Tiếp ngày 6 : Bonus track Hồ Pangong (4300m) - đèo Kaksang La (5436m) - Hồ Moriri (4600m) 160km
Tại sao lại là bonus track? Vì chuyến đi này của đoàn em là chương trình kết hợp giữa công ty tour với 1 group motor ở Việt Nam nên hành trình tour có thêm phần chạy motor từ hồ Pangong sang hồ Moriri (em xem lịch trình tour motor bình thường thì không có). Có thể vì lý do đảm bảo sức khỏe cho khách du lịch hay gì đó ... , đúng là duyên số đã đưa 2 vc được đến hồ Moriri. Và em chỉ được biết điều này khi đã trở về Việt Nam

Đây cũng là phần tuyệt vời nhất của cả hành trình.
10h sáng, đoàn đi men theo bờ hồ Pangong để lên đèo Kaksang La sang hồ Moriri. Kaksang La là con đèo không nổi tiếng như những con đèo khác ở Ladakh nhưng đối với em là đèo thú vị nhất trong 3 đèo em đã đi qua. Đèo cao 5436m (nhiều trang web nói rằng đây là con đèo cao nhất mà người ngoại quốc được phép lái xe ở Ấn Độ), người bản địa thì gọi những con đường trên đèo là địa ngục, với em thì nó giống như 1 con đèo bị bỏ hoang, rất ít xe chạy qua đèo và hình như không có xe ngược chiều.
Một đoạn đường trên đèo Kaksang La, dù là 1 biker hay ofer em nghĩ ai cũng muốn được đến đây.
Một số hình ảnh trên đèo Kaksang La
Đoạn đường này taluy dương có địa hình như một đống đá răm cao vút nhưng khi đi em tự hỏi sao mặt đường lại sạch như vậy, cho đến khi em thấy 2 công nhân cầm chổi quét đường ...
Đèo Kaksang La có 1 cái hay nữa là ngoài đường nhựa ngoằn nghèo ra thì có 1 đường nhỏ tắt đi cắt ngang các tầng đèo, kiểu như từ tầng 1 có thể lên thẳng tầng 4 chứ không cần phải đi qua lần lượt tầng 2, tầng 3.
Khi vượt qua đoạn ngoằn nghèo ở trên thì sẽ gặp 1 cột cờ lungta. Sau hàng chục km trên đèo không 1 bóng người, những lá cờ lungta khiến những lữ khách cảm thấy yên tâm hơn, giống như những ngọn hải đăng trên biển.
Tại những cột cờ lungta, người qua đường thường xếp những cột đá nhỏ, chắc để mong chuyến đi của mình được an toàn, thuận lợi. Bạn lái xe cũng tranh thủ xếp 1 cột.
Đi tiếp lên 1 đoạn thì gặp hồ Mirpal (Tso Mirpal) ở độ cao 4800m, đây là hồ nước ngọt được tích tụ do băng tan chảy xuống. Ở góc nhìn này, em cảm giác hồ như 1 cái lỗ đen trên núi.
Đường lên đỉnh đèo đang được lát gạch, người Ấn thường lát gạch bê tông trên đỉnh đèo thay vì rải nhựa, có lẽ gạch bê tông sẽ bền hơn nhựa đường vì ban ngày ở đây rất nóng.
Một công nhân làm đường gần đỉnh đèo.
Đỉnh đèo Kaksang La chỉ có 1 tấm bia nhỏ so với những tấm biển hoành tráng bên đèo Khardung La hay Chang La (mặc dù Kaksang La lại cao hơn - 5436m ), trên này cũng không có 1 công trình nào hết. Do vẫn còn sợ vụ thiếu oxy ở trên đèo Chang La ngày hôm qua nên em cũng không dám ở lại đây lâu mặc dù vẫn cảm thấy ổn.
Phía nam đèo lại có một cái hồ khác - hồ Yaya ở độ cao 4820m(Tso Yaya), đây là di sản đa dạng sinh học đầu tiên tại Ladakh và được coi là thiên đường của các loài chim (bao gồm loài sếu cổ đen quí hiếm).
Ở 1 bức ảnh zoom gần hơn thì em thấy trên thảm thực vật màu xanh kia có rất nhiều đốm trắng mà em đoán là sếu. Tuy nhiên để chụp được rõ thì phải dùng ống cỡ 300mm
4 chấm bé xíu kìa là ae đang cắt đèo chạy xuống theo kiểu từ tầng 4 phi xuống tầng 1
Xuống hết đèo Kaksang La là đến đường vào hồ Moriri. Đường vào hồ Moriri đang làm, nửa xấu nửa đẹp, độ xấu của đường vào hồ có vẻ nổi tiếng nên khi đoàn em đi ra thì 1 biker Ấn hỏi em là đường vào Moriri có xấu không. Em thì nghĩ bụng là vào đến đây rồi thì xấu hay đẹp chả phải đi, có xấu cũng cố mà nuốt thôi
Tầm 3h30 chiều đoàn đến hồ Moriri.
Clip 1 đoạn đường vào hồ Moriri