Em nhớ mãi lời 1 ông thầy nói với lớp em hồi năm thứ 3 đại học (2004), đại khái là thế này:
Để rút ra bài học kinh nghiệm cho mình thì có 3 cách phổ biến:
- Cách thứ nhất là tự mình trải nghiệm: Ta phải dấn thân, vấp ngã, đứng dậy và đúc kết bài học từ những sai lầm cũng như thành công. Ưu điểm của phương pháp này là tính chân thực tuyệt đối, bởi bài học rút ra là kết quả từ chính cảm nhận và nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên, giá phải trả không hề nhỏ: có khi ta tốn cả đời người để vượt qua những thử thách, đôi khi mất mát, đau khổ, thậm chí cả tính mạng, có những người đến chết vẫn chưa kịp ngộ ra bài học.
- Cách thứ hai là học hỏi qua người khác: Nghe người khác họ chia sẻ, quan sát họ hành động, hoặc xin họ lời khuyên có thể giúp ta tránh được những cạm bẫy và nắm bắt bí quyết thành công. Tuy nhiên, thực tế thì số người sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm một cách trọn vẹn, đầy đủ lại không nhiều; đôi khi họ chỉ hé lộ những mảnh ghép an toàn, còn những góc khuất, những thất bại đau đớn nhất được cất giấu kỹ càng, thậm chí có thể bị người ta lừa bịp. Vì thế, học theo người khác vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị định hướng lệch lạc, không đầy đủ hoặc chỉ được trang bị kiến thức một chiều.
- Cách thứ ba là đọc sách: Thông qua đọc sách, ta có thể tiếp cận kiến thức và kinh nghiệm của rất nhiều người từ khắp nơi và mọi thời đại, không phải trực tiếp gánh chịu hậu quả của sai lầm. Sách cho phép ta “sống thay” hàng trăm, hàng nghìn cuộc đời, bước qua đủ loại hoàn cảnh, từ thất bại thảm hại đến vinh quang rực rỡ. Đặc biệt, việc đọc sách bài bản, có chọn lọc từ hồi ký, sách kỹ năng mềm, sách kiến thức đến các công trình nghiên cứu chuyên sâu giúp cho ta cách tư duy hệ thống, phương pháp giải quyết vấn đề, mở rộng tầm nhìn, xây dựng được nền tảng kinh nghiệm vững chắc và phong phú.
Tóm lại, trong 3 cách trên thì đọc sách là cách rẻ nhất, hạn chế tối đa việc phải trả giá bằng thất bại để có được bài học, kinh nghiệm.
Chốt lại thầy bảo "Chúng mày chịu khó đọc sách vào, chơi bời gái gú vừa thôi"