Em xin phép nêu một số ý kiến cá nhân về việc cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch tại Vành đai 1 và xa hơn là cấm toàn bộ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hoá thạch đi vào Hà Nội.
1. Khó khăn
- Dựa trên các yếu tố về địa lí, kinh tế, xã hội thì khu vực vành đai 1 là trung tâm về văn hoá - kinh tế - chính trị của thủ đô Hà Nội. Kinh tế phụ thuộc nhiều vào xe máy từ việc di chuyển từ nhà đến chỗ làm, chở hàng hoá, giao hàng hoặc di chuyển tại các điểm gần nhau. Xã hội phụ thuộc rất nhiều vào xe máy, nhiều gia đình chỉ có cái xe máy vừa là tài sản giá trị nhất mà vừa là cần câu cơm.
- Hạ tầng giao thông HN phù hợp với xe máy từ việc chỗ để xe khi vào hàng quán cho đến việc lưu thông hàng ngày trên các con phố nhỏ chỉ từ 1 đến 2.5 làn xe. Xe máy tiết kiệm được rất nhiều thời gian di chuyển. Vì vậy kể cả có phát triển phương tiện công cộng hết mức mà đường xá, vỉa hè ko phát triển thì phương tiện chính của người dân vẫn là xe máy. Vậy cấm xe chạy xăng dầu để người dân chuyển sang xe điện với mục đích bảo vệ môi trường có phải là đích đến cuối cùng? Hay 5-10 năm nữa khi PTCC nội đô như MRT và Metro phát triển thì lại dẹp nốt là xe máy điện? Nếu điều đó thực sự xảy ra thì vô cùng lãng phí cho ngân sách nói chung và cho người dân nói riêng.
- Khó khăn lớn nhất khi đổi sang xe điện không phải là vấn đề kinh tế mà là vấn đề về việc bố trí trạm sạc. Đối với các khu vực nhiều nhà chung cư thì rất đơn giản, có thể hi sinh phần đất làm sân vui chơi làm trạm sạc, nhưng đối với các khu nhà tập thể cũ hoặc nhà phố cổ thì ko hề đơn giản chút nào. Tất nhiên giải pháp sẽ là các trụ sạc công cộng trong khu vực nhưng để phát triển điểm sạc cc thì vấn đề quỹ đất nội thành cũng rất nan giải. Ngoài ra còn các vấn đề về an toàn PCCC và kiểm soát tiêu chuẩn Pin xe điện.
- Thiên nhiên cũng là một thứ sẽ khiến HN đau đầu. 2024 là năm mưa bão lịch sử, phần lớn khu vực ven đê đều bị ngập, có nơi ngập lên tận cửa khẩu. Thiên nhiên thì ko thể nào đoán trước, có phòng tránh cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Vậy câu hỏi đặt ra là làm cách nào để sạc xe khi nhà đang bị ngập. Lại quay lại bài toán trạm sạc công cộng.
- Hạ tầng lưới điện cũng là điều đáng lưu tâm. Cách đây 3 năm - vào năm 2022, miền Bắc bị mất điện cục bộ với lý do thiếu điện. Sau này đã có kỉ luật và thanh tra với một số cán bộ ngành điện, không biết điều này có ảnh hưởng đến việc 3 năm nay ko hề mất điện. Hay do mưa nhiều hơn nên nhiều điện hơn. Vậy bài toán đặt ra là nếu thiếu điện như 2022 thì người dân sẽ sạc điện xe bằng cách nào? Và hệ thống điện thủ đô đã sẵn sàng nâng cấp để thích ứng với nhu cầu của người dân khi đổi sang xe điện chưa?
2. Giải pháp đề xuất cho thủ đô:
- Xây dựng chương trình dài hạn, tất nhiên là bắt tay vào làm ngay nhưng bắt đầu ở mức độ khuyến khích chứ ko nên cấm.
- Tạm dừng đăng kí xe máy xăng dầu khu vực trung tâm nhất để thí điểm (Hoàn Kiếm - Ba Đình - một nửa HBT). Tất nhiên người dân sẽ mang sang quận khác để đăng kí nhưng hiện nay phạt nguội và gửi thông báo về chính chủ sẽ làm người được nhờ đứng tên ngại giúp, cũng hạn chế đáng kể số lượng xe trong khu vực. Đồng thời quy hoạch những con phố “xanh”, chỉ dùng phương tiện năng lượng xanh được lưu thông.
- Thu phí kiểm định với xe máy chạy xăng dầu. Tất nhiên vấn đề này sẽ khó kiểm soát xe đã kiểm định hay chưa. Tuy nhiên với công nghệ phát triển, có thể quy hoạch khu vực nào xe chưa kiểm định đi vào sẽ bị xử phạt bằng hình thức phạt nguội qua giám sát biển số bằng camera. Các xe đã sử dụng trên 10 năm thì phí kiểm định sẽ cao, kể cả có đạt kiểm định thì cũng phải đóng một khoản phí tương đối. Khoản phí này sẽ dùng để hỗ trợ những người có xe sử dụng dưới 10 năm có nhu cầu đổi sang xe điện.
- Đẩy mạnh phát triển phương tiện công cộng. Lộ trình chậm nhất là 5 năm phủ kín vành đai 1. Thay thế toàn bộ xe bus sang xe điện, xây dựng thêm hệ thống xe trung chuyển 6-10 chỗ chạy bằng điện tại các điểm xe bus (shuttle bus) để người dân thuận tiện đến chỗ làm hơn. Trong 10 năm phải hoàn thành các dự án Metro
, MRT kết nối các khu vực ngoài thành với trung tâm. Nếu PTCC phát triển hết mức, đường xá đủ rộng ko tắc dài, vỉa hè sạch đẹp an toàn thì người dân tự động bỏ xe máy và chuyển sang đi PTCC + đi bộ.
- Tất nhiên là phải đưa các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ có hoạt động của xe máy ra các khu vực ngoại thành hoặc kiểm soát có điều kiện. Ví dụ: cấm chở hàng cồng kềnh bằng xe máy (siết chặt kích thước hơn trước), cấm toàn bộ xe ba gác. Như vậy giá cả nội đô sẽ tăng lên do cước vận chuyển phải chuyển từ xe máy sang ô tô Van, tuy nhiên sẽ hạn chế xe máy hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ. Kiểm soát có điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe máy (grab + be).
- Đưa các chợ đầu mối, bến xe hàng ra ngoại thành, đồng thời dẹp chợ cóc (phải làm dứt điểm), đồng thời xây dựng mô hình kinh doanh thực phẩm hàng hoá thiết yếu , tạp hoá tập trung (bình ổn giá cả các siêu thị tiện lợi) thì việc vận chuyển hàng hoá bằng xe máy lập tức giảm lại vì đa phần việc kinh doanh, vận chuyển hàng hoá từ buôn sang lẻ hoặc từ cửa hàng nhỏ lẻ đến khách hàng hiện nay đều liên quan đến xe máy.