[Funland] Dịch sách: Nam Ông Mộng Lục của cụ Hồ Nguyên Trừng

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Trước em đã có thớt về cụ Hồ Nguyên Trừng, nên sẽ không giới thiệu nhiều nữa, các cụ có thể tìm đọc lại tại đây:
Hôm nay, xin giới thiệu với các cụ tác phẩm:
Nam Ông Mộng Lục của cụ Trừng, viết khi làm quan cho nhà Minh.
TÁc phẩm không mới, đã có bản dịch, tuy nhiên em vẫn cố gắng dịch lại, sao cho thật sát với nguyên văn, tức là, lấy được cái ý, cái văn phong của tác giả.
Việc này lại phải chú thích nhiều, em đã cố gắng chú thích cẩn thận nhất có thể.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Trong bản dịch của em, có đầy đủ cả phần nguyên bản chữ Hán, phiên âm, rồi dịch, nhưng trên này, em chỉ post phần dịch, vì em post cả chữ Hán lên các cụ cũng khó đọc, khó hiểu.
Cụ nào muốn ngâm cứu, sau thớt này em lại tặng bản dịch đầy đủ.
Cuối cùng, do trình độ cực kỳ quê mùa, kiến thức vô cùng kém cỏi, cũng dám xin các cụ coi bản dịch chỉ tham khảo.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Nam Ông mộng lục (chữ Hán: 南翁夢錄, Chép lại những giấc mộng của Nam Ông), là tập hồi ký chữ Hán đầu tiên và là tác phẩm đầu tiên mở đường cho khuynh hướng viết về "người thực, việc thực" trong văn xuôi tự sự Việt Nam, soạn trong thời gian Hồ Nguyên Trừng làm quan cho nhà Minh.

Mặc dù phải sống lưu vong ở nước người, Hồ Nguyên Trừng vẫn tưởng vọng về cố quốc, nên tự gọi là Nam Ông (Ông già nước Nam). Bằng hồi ức của mình, tác giả đã viết lại các mẩu chuyện về những con người tài đức ở nước Nam mà mình không còn được nhìn thấy nữa, và ông coi đó như là một giấc mộng, nên đặt cho tên sách là Nam Ông mộng lục.

Nam Ông mộng lục được viết xong vào năm Mậu Ngọ (1438), là tác phẩm duy nhất hiện còn của Hồ Nguyên Trừng. Đầu sách có bài tựa của Hồ Huỳnh, một quan Thượng thư đồng triều với Hồ Nguyên Trừng, viết năm Chính Thống 5 (1440). Tiếp đến là bài tựa của chính Hồ Nguyên Trừng viết vào năm Chính Thống 3 (1438). Rồi đến phần chính của sách gồm 31 thiên truyện. Cuốn sách có bài Hậu tự của Tống Chương, người Việt Nam, làm quan triều Minh, viết năm Chính Thống 7 (1442).

Các truyện trong Nam Ông mộng lục là: 1. Nghệ Vương thủy mạt; 2. Trúc Lâm thị tịch; 3. Tổ linh định mệnh; 4. Đức tất hữu vị; 5. Phụ đức trinh minh; 6. Văn tang khí tuyệt; 7. Văn Trinh ngạnh trực; 8. Y thiện dụng tâm; 9. Dũng lực thần dị; 10. Phu thê tử tiết; 11. Tăng đạo thần thông; 12. Tấu chương minh nghiệm; 13. Áp Lãng chân nhân; 14. Minh Không thần dị; 15. Nhập mộng liệu bệnh; 16. Ni sư đức hạnh; 17. Cảm khích đồ hành: 18. Điệp tự thi cách; 19. Thi ý thanh tân; 20. Trung trực thiện chung; 21. Thi phúng trung gián; 22. Thi dung tiền nhân cảnh cú: 23, Thi ngôn tự phụ; 24. Mệnh thông thi triệu; 25. Thi chí công danh: 26. Tiểu thi lệ cú; 27. Thi cửu kinh nhân; 28. Thi triệu dư khánh (khương); 29. Thi xứng tướng chức; 30. Thi thán trí quân; và 31. Quý khách tương hoan. Nhưng nay chỉ còn lại 28 thiên (mất các thiên 24, 25 và 26), hiện được in trong các bộ sưu tập cổ của Trung Quốc như Kỷ lục vựng biên; Thuyết phu tục quyển thập tứ; Ngũ triều tiểu thuyết đại quan; phần Hoàng Minh bách gia tiểu thuyết; Hàm phân lâu bí kíp đệ cửu tập; Tùng thư tập thành sơ biên, phần Sử địa loại v.v...

Theo lời tựa của Tác giả, Nam Ông mộng lục được biên soạn một là để “biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa”; hai là để “cung cấp điều mới lạ cho bậc quân tử” (Nam Ông mộng lục tự). Đối với chúng ta ngày nay, Nam Ông mộng lục là một nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về văn học và sử học nước ta đời Lý Trần, một giai đoạn mà sách vở còn lại rất ít.


Sách được in lần đầu vào năm 1442 ở Trung Quốc (năm này tương ứng với thời Lê sơ ở Việt Nam), nằm trong Tập IX của bộ Tùng thư Hàm lâu bí kíp.

Trong sách có bài tựa của Hồ Huỳnh (người nhà Minh, làm Thượng thư đồng triều với tác giả), viết năm 1440); thứ đến bài tựa của tác giả đề năm 1438. Cuối sách có bài hận tự của Tống Chương (người Việt Nam, làm quan cho triều Minh), viết năm 1442. Sau cùng là bài bạt của Tôn Dục Tú, viết năm 1440, nói về việc xuất bản sách này.

Nội dung sách ghi chép về các sử thoại và một số chuyện về những nhân vật nước Nam thời Lý - Trần, gồm đủ loại: nhà Nho, thầy thuốc, đạo sĩ, nhà thơ, thầy tu, tướng sĩ, các vua đời Trần, hoặc bà con thân thích với tác giả. Đối với Hồ Nguyên Trừng, đó là những sự kiện và những con người tiêu biểu của nước Nam.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
南翁夢錄序(胡濙)

NAM ÔNG MỘNG LỤC TỰ (HỒ HUỲNH)
Kìa trời sao tỏa sáng, mây ráng phô màu, văn của trời đó; núi non bủa vây, cỏ cây hoa trái, văn của đất đó; danh vật điển chương, lễ nhạc giáo hóa, văn của người đó. Khắp trong trời đất, có biết bao nhiêu nước, không đâu không có nền văn minh. Nay Công bộ Tả Thị lang Giao Nam (tức là Nam Giao, Giao Chỉ, cách nhà Minh gọi nước ta) Lê công Trừng tự Mạnh Nguyên, tư tính thông minh, tài học hơn người, với tôi có giao hiếu đồng triều. Mới rồi đem Nam Ông mộng lục một cuốn cho xem, lại nhờ dùng lời viết tựa.

Tôi xem một lượt, biết Nam Ông là tự hiệu của Mạnh Nguyên, dùng đó để viết văn, ngắn gọn mà nghiêm cẩn, cao nhã mà hòa hợp, theo tình kể việc, lấy ý đặt lời, thú vị thiết thực, lại không quên thứ bậc vua tôi, làm rõ được ý tứ luân thường, nêu lên chỗ sâu sa của tính mệnh đạo thuật, ghi chép con đường hưng phế của nhà nước. Đến như ca ngợi tiết nghĩa thì cảm khái bừng bừng, có thể lấy đó mà uốn nắn phong tục; biểu dương thuật tác thì siêu thoát thanh tân, có thể lấy đó mà nuôi dưỡng tính tình. Với câu sau, Mạnh Nguyên kể lại phúc trạch của tổ tiên ông hun đúc cho hậu duệ "ra tự hang núi, dời đến cây cao” (lấy ý câu 出自幽谷,迁于乔木 xuất tự u cốc, thiện vu kiều mộc, 2 câu thơ trong bài Phạt mộc, phần Tiểu nhã trong Kinh Thi, Hồ Nguyên Trừng trích câu này trong thiên Thi triệu dư khương, kể về tổ tiên bên ngoại của Hồ Quý Ly là Nguyễn Thánh Huấn), sinh cùng thời Thánh ( ý nói là Thánh Triều, tức nhà Minh), tắm gội nhân Nghiêu nên có chuyện kì ngộ này", tôi hiểu được tâm ấy của Mạnh Nguyên, đó là dấu tích lạ của một phương, nay được phô trương ở Trung Hạ ( tức là TQ), nổi danh khắp quận ấp, hoặc giả thanh danh còn để lại tới hạu thế. Nếu không được thánh triều sủng nhiệm, cho làm Á khanh thì những ghi chép trong sách này sẽ mai một ở chốn hoang xa, không ai nghe đến. Nay nhờ tri ngộ, sách sẽ được lưu truyền bất hủ, há chẳng phải là dịp may lớn trước nguy cơ mai một đó sao? Nhân vì đánh giá cao việc biểu dương cái thiện, dốc lòng vào nhân hậu của ông nên tôi đã không chối từ, viết vài lời vào đầu thiên sách vậy.

Ngày rằm tháng mười, năm Canh Thân, niên hiệu Chính Thống (正統, niên hiệu của Minh Anh Tông) thứ năm (1440).

Tư đức Đại phu, Chính trị Thượng khanh, Lễ bộ Thượng thư, Hồ Huỳnh người ở Tì Lăng, đề tựa.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
南翁夢錄序(胡元澄)
NAM ÔNG MỘNG LỤC TỰ (Hồ Nguyên Trừng)
Luận ngữ có câu "Trong một cái ấp mười nhà, tất có người trung tín như Khâu này vậy" (tức là Khổng Khâu: (孔丘 tên thật của Khổng Tử), huống gì Giao Nam ( trong nguyên tác là Giao Nam, xin dịch thoát là Nam Giao cho dễ hiểu) nhân vật phồn thịnh, chẳng lẽ vì là nơi xa xôi mà vội cho rằng không có nhân tài? Người xưa, lời nói, việc làm, ghi chép, có nhiều điều khả thủ, nhưng qua cơn binh lửa, sách vở cháy sạch, thành ra bị mất mát không được nghe lại, chẳng đáng tiếc lắm sao? Nghĩ tới điều này, [tôi bèn] tìm ghi việc cũ, thất lạc gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai ; góp lại thành sách, tên là Nam Ông mộng lục, phòng khi có người xem tới ; một là để biểu dương việc thiện nhỏ của tiền nhân, một là để cung cấp chuyện quái dị cho quân tử , tuy chỉ là tầm thường trong tiểu thuyết, nhưng cũng để góp vui lúc yến đàm.

Hoặc hỏi tôi rằng "Những người ngài ghi, đều là kẻ thiện, vậy thì bình sinh nghe thấy lại không có chuyện bất thiện ư?" Tôi trả lời rằng "Chuyện thiện, tôi vốn thích nghe, nên mới ghi được, bất thiện không phải không có, chẳng qua không nhớ được thôi". Lại hỏi "Lấy tên là mộng, ý nghĩa ở đâu?" Trả lời "Nhân vật trong này, trước rất phồn hoa, đời thay việc đổi, dấu xưa không còn, còn mỗi một người biết chuyện mà thôi, không phải mộng là gì? Đạt nhân quân tử có hiểu cho không? Nam Ông, tên tự của Trừng vậy".


Ngày Trùng Cửu (tức ngày 9 tháng 9 Âm lịch), năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Thống thứ ba (1438).

Chính nghị Đại phu, Tư Trị doãn, Công bộ Tả Thị lang, Giao Nam Lê Trừng Mạnh Nguyên đề tựa.​
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Chuyện thứ 1

藝王始末

NGHỆ VƯƠNG THỦY MẠT

TRUYỆN VUA NGHỆ VƯƠNG


(Tức truyện Trần Nghệ Tông (1322-1395), Chữ Hán: Nghệ có nghĩa là tinh thông, tài năng, tác giả dùng chữ Vương vì làm quan cho nhà Minh, nên chỉ gọi miếu hiệu các vua Trần bằng vương tước, là tước của Trung Quốc phong cho, Thủy có nghĩa là bắt đầu, còn Mạt có nghĩa là kết thúc, hết, vậy Nghệ Vương thủy mạt có nghĩa là: Đầu đuôi truyện Nghệ Vương)


Vua thứ tám nhà Trần ở nước An Nam húy Thúc Minh (Sử sách Việt Nam ghi rằng ông húy là Phủ, hoặc Phú 暊), con thứ ba của Minh Vương (Tức Trần Minh Tông (1300-1357), do thứ phi họ Lê (mẹ đích của Nghệ Tông là Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng Thái hậu; mẹ đẻ là em gái cùng một mẹ với Hiển Từ, tức là Lê thị do con gái của Nguyền Thánh Huấn -ông ngoại thân phụ Hồ Nguyên Trừng- lấy chồng người họ Lê sinh ra) sinh ra. Lúc còn làm Vương tử, hiệu Cung Định Vương, tính thuần hậu hiếu hữu, cung kiệm sáng suốt, học khắp kinh sử, không thích phù hoa. Lệ cũ nhà Trần, khi con đã lớn, bèn cho kế vị, còn vua cha thì lui về ở Bắc cung, xưng làm Vương phụ (thực ra xưng là Thái Thượng hoàng), cùng coi chính sự, kì thực là truyền ngôi danh nghĩa để ổn định chuyện sau, phòng khi vội vã, chứ mọi việc đều do vua cha quyết định, tự vương không khác gì Thế tử vậy.

Vốn là, lúc thứ trưởng tử của Minh Vương là Hiến Vương (Hiến Tông (1319-1341), Húy là Vượng, con thứ của Minh Tông, mẹ đích là Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng Thái hậu, mẹ đẻ là Minh Từ hoàng thái phi Lê thị) lên ngôi, thì đích tử (Đích tử là con của vợ đích -vợ cả, thường là Hoàng hậu-, còn thứ trưởng tử là con vợ thứ -như các phi tần) mới sinh, trưởng là Cung Túc Vương ( tức Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục (? - 1364), con trai của Trần Minh Tông và Hiển Từ Hoàng hậu, tuy là con đích, đáng lẽ được nối ngôi vua, nhưng vì hay chơi bời phóng đãng nên không được Trần Minh Tông tin yêu), ngu dốt chuyện đời; thứ là Lộc Tinh (tên húy là Hạo , chính là Trần Dụ Tông (1336-1369),con thứ mười của Minh Tông), tuổi còn thơ ấu thì Hiến Vương mất, lại không có con, nên Lộc Tinh đã vâng mệnh lên ngôi, ấy là Dụ Vương. Thứ huynh Cung Tĩnh Vương (Trần Nguyên Trác (1319 – 1370), con trai của Trần Minh Tông, làm Thái tể, sau bị Dương Nhật Lễ giết vì âm mưu đảo chính) làm Thái úy, Cung Định Vương làm Tả Tướng quốc. Cung Định Vương trung tín thành thực, thờ vua thờ cha, chu đáo đến từng chân tơ sợi tóc, không ai chê trách. Giao tiếp không thân không sơ; chính sự không chê không khen. Minh Vương qua đời, để tang ba năm, mắt không ráo lệ, trừ phục, quần áo không màu mè, ăn uống không cầu ngon; quả muỗm cá heo (nguyên văn 庵蘿果海豚魚是南方珍味: am la quả, hải đồn ngư thị Nam phương trân vị, riêng từ 海豚魚 Hải Đồn Ngư tôi không rõ là cá gì, tham khảo nhiều sách thì thấy nói là cá heo, tạm dịch như vậy ) là trân vị phương Nam, từ đấy tuyệt nhiên không tới miệng. Thờ Dụ Vương hơn mười năm. Khi Dụ Vương mất sớm, không con, đại thần bàn rằng:

- Tả tướng rất hiền, nhưng không lẽ anh lại kế ngôi em?

Bèn theo lệnh Quốc mẫu đón con của Cung Túc Vương là Vong Danh (tức là Nhật Lễ 日禮, sau khi Dụ Tông mất, vì không có con nối nghiệp nên Hoàng thái hậu Hiển Từ đã sai người đón Dương Nhật Lễ- tác giả gọi là Vong Danh nghĩa đen là không nhớ tên- là con thứ của cố Cung Túc Vương Dục, thực ra Dương Nhật Lễ là con hoang của phường hát họ Dương) làm vua. Bấy giờ, Cung Túc cũng đã sớm mất. Sau khi con Cung Túc làm vua, theo triều nghị, phong Thái úy lên làm Thái tể, Tả tướng làm Thái sư, và em của Tả tướng là Cung Tuyên Vương (tức Trần Duệ Tông, húy là Kính, con thứ mười một của Minh Tông, vì có công giúp đỡ Nghệ Tông giành lại ngôi nhà Trần trong tay Dương Nhật Lễ, nên về sau được Nghệ Tông nhường ngôi cho , ông là vua Vn duy nhất chết trận tại Chăm-Pa) làm Hữu tướng. Con Cung Túc (Dương Nhật Lễ) nhỏ không chịu học, chỉ thích lêu lổng (nguyên văn là 好遊俠 hiếu du hiệp, chỉ những người hiệp khách đi lại đó đây thời xưa, đạo Khổng -Nho hay coi thường thường bài bác họ, Nhật Lễ là con của một người phường chèo tên là Dương Khương. Mẹ của Nhật Lễ từng đóng vai Vương Mẫu. Vì ham sắc đẹp, Cung Túc Vương Dục đã cướp “Vương mẫu” về làm vợ, trong khi bà đang có mang. Đến khi đẻ, tuy Dương Nhật Lễ vẫn được Cung Túc Vương Dục nhận làm con mình, nhưng trước sau vẫn bị những người trong hoàng tộc khinh rẻ). Người ta đồn bà mẹ tư thông với kẻ ngoại nhân họ Dương rồi đẻ con, nên Vong Danh thường bị người tôn thất khinh rẻ. Kế vị rồi, lúc cư tang không tỏ vẻ đau buồn, cử chỉ phần nhiều thất lễ, cất nhắc bọn tiểu nhân thân cận, miệt thị tổ phụ, khanh sĩ bất mãn. Năm sau, những người tôn thất bướng bỉnh cùng nhau làm loạn, bị bắt đem chém phanh thây, người liên lụy bị giết oan rất đông. Lại ngầm mưu khử sạch người họ Trần có danh vọng (Dương Nhật Lễ từng bàn mưu tính kế với Trần Nhật Hạch trong việc giết người tông thất họ Trần. Nguyễn Nhiên người huyện Tiên Du, từng giữ chức Chi hậu nội nhân, đã cho Nghệ Tông biết việc này), bèn giết Thái tể ngay tại nhà. (ngày 20 tháng 9 âm lịch năm 1370, Thái tể Nguyên Trác cùng con là Nguyên Tiết, hai người con của công chúa Thiên Ninh cùng người tôn thất, tất cả 18 người, ngầm mưu ám sát Nhật Lễ, nhưng Nhật Lễ đã trèo qua tường, nép mình dưới cầu mới, không ai lùng thấy, đều phải bỏ về. Sáng hôm sau, Nhật Lễ vào cung, sai người chia đi bắt các kẻ chủ mưu, cộng cả thảy 18 người đem giết cả)

Thái sư đang đêm lẻn trốn (tức là Trần Nghệ Tông -ở đây gọi là Thái sư- vì có con gái làm Hoàng hậu của Nhật Lễ, sợ vạ lây đến mình, nên tránh xe trấn Đà Giang), sáng sớm, tông tộc quan liêu mang gia quyến chạy hết, đô thành vì vậy vắng tanh. Thái sư đi đường tắt đến tận vùng Man động, ý muốn tự tử, tả hữu ngăn lại. Người động giữ ở lại hàng tháng, ai cũng biết tiếng. Tông tộc quan liêu nối nhau tìm đến. Con Cung Túc sai quân đi bắt cũng lại quay đầu theo về. Hữu tướng đốc thúc các quan khuyên mời về kinh để dẹp yên cung cấm. Thái sư sụt sùi từ tạ "Chư quân sớm về thành ấp, khéo giúp minh quân, chuyển loạn thành trị, tôn an xã tắc (chữ Hán: 尊安社稷 chữ “tôn尊” có thể là chữ “điện 奠” do tự dạng gần giống nhau nên in nhầm. “Điện an xã tắc” có nghĩa là “đặt nước nhà vào thế yên ổn”. Còn “Tôn an xã tắc” thì lại có nghĩa là “tôn trọng và làm cho nước nhà yên ổn”, câu văn trở nên lủng củng), mỗ chết vẫn chịu ơn. Mỗ có tội với Chúa thượng, thoát thân chạy trốn, chờ chết ở chốn núi rừng này đã là may, dám có lòng dạ khác. Chư quân chớ gò ép". Mọi người xôn xao, ba lần khẩn thiết dâng thư thề chết không đổi, cố ép lên đường, dùng vai làm kiệu đưa xuống núi. Gần xa mây tụ, hò reo vang trời. Về cách đô thành ba trăm dặm, lão tướng Nguyễn Ngô Lang (có sách chép là Trần Ngô Lang, lúc này đang giữ chức Thiếu úy) bảo con Cung Túc tự tay viết thư nhận tội thoái vị, mang ra nghênh tạ. Con Cung Túc phục xuống chịu tội. Thái sư cũng quì xuống đất, ôm lấy, khóc lóc ai oán, nói:

- Chúa thượng phải đến thế này sao? Thần bất hạnh, không ngờ có ngày hôm nay.

Hữu tướng tuốt kiếm thét lớn, nói:

- Trời sai trị tội, tội nhân sao được lắm lời? Tướng vương (chỉ Nghệ Tông) lẽ nào vì chút nhân cỏn con mà bỏ đại nghĩa?

Bèn quát quân tướng lôi con Cung Túc đi, giục Hữu tư chuẩn bị lễ rước Thái sư lên ngôi vua, phế con Cung Túc làm Hôn Đức Công. Vua vào thành yết miếu, khóc mà cáo rằng:

- Ngày này thật ngoài ý muốn của thần. Vì xã tắc bền vững, không thể nào từ chối. Lỗi đạo hiếu trung, thẹn sợ trong lòng. Nguyện tự bỏ tôn vinh để thỏa phần nào chí cũ.

(Nghệ Tông giả dối, rất đểu, nhất là thái độ Trần Nghệ Tông đối với Dương Nhật Lễ. Trần Nghệ Tông sau khi chạy ra trấn Đà Giang, đã ngầm hẹn với em là Cung Tuyên Vương Kính, Chương Túc Quốc Thượng hầu Nguyên Đán, và Công chúa Thiên Ninh Ngọc Tha cùng họp nhau ở sông Đại Lại (tức sông Lèn, một chi lưu của sông Mã ở Thanh Hóa) để dấy binh chống Nhật Lễ. Bấy giờ Nhật Lễ chuyên dùng Thiếu úy Trần Ngô Lang, trong khi Ngô Lang đang là “tay trong” của Nghệ Tông. Mỗi lần Nhật Lễ sai tướng đi đánh bắt Nghệ Tông, Ngô Lang đều khuyên họ chạy về phía Nghệ Tông cả. Cuối năm Thiệu Khánh nguyên niên (1370), Nghệ Tông cùng Cung Tuyên Vương và Công chúa Thiên Ninh đem quân về Kinh thành. Ngày 13 tháng 11, đến phủ Kiến Hưng (ở vào miền tây tỉnh Nam Định, nay thuộc Nam Hà), hạ lệnh phế Nhật Lễ Làm Hôn Đức Công. Ngày 15, Nghệ Tông lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Nghĩa Hoàng. Sau đó lại tiếp tục tiến quân về Thăng Long. Khi đến bến Chử Gia, người trong tôn thất và các quan ra đón mừng, tung hô muôn năm, vì thế gọi Chử Gia là xã Sơn Hô. Ngày 21, xa giá về Bến Đông, Ngô Lang khuyên Nhật Lễ mặc áo thường đến xin nhường ngôi, xuống thuyền đón tiếp. Vua bảo Nhật Lễ rằng: “Không ngờ ngày nay sự thể lại đến thế này” rồi sai đem giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu (nay ở vào khoảng đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm, Hà Nội), Nhật Lễ gọi Ngô Lang vào trong màn nói dối rằng: “Ta có lọ vàng chôn ở trong cung, ngươi nên về lấy”. Ngô Lang quỳ xuống vâng lệnh, bị Dương Nhật Lễ bóp cổ chết. Cháu Ngô Lang là Trần Thế Đổ đem việc ấy tâu lên, Nghệ Tông sai đánh chết Nhật Lễ và con là Liễu, rồi sai đem chôn ở núi Đại Mông)

Bèn hạ lệnh không dùng vương xa, quần áo đồ vật sơn đen, không dùng châu báu vàng son. Các thức ăn mặc tiêu dùng tiết kiệm như trước, suốt đời mang tang trở không thay đổi. Bèn dứt loạn chính, noi theo nếp cũ, thưởng phạt công minh, dùng kẻ hiền lương. Thấy con mình bất tài khó đương đại sự, được một năm cho em là Hữu tướng kế vị, cùng coi triều chính, đó là Duệ Vương (Tức Trần Duệ Tông).

Trước đó, Chiêm Thành thừa lúc trong nước có việc, đến cướp. Duệ Vương lên ngôi được ba năm, thân chinh phạt tội Chiêm Thành, thua to không về (bị chết tại trận). Vương cho con Duệ Vương là Hiện kế vị. Ít lâu sau, Hiện nghe lời gian thần, làm việc vô đạo, Vương lo xã tắc nghiêng đổ, than khóc mà phế đi, gọi là Linh Đức Công ( Tức là Trần Phế Đế, năm Xương Phù thứ mười hai (1388), vua cùng Thái úy Trần Ngạc ngầm mưu giết Hồ Quý Ly và phe cánh, việc bại lộ, Quý Ly xui Nghệ Tông phế vua rồi giết đi, cùng giết phe cánh của vua). Lấy con út là Ngung kế vị, đó là Thuận Vương. Được bảy năm, vua cha mất. Bấy giờ là năm Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Vũ thứ hai mươi bảy (Hồng Vũ: là niên hiệu của Minh Thái Tổ; Hồng Vũ thứ hai mươi bảy, tức năm 1394). Táng ở núi Yên Sinh (Lăng của Anh Tông, Minh Tông và Dụ Tông đều ở đây cả, đất thuộc huyện Đông Triều), thụy là Nghệ.

Xưa kia, Nghệ Vương còn nhỏ, tám chín tuổi theo hầu Minh Vương, trên giường có chiếc chiếu trúc, bảo vịnh thử, ứng khẩu đọc rằng

Có người quân tử cao lớn

Trong thì rỗng mà ngoài thì cứng

Bắt nó dùng làm đày tớ

Sợ gây tổn thương nhân tính

(Chiếu Trúc trong Hán tự là trúc nô
竹奴. Ý nói trúc là giống cây quân tử, trong lòng rỗng mà ngoài thì cứng cáp, lấy nó làm chiếu trúc thì sợ rằng sẽ gây tổn thương tự trọng. Bài thơ khuyên vua phải biết dùng người, không nên làm nhục kẻ sĩ, thực ra bài thơ dở tệ, cho thấy Nghệ Tông cực kỳ ngu dốt)

Minh Vương ấy làm lạ, vờ mắng rằng:

- Chẳng ra lời lẽ, đừng ghi chép lại. (Theo phép chép sử ngày xưa, triều đình đặt sử quan, dùng để ghi lại việc làm và hành động của vua cũng như triều đình, quốc gia, biên chép thành thực lục để làm căn cứ soạn quốc sử. Ở đây Minh Tông ra lệnh cho sử quan đừng ghi lại bài thơ này vậy).

Bèn dặn Sư phó không dạy làm thơ nữa. Người quân tử nói "Mệnh trời đã hiện, không ai cản nổi", sau quả nhiên thế. Sau khi lên ngôi, [Nghệ Vương] nhặt hết con cái cháu chắt côi cút trong anh chị em đưa vào cung nuôi nấng, coi như con đẻ. Tông tộc xa gần đều yêu thương đùm bọc. Sau cơn loạn lạc, kẻ nào nghèo khổ không thể cưới xin được, thì lấy vợ gả chồng cho họ; người nào chưa được chôn cất, thì chôn cất cho họ; cả điều vặt vãnh chi tiết, không có gì là không thu nhặt chép lại. Xóm giềng hòa hợp, đầm ấm như tiết xuân. Người trong nước được cảm hóa, phong tục dần dần trở nên thuần hậu. Vua ở đất này cũng có người tốt đến thế ư?
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Chuyện thứ 2

竹林示寂
TRÚC LÂM THỊ TỊCH


TRÚC LÂM ĐẠO SỸ VIÊN TỊCH


(Trúc Lâm thị tịch: 竹林示寂, Trúc Lâm là hiệu của Trần Nhân Tông (tên húy là Trần Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu), là tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm Thiền tông ở nước ta. Thị Tịch 示寂 - danh từ nhà Phật. “Thị” ở đây nghĩa là hiện ra, thể hiện, làm cho thấy... “Tịch” ở đây có nghĩa là tịch diệt - dịch nghĩa chữ Niết bàn trong tiếng Phạn. Cái chết của Phật (Bouddha) hay của các cao tăng đều gọi là tịch, có nghĩa là sự chuyển hóa từ hiện tượng này sang hiện tượng khác, chứ không phải là mất đi thật. Vậy “Trúc Lâm thị tịch” có nghĩa là sự chết của Trúc Lâm)

Vua thứ ba của họ Trần là Nhân Vương (Tức Trần Nhân Tông), sau khi truyền ngôi cho Thế tử, bèn xuất gia tu hành, khắc khổ tinh tiến (tinh tiến 精進: chữ nhà Phật, “Tinh精: vị tinh thuần vô ố tạp cố; tiến 進:vị thăng tiến bất giải đãi cố = tinh, là nói sự thuần, không pha lẫn cái xấu, cái nhơ bẩn; tiến, là nói sự tiến lên không mệt mỏi, rã rời), tuệ giải ( Tuệ giải 慧解: “Tuệ 慧” là trí tuệ, sáng suốt, dịch nghĩa chữ bát nhã (prajna) trong tiếng Phạn. “Tuệ giải” là lý giải một cách sáng suốt) siêu thoát, là tổ sư một phương. Làm am sống ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm Đại sĩ. Chị ngài hiệu là Thiên Thụy (Công chúa Thiên Thụy (? - 1308), con gái của Trần Thánh Tông, lấy chồng là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Hưng Đạo Đại Vương, nhưng lại thông dâm với Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Có lẽ vì vậy mà Hồ Nguyên Trừng chê bà là trái đạo đàn bà. Chết cùng ngày với Trần Nhân Tông), nhiều điều trái đạo đàn bà. Đại sĩ ở Tử Tiêu, nghe tin chị hấp hối, bèn xuống núi lại thăm, nói với Thiên Thụy:

-Nếu chị đến lúc rồi thì cứ đi, thấy Minh gian (Âm phủ còn được gọi là Minh ti, Minh gian) hỏi chuyện thì trả lời là: Xin đợi một chút, em ta là Trúc Lâm Đại sĩ sẽ đến sau.

Nói xong về núi. Đi mấy ngày đến am, dặn dò đồ đệ hậu sự, bỗng nhiên ngồi hóa. Thiên Thụy cũng ngày hôm đó chết.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Chuyện thứ 3

祖靈定命
TỔ LINH ĐỊNH MỆNH


LINH HỒN ÔNG ĐỊNH NGÔI CHO CHÁU


(Chỉ việc linh hồn của ông Trần Nhân Tông quyết định nhường ngôi cho cháu là Trần Minh Tông)


Lúc Nhân Vương viên tịch, con là Anh Vương (Tức Trần Anh Tông, tên là Thuyên, con trưởng của Nhân Tông, mẹ là Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu) chưa có con đích kế tự, chỉ có con thứ, có ý chờ sau khi sinh con đích sẽ quyết định người nối ngôi. Đến sau khi hỏa táng (Nguyên văn 有庶 trà tì, còn đọc là đồ tỉ, tiếng nhà Phật, có nghĩa là hỏa táng), lúc bọc cốt, tử tôn chung quanh bái lạy, xá lị bay vào ống tay áo của người cháu thứ (Đây chỉ Hoàng tử Mạnh, con thứ của Anh Tông, mẹ sinh ra Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Bảo Nghĩa Đại Vương Bình Trọng) , phát ra hào quang, lấy ra lại bay vào. Anh Vương vái rằng:

- Đâu dám không phụng mệnh.
Lấy ra, bèn yên. Lấy con thứ làm Thế tử. Về sau, đích mẫu (tức Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu Trần thị, con gái Hưng Nhượng Đại Vương Quốc Tảng) sinh con trai, không nuôi được, cuối cùng người con thứ nối ngôi vua, đó là Minh Vương. (sau khi Trần Nhân Tông chết, sư Pháp Loa đã đem xác thiêu đi, nhặt được hơn ba nghìn hạt xá lỵ, mang về chùa Tư Phúc ở Kinh sư. Anh Tông thấy thế, có ý ngờ vực; các quan nhiều người có ý xin bắt tội Pháp Loa. Khi ấy Hoàng tử Mạnh mới lên 9 tuổi đứng hầu bên cạnh, bỗng thấy có mấy hạt xá lỵ ở trong bọc, đưa ra cho mọi người xem. Anh Tông kiểm tra lại số xá lỵ ở trong hộp, thì thấy thiếu, từ đó mới không nghi ngờ gì Pháp Loa nữa)
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Chuyện thứ 4

德必有位
ĐỨC TẤT HỮU VỊ


CÓ ĐỨC TẤT CÓ ĐỊA VỊ


Khi Minh Vương (Minh Vương: tức Trần Minh Tông. Ông tên thật là Trần Mạnh, con một người thứ phi của Trần Anh Tông. Vì người vợ cả của Trần Anh Tông chưa có con trai, nên Mạnh được Anh Tông truyền ngôi cho, làm vua từ năm 1314 đến năm 1329) được lên làm vua, ít lâu sau, đích mẫu (đây chỉ người vợ của Trần Anh Tông (Chính cung Hoàng hậu) sinh con trai. Đến ngày đầy tuổi tôi, Anh Vương (tức Trần Anh Tông, tên thật là Thuyên, làm vua từ năm 1293 đến năm 1314) đi tuần ngoài biên, việc nhà đều do Tự Vương (Tự vương: vua nối ngôi, ở đây chỉ Trần Minh Tông) quyết định. Người coi việc đến thỉnh về lễ đầy tuổi tôi (tức làm lễ đầy tuổi tôi theo nghi thức cho Thế tử, người sẽ nối ngôi vua), mệnh rằng tiến hành theo lễ Thế tử. Người coi việc thấy có vương rồi, khó xử (ý câu này là: nếu tiến hành lễ giáp tuổi tôi theo thể thức một vị Thế tử, thì như vậy có nghĩa là công nhận quyền làm vua sau này của đứa bé mới sinh, và Trần Minh Tông do đó sẽ mất ngôi. Vì thế mà người coi việc lấy làm khó xử).

Vương bảo:

- Ngại cái gì? Trước đây đích tử chưa sinh, nên ta tạm ở ngôi này; nay đã sinh rồi, đến khi lớn lên thì trao lại ngôi vua, khó gì?

Người kia nói:

- Việc này, trước đây thường sinh nhiều chuyện nguy hiểm, xin nghĩ cho kỹ.

Vương nói:

- Cứ thuận nghĩa mà làm, hơi đâu lo an nguy.

Rốt cuộc, dùng lễ Thế tử mà cử hành. Được một năm đích tử (Đích tự: đây chỉ người con trai mới sinh của Chính cung Hoàng hậu) mất, vương thương xót lắm. Quân tử cho rằng Minh Vương thành tâm, bất chấp an nguy, đức nhường nhịn sáng soi kim cổ. Truyện (tức là Tả Truyện左傳 hayTả thị Xuân Thu), nói "Có đức thì tất có địa vị", để chỉ chuyện này chăng?
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Chuyện thứ 5

婦德貞明

PHỤ ĐỨC TRINH MINH


SỰ KIÊN TRINH SÁNG SUỐT CỦA MỘT BÀ PHI


Chính phi của Trần Duệ Vương, họ Lê (Tức người sinh ra Lý Đức Vương (Phế Đế), là em gái con nhà chú của Hồ Quý Ly; Hồ Nguyên Trừng gọi bằng cô), là mẹ của Linh Đức Công (Tức Linh Đức Vương Trần Phế Đế)

Trước kia, Duệ Vương xuất quân không về (Chỉ việc Duệ Tông đem quân đi đánh Chăm-pa vào năm 1377, và đã tử trận), Phi bèn gọt tóc làm ni. Gặp lúc Nghệ Vương lấy Linh Đức nối ngôi, Phi đã cố từ chối, không được, mới khóc lóc nói với người thân rằng:

- Con ta phúc bạc, khó đương ngôi to, chỉ mắc tai vạ thôi. Cố chúa lìa đời, kẻ vong nhân chỉ muốn chết cho chóng, không muốn thấy việc đời, huống gì là thấy con mình sắp nguy khốn ư?

Rồi dốc chí tu hành, sớm chiều tụng niệm để báo ơn chúa, chưa đầy năm sáu năm mà chân tay đốt trán (nguyên văn nhiên tí luyện đỉnh 燃臂煉頂, có nghĩa là “đốt cánh tay, đốt đỉnh đầu”, một số cách thức tu luyện của đạo Phật, dịch là “đốt trán” “chân tay đốt trán” cho dễ hiểu) làm đủ mọi phép, rồi viên tịch trong khi nhập định. Về sau Linh Đức bị phế (ngày 6 tháng 12, sáng sớm, Trần Nghệ Tông) giả cách về Yên Sinh, sai Điện hậu đi theo hầu; rồi sai Chi hậu nội nhân gọi vua (Linh Đức Vương, tức Phế Đế) đến bàn việc nước. Vua chưa ăn cơm sáng, đi ngay, chỉ có hai người theo hầu mà thôi. Khi vua đến nơi, Thượng hoàng nói: “Đại vương lại đây”, rồi sai người đem vua ra giam ở chùa Tư Phúc, tuyên nội chiếu rằng: “Trước kia Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về, dùng con đích để lên ngôi, là theo đạo đời xưa. Song, quan gia (chỉ Linh Đức Vương) từ khi lên ngôi đến giờ, vẫn còn trẻ con lắm, giữ đức không thường, thân mật với bọn tiểu nhân, nghe bọn Lê Á Phu, Lê Dư Nghị gièm pha vu hãm người công thần, làm dao động xã tắc, nên giáng xuống làm ‘Linh Đức Đại Vương’. Song nhà nước không thể không có người đứng chủ, ngôi báu không thể bỏ không, nên đón Chiêu Định Vương vào nối đại thống (...)” Cuối cùng, Trần Nghệ Tông cho đem Phế Đế xuống phủ Thái Dương bắt thắt cổ chết), ai cũng phục là người sáng suốt thấy trước sự việc. Và lại, cảm sự chân thành thờ vua, cũng như tiết tháo kiên trinh, vừa nhập cửa Phật thì đi giác ngộ đến sâu thẳm, ai mà chẳng thương xót ngợi khen? Tuy phi tần đời trước của nhà Trần cũng có lắm người hiền, nhưng người Phi này sinh sau lại gần hơn hẳn, sao mà vĩ đại thế?

(Ngh
ệ Tông là một ông vua cực kỳ hèn nhát, ngu tối, dốt nát, toàn nghe theo Quý Ly nên mất ngôi nhà Trần, sẵn sàng giết con cháu ngay nếu Ly xui)
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Chuyện thứ 6

聞喪氣絕
VĂN TANG KHÍ TUYỆT


NGHE TANG TẮT THỞ


Con gái Trần Thái Vương (tức Trần Thái Tông, lúc này đang làm Thái Thượng Hoàng) hiệu là Thiều Dương (Công chúa Thiều Dương Trần Thị Thúy (? - 1277), con gái của Trần Thái Tông, lấy chồng là Văn Hưng Hầu. Cha mất, bà đang ở cữ, thương xót gào khóc theo, rồi chết). Khi đang ở cữ, vương không khỏe đã một tháng. Nhiều lần sai người đến thăm hỏi nhưng tả hữu nói dối rằng "Vua đã bình phục vô sự". Đến ngày lìa đời, bỗng nghe tiếng chuông đánh liên hồi, nói:

- Có phải việc chẳng lành chăng?

Tả hữu nói dối, không nghe, cứ khóc lóc kêu gào, tắt thở, mắt mờ đi mà mất.
 

W123Lang

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-550803
Ngày cấp bằng
16/1/18
Số km
5,444
Động cơ
212,479 Mã lực
Khí không phải em xin cụ bản PDF cho cả 2 quyển này được không ạ? chả biết tìm đâu ra sách hay như này để đọc.

Em hoài cổ, mong cho con cháu sau này có cái để đọc để tưởng nhớ người hiền thưở mở cõi mang guơm chứ em không có ý gì xấu.

Nếu cụ có, xin share em file với, em cảm tạ cụ. Chỉ mong cho bọn trẻ đừng bị lai căng thôi đấy ạ. Tự hào tổ tiên ông bà.

airgateindc@gmail.com
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Chuyện thứ 7

文貞鯁直
VĂN TRINH NGẠCH TRỰC


CHU VĂN AN CỨNG CỎI, NGAY THẲNG


Chu An, hiệu Tiều Ẩn, người Thượng Phúc (Châu Thượng Phúc đời Trần, đời Lê là huyện Thượng Phúc trấn Sơn Nam, nay bao gồm nhiều huyện thuộc phía Nam Hà Nội. Làng Thanh Liệt quê Chu Văn An cũng nằm trong đất châu này) đất Giao Chỉ. Tính ông liêm khiết cương trực. Ở nhà thường thích đọc sách, học vấn tinh thuần, tiếng vọng xa gần. Học trò đầy cửa, gặp được hội thanh vân (chỉ sự đỗ đạt, có công danh), vào trong chính phủ, thường thường vẫn có. An điềm đạm, ít ham muốn, không đi thi.

Khoảng năm Chí Nguyên (niên hiệu của vua Nguyên Thế Tổ), Trần Minh Vương (tức Trần Minh Tông) bái mời làm Quốc tử Tư nghiệp, dạy Thế tử học, chuyển làm Tế tửu Thái học. Minh Vương mất, con là Dụ Vương (tứcTrần Dụ Tông) chơi bời, bỏ nghe chính sự, quyền thần làm nhiều điều trái phép, An nhiều lần can ngăn không nghe, lại dâng sớ xin chém bảy tên gian thần đều hạng quyền thế, người đương thời gọi là Thất trảm sớ. Dâng lên không trả lời, An treo mũ từ quan, về với vườn ruộng. Sau Dụ Vương mất, nước có loạn. Quần thần đón lập Nghệ Vương. An nghe rất mừng, chống gậy yết kiến, rồi lại về làng, già ốm từ chối, không nhận chức tước. Ban cho hiệu Văn Trinh tiên sinh, hậu lễ tiễn đưa. Chẳng bao lâu, An mất ở nhà. Nhân sĩ đô thành cảnh ngưỡng cao phong (ngưỡng mộ phong thái), không ai là không thở than thương tiếc.

Trước, học trò An có người ra chấp chính, thường đến thăm viếng, lạy dưới giường, được trò chuyện đôi câu thì ra về lấy làm mừng lắm. Ai là người bất thiện, bị quở trách thóa mạ, thậm chí quát không cho vào. Thanh cao, nghiêm chính nổi tiếng một thời, lẫm liệt đến thế. Ôi! Thiện làm sao!
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Khí không phải em xin cụ bản PDF cho cả 2 quyển này được không ạ? chả biết tìm đâu ra sách hay như này để đọc.

Em hoài cổ, mong cho con cháu sau này có cái để đọc để tưởng nhớ người hiền thưở mở cõi mang guơm chứ em không có ý gì xấu.

Nếu cụ có, xin share em file với, em cảm tạ cụ. Chỉ mong cho bọn trẻ đừng bị lai căng thôi đấy ạ. Tự hào tổ tiên ông bà.

airgateindc@gmail.com
Cụ để em post xong sẽ gửi cụ ạ
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Chuyện thứ 8

醫善用心
Y THIỆN DỤNG TÂM


THẦY THUỐC GIỎI CỐT Ở TẤM LÒNG


Ông tổ bên ngoại của Trừng (tác giả tự xưng, mẹ của Hồ Nguyên Trừng họ Phạm. Đây là truyện nói về tổ tiên của bà) là Phạm công, húy Bân, gia nghiệp nghề y, thờ Trần Anh Vương (tức Trần Anh Tông ở ngôi từ 1293-1314), chức Thái y lệnh, thường (bỏ) hết tiền của để tích thuốc tốt, trữ lúa gạo. Người nào bị cô khổ bệnh tật, cụ cho ở nhà mình, cấp cơm cháo cứu chữa, tuy máu mủ dầm dề, không chút ghê tởm. Cứ thế, kẻ đến chờ khỏe mạnh rồi đi, trên giường không lúc nào vắng người. Bỗng mấy năm liền đói kém, bệnh dịch lan tràn, bèn dựng nhà cửa, cho kẻ khốn cùng ở, cứu kẻ đói người bệnh hơn nghìn người, đương thời trọng vọng.

Sau, có người gõ của mời gấp nói:

-Nhà có người vợ bỗng bị máu ra như xối, mặt mày nhợt nhạt.

Cụ nghe xong, đi ngay. Ra cửa, gặp người do vua sai tới nói:

-Trong cung, quí nhân lên cơn sốt rét, triệu ông vào xem.

Đáp:

-Bệnh ấy không vội. Nay có người tính mệnh chỉ còn chốc lát, tôi đi cứu đã, chốc nữa vào ngay.

Trung sứ giận nói:

- Lễ kẻ bề tôi, sao được như vậy? Ông muốn cứu tính mệnh người, không cứu tính mệnh mình ư?

Đáp:

- Tôi thật có tội, chẳng biết làm thế nào, nhưng không cứu người ta, chết trong chốc lát, trông mong vào đâu. Tính mệnh tiểu thần trông vào Chúa thượng, may ra khỏi chết, còn xin chịu tội.

Rồi đi cứu chữa, quả nhiên khỏe lại. Liền đó, vào cung. Vương quở trách. Cụ bỏ mũ tạ tội, giãi bày thực tâm. Vương mừng nói:

- Người thật là lương y, đã giỏi tay nghề lại có nhân tâm, để cứu con đỏ của ta, xứng đáng lòng ta mong mỏi.

Sau con cháu cụ là lương y, làm quan tứ ngũ phẩm có đến hai ba người, người đời ai cũng khen là không để mất nghiệp nhà.
 

doctor76

Xe ba gác
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
23,806
Động cơ
689,200 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Chuyện thứ 9

勇力神異
DŨNG LỰC THẦN DỊ

SỨC KHỎE DŨNG MÃNH THẦN DỊ


Nước An Nam thời họ Lý, có người Thanh Hóa là Lê Phụng Hiểu, sinh ra khôi ngô kì vĩ lạ thường, ăn uống thì gấp mười lần kẻ khác. Mười hai mười ba tuổi, thân hình cao bảy xích. Chợt có giặc ngoài đến, cướp bóc rất nhiều, xóm làng hoảng hốt không biết làm sao. Phụng Hiểu nói với cha mẹ không theo người trốn chạy, chỉ nấu thật nhiều cơm cho con ăn một bữa no nê, việc giết giặc cứu dân hôm nay dễ như trở bàn tay.

Ăn cơm xong, cầm một con dao ngắn tục gọi là dao rựa, chặt cây làm khí giới, xông thẳng vào trận giặc, đánh dọc khiến giặc vỡ chạy, hơn nghìn người trong ấp bị giặc bắt đều được về. Nhà Lý ban thưởng phong tước, đều cố từ không nhận, chỉ xin cấp ruộng đất để tự cày làm ăn thôi. Khi bàn định số khoảnh mẫu, Phụng Hiểu nói:

- Thần (chữ Thần 臣 dùng để xưng với Vua, không xưng với quan) dùng dao rựa phá giặc, xin ném dao rựa, xa tới đâu lấy tới đó.

Thuận cho. Ném xa hơn mười dặm, lấy đó thưởng cho. Người sau nhân đấy, phàm thưởng ruộng công, đều gọi là "chước đao điền".

Sai cầm quân, lấy cớ bất tài từ chối, nguyện sống ở nơi ruộng vườn, có lúc dụng binh, xin làm tiên phong, phá trận đền ơn nước mà thôi. Hơn mười năm sau được triệu làm tiên phong, đem theo hơn mười người đánh tan hơn vạn quân giặc, phong Uy Viễn Tướng quân, vẫn sống ở thôn quê, thọ chết tại nhà.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top