụ tham-khảo xem Sử Trung Quốc viết gì về nước ta, giai đoạn nhà Lý, tất nhiên, nói chính xác hay sự thật, thì bản thân em cũng chưa dám chắc, cái nhìn tùy mỗi cụ đọc và hiểu, vì bản thân em chỉ dịch tài liệu, đọc và cảm nhận là mỗi các cụ cho ý kiến riêng.

Tuy nhiên, để có cái nhìn từ nhiều phía hơn, em cố gắng dịch sách cổ hầu các cụ.
Vì tài liệu cổ, từ thời nhà Tống, nên có nhiều chữ Hán và cách hành văn khác nhiều so với tiếng Việt hiện đại, nên em cố gắng vừa giữ đươc ý tác giả, vừa chuyển dịch những đoạn quá khó sang diễn đạt dễ hiểu hơn.
Các chức quan của Trung Quốc, đọc nghe rất khó hiểu, các cụ coi như tham khảo, em cũng không giải thích nhiều vì xét thấy không cần- thiết.
Vì trình độ cực kỳ ngu- dốt, nên mong các cụ lượng thứ nếu như có chỗ dịch còn chưa hay.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Sở dĩ em dịch sách này, vì nếu so với cuốn Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang vốn rất nổi tiếng, thì cuốn này hay hơn, chi tiết hơn, tuy nó khó và dài, đặc biệt cuốn này sắp xếp sự kiện theo thời gian, nên gọi là Trường Biên, chứ không theo mục lục.
Cuốn này ở Trung Quốc, dù được hoan nghênh, nhưng do quá dài, khó sắp xếp, nên số phận khá hẩm hiu và ít nổi tiếng.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Tác giả: Lý Đào 李燾
Lý Đào là người Mị Châu, đậu tiến sĩ năm Thiệu Hưng thứ 8 [1138]. Xuất sĩ, ông làm các chức như tri huyện, tri châu. Trong lúc làm quan, ông thấy sách Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang, nên muốn tiếp tục công việc ấy. Không ở sử quán, mà làm công việc sử rất khó. Muốn được vua để ý tới, ông bắt đầu soạn Bách quan Công khanh biểu dâng lên. Năm Càn Đạo thứ 3 [1167], được vua triệu về kinh. Năm sau ông đã dâng lên phần đầu sách Trường Biên, từ đời Kiến Long đến đời Trị Bình [960-1067] gồm 108 quyển.
Năm 1169, ông được bổ vào Bí Thư-cục, coi viện Khởi Cư-xá và kiêm chức kiểm thảo viện Thực Lục. Thế là ông đã được một chức thích hợp với sở trường. Nhưng vì hay nói mất lòng các quan khác, nên phải điều đi chỗ khác.
Năm đầu Thuần Hi [1174] ông được về kinh, nhưng sau lại phải đi xa. Ít lâu, ông được về Sử Quán, làm biên-tu viện Thực Lục. Trong thời kỳ ấy, ông vẫn tiếp tục soạn nối sách Trường Biên. Cho nên sau, tuy phải xa kinh, ông cũng soạn xong phần Bắc-Tống. Năm 1180, ông dâng toàn sách lên vua Tống Hiếu Tông, vua sai để sách tại Bi các.
Tự xét sách mình, Lý Đào đã nói:
- Thà chịu chê là sách bề bộn hơn bị chê là sơ lược.
Vua Tống cũng khen:
- Sách này thật không thẹn với sách [ Sử Ký của] Tư Mã Thiên.
Ông được bổ nhiệm làm Phu Văn Lâu học sĩ và coi việc viết quốc sử. Ông xin về hưu năm Thuần Hi thứ 11 [1184] và mất năm ấy. Các nhà nho được đọc sách Trường Biên, đều khen ngợi và thán phục.
Người ta không khỏi sửng sốt về công phu vĩ đại mà một viên quan nhỏ, phải thuyên chuyển nay đây mai đó, mỗi lần phải mang theo tài liệu đi đến nghìn dặm, đã cố gắng trong 40 năm, để làm xong bộ sách khổng lồ!
Sách rất to, không in được; cho nên không mấy ai đọc. Đến đời Minh Thành Tổ [1405-1424] sách được chép vào bộ Vĩnh Lạc Đại Điển; nhưng cũng chỉ để trong bi các mà thôi. Đến đời Thanh Khang Hi [1662-1721] mới được sao vào bộ Tứ khố Toàn thư, và từ đó mới được truyền bá.
Nhưng bấy giờ sách đã khuyết mất 3 khoảng thời gian: khoảng đầu, 4 năm, từ tháng 4 năm Trị Bình thứ 4 đến tháng 3 năm Hi Ninh thứ 3 [1067-1070], khoảng thứ hai, gần 4 năm, từ tháng 7 năm Nguyên Hữu thứ 8 đến tháng 3 năm Thiệu Thánh thứ 4 [1093-1097], và đoạn cuối là hai đời Huy-Tông [1101-1125] và Khâm Tông [1126]. Phần còn lại chia làm 520 quyển.
Năm Quang Tự thứ 7 [1881], có viên tuần phủ tỉnh Chiết Giang là Đàm Chung Lân đem khắc in. Ông tìm được một bản khá đầy đủ như bản Tứ khố Toàn thư và hai bản đời Tống nhưng sót nhiều. Ông so sánh cẩn thận với bản để ở bi các và các bản sao khác, rồi đem khắc in. Từ đó, người ta chủ yếu lấy bản này làm chuẩn.
Bộ Sử Trường Biên này rất khó dùng, vì quá dài, đồ sộ mà chép theo thứ tự thời gian. Đời Tống, đã có Dương Trọng Lương sao lại, nhưng xếp thành mục; được hơn 400 mục. Sách ấy gọi là Tục Tư-trị Thông-giám Trường Biên Bản Mạt. Sách này rất tiện cho việc kê cứu. Riêng về việc nước ta, sách có ba mục: Giao Chỉ nội phụ [quyển 12] chép chuyện Đinh, Lê về trước; Quảng Nguyên man bạn [quyển 50] chép chuyện Nùng Trí Cao, và Thảo Giao Chỉ [quyển 87] chép chuyện Lý Thường Kiệt đánh Tống và Quách Quì đánh Lý.
Tuy sách Bản Mạt dùng tiện, nhưng Dương Trọng Lương lúc sao lại, đã cắt bỏ nhiều chuyện, cho là không liên-quan, nên chỉ dùng để tham-khảo.
Bộ Sử này do Lý Đào trong đời Nam Tống, chép những sự việc xẩy ra từ đời Tống Thái Tổ đến lúc dời đô xuống miền nam [960 - 1126]. Việc chia theo ngày tháng, chứ không chia mục; cho nên hay được các sử gia đời sau gọi tắt là Trường Biên 長編.
Lý Đào đã dùng rất nhiều tài liệu rất hay mà nay không còn, trích những việc xẩy ra từng ngày, chép vào một tờ giấy rời, rồi bỏ giấy ấy vào một hòm riêng. Xong, sao lại thành sách, tổng cộng được hơn 4400 sự việc, thuộc chín đời vua Tống.
Những tài liệu, sử liệu Lý Đào dùng có Thực-lục của các đời vua Tống tức là theo công văn, giao cho sử quán chép, Thời Chính Lục, Nhật Lục tức là chép lời nói, việc làm của vua, do viện Thời Chính, Nhật Lục ở cạnh vua chép hàng ngày, và ghi những cử chỉ, tư tưởng riêng của vua. Hai loại tư liệu này rất quí mà nay không còn đủ hoặc đã mất.
Lý Đào lại đọc các mộ chí, tức là bài bia kể sự nghiệp để ở mộ các vị đại thần, do các đại nho đương thời soạn. Mộ chí các viên tướng tham chiến ở Đại Việt như Quách Quì, Triệu Tiết, Yên Đạt đã được đưa vào sách.
Một loại văn nữa rất quí là các tư-kỷ của các nhà chức trách, như tư-kỷ của Vương An Thạch, Tư Mã Quang, Tăng Bố; như Chinh Nam Nhất Tông văn-tự của Quách Quì.
Các văn tập của các đại nho đương thời, không có quyển nào Lý Đào không đọc tới, và đã được trích lục vào trong sách. Một phần các văn ấy nay còn, có thể khảo thẳng và so sánh.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Phần văn bản trích dịch:
Năm Đại Trung Tường Phù 大中祥符 thứ 4, [1011], Chiêm Thành dâng sư tử [cho Đại Việt].
Năm Đại Trung Tường Phù 大中祥符 thứ 5, [1012], Chân Lạp đến cống [cho Đại Việt], từ đó rất giao-hảo, giữ lễ 5 năm 1 lần [ sang cống].
Năm Đại Trung Tường Phù 大中祥符 thứ 9 [ 1016], phong Lý Công Uẩn chức Nam Bình Vương.
Năm ấy được mùa to, 30 bó lúa giá 70 tiền. Miễn toàn dân 3 năm không phải nộp tô thuế. Sau 3 năm mới phải nộp 1 nửa số thuế ruộng.
Năm Thiên Hy 天禧 thứ 3[1019], ngày mồng một Ất Dậu tháng 8 [2/9/1019], Lý Công Uẩn đất Giao Châu sai em là [ Phạm] Hạc đến cống sản vật địa phương.
Năm Càn Hưng 乾興 thứ nhất [1022, niên hiệu cuối cùng của Tống Nhân Tông]
Ngày Bính Dần tháng 4 [30/5/1022], Lý Công Uẩn đất Giao Châu sai Sứ đến cống sản vật địa phương. [sử ta cho biết tên các vị sứ thần là Viên ngoại lang Nguyễn Khoan Thái và Nguyễn Thủ Cương].
Thiên Thánh 天聖 năm thứ 5 [1026, niên hiệu của Tống Nhân Tông], Mùa thu, tháng 8, sai Lý Trưng Hiển và Lê Tái Nghiêm sang sứ.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Tống Nhân Tông năm Thiên Thánh 天聖 thứ 6 [1028]

Ngày Kỷ Mão tháng 6 [10/7/1028], Quảng Tây Chuyển vận ty báo Tĩnh hải tiết độ sứ 靜海節度使 đồng bình chương 同平章事 sự An Nam đô hộ 安南都護 Nam Bình Vương 南平王 Lý Công Uẩn mất, các con tranh giành ngôi; xin tăng phòng binh tại 3 châu Ung, Khâm, Quảng. Chiếu ra lệnh Tuần kiểm, Đô giám tại các châu Quế, Nghi, mang quân đến biên giới chặn phòng, đến lúc yên định được trở về.
Quần thần xin thái tử Lý Đức Chính 李德政 [sử ta gọi là Lý Phật Mã 李佛瑪, tức vua Lý Thái Tông 李太宗] vâng di chiếu lên ngôi. Người chú và 2 em nghe tin đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành đợi Đức Chính đến thì đánh úp. Một lát sau, Chính từ cửa Tường Phù vào, đến điện Càn Nguyên, biết có biến, sai người hầu đóng hết các cửa điện và sai các vệ sĩ trong cung phòng giữ, nhân bảo tả hữu có phần trách mắng chú và các em, bọn tả hữu xin đánh giết, Đức Chính chần chừ.

Khi ấy loạn quân vây bức càng gấp, Đức Chính liệu không thể ngăn được, nói:

- Thế đã như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy ba Vương nữa. Ta chỉ biết làm lễ thành phục đứng hầu [bên linh cữu vua cha], ngoài ra đều ủy cho các ngươi cả.

Bèn ra lệnh cho vệ sĩ trong cung mở cửa ra đánh, ai cũng hăng máu xông pha, đều là một người địch với trăm người. Quân đánh nhau chưa phân được thua, có viên dũng tướng tên là Phụng Hiểu 奉曉 tức giận lên ngựa rút gươm xông thẳng đến chỗ ngựa của 1 người em tên là Vũ Đức 武德. Đức quay ngựa tránh, ngựa quỵ xuống, bị Phụng Hiểu chém giết. Loạn binh thua chạy. Quân Đức Chính đuổi theo chém giết không sót một mống, chỉ có người chú và 1 người em chạy thoát được. Sau, 2 người đến xin chịu tội, tha cho, lại cho tước như cũ.

Tại phủ Trường Yên 長安 [Ninh Bình], người em là Lý Long Bồ 李龍菩 cậy có sông núi hiểm trở tụ tập những kẻ trốn tránh cùng đem binh trong phủ làm loạn. Tháng 4, Đức Chính thân đi đánh, Long Bồ đầu hàng. Bắt dời Bồ và đồ đảng về kinh, tha tội cho Long Bồ, vẫn cho tước như cũ.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm Thiên Thánh thứ 7 [1029]

Con Lý Công Uẩn là [ Lý] Đức Chính 德政 [tức vua Lý Thái Tông 李太宗] tự xưng là quyền Tri An Nam Tĩnh hải quân lưu hậu sự稱權知安南靜海軍留後事, sai Sứ đến báo tang. Vào ngày Tân Hợi tháng 4 [7/6/1029] truy tặng Công Uẩn chức Thị trung 侍中, tước Nam Việt Vương 南越王; mệnh Quảng Nam Tây Lộ Chuyển vận sứ Vương Duy Chính 王惟正 làm Điếu điện sứ cùng Tứ quan cáo sứ ban cho Đức Chính chức Kiểm hiệu thái úy 檢校太尉, Tĩnh hải quân tiết độ sứ 靜海軍節度使, An Nam đô hộ 南安都護, Giao Chỉ quận vương 交趾郡王.

Tháng 3 Giáp Đản Nãi 诞奶 [nay là Đan Nê, huyện Yên Định] ở châu Ái [Thanh Hóa] làm phản. Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, Đức Chính thân đi đánh giáp Đản Nãi. Khi đánh được giáp Đản Nãi rồi, sai Trung sứ đốc suất người Đản Nãi đào kênh Đản Nãi.

Năm Thiên Thánh 天聖 thứ 9 [1031]. Mùa xuân, tháng giêng, châu Hoan [Nghệ An] làm phản.
Tháng 2, ngày mồng 1, Đức Chính thân đi đánh châu Hoan, quân đi từ Kinh sư đến châu Hoan, người châu ấy đầu hàng. Xuống chiếu tha tội cho các quan châu huyện, sai Trung sứ phủ dụ dân chúng. Tháng 3, Chính từ châu Hoan về đến kinh sư.

Năm Minh Đạo 明道 thứ nhất [1032]

Ngày Nhâm Thìn tháng 11 [29/12/1032], Giao Chỉ quận vương 交趾郡王 Lý Đức Chính 李德政 được gia thăng Đồng bình chương sự 同平章事.

Năm Minh Đạo 明道 thứ hai [1033]

Mùa xuân, tháng giêng, nước Chân Lạp sang cống [ Đại Việt], vẫn giữ lễ cống 5 năm 1 lần.
Châu Định Nguyên làm phản. Tháng 2, Đức Chính thân đi đánh. Ngày 17, dẹp được châu Định Nguyên.

Tháng 9, châu Trệ Nguyên làm phản. Mùa đông, tháng 10, Chính thân đi đánh châu Trệ Nguyên, dẹp yên. Tháng 12, ngày mồng 1, đem quân về.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm Cảnh Hựu 景祐 thứ nhất [1034]

Tháng 6, Quảng Đông chuyển vận ty báo bọn Trần Công Vĩnh 陳公永 đất Giao Châu gồm hơn 600 người xin nội phụ, Lý Đức Chính phát binh đến biên giới đuổi bắt. Vua ban chiếu mệnh bảo bọn Công Vĩnh trở về; cùng ban dụ cho Đức Chính săn sóc chiêu phủ giữ mạng sống cho họ. Khu mật sứ Thái Tề tâu:

- Dân Man bỏ kẻ bạo ngược, về với người có đức, xin dung-nạp họ, cấp cho ruộng hoang tại Kinh Hồ [ Hồ Bắc, Hồ Nam] để tự canh-tác làm ăn. Nay đuổi đi, tất chúng không trở về chỗ cũ; có thể tản-mát vào núi rừng, rồi gây hậu-họa loạn cho mà xem!

Triều đình không nghe, năm sau quả thực dân Man làm loạn.

Tháng 6, châu Hoan đem dâng con thú một sừng, [vua Lý] sai Tĩnh hải tiết độ phán quan là Trần Ứng Cơ 陳應機, chưởng thư ký Vương Duy Khánh王惟慶 đem sang biếu [nhà Tống], cùng 2 con voi thuần, vua ban chiếu lấy Ứng Cơ làm Thái tử trung doãn 太子中允, Duy Khánh làm Đại Lý tự thừa 大理寺丞, đồng thời ban cho phẩm phục quan Tam phẩm.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm Cảnh Hựu 景祐 thứ 3 [1036], người châu Ái [Thanh Hóa] làm phản. Mùa đông, tháng 10, Chính thân đi đánh. Tháng 11, ngày mồng 1, dẹp tan.

Ngày Nhâm Thân tháng 2 [23/3/1036] Quảng Tây chuyển vận sứ báo người Man động Giáp 甲峒 vào cướp đoạt súc vật tại châu Tư Lăng 思陵 [Bằng Tường, Quảng Tây], động Bằng Tường 憑詳 thuộc Ung Châu, giết chết tướng trấn giữ là Đăng Uyển 登琬; đã họp binh lại đánh. Lại có động Giáp [Lạng Sơn] cùng dân Man Lạng Châu 諒州, Môn Châu 門州 [Lạng Sơn], châu Tô Mậu 蘇茂州 [Quảng Ninh], châu Quảng Nguyên 廣源州 [Cao Bằng], động Đại Phát 大發峒, huyện Đan Ba 丹波縣 [Lạng Sơn]; cướp phá Ung Châu, Tư Lăng思陵州, châu Tây Bình 西平州 [Bằng Tường, Quảng Tây], châu Thạch Tây 石西州 [trấn Thạch Tây, Quảng Tây] cùng các động; cướp trâu bò, ngựa, người, đốt nhà cửa rồi bỏ đi. Đã xuống chiếu trách vấn, cùng lệnh bắt các Tù trưởng trị tội, rồi báo cho biết

Ngày Tân Mão tháng 5 [10/6/1036], Giao Chỉ quận vương Lý Đức Chính sai Sứ đến cống sản vật địa phương; cho Tiến phụng sứ Hà Viễn 何遠 [ hoặc Hà Thụ] làm Thứ sử Thuận Châu 順州, Phó sứ Đỗ Khoan làm Thứ sử Lặc Châu 勒州.

Các quan lại ở Ung Châu tấu lên là dân man các động ở Giao Châu đến cướp phá biên giới, chiếu thư trách hỏi Đức Chính, lại ra lệnh cho [ Đức Chính] truy tìm thủ lĩnh các tù trưởng [ gây rối] để hỏi tội.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm Bảo Nguyên 寶元 thứ hai [1039]

Mùa hạ, tháng 4, con vua Chiêm Thành là Địa Bà Lạt cùng bọn Lạc Thuẫn, Sạ Đâu, La Kế, A Thát Lạt 5 người sang quy phục [ Đại Việt].

Ngày Quí Dậu tháng 12 [8/1/1039], ra mệnh ban Giao Chỉ Quận vương 交趾郡王 Lý Đức Chính chức Nam Bình vương 南平王, Mạc Xuyên thủ lĩnh 邈川首領, Bảo Thuận quân lưu hậu, Tiết độ sứ
Tháng 12, người Man là Nùng Toàn Phúc 儂全福 ở châu Quảng Nguyên làm phản.

Mùa xuân, tháng giêng, thủ lĩnh Tây Nông [ nay là Phú Bình, Thái Nguyên] là Hà Văn Trinh đem việc Toàn Phúc làm phản tâu lên Đức Chính. Trước đây Toàn Phúc là thủ lĩnh châu Thảng Do 帑由 [thuộc Lạng Sơn] em là Toàn Lộc làm thủ lĩnh châu Vạn Nhai 萬崖 [ nay là Bắc Sơn, Lạng Sơn và Võ Nhai, Thái Nguyên]. Em trai của A Nùng 妸儂, vợ Toàn Phúc, là Đương Đạo làm thủ lĩnh châu Vũ Lặc [nay thuộc Cao Bằng, Lạng Sơn] đều thuộc châu Quảng Nguyên, hàng năm nộp cống đồ thổ sản. Sau Toàn Phúc giết Toàn Lộc và Đương Đạo, chiếm luôn cả đất, tiếm xưng là Chiêu Thánh Hoàng Đế 昭聖皇帝, lập A Nùng 妸儂 làm Minh Đức Hoàng Hậu 明德皇后, phong cho con là Trí Thông làm Nam Nha Vương, đổi châu ấy gọi là Trường Sinh Quốc 長生國, sửa soạn binh giáp, đắp thành kiên-cố để tự giữ, không nộp cống xưng thần [với Đại Việt] nữa.

Tháng 2, Đức Chính tự làm tướng đi đánh Toàn Phúc. Quân đến châu Quảng Nguyên, Toàn Phúc nghe tin đem cả bộ lạc vợ con trốn vào khe núi. Chính cho quân đuổi theo bắt được Toàn Phúc và bọn Trí Thông năm người. Chỉ có vợ là A Nùng 妸儂, con là [ Nùng] Trí Cao 儂智高 chạy thoát. Đóng cũi bọn Toàn Phúc đem về Kinh sư, sai quân san phẳng hết sạch thành hào, chiêu dụ tộc loại còn sống sót, vỗ về yên ủi rồi đem quân về.

Tháng 3, Đức Chính từ Quảng Nguyên về Kinh sư, đem chém bọn Toàn Phúc và 5 kẻ đồng đảng [ bắt được] ở chợ Kinh thành.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm Bảo Nguyên 寶元 thứ 3 [ 1040]

Trước đó, Đức Chính sai cung nữ dệt gấm vóc, đã dệt được thành những tấm hàng đẹp; đến đây, sai đem những gấm vóc, hàng [ của nhà Tống], vẫn chứa trong kho, ban phát cho bầy tôi: từ ngũ phẩm trở lên thì áo gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo vóc. Lụa Giao Chỉ vẫn bán được giá [ ở chợ Trung Quốc].

Tháng 10, mùa đông

Giao Châu mê Phật quá độ, trước đây, [Công Uẩn] sai tạc hơn một nghìn pho tượng Phật và vẽ hơn một nghìn bức tranh Phật; [giờ]lại làm hơn một vạn chiếc bảo phan [ cờ nhà Phật rủ xuống] đến đây, làm xong, mở hội, đại xá, tha cho những người phạm tội đồ lưu; xá một nửa tiền thuế cho cả nước.
Năm Khang Định 康定 thứ 2 [1041]

Năm ấy, Nùng Trí Cao 儂智高 cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa [ nay là hương Hạ Lôi huyện Đại Tân, địa cấp thị Sùng Tả, Quảng Tây] lại về chiếm cứ châu Thảng Do, đổi châu ấy làm nước Đại Lịch 大曆. Đức Chính sai tướng đi đánh, bắt sống được Trí Cao đem về kinh. Chính thương tình vì cha là Toàn Phúc và anh là Trí Thông đều đã bị giết nên tha tội, cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, lại phụ thêm cho bốn động Lôi Hỏa, Bình, An, Bà và châu Tư Lang [ nay là Trùng Khánh, Quảng Hòa] nữa.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm Khánh Lịch 慶曆thứ 3 [1043

Ngày Ất Hợi tháng 3 [19/4/1043], Giao Châu hiến 5 con voi thuần.

Mùa hạ, tháng 4, quân Chiêm Thành cướp bóc dân ven biển. Đức Chính sai quân đi đánh, dẹp yên được. Cho rằng đến nay [ từ ngày vua Lý Công Uẩn mất] đã 16 năm rồi, mà Chiêm Thành chưa từng sai một sứ giả nào sang là cớ gì? Lại giận việc Chiêm Thành cướp bóc, noi gương xấu cho các nước khác, từ đấy quyết ý đánh Chiêm Thành.

Năm Khánh Lịch thứ 4 [1044]. Mùa xuân, tháng giêng, phát khí giới trong kho ban cho các quân. Ngày Quý Mão, Đức Chính thân đi đánh Chiêm Thành.

Ngày Giáp Thìn, quân Giao Châu đi từ Kinh sư, ngày Ất Tỵ, đến cửa biển Đại Ác 大悪, gặp lúc sóng gió yên lặng, quân qua biển dễ dàng, cho nên đổi tên Đại Ác làm Đại An 大安. Đến núi Ma Cô 蘑菰 [ Kỳ Anh], qua vụng Hà Não rồi hôm ấy đến đóng quân ở cửa biển Trụ Nha 柱牙. Ngày hôm sau đi, nhờ thuận gió, trong một ngày qua hai bãi Đại Tiểu Trường Sa 大小長沙 [ tên gọi bãi cát từ cửa Nhật Lệ đến Cửa Tùng là Đại Trường Sa 大長沙; bãi cát từ Cửa Việt đến cửa Tư Hiền, là Tiểu Trường Sa 小長沙]. Đến cửa biển Tư Khách 俬客, [ Thừa Thiên -Huế], Đức Chính nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ 五莆 [hạ lưu sông Thu Bồn, Quảng Nam] muốn chống cự. Chính truyền cho quân bỏ thuyền lên bộ, đem quân sĩ lên bờ Bắc, thấy quân Chiêm Thành đã dàn ở bên sông, bèn mới cắt đặt quân sĩ dựng cờ nổi trống, vượt tắt ngang sông đánh, quân Chiêm đã tan vỡ, quân Giao Châu đuổi chém được 3 vạn thủ cấp. Bộ tướng Chiêm Thành là Quách Gia Di 郭加彛 làm phản, chém đầu vua [Chiêm Thành] là Sạ Đẩu 射鈄 [ tên tiếng Phạn là Jaya Sinhavarman II] tại trận đem dâng. Quân Giao Châu đoạt được hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5.000 người, còn thì bị giết chết, máu nhuộm gươm giáo, xác chất đầy đồng. Chính tỏ ý thương, xuống lệnh rằng:

- Kẻ nào giết bậy [người Chiêm Thành] thì sẽ không tha.

Mùa thu, tháng 7, Chính đem quân vào thành Phật Thệ 佛誓 [tức là Vijaya hay Chà Bàn, nay ở Quy Nhơn] bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên 西天 [ các điệu múa kiểu Ấn Độ?] Rồi sai người đi khắp các hương ấp phủ dụ-dân chúng.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm Khánh Lịch thứ 6 [1046]

Ngày Bính Thìn tháng 12 [14/1/1046], chiếu ban Quảng Nam đông lộ chuyển vận ty tuyển-mộ người vào Giao Chỉ dò la trinh-thám việc chiêu tập quân binh, nếu có tin đúng được trọng thưởng. Bấy giờ [có tin] Lý Đức Chính định dùng binh đánh Chiêm Thành, triều đình chưa biết chắc nguyên nhân thế nào, nên phải tìm hiểu.

Ngày Kỷ Sửu tháng 3 [17/4/1046], Thiên tử bảo các quan phụ tá rằng:

- Nghe tin Lý Đức Chính đất Giao Châu mới chiếm lấy Chiêm Thành, sợ ôm mưu gian gây mối lo cho miền Ngũ Lĩnh [Quảng Đông, Quảng Tây]; cần hạ lệnh cho ty chuyển vận Quảng Tây dự bị chế ngự rồi trình lên.

Ngay lúc này viện Khu Mật cho kiểm-soát từ đời Đường trở lại gồm 16 xứ đường bộ, ra lệnh Chuyển vận sứ Đỗ Kỷ mật giám sát, mang quân đến phòng thủ

Ngày Mậu Thìn tháng 6 [25/7/1046], chiếu ban cho các châu tiếp giáp với Giao Chỉ thuộc Quảng Nam Tây Lộ cần lưu ý khống-chế bọn Di, lệnh cho Chuyển vận sứ nơi này quan sát trưởng lại, bãi bỏ kẻ ốm yếu bệnh tật, rồi trình sự việc lên.

Ngày Tân Sửu tháng 11 [23/12/1046], Lý Đức Chính 李德政 đất Giao Chỉ mới sai Sứ thần là Bí thư thừa Đỗ Văn Úy 杜文蔚 đến hiến voi thuần.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm Khánh Lịch thứ 7 [1047]

Ngày Canh Ngọ tháng 4 [23/5/1047], sắc phong cho Tiến phụng sứ 進奉使 Giao Châu Bí thư thừa 祕書丞 Đỗ Văn Úy 杜文蔚 chức Đồn điền viên ngoại lang屯田員外郎, Phó sứ tả thị cấm Phùng Xương Chiêm 馮昌瞻 chức Nội điện thừa chế 內殿承制.

Năm Khánh Lịch thứ 8 [1048]

Ngày Giáp Ngọ tháng 4 [10/6/1048], Giao Châu đến cống, bèn cho Tiến phụng sứ Binh bộ viên ngoại lang 兵部員外郎 Tô Nhân Tộ 蘇仁祚 chức Công bộ lang trung 工部郎中, Phó sứ Đông đầu cung phụng quan Đào Duy Hoan 陶惟懽 chức Nội điện sùng ban 內殿崇班 Ngày bọn Nhân Tộ đến nơi còn chưa thấy?

Mùa thu, tháng 9, Giao Châu đánh Ai Lao, bắt được người và gia súc rất nhiều đem về.
Cùng năm, Nùng Trí Cao 儂智高 lại làm phản, chiếm giữ động Vật Ác. Đức Chính sai Thái úy Quách Thịnh Dật đi đánh, Trí Cao phải hàng.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm Hoàng Hựu 皇祐 thứ nhất [1049]

Ngày Ất Tỵ tháng 9 [14/10/1049], Chuyển vận ty Quảng Nam Tây Lộ báo giặc Man Quảng Nguyên 廣源 cướp phá Ung Châu; chiếu ban cho các lộ Giang Nam 江南 [tỉnh Giang Tây], Phúc Kiến 福建 phát binh phòng bị.

Châu Quảng Nguyên vị trí tại phía tây nam Ung Châu, thượng nguồn sông Uất 鬱江 [ 2 sông Tả Giang và Hữu Giang hợp lại tại phía tây nam Nam Ninh, Quảng Tây], đất hiểm trở, sản xuất vàng, chu sa, dân sống cư tụ. Dân búi tóc phía, mặc áo trái vạt, thiện chiến, coi thường cái chết, ham làm loạn. Tổ tiên gồm các họ Vi 韋氏, họ Hoàng 黃氏, họ Chu 周氏, họ Nùng 儂氏 làm thủ lĩnh, tranh nhau cướp phá; Kinh lược sứ quản Ung Châu đời Đường là Từ Thân Hậu 徐申厚 chiêu phủ. Họ Hoàng nạp chức cống, nên 13 bộ, 29 châu đều yên định. Từ khi Man Giao Chỉ chiếm cứ An Nam, châu Quảng Nguyên tuy do Ung Châu ràng buộc [theo kiểu ky my], nhưng kỳ thực phục dịch Giao Chỉ.

Trước kia có Nùng Toàn Phúc 儂全福 giữ chức Tri châu Thảng Do 儻猶, em là Tồn Lộc 存祿 làm Tri châu Vạn Nhai 萬涯州, em vợ Toàn Phúc là Nùng Đương Đạo 儂當道 [giữ chức] Tri châu Vũ Lặc 武勒州. Một hôm Toàn Phúc giết Tồn Lộc, Đương Đạo, thôn tính đất đai. Giao Chỉ giận, mang binh bắt Toàn Phúc, cùng con là Trí Thông 智聰 mang về. Vợ là A Nùng 阿儂 vốn người châu Vũ Lặc, Tả Giang 左江; A Nùng rời đến châu Thảng Do, Toàn Phúc lấy làm vợ. Khi Toàn Phúc bị bắt, A Nùng bèn lấy thương nhân, sinh ra Nùng Trí Cao. Lúc Nùng Trí Cao 13 tuổi, giết người cha thương nhân, và bảo rằng:

- Trong thiên hạ há lại có người 2 cha ư?

Nhân đó bèn mạo nhận họ là Nùng, cùng mẹ đến ở động Lôi Hỏa 雷火 [phía tây bắc Lạng Sơn] người mẹ lại lấy Nùng Hạ Khanh 儂夏卿, người đạo Đặc Ma 特磨. Lâu sau đó, Trí Cao lại cùng người mẹ đến chiếm châu Thảng Do, lập nước gọi là Đại Lịch 大曆. Giao Chỉ lại cho quân lên chiếm châu Thảng Do, bắt Trí Cao, rồi tha, cho làm Tri châu Quảng Nguyên. Lại lấy động Lôi Hỏa, 4 động Tần Bà 頻婆, cùng châu Tư Lang 思浪州 [ nay thuộc Trùng Khánh, Cao Bằng] cho phụ thêm. [được như thế] nhưng [Trí Cao] trong lòng [vẫn] oán Giao Chỉ, 4 năm sau bèn chiếm châu An Đức 安德州 tiếm xưng là nước Nam Thiên 南天國, cải niên hiệu là Cảnh Thụy 景瑞; rồi xin nội phụ triều Tống, nhưng chưa được, bèn bắt đầu cho quân vào [Tống] cướp phá.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Năm Hoàng Hựu 皇祐 thứ 2 [ 1050].

Ngày Bính Tuất tháng 2 [24/3/1050], ty kiềm hạt Quảng Nam Tây Lộ xin lập 1 trại tại động La Hồi 羅徊 thuộc Ung Châu, để chặn Man tặc Quảng Nguyên 廣源. Vua Chấp thuận.

Mùa thu, tháng 9, người Man động Vật Dương [ còn có tên là Quy Hóa Châu, nay là Tĩnh Tây, Quảng Tây] làm phản, [Lý Đức Chính] dẹp yên.

Năm Hoàng Hựu 皇祐 thứ 3 [1051]

Ngày Ất Dậu tháng 2 [18/3/1051], Chuyển vận ty Quảng Nam Tây Lộ tâu Nùng Trí Cao, Man châu Quảng Nguyên xin nội thuộc. Chiếu ban Chuyển vận sứ, cùng Đề điểm hình ngục lộ này, Ty kiềm hạt, tâu trình đầy đủ những điều lợi-hại.

Trước đó Giao Chỉ phát binh đánh Trí Cao, nhưng không dẹp được. Bấy giờ Chuyển vận sứ Tiêu Cố 蕭固 người đất Tân Dụ 新喻 [ thuộc Giang Tây] sai Chỉ sử Ung Châu là Nguyên Bân 亓贇 đi dò-la thám-thính; nhưng Bân tự-tiện phát binh đánh Trí Cao, nên bị [ Trí Cao] bắt được. Bị thẩm vấn tin tức về Trung Quốc, Bân trình bày đại lược và khuyên Trí Cao nội phụ. Bèn tha cho Bân về, rồi dâng biểu xin hàng năm cống sản vật địa phương. Triều đình cho rằng Quảng Nguyên lệ-thuộc Giao Chỉ, nên chưa chấp thuận. Tiêu Cố nói Trí Cao tất sẽ làm cho phương Nam loạn, mong một vị quan có thể yên ủi phủ dụ [Trí Cao] rồi sai khiến chống lại Giao Chỉ. Vua xuống chiếu hỏi Tiêu Cố có khả năng đảm-nhận trách nhiệm khuyên-bảo Giao Chỉ không tranh-giành với Trí Cao được không? Trí Cao chết liệu bọn tàn quân có trở thành cướp trong nội địa? Tiêu Cố nói:

- Người man thấy lợi thì động tâm, tất giữ cái chiếm được, thần không thể làm gì hơn. Nhưng xem ra hiện tại, Trung Quốc chưa thể gây sự với bọn Man; đối với bọn Trí Cao nên chiêu phủ mà thôi. Vả lại Trí Cao có tài năng về vũ lực, Giao Chỉ không thể tranh đấu chế-ngự được, đó là người Man các phương tự đánh nhau, ta cũng yên-bình vô sự thôi.

Cuối cùng triều đình không nghe lời Cố. (Lời tác giả Lý Đào cho biết: Những lời của Tiêu Cố, lấy từ mộ bia Vương An Thạch 王安石, Tể tướng nhà Tống).
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày Quí Dậu tháng 3 [5/5/1051], Chuyển vận ty Quảng Nam Tây Lộ tâu rằng Nùng Trí Cao dâng biểu hiến voi thuần, cùng sinh thục kim ngân生熟金銀 (tức là vàng và bạc 2 loại, loại sinh kim là loại vàng lấy từ mỏ lên, chưa luyện, thục kim, loại vàng đã qua tôi luyện, sinh ngân và thục ngân cũng vậy). Chiếu ban Chuyển vận sứ và Kiềm hạt ty cho dừng lại; và lấy tư cách Ty chuyển vận đáp rằng châu Quảng Nguyên lệ-thuộc vào Giao Chỉ, nếu đưa gộp với nước này cùng tiến phụng thì chấp nhận.

Nhâm Thìn, Hoàng Hựu 皇祐 năm thứ 4 [1052].

Tháng 3, Đức Chính cho đúc chuông lớn để ở Long Trì, cho dân ai có oan-ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên.

Bấy giờ Trí Cao giận vì [ lễ cống] bị [ nhà Tống] khước từ, lại có 2 viên Tiến sĩ bất-mãn [với nhà Tống] đến kết đảng xúi giục, nên quyết định tập kích trại Hoành Sơn, vị trí bên dòng sông Hữu Giang cách thành Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] khoảng 40 dặm về phía tây.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày Bính Tuất tháng 4 [12/5/1052], trước đó Nùng Trí Cao cống sản vật địa phương xin nội-thuộc, bị triều đình khước-từ. Sau đó dâng thư viết trên vàng lá, Tri châu Ung Châu là Trần Củng 陳珙 tâu lên, nhưng không được trả lời. Trí Cao đã xin không được, lại cừu địch với Giao Chỉ, bèn dựa vào lợi thế sông núi đất Quảng Nguyên, chiêu tập những thành phần vong mạng. Mấy lần [cho người] mang y phục cũ xin đổi lấy gạo ăn, nói dối rằng dân trong động đói, bộ lạc ly tán; Ung Châu tin rằng chúng yếu nhược, nên không phòng bị. [Trí Cao] Bèn cùng với các viên Tiến sĩ người Tống] đất Quảng Châu [Quảng Đông] là Hoàng Vĩ 黃瑋, Hoàng Sư Mật 黃師宓, cùng đồng đảng là Nùng Kiến Hầu 儂建侯, Nùng Chí Trung 儂志中, ngày đêm mưu vào cướp phá. Một buổi chiều, [Trí Cao cho] đốt sạch sào huyệt, lừa dối bảo thuộc hạ rằng:

- Bình sinh [uất ức] đã tích tụ, nay thiên tai thiêu hủy hoạn nạn, không còn gì để sống, kế cùng rồi. Cần phải đánh chiếm Ung Châu, chiếm cứ Quảng Châu làm Vương; nếu không thì chết cả lũ.

Vào ngày này, mang 5.000 quân xuôi dòng sông Uất 鬱江 tiến sang hạ lưu phía Đông, đánh chiếm trại Hoành Sơn 橫山寨 [phía Tây Ung Châu]. Các quan tướng [ nhà Tống] gồm trại chủ là Hữu thị cấm Trương Nhật Tân 張日新, Ung Châu Đô tuần kiểm, tả ban điện trực là Cao Sĩ An 高士安, Khâm Hoành châu đồng tuần kiểm hữu ban điện trực là Ngô Hương 吴香 đều tử trận.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày sóc [mồng một] Ất Tỵ tháng 5 [31/5/1052]. Nùng Trí Cao đánh chiếm Ung Châu, bắt sống các quan tướng [ nhà Tống] gồm Tri châu Bắc tác phòng sứ là Trần Củng 陳珙, Thông phán điện trung thừa Vương Càn Hữu王乾祐, Quảng Tây đô giám lục trạch sử Trương Lập 張立.

Trước đó giặc vây thành, Cung ra lệnh cho Càn Hựu 乾祐 giữ cửa Lai Viễn 來遠門. Quyền đô giám, tam ban phụng chức Lý Túc 李肅 giữ cửa Đại An 大安門, Chỉ sử Vũ Cát 武吉 giữ cửa Triều Thiên 朝天門. Trương Lập từ Tân Châu 賓州 [nay là Tân Dương, Quảng Tây] đến tăng viện; khi mới đến, Cung cho mở tiệc khao quân tại trên thành, lúc đang uống rượu thì thành bị công phá. Cung, Lập, Càn Hựu, cùng Tiết độ suy quan Trần Phụ Nghiêu 陳輔堯, Quan sát suy quan Đường Giám 唐鑑, Ty hộ tham quân Khổng Tông Đán 孔宗旦 đều bị bắt cả, quân tử trận 1.000 người. Trí Cao duyệt kho quân khố, bắt được thư dát vàng gửi cho triều đình, tức giận bảo Cung rằng:

- Ta xin nội-thuộc, muốn một chức quan để cai trị các bộ lạc, chúng mày không đưa [thư] lên là tại sao?

Cung đáp, đã từng tâu nhưng [triều đình] không trả lời. Cao đòi xem bản thảo tờ tấu nhưng không tìm thấy, bèn dắt Cung ra ngoài. Cung mắt đau, không thấy gì, kinh-hoảng quá hô:

- Vạn tuế!

[Để] mong được tha, nhưng vẫn bị giết. Rồi bọn Lập, Càn Hựu, Phụ Nghiêu, Giám, Tông Lập cũng đều bị giết hại. Lập bị hành hình, chửi to không khuất phục; hơn tháng sau, tìm được thi thể, trông như còn sống. Còn các tướng khác là Lý Túc 李肅, Vũ Cát 李肅, Vũ Duyên Lệnh 武緣令, Mai Vi Chi 梅微之, Chi sử Tô Tòng 蘇從 vốn quen với giặc Hoàng Sư Mật, nên được miễn. Lúc Trí Cao chưa làm phản, có làn khí trắng bay lên giữa sân Ung Châu, nước sông dâng lên. Tông Đán cho rằng có điềm về việc binh, đoán rằng Trí Cao sẽ làm phản, bèn gửi thư cho Cung, nhưng Cung không nghe. Tông Đán tiếp tục báo-động, Cung tức giận, trách:

- Ty hộ bị điên ư?

Đến lúc Trí Cao phá trại Hoành Sơn, Đán bèn cho gia đình người thân di tản đến Quế Châu [Quế Lâm, Quảng Tây] và bảo rằng:

-Ta có việc quan phòng-thủ, không đi được, không có nhiệm vụ thì đừng đi theo kẻo chết.
Giặc bắt Tông Đán, muốn giao việc cho, Tông Đán chửi mắng [ Trí Cao] thậm tệ rồi bị giết. Tông Đán người đất Lỗ [phía tây nam tỉnh Sơn Đông], trước kia làm quan tại Đông Kinh 京東, cùng với bọn Lý Đạo 李道, Từ Trình徐程, Thượng Đồng 尚同, cả 4 người làm tai mắt cho Giám ty, bị nhiều người ghét; nhưng giữ tiết được như vậy, cũng đáng khen.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Sau khi Trí Cao chiếm được Ung Châu, lập nước ngụy Đại Nam 大南國, tiếm xưng hiệu là Nhân Huệ Hoàng Đế 仁惠皇帝, cải niên hiệu Khải Lịch啟曆, tuyên bố xá tội, bọn Hoàng Sư Mật trở xuống đều được ban chức quan giống như Trung Quốc.

Ngày Quí Sửu tháng 5 [8/6/1052]. Nùng Trí Cao chiếm Hoành Châu橫州 [huyện Hoành, Quảng Tây], Tri châu, Điện trung thừa Trương Trọng Hồi 張仲回, Giám áp đông đầu, cung phụng quan Vương Nhật Dụng 王日用 đều bỏ thành chạy.

Ngày Bính Thìn [11/6/1052], Trí Cao vào chiếm Quí Châu 貴州 [huyện Quí, Quảng Tây]; Tri châu, Bí thư thừa Lý Cư 李琚 bỏ thành chạy.

Ngày Canh Thân [15/6/1052], [Trí Cao] vào chiếm Cung Châu 龔州 [huyện Bình Nam, Quảng Tây], Tri châu, Điện trung thừa Trương Tự 張序 bỏ thành chạy.

Ngày Tân Dậu [16/6/1052], vào Đằng Châu 藤州 [huyện Đằng, Quảng Tây], rồi vào Ngô Châu 梧州 [ đều ở Quảng Tây], Phong Châu 封州 [Phong Khai, Quảng Tây]. Tri Đằng Châu Thái tử trung xá Lý Thực 李植, Tri Ngô Châu Bí thư thừa là Giang Tư 江鎡 đều bỏ thành chạy.

Tri Phong Châu, Thái tử trung xá là Tào Cận 曹覲 bị chết. Người dân Phong Châu chưa từng biết việc binh; quân lính chỉ có 100 người không quen chiến trận, cũng không có thành quách để phòng-thủ. Có kẻ khuyên Tào Cận nên tránh giặc; Cận nghiêm sắc mặt bảo:

- Ta là quan canh-giữ giữ lãnh thổ, chỉ biết chết mà thôi, ai bảo tránh giặc sẽ chém.

Rồi cầm cờ tiến lên đầu, gọi Đô giám Trần Hoa 陳曄 mang quân đánh giặc, viên Lệnh Phong Châu đốc suất dân đinh cùng lính bắn cung nối tiếp nhau tiến lên. Giặc đông đến hàng trăm lần, quân Hoa thua chạy, dân đinh cũng tan, Cận đốc suất tùy tùng, dân đinh, quân sĩ cùng đánh nhưng thua rồi bị bắt. Giặc không giết, nắm đầu bắt bái rồi dụ dỗ:

-Theo ta, sẽ được chức quan tốt, cho cầm quân làm phó tướng, tìm gái gả cho.

Cận không chịu bái, mắng lại rằng:

- Làm bầy tôi chỉ hướng về phương Bắc bái Thiên Tử, ta há lại theo người để sống cẩu thả ư; mong các người mau giết ta.

Giặc còn tiếc chưa giết, bèn đưa xuống thuyền. Cận không ăn trong 2 ngày, rồi lấy ấn chương dấu trong túi giao cho tên lính hầu và dặn:

- Ta sẽ chết, nhược bằng ngươi còn sống, hãy tìm đường tắt đưa vật này dâng lên quan.
Giặc biết rằng Cận không muốn hàng, bèn giết; cho đến lúc gần chết vẫn chửi không ngừng. Rồi giặc ném thây xuống sông; Cận mất năm 35 tuổi.

Ngày Nhâm Tuất [17/6/1052], quân Trí Cao vào đánh Khang Châu 康州, viên Tri châu Thái tử hữu tán thiện đại phu Triệu Sư Đán 趙師旦, Giám áp hữu ban điện trực Mã Quí 馬貴 đều chết. Sư Đán và con đều bị chết.

Trước, sau khi biết giặc đánh phá Ung Châu rồi xuôi dòng sông sang phía Đông, Sư Đán đã sai người trinh sát giặc, khi họ trở về báo rằng:

- Các châu phòng-thủ đều bỏ thành chạy hết cả.

Sư Đán la lên:

- Các ngươi lại muốn ta bỏ chạy ư?

Bèn cho làm cuộc lục soát lớn, bắt được 3 gián điệp, đem ra chém để răn. Nhưng giặc kéo đến đầy dưới thành, Sư Đán chỉ có 300 quân, vẫn mở cửa nghênh chiến, giết được mấy chục tên. Đến chiều, áp lực quân giặc hơi giảm, Sư Đán bảo vợ mang con đi trốn cùng mang ấn tín theo, nói rằng:

- Hôm sau đại quân giặc sẽ đến, ta biết rằng không địch nổi chúng, nhưng không thể trốn; nàng ở lại đây chết, vô ích.

Bèn cùng với quân lính dưới quyền Mã Quí cố thủ thành. Sư Đán bảo Quí đi ăn, Quí không ăn nổi; một mình Đán ăn no như bình thường; đến đêm, Quí nằm không yên trên chiếu, riêng Đán ngáy như sấm. Đến sáng, giặc đánh thành gấp, tả hữu xung quanh khuyên nên tránh né, Sư Đán nói:

- Chết vì đánh giặc và bị giặc giết cái nào hơn?

Quân lính đều bảo:

- Nguyện vì nước tử chiến.

Cho đến lúc thành bị phá, không một ai trốn. Tên hết, Đán cùng Quí quay trở về ngồi tại công đường. Trí Cao cầm cờ điều binh la hét, tranh vào uy hiếp, Sư Đán chửi lớn:

- Loài man liêu đói! Triều đình có gì phụ bạc các người đâu, lại dám làm phản? Khi Thiên Tử phát một đạo binh đến, thì bọn mày một mống không còn!

Trí Cao giận, bắt giết Đán cùng Quí.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,809
Động cơ
689,238 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ngày Quí Hợi [18/6/1052], quân Trí Cao vào Đoan Châu 端州 [Triệu Khánh, Quảng Đông], viên Tri châu, Thái thường bác sĩ Đinh Bảo Thần丁寶臣 bỏ thành chạy; Bảo Thần người đất Tấn Lăng 晉陵 [Thường Châu, Giang Tô]. Âu Dương Tu 歐陽修, Vương An Thạch 王安石 khi soạn mộ bia cho Bảo Thần đều ghi Bảo Thần từng xuất chiến, đánh bắt được giặc, nhưng cuối cùng không thắng; đó chỉ là những lời văn chương che đậy tội, cùng nhau hợp sức mà lấp liếm đi cái bất tài không giữ được thành, không đúng sự thực, nên không đưa vào sử.

Vậy là, sau khi chiếm xong thành Ung châu, quân Trí Cao dùng thuyền xuôi dòng sông Uất, kế tiếp là sông Tây Giang, thủy trình trên 1000 dặm xuống tận Quảng Châu [Quảng Đông]; liên tục đánh phá 9 châu: Hoành, Quí, Cung, Tầm, Đằng, Ngô, Phong, Khang, Đoan trong vòng hơn 1 tháng, là một cuộc hành quân nhanh chóng như qua chỗ không người.

Chiếm xong Đoan Châu, chỉ mấy ngày sau Trí Cao xua quân vây thành Quảng Châu, khiến dân chúng vùng phụ cận thành hoảng hốt, phải đạp nhau, tranh vào thành để tỵ nạn.

Ngày Bính Dần [21/6/1052], Nùng Trí Cao bắt đầu vây Quảng Châu. Trước đó 2 ngày, có người đến cấp-báo gấp, Tri châu Trọng Giản 仲簡 cho là nói xằng bậy, bắt bỏ tù; rồi hạ lệnh:

- Ai nói sàm giặc đến sẽ bị chém.

Ví lý do đó nên dân không được chuẩn bị. Lúc giặc đến, mới ra lệnh cho dân chạy vào thành; dân tranh nhau, dùng tiền của hối lộ linh canh để được vào cửa nhanh, đạp chết rất nhiều; số còn lại theo giặc, khiến thế giặc trở nên mạnh hơn.

Ngày Giáp Thân tháng 6 [9/7/1052], đổi Tri Quảng Châu, Binh bộ lang trung, Thiên chương các đãi chế Trọng Giản làm Tri Kinh Nam [thăng chức]. Triều đình cho rằng Giản có khả năng giữ thành nên mới có lệnh này; không biết rằng dân Quảng Châu oán Giản rất nhiều.

Cũng ngày này, Đô tuần kiểm Quảng Châu và Đoan Châu, Cao Sĩ Nghiêu 高士堯 đánh Nùng Trí Cao tại đình Thị Bạc 市舶亭 [Quảng Châu], bị thua trận.
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top