[Funland] Hồi ức về quãng đời không thể nào quên ở Hongkong

Vulq71

Xe container
Biển số
OF-160636
Ngày cấp bằng
13/10/12
Số km
8,383
Động cơ
436,533 Mã lực
Đầu tiên em phải nói rằng phần đầu của câu chuyện này em copy lại từ một thớt cũ của chính em và paste lại sang đây bởi lẽ thớt cũ có quá nhiều spam nên em phải lập thớt mới phục vụ các cụ. Tất cả những gì em viết dưới đây hoàn toàn là những hồi tưởng lại quãng đời quá khứ của em, là sự thật 100% không hề thêm bớt. Chỉ có điều vì thời gian đã lâu ( hơn 20 năm ) nên có thể những chi tiết không còn chính xác, rất mong các cụ lượng thứ.

Phần 1 : Vượt biên

Những năm cuối thập niên 80 90 thế kỉ trước, phong trào vượt biên ở Hải Phòng, Quảng Ninh rất rầm rộ. Nhà nhà vượt biên, người vượt biên, đi đâu cũng thấy thì thào thậm thụt, bàn tán xôn xao. Nào là nhà kia mới đi có 1 tháng mà đã viết thư về rồi đấy, nào là vợ chồng nhà nọ đi đến mấy lần cả thảy mới thoát được. Người thành công cũng nhiều mà làm mồi cho cá cũng chả kém. Nổi tiếng nhất là vụ Gió Nam ( tên một quán cà phê hiện vẫn còn trên phố Cầu Đất, có lẽ gọi là vụ Gió Nam vì do chủ quán tổ chức hay sao ý ) con tàu chở người vượt biển bị đắm chết gần hết, trong đó có vợ con cố ca sĩ Ngọc Tân.
Lúc đó em mới học xong phổ thông đang định thi Đại học thì bà già chả biết nghe ai xui quyết định cho con trai vượt biên tìm đường 'cứu nước' ( em nói cho vui chứ không có ý đồ chính chị chính em gì đâu nhé ) Nhà em ông bà già cán bộ công nhân viên quèn nên gia cảnh cũng chẳng khá giả gì. Em lớn nhất, dưới em còn 2 cậu em trai còn đang đi học.
Sau một thời gian chắp mối, em cùng ông anh họ được gửi về Đồ sơn, nhà một người bà con có quen biết và gần với 1 đường đây đưa người vượt biển.
Đêm hôm đó, hai anh em được đưa tới điểm tập kết là 1 ngôi nhà nằm sâu trong xóm chài gần đê Bàng La. Đến nơi đã có khoảng 4 chục mạng cả già trẻ gái trai đang tụ tập ở sân nhà. Mọi người ai nấy đều thì thầm to nhỏ ra chiều căng thẳng lắm. Em cũng vứt ba lô hoà vào đám người không quen biết đấy. Hành trang của em chỉ có 2 bộ quần áo, ít lương khô, 1 chỉ vàng khâu kỹ trong cạp quần phòng khi cơ nhỡ.
Đến giờ xuất phát, theo hiệu lệnh của 1 đồng chí, tất cả bà con nối đuôi nhau men theo dọc con đê, người đi sau lặng lẽ bám đuôi người đi trước. Đường đê tối đen như mực, không một ánh đèn. Đi mãi rồi cuối cùng cũng đến nơi là một ngôi nhà giữa đồng không mông quạnh. Vào trong thì trời ơi, chắc phải đến hàng trăm người chen chúc bên trong. Thây kệ, mình cứ phải theo thôi chứ biêt sao bây giờ ?
Lại chờ đợi trong bóng tối. Thỉnh thoảng lại có tiếng xì xào bàn tán rồi lại im lặng chờ đợi.Bỗng đột nhiên có nhiều tiếng chân chạy rầm rập, ánh đèn pin loang loáng ở khắp xung quanh. Tiếng hô hét, kêu khóc hỗn loạn cả. Thế rồi cửa mở tung, các đồng chí công an, biên phòng, dân quân ập vào với vũ khí trên tay. Một đồng chí hô to: Ngồi im, tất cả đã bị bắt. Thôi, thế là đứt. Em và ông anh họ cùng mọi người bị đưa về đồn công an, hồi đấy còn là công an thị trấn Đồ Sơn. Đầu tiên tất cả bị nhốt vào 1 hội trường rộng trên tầng 2 sau đó từng người một bị dẫn đi lấy cung.
Không biết người khác thế nào còn em thì bị hỏi rất đơn giản: Ai là chủ tầu, ai đứng ra tổ chức và ai dẫn mối. Em thì đâu có biết ai chủ tầu chủ thuyền gì đâu mà khai, tất cả là do người bà con nhà em dẫn dắt, chả lẽ em khai ra thì liên luỵ người ta nên em cứ giả ngây giả ngô rằng em về Đồ Sơn chơi với người nhà thấy mọi người rủ nhau đi thì em cũng a dua a tòng đi theo thôi, chả biết gì hơn. Và em cứ dứt khoát như vậy bất kể bị đe doạ hay thế nào, em vẫn thống nhất với ông anh họ bảo vệ lời khai như vậy. Qua 2 ngày, bất lực với em, họ dẫn 2 anh em xuống giam ở buồng giam thật sự.
Đến tận bây giờ em vẫn còn nhớ như in tiếng cái cửa sắt buồng giam khi đóng mở. Lần đầu tiên trong đời được biết thế nào là bị giam như một tội phạm, cảm giác khó tả lắm các cụ ợ.
Cửa phòng giam đóng sập sau lưng, chỉ còn ánh sáng le lói xuyên qua ô nhỏ trên cánh cửa sắt. Phòng giam em ngang chỉ độ 1m8 dài chừng hơn 2 m, có một cái bệ xi măng cao 10 cm chắc chỉ để nằm. Vẫn biết mình chỉ tội nhẹ nhưng nỗi lo sợ mơ hồ vẫn bao trùm trong em. Suốt mấy ngày đi cung, các chú CA vẫn chỉ xoay quanh mấy câu hỏi cũ nhưng em đã quyết nên dứt khoát không khai gì khác.
Thế là thấm thoắt đã một tuần kể từ hôm bị bắt, hôm đó em được dẫn lên phòng hỏi cung, có 1 chú đã ngồi sẵn hỏi em mấy câu vớ vẩn rồi đưa ra tờ giấy có tiêu đề: Giấy huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn bắt em ký vào. Em đọc sơ qua, chả hiểu gì vì từ bé đến giờ chỉ biết có đi học, đâu có va chạm pháp luật bao giờ đâu mà biết. Hoá ra đấy chính là cái giấy thả em. Chắc người nhà bên ngoài thu xếp, lúc đó em đoán vậy.
Đấy là lần vượt biên đầu tiên không thành của em. Kính các cụ em nghỉ chút rồi biên tiếp hầu các cụ.

Đê Bàng la- Đồ sơn, nơi em xuất phát và bị bắt:
 
Chỉnh sửa cuối:

anchor

Xe hơi
Biển số
OF-9813
Ngày cấp bằng
18/9/07
Số km
140
Động cơ
534,774 Mã lực
Ối cụ đã kịp mở thớt mới rồi à?? Vừa can cụ bên kia xong
 

Hết xăng

Xe tăng
Biển số
OF-134139
Ngày cấp bằng
12/3/12
Số km
1,318
Động cơ
383,250 Mã lực
Hay quá **==
 

Vulq71

Xe container
Biển số
OF-160636
Ngày cấp bằng
13/10/12
Số km
8,383
Động cơ
436,533 Mã lực
Thế rồi em trở về nhà, cũng quá vài lần trục trặc nữa rồi gần 1 năm sau, cuối tháng 5/1989 em lại làm 1 tăng nữa. Qua mối lái, em lại vác ba lô hành trang xuống 1 cái xà lan chạy sông neo ở bờ sông dưới gầm cầu Niệm Nghĩa. Dưới xà lan đã có vài cậu thanh niên trạc tuổi em nằm sẵn đấy từ mấy hôm trước. Qua 1 đêm, sáng hôm sau xà lan nhổ neo chạy ra giữa vịnh Hạ Long nằm chờ. Đến khoảng 10h tối hôm đó 1 chiếc ca nô ( chính là loại ca nô chở khách Hải Phòng - Hòn Gai mà bây giờ vẫn gọi là tàu chợ các cụ ợ ) chở đầy nhóc người áp mạn xà lan rồi ào ào đổ người sang. Tất cả mọi người xuống nằm hết dước khoang rồi phủ bạt trùm lên. Xong xuôi đâu đó xà lan bắt đầu xuất phát nhằm hướng phao số 0 thẳng tiến.
Em xin mô tả sơ qua về phương tiện bọn em dùng để vượt biển cho các cụ dễ hình dung: Xà lan chuyên vận chuyển hàng hoá trên đường sông, trọng tải 70 tấn, có một máy chính công suất 70 mã lực ( số liệu này vì đã lâu rồi em không còn nhớ chính xác 100% chỉ biết lúc cao điểm nhất quân số trên tầu là 201 người ). Xà lan chạy sông khác xà lan hoặc ca nô chạy biển ở cái đáy tàu, loại chạy sông đáy bằng, loại chạy biển đáy vát nhọn để chém sóng. Xà lan có 2 khoang để chở hàng hoá, 1 ca bin lái, 1 buồng máy và đuôi tàu có 1 nhà vệ sinh cùng 1 bếp than to để nấu nướng.

Xà lan của bọn em nó giống thế này, ra ngoài biển lúc nào cũng chực chìm:



Khi bắt đầu khởi hành, dưới khoang không còn 1 chỗ trống. Ngoài một số người độc thân, còn lại đa phần là cả gia đình vợ chồng chon cái, có cả những ông bà đã già cũng có cả những cháu bé chắc chưa đầy năm cũng được bố mẹ ẵm bồng đi vượt sóng đến nơi thiên đường sung sướng.
Chạy được nửa ngày, xa xa đã nhìn thấy ngọn đèn biển Long Châu, gần phao số 0, sóng gió bắt đầu nổi lên. Từng đợt sóng cuồn cuộn dọc theo 2 thân tàu. Đuôi tàu bọt biển trắng xoá quyện với màu nước biển xanh thẫm, xanh thẫm đến mức độ các bác cứ hình dung màu mực Cửu Long ngày xưa đi học như thế nào thì màu nước biển lúc đấy cũng tựa như thế. Biển động càng lúc càng dữ dội, từng sóng cao như cả toà nhà mấy tầng dựng lên trước mặt rồi lại hạ xuống rất nhanh, mưa gió tứ lung tung hoà quyện với nhau với tất cả sự khủng khiếp của nó. Đấy chính là bão biển.Trong cơn bão, thuyền trưởng chỉ đạo máy trưởng chạy hết tốc lực gối sóng thẳng tiến. Em xin giải thích thuật ngữ gối sóng nghĩa là đâm thẳng mũi tàu vào ngang con sóng ( kiểu hình chữ T vậy ) vì nếu để tàu quay ngang sẽ bị lật úp ngay lập tức. Mũi tàu hết ngóc lên rồi lại cắm đầu xuống. Mỗi lần hạ xuống, đáy tàu đập mạnh xuống nước tạo nên âm thanh giống như ta vỗ mạnh bàn tay xuống nước ( tất nhiên là to hơn nhiều ). Em tự nhủ chả biết thân tàu đến lúc nào thì gẫy gập. Ơn trời nó vẫn không sao. Mọi người dưới khoang kể cả em say sóng bét nhè, có bao nhiêu nôn thốc nôn tháo ra bằng hết. Các cụ thử tưởng tượng cả con tàu cùng hành khách phải chống chọi với sự cuồng nộ của thiên nhiên như vậy cả một ngày trời thì may quá, mây tan dần, gió bão cũng dịu đi. Em ngoi lên ca bin xem xét tình hình thế nào. Trong buồng lái thấy đặt một la bàn đi biển trên một rổ đựng gạo, em đoán chắc để lấy cân bằng cho la bàn. Sau khi kiểm tra, đo đo đạc đac, thuyền trưởng tuyên bố sau 24h, con tàu chạy hết tốc lực trong cơn bão vừa rồi vẫn nguyên ở vị trí xuất phát, nghĩa là gần phao số 0, chưa ra khỏi hải phận quốc tế. Sau này nhiều người có kinh nghiệm đi biển nói may mà máy tàu có công suất mạnh, nếu không đã dạt về tận Thanh Hoá rồi. Và con tàu lại tiếp tục cuộc hành trình lên đênh trên biển.Sau cơn bão, mọi người cũng quen dần với sóng gió và bắt đầu thấy đói. Nhà bếp mang cơm và thức ăn lên cho mọi người. Cơm có cá khô và canh bí là thực đơn của bọn em. Cơm do nấu vội nên vẫn còn sống nhưng vì cả ngày đói và mệt nên ăn vẫn ngon lành.

Bão biển:



Đích tiếp theo của tàu em là cảng Phòng Thành, Trung Quốc. Tàu chạy chừng 1 ngày sau thì tới nơi. Cập bến, mọi người tản mát lên bờ còn tàu thì được kiểm tra máy móc dầu mỡ để chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình. Lên trên bờ, em theo nhóm bạn mới quen trên tàu đi vào phố. trong nhóm có 1 cậu có tài móc túi tuyệt giỏi. Hôm đấy gặp đúng dịp Trung Quốc bán lương thực thực phẩm kiểu như mình hồi bao cấp ý, người dân chen nhau xếp hàng mua bán. Cậu kia sau một hồi chen vào đám đông quay ra đã có ngay 1 sấp tiền, thế là cả hội đi đập phá, ăn uống bễ nhễ. Em lần đầu tiên được biết thế nào là mùi vị nước ngọt và đồ ăn chính hiệu Trung quốc. buổi tối quay về tầu thấy có cống ngốn ( công an Trung Quốc ) đến hỏi han, sau khi biết là thuyền Việt Nam vượt biên họ cũng chẳng gây khó dễ gì. Sáng hôm sau tàu nhổ neo nhằm hướng Bắc Hải tiếp tục hành trình. Đến Bắc Hải mọi việc cũng xuôn sẻ, không gặp trở ngại gì lớn. 
Ai nhìn trên bản đồ cũng hiểu từ miền bắc VN muốn đến HK kiểu gì cũng phải qua eo biển Lôi Châu nằm giữa đảo Hải Nam và đất liền Trung Quốc. Đây là eo biển rất nguy hiểm vì là nơi giao nhau của mấy dòng hải lưu tạo nên những vùng xoáy chết người. Nơi đây chôn dấu không biết bao xác người tỵ nạn Việt Nam qua các thời kỳ suốt từ năm 1979 tới giờ, là địa danh nguy hiểm nhất trong cả quãng đường tới HongKong. Thông thường, người ta muốn qua đây phải thuê tài cống ( lái tàu ) người bản địa lái tàu vượt qua eo Lôi Châu thì mới mong sống sót. Tàu em cũng không phải ngoại lệ, sau khi bàn bạc, mọi người quyết đinh góp nhau 5 chỉ vàng thuê 1 tài cống đưa tàu qua eo rồi sau đó cập bờ, tài cống đó nhảy xe quay lại.
Sau khi mọi việc được sắp đặt đâu vào đấy, tài cống Trung Quốc cầm vô lăng và chúng em lại xuất phát từ cảng Bắc Hải nhằm hướng eo Lôi Châu lên đường. Sóng yên biển lặng trong suốt hơn một ngày đêm thì cũng thấy xa xa thấp thoáng là đất liền ( trong cả hành trình, sang HK, trừ những lúc cặp bờ còn hầu như xung quanh chỉ có biển, chẳng nhìn thấy đất liền đâu ).Mọi người bảo đấy là đảo Hải Nam đấy. Đuôi tàu thỉnh thoảng thấy nổi lên lưng của những con cá to đen sẫm bơi theo tàu. Người thì cam đoan đấy là cá mập, người bảo không phải, chỉ là một loại cá to nào đấy mà thôi. Đôi lúc cũng nhìn thấy hình như là tầu ngầm Trung Quốc thì phải, em cũng không chắc lắm nhưng rõ không phải là những tàu dân sự bình thường. Đi một đoạn nữa, đột nhiên nhìn rõ những cột buồm nhô lên lập lờ dưới mặt nước biển xanh thẫm, mọi người chợt lặng im vì hiểu rằng đấy chính là những tàu vượt biên Việt nam xấu số bị chìm mang theo biết bao sinh mạng của đồng bào bỏ xác nơi đất khách quê người. Cầu mong cho linh hồn của họ được siêu thoát.

Cứu hộ một thuyền vượt biên:







Tàu chạy tiếp tục trong sóng yên biển lặng, em và mấy người nữa leo lên nóc ca bin tàu nằm hóng mát. Em tự nhủ hoá ra tàu mình cũng may mắn, tưởng nguy hiểm thế nào chứ thế này thì cũng chẳng có gì ghê ghớm. Trời vẫn quang, mây vẫn tạnh, sóng biển nhè nhẹ, bọn em ngêu ngao mấy bài nhạc vàng ra chiều yêu đời lắm. Trời tối dần, bóng đêm bắt đầu phủ xuống thì đột nhiên có tiếng ông thuyền trưởng Việt nam quát to bắt mọi người xuống hết hầm boong. Em cùng mọi người nháo nhào lao xuống theo hiệu lệnh thuyền trưởng. Nằm dưới hầm boong chỉ thấy mưa, gió quay cuồng một chập chừng 1 tiếng rồi đột nhiên im phăng phắc. Một lát sau, ông thuyền trưởng vén bạt gọi mọi người lên nói mình vừa thoát chết. Chẳng ai hiểu mô tê gì cho đến khi ông thuyền trưởng kể lại rõ ngọn nghành.
Theo lời ông ấy kể: tàu đang đi trong điều kiện thời tiết hết sức lý tưởng, tài cống TQ đang cầm vô lăng,không biết nhìn mây trời có dấu hiệu gì bất thường đột nhiên la hét ầm ĩ một hồi rồi buông tay ngồi thụp xuống ôm đầu. Ông thuyền trưởng Việt Nam biết là có vấn đề nghiêm trọng nên ra lệnh mọi người xuống hầm boong. Ngay lập tức sau đó mưa gió nổi lên rất đột ngột. Ông thuyền trưởng Việt Nam đạp tài cống TQ sang một bên và cầm vô lăng chèo lái con tàu trong tuyệt vọng với ý thức: còn nước còn tát. Ông hiểu rằng người tài cống TQ thổ công thổ địa còn buông tay chịu chết có nghĩa là tình thế vô cùng nghiêm trọng. Chỉ 1 tích tắc, theo lời ông thuyền trưởng, ông ấy không tin vào mắt mình: con tàu quay ngoắt 180 độ lúc nào không hay. Rồi sau đó chẳng hiểu có phép màu nào mà tàu em lại thoát được, chắc do tàu mình được Trời Phật phù hộ độ trì, chưa phải đến ngày tận số. Sau này nghĩ lại mới biết chắc tàu đi vào đúng đường đi của 1 cơn lốc biển.

Em đoán nó là cái này:



Cuối cùng cũng vượt qua được eo biển tử thần, tàu cập vào một cảng nhỏ em không nhớ tên để ông Tài Cống TQ lên bờ đồng thời tàu cũng bổ xung dầu mỡ, xem lại máy móc. Mọi người tản mát lên đất liền đi kiếm lương thực thực phẩm. Em cùng mấy người bạn đi xin ăn, học được mấy câu tiếng Tàu: pỉ ngổ tí xỉn ( cho tao ít tiền ), pỉ ngổ tí mẩy ( cho tao ít gạo ) thế mà cũng được một ít. Hôm đấy thằng bạn ra chợ mắt trước mắt sau thó nhể ( ăn cắp ) được mấy quả tim lợn, vặt trộm được mấy quả bầu mang về nhà dân gần đấy nấu nhờ. Cả bọn được bữa no không đi nổi. Các cụ có tưởng tượng được 5 thằng mà ăn hết 6 bát gạo đầy không, chắc đời em chưa bao giờ ăn khoẻ như vậy.
Lại nói về ăn xin, nói thật, em vẫn ấn tượng về lòng tốt của người dân TQ. Hồi đấy thấy nông thôn TQ cũng chẳng khá hơn mình bao nhiêu nhưng họ sẵn sàng giúp đỡ dân tị nạn VN, có điều dân mình qua đất nước họ ăn cắp ăn trộm đủ cả, về sau họ cũng ghét. Có lần, em với thằng bạn đói quá, 2 thằng bàn nhau vào ăn chạc. Thế là 2 thằng đánh liều vào 1 quán vỉa hè như của mình vậy, ăn xong 2 thằng nháy nhau chạy thật nhanh về 2 phía khác nhau, ông chủ quán tức quá dẫm chân bành bạch, kêu ầm ĩ nhưng cứ loay hoay chẳng biết đuổi thằng nào. Có lần khác, cũng lại đói quá em đánh liều đi ăn cắp cái gì đó để ăn. Vòng quanh chợ mấy lần chỉ thấy có sạp bán dưa hấu là dễ lấy, dưa hấu chất cao như núi mà chả thấy chủ quán đâu. Dằn dứ mãi vì em chưa đi ăn cắp bao giờ, nhưng đói quá nên xông vào bê 1 quả chạy ra chỗ kín dùng đá đạp vỡ ra ăn.Thế mà cũng ăn hết, ăn xong thì mẹ ơi, cái bụng căng lên như 1 cái trống, óc a óc ách lạ lắm các cụ ợ.
Thế rồi con tầu lại tiếp tục lên đường. Vậy là chỉ còn 1 nửa chặng đường phía trước. Chả biết còn gian truân thử thách gì đang chờ đợi phía trước đây.
Đi được mấy hôm lại có dấu hiệu có bão, tàu đành quay đầu vào bờ tránh bão. Đến gần bờ, thấy dân thuyền chài địa phương cứ chỉ chỉ cái gì trước mặt, thuyền trưởng bảo 1 bà trước đây nhà ở phố Kỳ Đồng ( trước kia có nhiều Hoa Kiều sinh sống ) biết 1 ít tiếng Hoa ra xem họ nói gì. Sau khi nói chuyện với họ 1 hồi, bà ấy bảo họ nói đi vào luồng vừa chỉ ý. Thế là yên tâm rồi. Đi một đoạn thì bỗng nhiên : kịch kịch, két két, tàu đứng khựng lại. Mọi người nhao nhao lên: va phải đá ngầm rồi. Ai đó lấy cây sào ra chống thử thì đúng là đá ngầm thật. Hoá ra ngư dân họ biết tàu Vn nên cảnh báo chỗ đấy có đá ngầm không nên đi vào đấy thì phiên dịch lởm của mình lại phán ngược lại. Thế là lại phải chờ nước lên rồi nhờ tàu TQ kéo vào xưởng sủa chữa. Về đến xưởng thì mới biết tàu gãy hết cả chăn vịt, bay mất tiêu cả bánh lái. May mà lúc đó nước lên chứ nước xuống thì lại lật tàu, chắc chết đuối cũng tương đối. 
Đêm hôm đó bão về, tất cả mọi người lên 1 đảo cát có rất nhiều cây phi lao gần đấy tránh bão. Hoá ra đấy là 1 bãi tha ma các cụ ợ, nhưng cũng chẳng có chỗ nào khác, đành chịu vậy. Mọi người dùng tất cả những gì kiếm được để che mưa che gió nhưng vẫn không ăn thua. Cả đêm chịu gió, rét, ướt như chuột lột. Một thanh niên không biết bơi ra bơi vào thế nào bị nước cuốn trôi, thế là 1 nhân mạng đã ra đi.
Bão tan, tàu chuẩn bị khởi hành thì có một nhóm người ở một tàu khác xin đi nhờ vì thuyền vỡ. Kiểm tra tổng quân số cho chặng cuối cùng là 201 người. Tàu lại ra khơi, tiếp tục cuộc hành trình. Một hôm, em đang ngủ, người bạn lay dậy bảo: sắp đến HongKong rồi. Em sướng quá leo ngay lên mũi tàu để xem. Đúng thật, xa xa là đất liền kia rồi, thiên đường là đây chứ ở đâu? Cuối cùng sau bao gian truân, nguy hiểm, mình cũng đã thành công. Mặt biển xanh lăn tăn vài con sóng nhẹ, thời tiết tuyệt đẹp như đón chào con tầu đến với chân trời mơ ước. Cha mẹ ơi, cái gì thế kia??? Có cái gì lao như bay trên biển, càng đến gần nhìn càng giống 1 chiếc thuỷ phi cơ, có cảm giác nó nhấc hẳn thân trên mặt nước. Về sau mới biết đấy chính là tàu cao tốc chạy tuyến HongKong - Macao các cụ ạ. Mọi người phấn khích hẳn lên, bàn tán xôn xao. Em cũng thế, hình như bao mệt nhọc bay biến tù lúc nào. Một chú lớn tuổi có vẻ hiểu biết cam đoan rằng bên này bà con sang đâu được ăn uống sướng lắm, toàn đò tây không à, ăn xong toàn lát xê quả lê quả táo chứ không tráng miệng vớ vẩn như ở Vn. Ừ thì cũng phải thế chứ, bõ công đánh đổi mạng sống của mình chả lẽ lại vẫn cơm mì cơm độn hay sao. Thế là sau 21 ngày đêm, em cũng đến được HongKong, hôm đấy là ngày 19 - 6 - 1989, một ngày không bao giờ quên trong đời em.

Tàu Hongkong Macau:





Phần 2: Hongkong, những ngày đầu.

Được một lúc, có 3 cái tàu màu xám, bên sườn sơn chữ HONGKONG ROYAL POLICE lao ra vây quanh tàu em. Đứng trên mạn thuyền là bọn cảnh sát, thằng nào cũng phải cao cỡ 1m8, quân phục cực kỳ đẹp, trắng trẻo, đẹp trai với kính Rayband, mũ be rê gài trên cầu vai, phải nói là vô cùng ấn tượng. Tàu em được kéo đất liền. Càng vào gần, em nhận ra hình như đây là 1 cái đảo lớn có đồi núi, cây cối, lán lều với nhiều người đi lại. Phải có đến mấy trăm thuyền bè đậu đầy mép nước. Có nhầm không nhỉ? Chả lẽ đây là HongKong đây sao? Không ai bảo ai, mọi người trầm hẳn xuống, im lặng chờ đợi. Lên cầu cảng, họ cho lần lượt từng người lên rồi khai sơ bộ tên tuổi, địa chỉ ở Vn, đi với ai .v.v. rồi tập trung ở 1 chỗ. Sau đó họ phát cho một số nhu yếu phẩm cần thiết như khăn mặt, xà phòng, bàn chải đánh răng .v.v. với 1 cái phiếu để hàng ngày lên lĩnh đồ ăn sau đó mọi người tuỳ nghi di tản, tự tìm chỗ tá túc trên đảo. Chỉ có thuyền trưởng ở lại họp vói họ rồi quay về cho bọn em biết số tàu của mình là 432, mọi người tự lo cho đến khi có thông báo mới, ai có nhu cầu viết thư thì có thể nhờ cha đạo ra ngoài HK gửi hộ. Chỗ sinh hoạt của bọn em là tự tìm những cái lán mà ở, có lẽ trước đây những cái lán này dùng để nhốt bò. Tiêu chuẩn mỗi người mỗi ngày 1 hộp sữa đặc, 1 hộp cá, 1 hộp đậu Hà lan, 1 gói bánh quy. Lúc đầu ok nhưng chỉ sang đến ngày thứ 3 là ngấy lên đến tận cổ. Nhiều người bắt đầu có dấu hiệu rối loạn tiêu hoá do không quen thức ăn. lại nói về sinh hoạt trên đảo, ngủ và sinh hoạt thì như vậy, tắm thì xuống biển, vệ sinh leo lên đồi cao. Nắng thì còn đỡ chứ nếu mưa, chất thải chảy xuống xú uế vô cùng. Có những người đến nơi chỉ còn 1 quần đùi, 1 áo khi tắm xong mặc nguyên quần áo ướt chờ khô. Thuốc lá thuốc lào cạn dần, bắt đầu là của hiếm. Các anh chị đầu gấu bắt đầu ra tay cướp bóc của những ai có của nả mang từ VN sang. Nói chung an ninh rất hỗn loạn. Em thì không được tận mắt nhìn thấy nhưng có nghe nói về nạn hiếp dâm, đâm chém giết chóc trên đảo. Bọn em mấy anh em độc thân sống quây quần bên nhau, ngoài lúc ăn ngủ thì đi lang thang chơi, bắt tóp thuốc lá thuốc lào sống qua ngày.

Tàu cảnh sát Hong Kong:
 
Chỉnh sửa cuối:

mất gương

Xe tăng
Biển số
OF-29719
Ngày cấp bằng
22/2/09
Số km
1,858
Động cơ
500,150 Mã lực
Hay quá em lại hóng nghe chuyện của cụ . vote cụ nhé.
 

Vulq71

Xe container
Biển số
OF-160636
Ngày cấp bằng
13/10/12
Số km
8,383
Động cơ
436,533 Mã lực
Ối cụ đã kịp mở thớt mới rồi à?? Vừa can cụ bên kia xong
Em phải mất công copy paste lại để cho các cụ tiện theo dõi ạ, thớt cũ có quá nhiều spam, em không muốn viết tiếp nữa
 

Vulq71

Xe container
Biển số
OF-160636
Ngày cấp bằng
13/10/12
Số km
8,383
Động cơ
436,533 Mã lực
Thế rồi hơn 20 ngày cũng trôi qua, một sáng thuyền trưởng đi khua hết các lều có người của thuyền 432 bọn em ra tập trung để chờ chuyển trại mới. Lần này là 1 trại nằm trên 1 hòn đảo nhỏ có tên là đảo Thanh Châu. Vào đây, bọn em từng người một được phun từ đầu đến chân một loại dung dịch màu trắng, có lễ là để tẩy uế, khử trùng. Đến bữa trưa và bữa tối được phát cơm hộp với đồ tráng miệng là cam Califolia hẳn hoi, buổi sáng có bánh mỳ lát và sữa tươi. Ai trên 21 tuổi còn được mỗi ngày 3 điếu thuốc lá về sau bọn em đặt tên là thuốc trại. Sau bao nhiêu ngày không được ăn cơm, từ xa đã ngửi thấy mùi thơm phức các cụ ạ.
Ở Thanh Châu được 3 ngày họ lại chuyển bọn em ra phao nổi. Gọi là phao nổi nhưng thực chất là cái phà biển 2 tầng trứ danh của HongKong nhưng chắc là quá date neo ở 1 hòn đảo nhìn thẳng ra vịnh Victorya tráng lệ. Bọn em được xếp ở tầng 1 của cái phà đấy. Buổi tối nhìn sang Hongkong đèn đuốc lung linh. Hongkong hình như không ngủ, đèn sáng cả đêm. Cũng có người ôm can liều mình bơi sang bờ bên kia chơi rồi quay lại. Bọn em ở đấy còn được chiêm ngưỡng rất nhiều những con tầu du lịch trắng tinh đi dọc ngang trong vịnh, lại có cả những con tàu 2 thân, lần đầu tiên trong đời được thấy tận mắt. Rồi biết bao những con tàu container vĩ đại chắc phải đến hàng trăm ngàn tấn ra vào như mắc cửi. HongKong có cách giải phóng hàng không giống mình, khi có tàu hàng vào, neo luôn ở giữa biển, sau đó có hàng chục cái bông tông nổi có sẵn cần cẩu ra áp sát vào tàu to rồi bốc hàng xuống chở đi rất nhanh, không cần chờ cập cầu tàu như mình. Phải nói dân tị nạn mình bẩn thật, ăn xong vất luôn vỏ hộp cơm hộp bằng xốp xuống trắng xoá cả mặt biển.
Phao nổi em có 2 kỉ niệm nhớ đồi, một lần, buổi chiều thấy bọn cảnh sát bê vào phòng rất nhiều hộp to hộp nhỏ, tưởng đò ăn, tối đến em đánh liều lẻn vào ăn trôm, về đến nơi hí hửng mở ra, hoá ra là nguyên một hộp thìa nhựa.
Kỷ niệm thứ hai là em có bọc thuốc lào, bộn đầu gấu xin đểu, em nhất định không cho. Thế là bị 1 trận lên bờ xuống ruộng, uất ức nhưng chẳng làm gì được, thân cô thế cô mình cũng phải chịu nhịn.
Ở được gần chục hôm thì được đi tránh bão ngay dưới tòa nhà Ngân hàng HSBC nổi tiếng, ngay bên cạnh bến phà cao tốc Hongkong-Macao.
Ở phao nổi được gần một tháng thì tàu em chuyển vào trại có tên là Argyle Street tiếng Tàu gọi là Akai Lẩu Cái với số thẻ cá nhân là 654.
Để em nói rõ về vấn đề người tị nạn ở Hongkong cho các cụ hiểu rõ chút.
Sau sự kiện người Hoa năm 1979, làn sóng vượt biên nổi lên những năm sau đó. Miền Nam thì chủ yếu chạy sang Thái Lan, Indo, Malay, Sing...miền Bắc thì sang Hongkong. Trước lượng người vượt biên sang HK ngày càng tăng, Cao ủy tị nạn LHQ viết tắt là UNHCR đề ra 1 cái mốc là 16/6/1988 ai đến trước ngày này sẽ được nghiễm nhiên chờ ngày được các phái đoàn của các nước ( gọi là nước thứ 3 ) phỏng vấn, nếu được ok sẽ được sang định cư ở nước đó. Ai đến sau 12h đêm ngày đó sẽ bị mặc nhiên coi là tị nạn kinh tế, sẽ bị giam giữ trong trại cấm, có nghĩa là trại đóng cửa, không được ra bên ngoài. Tuy nhiên sau đó tất cả sẽ được tiếp kiến phái đoàn Cao ủy tị nạn LHQ thanh lọc, nếu chứng minh được mình là tị nạn chính trị sẽ được sắp xếp ra ngoài trại mở ( bọn em gọi là trại tự do ) như những người đi trước mốc để chờ đi nước thứ 3. Nếu khô g chứng minh được lần đầu, bạn có quyền kháng án 2 lần nữa mà vẫn không được công nhận là tị nạn chính trị ( bọn em gọi là ăn một hoặc 2 cánh gà ) thì bạn sẽ bị giam giữ tiếp tục và chờ ngày bị cưỡng bức trở về VN. Bạn cũng có thể lựa chọn phương án tự nguyện hồi hương để được tham gia các chương trình tái hòa nhập cộng đồng của LHQ dành cho thuyền nhân Vn hồi hương tự nguyện. Em cũng không nhớ chính xác lắm vì lâu quá rồi, hình như mỗi người được 350 USD ( hay 700 ) ngoài ra còn được vay tiền ưu đãi do EC tài trợ.
Lại nói về mốc 16/6 đau nhất là nghe nói có thuyền chỉ đến sau mốc có mấy tiếng mà phải ngậm ngùi vào trại cấm. Em thì đến chậm so với mốc đúng 1 năm 3 ngày nên chẳng ân hạn gì.

Cái Phao nổi của bọn em đây ạ:
 
Chỉnh sửa cuối:

tuvahangtong

Xe tải
Biển số
OF-68554
Ngày cấp bằng
17/7/10
Số km
241
Động cơ
433,330 Mã lực
Hơ cụ lập lại thớt ah cụ? Thơtkia đâu roài
 

zonet

Xe tăng
Biển số
OF-586
Ngày cấp bằng
1/7/06
Số km
1,262
Động cơ
589,920 Mã lực
Hồi bé em cũng có nghe nhiều về các chuyến vượt biên bằng tàu, về các trại tị nạn cho người Việt ở HK. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã 1/4 thế kỷ, bây giờ có cụ nhân chứng sống kể lại.
 

HÀNH KHẤT

Xe tăng
Biển số
OF-20014
Ngày cấp bằng
15/8/08
Số km
1,200
Động cơ
512,830 Mã lực
Nơi ở
Chỗ có Bia
Một quãng thời gian buồn, nhà em cũng vài ngừoi. Hồi đấy mới 15' 16 lớn vài tuổi nữa khéo giờ cũng thành " Kiều" rôi
 

dht

Xe điện
Biển số
OF-1380
Ngày cấp bằng
17/8/06
Số km
2,263
Động cơ
595,096 Mã lực
Bài này đã đọc đâu đó rồi...
 

chacchanxe

Xe buýt
Biển số
OF-149435
Ngày cấp bằng
17/7/12
Số km
615
Động cơ
363,976 Mã lực
Cụ là nhân chứng để viết ra cho những người sau này hiểu rõ về 1 giai đoạn lịch sử. Vote cụ.
 

nhapnhomsv

Xe tăng
Biển số
OF-65330
Ngày cấp bằng
31/5/10
Số km
1,448
Động cơ
438,942 Mã lực
Con người có số cả,hồi đấy có một gia đình người Trung Quốc hàng xóm nhận em làm con nuôi.Đêm hôm gia đình họ chuận bị xuống Hải phòng bà má nuôi có sang nói với mẹ em cho em đi cùng với họ nhưng mẹ em không đồng ý vì nhà chỉ có mỗi em là con trai.Nếu hôi đấy mẹ cho em đi thì giờ thành Việt Kiều hồi hộp rồi,mấy hôm nay cũng có ông anh họ vượt biên năm 79 sang HK rồi được nhận sang Anh giờ đang về thăm nhà.
 

3_banh

Xe điện
Biển số
OF-52404
Ngày cấp bằng
8/12/09
Số km
2,705
Động cơ
479,337 Mã lực
Em quen 1 ông giờ đang làm quán ăn bên Thụy sỹ trước kể cũng tỵ nạn HK 7 hay 8 năm gì đó, dân QNinh.
 

khoikhoi

Xe buýt
Biển số
OF-28331
Ngày cấp bằng
4/2/09
Số km
536
Động cơ
489,260 Mã lực
Câu chuyện hay quá! Em cũng có bà chị họ giờ định cư bên Anh rùi....
 

tranvuhoang2005

Xe điện
Biển số
OF-11454
Ngày cấp bằng
7/11/07
Số km
2,514
Động cơ
554,393 Mã lực
1 thời gian khổ, bây giờ trong Nam lại tái diễn thuyền nhân rồi. E cũng đã đọ blog xủa 1 viên sỹ quan VNCH kể về 7 lần vượt biên mới thoát, kinh khủng!
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top