Nhìn chung, bức tranh tổng thể không phải mỗi nông thôn, làng quê mà cả ở thành thị nước ta nó giống một bức tranh trừu tượng lẫn lộn nhiều khoảng màu, không phải 10, 20 năm mà giải quyết được ngay. Có những nguyên nhân ở tầm vĩ mô nằm ở kiến trúc thượng tầng mà giải quyết được cực khó vì xung đột lợi ích.
Nhà ngoại em ở khu phố nhỏ nhỏ, sâu sâu trên đồi ở Quảng Ninh, dân trí cũng tương đối cao. Phải nói là các bác ở tổ dân phố, khu phố đó đồng lòng và quyết tâm cao. Quán triệt tới từng hộ phải phân loại rác. Nhà nào k phân, công nhân môi trường không thu nữa. Hôm bữa nhà có giỗ, các dì các bác nhỡ tay đổ chung vào, con em dâu lại phải đổ hết ra, nhặt nhạnh phân loại lại.
Xã già nhà em lắm mồm cứ trêu em ở tỉnh, rằng thì mà là nhà quê, còn lão bám riết thủ đô từ hồi em còn hỉ mũi chưa sạch. Đùa dai làm em nóng mặt, mỉa mai: vâng, tôi nhà quê, anh về mà xem quê tôi sạch bóng k cộng rác. Còn HN của anh, mương đen ngòm, chỗ nào cũng rác.
Hà Nội của chúng ta có thể nhìn thấy hào nhoáng sạch sẽ đấy, nhưng hàng đêm, hàng trăm xe rác đổ về các vùng Sóc Sơn, Ba Vì... Vùng ven oằn mình cõng rác cho thành phố lớn.
Phải nói là nếu phân loại được rác thì hỗ trợ rất lớn đến môi trường. Nhà em được cái rộng, em nhờ người đào 1 cái hố cuối vườn, chuyên vứt đồ hữu cơ xuống đó. Tháng 1 lần em rắc chế phẩm vi sinh vào. Đợi cho ngấu, em đào lên đến bón cây, hoa. Tốt mườn mượt.
Việc làm như thế em nghĩ ở nông thôn không hề khó. Huy động cả xóm ra đào 1 hố, xong vứt đồ hữu cơ xuống đó. Rác vô cơ thì thôi, để nhà nước xử lý giúp. Và người dân hỗ trợ bằng cách hạn chế dùng đi. Em đi chợ bà nào cũng khen, giá ai cũng như mày, tao chả tốn tiền túi tị nào.
Rồi đến thói quen chi tiêu, tiêu dùng. Bây giờ em khác xưa nhiều, chỉ mua những thứ mình cần, không mua những thứ mình muốn nữa. Xưa mỗi làn dọn tủ, dọn ra độ 1 bao tải giày dép, quần áo, đồ linh tinh k dùng đến. Giờ ít hơn nhiều. Xét cho cùng, những thứ hào nhoáng, xa hoa có theo ta xuống mồ được đâu.
Với con cái phải quyết liệt dạy dỗ về ý thức bảo vệ môi trường và tiết kiệm. Nhưng mình cũng phải làm gương cho bọn nhỏ. Bố mẹ không gương mẫu, chả ích gì.
Những điều nhỏ nhỏ tự mình làm, chưa chắc giải quyết được gì, nhưng mưa dầm thấm lâu. Vậy đấy.