Em từng nghe kể về trường hợp này trong quá khứ. Thủ tục mua nhà thực tế có giấy tờ cọc + hợp đồng mua bán viết tay đúng giá chuyển nhượng + biên nhận tiền mặt từng lần. Hồ sơ thuế là hợp đồng công chứng, kê khai nộp thuế không cần xuất trình chứng từ thanh toán. Thanh toán đủ thì giao chìa khoá nhà và sổ đỏ. Nó như kiểu 2 hệ thống sổ sách của doanh nghiệp ngày xưa, dĩ nhiên làm chặt sẽ bị phạt thuế. Nhưng từ mười mấy năm trước đến giờ vẫn thế.
Trường hợp đã xảy ra là bên mua bên bán thoả thuận mua nhà giá 10, khai thuế 3, thanh toán ngoài 7. Sau giá nhà tăng thì bên bán lật kèo, khởi kiện. Em không nhớ chính xác nội dung cụ thể. Toà xử hợp đồng mua bán vô hiệu, một bên trả nhà, một bên trả tiền - dĩ nhiên là theo hợp đồng công chứng vì pháp luật chỉ bảo hộ giao dịch đúng quy định và có nộp thuế. Sau đó thì ông mua nhà có đòi được phần chênh không em không rõ.
Việc mua bán khuất tất, hoặc mua nhà có sổ đỏ đang thế chấp ngân hàng bao giờ cũng có rủi ro và phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của bên bán. Cá nhân em không mua nhà đất không sổ đỏ, không thanh toán chuyển tiền vào ngân hàng chờ lấy sổ ra, và không biết các cụ có tin không nhưng em kê khai đúng giá, nộp đủ thuế cho người bán (vì em là bên mua tự làm sổ đỏ) từ lâu rồi. Cũng chênh thêm mấy trăm triệu nhưng số em may, thường mua trước sóng nên giá tăng bù lại.
P/s: Em bị ám ảnh tranh chấp đến mức độ cọc em cũng yêu cầu công chứng, mặc dù là sẽ phải cọc nhiều hơn bình thường bên bán mới chịu. Không xoá công chứng thì đừng hòng bán nhà cho ai. Nhưng em có lý do, em sẵn sàng công chứng thanh toán toàn bộ, vì người bán yêu cầu cọc trước để họ dọn nhà nên họ phải chấp nhận ký công chứng cho em. BĐS là tài sản giá trị lớn, người mua người bán gặp nhau một lần trong đời. Tin thế nào được nhau nên tốt nhất là cẩn thận.