Các cháu VN giỏi chuyên sâu (huy chương vàng Olympiad, ở mình gọi là Olympic, trong các môn khoa học hoặc giải cao trong Intel ISEF) hoặc/và toàn diện (điểm trung bình cao, SAT/ACT/TOEFL cao, thành tích hoạt động ngoại khóa tốt) đăng ký vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ vẫn có khả năng giành học bổng cực cao.
Vd như trường cũ của tôi học phí + chi phí ăn ở khoảng 70,000 USD mỗi năm (
https://www.williams.edu/studentaccounts/tuition-fees/) nhưng tôi chỉ cần đóng 0 - 1,000 USD tuỳ học kỳ, chưa kể đến mấy công việc trường hỗ trợ để kiếm $2000-5000 mỗi năm. Hoặc như hôm nay có cụ chia sẻ trong chủ đề chia sẻ kinh nghiệm du học Mỹ của tôi là con gái cụ ấy được nhận học bổng toàn phần kể cả ăn ở vào Cornell University (Xếp hạng US News # 17, ~ 72,000 USD tiền học bổng mỗi năm;
https://finaid.cornell.edu/cost-attend).
Dựa theo kinh nghiệm và quan sát của tôi, thì nhóm học sinh VinUniversity nhắm đến là các đối tượng thoả mãn một hoặc nhiều yếu tố sau:
- năng lực học tập và thành tích ngoại khoá đủ để vào các đại học xếp hạng khoảng #30 - #60 theo US News. Nếu học sinh có đủ điều kiện để vào các đại học xếp hạng cao hơn thì học sinh đó sẽ nhận được học bổng tương đối lớn (lớn hơn ở Vin University ) nếu đăng ký vào trường xếp hạng thấp hơn hoặc sẽ nhận được học bổng toàn phần (gần gấp đôi ở Vin như 2 vd nêu trên) nếu được nhận vào các trường đại học có chế độ "Financial Aid meets full need" (đáp ứng 100% nhu cầu tài chính của học sinh nếu được nhận), vốn có khá nhiều ở trong top 30.
- năng lực tài chính đủ để trả $15,000-$35,000 cho cả học phí và sinh hoạt phí nhưng không đủ cho >$50,000 hằng năm
- vì lý do nào đó không thể hoặc không muốn ra nước ngoài (vd hạt giống đỏ hoặc muốn đi lên bằng đường *oàn hay *ảng)
Ngoài ra, theo đánh giá sơ lược của tôi, học phí của VinUniversity hiện nay là cao hơn so với chi phí hoạt động hằng năm của trường dành cho học sinh (chưa tính khấu hao chi phí xây dựng) ngay cả khi mặc định rằng chi phí trả cho giáo sư là tương đương ở Mỹ.
Cần biết là ở hầu hết các đại học phi lợi nhuận của Mỹ (gần như 100% các đại học tư và công có tiếng), học phí chỉ cung cấp khoảng 50% chi phí hoạt động, phần còn lại được hỗ trợ bởi trợ cấp của chính phủ (đại học công), trợ cấp nghiên cứu của chính phủ và tư nhân cũng như nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu (vd phí bản quyền), lợi nhuận từ đầu tư quỹ trường (investment returns from school's endowment).
Do vậy 1 đồng tiền học bỏ ra ở trường Mỹ thu về được 2 đồng tiền hàng/dịch vụ (ăn, ở, học hành, ngoại khóa, cơ sở vật chất, quỹ nghiên cứu, v.v.), còn ở Vin University thì 1 đồng tiền học bỏ ra chưa chắc đã thu về được 1 đồng tiền hàng/dịch vụ.
Chưa nói đến mặt chất lượng, chỉ tính toán (thô) về mặt kinh tế thôi, thì tôi chưa đánh giá cao ROI (return on investment) của tiền học phí đóng cho Vin University. Đối với một nước đang phát triển, thuộc diện nghèo như nước ta, và sự cân đo đong đếm kỹ lưỡng của người dân VN khi tiêu tiền, bỏ ra $20,000-40,000 cho tấm bằng của Vin là một sự lựa chọn khó nuốt.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, quyết tâm mở một đại học với quy trình xét tuyển đa diện, quy chế học hành và nghiên cứu như 2 đại học Ivy, cũng như đội ngũ giáo sư với gốc gác và kinh nghiệm quốc tế là một cố gắng đáng trân trọng của Vin Group nói chung và ông Phạm Nhật Vượng nói riêng. Tôi đánh giá cao nỗ lực đó.
Nếu sau này điều kiện cho phép và có duyên, tôi cũng hi vọng mình sẽ trở thành giáo sư ở đây, nhưng chắc cũng phải trên 10 năm nữa.