Điều 151 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (“LBHVBQPPL”) quy định thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương. Nếu Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ngày ký ban hành.
Điều 147.3 của LBHVBQPPL quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định tại Điều 146 của LBHVBQPPL, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn được thực hiện trong các trường hợp: (i) Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội, (ii) Trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định, và (iii) Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
Ngoài ra, việc ban hành một Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn phải có quyết định của Thủ tướng như quy định tại Điều 147.3 LBHVBQPPL. Hiện nay chưa có thông tin về việc Thủ tướng có quyết định liên quan đến việc ban hành Nghị định 100/2019 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Cho đến nay, không tìm thấy trên các trang thư viện pháp luật quyết định của Thủ tướng liên quan đến việc ban hành Nghị định 100/2019 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo thông tin trên trang thư viện pháp luật, vào ngày 26 tháng 7 năm 2019, Thủ tướng có ban hành Quyết định 936/QĐ-TTg về việc Ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Trong Danh mục có một số văn bản được Thủ tướng cho phép ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, Danh mục này không đề cập bất kỳ nghị định nào để thi hành Luật giao thông đường bộ và Luật giao thông đường sắt như Nghị định 100/2019. Ngoài ra, Luật giao thông đường bộ (năm 2008) và Luật giao thông đường sắt (năm 2017) cũng không phải là các văn bản luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Mặt khác, trong Danh mục này có đề cập việc ban hành 01 nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn để quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 2 Điều 9, khoản 7 Điều 10, khoản 6 Điều 12, khoản 3 Điều 26). Tuy nhiên, các điều khoản này của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia không liên quan đến việc phạt hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, như quy định tại Nghị định 100/2019. Như vậy, Thủ tướng có quyết định về việc ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, một nghị định để quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhưng không bao gồm vấn đề phạt liên quan đến nồng độ cồn.
Đối chiếu các quy định của pháp luật, có khả năng việc ban hành và áp dụng Nghị định 100/2019 được thực hiện không phù hợp với quy định của pháp luật. Vấn đề này càng gây nhiều thắc mắc khi việc áp dụng Nghị định 100/2019 một cách đột ngột và rầm rộ trong thực tế, đã gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc tuân thủ pháp luật, và gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề cho những công ty, những người sản xuất, kinh doanh bia, rượu, nhà hàng, quán ăn.