Chào các cụ, sáng ngày cuối năm rảnh, nhà cháu xin viết đôi dòng hầu các cụ về một chủ đề lúc nào cũng hot: “sống ở Mỹ sướng hay sống ở VN sướng?”, hay nói rộng ra là “nên sống ở đâu?”
Trước hết, hãy ngừng so sánh Mỹ với VN, hay nói chung đừng so sánh bất cứ 2 nơi nào trên thế giới.
Cần phải nhìn nhận một cách khách quan là cuộc sống ở bất cứ 1 quốc gia nào cũng có cái hay, cái dở. Sự hay dở còn phụ thuộc vào hoàn cảnh từng cá nhân nhưng không có ở đâu là hay tuyệt đối, cũng ko có đâu dở tuyệt đối.
Nói đến sống ở Mỹ thì có thể thấy nó hay, nó tốt ở việc môi trường nói chung là trong lành hơn, giáo dục ổn, hạ tầng tốt nhưng nó lại dở với hệ thống y tế, với cạnh tranh việc làm gay gắt. Nói đến sống ở VN thì có thể thấy ngay tốt vì thân thuộc với người VN chúng ta, cơ hội kiếm tiền nhiều hơn, nhưng môi trường ô nhiễm, hạ tầng giao thông tệ...
Như vậy, ngay việc “xếp hạng” cái hay cái dở ở 1 địa phương cụ thể còn mang nặng tính cá nhân, phụ thuộc vào chủ quan hoàn cảnh mỗi người thì việc so sánh hai nơi khác nhau sẽ còn mang tính chủ quan hơn nữa.
Tiếp theo, hãy đừng thu hẹp lựa chọn của chính mình.
Như đã nói ở trên, mỗi nơi đều có điểm mạnh, điểm yếu (theo đánh giá và hoàn cảnh mỗi người). Do vậy, thay vì việc phân tích so sánh không cần thiết, mỗi người nên có một danh sách các “lựa chọn” cho mình và thử “xếp hạng” cho các tiêu chí quan trọng đối với mỗi lựa chọn.
Ví dụ nhà cháu cách đây hơn 10 năm đã xếp đại khái như sau (với 4 lựa chọn nhà cháu có lúc đó)
- Mỹ: giáo dục, hạ tầng, cạnh tranh cao, xa VN
- UK: y tế, môi trường, dễ sống (do cháu quen cuộc sống ở UK rồi), thời tiết chán, đắt đỏ
- Nhật: việc làm (lúc đó có offer ngon), gần VN, đồ ăn (nhà cháu thích đồ ăn Nhật), âp lựd, đắt
- Việt Nam: gần gia đình, buôn chứng buôn bds dễ, tự do, môi trường tệ, hạ tầng kém
Nhà cháu lúc đó đã quyết định chọn Mỹ vì lúc đó “giáo dục” (cho con cái) là ưu tiên hàng đầu. Và như vậy, quyết định “ở đâu” thực ra mang tính thời điểm, phụ thuộc vào ưu tiên của cá nhân và gia đình ở mộg khoảng thời gian nhất định. Đừng gạt đi lựa chọn nào đó chỉ vì ngay ở thời điểm cụ thể mình không thích. Hãy cứ giữ nó như một lựa chọn và nên 3-5 năm lại đánh giá lại cả ưu tiên của mình cũng như các đánh giá cho từng lựa chọn
Nếu được, hãy làm “công dân toàn cầu”.
Trong một hoàn cảnh lý tưởng, tốt nhất là không cần chọn lựa mà nên tổng hợp những mặt tốt nhất của các lựa chọn và tận dụng tối đa. Nói đơn giản là gần như không bị phụ thuộc vào địa lý, là thành công dân toàn cầu.
Một công dân toàn cầu hoàn toàn có thể làm việc ở Mỹ, đầu tư chứng khoán ở VN, đi khám bệnh ở Canada, du lịch ăn uống ở Nhật, nghỉ đông ở Nam Phi và về ăn Tết VN cho có không khí dân tộc.
Đến đây các cụ bắt đầu quay sang chê em là “vẽ giấc mơ”, “cho ăn bánh vẽ”... Kể ra cũng ko sai, vì đâu dễ làm vậy. Nhưng để hướng tới cái đó, đầu tiên hãy xem cái quan trọng là cần có gì?
Cái cần đầu tiên hoá là 1 cái “passport toàn cầu”.
Chẳng phải vô lý khi rất nhiều người, kể cả các cụ OFers nhà ta, quan tâm đến xếp hạng passport. Passport không chỉ đơn thuần là một giấy tờ tuỳ thân, nó còn thể hiện chỗ đứng của quốc gia cấp nó trong quan hệ quốc tế và quan trọng hơn nó thể hiện sự “toàn cầu hoá” của người mang nó.
Những ai đã từng gặp khó khăn khi xin visa đi Mỹ, đi Úc, đi châu Âu... sẽ hiểu điều này khá rõ. Ai cầm passport VN nhập cảnh Nga cũng rõ. Thậm chí ngay cả khi cầm “thẻ xanh” trên tay, khó khăn vẫn chưa hết. Thay vì phải lên kế hoạch trước ít nhất 3-4 tuần cho 1 chuyến đi công tác hoặc du lịch châu Âu với hộ chiếu VN, một người có hộ chiếu Mỹ, hộ chiếu Nhật có thể đặt vé rồi đi luôn. Điều này cực quan trọng với công việc, nhất là các công việc mang tính “không biên giới” (như của nhà cháu).
“Nói vậy ai chả biết”, 96.69% các cụ đọc được đến đây sẽ thốt ra như vậy. Nhưng thực tế nhà cháu thấy ko nhiều người nghĩ đến đầu tư để hướng tới cái này.
Hãy cố kiếm nhiều tiền và đầu tư thật nhiều cho giáo dục. Đó là thứ mà ai cũng có thể làm được, ở mọi cấp độ, mọi hoàn cảnh, để hướng tới tương lai “công dân toàn cầu”, không phải cho mình thì ít nhất cũng cho thế hệ tương lai.
Nhà cháu từ khi con mới 5 tuổi đã cho học trường quốc tế (loại xịn, chứ ko phải kiểu Gateway đâu ạ). Tiền dành cho giáo dục của nhà cháu luôn chiếm ít nhất 1/3 thu nhập cả gia đình, cao điểm là 1/2 thu nhập. Cái được thì nhiều hơn là tiền rất nhiều. Khi chuyển sang Mỹ con nhà cháu đã nói được 3 thứ tiếng, hiểu về hệ thống giáo dục Mỹ, có thói quen đọc sách hàng ngày, tự lập hoàn toàn (dù lúc đó nó mới vào cấp 2).
Nói là đầu tư cho con cái, cho tương lai thì dễ, bớt buổi nhậu, bớt mua đôi giày mới để gom tiền vào “quỹ giáo dục” giao đình thì ko dễ.
Không ngừng tìm cơ hội, đừng an phận.
Cuối cùng, nhà cháu nghĩ rằng cơ hôị với mỗi người là khác nhau, nhưng chúng ta nên dừng so sánh hay chê bôi. Hãy xem cái gì là cái tốt nhất ở thời điểm hiện tại và tối ưu nó nhưng cũng nên luôn chú ý tìm kiếm cơ hội.
Cháu có đứa bạn từ VN, sang Lào, rồi Cam, Thái và chuyển sang Sing trong 5-6 gì đó. Rồi được cty đưa sang Úc làm. Cũng có đứa đi Ba lan (lậu), rồi chạy giấy tờ rồi giờ ở Đức (cháu ko khuyến khích cách này lắm). Có đứa làm cho cty VN rồi giờ được cử sang Mỹ, cty sponsor thẻ xanh luôn.
Mối người một con đuờng, ngắn hay dài, dễ hay khó, tất cả đều không thể nói trước, không thể so sánh. Nhưng thực sự nên hướng tới việc thành công dân toàn cầu, không cho thế hệ mình thì cho lũ con cái.
Nhà cháu Túm lại và luôn Tâm niệm mấy điều thế này:
- Tối ưu các lựa chọn hiện tai
- Luôn tìm kiếm cơ hội cho tương lai
- Công dân toàn cầu (hộ chiếu toàn cầu, top 20 trong đánh giá xếp hạng) là mục tiêu
- Tích luỹ “tư bản” (tiền hoặc tài sản có thể quy ra tiền)
- Đầu tư nhiều cho giáo dục
- Bớt vào OF cãi nhau và nhớ vote cho bải này của nhà cháu.
Cảm ơn các cụ đã đọc. Chúc các cụ một năm mới an khang thịnh vượng, sức khoẻ, tài lộc, hạnh phúc!