Đột phá Thời gian và không gian
Trích Lợi ích của niệm Phật ( Hoà thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Hội Australia ngày 23/06/2003)
Khi chúng ta tu hành có đầy đủ công phu và trình độ, đủ trình độ nghĩa là sao? Nghĩa là đủ định công (khả năng định tâm). Có đủ định công thì có thể giảm bớt vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước của chúng ta; giảm đến một mức nào đó thì cái cảm ứng này sẽ trở nên hiện thực (rất rõ ràng). Họ đến thăm chúng ta hoặc là chúng ta đi thăm họ; cho nên đây là cảnh giới trong [trạng thái] định, không gian và thời gian đều không còn tồn tại nữa, là trong khi nhập định không tồn tại. Cho nên trong định có thể qua lại, liên lạc, có thể đi về quá khứ và có thể đi đến tương lai. Hiện nay nhà khoa học biết được rằng không gian thực sự có nhiều duy thứ tồn tại, nhưng không biết dùng phương pháp gì để đột phá nó (vượt qua ranh giới giữa những duy thứ này).
Giống như những khoa học gia nói đến, trên lý luận họ dùng ‘gia tốc độ’. Nếu tốc độ này nhanh hơn vận tốc ánh sáng trên lý luận thì có thể đi ngược về quá khứ, có thể đột phá không gian. Cho nên trong khi nhập định những người học Phật chúng ta biết được. Trong nhà Phật nói ‘pháp giới’ là danh từ mà khoa học gia gọi là ‘không gian duy thứ’. Tại sao có nhiều pháp giới như vậy? Từ đâu đến? Đều là từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Nếu vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn đã dứt hết, thì không gian duy thứ sẽ không còn nữa, hoàn toàn phá tan. Cho nên không cần biết người thân bạn bè của chúng ta ở trong không gian duy thứ nào chúng ta đều có thể nhìn thấy được, chúng ta đều có thể trực tiếp liên lạc.
Người có thể tiếp xúc với những không gian duy thứ khác sớm nhất [trong lịch sử nhân loại] là những người theo Bà La Môn giáo. Bà la môn giáo có khoảng một vạn năm lịch sử, Phật giáo chúng ta chỉ có khoảng ba ngàn năm lịch sử. Họ cũng là tu ‘định’, từ trong thiền định có thể phá tan không gian duy thứ, cho nên hiện tượng lục đạo luân hồi họ nhìn thấy sớm nhất. Tuy là họ nhìn thấy, nhưng họ không hiểu từ đâu mà có lục đạo. Mãi cho đến lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thế, ngài mới giải thích rõ ràng sự việc này. Cũng có thể nói trong quá khứ họ biết được sự việc nhưng không hiểu rõ nguyên do tạo thành hiện tượng này. Sau khi đức Phật ra đời mới đem nguyên do của lục đạo luân hồi giải thích rõ cho mọi người biết. Đó là do vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước biến hiện làm thành; khi xa lìa vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước thì pháp giới này sẽ biến thành ‘nhất chân’ [pháp giới], thập pháp giới sẽ không còn nữa? Nói một cách khác, không gian duy thứ là không thật có và chỉ là một ảo tướng, không phải chân tướng sự thật.