Vâng, tất nhiên là tự do tôn giáo, mọi người có thể tu tập theo nguyện vọng cá nhân. Tuy nhiên cá nhân em thấy, ở độ tuổi lao động, các cá nhân cần khát khao vươn lên, khát khao đạt được các thành quả trong học tập, trong kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Thậm chí muốn đạt được những thành tựu xuất sắc thì sự khát khao đó trong rất nhiều trường hợp còn phải ở mức cực đoan.
Trong khi Phật giáo lại coi sự khát khao đó là Tham, là Si, là vô minh... Và một trong những mục đích của tu tập Thiền là giải trừ sự khát khao đó. Như vậy sẽ làm giảm bớt động lực học tập, kinh doanh, nghiên cứu khoa học công nghệ. Và các cụ cũng thấy, với môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay giữa các nước, việc cố gắng, nỗ lực hết sức cũng đã rất khó khăn để vươn lên. Huống chi người Phật tử tâm lý lại cứ bình bình, thành công cũng tốt mà không thành công cũng tốt, đều Sadhu Sadhu thì đất nước rất khó phát triển.
Nếu 1 người tu tập thì là việc cá nhân, nhưng số lượng lớn người tu tập Thiền, thậm chí đẩy đạo Phật lên thành quốc giáo thì lại thành vấn đề của quốc gia. Theo quan sát cá nhân của em thì đại đa số đều là các nước nghèo. Ví dụ em hỏi ChatGPT số liệu các nước có tỷ lệ dân số theo Phật giáo trên 50% thì thấy trừ Thái Lan GDP ở mức trung bình, các nước còn lai đều ở mức nghèo hoặc rất nghèo. Và tất nhiên tính trung bình của nhóm nước này thì kém xa so với GDP trung bình của thế giới.
Đấy là bình diện quốc gia. Nếu trên bình diện gia đình. Nhà nghèo, con cái nheo nhóc, thế mà ông bố, bà mẹ là người lao động chính lại không khát khao vươn lên, tìm hướng thoát nghèo, lại tập Thiền, nghèo cũng Sadhu Sadhu thì có phải là người có đạo đức không? Có thực sự là người giữ Giới, tâm Định và có Tuệ không?