Vừa lang thang trên mạng, đọc được bài hay của cụ quen giọng (cụ quan dài VOV giao thông) Phạm Trung Tuyến. Bài viết dưới góc nhìn của tác giả nhưng em thấy rất hợp với quan điểm của mình, tuy nhiên có thể tạo ra một sự tranh luận rất lớn. Em copy về quán mời cccm cùng tranh luận, biết đâu đó cũng là đóng góp cho những bước đi thay đổi của cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
——-
Nghị quyết 68 của Trung ương, với tinh thần đề cao kinh tế tư nhân, vừa được phổ biến không lâu thì ông Vin tốc độ xuất hiện, đề xuất làm ngay cái dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Nếu ai đã từng theo dõi nghị trường trong 20 năm qua, chứng kiến bàn lên bàn xuống vụ làm hay không làm đường sắt cao tốc, có thể thấy câu chuyện này giống như đang đạp xe trên cầu Long Biên, bỗng thấy một cái Ferari vọt qua.
VinSpeed, dù mới thành lập, nhưng được hậu thuẫn bởi ông anh họ Phạm nhà mình, nên mình tin là không phải chuyện đùa. Ông anh mình khét tiếng là dám chơi tất tay một khi muốn, và khét tiếng về khoản tiến độ. Nên, giao dự án này cho VinSpeed, theo mình là vừa hợp với tinh thần của Nghị quyết 68, vừa đúng phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa yên tâm không bị sao đì lây chiếu mạng. VinSpeed làm thì mình hy vọng dăm năm có tàu đi, chứ để các PMU quản lý, có nhẽ mút mùa, như mấy cái tuyến đường sắt đô thị.
Nhưng đấy là mình nghĩ vậy, chứ mấy hôm nay, thấy dư luận ồn ào tranh cãi, nghe cũng vui. Điều đó chứng tỏ không khí tranh luận giờ lành mạnh hơn, đa chiều hơn. Tuy nhiên, có mấy thứ hơi buồn cười.
Thứ nhất là về đề xuất vay 80% vốn nhà nước không lãi suất trong 35 năm, tự huy động 20% còn lại, và hoàn trả toàn bộ sau 35 năm. Nhiều người cho rằng ông anh họ Phạm của mình khôn quá! Ở đâu ra cái tiền lệ vay không lãi thế? Nhưng mà nghĩ cho kỹ, cho dù ông anh mình khôn, nhưng là khôn ngoan. Vì nhà nước cho ông anh mình vay 80% không lãi trong 35 năm vẫn lợi hơn phải đầu tư 100%, mà đường sắt cao tốc thường thì cả trăm năm mới có lãi. Ông ý khôn thế là khôn cả cho phần của nhà nước, giảm áp lực tài chính cho quốc gia bỏ cmn ra. Thử hỏi, nếu anh mình không nhảy ra, vay 80% để làm thì ai sẽ làm, nếu không phải nhà nước? Sự cởi trói, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân được hiện thực hóa chính là ở chỗ này, là tạo ra những bước đi đột phá, thay vì dẫm mãi những lối mòn tiền lệ.
Thứ hai là đề xuất xây dựng những khu đô thị ga. Cái này cũng bị đặt câu hỏi về chuyện “gom đất vàng”. Nói thật, “đất vàng” thực sự ở Việt Nam chỉ hiện hữu phần lớn ở Hà Nội và TPHCM, vốn đã hết dư địa. Những khu đô thị quanh nhà ga dọc tuyến đường chỉ có thể trở thành đất vàng khi dự án của VinSpeed triển khai, và nếu như có kết quả đó thì người hưởng lợi không chỉ là VinSpeed, mà nó trở thành lợi ích xã hội.
VinSpeed nói đề xuất làm đường sắt cao tốc là cống hiến. Chuyện đó có thể đáng tin, hoặc không. Nhưng cá nhân mình thì tin vào lợi ích nhiều hơn, nếu cống hiến mà có lợi thì tiện tay cống hiến cũng hay mà. Vấn đề đó là chuyện của ông anh mình. Còn mình, dù cũng họ Phạm nhưng chỉ là người đóng thuế và hy vọng. Mình cũng hy vọng các nhà đầu tư tư nhân tham gia nhiều hơn vào các dự án hạ tầng quan trọng. Bởi chỉ khi lợi ích của nhà nước, nhân dân, và doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ với nhau thì đất nước này mới khá được.
Nếu chỉ nhăm nhăm nhìn vào cái lợi mà doanh nghiệp có thể được hưởng, rồi nhao nhao phản đối, dù sự phản đối đó khiến tất cả đều không có lợi, thì khác nào đàn cua trong giỏ níu chân nhau?
Thế nên, ông doanh nghiệp tư nhân khôn được cứ khôn, miễn là cái khôn ấy nó phù hợp với chủ trương của Nhà nước, và miễn là cái khôn ấy giúp cho mình sớm có đường sắt cao tốc để đi.
Tốt hơn hết là ông anh họ Phạm khi làm đến Nam Định thì dịch cái nhà ga về gần biển một chút, gần cái thổ mà ông bà già em để lại cho em. Cùng họ, em cũng khôn cùng phát.
Nhân tiện khoe cái thổ ở quê, nhà nào có hai chị em gái thì nên mua, sau này đêm đêm ngồi ngắm tàu, lãng mạn như chuyện Thạch Lam.
FB : Phạm Trung Tuyến