BÁO CHÍ PHƯƠNG TÂY QUAY XE:
GIỜ THÌ KHÔNG PHẢI CHIẾN TRANH, MÀ LÀ HÒA BÌNH MỚI LÀM KINH TẾ NGA SỤP ĐỔ
(Bài viết của nhà phân tích Vladimir Kornilov)
Có ba thứ mà người ta có thể ngồi nhìn mãi không chán: ngọn lửa cháy, dòng nước chảy, và các "chuyên gia phương Tây" với vẻ mặt nghiêm trọng dự đoán về "sự sụp đổ kinh tế không thể tránh khỏi của Nga" — mà lúc nào cũng là "ngay ngày mai".
Và lần này cũng vậy: sau cuộc thảo luận sôi nổi của giới tài chính và các quan chức Nga tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg, một số phương tiện truyền thông phương Tây — vốn hơi chán nản trong thời gian gần đây — lại bỗng trở nên phấn khởi. Họ vội vàng trích dẫn lời Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov khi ông nhắc đến "khả năng bước vào suy thoái".
Tất nhiên, họ phớt lờ thực tế rằng vị quan chức Nga lúc đó đang nói về "cảm nhận hiện tại của giới doanh nghiệp", chứ không phải dựa trên các số liệu khách quan. Nhưng báo chí phương Tây, như thường lệ, vẫn cố tình diễn giải lời nói ấy như một sự thừa nhận rằng suy thoái đã xảy ra, chứ không phải là một dự đoán hay cảnh báo.
Thật ra thì cũng chẳng có gì mới mẻ cả — phương Tây đã trông chờ nền kinh tế Nga sụp đổ từ lâu rồi.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 10 năm câu cửa miệng của Barack Obama về nền kinh tế Nga bị "xé thành từng mảnh" bởi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ . Ba năm trước, Joe Biden đã nói rằng một đô la đã có giá trị 200 rúp. Và nếu chúng ta đăng một loạt các trích dẫn kiểu đó, chúng có thể được xuất bản thành một ấn bản nhiều tập.
Nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng các lập luận của các nhà tiên tri vĩ đại của thời nay, chúng ta sẽ thấy một sự thay đổi đáng kể. Trước khi Chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu và trong những tháng đầu tiên sau đó, chúng ta đã được nghe họ kể bằng một luận điệu rằng "cuộc chiến sẽ giết chết nền kinh tế Nga". Bây giờ, cũng chính những người đó cũng đang nói với chúng ta một cách nhiệt thành và thuyết phục như vậy: "Sự kết thúc của cuộc chiến sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Nga".
Họ thậm chí còn không nhận ra, là họ đã biến các lập luận của họ theo hướng hoàn toàn ngược lại.
Có nhiều ví dụ về sự thay đổi đột ngột này . Ví dụ, Mark Galeotti, một trong những nhà nghiên cứu Kremlin hàng đầu của phương Tây, được coi là "chuyên gia về Nga" hàng đầu tại Anh. Ông ta đã nói vào năm 2022-2023 về việc nền kinh tế Nga chắc chắn sẽ sụp đổ dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt của phương Tây!
Chính ông ta là người, chỉ hai năm trước, đã kể cho thế giới nghe những câu chuyện hoang đường về việc, do đóng cửa các thị trường phương Tây, người Nga buộc phải mua tủ lạnh và máy chơi game nước ngoài để lấy chip cho thiết bị quân sự của Nga. Đồng thời, ông ta còn viết rằng các lệnh trừng phạt và sự suy yếu của nền kinh tế Nga không chỉ làm suy yếu sức mạnh quân sự mà còn "bẻ gãy ý chí" của người dân chúng ta, gây ra các cuộc biểu tình. Nhà nghiên cứu Kremlin bài Nga sau đó đã dành nhiều thời gian để lập luận rằng "các lệnh trừng phạt của phương Tây đang có hiệu quả" và sắp buộc chúng ta phải rút lui.
Và đột nhiên, ngày hôm kia, một bài viết của chính Galeotti xuất hiện với một tiêu đề bất ngờ: "Liệu chiến tranh ở Ukraine có phá hủy nền kinh tế Nga không? Hoàn toàn ngược lại." Và những câu chuyện về "chip tủ lạnh" đột nhiên biến mất? Bây giờ, cùng một chuyên gia đó kể cho khán giả của mình về sự bùng nổ của nền kinh tế Nga, được cho là do chiến tranh gây ra. Ông ta giải thích điều này bằng thực tế là đường lối về nền kinh tế quân sự đã chiến thắng ở Nga, mà ở phương Tây hiện được gọi một cách thời thượng là "military Keynesianism"( khái niệm chỉ việc chính phủ tăng chi tiêu quân sự như một cách để kích cầu kinh tế- ND).
Và việc không có các cuộc biểu tình – điều mà Galeotti từng kỳ vọng rất nhiều vào thời điểm bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO) – thì ông ta giải thích rằng dưới một “chế độ độc tài”, người dân đã bị đe dọa đến mức thậm chí sợ cả việc dùng từ “chiến tranh”: cứ như thể chỉ vì nói ra từ đó cũng có thể bị tống vào tù. Nếu vậy thì hẳn người điều phối phiên họp toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) sẽ phải rất ngạc nhiên – vì ông ta đã trực tiếp hỏi Vladimir Putin: “Chiến tranh có đang hủy hoại nền kinh tế của ngài không?” – và tổng thống của chúng ta đã đáp lại bằng câu nói nổi tiếng của một văn hào Mỹ: “Những tin đồn về cái chết của tôi đã bị thổi phồng quá mức.” Chẳng ai sợ khi dùng từ “chiến tranh” cả!
Giờ thì Galeotti lại đang kể cho các độc giả của mình trong podcast rằng “nước Nga không thể tự cho phép mình kết thúc cuộc chiến.” Vâng, đúng vậy, vẫn là Galeotti đó, chỉ khác vài năm mà thôi. Và xin nhắc lại: đây chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều ví dụ khác.
Vào mùa xuân năm 2023, tờ Financial Times đã ra sức khẳng định rằng tất cả các chỉ số kinh tế của Nga chỉ là “làng Potemkin”( chú thích của người dịch: trong tiếng Nga, "làng Potemkin" là cụm từ ẩn dụ, dùng để chỉ sự dàn dựng, tô vẽ giả tạo nhằm che giấu thực trạng tiêu cực) và là kết quả của việc thao túng số liệu thống kê. Độc giả của tờ báo kinh doanh từng có uy tín này được nghe rằng thực chất ở Nga đang tồn tại một tình trạng “thất nghiệp ngầm” nghiêm trọng. Ấy vậy mà bây giờ, cũng chính tờ báo đó lại viết rằng “nền kinh tế thời chiến” đang tạo ra việc làm ở Nga và rằng điều này sẽ thay đổi khi chiến sự kết thúc. Không những thế, họ còn gọi tình trạng thiếu hụt lao động mới chính là vấn đề lớn nhất của nước Nga hiện nay. Vậy thì “thất nghiệp ngầm” biến đâu mất rồi? Hóa ra, không phải thống kê của Nga nói dối, mà chính là... Financial Times!
Và giờ đây, công chúng phương Tây lại được thuyết phục một cách chắc nịch rằng nước Nga đơn giản là không thể kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO). Thì ra là việc “phi quân sự hóa sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế” – theo lời của chính những chuyên gia tài chính đó. “Kinh tế Nga sẽ sụp đổ nếu chiến tranh chấm dứt,” – tờ DW của Đức, cơ quan truyền thông nhà nước, đã viết như vậy. Mà đây chính là tờ báo cách đây chỉ ba năm từng nói rằng chiến tranh và lệnh trừng phạt đang hủy hoại nền kinh tế Nga.
Các tác giả của những phát ngôn đó dường như không thấy có gì mâu thuẫn trong lập luận của mình. Rất có thể, họ tự lý giải logic của mình như thế này: “Chúng tôi đang nhất quán chứng minh rằng Nga sẽ sụp đổ. Lý do cụ thể là gì thì có quan trọng gì đâu! Chỉ là cơ sở lập luận thay đổi, còn kết luận tổng thể thì vẫn giữ nguyên.”
Vâng, cách tiếp cận như vậy quả thật là vô cùng sơ sài và đơn giản hóa vấn đề. Nhưng hãy nhớ lại, chính tờ Financial Times cũng từng không lâu trước đây dựa vào một tin giả lố bịch do tuyên truyền Ukraine tung ra — rằng ở Nga "bỗng dưng biến mất bơ". Dựa trên lời dối trá trắng trợn đó, tờ báo kinh doanh này (một thời từng rất đáng tin cậy) đã kết luận rằng đây chính là hậu quả của “nền kinh tế thời chiến” của Nga, được mô tả bằng công thức: “Súng thay bơ” (ám chỉ chi tiêu cho quốc phòng thay vì tiêu dùng).
Báo chí Anh liền nhanh chóng hùa theo câu chuyện hoang đường ấy và bày tỏ hy vọng rằng “vấn đề của Điện Kremlin với bơ” sẽ cứu được Ukraine.
Và điều trớ trêu là — tất cả những điều vô lý ấy đã được in ra, được đọc bởi công chúng phương Tây, và chẳng ai hỏi lại rằng:
“Thế rốt cuộc cái 'vấn đề bơ ở Nga' đó biến đi đâu rồi?”
“Và tại sao đến giờ nó vẫn chưa ‘cứu nổi Ukraine’?”
Hóa ra, công thức tuyên truyền cổ điển của họ vẫn còn hiệu nghiệm:
“Càng nói dối trắng trợn, người ta lại càng dễ tin.”
Phan Việt Hùng biên dịch