View attachment 9222478
Trong cuộc tọa đàm do UBND TP Hà Nội và Báo Dân Trí tổ chức sáng nay ngày 18/07/2025 tại Trung tâm Báo chí Hà Nội (vừa khai trương tại biệt thự cực đẹp 17 Điện Biên Phủ) với chủ đề Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh, em đã tham gia cùng với các khách mời tới từ Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội.
Nội dung tọa đàm khá dài, toàn bộ chương trình có thời lượng tới 1h15p. Link ở dưới. Dưới đây em copy phần tóm tắt câu hỏi của MC và phần trả lời của em, đại diện duy nhất từ cộng đồng và là người dân sống trong VĐ1 của Hà Nội.
(Dân trí) - Tại buổi tọa đàm, các khách mời cùng phân tích, trao đổi về thực trạng, những định hướng lớn, giải pháp trong tiến trình đổi mới hệ thống giao thông Hà Nội nhằm góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm.
dantri.com.vn
Phần trả lời này các bạn biên tập đánh máy lại tóm tắt. Nội dung chính xác hơn có trong clip trong bài trên.
MC: Xe máy là một phần không thể thiếu, là cần câu cơm, là phương tiện mưu sinh của nhiều người dân tại các đô thị của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Thưa ông Nguyễn Đại Hoàng, những ngày qua sau Chỉ thị 20, trên diễn đàn Otofun và mạng xã hội, người dân có bày tỏ ý kiến đồng tình, ủng hộ hay có ý kiến khác không?
NĐH: Ngay khi truyền thông đưa tin, đây là chủ đề nóng trên các diễn đàn, mạng xã hội. Có nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có nhiều băn khoăn.
Xe máy là phương tiện thuận tiện, mưu sinh của nhiều gia đình, với số lượng lớn, khoảng 400-450K trong VĐ1. Nhiều người dân sử dụng xe máy không chỉ trong Vành đai 1 mà còn ra ngoài. Do đó, chính sách này khi áp dụng sẽ tác động đến cuộc sống người dân.
Để thay đổi được thói quen của người dân là vấn đề rất lớn, cần có nhiều biện pháp. Ngoài thay đổi nhận thức của người dân, cần nhiều hơn sự hỗ trợ, thay đổi về hạ tầng, phương tiện công cộng.
Vành đai 1 rất ít metro và phương tiện công cộng, thậm chí nhiều nơi ô tô còn khó đi vào và nên phương tiện phổ biến là xe máy.
Khi chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện, vấn đề đầu tiên là sạc ở đâu, nhất là ở những chung cư, khi nhiều hầm chung cư không có đủ hệ thống sạc, nhiều nơi còn có quy định về phòng cháy chữa cháy nên hạn chế để xe và giới hạn chỗ sạc.
Bên cạnh đó, việc để dành ra một khoản ngân sách để chuyển sang xe điện là vấn đề với nhiều người, nhất là những người thu nhập thấp mà chiếc xe được coi là 1 tài sản.
Nếu có một hạ tầng phát triển, có vỉa hè cho người đi bộ, có hệ thống dịch vụ như xe đạp điện, xe công cộng thì thậm chí người dân không cần dùng xe cá nhân mà chuyển hẳn sang xe công cộng.
MC: Là admin của một diễn đàn lớn trên mạng xã hội, ông Đại Hoàng nhìn nhận thế nào về chủ trương chuyển đổi xanh của Thủ tướng và TP Hà Nội?
NĐH: Với quan điểm của cá nhân tôi, đây là chủ trương đúng, không chỉ giảm phát thải, mà còn tác động đến lưu thông trong phố khi xe máy trong nội độ rất đông. Chuyển đổi sang phương tiện công cộng sẽ tốt hơn nhiều, giúp tái quy hoạch lại thành phố, ví dụ như việc nhiều cơ quan có thể nghĩ đến việc chuyển trụ sở ra ngoài vành đai 2, vành đai 3. Đó là những tác động có tính lâu dài.
Tuy nhiên, chính sách đúng nhưng phương thức triển khai, tác động như thế nào đến người dân là điều chúng tôi rất quan tâm.
MC: Thưa ông Nguyễn Đại Hoàng, bên cạnh những chính sách trên, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện?
NDH: Tôi nghĩ xe máy là phương tiện phổ biến, thậm chí là phương tiện mưu sinh của nhiều gia đình.
Việc chuyển đổi đòi hỏi nhiều biện pháp từ cơ quan Nhà nước, như hỗ trợ tài chính; giảm các lệ phí trước bạ với xe mới; hỗ trợ trạm sạc công cộng hoặc miễn phí sạc...
Để khuyến khích người dân bỏ xe cá nhân, Nhà nước có thể có các cơ chế như tặng vé xe buýt.
Tuy nhiên, xe buýt sẽ không đi được tất cả các tuyến phố. Lúc này cần có thêm các đơn vị triển khai các dịch vụ như xe máy điện, xe đạp điện công cộng, như Trung Quốc đã triển khai.
MC: Thưa ông Nguyễn Đại Hoàng, ông nhận định thế nào về việc Hà Nội nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng việc chuyển đổi xe máy, không chỉ dừng ở khu vực vành đai 1?
NDH: Việc triển khai từng bước, theo giai đoạn và sau triển khai cần có những đánh giá. Khi triển khai ở vành đai 1, tác động đến số lượng người dân có thể chưa quá lớn, nhưng khi mở rộng ra vành đai 2 hay vành đai 3, cần phải đánh giá kỹ.
Về vùng phát thải thấp, chúng ta cũng cần bàn đến các phương tiện công cộng đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Có một số phương tiện như xe công trình, xe của đơn vị môi trường, xây dựng vẫn phải chạy hàng đêm.
Lượng khí thải, bụi mịn ban đêm từ phương tiện đó rất nhiều, trong khi thành phố vẫn cần các phương tiện đó để phát triển đô thị. Các nhà quản lý cần nghiên cứu tới việc chuyển đổi đồng bộ không chỉ các phương tiện cá nhân hay các phương tiện giao thông công cộng.
Ngoài ra, để hạn chế được các phương tiện như xe máy, cần có những chương trình liên quan như kiểm định, định danh người dùng... từ đó mới có những thể chế hạn chế người không sử dụng xe "xanh".
Các cơ quan quản lý nhắc nhiều đến việc áp dụng công nghệ, theo tôi, việc áp dụng công nghệ không phải chỉ riêng với các phương tiện công cộng thông thường, mà còn phải liên thông các phương tiện với nhau.
Ví dụ, khi tôi có VNeID, tôi có định danh cá nhân và có thể sử dụng để thuê các phương tiện công cộng hoặc mua vé, hoặc khi tôi mua vé xe buýt thì cần liên thông với vé metro.
Những tiện ích đó sẽ tạo sự thuận tiện cho người dân, và lúc đó người dân sẽ sử dụng nhiều hơn.
Như vậy đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có sự triển khai đồng bộ, có sự đánh giá kỹ trong từng giai đoạn.
View attachment 9222477