Bản chất của nước Mỹ là kiếm lợi về cho mình, cụ Trump, một chính trị gia có gốc doanh nhân cũng tư duy dựa trên hệ quy chiếu lõi này thôi. Mỹ giao thương nhiều với Việt Nam, cũng là vì mua hàng từ Việt Nam đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Mỹ, người dân Mỹ. Vì vậy, dù có dùng hàng rào thuế quan thì họ vẫn phải tính toán làm sao, vẫn phải đảm bảo duy trì lợi ích của họ hợp lý cả ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy, nếu VN làm lợi cho họ, tạo thặng dư lợi nhuận cho các giới chủ, thì bằng cách nào đó, họ vẫn có ứng xử ở mức tương đối an toàn cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Khi đụng đến quyền lợi sát sườn, khó ai lấy đá ghè chân mình.
Việt Nam cũng thế, nếu không tìm cách tạo dựng các cỗ máy kinh tế tạo ra giá trị thặng dư dựa trên nguồn lực, năng lực lõi quốc gia, thì sẽ chỉ là trạm trung chuyển dòng chảy kinh tế, dòng chảy tiền, hàng của các nước lớn và sẽ trở nên phụ thuộc vào thái độ, tâm trạng của các nước lớn. Tạo cơ chế tốt cho doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lợi thế nội tại của Việt Nam sẽ là đối trọng để giữ được quyền lợi trong chiến tranh thương mại quốc tế. Vấn đề là đâu là các nguồn lực cứng, nguồn lực mềm mà sẽ trở thành lợi thế đặc thù của Việt Nam?
Sáp nhập xong rồi, thương chiến có vẻ cũng ngã ngũ, em cũng đang quan sát, nghe ngóng xem có những thay đổi, đổi mới gì sắp tới không. Chủ trương đường lối thượng tầng thì như thế, còn ở hạ tầng, dưới cấp cơ sở làm thế nào thì phải thực tiễn mới đo lường được.