Mua gì bây giờ khi tiền mất giá mỗi ngày nhưng bds lại tăng cao quá rồi?
Những ai đã vào hàng ở đầu sóng thì không có gì phải bàn nữa, ngồi rung đùi thôi. Thậm chí xuống tiền khi sóng đã lên một đoạn, nhưng cho đến giờ cũng được một khoản lãi lót vài chục % rồi, thì cũng vẫn vui. Tâm tư nhất chính là các cụ cầm tiền mà chưa biết mua gì. Mua thì sợ đu đỉnh, không mua thì sợ nó lên tiếp, rồi năm sau với ngần ấy tiền còn mua được ít hàng hơn năm nay.
Em nhắc lại bây giờ đang là thời kỳ tiền rẻ. Năm nay chính phủ quyết tâm bơm tiền đã nhiều cỡ nào các cụ thấy rồi, vay bds hiện tại đang khá rẻ và dễ. Bao giờ tiền hết rẻ thì bds mới bất động. Nhưng bao giờ hết? Không biết. Không ai biết kể cả người đứng đầu chính phủ hiện nay. Đơn giản chỉ là vì vĩ mô hiện tại có quá nhiều yếu tố thiên nga đen, và bản thân nhà cầm quyền cũng phải liệu cơm gắp mắm dựa vào các yếu tố đó. Kế hoạch là vậy, mà thực thi giữa đường thấy có nhiều bất cập hoặc tình hình mới quá nhiều thay đổi, họ lại tuỳ chỉnh chính sách thôi. Không nên nghe hơi nồi chõ, tin đồn từ ông này bà kia làm bank rồi đoán chắc nước đi của nhà cầm quyền mà chỉ nên có các kịch bản nếu A thì ta làm gì nếu B ta làm gì, thế thôi. Việc tin vào những thứ "tin mật" chỉ dễ khiến ta bị che mắt khi nhìn thị trường thôi. Dân chứng khoán trăm người đánh theo tin, 99 người ăn đòn, thì ta đừng kỳ vọng ta là người may mắn còn lại, bds nhiều khi cũng vậy. Các hội nhóm đánh ck, đánh bds biển và tỉnh đã chôn biết bao chiến sĩ Hà Nội rồi.
Tiền rẻ thì dễ bong bóng tài sản. Sau một chu kỳ tăng, bds hoàn toàn có thể chững, thậm chí rơi mạnh nhưng cực khó để nó rơi về giá trước khi sốt mà thường đáy sau vẫn cao hơn đáy trước khá nhiều với những bds có giá trị sử dụng thực. Còn loại hàng mang nặng tính đầu cơ chỉ dùng úp bô nhau là chính thì thôi đừng so sánh đáy nữa vì khi nó đáy, nó không có thanh khoản thì tính làm gì nữa.
Trong một chu kỳ sốt bds đủ dài thì hàng gì cũng có thể x lần, hết sốt thì chúng sinh không bình đẳng đâu. Em từng nói nhiều lần với các cụ, đầu tư thì phải có ngưỡng cắt lỗ. Nếu điều tối thiểu này không làm được thì sớm muộn cũng cháy thành than. Ngưỡng cắt lỗ của bds chỉ có ý nghĩa khi đến ngưỡng đó, các cụ muốn bán thì có thể bán. Các cụ có nhớ em nhắc nhiều lần việc muốn an toàn phải mua bds có cầu thực ở không ạ? Sóng tăng thì khu nào chẳng tăng, nhưng lúc rơi thì 1 khu đông dân, cụ bán có người muốn khớp, còn khu đô thị mới bán nhà trên giấy, chưa có ma nào muốn về ở, thì lúc muốn chạy không chạy được đâu. Bây giờ nếu sợ đu đỉnh, thì chỉ nên mua hàng có cầu thực ở thôi, loại đó sẽ có rủi ro giảm giá hay mất thanh khoản ít nhất. Nếu sai mất ít, đúng thì hàng gì cũng có ăn.
Tầm này em không khuyên các cụ vào hàng các kdt để đầu tư, nhất là những khu mới xây, chưa có dân. Bất kể kdt nào giai đoạn đầu cũng có một lượng lớn hàng bán cho dân đầu cơ, mà hội này thì lúc ngân hàng tăng lãi sẽ ném ra bằng mọi giá. Chưa kể nếu khu mới đó cdt còn nhiều hàng thì mình muốn thoát có khi còn dễ bị nhốt hoặc lỗ rất nhiều. Trừ phi các cụ tự tin săn được khu nào các cụ thấy giá còn hời lắm rẻ lắm, thừa tiền mua cầm dài bất chấp lãi lỗ ngắn hạn 1-2 năm tới thì em không ý kiến. Còn nếu kẹt tiền phải bán đúng lúc thị trường kém, thì bán cái cc Royal dễ hơn nhiều so với bán mảnh đất ở VDP nhé. Nếu dư tiền thì hàng nào cũng có thể chơi, hàng rủi ro hơn nhưng kỳ vọng x lần cao hơn mình cũng mua, hàng an toàn cũng mua để lúc cần tiền thì ném hàng an toàn ra là được. Nhưng nếu chỉ có thể chọn duy nhất một món, thì không nên chọn hàng rủi ro. Trước khi nghĩ đến việc làm giàu phải nghĩ đến việc bảo toàn vốn đã.
Còn việc chơi đòn bẩy có nên không, nếu chơi phải lưu ý gì thì em sẽ viết bài sau.